Châu Khê Thần tích sự trạng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Châu Khê Thần tích sự trạng

Nam Việt Trần triều Dực chính tương bình Chí trị Cư sĩ đại vương.
Thượng Bộ Lễ của Quốc triều, bộ sách thứ 8 công chính bản Thượng đẳng. Nước Việt xưa trời nam mở vận đức Thánh tổ xây dựng cơ đồ hơn hai nghìn năm là tổ của bách Việt, sau có lời tán rằng:
Sơ khai bách Việt tự Kinh Dương Vương
Nhất thống sơn hà mười tám đời Vương
Trăm con ngàn cháu truyền không dứt
Phối cùng trời đất muôn năm thơm tho.
Gần đây có nhà nghiên cứu lịch sử Trần Huy Bá mới quá cố, phát hiện 18 chi chứ không phải 18 đời, mà mỗi chi gồm nhiều đời vua. Nói rằng Vua Hùng mở nước 18 đời, dài được hơn hai nghìn năm, trải qua các triều đại Trung quốc: Hán, Tống, Tề, Lương. Như nước Nam có các triều: Đinh, Lê, Lý, Trần, bốn họ, sau khi Ngô Quyền xuất hiện mở đầu thời kỳ độc lập, nên có bài thơ của Lý Thường Kiệt như sau:
Nam quốc sơn Hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư.
Nhà Trần tiếp nối ngôi nhà Lý. Vua Trần Thái Tôn tự Trần Chiếu Nha có đức hoan hòa nhân nghĩa, hoằng chính chăm lo nuôi dân, đời bấy giờ tôn là Vua hiền.
Khi ấy, ở động Lôi Nham, phủ Thiệu Thiên đất Ái Châu (tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay) có một Ông họ Phạm tên húy là Tuyên, có vợ là bà Trương Thị Đoan, Ông Tuyên Công vốn nòi thi, thư, lễ, nghĩa, vợ chồng ăn ở phúc hậu. Khi ông 28 tuổi, bà 26 tuổi, sinh được 1 gái, khi lên 4 tuổi thì mẹ là bà Đoan mất. Ông làm lễ linh tang. Từ đó, ông Tuyên không có người nội tướng, thân cô nuôi mẹ già, con nhỏ, hàng ngày khó nhọc, nên phải bỏ việc học, chuyên làm nghề thuốc và dạy trẻ con trong làng để có tiền phụng dưỡng mẹ già và nuôi con nhỏ.
Được ba,bốn năm thì từ trang Hậu Trạch huyện Gia Phúc, phủ Hà Hồng, đạo Hải Dương có một nhà họ Nguyễn đến ở nhờ. Ông họ Nguyễn cũng dòng dõi thế gia, sau sinh được một con gái đặt tên là Thị Phương năm ấy 21 tuổi, tư đức hiền hòa, trăm nét nữ công, không gì là không biết, nhan sắc ai cũng mến, ông bèn hỏi và lấy người ấy nối làm chính thất.
       Bà Phương hết lòng thuận theo đạo nhà chồng, ngày tháng ân cần không trái đạo làm vợ. Được vài năm thì mẹ già mất. Ông Tuyên để tang 3 năm, giữ tròn đạo hiếu. Năm ấy 41 tuổi, đi thi đậu tam trường, năm 43 tuổi được làm chức giám phủ Kinh Môn, được 3 năm lại được bổ làm huyện quan huyện Phù Vân, đạo Sơn Lam. Được 5 năm thì ông ngoài 50 tuổi, bà ngoài 40, trai gái chưa sinh được con nào, làm ông lo lắng, thường than với bà rằng: “Tiền nhân gia thế của chúng ta một lòng tích thiện, chưa từng ích kỷ, hại nhân, thế mà sao ta đã quá nửa đời người, vẫn chưa có người nối dõi, xưa có câu rằng: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, ta đam mê vòng danh lợi làm gì, lòng những muốn nạp quan, từ chức về quê hương làm thuốc, dạy trẻ để nuôi thân nhàn, chẳng màng gì quốc sự, tu tâm, tạo phúc, làm điều nhân, may lòng trời chiếu tới mà thí đức, mong được điềm lành yến bay, há chẳng toại bình sinh ước nguyện”.
