Phạm Đình Trạc là tác giả Nam sử diễn ca? ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Phạm Đình Trạc là tác giả Nam sử diễn ca?

PHẠM ĐÌNH TRẠC LÀ TÁC GIẢ NAM SỬ DIỄN CA ?
PHÙNG MINH HIẾU
ĐH KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nam sử diễn ca là một tác phẩm thể hiện nhiều phẩm chất thường thấy của một diễn ca lịch sử như: Nói về diễn ca lịch sử là nhắc đến những tác phẩm mang lịch sử nước ta diễn thành (thơ) ca để dễ nhớ, dễ thuộc; “Thể văn của diễn ca không ngoài mấy lối: lục bát và song thất lục bát”(1). Tuy nhiên, khác với những diễn ca lịch sử đã từng được khảo sát, nghiên cứu, đây không phải là một sử ca Nôm, mà là một tác phẩm diễn ca lịch sử bằng chữ Hán. Hiện tượng này trở nên lí thú, mở rộng phạm vi quan sát cho những người nghiên cứu diễn ca lịch sử.
Bài viết này tiếp cận vấn đề Nam sử diễn ca, tuy nhiên dưới một hướng quan tâm liên quan khác: Vấn đề tác giả của tác phẩm và những khả năng xác định niên đại tác phẩm. Người viết quan niệm đây là công việc cần thiết, mang tính bước đầu cho việc tìm hiểu một hiện tượng lí thú như Nam sử diễn ca. Hơn nữa, với mong muốn không chỉ Nam sử diễn ca được giới thiệu và được nhìn nhận, bài viết cố gắng, bằng những dữ liệu được sử dụng để phân tích, sẽ cung cấp một cái nhìn sơ lược về cái được gọi là “diễn ca lịch sử bằng chữ Hán” qua trường hợp một văn bản tác phẩm cụ thể.

CÁC GI THUYT V TÁC GICNAM S DIN CA

Một câu hỏi được đặt ra ngay từ đầu và buộc phải suy nghĩ là: Cái tên riêng Phạm Đình Trạc 范廷擢được đề bên dưới cột ghi nhan đề Nam sử diễn ca 南史演歌 trong tờ đầu tiên của sách tại văn bản A.1363 - độc bản hiện còn thấy được của sách này, cuối cùng để chỉ ai? Thông thường, một cách ghi chép như vậy, theo người chép sách, ngầm định rằng tác giả của Nam sử diễn ca là Phạm Đình Trạc(2). Nếu Phạm Đình Trạc là tên của người đã viết ra Nam sử diễn ca thì ông sống ở thời nào, sinh bình hành trạng ra sao? Trong sách, người chép không ghi lại bất kì thông tin trực tiếp nào về niên đại văn bản. Như thế, vấn đề có thể hi vọng được giải quyết, hoặc chí ít cũng tìm ra một số giả thuyết, thì phải bằng vào những đầu mối khác.
Trước hết, không khó khăn lắm để nhận định người viết Nam sử diễn ca chắc chắn là một nhân sĩ dưới triều Nguyễn. Điểm này đầu tiên có thể được căn cứ trên nội dung về thời kì lịch sử được “diễn ca” trong tác phẩm, đó là thời kì từ đầu của lịch sử nước ta đến khi vua Gia Long nhà Nguyễn lên nắm vương quyền. Toàn tác phẩm gồm 4200 dòng thơ theo lối lục bát (tức là 2100 cặp lục bát), được trình bày liên tục, không chia chương, không ngắt đoạn. Hai dòng mở đầu Nam sử diễn ca viết:
史書歷代南邦,
略知終始帝王繼傳.
Sử thư lịch đại Nam bang
Lược tri chung thủy đế vương kế truyền
(Sử ghi chép về nước Nam qua các đời / [Là để] biết đại lược từ đầu đến cuối việc kế truyền của các vua chúa).
