Năm 1990, chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh thuộc làng An Ninh, thôn An Đông, xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Mặc dù chưa rõ năm phát tâm xây dựng nhưng khuôn viên chùa nằm trong những di chỉ có nhiều cổ vật nên người ta phán đoán rằng chùa có từ thời An Dương Vương. Thế nên ngôi chùa vẫn bao quanh mình rất nhiều bí ẩn.
Hầu hết tấm bia vẫn nằm nguyên ở trước chùa khi công cuộc trùng tu đang dang dở
Huyền thoại ni cô hiển linh sau 200 năm
Chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh hay còn gọi là chùa An Ninh, (tên người dân thường gọi) được lấy từ tên gốc là Vĩnh Lộng Tự. Từ trước tới nay, chưa có một tài liệu nào khẳng định được chính xác thời điểm phát tâm xây dựng chùa. Đây là nhận định của ông Nguyễn Đình Giao, người cuối cùng trong 6 người thuộc Ban thu thập hồ sơ lịch sử chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh còn sống và vẫn còn minh mẫn.
Năm 1990, khi chùa vừa được phục hồi và công nhận di tích quốc gia cũng là năm ông Giao được người dân trong làng đề cử vào Ban để tìm hiểu lại nguồn gốc của chùa. Nhưng sau nhiều năm khảo sát thu thập các chứng tích lịch sử còn sót lại thì Ban vẫn chưa đủ căn cứ để đưa ra một kết luận chính xác về lịch sử của chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh. Bởi ngay đến nay, ẩn trong lòng đất của làng An Ninh vẫn còn sót lại nhiều vật chứng huyền thoại. Và đây chính là chứng tích quan trọng đem lại những câu chuyện huyền bí nhưng đầy tính khoa học lí thú về ngôi chùa cổ.
Vài tháng trở lại đây, một người dân thôn Đào Xá, một thôn nhỏ cạnh làng An Ninh vô tình khi đào ao nuôi cá đã phát hiện được một loạt mộ cổ được táng theo phương thức "Thủy táng" (cách an táng người chết ở dưới nước-PV). Trong số quan tài độc mộc vẫn còn hài cốt thì kèm theo là rất nhiều di vật được táng theo như bình gốm, lưỡi rìu, mũi giáo và nhiều mũi tên bằng đồng. Đồng điệu với nơi di táng này, cách đó không xa là di tích của một ngôi thành cổ vẫn còn nguyên một vòm đất nổi và chân thành bao quanh chừng 4 mẫu Bắc Bộ, dân gian thường gọi là Đồng Đấu.
Địa danh Đồng Đấu theo người già trong làng truyền lại có nguồn gốc từ một giai thoại: Xưa kia, tại địa điểm này các quan binh dùng như một cái "đấu" để tuyển mộ hoặc điểm danh số lượng quân lính trước khi hành binh. Từ địa danh này với nhiều nghiên cứu các di vật của chùa kết hợp những di vật có đặc điểm lịch sử từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa giữ nước, nhiều người có thâm niên lịch sử làng và Ban thu thập hồ sơ lịch sử chùa khẳng định làng An Ninh - "Chốn tổ" của chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh có chiều dài lịch sử không dưới 4.000 năm.
Một tài liệu viết bằng chữ Hán - Nôm còn sót lại trong chùa viết vào năm Mậu Tý (1948) đã hé mở đôi chút về huyền thoại chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh. Cuốn sách nói về thân thế và Phật nghiệp của ni cô Phạm Thị Toàn - bà cô tổ của chùa. Theo những gì được ghi chép lại, Toàn Nương là con gái Hoan Châu Bộ vốn là một thiếu nữ đoan trang, giỏi văn, hay chữ. Năm 20 tuổi, vua Lý cho vời vào cung phong làm "mẫu nghi thiên hạ" nhưng nàng từ chối và trở về quy y cửa Phật. Khi đang dốc tâm tu hành Toàn Nương đột ngột qua đời khi tuổi đời mới tròn 27. Lạ thay, người con gái hồng nhan, tài giỏi mà bạc phận đó lại hiện linh trở lại sau gần 200 năm sau.