Nghĩ vậy, ông bèn dâng biểu lên Triều đình, tạ Triều về quê chỉ giáo tập sỹ tử, trẻ nhỏ, làm thuốc cứu dân, chuyên làm một nghề mà thôi. Dựng phúc lấy dân làm gốc, chẩn bần dưỡng lão, cứu nạn, phù nguy, không việc gì là không hết lòng, chẳng nghĩ danh lợi, chăm lo công đức, hao tán tài sản hơn nữa. Thời gian này, quê ngoại bà thứ nhất ở trang Hậu Tranh, nghe danh ông, mời ông về làng quê ngoại để dạy sỹ tử, hai ông bà đều về quê. Quê đó có chùa Quang Minh, vốn là nơi danh lam cổ tích, sơn thủy hữu tình, rất có linh ứng, người người mọi nơi hiếm con đến cầu tự ở chùa này. Ông thường đến chùa hành hương mật đảo, vợ chồng thành tâm một lòng cầu tự. Một ngày mồng 1 hai ông bà đến cầu nguyện, ở lại ban chiều.
Nửa đêm ông nằm mộng thấy 1 vị sư già cầm 1 chiếc gậy chỉ vào cây thông to và bảo ông rằng: “Vợ chồng ông rất thành tâm đã thấu lòng trời. Trời cho cây đại thụ đó,đem về để tu bổ gia đường, làm cột trụ”. Ông thưa lại cây thông to lớn thế, làm sao chặt mà đem về được. Vị sư già lấy tay vẫy 1 cái, cây thông bỗng hóa thành 1 con rồng xanh cuốn xung quanh ông ba vòng. Ông tỉnh dậy mới biết là nằm mộng, ông bèn nói với bà rằng: “ Tôi mộng như thế có lẽ là điềm lành cho phúc nhà”.
Được khoảng 100 ngày thì bà có thai, mang thai 13 tháng, đến năm mậu thìn, tháng giêng, ngày mồng 1, giờ tý, chợt thấy gió to chuyển động, mưa nhỏ bay quanh nhà, hương thơm phưng phức, khí lành rạng rỡ, bà sinh hạ được 1 trai, mặt mũi phương phi, hình dung cao lớn, thần phong lẫm liệt, tướng mạo khôi kỳ, sắc như hồng phấn, mày ngài, mắt phượng, mũi hổ, mặt rồng, hai má chiều thiên, tam đình bằng phẳng, tay dài quá gối, cả ngày trời đất u ám như đêm, hai mắt không mở, không khóc, ông rất lấy làm lo: Con vừa mù, vừa câm, tưởng như yêu ma oan trái gì đây, được 7 ngày thì 2 mắt mở, sáng như sao trời lóng lánh, tiếng nói như sấm vang, bố mẹ rất lấy làm mừng, ngày ấy là ngày mồng 7 tháng giêng, nhà mở tiệc ăn mừng coi như hòn ngọc trên tay.
Được 1 năm thì biết nói, 5 tuổi biết âm luật thơ, chín tuổi thì thiên tư hiếu hữu, trung hào, bẩm tính thông minh trí tuệ, bố mẹ đặt tên là Trí, từ đó cha dạy con được 3 năm, đĩnh ngộ phi thường, nghe 1 biết mười, 14 tuổi, bách gia chư tử, không gì là không biết, thấu triệt đạo lý Khổng Mạnh, mọi vẻ tinh thông, kể cả binh pháp Tôn Ngô, 16 tuổi trên thiên văn, dưới địa lý, giữa nhân sự, không vật gì điều gì là không tinh hiểu.
Năm đó ngày 10 tháng 9 cha mẹ đều mất, ông cảm động đức dày cha mẹ, chôn cất ở quê ngoại, sau 3 năm báo phục rồi, đưa hài cốt bố mẹ về Thanh Hóa, động Lôi Nham quê cũ, tu bổ từ đường. Được 1 năm gia tộc có ít người nương tựa, lòng ông khẳng khái bỏ chí công danh, không đam tài sắc,các phú hào trong làng xã, nhiều người muốn gả con, lòng ông sớm hôm đèn nhang kính thờ cha mẹ đơn thanh, chiếc ảnh, bút mực làm bạn mà thôi.
