Hệ thống kiến trúc Tín ngưỡng- Tôn giáo này rất phong phú, gồm 4 loại hình, với những kiến trúc và mục đích rất khác nhau, đó là hệ thống Đình – Chùa – Miếu – Nghè tại Quan Lạn. Đình Quan Lạn nằm trong cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Cạnh đình là chùa Quan Lạn thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh.
Đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18 theo phong cách kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ, cửa hướng về đất liền. Đình được xây dựng theo kiểu chữ công gồm 5 gian 2 chái tiền đường, ba gian ống muống và 1 gian trái hậu cung. Đình có 32 cột cái và 26 cột quân bằng gỗ Mần lái (Trai lý) và gỗ Lim. Mái đình lợp bằng ngói vẩy, trên bờ nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Đề tài trang trí chủ yếu ở đây là hình tượng rồng, phượng và hoa lá được thể hiện với các sắc thái khác nhau trên mỗi bức cốn, cửa võng... Các đầu đao uốn cong khiến cho đình trông đồ sộ nhưng rất uyển chuyển và bay bổng. Các đầu bẩy đều chạm khắc hình rồng.
Miếu nghè Quan Lạn gồm ba ngôi miếu thờ ba anh em họ Phạm, đó là: Miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, Miếu Sao ơn thờ Phạm Quý Công Và Miếu Đông Hồ thờ Phạm Thuần Dụng, là bộ tướng của Trần Khánh Dư đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn - Cửa Lục chống quân xâm lược Mông Nguyên. Đền thờ Trần Khánh Dư cách Đình Quan Lạn khoảng 1,5 km là một công trình kiến trúc nhỏ hình chữ Nhất, tương truyền được dựng lại trên phủ cũ của ông. Ngôi nghè bị đổ nát những năm 1960 và mới đựợc tu sửa năm 1995. Trong nghè còn có một pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.
Trần Khánh Dư là một vị danh tướng nhà Trần đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại: ngày 30/12/1287 thái tử nhà Nguyên là A Thai cùng Ô Mã Nhi hợp 30 vạn quân đánh Vạn Kiếp rồi thuận dòng xuôi về Đông. Khi ấy thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Trần Khánh Dư đã củng cố lực lượng đánh địch. Tháng 12 âm lịch (1/1288), đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ không có lực lượng chiến đấu mạnh yểm trợ, chậm chạp tiến vào Vân Đồn hướng về Cửa Lục- Hạ Long, lọt vào trận địa của Nhân Huệ Vương. Thủy quân ta bố trí chặn địch từ Vân Đồn đến Cửa Lục. Đoàn thuyền lương của giặc mới đến sông Mang ở Vân Đồn đã bị ta tập kích. Trương Văn Hổ cố gắng tiến về phía đất liền nhưng đến biển Lục Thủy (Hòn Gai) thì thuyền quân ta đổ ra đánh càng đông. Trương Văn Hổ đại bại, đổ cả lương thảo xuống biển, trốn chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét