Sự tích: Thánh Uy Đô Đại vương và ngày chuyển táng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Sự tích: Thánh Uy Đô Đại vương và ngày chuyển táng

Với lịch sử 1000 năm, vùng đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã để lại vô số đình, đền, chùa với nhiều sự tích các vị thần được thờ phụng. Đa số, ngày nay chúng ta biết đến tiểu sử và công trạng các vị thần, thành hoàng qua các truyền thuyết, sự tích trong lịch sử. Thế nhưng, một bộ phận các thần tích, thần phả cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người của vùng đất cổ kính này. Các bản thần tích, thần phả chúng tôi chép lại ở đây vừa là tài liệu nghiên cứu, vừa là các bản thần tích còn lưu lại tại các đình, đền, chùa đã được các học giả nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch từ văn bản gốc bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Sự tích: Thánh Uy Đô Đại vương và ngày chuyển táng
Đến đời Trần cai trị đất nước, kế nối gồm 12 đời Vua, bấy giờ có ông họ Trần tên huý là Đức Huân, là bậc công thần tôn thất, bà vợ là Trương Thị Bình, hiệu là Thiện Trí Đức Linh phu nhân. Tiên tổ Trần Công, vốn là em cùng cha khác mẹ với Kim Cương Cao Dương công chúa... Ngày ấy bà tiên phi đến chơi làng Vũ Điện, huyện Nam Xang, bà nằm mơ gặp phải rắn thần, liền sợ hãi bỏ về kinh sư. Bà Hoàng hậu đi chơi ở phía Tây, đến rửa mặt ở hồ Ngọc, chợt gặp con trâu vàng đưa ngọc dâng lên. Tiên phi vội nhận lấy nuốt vào trong bụng, thế rồi mang thai. Đủ 14 tháng, bà sinh ra một bọc, đến giờ Sửu ngày mùng 2 tháng 2 năm Ất Sửu thì sinh ra đức Thánh ở Sùng Đức (phường Nhật Chiêu). Cung đức thánh sinh ra mặt rồng, mày hổ, thân rắn, đầu người, mắt có hai đồng tử, mũi cao, trán rộng, thân dài 5 thước, ứng hiệu Tôn Thánh Linh Lang, hiệu là Uy Đô Linh Lang.
Đến khi khôn lớn, ngài rất thông minh, lanh lợi, có đủ tài trí hơn người. Nhà vua rất vui mừng, cho đó là việc tốt lành, liền cho ngài cai trị ở trên rừng, dưới biển. Bấy giờ Uy Đô được phong làm Thượng tướng quân ở lộ Thiên Sách. Ngài là người tài kiêm văn võ, biết chăm nom cai quản dân chúng, đồng thời có nhiều mưu lược, anh hùng cái thế, hiểu biết hơn người, lại rất giỏi chính sự, xưa nay không ai sánh kịp. Vì thế, Ngài đã dẹp yên hết giặc giã bốn phương, thực hành giáo hoá khắp nơi, rồi được triều đình phong cho chức tước.
Đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, bấy giờ vừa tròn hai sáu tuổi, ngài không nghĩ đến công danh, liền bỏ quan quy theo Phật. Qua 10 năm sau, ngài đắc đạo, liền đi giáo hoá khắp nơi, tất cả là 36 năm trời. Đến giờ Ngọ ngày mùng 8 tháng 8 năm Canh Tý, ngài viên tịch. Triều đình làm lễ ở cung Long Càn, đến giờ Tỵ ngày mùng 10 tháng Ba năm Đinh Hợi, làm lễ chuyển táng ở cánh đồng xứ Đống Mối, làng Thanh Cù, huyện Kim Động. Mộ đặt theo cách toạ Càn hướng Tốn, nhật nguyệt chiếu lâm. Những người hiểu biết đều đặt lễ tế ở bên đường, cúng cáo, đốt tiền giấy, mong ngài cứu độ vong linh. Có chỉ dụ của nhà vua nói rõ, trúc đã nảy măng mới, cho dựng đền thờ gọi là Trúc Lâm Trần Tam thánh công từ. Về sau những đệ tử của ngài trông nom thờ cúng nên uy đức của ngài càng thêm lớn lao, thiên hạ càng thêm tôn kính. Người đời gọi là Trần Linh Lang. Nhân dân ở hai xã Mạn Trù và An Xá đến giờ Thân ngày mùng 20 tháng Hai năm Giáp Thìn tổ chức đón rước Thánh vị về chùa làng. Do đó liền chọn ngày đó làm ngày tôn Hoàng đế lên ngôi để cai trị đất nước. Triều đình lại ban cho sắc phong, tước hiệu là: "Hiển linh thượng thanh khoát đạt cự thần, thịnh đức chi nhân phổ huệ dương, vụ dũng lược phấn chi cường cấn uy nghi phù tộ, dực vận trấn dinh vĩ công cao huân hậu, đức hồng ân bát trạch thông minh chính trực, Uy Linh Lang Đô Đại vương".
Thần phả: ghi chép về thần bản thổ quán Đình Nhự
Khảo sử sách ghi chép ở Nam Hải Lý về sự tích lạ của thần Bà Già (xưa viết là Nhự). Khoảng năm Ất Sửu, niên hiệu Khai Nguyên đời Đường (725), thứ sử Quảng Châu - Lư Anh là người khiêm tốn, kính cẩn, nhân từ, trung hậu, rất được lòng dân trăm họ mến yêu, khen là vị quan hiền tài. Trước đó, Ái Châu có loạn giặc Đậu Tang, trải qua mười năm với các chức quan châu quận chẳng thể nào khống chế được. Vua nhà Đường sai Nguyên Sở Khánh làm tướng đem binh đi đánh dẹp. Đảng giặc thua, châu quận trở lại ổn định. Vua nhà Đường bèn sai Lư Anh đảm nhiệm chức Đô hộ phủ xứ Nam Giao. Lư Anh người ở Phong Châu, lúc nhỏ có họ ở Tràng An, thi đỗ khoa Minh kinh bác học, nhiều lần dời đến Giang Tả, sau được bổ làm Quảng Châu phủ nhự, đến đấy nhân về làm quan có về thăm hỏi người thân thích trong làng, muốn bắt chức Tô Lịch người đời Tấn và Lý Tổ hai người thuở xưa. Một hôm đi chơi Bắc thành thấy cảnh một vùng đất vuông rộng rãi thoáng đãng bằng phẳng, cây to cỏ rậm rạp đáng yêu, chim muông cầm thú í ới, tiếng ríu ra ríu rít, gió thổi sóng gợn cảnh sắc đổi thay, một nhánh sông giăng bày ra xa tít tắp ngàn dặm, ngàn ngọn núi chẳng phải tầm thường, ngùi ngùi cảm xúc trong lòng bèn cùng các thuộc quan dạo ngắm cảnh cả ngày. Mặt trời xế chiều mới quay trở về. Hôm sau vời các bề tôi vào đến công đường họp, quần thần đều không biết vì cớ gì. Đến đó bàn bạc khen chê nhiều thứ khác nhau của sản vật núi non đẹp đẽ, cái gì cũng đủ đầy, hết thảy ngạc nhiên nói: - Chẳng rõ sứ quân có việc gì đây? Thấy rải chiếu đẹp rồi bày ra hương thơm và các vị ngon hiếm quý, tế dâng kính trọng người đã khuất, không trái phép tắc với đức tổ, khấn:
- Chúng tôi tình cờ tới, lễ vật bày tỏ vội vàng chưa được một tuần, xin thứ tội cho, thật là may mắn.
Anh cười mà rằng: "Ta có một lời, muốn cùng các quan một lòng, dám bày tiệc rượu cùng yến tiệc chung vui". Bọn chúng khoanh tay vâng lời. Anh nói: "Một người nhận ơn Vua, cả nhà hưởng lộc trời, đức chẳng phải không đủ. Nay ta nhận chức trấn thủ phía Nam, coi như gần trong gang tấc, cho nên muốn dựng nên một nhà lớn để mùng Một ngày Rằm có đất chầu về, khiến cho trăm họ biết cái điều chiêm ngưỡng, làm sáng tỏ đức của Vua, các ngươi cho là thế nào? Há không được sao?" Mọi người suy nghĩ về sự che chở tại đây rồi đều đứng dậy nói: "Ý của sứ quân, đó cũng là việc lớn, cùng chúng tôi không hẹn mà giống nhau, xin theo sự chỉ bảo của sứ quân". Anh cả mừng. Ngày hôm đó yến ẩm cho đến tối mới tan. Hôm sau, đốc thúc trai tráng phu phen xây dựng lớn làm thổ mộc, chẳng mấy ngày mà hoàn thành, bên trái có hành lang, bên phải có biệt thự, tiền đường ở sau, cực kì tráng lệ, là danh thắng một thời.