Chỉ hiềm là chưa chọn được người nội trợ, gia tài hao tán, ruộng đất sạch không, bốn vách gió lùa, nhà như khánh rỗng, ông thường than rằng: “Cha ta thường cưu mang nghìn người, mà không cứu được cái nghèo của 1 người con”.
Gia đình quẫn bách, ông lấy làm xấu hổ, không bằng đi tìm nơi luyện tập, ủy thác cho chị ruột giữ gia đường, phong bộ, ông lại tìm về quê ngoại. Ngày ấy, đến trang Chu Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Tìm xem địa thế, thấy rõ huyệt chân long nổi lên, chia làm 2 nơi, ông theo long mạch đến Chu Xá, một mảnh thanh long nổi lên uốn khúc như rắn đi thẳng đến cuối sông, thế đất như 2 con mắt cùng mở.
Đó là 2 cái giếng đầu rồng là chính cục, hướng về phía trước, có 1 dãy núi nhỏ ôm lấy xung quanh, phía tây nam bao vây lấy ấp. Núi như các ngôi sao la liệt ở đường trước, bảng với bút ứng đối với nhau, voi, ngựa,cờ, trống triều lại, đột nổi lên phía trước, phía sau nước quanh róc rách, trầm ao, ruộng nương hiện rõ, dân ở tựa vào thân rồng, hòn núi vây quanh 2 mặt, phía nam ngựa hướng chiếu vào, phía bắc phượng hoàng múa cánh, địa thế xung quanh bằng phẳng, thật là một mảnh đất chân long tú khí, quả là 1 quý địa.
Ông đi bộ xung quanh tả hữu thấy 1 cái quán bên cạnh dân ở, hai phía hồi long tràn về điền trạch, đó chính là cái thế đai bảng hình rùa, ông bèn ngồi chơi ở quán đó, trông ra bốn mặt trang ấp, lúc bấy trời đã chiều tà, trời sắp tối. Ông nghĩ rằng: Nơi đây không có ai quen mà vào trọ, chợt thấy 1 ông thầy chùa đang đi tới quán, thấy ông ngồi ở đây mà trời đã tối liền hỏi rằng: “Trời tối thế này người nào ngồi ở quán, có việc gì?” Ông đáp rằng: “Ta vốn là nhà nho, nhàn du phong thủy, gặp trời tối không có nơi trọ nghỉ chân, vì thế tạm lưu ở quán này 1 đêm, mai mới đi được”, vị sư nghe vậy, liền mời ông về chùa nghỉ, ngôi chùa ở trang Chu Xá lúc đó gọi là chùa Liên Hoa, ông nói với vị hòa thượng: “Tôi từng xem địa thế, địa hình nơi đây đều là hoa sen, hoa phượng, phía sau cái quán ”hướng mão chuyển chân dần” mà ở càn tốn. “Tốn thủy đáo đường là long cách. Trước cái trầm sau con sông đều là quý cách chân long.
Đêm ấy, ông ngủ ở phật đường, làm bài thơ rằng:
Nhàn quan phong thủy nhất hồ thiên
Tứ diện sơn hà các bảo tuyền
Nhất phiến chân long giai quý cách
Công khanh hầu bá thế tương truyền
Dịch là:
Nhàn xem phong thủy một vùng trời
Bốn mặt sơn hà ôm ấp coi.
Một mảnh chân long là quý cách.
Công hầu khanh tướng nối đời đời.
Đêm hôm ấy , nhân dân ở trang Chu Xá hốt nhiên kinh sợ,chó ngoảnh lên trời cắn, phụ nữ, nhi đồng đều mang bệnh, không xót một người nào. Các họ ở trang Chu Xá gồm có: Họ Phạm, Nguyễn, Trần, Đỗ, Ngô, Dương, Vũ, Đào, Lê, Bùi, Đặng, Đoàn, một trang chia làm 2 khu vực.
Nhân dân thấy điều quái dị như thế, làm lễ tống tiễn thiên thời, nửa đêm cúng lễ xong, ai về nhà nấy, đến đầu canh năm, mọi người lại thấy mộng, thấy 1 ông quan mũ áo tề chỉnh cưỡi con ngựa hồng, đai vàng rạng rỡ, theo sau mấy trăm người tay cầm long đao thẳng tới trong làng họ triệu tập dân mà nói rằng: “Hỡi dân chúng nay có phúc thần đi qua xem địa hình, trú ngụ ở chùa, ta là chủ tể già nom trông coi khu này, thấy thần binh như thế phù tòng rất đông, nhiễu vào dân sự, bọn các ngươi nay muốn được yên, kíp sắm lễ vật tới chùa bái hạ. Mọi người xin làm thần tử, thần binh nghe mệnh lệnh đó thì điều thu hồi, không dám nhiễu loạn, dân chúng mới được yên.
Nhược bằng điềm nhiên vô lễ, sẽ bị trách lỗi. Việc là Hoàng Thiên đã định, đã có sắc mệnh, đã báo cho ta biết trước”. Nhân dân tỉnh ra, làm theo lời mộng, sáng hôm sau mồng 10 tháng giêng, hội đồng các họ đều nói rõ mộng tối trước, ai nấy đều lấy làm lo, liền ra chùa để xem hư thực. Đầu giờ dần ngày ấy, ông từ biệt thầy chùa ra đi, lại đến quán sở, ông đi đã lâu dân mới tới hỏi, hôm qua có người nào trọ với thầy không? Thầy chùa nói rằng: “ Có 1 người xem tướng đất, ở trong chùa với ta, nhân vì người ấy vào quán xem đất, trời tối ta mời về chùa nghỉ. Chưa sáng đã đi rồi, nhưng mà ông ấy còn đang xem đất, chắc chưa đi xa đâu”.
Dân chúng và thầy tăng đi bộ thẳng đến quán, thắy ông đang ngồi xem địa lý, dân chúng hỏi: Ông là người ở đâu lại đây? Mà sớm đã ngồi đó. Ông nói tôi vốn xem phong thủy tối qua nghỉ ở chùa, vì thế sáng đi, dân chúng thầm tưởng đúng như thần báo mộng và hỏi thêm rằng: ÔNg chuyên làm nghề phong thủy hay có nghề gì nữa! Ông cười đáp rằng: Tôi chủ yếu là gia truyền thi lễ, ngồi dạy sỹ tử, ngoài ra bách nghệ không việc gì là  tôi không biết.. Dân chúng bảo nhau rằng: Hay dân ta không có thầy dạy trẻ, dám xin rước người về nhà.
Ông nghe vậy lòng cũng muốn ngồi dạy học và cũng quý nơi đây có tú khí đại cục chân long, bèn về nhà phú ông họ Phạm tạm ở, đợi sau tu bổ trường sở. Ông ngồi dạy học được 1 tháng, dân làng cũng chưa yên ổn, còn nhiều người sinh bệnh, nên bảo nhau: Thần đã mộng trước thật là phúc cho dân ta, phải làm lễ, xin làm thần tử, thì bệnh mới chữa khỏi được. Mấy hôm đó biện lễ vật, đem đến nhà họ Phạm để tạ ơn và cáo rõ thần báo mộng. Nay xin làm thần thứ để được yên.
