Một số dòng họ Phạm ở Thái Bình ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Một số dòng họ Phạm ở Thái Bình

1690. Họ Phạm x. An Vũ, h. Quỳnh Phụ.
Từ đường tại th. Đại Điền, tọa lạc trên khuôn viên rộng 3 - 4.000 m , nay con cháu vào ở, chỉ còn 283 m . Bố cục chữ "Khẩu". Bái đường 5 gian. Đồ thờ tự đủ nhang án, sập thờ, long đình, bát bửu và một bộ khám rất đẹp. Bảo vật quý nhất là tấm biển ân phong của vua Tự Đức cho tổ mẫu (vợ cụ Phạm Văn Sản, tức Hiệp Sản) có công "Lạc quyên nghĩa phụ", đóng góp nhiều tiền của ủng hộ quốc gia lo việc bình ổn thiên hạ, chống giặc ngoại bang.
Từ đường này là nơi gặp gỡ của con cháu cụ Hiệp Sản gồm các cựu Chánh tổng, Lý trưởng và đương kim lý dịch ... cùng với thông gia là Ngự sử Phạm Huy Quang lo việc Cần vương chống Pháp. Tại đây, Đề đốc Tạ Hiện cũng đã cùng với nghĩa sĩ  h. Đông Quan bàn việc chống Pháp. Được xếp hạng DTLS cấp tỉnh (2004).
1691. Họ Phạm th. Cao Mỗ, x. Chương Dương, h. Đông Hưng.
Nguồn gốc từ Sơn Tây về, tính từ khi có người thành đạt đến nay khoảng hơn 200 năm, truyền 12 đời. Vào đời Lê Hiển Tông (1740-1786) có cử nhân Phạm Huy Đĩnh làm quan, được thăng tới chức Tể tướng, tước quận công.
1692. Họ Phạm l. Đoan Túc, nay thuộc ph. Tiền Phong, tp. Thái Bình.
Có lịch sử gần 500 năm, đến nay có 3 chi với 200 hộ. Tổ là Phạm Phó Cường sinh năm Nhâm Tuất (1562), từ Thanh Hóa về. Lịch sử kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Thái Bình còn ghi nhận tấm gương bất khuất, trung kiên của Phạm Hữu Bí (đời thứ 8) và 3 người em ông.
1693. Họ Phạm th. Đông Linh, ttr.  An Bài và th. Dục Linh, x. An Ninh.
Tổ tiên là người Gia Lâm,  Kinh Bắc đi buôn bán, rồi đến ở đây từ thời Lý. Do có công dạy chữ, dạy nghề và lễ giáo cho dân nên dân làng tôn là một trong tám tiên công mở đất gồm: Phạm, Nguỵ, Đàm, Hà, Nguyễn, Vũ, Bùi, Đỗ. Thời Hồ và thuộc Minh có Phạm Nhữ Dực - một nhà thơ nổi tiếng. Thời nhà Minh đô hộ có Phạm Bôi đã khởi nghĩa chống giặc ngay tại quê nhà, sau vào Lam Sơn tụ nghĩa, có mặt trong hội thề Lũng Nhai (1416), được phong Thái úy, cuối đời về trí sĩ và mất tại quê nhà với tước Thái bảo, được dân l. Đông Linh thờ làm Thành hoàng. Thời Lê có TS Phạm Như Trinh quê l. Mai Xá có tài văn chương, dân trong vùng còn nhớ câu: "Văn chương Mai Xá, đục đá Quốc Oai".
1694. Họ Phạm l. Nam Huân, nay thuộc x. Đình Phùng và l. Cao Bạt, x. Nam Cao.
Từ Bất Bạt, Sơn Tây (nay là Hà Nội) về mở đất từ 1524, đến nay được gần 500 năm, truyền 20 đời. Triệu tổ Phạm Trung Tín, Phạm Thu Trung từng phò vua Lê Thế Tông chinh chiến ở Cao bằng. Con dâu Nguyễn Thị Thông là tổ nghề gai vó.  Phạm Huy Hãn quyên tiền giúp vua Cảnh Hưng, chức Huyện thừa; Phạm Quang Độ cứu Gia Long.  Nhiều đời có công đánh cướp, được triều đình truy nhận công lao. Trong  lịch sử  hiện đại có Phạm Quang Lịch, Phạm Bái làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Phạm Thuần làm Chủ tịch t. Phú Thọ, 1 trung tướng, 1thiếu tướng.
