Thêm một bài trướng văn của sĩ phu đương thời viếng Hoàng Diệu ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Thêm một bài trướng văn của sĩ phu đương thời viếng Hoàng Diệu

THÊM MỘT BÀI TRƯỚNG VĂN CỦA
SĨ PHU ĐƯƠNG THỜI VIẾNG HOÀNG DIỆU
NGUYỄN THANH VÂN
Thái Bình
Hoàng Diệu tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, người xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm Nhâm Thình (1832), 17 tuổi đầu cử nhân, 22 tuổi đậu phó bảng khoa Quý Sửu (1853) năm Tự Đức thứ sáu – Năm Canh Thình (1880) mới 38 tuổi, được cử làm tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình).
Khi làm tổng đốc Hà Ninh, ông có tiếng là ngườ ngay thẳng liêm khiết. Ngày 25 tháng 4 năm 1882, thực dân Pháp do Henri Riviere cầm đầu đem pháo thuyền ra đánh Hà Nội. Hoàng Diệu thề cùng còn mất với thành, thân lên mặt thành cửa Bắc chống giữ. Vì có nội phản bỗng kho thuốc súng trong thành bùng cháy. Trước giờ vỡ trận, ông đã viết tờ biểu dâng lên vua Tự Đức để sẵn sàng trong tay áo đến trước điện Kính Thiên bái vọng rồi trèo lên cây hoè tự tận, phu nhân ông cũng cùng chết theo chồng(1).
Tấm gương hi sinh cùng với nội dung tờ biểu của Hoàng Diệu là sự lên án nghiêm khắc triều đình từ vua Tự Đức đến các văn thần, võ tướng bạc nhược bấy giờ.
Sự hi sinh của Hoàng Diệu không chỉ là tấm gương nghĩa liệt vì nước quên mình mà còn là hồi trống trận vang vọng qua không gian, thời gian thúc giục lớp lớp nghĩa sĩ cả nước lên đường giết giặc, dưới là cờ Cần Vương của vua Hàm Nghi. Người đời sau có rất nhiều thơ văn Hán Nôm ca ngợi khí tiết của ông. Trong bài viết này chúng tôi xin bổ sung thêm một tư liệu nữa là bài trướng văn của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị vừa được sưu tầm.
TRƯỚNG VĂN CỦA HOÀNG GIÁP PHẠM VĂN NGHỊ
Người ta có thể sát thân để thành “nhân”, bỏ sự sống để giữ “nghĩa”, đời dẫu cách xa mà tinh thần còn tưởng vọng, cảm khái vô cùng, huống chi là người đồng thời đồng sự. Bình sinh, chúng tôi thường lấy khí tiết hẹn thề với nhau. Ông chế đài họ Hoàng là bạn hữu của tôi. Tháng 3 năm nay vì trách nhiệm gìn giữ đất đai cùng sống chết với giặc. Buồn thay!...
Ông đậu phó bảng năm Quý Sửu (1853) ra vào chốn trường ốc trong ngoài, từ lâu đã được đức Hoàng thượng quý mến. Trước đây vùng Ninh Bình bị úng lụt ông đã cùng dân bản hạt ra sức lo liệu sửa sang. Bấy giờ ông làm Tuần phủ, tôi cùng ông nâng chén bàn luận văn chương, chí thề với non sông. Khi ông giữ chức Tổng đốc Hà Nội thì tôi làm nhiệm vụ canh giữ miền biển, ở cách xa nhau hơn trăm dặm. Nhân khi ông có việc phải đi, nên mùa đông năm ngoái tôi được gặp ông một tối. Còn thư từ trao đổi với nhau chẳng sao kể hết. Trước khi ông tuẫn tiết hai ngày, tôi nhận được mật thư ông, thấy rõ lời nói ông lúc bình sinh. Đó là một hành động cao cả vậy! Chẳng phải nói rằng sự việc đã khó lại càng khó. Thé là một đêm tâm sự cùng nhau bỗng thành thiên cổ! Thật là khó lường được trời, khó rõ được thần minh! Buồn thay! Vậy là cái chết của bậc bề tôi là khó nói. Sự việc đúng sai tự nó sẽ có công luận, sự thành bại chẳng bàn luận làm gì. Cũng có những người cảm khái việc này hay chỉ có bậc sĩ đại phu?
Tôi ở phên giậu phía Nam, luôn luôn kính trọng ông và mọi người nhà đều ngóng trông ông. Phu nhân ông tất không nhường bậc hiền tài. Bà chẳng phải là người dẹp loạn Náo Xỉ(2). Ông chẳng phải là Tôn hành Giả mà là hiếu tử, là trung thần. Sự an ủi đêm ngày, niềm ngưỡng vọng luôn treo trước mắt. Sự đã qua rồi mà tấm lòng như nhau vậy. Ôi! Cảm khái thay!
Ông có ba anh em. Người em thứ làm Án sát tỉnh Quảng Bình, người em út làm huyện doãn Châu Ninh(3). Năm ngoái ông đã xin cho người em thứ về phụng dưỡng cha già. Đó là kế dự phòng cho hôm nay. Ông yên tâm rồi, gia đình đã có em phụng sự thần hôn, việc nước có em út đêm ngày lo liệu. Tâm chí ông được yên lòng mà linh sảng ông dưới chín suối cũng được an ủi vậy. Tôi mong đợi sâu sắc ở hai người em ông; đó là sự khích lệ đối với ông.
Linh hồn ông biết chăng, hẳn cũng đang ngậm cười. Tôi cũng đang nén lòng buồn thương, lại có lời an ủi ông:
Khí hà cương nhi hà đại,
Tiết hà khổ nhi hà trinh.
Hà ngư nhi hướng dục hề nhi hùng thị dinh.
Hà sơn chi thậm trọng hề nhi mao thị khinh
Duy kỳ Nghĩa hề, ngô thủ Nhân hề
Ngô thành cô bất tri ái thân chi quý, tham thân chi vi vinh.
Sở dĩ: Hưng vong giả thành
Bất hủ giả danh
Chiêu hồ quán nhật nguyệt, bái hồ tái thương minh
Công chi trung tức công chi hiếu
Công chi tử do công chi sinh
Hựu huyết yên khắp thế nhiên linh
Hiệu nhi nữ chi thường tình
Nhi bất hệ nhiên kỳ tạm tụ chi hình giả dã!
Dịch nghĩa:
Không gì lớn bằng, cứng cỏi bằng khí phách.
Không gì kiên định bằng, hết lòng bằng khí tiết trung trinh.
Cá muốn bơi về đâu chừ mà gấu làm ổ.
Núi nào nặng chừ mà lông nhẹ tênh.
Chỉ “Nghĩa” này ta giữ, “Nhân” này ta thành.
Cho nên chẳng biết yên thân mình là quý, tham sống là vinh.
Quyết sống chết với thành.
Bất hủ ấy là danh.
Gương sáng soi vừng nhật nguyệt, tràn đầy cõi thương minh.
Lòng trung của ông tức lòng hiếu của ông.
Ông mất tức ông sống mãi.
Tôi sụt sùi khóc ông như máu chày ròng.
Như nhi nữ thường tình.
Mà chẳng ràng buộc vào sự tạm tụ của thân hình.
Thái Bình, thu Canh Thình 2000.
Chú thích:
1. Theo bản chữ Hán chép tay của gia đình cụ Nguyễn Công Chuẩn (1883-1956) xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
2. Náo: tên một dòng họ của nước Sở. Tướng của nước Sở tên là Náo Xí làm loạn thế nào, chưa tra cứu được.
3. Châu Ninh nay là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.553-557
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