SUY NGHĨ TỪ MỘT TẤM BIA MỘ
HOÀNG NGỌC KHUYẾN
Thái Bình
Năm 1988 ông Phạm Đình Bao ở thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình tìm thấy tấm bia mộ bằng đá. Theo lời ông Bao kể đây là bia mộ cụ Phạm Tài, tổ 5 đời dòng họ Phạm Đình ở Diêm Điền.
Cụ Phạm Tài là vị tướng quân triều Nguyễn, người cùng Nguyễn Tri Phương tổ chức những đạo quân chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19.
Bia có kích thước 45 x 30 cm gồm 52 chữ.
“Bản triều khai quốc công thần Tiền quân khâm sai Cai cơ chỉ huy sứ Phạm Tài hầu chi mộ?”.
“Lạc Ngạn Gia Định Phạm Nguyễn đồng quy huân nghiệp bỉnh thanh sử chi công thủy”. “Hách hách Hoàng Nguyễn phục nghĩa hưng xúy tảo binh nghịch lỗ khai thác hồng cơ”.
Căn cứ chữ nghĩa trên bia mộ, sự thật bước đầu hé mở: Phạm Tài là một vị tướng triều Nguyễn, giữ chức Tiền quân khâm Cai cơ cơ chỉ huy sứ, tước hầu.
Người là một trong những vị tướng chỉ huy bảo vệ thành Gia Định. Sau khi Gia Định thất thủ Phạm Tài về quê (Diêm Điền, Thái Bình) lập đồn lũy chống Pháp lâu dài. Phạm Tài được truy phong “khai quốc công thần”.
Thế nhưng ý nghĩa 4 chữ “Phạm Nguyễn đồng quy” là gì?
“Phạm” tức là Phạm Tài vậy “Nguyễn” là ai? Theo trí nhớ của ông Phạm Đình Bao, cháu 5 đời cụ Phạm Tài thì “Nguyễn” ở đây chỉ cụ Nguyễn Cao, một vị tướng “đồng hương” và “đồng chí” của cụ Phạm Tài. Trước sức tấn công và hăm dọa của bọn Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn phân biệt làm hai phái: Phái chủ hòa và phái chủ chiến. Lực lượng kháng chiến do vậy bị phân tán không đủ sức chống chọi lại tàu đồng, đại bác của kẻ thù. Hai cụ Phạm Tài, Nguyễn Cao cùng lui về quê nàh (cửa biển Diêm Điền, Thái Bình) lập đồn lũy kháng chiến lâu dài (hiện vật còn giữ được đến nay là hai khẩu thần công). Thế là về cuối đời, hai cụ Phạm, Nguyễn đã kết thành một thê đội chống ngoại xâm ngay trên quê cha đất tổ.
Ngoài ra có một tấm bia khác cũng vừa được phát hiện tại ngôi đền cổ bên sông Diêm Hộ thuộc thị trấn Diêm Điền.
Bia có kích thước 80 x 60cm. Bia đã gẫy đôi được gắn lại bằng xi măng nên mất hẳn những chữ giữa các dòng. Do bị chông vùi cọ xát, va đập nên chữ rất mờ khó đọc. Chính vì vậy không ai để ý đến.
Trên cùng bia có khắc 5 chữ trang trọng: “Thuận nghĩa từ bi ký”.
Bia có 4 nội dung chính:
1. Lược ghi công tích của Phạm Tài và Nguyễn Cao.
2. Ý thức sùng bái của nhân dân đối với hai vị.
3. Ghi công đức của nhân dân và các chức sắc xa gần trong việc trùng tu đền thờ hai vị.
4. Ngày tháng trùng tu đền và lập bia, họ tên người đứng đầu công trình tưởng nhớ này. Qua nghiên cứu thấy nội dung thứ 3 (ghi công đức của nhân dân và các chức sắc xa gần trong việc trùng tu đền thờ hai vị) là nổi bật hơn cả, song lượng thông tin ở các nội dung khác cũng rất rõ ràng.
Dòng lạc khoản ghi rõ:
“Bảo Đại nguyên niên, tứ nguyệt nhị thập nhị nhật. Diêm Điền xã tu tạo miếu vũ, cựu lý trường Phạm Hữu Biên cẩn chí”.
Cuối năm 1989 đền Thuận Nghĩa được Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình xếp hạng di tích. Qua khảo cứu còn được biết thêm: Tên họ hai cụ được ghi trong sách “Đại nam thực lục”. Triều đình nhà Nguyễn đã ghi tên hai cụ vào danh mục 500 vị thờ ở đền Trung Nghĩa thuộc kinh đô Huế.
Thế là một tấm bia mộ đã chỉ đường cho cháu con tìm về cha ông từ đó xác định giá trị đích thực một di tích.
Một ngôi đền được xếp hạng di tích, thiết nghĩ là việc không lớn, song với người dân làng biển Diêm Điền lại trở thành điều không thể không tự hào. Sự nghiệp của hai cụ Phạm Tài và Nguyễn Cao đã tô thêm trang sử vàng chống ngoại xâm của ngôi làng biển khiêm tốn này. Bởi vì sau Phạm Tài và Nguyễn Cao, Diêm Điền có thêm cụ cử Tiết tức Nguyễn Đức Tiết người đã đỗ Cử nhân năm Mậu Tý 1888. Do chán ghét sự nhu nhược của vua quan nhà Nguyễn đã ký hòa ước bán đứng nước ta cho thực dân Pháp, cụ cử Tiết đã khước từ ra làm quan, rồi cùng tướng quân Đề Hèn (tức Tạ Bá Hiện) dấy binh chống Pháp tại vùng châu thổ và duyên hải Bắc Bộ.
Qua sự việc diễn ra ở một ngôi làng như trên, tôi bày tỏ đôi dòng suy nghĩ như sau:
Nếu không có những di sản Hán Nôm còn lại làm căn cứ thì ngay đến cha ông mình, đã chắc gì chúng ta có thể hiểu biết trọn vẹn. Do vậy tìm kiếm phát hiện, tàng trữ, phân tích những tài liệu đó là việc cực kỳ cần thiết không thể sao nhãng.
Nhà nước chúng ta cần có chủ trương cụ thể hướng dẫn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng bắt tay vào việc tìm kiếm, giữ gìn nguồn tài sản quí giá này. Hiện nay ngoài các nhà chuyên môn, thì rất ít người đủ trình độ đọc được những văn bản, tài liệu Hán Nôm nên ai dám cả quyết kho di sản này không bị mai một dần. Một lý do nữa là di sản Hán Nôm liên quan đến từng gia đình, từng dòng tộc, từng làng, từng xã. Các tư liệu Hán Nôm rất có thể bị vùi trong lòng đất, dưới ao hồ, sông suối. Do vậy việc tìm kiếm giữ gìn di sản Hán Nôm là việc làm hết sức cấp thiết.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.203-206
Nguồn tin: Viện Hán Nôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét