Động Kính Chủ bảo tàng văn bia của sáu thế kỷ ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Động Kính Chủ bảo tàng văn bia của sáu thế kỷ

Thứ ba, 10 Tháng 1 2012 14:02

ng_Knh_CH_huMn
Động Kính Chủ được xếp vào hàng Nam thiên đệ lục động (Tức là động thứ 6 của trời Nam) Ảnh Nguyễn Trọng
Động Kính Chủ như chúng ta đã biết, từ thời tiền sử đã có con người cư trú, đến cuối thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên, văn hóa Đông Sơn đã lan tỏa đến đây. Bằng chứng là những mộ thuyền đương thời còn bảo lưu nhiều đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện trước cửa động và nhiều điểm liền kề. Vì vậy, đến thời Lê Trung Hưng động Kính Chủ được tôn vinh là Nam thiên đệ lục động, tức động thứ sáu của trời Nam.
Tuy xếp vào hàng thứ sáu, nhưng động Kính Chủ có một nội dung mà tất cả các động ở Việt Nam đến nay đều không thể so sánh được, đó là hệ thống văn bia trên vách động mà tác giả từ vua chúa, quan lại, nhân sĩ cho đến sư sãi và dân gian, thực hiện trong những hoàn cảnh rất khác nhau, tựa như một bảo tàng về văn bia suốt sáu thế kỷ, tức là cuối triều Trần cho đến cuối triều Nguyễn. Sở dĩ động Kính Chủ có được nhiều văn bia như vậy là nhờ làng có nghề điêu khắc đá từ thời Trần, ai có nhu cầu có thể thực hiện ngay. Hơn thế, đây là thắng cảnh cách kinh đô không xa, lại tiện đường thủy nên việc thăm viếng của vua chúa và lữ khách khá thuận tiện. Chính vì hệ thống cảnh quan và văn bia quý báu đó mà động được xếp hạng Quốc gia đợt đầu của cả nước ( ngày 28/04-1962).
Trải qua hàng thiên niên kỷ, ngoài do tác động của thiên nhiên, của chiến tranh, binh lửa còn do sự thiếu ý thức của con người, động bị hư hại nghiêm trọng, cảnh quan không còn như xưa. Rất may là hệ thống văn bia trên vách động, tức bia ma nhai vẫn còn căn bản, một vài bia bị hư hại nhưng may còn bản in và chụp từ đầu thế kỷ XX, do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện, còn có thể đọc được, nhất là những tấm bia ngoài động. Tuy nhiên, đó là công việc vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian, thực chất là công tác khảo cổ học văn bản.
Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho triển khai thực hiện công trình khoa học, dịch toàn bộ văn bia ở một số di tích tiêu biểu của tỉnh. Để thực hiện công trình này, trước hết chúng tôi cho in dập toàn bộ văn bia hiện còn, rà lại danh mục văn bia do người Pháp thực hiện từ đầu thế kỷ trước, cả trong và ngoài động để chụp lại thác bản. Sau khi nghiên cứu, phiên dịch toàn bộ văn bia ở trong và ngoài động, chúng tôi tìm được 50 văn bia trên vách động và 4 bia ở ngoài động, liên quan trực tiếp đến xã Kính Chủ, tổng cộng là 54 bia. Để thực hiện việc này mất nhiều thời gian, công sức và trí lực, nếu không thấy được giá trị của từng loại hình văn bia thì rất có thể bỏ dở vì mất quá nhiều thời gian khôi phục văn bản, nhất là những văn bia quá dài và mòn mờ. Ví dụ, bia của vua Lê Thánh Tông khắc trên đỉnh động, phải bắc thang mới có thể in được. Một số bia tuy ở trong động nhưng cũng bị phong hóa hoặc va chạm cơ học, không còn cơ hội đọc hoàn chỉnh. Rất may trong đó có những bia đã được người Pháp cho in dập từ trước năm 1939, nên mặc dù bia hiện tại đã mất một số chữ nhưng có thể khôi phục qua bản chụp. Kết quả là đã sao dịch được tới 98% số chữ trên toàn bộ văn bia, trong đó nhiều bia sao được trọn vẹn, một số bia tuy mất vài chữ, nhưng không làm mất thông tin căn bản của văn bia. Tổng số chữ đã đọc được của 54 bia là gần 2 vạn chữ.