Sử sách đã ghi lại vào niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 đời vua Trần Nhân Tông, tức năm Đinh Hợi (1287 - 1288) giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3. Quan trấn thủ Hồng Châu (tức Hải Dương) tên là Nguyễn Tĩnh, được cử ra chặn đánh đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi đang tiến vào sông Bạch Đằng. Sau nhiều trận giao tranh không phân thắng bại, quân ta tạm rút về trú binh tại Chùa Vãn Lộng Tự. Tại đây, Nguyễn Tĩnh đã mơ thấy một người con gái tự xưng là con nhà họ Phạm, người làng và tu ở chùa này đã tạ thế cách đây 200 năm về trước. Nay nghe tin nước nhà có giặc, nàng xin nguyện phù giúp Tướng quân dẹp tan lũ giặc để đền nợ nước. Tỉnh dậy, Tướng công lập đàn bài tạ Thần linh rồi tức tốc dẫn đại binh tiếp tục lên đường. Quả nhiên trận đó quân ta đại thắng. Nguyễn Tĩnh hồi binh trở lại làm lễ tạ ơn và mở hội mừng. Nhưng lạ thay giữa giờ Ngọ ngày 21 tháng 12 năm ấy, ông cũng tự nhiên đột ngột qua đời. Vua Trần nghe tin liền sắc chỉ truy phong cho 2 vị âm - dương công Thần là Thanh Hoàng và sai lập miếu thờ nghìn năm hương hỏa.
Ông Nguyễn Đình Giao bảo có thể xem câu chuyện là huyền thoại nhưng đó là "những con người có thật đã sống và hoạt động trong một địa danh có thật". Và ni cô Phạm Thị Toàn không chỉ là người con gái của làng mà trong niên sử của chùa cũng khẳng định đây là người xưa nhất đã từng tu học và trụ trì tại chùa làng.
Độc đáo hội "chạy lợn"
Để tưởng nhớ công ơn của hai vị quan thần là quan Nguyễn Tĩnh và ni cô Phạm Thị Toàn, người dân làng An Ninh cứ đến các ngày sinh, hóa của hai thần là mở hội lớn. Vào những ngày này, ngoài phần "lễ" mang tính chất tôn nghiêm thì còn có một phần không kém phần hấp dẫn hội "chạy lợn".
Ngày lễ chính 8 giáp trong làng có trách nhiệm phải nuôi sẵn một con lợn đóng vào cũi để khiêng đến tế thần. Sau tuần tế "Tỉnh sinh" (tế bằng lợn sống) các giáp được lệnh khiêng lợn chạy thật nhanh về giáp mình làm thịt rồi gấp rút đem một mâm lễ bằng cái đầu lợn đã được luộc chín ra tham dự tuần tế "Tể sinh" (tế bằng lợn đã thịt rồi). Tuần tế là cách gọi tắt của người dân nói đến một tuần hương đã cháy hết. Điều kỳ thú nhất là cuộc chạy đua trở về các giáp. Mỗi giáp đều phải chuẩn bị một nồi 100 to "đùng đoàng" (theo tiếng địa phương thường nói về những cái nồi khổng lồ luộc thủ lợn thi) nhóm lửa ngay tại sân đình. Sau khi lợn được khiêng về các giáp thì ngay lập tức gậy, rọ, dao được chuẩn bị sẵn sàng để hành hình "lợn chạy". Thường phải cần chục thanh niên to khỏe của giáp mới có thể thực hiện được toàn bộ công đoạn cho "lễ tể sinh". Và trong cuộc thi "chạy" này, giáp nào làm được lễ đàng hoàng trong sạch tế Thần nhanh nhất giáp đó sẽ thắng cuộc và được hưởng lộc về cho giáp mình. Mọi người đua nhau phân phát thịt như thời bao cấp, mỗi nhà một rổ, một rá đủ các thành phần thịt ba chỉ, mông, chân giò, lòng, gan...Họ truyền nhau những thớ thịt vẫn còn sắc đỏ và quan niệm như đang trao cho nhau một niềm hi vọng về thần linh luôn ở bên, bảo vệ họ tránh được tai ương, sóng gió...
Và tất cả diễn biến của hội "chạy lợn" nhằm tái diễn lại cảnh tượng dân làng nô nức đem lương thực, thực phẩm ra khao mừng quân ta đánh thắng giặc năm nào trên sông Bạch Đằng. Đây không chỉ là trò vui dân gian đơn thuần mà ý nghĩa cốt yếu ở đây, dân làng muốn răn dạy con cháu phải nhớ đến công ơn của các thánh thần đã có công dựng làng giữ nước. Nó còn thể hiện lòng yêu nước của người dân trong mọi hoàn cảnh cả thời chiến và thời bình, cho biết dân ta dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào cũng chứa chan tình yêu nước. Lễ hội này, ngày trước được tổ chức thường niên hằng năm nhưng theo thời gian thì tục lệ không còn vì nó quá cầu kì và tốn kém. Và đến ngày nay, dường như cái tên "hội chạy lợn" không phải người dân nào trong làng cũng biết đến.
Bình Minh
Theo: Người đưa tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét