- Từ đường họ Phạm Hữu  thờ  Thủy tổ tiên công Phạm Thanh Lảnh là người có công đầu tiên quai đê lấn biển và chiêu tập người quai đê lấn biển lập nên xã Vị Khê (vào khoảng năm 1450 - 1460) và các thủy tổ. Trong đó có cụ tổ đời thứ 5 là Quận công Phạm Hữu Tài có công xây dựng đình làng và chùa làng nên được dân làng lập bia đá hậu thần thờ cúng. Từ đường họ còn giành riêng một gian phía tây thờ cụ tổ Phạm Hữu Kỷ đời thứ 7 của dòng họ, cụ tham gia lãnh đạo quân khởi nghĩa ở vùng An Quảng cùng với phong trào Quận He, quận Hẻo, nhân dân trong vùng gọi cụ là cụ Quận tướng quân. Ngoài ra, trong khuôn viên của từ đường họ Phạm còn có ngôi miếu thờ cụ Tổ thần vàng, đó là cụ tổ bà của dòng họ.
- Năm 2012, từ đường dòng họ Phạm Hưu - Vị Khê - Liên Vị được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia, bổ sung cho cụm di tích Tiên Công vùng đảo Hà Nam
- Hiện nay trong từ đường còn lưu trữ được nhiều hiện vật có giá trị.
- Ngày lễ:
Đêm 30 tết lúc sang canh, đầu giờ ngày mùng 1 tháng giêng năm mới họ sắm lễ cùng hương quả cúng tế tổ ở tại từ đường. Sau đó uống rượu hưởng lộc Tổ rồi ai nấy về xông nhà mừng năm mới.
Vào ngày 10 tháng giêng (trước kia) hoặc ngày 4 tháng giêng (ngày nay) hàng năm họ sắm lễ bằng cách các gia đình trong họ tập trung mổ lợn…. để cúng tế khao tổ đầu năm mới. Sau đó uống rượu tại từ đường họ hoặc phân phát lộc về nhà.
Ngày 11/10 (âm lịch) hàng năm là ngày giỗ cụ hậu: ngũ thế tổ Phạm Hữu Tài, họ sắm lễ hoặc làm cỗ, gọi gà lượt cùng hương quả… cúng hoặc tế tổ tại từ đường. Sau đó con cháu cùng hưởng lộc. Nếu có khách làng đi lễ Tổ Hậu thì cũng mời uống rượu hưởng lộc tại từ đường.
Ngoài các tiết lễ trên còn có các tiết lễ đột xuất khác cũng được gia tộc bàn bạc cúng lễ nghiêm túc.
Ban quản lý từ đường dòng họ: 0167 4561280



           Toàn cảnh Từ đường Họ Phạm Hữu - thôn Vị Khê - xã Liên Vị - thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh



                                            Toàn cảnh gian giữa Từ đường họ Phạm Hữu
1. Sự kiện, nhân vật lịch sử
Thủy tổ Phạm Thanh Lảnh
Gia phả dòng họ Phạm Hữu Vị Khê có ghi: Thủy tổ Phạm Thanh Lảnh tiên công xã Vị Khê quê ở vùng Quang Lang tỉnh Hải Hà (tỉnh Hà Nam và tỉnh Hải Dương ngày nay); vào khoảng năm 1460 ông đã cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng tới vùng quan ải Bạch Đằng giang đến phía tây nam xã Phong Lưu, chiêu tập thêm người quai đê lấn biển lập nên làng Lái sau đổi thành làng Vị Khê, rồi phát triển thành xã Vị Khê. Cụ Phạm Thanh Lảnh là người có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên xã Vị Khê, do vậy Thủy tổ Phạm Thanh Lanh đã trở thành Tiên Công của xã Vị Khê.  