Ngoài ra, việc nhận định về thân phận một nhân sĩ của nhà Nguyễn với trường hợp người soạn Nam sử diễn ca còn được chứng thực dựa vào những lời kết thúc sách này, qua việc gọi danh xưng của các chúa Nguyễn, cũng như thái độ của người soạn diễn sử đối với các chú Trịnh. Ở đây, người ta hoàn toàn có thể chắc chắn rằng tác giả Nam sử diễn ca đã thể hiện thái độ “ngợi ca” nhà Nguyễn, hay trên những ý nghĩa nhất định, cũng có thể suy đoán, tác giả đã đứng trên lập trường quan điểm - sử học nói riêng và học thuật nói chung - của nhà Nguyễn. Đây là những dòng thơ kết thúc của thiên diễn ca Nam sử (dòng từ 4195-4200):
四方定一統尊
帝隆創業王存中興
穎圖式郭日增
北窮城諒南曾河仙
富春定鼎都前
嘉隆紀號萬年持垂
Tứ phương định nhất thống tôn
Đế long sáng nghiệp vương tồn trung hưng
Dĩnh đồ thức quách nhật tăng
Bắc cùng thành Lạng nam tằng Hà Tiên
Phú Xuân định đỉnh đô tiền
Gia Long kỉ hiệu vạn niên trì thùy
(Bốn phương đại định thống nhất/ Công nghiệp đế vương sáng lập, các đời vua nối truyền trung hưng/ Cơ đồ mới ngày càng mở mang/ Biên giới phía Bắc mãi đến thành Lạng, Nam suốt tới Hà Tiên/ Định đô trước hết ở Phú Xuân/ Niên hiệu mở đầu Gia Long để nối truyền đến vạn năm).
Về cách gọi các chúa Nguyễn trong tác phẩm, tác giả thống nhất gọi bằng miếu hiệu do nhà Nguyễn sau này truy tôn như: Gia Dụ Nguyễn Hoàng, Hiếu Văn Nguyễn Phúc Nguyên, Hiếu Chiêu Nguyễn Phúc Lan, Hiếu Triết Nguyễn Phúc Tần, Hiếu Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn, Hiếu Minh Nguyễn Phúc Chu… Như đoạn lục bát diễn ca việc Nguyễn Hoàng vào Nam (dòng 3061-3064):
惟左相汪死何
忌功鄭檢寔多弄權
嘉裕辰恐禍連
鎮求順廣遠邊外行
Duy Tả tướng Uông tử hà
Kị công Trịnh Kiểm thực đa lộng quyền
Gia Dụ thì khủng họa liên
Trấn cầu Thuận Quảng viễn biên ngoại hành
(Tả tướng Uông [tức Lãng quận công Nguyễn Uông, con trưởng của Nguyễn Kim, anh trai của Nguyễn Hoàng] sao bị chết? / Lo sợ kẻ Trịnh Kiểm rất lộng quyền / Nên Gia Dục bấy giờ rất lo sợ bị họa lây / Bèn xin được giữ Thuận Quảng, tức đi xa ngoài nơi biên viễn.)
Sau khi xác định về tác giả Nam sử diễn ca là một nhân sĩ triều Nguyễn, điểm tiếp theo, dường như rất dễ dàng nhưng lại gian truân: Phạm Đình Trạc - cái tên được chỉ là tác giả của Nam sử diễn ca có phải là nhân vật khá nổi tiếng trong giai đoạn Minh Mệnh - Tự Đức? Các chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện đều ghi chép khá nhiều và thống nhất về một người tên là Phạm Đình Trạc范廷擢, tự là Bạt Khanh(3). Quan điểm cho rằng tác giả của Nam sử diễn ca chính là Bạt Khanh Phạm Đình Trạc có lẽ được đề xuất đầu tiên trong Mục lục tác giả do Ban Hán Nôm biên soạn, hoàn thành năm 1973. Tại thư mục này, ở mục Phạm Đình Trạc, trang 295 viết:
“Phạm Đình Trạc (?-1833): Tự: Bạt Khanh, hiệu: Hào Xuyên, người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào (nay là huyện Mĩ Hào, tỉnh Hải Hưng), đỗ Cử nhân năm Nguyễn Minh Mệnh thứ 2 (1821), làm Án sát tỉnh Cao Bằng, tử tiết khi Nùng Văn Vân vây hãm Cao Bằng.
