Làng Canh Hoạch, nơi phát tích hiền tài đất nước ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Làng Canh Hoạch, nơi phát tích hiền tài đất nước


Nguyễn Thuỳ Linh
(Văn Hiến) - Cách Hà Nội hơn 20 cây số về hướng Tây Tây Nam, từ Hà Đông theo Quốc lộ số 6, đến Ba La, rẽ trái, theo đường 22 tới Ngã tư Vác, ta sẽ đến một ngôi làng cổ – mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt, nơi phát tích của nhiều bậc hiền tài đất nước.
Làng có tên nôm là làng Vác (xưa là Cổ Hoạch), nay là làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), Hà Nội. Nơi đây có dòng họ Nguyễn, một dòng họ nổi tiếng có “Trạng cậu, Trạng cháu”, sinh nhiều danh thần, danh tướng, nhiều người đỗ đại khoa có công với dân, với nước. Đây cũng là nơi phát tích của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền đã sinh ra Đại thi hào - Danh nhân Văn hóa Thế giới – Nguyễn Du.
Dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch mà khởi thủy là Nguyễn Bá Ký có quan hệ thân tộc với dòng họ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê. Sau khi Nguyễn Trãi bị triều đình quy tội tru di tam tộc, họ Nguyễn làng Canh Hoạch phải đổi sang họ Phạm để tránh liên lụy. Nguyễn Bá Ký đổi thành Phạm Bá Ký. Năm Quý Mùi (1463), đời Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi đình. Phạm Bá Ký dự thi và đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được khắc tên trên văn bia Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ông ra làm quan, giữ đến chức Binh bộ Thượng thư. Sau khi Nguyễn Trãi được Lê Thánh Tông minh oan, Phạm Bá Ký và con cháu dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch cũng bỏ họ Phạm, lấy lại họ Nguyễn.
“Hổ phụ sinh hổ tử”, con trai của Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký là Nguyễn Đức Lượng học giỏi, đỗ đạt cao hơn cha. Nguyễn Đức Lượng (1465 - ?) vốn có tên là Hề. Tại khoa thi năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (năm 1574), đời Lê Tương Dực, khi đã bước vào tuổi 50, Nguyễn Đức Lượng ứng thí và đã trúng Bảng Vàng Trạng nguyên. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được vua Lê Tương Dực ban tên là Đức Lượng. Khoa thi này cả nước có 5.700 người dự thi, lấy đỗ Tiến sĩ 43 người. Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ. Ông được bổ đi sứ phương Bắc, sau thăng chức Thượng thư.
Tiếp bước cha, con trai của Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng là Nguyễn Khuông Lễ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (năm 1535), đời Mạc Đăng Doanh. Tiến sĩ Nguyễn Khuông Lễ làm quan đến chức Hữu Thị lang, tước bá, từng được cử đi sứ nhà Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký có người con gái, chị của Nguyễn Đức Lượng, tên là Nguyễn Thị Hiền. Đến tuổi xây dựng gia đình, bà được gả cho Nguyễn Doãn Toại là con trai ông Thám hoa Nguyễn Doãn Địch – nguyên quán xã Cảo Dương (nay là thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ)), trú quán xã Canh Hoạch, nay là thôn Canh Hoạch, xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nguyễn Doãn Địch đỗ Thám hoa khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (năm 1481), đời Lê Thánh Tông; làm quan đến chức Hữu Thị lang. Bà Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Doãn Toại sinh được cậu con trai đặt tên là Nguyễn Thiến, có tên hiệu là Cảo Xuyên. Ngay từ 6 tuổi, bà Hiền đã cho Nguyễn Thiến theo học cậu là Nguyễn Đức Lượng. Năm 38 tuổi, Nguyễn Thiến đi thi và đã đỗ Hội nguyên, được vua Mạc Đăng Doanh ban Đệ nhất giáp đệ danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn năm Đại chính thứ 3 (1532). Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam vẫn nói đến Trạng cậu (Nguyễn Đức Lượng) – Trạng cháu (Nguyễn Thiến), là vậy. Và đây cũng là hiện tượng duy nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta.
Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495 – 1557) là bạn thân với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đỗ trước Trạng Trình 1 khóa. Trạng nguyên Nguyễn Thiến làm quan dưới triều Mạc tới chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập nội kinh diên, tước Thư quận công. Ông thông gia với Phụng Quốc công Lê Bá Ly. Sau vì bất mãn với nhà Mạc, ông cùng với thông gia là Đại tướng Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê Trung hưng. Vua Lê Trung hưng ban thưởng, cho giữ nguyên các chức tước, đảm trách việc tuyển mộ quan lại cho nhà Lê trong khoảng 8 năm. Ông mất năm Thiên Hựu (năm 1557), đời Lê Anh Tông, thọ 63 tuổi.
JPEG - 40 kb
Nghề làm quạt làng Vác
Con trai Trạng nguyên Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện, học trò Trạng Trình, song lại không theo nghiệp văn mà theo nghiệp võ. Nguyễn Quyện là một danh tướng lỗi lạc thời Mạc. Là người con có hiếu, sau khi cha Nguyễn Quyện là Trạng nguyên Nguyễn Thiến và thông gia Lê Bá Ly bỏ nhà Mạc, quy thuận nhà Lê Trung hưng, ông đã theo cha quy thuận triều Lê - Trịnh. Song, sau khi cha chết, Nguyễn Quyện và em trai là Nguyễn Miễn trở lại phục vụ nhà Mạc. Ông là một tướng tài, cầm quân đánh một số trận lớn thắng ròn rã đã làm thanh thế quân nhà Mạc cường mạnh hẳn. Dân gian thời ấy có câu đề cao công lao của Nguyễn Quyện đối với triều Mạc: “Quyện tồn mạc tại/ Quyện bại Mạc vong”. Trong thời gian tại chức, Nguyễn Quyện đã mang một bộ phận quân về xây dựng căn cứ quân sự lớn và mở mang thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch, từ ngã tư Vác đến hết làng Tảo Dương. Đại bản doanh là khu nhà để sắc hiện nay ở làng Canh Hoạch. Chiến công của Nguyễn Quyện lẫy lừng đất nhà Mạc, vua Mạc phong cho ông lên bậc Thượng quốc công, rồi Thái bảo. Nhờ thanh thế của ông dân chúng quê hương ông rất tự hào. Thời ấy có câu ca:
Gái thì bẩy huyện xứ Đông
Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường.
Bẩy huyện xứ Đông là quê hương nhà Mạc, còn Gạo (tức làng Tảo Dương), Vác (tức làng Canh Hoạch) là quê quán và trú quán của Thường quốc công Nguyễn Quyện. Trai gái ở những nơi trên giỏi giang, trung thành với nhà Mạc. Các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều đánh giá cao tài năng quân sự của Nguyễn Quyện.