Ông nghe trong lòng thầm tưởng rằng: Việc do thiên định bèn bằng lòng. Từ đó dân chúng bệnh tật đều khỏi và xin ông xem đất để làm trường sở. Ông truyền lập 1 sở ở Long đầu chính cục, phía dưới dân ở, hai giếng tả hữu là 2 mắt rồng, đằng trước là sông bao quanh, phía ngoài là cờ, trống, dù, tán, voi, ngựa, đao, bút, tất cả đều ứng lập chiếu về hướng trước con thanh long, phía sau , nước vây quanh làng nơi dân ở, phía xa xa la liệt ngôi sao vàng, bút bảng đều ứng lập hướng ất tân kiêm mão dậu tả hữu sánh vai, sao vàng ứng trước, mạch nước vây quanh, rồng ngâm 2 mảnh, tả hữu oanh hồi. Trường sở hoàn thành mời ông đến khai trường giảng dạy. Lúc đó ông Phạm Ngũ Lão ở làng Phù Ủng, lập được công lớn, làm quan triều nhà Trần đến chức thái bảo, thuộc quyền tiết chế của Hưng Đạo Vương. Một hôm Ngũ Lão chơi quê, họp các sỹ tử lại để tập văn chương, ông cuộn 1 quyển văn để trong tay áo, ngày hôm sau đem nộp quyển ở trường.
Đêm ấy Phạm Ngũ Lão nằm mộng thấy 1 người con trai khăn áo chỉnh tề, càm 1 quyển văn từ ngoài vào đứng trước cửa trường. Ngũ Lão hỏi rằng: “Sinh viên ở đâu đến tập?” Ông thưa rằng: “Tôi vốn là la hán tông thiên thần ở nước Việt Nam” nói chưa hết, Ngũ Lão chợt tỉnh mới hay là mộng. Sáng mai giờ dần thấy ông đúng diện bộ trong mộng, không sai chút nào, liền mở quyển xem văn thật là quảng bác uyên thâm, kỳ dị vô định. Hỏi tên họ? Ông thưa rằng: “ Tôi là họ Phạm tên Sỹ, vốn người ở Ái Châu.
Cùng đồng họ nên Phạm Ngũ Lão rất yêu, rất trọng coi ông như anh em thủ túc chí thân, chí ái, sớm hôm không rời nhau. Khi Phạm Ngũ Lão vào triều cho vời ông vào yết kiến Hưng Đạo Vương, thấy diện mạo khôi kỳ, thử tài nghệ văn võ tinh thông, không gì là không thấu suốt. Trong triều lúc bấy giờ ít ai sánh kịp, bèn tiến lên Thái tôn hoàng đế bệ kiến, thử tài học ứng đói như nước chảy, không biến sắc. Trong Triều lúc bấy giờ có Trần Íach Tắc, Dã Tượng, Yết Kiêu đều là những người võ nghệ nổi danh, nhưng không bằng ông liền ban cho ông chức Tham Nghị, từ đó, ông ở Triều giúp việc 3-4 năm lại thăng lên chức tham tri bộ Lễ, sau thăng lên Đô đài Ngự Sử.. Lúc đó vua tôi hợp sức thiên hạ thăng bình.
Vua sai ông đi tuần thú các đạo, phủ, huyện, giúp già nuôi khó phủ dụ nhân tình, nhân dân đều cảm đúc. Một ngày ông về Ái Châu bái yết gia tiên, sửa xong nhà thờ, viếng thăm mồ mả, mở yến tiệc khao thưởng quân lính và họ hàng làng nước thân thuộc, trong khoảng 10 ngày giúp cho chị và họ hàng làng nước thân cận, mỗi nơi là 100 hốt bạc làm vốn, chung mua ruộng đất. Ông du binh 1 tháng đến Chu Xá, phủ Thượng Hồng đạo Hải Dương, (ngày ấy là ngày 12 tháng 8) dân chúng, gia thần đều đến bái hạ ông vào trường sở đóng quân, mở yến tiệc, mời các cụ phụ lão đến dự yến. Ông mừng nói với các cụ rằng: “Tôi cùng dân làng, nghĩa do trời định, cương thường muôn thưở, đạo không đỏi thay. Nay ơn được hiển danh ở triều Trần là nhờ Ngũ Lão danh thần tiến cử.
Nay có 10 hốt vàng xin giúp cho gia thần, dân làng để làm vốn về sau, sửa sang trường sở làm hành cung để dự yến hoặc đi về trú ngụ, ông bèn làm bài thơ rằng:
Thanh long tú thủy địa hình cường.
Sơn thủy bao hàm nhiễu tứ phương.