Tác phẩm: Nam sử diễn ca A.1363 (II, 4, 506)”.
Trong mục từ trên, “II, 4, 506” là chỉ dẫn đến mục từ Nam sử diễn ca (A.1363) ở Thư mục Hán Nôm do Thư viện Khoa học xã hội biên soạn(4). Quả thật tại Thư mục Hán Nôm có phần lược thuật cho văn bản A.1363 Nam sử diễn ca, nhưng trong đó không xác định tác giả của Nam sử diễn ca là Phạm Đình Trạc với tiểu sử như trên. Một cách tự nhiên, có thể hiểu rằng căn cứ vào tên tác giả được đề cập trong văn bản A.1363 và đối chiếu với chính sử triều Nguyễn, do sự trùng khít về nhân danh (sự trùng khít tính trên mặt chữ Hán), những người làm Mục lục tác giả có lẽ từ đó đã đi đến khẳng định tác giả Nam sử diễn ca và người được nhắc đến trong chính sử của triều Nguyễn chỉ là một. Trước mắt, người viết chưa rõ những người làmMục lục tác giả còn có căn cứ nào khác để chứng minh, nhưng cứ vào những trình bày tại mục Phạm Đình Trạc trong Mục lục tác giả thì sự khẳng định như trên về tác giả của Nam sử diễn ca là chưa hoàn toàn thuyết phục.
Như vậy, vấn đề trở nên khó khăn trong sự xác định tác giả cũng như niên đại tác phẩm là: Mặc dù Bạt Khanh Phạm Đình Trạc được nhắc nhở nhiều trong các tài liệu chính sử, người ta cũng có ghi chép về một vài tác phẩm của ông còn để lại, nhưng trong đó, Nam sử diễn ca chưa từng được nói đến.
Trong phạm vi quan sát vấn đề ở đây, có thể đưa ra ít nhất 3 giả thuyết sau:
 Tác giả Nam sử diễn ca tên là Phạm Đình Trạc và đây là Bạt Khanh Phạm Đình Trạc.
 Tác giả Nam sử diễn ca tên là Phạm Đình Trạc và đây là một người khác với Bạt Khanh Phạm Đình Trạc, người từng được nhắc nhở tới trong chính sử nói trên. Nghĩa là: Chúng ta chỉ có thể biết rằng Nam sử diễn ca được sáng tác bởi một người tên là Phạm Đình Trạc.
 Tác giả Nam sử diễn ca có thể không phải tên là Phạm Đình Trạc. Cái tên được ghi trong văn bản A.1363 có thể chỉ là một ngụy tạo.
Trong những giả thuyết nêu trên, giả thuyết (1) chỉ có thể chứng thực được khi ta tìm được trong các thư tịch Hán Nôm hoặc những tài liệu khác khả tín xác nhận rằng người có tên Phạm Đình Trạc đó đã từng trước tác Nam sử diễn ca, hoặc chí ít đã từng có một cuốn sử diễn ca bằng chữ Hán. Với hướng này, do chưa tìm được tư liệu khả tín để chứng thực, vì vậy kết luận chưa thể được khẳng định.
Về giả thuyết (3), điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi: 1- Văn bản A.1363 Nam sử diễn ca là độc bản, không có văn bản khác để đối chiếu, nguồn gốc của bản chép tay này nhiều khả năng lại là văn bản được sao chép thời Viện Viễn đông Bác cổ thuê chép sách; 2- Bản thân văn bản A.1363, như khảo sát văn bản bước đầu của chúng tôi, có khá nhiều lỗi chép sai. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có thể có phản chứng, chẳng hạn, nếu tên tác giả là do ngụy tạo thì vì sao người ngụy tạo văn bản không cố gắng tìm một nhân vật có tên tuổi hơn trên lĩnh vực “diễn ca” hay “thơ lục bát”? Như thế, mặc dù không thể hoàn toàn phủ nhận giả thuyết (3), nhưng việc khẳng định nó sẽ trở nên thiếu chứng cứ tại thời điểm này.
Vì những biện luận trên, trong điều kiện tư liệu hiện nay, giả thuyết (2) là có thể chấp nhận được. Song, nếu chấp nhận giả thuyết (2), điều đó có nghĩa những tư liệu ngoài văn bản hầu như không cung cấp thông tin nào cho việc minh xác tác giả tác phẩm. Dưới đây, chúng ta xét một số thông tin trong văn bản theo định hướng: Mặc dù gần như không thể xác định được thân thế, sự nghiệp của tác giả tác phẩm, nhưng việc tập hợp các thông tin có liên quan trong văn bản sẽ đóng góp vào sự giới định khoảng niên đại của tác phẩm.
KHẢ NĂNG XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI TÁC PHẨM
Trên cơ sở những điều tra, khảo sát đến thời điểm hiện nay, vấn đề niên đại tác phẩm được trả lời như sau: Nam sử diễn ca sớm nhất chỉ có thể được viết ra sau năm 1821. Tuy nhiên, nhiều khả năng, tác phẩm này đã ra đời sau năm 1884.
Sở dĩ đưa ra nhận định tác phẩm này không thể được sáng tác trước thời điểm năm 1821 vì một cứ liệu được lưu giữ chính trong bản thân văn bản tác phẩm. Dòng 3018 trong tác phẩm viết: “肇祥山頂碑銘尚傳” (Triệu Tường sơn đỉnh bi minh thượng truyền) - Đây là chi tiết trong đoạn nói về công tích của chúa Triệu Tổ Nguyễn Kim. Lời chua trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục về địa danh “Triệu Tường” cho biết: “Núi Thiên Tôn: Chính Lăng Triệu Tổ ở nơi này. Đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), triều ta phong cho núi Thiên Tôn này là núi Triệu Tường”(5). Theo cứ liệu này, rõ ràng địa danh “Triệu Tường” chỉ bắt đầu có từ năm Minh Mệnh 2, tức năm 1821; trước đó, nơi đặt lăng của chúa Nguyễn Kim có tên là núi Thiên Tôn. Với việc sử dụng địa danh “Triệu Tường” (mà không phải “Thiên Tôn”), có thể thấy, Nam sử diễn ca không thể được sáng tác trước thời điểm 1821.
Mặc dù cứ liệu trên chứng tỏ niên đại sớm nhất của Nam sử diễn ca không thể sớm hơn mốc năm 1821, nhưng nhiều quan sát khác còn chỉ ra cái khả năng mốc thời gian về thời điểm sớm nhất tác phẩm có thể ra đời thậm chí cần kéo về gần hơn nữa.
Không một tài liệu nào chứng tỏ một cách “chính thức” rằng Nam sử diễn ca đã dựa chủ yếu vào Khâm định Việt sử thông giám cương mục để diễn ca các nội dung lịch sử, nhưng một đối chiếu giữa những nội dung và sự sử dụng ngôn từ giữa hai văn bản này có thể ủng hộ nhận định đó.
Dưới đây sẽ lấy một số trong rất nhiều ví dụ có thể có:
Dòng 3337-3338 viết:
櫟梣失望稱兵
笑看逆子圖傾逆臣
Lịch Sầm thất vọng xưng binh
Tiếu khan nghịch tử đồ khuynh nghịch thần
(Trịnh Lịch và Trịnh Sầm thất vọng bèn cất quân / Đáng cười thay đám nghịch tử mưu đồ lật đổ kẻ nghịch thần.)