Theo dòng trôi chảy của lịch sử mấy trăm năm trước, có một chi họ Nguyễn làng Canh Hoạch đã dời đi sinh sống và lập nghiệp ở vùng Nghệ – Tĩnh, trong đó có vùng đất Tiên Điền. Điều này đã được khẳng định qua phả hệ dòng họ Nguyễn Du ở Tiên Điền. Trạng nguyên Nguyễn Thiến sinh ra Nguyễn Miến tước Phù Hưng hầu. Người con thứ ba của Nguyễn Miến là Nguyễn Nhiệm (Nhậm), tước Nam Dương hầu. Năm 1601, Nguyễn Nhiệm tụ binh chống lại nhà Lê ở vùng Hoàng Giang (Ninh Bình), song bị thất bại, phải chạy vào ẩn cư ở Tiên Điền. Ông chính là cụ tổ của họ Nguyễn làng Tiên Điền sau này sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du – Tác giả Truyện Kiều bất hủ - Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Nhớ ơn công đức tổ tiên, ngay từ thời Hậu Lê, con cháu dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch đã góp công góp của xây ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn ở Canh Hoạch. Đến năm 1821, dưới triều Nguyễn, đền được tu tạo, đến nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ thủa ấy. Nhà thờ có kiến trúc chữ Nhị (chữ Hán), gồm nhà thờ và tòa tiền tế. Phía trước nhà thờ là Ao Bia ghi sự tích dòng họ. Cổng vào nhà thờ có 2 cột trụ, trên đỉnh trang trí đèn lồng và bông sen cách điệu. Gian giữa treo bức hoành phi với 3 chữ lớn “Trạng nguyên từ”. Trong khám thờ sơn son thếp vàng có đặt bài vị cụ tổ họ Nguyễn. Ở gian bên phải có cỗ ngai trên đặt chân dung Nguyễn Trãi và gian bên trái có khám thờ “Trạng cậu” – Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, “Trạng cháu” – Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Hiện, trong nhà thờ còn giữ được một số hiện vật quí: hai bia đá tạc từ thế kỷ XVII, cuốn gia phả dòng họ, các sắc phong thần, một số câu đối sơn son thếp vàng. Đơn cử một đôi câu đối được thể hiện bằng một bút pháp mềm mại, uyển chuyển, có nội dung:
“Cữu Trạng nguyên, sanh Trạng nguyên, nhất giáp khoa danh quang sử bút / Phụ Tiến sĩ, tử Tiến sĩ bát truyền chung đỉnh dụ gia khương”
 
Dịch nghĩa:
 
Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa bảng đỗ đầu, sáng ngời sử sách / Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời hưởng lộc vua ban, phúc lớn gia truyền.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, tháng 1/1995, nhà thờ họ Nguyễn ở Canh Hoạch đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Tại vùng đất khoa bảng, nhân dân rất trọng lễ nghĩa. Theo văn bia, hàng năm, cứ đến ngày Tết, ngày giỗ “Trạng cậu”, “Trạng cháu”, các vị chức sắc của làng đều đem lễ vật đến thắp hương tại từ đường họ Nguyễn. Vào ngày hội làng 11 tháng 3 âm lịch, cùng với việc rước các vị thần làng về đình, các bô lão ở Canh Hoạch còn rước ba cỗ kiệu cùng cờ, biển đến rước ngai, bài vị các vị thủy tổ họ Nguyễn về đình tế hội đồng. Hội làng kéo dài từ ngày 11 đến 15 tháng 3 âm lịch. Chiều 15, lễ rước thánh hoàn cung. Hiện nay, hội làng Canh Hoạch đã được khôi phục giữ nguyên lệ đẹp này. Tại làng Canh Hoạch còn một nơi thờ một danh nhân họ Nguyễn nữa là Thường Quốc công Nguyễn Quyện. Nơi thờ ông có tên là Nhà Sắc hay đình Sắc. Nhà Sắc có kiến trúc kiểu chữ Nhất, ba gian, hai bên có tả hữu mạc. Gian giữa đặt long ngai và bài vị Thường quốc công Nguyễn Quyện, gian bên phải để hòm sắc của các triều đại phong kiến phong cho các vị thành hoàng, gian bên trái đặt bài vị bà Hậu, tức bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, tục gọi là Bà Chúa Thuận, con Trạng nguyên Nguyễn Thiến.
Với vị thế địa linh sinh nhân kiệt như vậy, làng Canh Hoạch được đánh giá là một trong ba nơi có vị trí quân sự quan trọng và là nơi cư dân sầm uất, kinh tế phát triển ở vùng ngoài kinh thành Thăng Long xưa, đã đi vào câu ca có tự ngàn xưa:
Thứ nhất Cổ Bi
Thứ nhì Cổ Loa
Thứ ba Cổ Hoạch
Theo Văn Hiến 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