Về niên đại, bia sớm nhất là bia ghi bài thờ còn bút tích của Phạm Sư Mạnh, viết ngày 5 tháng 9, năm thứ 144 triều Trần (1368), muộn nhất là bia Trùng tu các công trình thuộc động Kính Chủ, khắc năm 1940.
Bia có số chữ nhiều nhất là bia trùng tu Dương Nham tự thạch bi, do tiến sỹ Vũ Cán biên soạn, khắc năm Đại Chính thứ 3 (1532), hơn 1.870 chữ, ghi tên họ gần 600 người công đức, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, quê từ Thanh Hóa trở ra. Nếu tính số chữ của bia liền kề cùng năm, tương tự như mặt sau của bia, thì lên tới gần 3000 chữ, số người được ghi trên bia là trên 800. Có thể nói, vào đầu triều Mạc, những người chủ trì chùa Dương Nam đã huy động được lực lượng công đức xây dựng chùa rất lớn, trong đó có tới vài trăm phụ nữ được ghi tên đầy đủ. Hiện nay phần lớn các dòng họ chỉ ghi gia phả được tới 15 – 16 đời, tương đương với 450 năm. Những người được ghi trên bia nói trên đã ngót 5 thế kỷ, nghĩa là đều tương đương với những ông tổ, bà tổ của nhiều dòng họ. Đây là tư liệu quý để các dòng họ có thể bổ sung, hiệu đính, tìm hiểu về dòng họ của mình. Hiện nay một số học giả do thiếu thận trọng cho rằng thời phong kiến phụ nữ không có tên thường gọi trên văn bia, dẫn đến nhận thức sai văn bản cổ. Nhiều văn bia cho biết khá tường tận về phong tục tập quán đương thời, là tư liệu quý để nghiên cứu từng chuyên ngành.
Tại động Kính Chủ, bia có ít chữ nhất là bia Vân Thạch thư thất còn bút tích Phạm Sư Mạnh. Tuy chỉ có 8 chữ, nhưng giá trị không nhỏ, bởi nội dung bia cho biết, Động Kính Chủ từng là phòng đọc sách của danh nhân họ Phạm ở thế kỷ XIV. Tự dạng của bia này y hệt như bia Đăng Thạch Môn lưu đề, nên có thể khẳng định bia có niên đại cùng thời (1368). Danh mục bia được trích yếu theo niên đại, như sau:
TK XIV(Trần)2 bia
TK XIVLê Sơ2 bia
TK XIVMạc9 bia
TK XIVLê trung hưng15 bia
TK XIVLê trung hưng4 bia
TK XIVNguyên7 bia
TK XIVNguyên15 bia
Cộng54 bia
Như vậy thế kỷ nào cũng có bia được khắc lên vách động. Thời Tây Sơn tuy ngắn ngủi, nhưng có một bia ghi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6 (1798).Về nội dung thật đa dạng, ghi nhận nhiều sự kiện khác nhau thuộc các tầng lớp xã hội. Một số bia thuộc Văn chỉ Kính Chủ ở ngoài động, cho biết 5 nhân vật lịch sử của bản xã đều là danh thần tiến sỹ mà xưa nay đã được giới thiệu trên một số báo chí chưa thấy ghi xuất xứ của tư liệu này, thì nay đã tìm được ngay trên Bia Tiên hiền, khắc năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Đây là cơ sở tư liệu đáng tin cậy về 5 tiến sĩ, đồng thời là danh thần của thời Trần tại địa phương: Phạm Quá, Phạm Mại, Trần (Đỗ) Khắc Chung, Phạm Ngộ, Phạm Sư Mạnh
Trong 54 văn bia còn có 17 bài thơ, bài tán và minh mà tác giả đều là những nhân vật nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Trần Quốc Trinh, Trương Quốc Dụng, Đặng Đức Cương... trong số này có nhiều bài thơ hay, xin trích một bài tiêu biểu.
Đặng Thạch Môn lưu đề (1)

Ngày 5 tháng 9, năm thứ 144 triều Trần, Thái học sinh, Nhập nội hữu nạp ngôn Phạm Sư Mạnh, người làng Kính Chủ, nhân đi duyệt binh các lộ Đông Bắc, lên núi nhà, xúc động viết thành thơ, đề trước cửa động. Người thợ đá nào đó, khắc trung thành nét bút của ông, để đến hôm nay, mỗi khi đọc lại, chúng ta không khỏi bồi hồi tình non nước, nhớ lại những năm tháng chiến thắng oanh liệt giặc Nguyên Mông ở thế kỷ thứ XIII.