Lư Anh vui mừng bảo: "Ắt là có thần trợ giúp, vậy nên mới chóng được như vậy". Nhân đó cùng các thuộc quan ăn mừng, có đài ở sông soi bóng.... bèn thiết lập vị hiệu Hoàng Tôn hoàng đế rồi rước vào giữa nhà lớn phụng chầu, mở ra hội mừng suốt bảy ngày đêm. Bốn phương hàng triệu dân, dắt già cõng trẻ tới xem hội. Lư Anh cho là hội hiếm có lạ lùng bèn đặt tên nhà lớn là Khai Nguyên quán, lấy niên hiệu của Hoàng Tôn mà đặt tên vậy. Tự dựng bia ghi, dùng cờ biểu nhà Đường.
Công lao của Lý tiếp là lập tượng thần Thổ địa ở hậu đường để làm sáng tỏ cái đức giữ nước, bảo vệ dân. Một hôm nằm ngủ, mộng thấy một người diện mạo đoan trang, áo quần rực rỡ. Anh lấy làm lạ hỏi người đó. Đáp rằng: "Ta là thần khí mạch, cứu giúp đất đai, đội ơn ngài ý thức được cái đáng yêu nên giúp đỡ cho ơn trạch dày. Dẫu rằng muốn tìm để cám ơn, song vì việc chung ngăn trở. Nay nhân ông tới chầu vua, sớm lui cho nên được cùng ngài tương kiến cũng chẳng muộn vậy". Lư Anh muốn hỏi thêm họ tên của thần, bỗng không thấy đâu nữa, vừa lúc giật mình tỉnh dậy. Từ đó nhiều lần thêm hương khói thờ cúng linh nghiệm rực rỡ hơn, người trong thôn tuân theo, thờ cúng càng đông. Trăn trở mãi việc thay đổi tên thôn và tên quán. Về sau, năm tháng dài xa, quán trống không hư hỏng, phong tục dân chuộng về ma quỷ, còn lại miếu hoang, dân thôn vẫn đến cầu đảo hàng năm nên hương khói không bao giờ hết. Tục gọi là thần Khai Nguyên, cũng còn gọi là quán Đình Nhự.
Đến triều vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) có người tên Vương Thảo, thấy nền cũ của quán cỏ mọc tràn lan ra sân, cây cối rậm rạp, rêu xanh mấy lớp đầy trước mắt, thật đáng thương, bèn thuê mướn đinh phu trạm đẵn cây, phát sạch cỏ, lại lần nữa dựng lên Từ Vũ dùng để tiếp khách, trù tính vẽ, chọn lựa chạm khắc trên rường nhà đẹp hơn ngày trước, lại đổi là chùa An Dưỡng. Chùa thời ấy có tăng trụ trì hiệu là Thiền Tăng Nhạ. Khoảng ấy trở đi nổi tiếng ở đời vì lẽ con trai, con gái bốn phương lui tới như mây hợp, vì rằng đất danh lam cổ tích.
Trước đó, vua Mông Cổ muốn xâm chiếm bờ cõi nước ta bèn sai tướng sửa sang thành Đại La. Vua cho rằng chùa ấy là sự sống của nơi tế lễ vị thần nên đã dời đến Đông Bộ Đầu (nay là xã Phú Gia) tức nay là vườn hoa Thôn Bà Già.
Đời Trần Nhân Tông, niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285) sắc phong là Khai Nguyên hiển ứng Đại vương. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 4 sắc phong thêm hai chữ Long trụ.