Tại th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. Trước 1945, nhà chính 5 gian, dựng kiểu lòng thuyền tứ trụ, chồng đấu hoa sen, đóng cánh cửa khay; bị phá dỡ trong KCCP. Năm 1984, Bảo tàng t. Thái Bình đã mời các vị cao tuổi trong họ cùng các đồng chí lão thành cách mạng từng hoạt động tại đây tọa đàm về cảnh quan, cấu trúc nhà cũ, sau đó dựa vào phần móng tường, chân tảng còn lại xây dựng nhà thờ mới, gồm 3 gian đều lắp kèo kẻ, cột xẻ vuông, bào trơn đóng bén, cánh cửa pa nô. Hiện vật quý nhất còn lại là cuốn gia phả họ Phạm chép tỉ mỉ về thân thế sự nghiệp, công đức các liệt tổ, liệt tông 18 đời.
 
Từ đường họ Phạm là cơ sở của chi bộ Đảng h. Kiến Xương và là nơi đặt nhà in tài liệu cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Được xếp hạng DTLS cấp tỉnh (1997).
1695. Họ Phạm l. Phú Khê, nay thuộc x. Hồng Việt, h. Đông Hưng.
Từ mạn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) xuống định cư, đến nay là đời thứ 11. Người họ Phạm chiếm tới hơn 80% dân số (hơn 1000 người) của th. tứ. Hiện có hai ngành Phạm Quang, Phạm Văn. Mỗi ngành có nhiều chi, chưa xác định được mối quan hệ. Ngày nay họ Phạm có 1 Phó giáo sư, Tiến sĩ; 4 thạc sĩ; 33 cử nhân; 142 người đã tham gia bộ đội (có 14 liệt sĩ), 11 sĩ quan cấp tá, 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
1696. Họ Phạm l. Bác Trạch, nay thuộc x. Vân Trường, h. Tiền Hải.
Không rõ nguồn gốc, đến đây từ thời nhà Hồ. Vào đời Lê Thánh Tông (1460-1497) khi lập khoán ước giữa 3 làng Bác Trạch, Phương Trạch, Quân Bác đã xác định họ Phạm cùng họ Nguyễn, họ Lương là những tiên công mở đất ở vùng này. Vào đời Cảnh Hưng có thượng tướng quân chỉ huy quân cấm vệ là Quận công Phạm Đình Sĩ, con trai là Đô đốc kiêm Hiệp lý Bộ Binh - Lân Dương hầu Phạm Đình Thiện. Cả hai cha con đều được liệt vào hàng bề tôi tiết nghĩa của nhà Lê.
1697. Họ Phạm l. Phương Trạch, nay thuộc x. Phương Công, h. Tiền Hải.
Gia phả họ này đến nay chép được 21 đời, trải trên 600 năm. Cụ thủy tổ được ghi tên tự là Tất Hiếu, húy là Liên, Thụy là Trung Chính. Quê gốc ở Hà Nội, vì lánh nạn phải chuyển cư vào Thanh Hóa và tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Phạm Thị Trần làm thứ thất của Lê Lợi, sinh ra Lê Nguyên Long vào năm Thái Tổ khởi nghĩa thứ 6, Quý Mão (1423), sau nối ngôi vua là Thái Tông hoàng đế. Sau khi cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Phạm Văn Xảo được ban quốc tính, đứng ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các khai quốc công thần, hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu. Phạm Tri Vận là họ ngoại, được làm tri Tả hữu ban, phong liệt hầu (Tả hữu ban nắm kho tàng của nhà nước). Tri Vận vì có công làm con tin trong thành, được tặng phong Nguyên cữu Quan nội hầu. Sau khi Phạm Văn Xảo bị nghi oan và bị bức tử, con cháu họ Phạm phải mai danh ẩn tích, hậu duệ là hai chi họ Phạm l. Thư Điền và l. Phương Trạch. Đời thứ 5 có Phạm Viết Chu, chức Đội trưởng bảo vệ kinh thành, năm Nhâm Dần (1782) triều đình có việc phong vương, đã lập công giữ yên xã tắc; được thăng đến chức Phó Thiên hộ, hàm Tráng tiết tướng quân (chức quan cai quản quân Dũng Hãn, trật Tòng ngũ phẩm). Tại Từ đường còn 2 sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và thứ 46 (1785):
Từ đường
Tại l. Phương Trạch, xây dựng từ nửa cuối tk. XVIII, trên diện tích đất hơn 400m . Ngôi từ đường này còn giữ được nhiều di vật quý, đặc biệt là 29 cốt chủ:
Cốt chủ thứ nhất , đề: Hương tiền cố mẫu kiêm thập lý, sinh Nguyên Long, biểu trưởng văn thư Phạm công lưu tế, thứ tiền, nhị thiện, hiệu viết. Từ Mẫn hàng tam thần chủ. Sinh ư Bính Dần niên (1386), cửu nguyệt thập lục nhật, Bính Tý thời. Tốt ư  Nhâm Tuất niên (1442), nhị nguyệt, sơ tam nhật, Tỵ thời.
Cốt chủ thứ hai , đề: Hiển cao tổ khảo Phạm công, tự Tri Vận, Thụy Liêm Trực phủ quân thần vị.
Một số cốt chủ khác đề tên húy, tên hiệu và chức vụ cùng năm sinh, năm mất của một số nhân vật thời Lê. Từ đường họ Phạm l. Phương Trạch được xếp hạng DTLS cấp tỉnh.
1698. Họ Phạm th. Thọ Vực, x. Vũ Quý, h. Kiến Xương.
Căn cứ vào  sách Động Trung xã, Thọ Vực thôn - Phạn tộc gia phả biên lục do Chánh sở xứ xã quan Phạm Đình Mô biên soạn năm 1739, và Phạm tộc gia phả tục biên do Tú tài Phạm Vậng Chinh (1862-1922) biên soạn thì họ Phạm này gốc từ l. Nang (nay là x. Đình Phùng, h. Kiến Xương). Cháu nội Thượng thượng tổ Phạm Công Thủy là Phạm Thụ Trung định cư ở l. Động Trung đến nay là 17 đời. Là một trong những dòng họ góp phần mở mang, khai phá th. Thọ Vực (nay là th. 1, x. Vũ Quý). Như vậy, vị khởi tổ họ Phạm th. Thọ Vực, l. Động Trung là cụ Phạm Thụ Trung với tước Cao Bằng quận công.
1699. Họ Phạm  x. Thụy Phong, h. Thái Thụy.
Nhà thờ nguyên là nhà ở của Phạm Diệu, thân phụ Phạm Thế Hiển. Nhà 3 gian, tường xây hồi văn, hai gian hồi xây tường gạch, trổ cửa sổ. Gian giữa dựng bạo ngưỡng, đóng cánh cửa khung khách, nội thất dựng 4 vì kèo kẻ, bào trơn đóng bén, đúng là ngôi nhà bình thường của một sĩ phu nghèo trong thời tao loạn. Ban thờ chính tâm đặt 3 khám bài vị  nhỏ ghi duệ hiệu: cố Lê triều Hiệu sinh Phạm Diệu, TS. Phạm Thế Hiển, Phó bảng Phạm Thế Húc. Kỷ niệm còn lại có cuốn Niên trình, ghi lại chức vụ, công việc từ khi Phạm Thế Hiển đậu Tiến sĩ, ra nhậm chức ở các tỉnh, công vụ hàng năm đến ngày thất thủ Đại đồn Chí Hòa, và một tấm biển vua ban, ghi 2 chữ "Tiến sĩ". Được xếp hạng DTLS cấp Quốc gia (1989).
1700. Họ Phạm  l. Thư Điền, nay thuộc x. Tây Giang, Tiền Hải.
Từ đường tại th. Nam, xây dựng từ nửa cuối tk. XVIII với 3 gian nhà gỗ lợp tranh lá, năm Kỷ Tỵ bị bão đổ, sau được xây 3 gian lợp ngói trên mảnh đất dòng đích trưởng, khuôn viên rộng 536 m . Năm 1995, thay vì kèo gỗ bằng bê tông cốt thép. Về cốt cách chung không thay đổi, nhưng trên hiên thượng đắp thêm bảng văn lớn đề 4 chữ Hán: "Phạm tộc Thư Điền" và đôi rồng chầu mặt trời.
