THIÊN SƠN
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý có ghi, tháng 11 năm 1029 vua Lý Thái Tông phong Đào Văn Lôi là Tả phúc tâm. Với chức vị ấy, ông là một trong những người gần gũi với vua và có thể tham gia vào nhiều quyết định quan trọng của triều đình. Vậy Đào Văn Lôi là ai? Quê quán ở đâu và sự nghiệp ra sao?
Đó hẳn còn là một bí ẩn đối với hầu hết mỗi chúng ta.
*
Tại Xã Diễn Kim (xưa gọi là Làng Hoa Lũy), Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An trước đây có 3 ngôi đền từng được xây dựng và phụng thờ từ mấy trăm năm trước, nhưng sau cách mạng tháng 8, vì những thiên kiến của một số người, tất cả những ngôi đền ấy đã bị phá hủy.
Diễn Kim là vùng đất trước biển sau sông, dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dâu tằm và làm muối. Các cụ già thường kể lại nhiều câu chuyện kỳ lạ về sự linh ứng của thần linh nơi đây chở che cho dân trong những lần bão lớn ập vào làng. Một trong những giai thoại được truyền tụng rộng nhất kể rằng trong đợt hành quân vào phương Nam đánh Chiêm Thành năm 1471, khi thuyền rồng của Vua Lê Thánh Tông đi qua vùng biển Diễn Châu, đêm, vua được thần báo mộng có bão lớn, bèn sai lính cho thuyền đổ bộ lên bờ tránh nạn. Chỗ vua trú ngụ trên đất Hoa Lũy đến nay vẫn được nhân dân Diễn Kim ghi dấu, gọi là Bến Ngự. Sau lần đó, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành thắng lợi, khi về đã ra lệnh lập đền thờ thần ở đất Làng Hoa Lũy. Nhiều sử liệu để lại cũng cho thấy, trước đó, vùng Lạch Vạn –cửa sông Bùng đổ ra biển (là ranh giới địa lý giữa Xã Diễn Kim và Diễn Bích ngày nay) cũng đã từng diễn ra nhiều trận đánh quan trọng giữa quân Đại Việt và quân Chiêm Thành ở phương Nam và kẻ thù phương Bắc. Huyền thoại ở Làng Hoa Lũy kể thần đã phù hộ cho quân của tướng Đinh Lễ trong trận thủy chiến quan trọng tại lạch Vạn năm 1425, góp phần quan trọng để quân Lê Lợi hạ thành Hoan châu, tạo tiền đề đi đến chiến thắng quân Minh 2 năm sau đó.
Nhà văn Sơn Tùng cho biết, sau khi những ngôi đền ở quê bị phá hủy, một người cháu họ ở quê (con một gia đình trước đây đã trông coi đền Trang ở Diễn Kim) đã gửi ra cho ông giữ 18 đạo sắc phong cho thần làng Hoa Lũy. Và chính nhà văn Sơn Tùng đã nhờ một người bạn là chuyên gia về Hán Nôm dịch toàn bộ 18 sắc phong đó từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Mong muốn của nhà văn Sơn Tùng là sau này có điều kiện sẽ khôi phục lại đền và phục hồi lại lễ hội Làng Hoa Lũy, đón 18 sắc phong về quê.
Đầu năm 2010 nhà văn Sơn Tùng kêu gọi nhân dân Diễn Kim khôi phục lại đền Làng. Tháng 6 năm 2010 ông về quê và có tổ chức buổi nói chuyện về lịch sử quê hương Diễn Kim. Sau đó, khi trở lại Hà Nội một thời gian, không may ông bị tai biến và phải nằm viện một thời gian dài. Vì vậy, tôi đã tiếp tục tìm hiểu lịch sử các ngôi đền ở Làng Hoa Lũy trên cơ sở tư liệu nhà văn Sơn Tùng để lại và tiến hành khảo sát thêm, bổ sung các nguồn tư liệu mới.
Từ bản dịch sắc phong mà nhà văn Sơn Tùng đã cho dịch trước đây, tôi đã nhờ nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực này rà soát và biên tập thành một bản dịch hoàn chỉnh hơn. Qua đó chúng tôi tiến hành phân loại, thì thấy trong 18 đạo sắc trải dài trong 157 năm, đạo sắc cổ nhất là đời Lê Cảnh Hưng năm 28 (tức 1767), đạo sắc gần nhất là đời Nguyễn Khải Định năm thứ 9 (tức 1924), trong đó sắc phong cho 3 vị thần.