Đời Trần Anh Tôn, niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1314) sắc phong cho thần thêm hai chữ Trung vũ vì có công ngầm giúp vua cứu nước.
Thần phả: Thân mẫu Lý Công Uẩn (vị vua khai sáng triều Lý và lập đô Thăng Long)
Thần phả được phát hiện ở đình thôn Mạnh Tân, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh. Nội dung được dịch lại như sau:
Xưa, vua Hùng Vương là bậc thánh tổ đứng đầu núi rừng mở cơ đồ lớn hơn hai ngàn năm. Hùng Vương dựng nước. Núi xanh vạn dặm, dựng nên thành đô cung điện. Nước biếc một dòng, mở đường cho muôn vạn vật, cứu vớt dân sinh. Thống lĩnh 15 bộ, làm thuỷ tổ của Bách Việt vậy.
Cơ đồ Nam Việt thuở Hùng Vương
Một dải san hà có kỉ cương
Giữ nước nối ngôi truyền con cháu
Vạn năm hương khói tỏ cương thường
Lại nói, vào thời Hùng Vương, mạt vận, thế nước... chung. Trải đến triều Tấn, Tống, Tề, Lương phàm... năm. Đến nước Nam có bốn họ Đinh, Lê, Lý, Trần tạo dựng cơ đồ. Trước đó, ở đất Cổ Pháp, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc có gia đình họ Phạm, tên là Long. Vợ ông là Đặng Thị Quang. Ông bà sinh được một người con gái tên là Phạm Thị Tiên. Năm nàng 22 tuổi, nàng tuyệt mỹ vô song. Dung nhan khiến chim sa cá lặn. Sắc đẹp khiến trăng thẹn hoa sầu. Song lương duyên chưa bén, chưa chọn được người. Các bậc tài tử văn nhân đều không xứng với nàng. Bố mẹ nàng cười, nói rằng: "Thực không hiểu được! Nếu không phải là người đời thì tất phải là người trời ban xuống".
Bấy giờ nàng đến ở chùa Linh Ứng trong một hai năm. Còn cha mẹ không biết nàng ở đâu. Nàng ở chùa này để tâm niệm Phật, dốc sức trùng tu trang hoàng tượng Phật. Sau ba năm, vào một đêm nàng ngủ trong chùa. Đến giữa canh ba thì mơ thấy một vị đại thần đùa vui với mình. Từ đó mang thai. Thai ngày một lớn, không thể giấu được. Trẻ em, phụ nữ và người già đều cười cho là việc lạ. Bọn họ cật vấn tăng nhân sao nàng lại chửa. Nàng xấu hổ. Tối đến, bèn phải dời sang cư trú ở chùa Trang Tỳ Bào.
Năm Giáp Tuất, sinh ra một người con trai. Nàng xin với mọi người trong trang được ở lại chùa này để trông nom sửa sang chùa. Ngày đêm thắp hương thờ Phật. Trong tám, chín năm, con của nàng dần dần trưởng thành. Khi đó, hai mẹ con mới trở về đất Cổ Pháp, trú trong nhà Khánh Văn. Khánh Văn vốn là thiền sư, trong nhà có hai con chó đá đặt dưới chân giường. Chó tự dưng sủa lên ba tiếng dữ rồi ngoe nguẩy đuôi mừng khách. Người nhà thấy vậy rất sợ. Khánh Văn bói trong Kinh Dịch, ở quẻ Càn, hài Cửu Nhị, lời thoán nói rằng: "Có thánh nhân đến nhà vào lúc giờ Ngọ". Quả đúng như vậy. Thấy diện mạo của đứa trẻ (Lý Công Uẩn) khác lạ, mang khí tượng thiên tử thì Khánh Văn liền sai người nhà nuôi dưỡng chu đáo. Ngày ngày cho đi học ở chùa Ứng Tâm, Trang Cổ Pháp. Đứa trẻ học thông kinh sử, có chí anh hùng hơn hẳn mọi người, đức độ không ai sánh kịp.
