Về tác giả của một văn bia thời Lê sơ ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Về tác giả của một văn bia thời Lê sơ

VỀ TÁC GIẢ CỦA MỘT VĂN BIA THỜI LÊ SƠ

ĐINH VĂN MINH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Ở chùa Quang Khánh xã Dưỡng Mông tổng Phụ Tải, nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, có tấm bia đá "Quang Khánh tự bi minh tịnh tự"(1) dựng năm thứ 7 niên hiệu Hồng Thuận (1516) đời vua Lê Tương Dực, kể tiểu sử nhà sư trụ trì ở chùa này là Huệ Nhẫn quốc sư được vua Trần Minh Tông phong Đại Thánh Huệ Nhẫn Từ Giác quốc sư(2). Cuối văn bia có dòng lạc khoản, ghi "Tứ Đinh Mùi khoa Tiến sĩ Quang Lượng đại phu Lễ bộ Thượng thư Chính trị khanh thượng trật dư thập mậu Quỳnh Khê Phạm Cảnh Chiêu soạn". Dòng lạc khoản này cho biết tác giả của văn bia. Có điều, khoa cử Việt Nam trong lịch sử đã đào tạo được gần ba ngàn vị Tiến sĩ, có hơn hai trăm vị họ Phạm, nhưng chẳng có ai tên là Phạm Cảnh Chiêu(3). Phải chăng, ở đây có sự lầm lẫn về văn tự hay Phạm Cảnh Chiêu còn một vài tên khác mà do đó các tài liệu ghi chép không thống nhất. Làm rõ được điều này cũng là một đóng góp trong việc nghiên cứu danh nhân thời Lê Sơ và góp thêm một thông tin về các nhà khoa bảng.
Đọc lạc khoản, chúng ta thấy tác giả văn bia Phạm Cảnh Chiêu với các đặc điểm: Một là đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, hai là làm quan đến chức Thượng thư, ba là hàm Đại phu, bốn là trật Khanh tướng, năm là tên hiệu Quỳnh Khê. Trong đó đáng chú ý là đặc điểm thứ nhất và thứ năm. Hai điểm này có thể dùng để đối chứng khi tìm hiểu xem Phạm Cảnh Chiêu là ai trong làng khoa bảng. Trước hết, về khoa Đinh Mùi, lạc khoản tuy không nói rõ Đinh Mùi thuộc niên hiệu nào, đời vua nào, nhưng bia được dựng năm thứ 7 niên hiệu Hồng Thuận (1516), nên Đinh Mùi ở đây phải là Đinh Mùi năm thứ 18 niên hiệu Hồng Đức (1487). Khoa thi này, sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) có chép, tháng3 thi Hội, tháng 4 thi Đình, lấy đỗ 60 người, 3 người Tiến sĩ cập đệ, 30 người Tiến sĩ xuất thân, 27 người Đồng tiến sĩ xuất thân(4). Về tên hiệu Quỳnh Khê, dẫu rằng lạc khoản không ghi rõ "Quỳnh Khê" là tên hiệu của Phạm Cảnh Chiêu, nhưng cách ghi, vị trí của hai chữ này ở trong lạc khoản, hơn nữa hai chữ này là địa danh đơn vị hành chính cấp xã thời Lê, do đó hai chữ "Quỳnh Khê" không là gì khác ngoài tên hiệu cảu Phạm Cảnh Chiêu. Với ý nghĩa đó, hai chữ "Quỳnh Khê" gợi cho chúng ta nghĩ rằng Phạm Cảnh Chiêu được sinh ra là ở vùng đất có địa danh là Quỳnh Khê.
Tra cứu các tài liệu cổ tịch liên quan hiện đang được bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như các bộ sách đăng khoa lục, bia Tiến sĩ, chúng ta thấy khoa thi năm Đinh Mùi năm thứ 18 niên hiệu Hồng Đức (1487) có 60 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có một người mà tài liệu ghi quê ở xã Quỳnh Khê huyện Kim Thành(5), đó là Phạm Hạo. Các tài liệu đó chép như sau:
 Lịch đại đăng khoa lục (Ký hiệu VHv 652, trang 20) chép: Phạm Hạo quê xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành.
 Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục quyển chi nhất (Ký hiệu VHv 651/1, trang 24) nói rõ, Phạm Hạo người xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, làm quan đến chức Thượng thư, là di duệ của Phạm Mại đời Trần, là ông tổ của Phạm Gia Mô ở làng Lê Xá, huyện Nghi Dương.
 Lịch đại đại khoa lục (Ký hiệu A 2119/ trang 44b) cũng cho biết: Phạm Hạo quê xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, làm quan đến chức Thượng thư, là di duệ của Phạm Mại đời Trần.
 Lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục (Ký hiệu A. 2040, trang 33b) chép rõ hơn: Phạm Hạo quê xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, làm quan đến chức Thượng thư, là di duệ của Phạm Mại, đến đời cháu là Phạm Gia Mô dời đến ở làng Lê Xá, huyện Nghi Dương, đỗ Tiến sĩ.
 Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký (Ký hiệu A. 109/1, trang 36) chép: Phạm Hạo quê xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành.
 Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội Hồng Đức thập bát niên Đinh Mùi Tiến sĩ khoa đề danh bi ký (Ký hiệu 1361, hàng thứ 6 kể từ trái sang phải) ghi Phạm Hạo quê huyện Kim Thành, phủ Kim Môn(6).
Như vậy, hai đặc điểm về Phạm Cảnh Chiêu ghi ở lạc khoản văn bia trùng hợp với hai chi tiết tương đương mà các bộ sách đăng khoa lục và bia Tiến sĩ đã chép về Phạm Hạo.
Sách sử chép về Phạm Hạo không nhiều(7) và cũng không cho biết gì rõ hơn, còn Phạm Cảnh Chiêu thì không thấy sử chép. Tác phẩm Phạm Cảnh Chiêu để lại cũng không có gì ngoài văn bia nói trên. Do đó, hiện nay chúng tôi chưa tìm ra nguồn tư liệu nào khác phong phú hơn để chứng minh thêm, rằng Phạm Cảnh Chiêu Tiến sĩ đỗ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1484) với tên hiệu là Quỳnh Khê chính là Phạm Hạo quê xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn nghiêng về kết luận đó.
Chú thích:
1. Thác bản văn bia được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 11788.
2. Xem thư mục Văn bia Việt Nam, năm 1986.
3. Xem Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb Văn học, năm 1993.
4. Sách đã dẫn (bản Chính Hoà), Bản ký thực lục, quyển 13, kỷ nhà Lê, tờ 54b.
5. Huyện Kinh Thành thời Lê Sơ thuộc phủ Kinh Môn.
6. Bia Tiến sĩ ghi quê quán ở cấp huyện và phủ. Xã Quỳnh Khê là đơn vị hành chính thuộc huyện Kim Thành.
7. Toàn thư (bản Chính Hoà) quyển XII, tờ 7b và 8b có hai chỗ chép về Phạm Hạo.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.349-352
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