Gia phả họ Phạm Nhữ ở xã Hải Yến và gia phả dòng họ Phạm Hữu Vị Khê có ghi lại chuyện cối đá đập đôi để nhận họ Phạm Nhữ Hải Yến và họ Phạm Hữu Vị Khê cùng một dòng tộc: “ khi người em là Phạm Thanh Lảnh ra vùng phía đông xã Phong Lưu để lập làng, hai anh em đã đập đôi chiếc cối đá gạo, mỗi anh em một nửa để làm dấu nhận họ. Trên họ Phạm Hải Triền tức (Hải Yến) để một nửa chiếc cối đá ấy trước cửa từ đường để đựng tro vàng mỗi khi cúng lễ xong; còn họ Phạm Hữu dưới Vị Khê, sau khi xây lại từ đường năm 1820, đã đưa xuống chân móng phía Đông nửa cối đá báu vật ấy. Tuy có báu vật và lại ghi trong gia phả họ, nhưng từ năm 1937 (Đinh Sửu) trở về trước hai họ không đi lại quan hệ thường xuyên. Nhân một vụ đi kiện Hương Văn Lý, làng Vị Khê bỏ giỗ tổ hậu thần (11-10 âm lịch) không vào lễ giỗ. Làng Vị Khê nhờ cụ Phạm Văn Thăng (người họ Phạm Hải Yến) đang làm Chánh tổng Hà Nam  làm thầy kiện lên quan huyện  An Hưng. Quan huyện xử: Hương Văn Lý làng Vị Khê phải tiếp tục làm lễ giỗ cụ Phạm Hữu Tài (Hậu thần) vào ngày 11 –10 âm lịch hàng năm. Nhân một bữa rượu mừng vụ kiện xong xuôi giữa cụ Phạm Hữu Thăng và cụ Phạm Hữu Sách đem gia phả ra có ghi chiếc cối đá đập làm hai, sau đó đem hai nửa khớp lại với nhau liền thành chiếc cối đá hoàn chỉnh từ đấy hai họ lại nhận nhau cùng một tổ họ. Khi gia đình trong họ Hải Yến hay Vị Khê có việc đại sự đều lên xuống quan hệ thân mật, đặc biệt ngày 10 tháng giêng hàng năm tế khao tổ họ Phạm Hữu Vị Khê các cụ ở hai nơi cùng mặc áo tế để tế tổ”.
Thế tổ Phạm Hữu Tài
Gia phả dòng họ có ghi: Chánh tổng, Cai huyện, Hậu thần Phạm Hữu Tài, hay Ngũ thế tổ Phạm Hữu Tài sinh ra vào khoảng năm 1650 và mất vào ngày 11 tháng 10 âm lịch (năm bao nhiêu không rõ). Cụ Tài sinh ra và lớn lên vào thời kỳ nhà Hậu Lê tức Lê - Trịnh, vua Lê là Lê Huy Tông và Lê Dụ Tông (1687 –1725), chúa Trịnh là Định vương Trịnh Căn  và An Độ Vương Trịnh Cương (1682 –1725), ở Đàng Ngoài tuy họ Trịnh không cướp ngôi vua nhưng thực tế đã biến vua Lê thành bù nhìn để có thể nắm quyền áp chế, vừa giữ danh nghĩa chính thống chống lại các phe cánh đối lập. Trong lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú viết: Chính quyền họ Trịnh liên tục tăng tô thuế. Làng Vị Khê lúc bấy giờ cũng trong tình cảnh mùa màng bị mất liên tục, chui lủi ngoài bờ sông bãi sú bắt cá tôm, cũng không đủ miếng ăn, bọn quan lại, gậy tày tay thước lùng sục bắt bớ vì không có tiền, có thóc để nộp thuế  đinh và thuế điền, nhiều người phải bỏ nhà, bỏ làng đi phiêu bạt nơi bờ sông, bãi sú, rồi chết đói trên thuyền rách nát và gửi xương ở trên bãi xú vẹt không dám về làng vì thiếu thuế và vì chết ở nơi khác không được chôn ở quê nhà, hoặc được chôn ở bãi đất nào đó gần quê nhà cũng không được đưa về nhà mình ở mà phải đưa người chết đến thẳng chỗ chôn. Trước tình cảnh khốn cùng của dân Vị Khê, Tổ Phạm Hữu Tài đang được thừa hưởng gia sản của 4 đời khai hoang lấn biển mở ra diện tích cầy cấy rộng lớn, lại được thấy 4 chum vàng ...v.v...Hai nguồn của cải ấy tạo nên cho cụ tổ Phạm Hữu Tài cực kỳ giàu có. Với tuyền thống chí công đức chính, lúc đó Cụ Tài đã bỏ thóc trong bồ nhà mình ra cửa chẩn cho dân với tình cảm miếng khi đói bằng một gói khi no, Cụ bỏ tiền, bỏ vàng ra đóng cả phần thuế đinh, thuế điền cho cả làng Vị Khê suốt 3 năm liền khi cơn hoạn nạn đã qua, những năm sau Cụ Tài còn bỏ tiền, bỏ vàng ra xây lại Từ đường họ đẹp đẽ, khang trang. Cùng dân làng xây dựng lại chùa Vị Khê (Chùa Linh Ngai) vào năm 1777, xây dựng đình (đình cũ) xây miếu (miếu Ông Chài) .v.v... từ mái tranh vách đất  thành gạch ngói uy nghi. Ngũ thế tổ Phạm Hữu Tài vì liên tục có công trạng lớn với dân làng như: cứu đói, cứu khổ, đổ thuế cho dân nhiều năm, bỏ thóc, bỏ tiền vàng ra xây dựng Đình, Chùa, Miếu, góp phần thường xuyên tu tạo những nơi thờ cúng danh nhân ..v.v...Nên dân làng đã khắc bia đá ghi công lao cống hiến như trời bể của cụ để đời đời con cháu và dân làng truy ơn ghi nhớ. Hiện tại còn hai bia đá được ghi bằng chữ Hán, nội dung rất rõ ràng và cảm kích. Một ở Chùa Linh Ngai (Chùa Vị Khê) một ở Đình Vị Khê (nay không còn đình, con cháu trong làng đã đưa bia về Từ đường họ Phạm Hữu).