Khi trưởng thành, Lý Công Uẩn phò tá Lê Đại Hành giúp ông thu phục đất nước, lên ngôi Vua. Bà họ Phạm nói với Lý Công Uẩn rằng: "Mẹ vốn là người sùng đạo Phật, là người chân tu". Lý Công Uẩn mới hỏi mẹ: "Cha của con là ai?" Bà trả lời rằng: "Trước đây, mẹ tu ở chùa Linh Ứng. Đêm đến nằm ngủ phái dưới trước án, mơ thấy một vị đại thần đùa vui với mẹ mà sinh ra con". Lý Công Uẩn cười, nói rằng: "Con quả là người mang khí tượng của bậc đế vương".
Bấy giờ bà họ Phạm đi qua khu Mạnh Tân, huyện Yên Phú, thấy nơi đây bị hại do thuỷ tai, chùa bị đổ nát. Bà động lòng, xin cùng với bản khi dốc lòng hiệp sức sửa sang ngôi chùa. Cảnh chùa từ chỗ đổ nát mà được khang trang. Khi đã hoàn thành, bà làm một bài thơ rằng:
Cảnh vật phong quang bởi sức ta
Trùng tu điện tượng quản đâu là
Danh truyền công đức lưu thiên cổ
Giúp dập dân đây hưởng vạn xuân
Công trình đẹp đẽ lớn lao. Nhân dân khu Mạnh Tân xin làm thần tử cho bà. Dẫu sao này ra sao cũng xin thờ phụng bà.
Sau khi bà trưng lập tài vật của khách thập phương làm chùa đã hoàn thành thì liền báo cho các sư, các thiền tăng trở về chùa khu Mạnh Tân mừng hội khánh thành trong suốt 10 ngày. Sau, bà lại đi chẩn tế cho dân khắp mọi nơi. Dáng bà nghiêm nghị, một tay cầm hoa sen, một tay cầm ấn chú, bước lên đàn cao ngồi. Các sư và tăng thống cùng nhau đọc kinh cầu phúc. Phụ lão và nhân dân khu Mạnh Tân rất ngưỡng mộ công đức của bà.
Khi đó, có một đám mây giống như dải lụa đỏ lơ lửng trên đỉnh đàn. Bỗng trời đất trở nên tối tăm. Ban ngày tối tựa đêm đen. Bà cưỡi mây bay về trời, tức bà đã hoá. Nhân dân cùng các sư, các tăng thống thấy vậy rất sợ hãi, liền làm biểu dâng lên triều đình. Vua sai các quan trở về khu Mạnh Tân làm lễ, ban cho bản khi sở tại được làm dân Hộ nhi phụng thờ bà, giữ làm thường lệ.
- Phong cho bà là Tiên phi nhân
- Gia tặng cho bà là Lý Quốc mẫu Hoàng thái hậu
- Sắc phục khi làm lễ cấm dùng màu đỏ
Lại nói, từ đó về sau linh ứng của bà tỏ rõ nên được gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, cùng đất nước dài lâu giữ làm hằng thức.
Phụng khai ngày sinh, ngày hoá, các tiệc, tên huý phải cấm, kể dưới đây.
- Ngày sinh thần: 15 tháng Ba lấy làm chính lệ. Lễ dùng gồm cỗ chay, hoa quả, ca hát.
- Ngày hoá thần: Mùng 10 tháng Giêng, lấy làm chính lệ. Trên dùng cỗ chay, dưới dùng cỗ có thịt gà trống, thịt lợn đen, xôi, rượu, bánh trôi, bánh chưng.
- Tiệc ngày khánh hạ: Mùng 4 tháng Năm. Lễ dùng như trên.
- Tiệc ngày khánh hạ: 15 tháng Mười, lấy làm chính lệ. Đồ cúng tuỳ mua cho phù hợp.
- Tên huý phải cấm gồm 1 chữ Tiên, chuẩn cho khu Mạnh Tân phụng thờ bà.
Ngày lành, tháng chín năm Hồng Đức 3 (1472)
Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính, phụng soạn bản chính.
Ngày lành tháng 10 năm Vĩnh Hựu thứ 7 hoàng triều (1714)
Quản giám bách thần. Tri diện Hùng Lĩnh thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền, phụng mệnh sao lại theo bản chính.
Ngày lành, tháng Tư nhuận năm Đồng Khánh 2 Hoàng triều (1887) bản thôn sao lại theo bản cũ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