Cương mục, năm Ất Dậu 1645, tháng 5 (trong thời vua Lê Chân Tông): “先是梉分遣其子鄭柞鎮山南、鄭櫟鎮山西、鄭梣鎮海陽,並加封郡公。至是進太尉掌國政,櫟梣稱兵作亂(Trước đây, Tráng phân phối sai các con của hắn là: Trịnh Tạc trấn thủ Sơn Nam, Trịnh Lịch trấn thủ Sơn Tây, Trịnh Sầm trấn thủ Hải Dương, đều gia phong tước quận công. Đến nay, Trịnh Tạc được tiến phong làm thái úy, giữ chính quyền trong nước. Lịch và Sầm mất hết hi vọng, bèn cất quân nổi loạn.
Về sự kiện này, Cương mục có lời ngự phê của vua Tự Đức như sau: “逆子屢出於逆臣之門。鄭氏可謂世濟其惡矣” (Nhà người bầy tôi bạn nghịch luôn luôn đẻ ra đứa con bạn nghịch. Họ Trịnh có thể nói là đời nọ thừa kế cái ác nghiệp của đời kia.)
Cả dòng 3337 và các chữ như “nghịch thần”, “nghịch tử” trong dòng 3338 tỏ ra có sự tương ứng sít sao về từ ngữ cũng như “ý đồ” diễn đạt ở Cương mục.
Một ví dụ khác ở trường hợp dòng 2703:
臺憲令各自
Đài Hiến lệnh các tự thiêm
Cương mục, năm Tân Sửu 1481, tháng 6 (trong thời vua Lê Thánh Tông): “六月,詔自今” (Tháng 6, hạ chiếu: từ nay chức quan ở Đài, ở Hiến phải do mọi người công cử).
Điểm chú ý ở đây chính là chữ “” (thiêm) với nghĩa chỉ: đông người, số đông người. Trong câu củaCương mục, “thiêm cử” chỉ việc cử người vào các chức quan ở Ngự sử đài và Hiến sát sứ phải trên sự lựa chọn của số đông người.
Một vài ví dụ được nêu ra ở đây, nhất là những ví dụ về sự “diễn ca” trên cơ sở những lời ngự phê của vua Tự Đức, có thể được xem như các bằng chứng ủng hộ nhận định Nam sử diễn ca nhiều khả năng đã được ra đời dưới những ảnh hưởng mạnh mẽ của bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Trong trường hợp đó, khi Nam sử diễn ca dựa vào sách Cương mục để thực hiện “diễn ca” thì lẽ đương nhiên, tác phẩm này chỉ có thể ra đời sau khi Cương mục đã được phát hành. Chúng ta biết rằng Khâm định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn chủ yếu dưới thời Tự Đức, tức là từ năm 1856 đến 1884 mới hoàn thành; như thế, thời điểm sớm nhất để Nam sử diễn ca được viết ra - ở giả thuyết này - phải tính từ sau năm 1884.
Về niên đại văn bản, thực ra chúng ta có thể đề xuất một vài giả thuyết khác nữa; và ngay cả hai giả thuyết trên thì rõ ràng vẫn mang tính chất của những giả thuyết. Điểm nút giữa hai giả thuyết đó chính là những lời phê của vua Tự Đức. Một mặt, chúng ta thấy sự tương hợp sít sao giữa cách diễn đạt ở Nam sử diễn ca với Cương mục (xin nhấn mạnh lại rằng những sự tương hợp như thế xuất hiện khá nhiều qua thực tế đối chiếu giữa hai tư liệu này); một mặt, ta vẫn không có căn cứ chính thức rằng Nam sử diễn ca chắc chắn dựa vào Cương mục. Chẳng hạn, giả sử (cho dù xác suất cho giả sử này là rất thấp) những diễn đạt trongNam sử diễn ca mà trùng với lời ngự phê của vua Tự Đức chỉ là ngẫu nhiên, vì rõ ràng mọi diễn đạt của Nam sử diễn ca không phải là sự “bệ nguyên” những gì được chép trong Cương mục.