Thế tổ Phạm Hữu Kỷ
Gia phả dòng họ Phạm Hữu có ghi: Đức tổ quận Đại tướng công phạm húy công tự Phạm Hữu Kỷ. Cụ tổ Phạm Hữu Kỷ sinh vào năm 1696. (là em ruột thất thế tổ Phạm Hữu Dung) cụ kỷ sinh ra và lớn lên vào thời kỳ triều đình vua Lê chỉ còn là một bóng ma mờ nhạt với một nhóm triều thần có chức không quyền.
Thời kỳ 1740 – 1750 cuộc chiến tranh Nông dân dấy nghĩa ở đàng ngoài đạt tới đỉnh cao. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (nhân dân thường gọi là Quận He) là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân nói chung, đặc biệt là của Nông dân lúc bấy giờ. Nhuyễn Hữu Cầu đã huy động hàng vạn nông dân ở khắp vùng đồng bằng để đấu tranh quyết liệt, lá cờ “Đông đạo bảo quốc Đại tướng quân” dương lên từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chẳng bao lâu đã lan ra các vùng lớn quanh đó. Nguyễn Danh Phương nhân dân thường gọi là Quận Hẻo xay dựng căn cứ vững chắc ở vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phú + Ba Vì) tỏa ra hoạt động khắp trấn Sơn Tây lan ra Thái Nguyên, Tuyên Quang. Vùng núi An Quảng xứ, Hải Đông phủ bao gồm: An Hưng, Hoành Bồ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Tiên Yên, Móng Cái....sau đó có Quận Kỷ tức Phạm Hữu Kỷ.
Trong từ đường họ thờ Cụ Kỷ ở một gian phía Đông còn lưu giữ một bình nhỏ pha trà, một điếu bát thuốc lào bằng xe điếu vòng....những thứ này đều bắng xứ cổ lâu năm, đặc biệt dưới gầm bàn thờ có một ông Hổ (các cụ và nhân dân thường gọi là ông Hổ). Ông Hổ được tạc bằng gỗ tốt, to bằng Hổ thật trên mình Hổ luôn phủ tấm vải điều. Hổ là chúa Sơn lâm chứng minh cụ lãnh đạo nông dân xứ An Quảng mà ngày đó là vùng rừng núi. Ngay thị xã Cẩm Phả ngày nay vẫn còn đền thờ Quận Kỷ: “Quận tướng thần hoàng bản xứ Phạm Hữu Kỷ”.
Khi mất, cụm Tổ Quận rất linh thiêng, nên con cháu trong họ cũng như nhân dân trong vùng tuần rằm, mồng một hàng tháng thường đến thắp hương cầu lễ, xin lộc..v.v...để mong được giải thoát những khi hoạn nạn, khó khăn. Nếu ngồi đồng bắt bóng, Cụ Kỷ lên phán bảo cho con công, kẻ tín những điều vướng mắc...(như cụ Đồng Gối, Cụ Phác, Cụ Đãng....) mỗi lần lên đồng cụ thường cưỡi Hổ, xiên lình, thắt đai, mặc áo quần đi giày, đội mũ tướng, uống rượu, ngậm hương để phán bảo. Mãi mãi đời sau, trong họ, ngoài làng đều coi cụ  Kỷ như một vị thần tướng linh thiêng được vĩnh viễn tôn thờ và kính cẩn.