Phiên âm
Hành dịch đăng gia sơn,
Kiều thủ vạn lý thiên.
Đổ bằng nam minh ngoại,
Tân nhật đông nhạc tiền.
An Phụ thiên nhất ác,
Tượng Đầu nhẫn cửu thiên.
Tằng tằng Tử Tiêu vân,
Hội phỏng An Kỳ Tiên.
Hung hung Bạch Đằng đào,
Tưởng tượng Ngô Vương thuyền.
Ức tích Trùng Hưng đế,
Khắc chuyển khôn oát kiền.
Hải phố thiên mông đồng,
Hiệp Môn vạn tinh chiên.
Phản chưởng điện ngao cực,
Vãn hà tẩy tinh chiên.
Chứ kim tứ hải dân,
Trường thuyết cầm hồ niên.
Trần Triều nhất bách tứ thập tứ tự, cửu nguyệt, ngũ nhật, Nhập nội hữu nạp ngôn Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh, phụng chiếu giản duyệt ngũ lộ chi binh, đăng Thạch Môn sơn tác,
Dương Nham
Phạm Sư Mạnh thư.
Dịch nghĩa
Nhân việc quan qua núi nhà,
Ngẩng đầu nhìn trời xa muôn dặm.
Thấy chim bằng phía nam xa,
Đón mặt trời mọc trước dãy núi phía đông.
Núi An Phụ như cách trời chỉ gang tấc,
Núi Tượng Đầu (Yên Tử) cao chín nghìn nhẫn.
Mây lớp lớp trên núi Tử Tiêu,
Nhân hỏi Tiên An Kỳ Sinh.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Tưởng như thấy chiến thuyền của Ngô Vương
Nhớ cưa vua Trùng Hưng.
Tài chuyển trời xoay đất trong khoảng khắc.
Hàng ngàn chiến thuyền ngoài cưa biển,
Muôn lá cờ lệnh trên ải Hiệp Môn.
Trở tay đặt nền thái bình,
Lấy nước sông Ngân rửa vết nhơ.
Đến nay dân bốn biển,
Còn kể mãi chuyện năm bắt thù.
Dịch thơ (2)
Việc quan qua núi nhà,
Ngẩng đầu nhìn muôn dặm.
Chim bằng phía nam xa,
Vầng dương đông trước núi,
An Phụ như chạm trời.
Tượng Đầu cao ngàn nhận,
Tử Tiêu mây lớp lớp,
Nân hỏi tiên An Kỳ.
Cuồn cuộn sóng Bạch Đằng,
Tưởng như thuyền Ngô Vương.
Nhớ xưa vua Trùng Hưng,
Tài chuyển xoay trời đát.
Cửa biển ngàn chiến thuyền,
Hiệp môn vạn cờ chiến.
Trở tay định thái bình,
Ngân hà rửa tanh hôi.
Đến nay dân bốn biển,
Kể mãi năm bắt thù.
(1) Bia không có tựa đề, chúng tôi lấy câu đầu làm tựa đề cho bài thơ.
(2) Thơ Phạm Sư Mạnh trên bia động Kính Chủ nhiều học giả đã dịch qua nhiều thể loại khác nhau, ở đây chúng tôi dịch theo thể thơ thất ngôn cho gần với nguyên tác.
Mặc dù trải nhiều năm nghiên cứu, khôi phục văn bản, trước đây các học giả cũng mới trích dịch được một vài văn bia với một thư mục văn bia không hoàn thiện. Đến nay, nhờ công trình khoa học, toàn bộ 54 văn bia đã được sao dịch căn bản. Công trình sẽ được xuất bản để phục vụ du khách và những học giả quan tâm đến lịch sử và di sản Hán Nôm. Phần đọc và dịch có thể có những cách hiểu khác nhau, điều quan trọng là người đọc có bản sao nguyên bản chữ Hán để có thể tự nghiên cứu thêm.
Hiện nay khu di tích văn hoá Kính Chủ có diện tích gần 50 ha, cảnh quan sơn thủy hữu tình, di tích phong phú và hấp dẫn, đường tham quan thuận tiện, du khách thập phương đến ngày càng đông, bởi thế đã có dự án tôn tạo nơi đây thành một khu du lịch tâm linh và sinh thái. Đây là dự án khả thi trong một tương lai gần.
Tăng Bá Hoành
Bài đăng trên Tạp chí KHCN&MT số 6/2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