Thư Điền là cơ sở cách mạng rất sớm của Hội VNCMTN và Đảng CSĐD. Những năm 1939-1945, từ đường họ Phạm là địa điểm hội họp bí mật của chi bộ Đảng và các đoàn thể Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc… Cơ sở cách mạng của các đồng chí Tô Xuân An (Tiểu đội trưởng tiểu đội Vệ quốc đoàn h. Tiền Hải), Tô Bá Huân (nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ đội chủ lực tỉnh), Hà Trọng Hỷ (nguyên Đại tá binh chủng Hải quân) và cơ sở hoạt động của đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Được xếp hạng DTLS cấp tỉnh (2003).
1701. Họ Phạm l. Tìm, nay là th. Thái Hòa, x. Đông Hoàng, h. Đông Hưng.
Tổ là Phạm công, tự Phúc Giáo, quê gốc x. Đô Bái, h. Nga Sơn, p. Hà Trung, Thanh Hóa. Từ thời Tiền Lê (980-1009), Phạm Phúc Giáo ra trấn thủ ở Bố Hải Khẩu với chức Đô thống. Khi về nghỉ, sinh cơ lập ấp tại l. Tìm, đã đem nghề thuốc gia truyền chữa bệnh cho dân làng. Ngày nay họ Phạm vẫn sinh sống tại x. Đông Hoàng. Theo tộc phả thì họ Phạm ở th. Thái Hòa và họ Phạm ph. Kỳ Bá, tp. Thái Bình có quan hệ huyết thống với nhau.
1702. Họ Phạm l. Vị Dương, nay thuộc x. Thái Hồng, h. Thái Thụy.
Quê gốc x. Bồng Lai, h. An Khang (Thanh Hóa) chuyển cư về đây từ thế kỷ XV. Thủy tổ là 4 anh em Phạm Phúc Tinh, Phạm Phúc Tính, Phạm Phúc Thiện, Phạm Phúc Vi. Theo gia phả thì cả 4 người đều tham gia đánh giặc, không rõ ngày hy sinh, sau lấy ngày 6 - 2 là  ngày ra đi để cúng giỗ và lập "mộ" để tưởng niệm. Đời thứ 3, đời thứ 6 có người được phong tước hầu. Đời 15 có Pháp Hiều, đời 16 có Pháp Chức giỏi chữ nho. Đến nay đã truyền đến đời thứ 20. Họ Phạm Văn có 39 liệt sĩ, 14 sĩ quan cấp tá, 1 Tiến sĩ, 19 cử nhân, 13 giáo viên.
1703. Họ Phạm x. Vũ Quý, h. Kiến Xương.
Gốc từ họ Mạc ở Biện Sơn, t. Thanh Hóa chuyển
cư về th. Hanh Cù, x. Vũ Quý đến nay đã 200 năm. Thoạt đầu, cụ thủy tổ phải lánh nạn về xóm Đồng Nàn, th. Hậu Mễ (nay là th. 6, x. Vũ Trung). Trong hai năm 1865 đến 1867, chi họ Mạc ở Đồng Nàn đã lập thành một họ giáo. Để bảo vệ đồng bào theo Kitô giáo, cụ Nguyễn Mậu Kiến chuyển toàn bộ họ giáo này về Bến Rạc (Đồng Rạc), th. Hanh Cù và đổi ra họ Phạm. Chữ Phạm còn hàm nghĩa là phạm nhân, đề phòng triều đình Tự Đức (1848-1883) có sát hại công giáo thì Nguyễn Mậu Kiến có lý do để nói là nơi giam giữ các phạm nhân. Chi họ Mạc ở làng Động Trung là một chi họ chịu nhiều bước thăng trầm, cực khổ do chính sách sát tả và sự kỳ thị của triều đình phong kiến gây ra.
1704. Họ Phạm Công th. Hoành Từ, x. Đông Cường, h. Đông Hưng.
Có lịch sử gần 300 năm. Cụ tổ là Phạm Công Lộc quê gốc ở Hoành Mỹ, từ Thanh Hóa ra Thăng Long, rồi từ Thăng Long về mở đất lập l. Hoành Từ. Họ Phạm Công hiện có 300 hộ với hơn 1000 khẩu sống ở làng. Thời Nho học, họ Phạm Hoành Từ có 36 người theo học, là khóa sinh, tú tài hoặc nhất nhị trường. Nay có 83 Cử nhân, 6 Tiến sĩ, 18 cao đẳng.
1705. Họ Phạm Đình  x. Vân Trường, h. Tiền Hải.
Từ đường tại th. Bác Trạch, cũng là nhà ở của Phạm Quận công và con trai là ý Thọ hầu, Lâm Dương hầu. Tuy là nhà thờ họ nhưng to hơn đình làng các xã bậc trung. Gồm 2 tòa, bố cục chữ "đinh". Tòa tiền đường 5 gian. Bên trong 2 gian hồi bầy 2 tượng Kim Cương đá, 2 tượng ngựa đá. Gian trung tâm đặt án thờ, bầy chấp kích, bát bửu. Thẳng 2 vì cột thứ 2 và thứ 5 đặt 2 tấm bia đá lớn. Một bia khắc nguyên văn chiếu văn vua Cảnh Hưng ban khen quận công Phạm Đình Sĩ và khắc ghi công đức tiên liệt và quá trình tạo dựng tu bổ từ đường họ Phạm. Tòa hậu cung 1 gian, trên kê một phiến đá rộng khoảng 4 mét vuông, đặt tượng quận công Phạm Đình Sĩ.
Từ đường khởi thờ từ vinh công khởi nghiệp  Đề đốc tứ vệ Thần Vũ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Tuyên lực công thần, Viêm quận công đến các công tử thành danh: Anh Liệt tướng quân, Đô chỉ huy sứ, Hiệp trấn, ý Thọ hầu Phạm Đình Y; Lê triều tiết nghĩa công thần Lân Dương  hầu; Phạm Trần Thiện và các thế hệ cao tổ, tằng tổ trong họ. Từ đường từng là nơi hội ngộ các tướng Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Viết Tuyển, Hoàng Viết Khang. Phan Bá Vành đã nương náu tại đây.
1706. Họ Phạm Đồng th. Phú Vinh, x. Đồng Phú, h. Đông Hưng.
Thủy tổ họ Phạm Đồng là Tiến sĩ Phạm Công Thế, vốn họ Nguyễn x. Phúc Khê (nay là  x. Thái Phúc, h. Thái Thụy), được ông ngoại là Tiến sĩ Phạm Công Huân (người l. Hoàng Xá, nay là th. Hoàng Xá, x. Đông Phương, h. Đông Hưng) nuôi dậy, khi đi thi lấy họ mẹ nên trong sử sách đều chép là Phạm Công Thế; làm quan đến chức  Hiệu thảo. Phẫn nộ trước việc chúa Trịnh Giang lấn át vua Lê, Phạm Công Thế cùng một số đại thần trong triều liên kết với Lê Duy Mật, Lê Duy Chúc, Lê Duy Chi âm mưu cuộc gây biến Kinh thành. Việc bị lộ, Phạm Công Thế bị chém. Cháu nội Phạm Công Thế là Phạm Cổ phải lẩn trốn đến th. Phú Cấm thuộc x. Cao Mỗ, tg Cao Mỗ, h. Thần Khê (từ cuối tk. XIX là th. Phú Vinh, nay là th. Phú Vinh, x. Đồng Phú, h. Đông Hưng), lập ra dòng họ Phạm Đồng. Cháu ruột Phạm Cổ là Phạm Chính Trực đã liên kết với Nguyễn Sơn (Ba Bá, Ba Bứa) mộ quân đánh chiếm p. Tiên Hưng, rồi kéo ra Yên Quảng hội quân với tướng Thiêm Liên đánh chiếm vùng Vân Đồn - Cát Bà, thanh thế rất lớn. Khi Tây Sơn ra Bắc, các ông theo Nguyễn Huệ.
Từ đường xây năm Mậu Tuất, đời Thành Thái (1898), kiểu hồi văn cánh bảng, cánh gà bổ trụ, đấu soi, đắp tảng thắt cổ bồng. Trong 3 gian thờ đặt 3 nhang án. Gian trung tâm đặt cỗ khám lớn chạm tứ quý (long hóa), 2 thanh chốt võng bằng ngà voi… Các ban thờ khác bầy đặt mâm triện, mâm bồng, ống hương, cây đèn, cây nến… giống như ban thờ tổ của các dòng họ. Được xếp hạng DTLS cấp tỉnh (2003).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