Tổ bà Phạm Thị Hạm
Tổ bà Phạm Thị Hạm là con nuôi dòng họ Phạm. Tổ bà Phạm Thị Hạm được dân làng gọi là Bà chúa Gốc Chát (gốc Bàng). Câu chuyện Bà chúa Gốc Chát được truyền tụng đời này qua đời khác: “Vào một đêm tháng 7 (âm lịch) mưa to, bão lớn, ngũ thế tổ Phạm Hữu Tài cùng tổ bà đi đánh cá ngoài sông khu vực núi Hạm (thuộc cột 8 Hòn Gai ngày nay) mưa bão làm tắt hết bếp lửa mà tổ ông lại nghiện thuốc lào, chỉ còn một cách nhìn xung quanh xem ở đâu có ánh lửa đề chèo thuyền lại mà xin, mỏi mắt nhìn trong đêm tối mịt mùng chỉ là rừng núi mênh mông, im ắng. Tổ ông nằm ngồi không yên, mồn miệng nhạt nhẽo vì thèm thuốc. Bỗng tổ bà nói như reo lên, kìa phía hang có ánh lửa le lói lúc ẩn, lúc hiện. Tổ ông liền nhổ sào cứ theo nước thủy triều lên mà lận thuyền dần vào nơi có ánh lửa, thuyền vào gần chân núi, ánh lửa chỉ hắt qua khe đá ra ngoài. Hai cụ tổ nhân nhận thấy đây không phải là lửa ma mà là lửa thật, có lửa ắt có người, nghĩ đến tổ ông mạnh dạn lần mò trong đêm tối tìm cửa hang, khi đã lần ra cửa hang lại không nhìn thấy ảnh lửa, cứ lần theo hang tối mà đi, đi mãi thấy ánh lửa xuất hiện lờ mờ rồi sáng dần, vào đến tận nơi thì một cảnh tưởng diễn ra rất sợ hãi: Trước ngọn đèn dầu lại là một người con gái ngồi trên tẩng đá cao vuông vắn, đôi môi mím chặt, mắt mở trừng trừng... Tổ ông hoảng sợ đi giật lùi ra cửa hang, xuống thuyền kể lại với tổ bà và hai cụ đều nhận thấy ở đây là một người bị phong thần để giữ của, chưa đến ngày để chết....” Chờ cho trời sáng hẳn hai cụ cùng đi lên, lại lần đến hang, cảnh tượng lúc này đã rõ ràng người con gái mồm gắn trám đường, hai chân và hai tay cột chặt vào 4 miệng của bốn cái chum to, rụt rè ngần ngại hai cụ không dám đến gần, nhưng thấy ánh mắt người con gái sáng lên và gật đầu, có ý bảo các cụ lại gần. Tổ ông nói với người con gái “Bà cho vợ chồng tôi cứu bà nhé” người con gái gật đầu. Sẵn chiếc đèn dầu lạc đặt trước mặt người con gái, Tổ ông cầm lấy hơ lên đôi môi cho trám đường chảy ra rồi cởi hết các dây buộc chân, buộc tay ở miệng chum, người con gái thốt lên được mấy câu “cố cứu tôi với”....rồi nằm vật ra tảng đá ngất đi, hai cụ thay nhau cõng người con gái xuống thuyền, đốt bếp lửa cho sưởi ấm và lên núi tìm lá cây về xoa bóp.....Người con gái tỉnh lại dần, kể lại đầu đuôi sự việc cho hai cụ biết: cô là người Việt Nam, cha mẹ nghèo bán cho người Tàu từ khi còn tấm bé, không biết họ hàng làng xóm và tên cha mẹ là gì, họ nuôi cô đã 16 tuổi rồi đem ra hang này cho ngậm sâm, gắn mồm lại, rồi buộc chặt hai tay vào hai miệng chum, hai chân vào hai miệng chum khác, đặt trước mặt một ngọn đèn dầu lạc, ngọn đèn tắt thì người cũng chết, may mắn được ông bà gặp đây cứu tôi thì sẽ lấy lại số vàng trong 4 chum kia, vì người có số vàng đó họ đã về nước rồi.
Tổ ông nói với tổ bà là chèo thuyền ra cửa sông đón người làng dặn con cháu đưa ngay thuyền ra đón vì cụ ông mệt nặng.....Chiều hôm sau gia đình đưa thuyền ra chở số vàng và người con gái về. Số vàng trong bốn chum là vàng thoi, khi về các cụ tổ đánh thành vàng lá gác chật cả 3 gian nhà. Người con gái xin được lấy họ là họ Phạm và đặt tên là Hạm, bà sống được 3 năm thì chết. Khi bà chết các tổ họ Phạm làm miếu thờ, ghi gia phả lưu truyền cúng lễ hàng năm rất linh thiêng. Đời sau được xây dựng gạch ngói quay cửa hướng tây, trước cửa ngõ vào từ đường. Hai bên miếu có trồng hai cây bàng cành lá xum xuê, gốc sù sì. Con cháu trong dòng họ và làng xóm cầu cúng mong cụ độ trì đều ứng nghiệm. Tiếng bà cụ Gốc Chát cứu nhân độ thế nổi danh từ đấy”.