- Bản thổ linh quan
- Đại vương đô thái úy Thành quốc công
- Đông hải thái thú đại ngư ông.
Đông Hải Thái thú đại ngư ông được xác định là cá lớn (đại ngư), tức cá voi. Tục thờ cá voi cũng là một hiện tượng phổ biến của các ngư dân vùng ven biển.
Vấn đề đặt ra là phải xác định rõ thêm về lai lịch 2 vị thần còn lại.
Chúng tôi đã tiến hành tìm trong các tài liệu cổ, trong thư tịch còn lại của viện Hán Nôm, với hy vọng tìm ra thần tích của vị thần Bản thổ linh quan, nhưng không tìm thấy tài liệu nào có thể làm rõ thêm những điều được ghi trong các sắc phong. Mà nội dung ghi trong sắc phong thì vô cùng vắn tắt, ngắn gọn. Ví dụ đạo sắc Cảnh Hưng năm thứ 28 ghi: “Sắc cho bản thổ linh quan, cai quản vùng đông bắc, là vị đại thần thông minh mưu lược, quyết giữ vận mệnh nước nhà, che chở cho dân, công nhiều đức lớn, sáng suốt mạnh mẽ, đôn hậu hiền hoà, rộng lòng yêu người, mưu cao tài giỏi, trung thành, chính trực, đem lại vui sướng cho dân. Linh thiêng bậc nhất, có công lớn giúp Vua, ngăn tai cản nạn, giữ yên bờ cõi.”
Trước đây, nhà văn Sơn Tùng, bằng nguồn tư liệu riêng của dòng họ và truyền khẩu dân gian, kết hợp với những cứ liệu lịch sử do ông thu lượm được, trong một bài viết về quê hương, ông đã viết như sau: “Đền Cả ở thôn Thượng gọi nôm là thôn trên, nơi xuất xứ Kẻ Lũy. Đền Cả thờ thần thời Lý Nam Đế (Lý Bôn) quốc hiệu Vạn Xuân. Vùng biển Hàm Hoan (Diễn Châu), nơi diễn ra nhiều trận ác chiến (trong đó có Trang Hoa) giữa quân Lâm Ấp với quân ta, do Phục Man tướng quân Phạm Tu và Tả Tướng quân Triệu Quang Phục chỉ huy. Dẹp xong giặc Lâm Ấp, về sau dân ở Đức Thịnh, nay là xã Diễn Hải dựng đền thờ Triệu Quang Phục. Bên làng Hoa có đền Cả. Trước hai đền là cánh đồng màu rộng lớn, gọi là Đồng Ngô. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hàng năm đến ngày rằm tháng Ba (âm lịch), họ Bùi cúng giỗ tổ ở nhà thờ họ, đồng thời bày biện lễ vật tế tổ tại cánh Đồng Ngô. Ông tổ Mạnh Bá Đại tướng quân Bùi Văn Thôn tử trận tại đây.”
Như vậy, nhà văn Sơn Tùng đã cho chúng ta biết, vị thần Bản thổ Linh quan thờ tại đền Cả của xã Diễn Kim chính là Phạm Tu tướng quân (có tài liệu nói Pham Tu chính là Lý Phục Man), một vị đại thần của thời Tiền Lý.
*
Việc của chúng tôi là tập trung tìm hiểu vị thần được phong là Đại vương đô thái úy Thành quốc công thờ tại đền TRANG – trung tâm của xã Diễn Kim ngày nay.
Tôi và anh Chu Xuân Giao đã khảo sát trong các tài liệu cổ, xác minh nhân vật trong sắc phong chính là ĐÀO VĂN LÔI. Nhưng trong các tài liệu bằng chữ quốc ngữ hiện thời có ghi khá lộn xộn. Có một số ý kiến cho rằng ĐÀO VĂN LÔI là con của Đào Cam Mộc (người được phong Tín Nghĩa hầu dười thời Lý Thái Tổ, sau khi mất được phong Thái Sư, Á Vương, là một trong những nhân vật quan trọng nhất đưa Lý Công Uẩn lên ngôi).