Chu Xá long đầu chân quý cục.
Cung đình thế thế xuất tài lương.
Dịch là:
Rồng xanh cảnh đẹp địa hình hay.
Sơn thủy bao vây bốn mặt đây.
Chu Xá đồng rồng là quý cục.
Cung đình đời nối lắm hiền tài.
Khi ăn yến xong, ông liền tiến quân đi, họ làng đều muốn theo, xin làm thủ hạ, gia thần. Tất cả là 47 người, họ Phạm 8 người, họ Nguyễn 6 người, đều cho làm hậu cận. Xưa là môn sinh, nay là thần tử, tình sư đệ hay như thế đấy. Ông phụng mệnh về Triều được vài năm thì Thái Tông băng hà, Nhân Tông tức vị phong ông làm Rực hổ hầu, thái bảo tướng quân, nhiệm trấn Châu Hoan.
Lúc đó quân nhà Nguyên do Ô Mã Nhi làm thống tướng, Nguyễn Bá Linh làm phó tướng, đưa một trăm vạn tinh binh áp cảnh biên giới ta, trống đánh vang trời, cờ bay rợp đất. Thư báo gửi về ngày 4-5 lần, đại đồn giặc ở đông Bộ đầu, Hải Dương tự xưng là Mông Cổ tặc, quân đến đạo Sơn Nam, quận Cửu Chân, Sông Thao đạo Sơn Tây rồi đến các Châu Mường ở Tuyên Quang,Hưng Hóa, 16 châu, động đạo kinh bắc, Lạng Bình, Cao Bình, tất cả đều bị quân Nguyên chiếm giữ, thủy bộ đều tiến, thế nước nguy nan,Vua bèn triệu hồi quâng thần nghị bàn đánh giặc, Vua phong Hưng Đạo Vương làm tiết chế ngũ đạo kiêm thủy bộ thượng tướng quân, Trần Ích Tắc làm thống lĩnh đạo Sơn Nam Bình nguyên đại tướng quân, Phạm Ngũ Lão làm tham tán trung quân, Sỹ Công làm tiết chế đạo Hải Dương, Bình nguyên đại tướng quân, Dã Tượng, Yết Kiêu thống lĩnh kinh bắc, Bình nguyên đại tướng quân để nghênh chiến với quân Nguyên.
Riêng nói về Sỹ Công thống lĩnh đạo Hải Dương, Trần Khánh Dư làm phó tướng, Trương văn Hổ làm thống lĩnh hậu quân, đề binh thẳng tới Hải Dương, phủ Đông Châu, đạo, điền chia khu vực, lập doanh đồn, lại sai Trần Khánh Dư đi thuyền thẳng tới Hải Giang, thẳng tiến tới Châu Vân đồn xây đồn ngự chiến, cùng với quân Nguyên đánh trên trăm trận ( lúc này số quân của ông là 3 vạn, mộ thêm 5 nghìn, trong đó 242 người là ở Chu Xá trang. Giặc thấy ông vũ dũng như thần không dám lên. Lúc này Vua chống quân Nguyên ở Sông Thao.
Quân Nguyên thua phải lui. Vua lên thuyền đến Hải Dương hợp hội chư tướng. Hưng Đạo Vương lại triệu tướng quân ở các đạo dẫn binh đến Đông bộ đầu quyết kế phá tan quân Nguyên. Từ Vân Đồn đến Bạch Đằng Giang, bốn mặt vây đánh. Lúc này , mây mù ngập trời, gió mưa ào ạt, ngói vỡ cát bay, quân Nguyên thua chạy. Bắt được Ô Mã Nhi ở trước trận, chém Nguyễn Bá Linh làm 3 đoạn, chiến tướng của quân Nguyên hơn 500 tên với quân lính 3000 chết chìm ở dòng sông, nước sông máu đỏ, thu tất cả khí giới, cờ, trống đem về kinh đô. Giặc Nguyên bình xong, trăm quan rước Vua về Kinh.