Mặc dù vậy, quan điểm của bài viết này vẫn thiên về giả thuyết thứ 2. Có lẽ Nam sử diễn ca là một tác phẩm được viết khá muộn (thậm chí có thể khá lâu sau năm 1884). Dưới đây, những phân tích về thông tin chữ húy sẽ góp phần ủng hộ giả thuyết thứ hai này.
Văn bản có các chữ kiêng húy sau: 暠、華、宗、任()、時()、實(). Trừ trường hợp kiêng húy của và  (húy đồng âm “cảo”) thì những chữ húy còn lại đều là quen thuộc trên các văn bản niên đại đời Thành Thái (1889-1907). Cả năm chữ 華、宗、任()、時()、實() đều thuộc diện chữ kị húy từ trước đời Thành Thái, có điều, cách thức kiêng húy của một số chữ như được thể hiện trên A.1363 thì thuộc về niên đại Thành Thái: Trước đời Thành Thái, những chữ như 華、實 được viết kiêng húy theo lối gia dạng; hoặc  sẽ được húy theo lối đổi chữ dùng, thành . Đến thời Thành Thái mới có định lệ kiêng húy  bớt nét thành , đổi dùng chữ  thành , đổi dùng chữ  thành . Về việc kiêng húy chữ , chữ này xuất hiện 5 lần trên toàn văn bản, và chỉ được kiêng húy trong 3 lần, và cả 3 lần này đều để ghi tên riêng Võ Văn Nhậm; trong khi một trường hợp khác cũng để ghi tên riêng (Ngô Thì Nhậm) thì A.1363 đã không kiêng húy chữ “nhậm”. Điều chú ý là chữ “Nhậm” không chỉ trong sự ghi tên riêng Võ Văn Nhậm mà cả đối với Ngô Thì Nhậm thì sách Cương mục đều thể hiện sự húy bớt bộ nhân đứng:  thành . Về hai chữ tạm coi là húy đồng âm “cảo”  và , xin nhận xét như sau: Chữ  được húy thành  và cả 2 lần xuất hiện đều để ghi tên riêng Trần Cảo (Cao). Sự kiêng húy này giống với sách Cương mục. Về chữ , thực ra văn bản A.1363 viết là , do ngữ cảnh dòng thơ giúp chúng ta đọc được chữ này để ghi tên riêng Nhan Cảo Khanh (mà không phải Nhan Mộc Khanh) nên có hai khả năng với chữ : Hoặc  là viết sai, và chỉ cần một thao tác đính thành ; hoặc  là húy theo lối bỏ bộ nhật ở trên - vốn dĩ không có qui định kiêng húy nào theo lối đó, nhưng trong văn bản A.1363 chỉ có 3 lần xuất hiện âm “cảo”, hai lần là  viết húy thành , chỉ còn 1 lần là trường hợp  /  này. Đưa ra ý kiến rằng có thể  /  là một trường hợp kiêng húy, và đây là kiêng húy “tự nguyện”, thì đây chỉ là đề xuất như giả thuyết. Trong hai giả thuyết nêu trên, giả thuyết cho rằng  /  là việc chép nhầm tự dạng có lẽ có sức nặng hơn, và nếu như vậy thì âm “cảo” trong văn bản cũng không được kiêng húy triệt để.
Ngoài các trường hợp chữ được kiêng húy vừa nêu, một số chú thích khác cần được bổ sung như: Các chữ húy 華、任()、時()、實()、宗 và cả  trong Nam sử diễn ca đều được húy theo cách giống với sự thể hiện trên văn bản Cương mục; nhưng so với Cương mụcNam sử diễn ca lại bỏ qua rất nhiều trường hợp khác cần húy mà không húy. Ví dụ, các chữ 登、香ở Cương mục được húy theo lối bớt nét; chữ  ở Cương mục húy đổi chữ dùng thành ;trong khi đó, các chữ này đều không kiêng húy trên Nam sử diễn ca.