Tình cờ, tôi đã đọc được ý kiến tranh luận của ông Lương Thế Phiệt (đăng trên Website Hội nhà văn Việt Nam), ông Phiệt người ở làng Vân Tra (thuộc Xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng). Ông Lương Thế Phiệt cho biết, vị ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI hiện được thờ tại ĐỀN VÂN TRA, là một trong những ngôi đền cổ nhất của Hải Phòng (gần 1000 năm), đền đã được công nhận là di tích quốc gia năm 1994. Đào Văn Lôi có quê mẹ ở làng Vân Tra, quê nội ở Nghệ An, cha của Đào Văn Lôi là Đào Mộc chứ không phải là Đào Cam Mộc như một số tài liệu nói.
Nhận được thông tin này tôi đã liên hệ với ông Lương Thế Phiệt và ông Phiệt hết sức vui mừng viết thư cho tôi nói rằng, từ bao nhiêu năm nay, người làng Vân Tra vẫn chờ đợi một ngày nào đó, sẽ có một người từ quê nội của Thần liên hệ với bên ngoại, nhưng mãi bây giờ mới thấy. Ông Phiệt cũng cho biết, thần tích đền Vân Tra đã được ông Ngô Đăng Lợi, một trong những nhà nghiên cứu lịch sử địa phương của Hải Phòng sơ dịch. Bản chính của thần tích còn được lưu giữ trong viện Hán Nôm.
Tôi đã liên hệ với chị Đỗ Bích Tuyển, hiện là nghiên cứu sinh, công tác lâu năm tại Viện Hán Nôm Việt Nam. Chị Tuyển đã tìm được và dịch bản thần tích này ra chữ quốc ngữ.
Bản thần tích này do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bản chính vào niên đại Hồng Phúc (1572-1573), và Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, Nguyễn Hiền sao chép lại ngày mồng 7 tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).
Nội dung bản thần tích cho biết nhiều nội dung quan trọng như sau:
Về lai lịch: Thần tích kể, cha của Đào Văn Lôi người gốc Hoan châu, có tên là Mộc, trước có họ Nguyễn, sau đổi thành họ Đào… Mộ của mẹ ông Đào Mộc nằm trên núi Tung Sơn phía bắc dãy Tản Lĩnh (chúng tôi xác định nơi này có thể thuộc về xã Trung Sơn, huyện Đô Lương ngày nay). Mẹ Đào Văn Lôi là Đỗ Thị Uyển, người làng Vân Tra, thuộc Hải Phòng ngày nay. Sở dĩ có mối lương duyên giữa ông Đào Mộc và bà Đỗ Thị Uyển là vì ông Đào Mộc thời thanh niên rời quê ra Tràng An theo học. Nhờ một người bạn đưa về Vân Tra mà nảy nở mối lương duyên. Sau khi ông Mộc và bà Uyển cưới nhau thì họ trở lại Tràng An sinh sống. Đào Văn Lôi được sinh ra năm Đinh Hợi (987) ở Tràng An, và ở đó đến năm 13 tuổi thì cha mất, theo mẹ về Vân Tra sinh sống.
Đào Văn Lôi lúc nhỏ học hành thông tuệ. 24 tuổi đỗ đầu ở kinh đô, được cho vào làm ở Hàn Lâm Viện, rồi phong làm Phủ Úy Sơn Tây, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Vì có tài lại nổi tiếng thanh liêm, yêu dân như con, sau được gọi về kinh phong làm Đô Đài, rồi Bình Chương sự, Nội Thị. Có công trong dẹp loạn tam vương nên được phong làm Tả phúc tâm. Từ đó về sau lần lượt được phong làm Trung thư thị lang, Tả tham tri chính sự, rồi Thái Úy Thành Quốc công.
Cuối đời Đào Văn Lôi về thăm quê và qua đời ở núi Kim Nhan (nay là huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), vua Lý Thánh Tông đã lệnh cho nhân dân lập đền thờ.
Điều lưu ý là trong bản thần tích có đề cập đến một số nội dung mà trong Đại Việt sử ký toàn thư không ghi, hoặc ghi rất chung chung. Ở đây, tôi xin nêu ra một số điểm.
1. Đại Việt sử ký toàn thư ghi trận đánh giặc Man (tức Mán Hạc Thác) (1014) vua cử Dực Thánh Vương cùng các tướng đi đánh; trong thần tích ghi rõ Đào Văn Lôi cùng với Dực Thánh Vương đã đánh tan 20 vạn quân Man ở trại Ngũ Hoa.
2. Đại Việt sử ký toàn thư ghi, trong loạn tam vương, khi Lê Phụng Hiểu từ cửa Quảng Phúc xông đến chỗ Vũ Đức Vương, vương đem ngựa tránh, ngựa khuỵu xuống, Phụng Hiểu bắt đươc và giết Vũ Đức Vương. Trong thần tích lại ghi, nội thị Đào Văn Lôi cũng có mặt lúc đó, chính Đào Văn Lôi chém ngựa Vũ Đức Vương khuỵu xuống nên Lê Phụng Hiểu mới bắt và giết được Vũ Đức Vương nhanh chóng.
3. Trận đánh Chiêm Thành năm (Giáp Thân) Đại Việt sử ký toàn thư ghi Quách Gia Di chém đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu. Trong thần tích ghi Đào Văn Lôi cùng với Quách Gia Di chém đầu Sạ Đẩu và chính nhờ thành tích này ông được phong Thái Úy Thành quốc công.
….
Trong thần tích có những chỗ thần thánh hóa nhân vật. Nghĩa là có nhiều điểm dựa trên sự hư cấu của người viết, nhưng cũng có nhiều yếu tố hiện thực gần với chính sử.
Có một điều chúng tôi muốn nói ở đây: Đại Việt sử ký toàn thư bản nội các quan bản hoàn chỉnh và in lần đầu năm 1697, được soạn bởi nhiều đời sử quan thời hậu Lê, dựa trên những tài liệu trước đó (sớm nhất là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thời Trần) trước Lê Văn Hưu, hầu như lịch sử chỉ tồn tại ở dạng truyền thuyết đã có nhiều biến tấu theo tâm thức dân gian. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chứa đầy màu sắc huyền thoại và nhiều phần trong số đó không thể kiểm chứng. Trong khi bản thần tích về Đào Văn Lôi chúng tôi có trong tay là do Nguyễn Bính soạn bản chính vào niên đại Hồng Phúc (1572-1573) và được Nguyễn Hiền chép lại năm 1736. Như vậy, hai văn bản này, về cơ bản được biên soạn vào những thời điểm lịch sử không xa nhau. Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi về Đào Văn Lôi không đậm nét như tầm vóc được truyền tụng của ông? Đó hẳn còn là một bí ẩn của lịch sử. Theo chúng tôi, có thể, thời kỳ đầu nhà Lý, những tư liệu còn lại không nhiều, gây khó khăn cho các sử gia. Đến cả Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc mà lịch sử cũng chỉ dành có mấy dòng, vậy Đào Văn Lôi không được nhắc đến nhiều cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng có thể, có những lý do riêng trong lịch sử mà chúng ta chưa hiểu hết, đã khiến nhân vật này ít được đề cập trong chính sử.
*
Thời kỳ nhà Lý, vùng Hoan châu vẫn bị coi là Trại, lại thường nổi lên chống đối triều đình. Những người ở vùng này cho đến những thế kỷ sau vẫn ít có người đỗ đạt được triều đình trọng dụng. Trong lịch sử xứ Nghệ, Mai Hắc Đế là ông vua sớm nhất nổi lên chống giặc Phương Bắc, còn ĐÀO VĂN LÔI có thể là người đầu tiên đỗ đạt và làm quan đến hàng Thái Úy, rồi lại được xếp vào hàng Thái Bảo. Đó, hẳn nhiên là một niềm tự hào của người xứ Nghệ, nhưng hàng chục năm nay, người xứ Nghệ đã quên lãng.
Sau khi có trong tay bản thần tích, chúng tôi tiến hành khảo sát trên thực tế. Đoàn gồm ông Nguyễn Trọng Thể (Trưởng ban Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội), anh Chu Xuân Giao và tôi đã vào tận Kim Nhan, thuộc huyện Anh Sơn, rồi đến xã Trung Sơn thuộc huyện Đô Lương (nơi mà chúng tôi xác định là có núi Tung Sơn), những nơi này đền thờ cũ đã bị phá hết. Chúng tôi lại đến xã Nghi Thái (thuộc huyện Nghi Lộc) – một địa danh mà theo cuốn Di sản hán nôm Việt Nam chúng tôi xác định là có thờ Đại Vương đô thái úy thành quốc công Đào Văn Lôi. Ở đây, ngôi đền cũng bị phá, chỉ còn lại một nền đất nhân dân để một bát hương để thắp vào rằm, mồng một hàng tháng.