Tướng giặc Ô Mã Nhi đóng cũi giao về Tàu. Vua lại sai ông về đạo Hải Dương chiêu dụ bọn phiêu tán, chẩn cấp tiền gạo để nhân dân an cư lạc nghiệp, ai ai đều ca ngợi công đức của ông. Ông về đến trang Chu Xá (mồng 10 tháng 11) ông dựng 1 quán sở, sau đổi là nghị sở để đóng quân, phát tiền 5000 quan, 5000 phương thóc để phát chẩn cho các phụ lão, hội yến 3 ngày, cấp thêm cho dân 10 hốt vàng và nói rằng: “Tôi cùng dân chúng mọi việc đều do thiên định, nghĩa lớn sư, đệ, quân thần, tình lưu muôn thưở, không phải là việc làm sớm hôm, cung quán các nơi, khi sống thì làm nơi dự yến, khi chết thì làm nơi phù tửu, không được rời đi nơi khác, ngày ấy dân chạy loạn trở về , trước sau chia làm 2 khu thứ tự thu tiêu chuẩn , mọi người dân đều tuân theo lời ông dặn, ông bèn làm bài thơ:
Thiên địa sinh ngô tác thế nhân
Sinh vi danh tướng, hóa vi thần.
Sơn hà bất tử , anh hùng cốt.
Chu Xá cung đình cựu chí tân.
Dịch là:
Trời đất sinh ta ở thế gian.
Sống làm danh tướng hóa làm thần
Non sông bất tử, anh hùng cốt
Chu Xá cung đình mãi mãi tân.
Thụ yến xong (lúc này là mồng 1 tháng chạp). Ông từ trong cung đột nhiên ra sân lấy tay vẫy mọi người và nói rằng: “Ta ngồi ở chỗ này, chính là chỗ hàm rồng hướng vào đâu sông lấy nước…” nói chưa dứt , chợt có 1 trận cuồng phong nổi dậy, trời đất tối om, sóng gió ầm ầm, thấy bóng con rồng vàng trong mình ông bay lên biến mất. Quan, dân ai thấy thế ai nấy đều sợ hãi, lập tức vây màn 4 mặt rồi cấp báo lên Triều đình. Vua rất thương xót, sai các danh tướng binh nguyên đều về thăm viếng, truyền cho dân quán sở làm lễ linh táng. Hưng Đạo Vương, Ngũ Lão, Trương Hổ, Dã Tượng, Trần Công đều về thăm hỏi, ban cấp tiền kho 3000 quan, lập công chính thờ cúng, lấy Chu Xá trang làm thang mọc ấp là nơi thần hóa, miễn cho binh lương xuân, thu, sai quan đến tế. Lúc ấy quan Triều đình phụng mạng về nơi ông mất, đã thấy mối đùn thành ngôi mộ lớn ( Ngày ấy là 12 tháng chạp)
Truyền đắp 3 lớp thạch khối, làm lăng, sửa sang cung sở để thờ cúng, cung ở xứ trên, lăng ở cấp dưới trước sân. Quan Triều về tâu, Vua bèn phong Mỹ Tự, Trí Tự, tương bình cư sĩ đại vương, gia phong thượng đẳng phúc thần. Vua lại cho dân sở tại Chu Xá Phạm Công Chất, Phạm Công Tuyên, Nguyễn Công Hanh, Trần Công Vĩnh, Đỗ Công Hàn làm quan điều trưởng địa để giữ cung, lăng, hương, đèn quét dọn. Năm ông này sau 100 tuổi đều được làm bộ hạ, thừa hưởng tế tự, tiền lương của kho nhà nước.