*
Như vậy, tổng quan về các thông tin đã được thu thập về tác giả, về các chi tiết sự kiện mang tính chất sử liệu, và về tình hình kiêng húy trên văn bản Nam sử diễn ca, chúng ta có thể tạm thời rút ra mấy kết luận sau:
- Tác giả của Nam sử diễn ca được ghi trong văn bản A.1363 là Phạm Đình Trạc, tuy nhiên hành trạng của nhân sĩ này như thế nào hiện còn chưa đủ tư liệu để khảo xét.
- A.1363 là một văn bản có kiêng húy nhưng kiêng húy không nhất quán và không triệt để. Không chỉ các chữ húy phần lớn chứng tỏ cách thức kiêng húy của đời Thành Thái mà bản thân tính chất không nhất quán, không triệt để của sự kiêng húy cũng ủng hộ nhìn nhận Nam sử diễn ca là sản phẩm của những năm niên đại Thành Thái.
Tình trạng kiêng húy nói trên của văn bản tỏ ra phù hợp với giả thuyết cho rằng Nam sử diễn ca do dựa trên Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nên ít nhất cũng chỉ ra đời sau năm 1884 - tức là sau năm bộCương mục này được phát hành
Chú thích:
(1) Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, năm 1999, tr.388.
(2) Trường hợp không phải là tác giả của sách thì thường phải ghi rõ tên kèm theo động từ chỉ việc đã thực hiện đối với công tác hình thành sách (như: tập đính, sao lục, trùng thuyên, tàng bản…)
(3) Xin xem các ghi chép về Bạt Khanh Phạm Đình Trạc trong Đại Nam thực lụcĐại Nam chính biên liệt truyện (Sách Liệt truyện có truyện chép riêng về nhân vật này).
(4) Về hệ thống Thư mục Hán Nôm và Mục lục tác giả nêu trên, xin trích dẫn Vài lời về cuốn Mục lục tác giả ở phần đầu cuốnMục lục tác giả do người chịu trách nhiệm biên soạn thư mục này trong Ban Hán Nôm là Dương Thái Minh viết tháng 7/1973: “Bộ Thư mục Hán Nôm do Thư viện Khoa học xã hội biên soạn, in rô-nê-ô, phát hành trong những năm 1969-1972 gồm 9 tập chính và 2 sách dẫn: Tổng mục lục và mục lục phân loại. Theo kế hoạch thì bộ sách còn có một sách dẫn tác giả, nhưng Thư viện hiện nay không còn người làm công việc này. Ban Hán Nôm chúng tôi thấy cần phải tiếp tục làm cho bộ sách được trọn vẹn, phục vụ bạn đọc được nhiều hơn.” (Các bộ thư mục này hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội).
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học, dẫn theo ấn bản điện tử (chuyển sang bản điện tử từ bản in của Nxb. Giáo dục H. 1998) do nhóm Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên thực hiện năm 2001. (Từ đây trở xuống tương tự cho mọi trích dẫn của Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Các tài liệu tham khảo chính:
1.Phạm Đình Trạc: Nam sử diễn ca 南史演歌, Kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: A.1363.
2.Đại Việt sử kí toàn thư và các bộ quốc sử chủ chốt do quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện. (Tham khảo trên các bản lưu hành)
3.Thư mục Hán Nôm do Thư viện Khoa học xã hội biên soạn, in rô-nê-ô, phát hành trong những năm 1969-1972 gồm 9 tập chính và 2 sách dẫn, Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
4.Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam (2 tập), Thư viện Quốc gia xuất bản, Hà Nội, tập 1 in năm 1970, tập 2 in năm 1990.
5.Trần Nghĩa và François Gros đồng chủ biên, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (3 tập), Nxb. KHXH, H. 1993.
6.Phùng Minh Hiếu, Luận văn Thạc sĩ Nam sử diễn ca và lục bát chữ Hán, Phòng tư liệu khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, H. 2007.
7.Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1999.
8.Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Les charactères interdits au Vietnam à travers l’Histoire - Emmanue l Poisson dịch và chú giải), Nxb. Văn hóa, 1997.
Và những tài liệu nghiên cứu liên quan khác./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.366-379

Phùng Minh Hiếu
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