Chúng tôi cũng đã lập một đoàn vận động xây dựng lại Đền TRANG tại xã Diễn Kim do Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội làm nòng cốt, kết hợp với Ủy ban nhân dân xã Diễn Kim. Chúng tôi đã lên trình bày với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Chúng tôi cũng đã làm việc với đồng chí Trần Chiến Thắng, thứ trưởng bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, và vào làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ở tất cả những nơi đó, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo. Đồng chí Phan Đình Trạc đã về tận xã Diễn Kim thăm lại di tích, nơi đã từng thờ ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG.
Từ cảm thức, chúng tôi cho rằng, sở dĩ phải lập lại đền thờ Đại vương đô thái úy thành quốc công Đào Văn Lôi là vì: Trên quê hương xứ Nghệ, một mảnh đất anh hùng và văn hiến, nên có ít nhất một nơi thờ tự một vị anh hùng, một bậc đại trí thức, một bậc đại công thần thời hậu Lý mà từ lâu nhân dân đã phong thánh.
Tôi vẫn nhớ lời đồng chí Phan Đình Trạc đã nói với chúng tôi trong buổi làm việc của đoàn, rằng nên mở một hội thảo về ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI. Đó là việc cần làm sớm. Và trong tương lai, trên đất xứ Nghệ nên có một con đường mang tên ĐÀO VĂN LÔI.
Tôi nhớ mãi khi đoàn đại diện Ban liên lạc đồng hương Diễn Kim do ông Nguyễn Trọng Thể dẫn đầu, cùng anh Lê Trí Trịnh, Chu Quang Thiện, Bùi Thái Trọng, Chu Xuân Giao và tôi xuống đền Vân Tra dự lễ Khánh hạ ngày 10/8 âm lịch năm 2010, nhân dân Làng Vân Tra đã kéo ra hàng trăm người ôm chầm lấy chúng tôi. Người dân nói, đây là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa đoàn đại diện quê nội của đức thánh ĐÀO VĂN LÔI với quê ngoại của Ngài.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 1025 năm ngày sinh của ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI, nhân dân Diễn Kim đã chính thức khôi phục lại lễ hội làng Hoa Lũy và làm một Am thờ ngài trên nền cũ ngôi đền khi xưa. Toàn dân nô nức đi dự hội. Lòng vui khôn xiết sau nửa thế kỷ lại được thắp nén hương dâng lên vị thần làng, một vị công thần lập quốc ngàn năm trước, và là một ông tổ hiển vinh của người xứ Nghệ. Trong ngày lễ thiêng liêng đó, nhân dân được đọc lại những sắc phong của các đời vua thời trước phong cho thần. Ở đây xin trích đạo sắc năm Cảnh Hưng 44 (1783): “Đại Vương Đô Thái uý, Thành quốc công, gia phong là đấng cầm quyền trung hậu, theo điều nhân nghĩa, nêu cao tiết tháo, mưu lược sâu rộng, mạnh mẽ cương nghị, phù bật quân vương, khang dân, trạch vật, giúp đời, linh ứng. Lòng dạ sắt đá, chí phí sáng trong. Nơi trận tiền liều mạng trung tinh, hiển hách tự Thiên lôi; tấm thân tiết nghĩa lưu tiếng thơm mãi về sau. Sáng chói như mặt trời, tinh tú, thật đáng ngợi khen, vinh dự đã nêu cao…”
Trên những tư liệu hiện có, mùa thu năm 2012 này, tôi đã viết cuốn sách mang tênHoa Ưu Đàm lại nở, đó là một cuốn truyện lịch sử về cuộc đời và thời đại của Thái Úy Thành quốc công Đào Văn Lôi, thể hiện dưới dạng một truyền thuyết hiện đại xen giữa hư cấu và lịch sử, giữa hiện thực và huyền thoại.
Mong rằng, mọi người dân xứ Nghệ, dù ở nơi đâu, hãy góp một tấm lòng, để sớm khôi phục lại được ngôi đền khang trang thờ ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI. Con người vĩ đại được phong thánh từ gần 1000 năm trước ấy, mãi mãi là niềm tự hào và niềm tôn kính của chúng ta.
Hà Nội, Thu 2012
T.S