Đời thứ 12 nhà Trần, vận nước cáo chung, họ Hồ tranh quyền, nhà Minh phiếm loạn. lúc này ông Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Ái Châu dẹp xong loạn Minh, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên quốc hiệu là Thuận Thiên, truyền đến các đời vua Thái Tôn, Thánh Tôn, Nhân Tôn, Thần Tôn, Kinh Tôn, Túc Tôn, Ý Tôn, Huệ Tôn, Anh Tôn, Chiêu Tôn, Vua Chiêu Tôn bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, cha truyền con nối được 5 đời đến Trang Tôn tức là Thái tử của Chiêu Tôn cùng quan đại thần họ Nguyễn làm chức Thái úy khởi nghĩa ở Ai lao diệt trừ. Vua truyền Thái úy đến các nơi đền thờ thượng đẳng thần mật đảo âm phù diệt Mạc. Nếu thành công sẽ bao phong thượng đẳng phúc thần. Khi đến trang Chu Xá đền Sỹ Công đại vương làm lễ mật đảo. Đêm ấy quan Thái úy dừng xe nằm ở chính tẩm, nửa đêm mộng thấy voi, ngựa, binh mã đến Đền, một ông quan mũ áo thêu thùa đai ngài ngà ngọc xuống xe vào trong Đền. Thái úy đứng dậy hỏi: “Ngài là quan chức gì về đây?” Đáp rằng: “Ta là danh tướng Trần Triều nay nghe Lê Hoàng khởi nghĩa dẹp Mạc, tướng quân có lòng muốn cầu nguyện, xin người giúp giữ nước, tôi xin lập công. Nói xong quân sỹ đi theo đều cầm khí giới tiến lên, chuông trống nổi dậy. Quan Thái úy cả kinh tỉnh dậy, bèn truyền phụ lão đem thần hiệu tứ bảo đặt vào trong hàm bái tạ rồi đi. Sau đó cùng với quân nhà Mạc đánh nhau ở địa phận Thượng Phấn trang, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, một trận đánh quân Mạc. Trăm quan rước Vua Trang Tôn về Thăng Long lên ngôi Hoàng đế, khen thưởng ba quân…
Thái úy tâu việc thần Chu Xá có công. Vua bèn phong: Chu Xá trang đại vương từ, y cựu phụng sự, phong thêm mỹ tự: “Bảo quốc đồng hưu vĩnh vị tăng sức, lại phong: Dực chính tương bình tế trị cư sĩ đại vương”. Tăng phong: “ Thông, Minh, Chính, Trực,Văn, Võ, Thánh thần, phù tộ dực tốn, nghị hùng kiệt đoán, cương nghị hùng tán, đại lược tuấn lương đế thế uy linh hiển ứng. Thượng đẳng thần chiểu y cho dân Chu Xá phụng thờ, miễn tất cả việc binh lương, từ đó quốc đảo dân cầu đều có linh ứng, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, cho nên trải 5 đời đế vương bao phong mỹ tự thượng đẳng, lộc vinh không dứt. Thần sinh, thần hóa các tiết khánh hạ chữ Húy, sắc phục đều kê ở sau:
1.     Ngày thần sinh mồng 1 tháng giêng hành lễ, sau 1 ngày quét dọn cung đình, thổi xôi, trầu, rượu, ngày chính mổ trâu, lợn, mở xướng ca, đánh cờ suốt 15 ngày.
2.     Ngày thần mất mồng 1 tháng chạp.
3.  Khánh hạ mồng 7 tháng giêng lễ xướng ca.
4.     Ngày Khánh hạ 20 tháng giêng tùy nghi xướng ca như ngày sinh nhật
5.     Ngày Khánh hạ mồng 10 tháng 3 như ngày sinh nhật.
6.     Khánh hạ 12 tháng 8 như sinh nhật.
7.     Ngày trùng cửu, trùng thập khánh hạ.
8.     Mồng 10 tháng 9.
9.     12 tháng 11.
Húy: Kiêng những chữ : Sỹ, Dực, Hổ.
Lệ cấm: Mặc áo màu vàng,, màu tím, cấm tên phụ, mẫu.
Niên hiệu Hồng Phúc nắm đầu ngày 10 tháng 5.
Hàn lâm Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn.
Niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 ngày 15 tháng 3.
Quốc Giám Phủ tri viên Hùng lĩnh Thiêu Khánh Nguyễn Hiện phụng y.
Niên hiệu Thành Thái năm thứ 12 ngày mồng 1 tháng 5, mộc ân đệ tử.
Châu Khê Xá toàn dân thượng hạ tuân phục.
Nguồn tin: chaukhe.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