Sự tích Quý Minh Đại Vương ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Sự tích Quý Minh Đại Vương

Theo "Sự tích Quý Minh Đại Vương ở xã Đồng Du" (Bình Lục, Hà Nam), Ngài tên là Tuấn, tên chữ là Quý Minh, là em thần Tản Viên. Ngài tự cửa bể Thần Phù về đến Long Đỗ (nay là Hà Nội) bến Đông Hải, nghỉ ngơi rồi hiển thánh ở đó. Phố ấy lập miếu phụng sự, sau sắc phong Thượng Đẳng Thần. Còn thần tích Quý Minh Đại Vương lưu ở đền thờ Thần Cao Sơn thôn Lỗi Sơn, xã Gia Phong và đền Trung ở thôn Sinh Dược, Gia Sinh (xã Gia Viễn, Ninh Bình) cũng ghi rõ:"Cao Sơn và Quý Minh là anh em cùng Tản Viên Sơn Thánh, đã về lập hành doanh ở vùng này để chống nhau với Thục Phán sau khi Thục Phán chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương thứ 18". Quý Minh được phong thần, gọi là Hiển Công tả thiên thần Quý Minh. Tại Diên Sí Sơn (Núi Cánh Diều) ở cố đô Hoa Lư cũng thờ Quý Minh Đại Vương, trấn giữ phía đông thành Hoa Lư.
Tại Yên Bái, Quý Minh Đại Vương được thờ chung (Tam vị - ba anh em) ở một số đình, đền (đình Mường A, đình cả Quy Mông, Đại Đồng Vũ Miếu). Hiện tại đình Phúc Hoà, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được ngọc phả về Đài Vàng Quý Minh Đại Vương và các vị thần được tôn thờ bằng văn bản Hán Nôm. Bản dịch của Trương Thị Thuỷ, Hoàng Thúy Ngà, Hoàng Giáp của Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch tháng 7/2010 như sau:
"Nước Việt xa, trời Nam mở vận, Thánh tổ xây dựng cơ đồ, 18 đời truyền nối, trải hơn 2000 năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, đều lấy hiệu là Hùng Vương, ngọc bạch xa thu núi sông thống nhất. Thực là tổ của Bách Việt ta.
Khi đó, cơ đồ đất nước truyền đến đời thứ 18, được 2622 năm, thuộc đời Hùng Duệ Vương. ở động Lăng Sương, huyện Gia Hưng, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây có nhà họ Nguyễn, tên Ban, bà vợ họ Tạng tên Hoan, là nhà tích đức hành thiện, nhưng chưa có con nối dõi. Khi đó Nguyễn Công đã 60 tuổi, bà vợ đã 50, ông bà chưa từng làm phương hại đến ai, không bao giờ tơ hào phần lợi cho mình, luôn khởi tâm làm điều tốt lành. Ông có người anh trai tên là Nguyễn Cao Hạnh, ngoài 70 tuổi mà cũng không có con. Một hôm, nhân ngày giỗ của tổ tiên, anh em cùng than rằng: "Tội bất hiếu không có con là tội lớn, nếu như sau này chết đi, biết có ai là người hương khói cho tổ tiên, cha mẹ? Nếu có thể tán tài để cầu được con nối dõi thì cũng xin được theo". Thế là bèn đem tiền của phát cho người nghèo. Đến tết, mùa xuân Thái hoà, khắp nơi hoa nở, người người vui vẻ, anh em rủ nhau lên núi Nghĩa Lĩnh chơi, khi trở về xuống chân núi, bỗng thấy trên núi có một cụ già tóc bạc, đeo một bầu rượu, cầm một chiếc la bàn. Hai anh em (tức Nguyễn Hạnh và Nguyễn Ban) nhìn và nói rằng: "Phải chăng đó là tiên lão bồng lai thần linh Tản Lĩnh, chứ không phải người thường? Nhà ta tích thiện thấu tới lòng trời, nay trời xanh giáng tiên ông báo cho biết là nhà chúng ta tích thiện là đúng, không phải nghi ngại gì nữa". Nói xong, hai ông liền đi đến trước mặt tiên ông nói: "Nay may gặp được tiên ông, nghìn năm hy vọng, chúng tôi đường đột, khiếm nhã xin tha. Anh em chúng tôi đức mỏng, tuổi đã cao mà muộn đường con cháu. Gặp tiên ông ở đây như mây mù gặp ánh sáng, thấy hình dáng tiên ông khác người thường, ắt là có phép thuật thần thánh, một lòng xin tiên ông mở rộng tâm đức, thương xót tới chúng tôi. Vạn lần xin nhờ vào sức của tiên ông". Cụ già nói: "Ta không phải thần, không phải thánh, là người nhàn hạ, thích thú tiêu dao non nước, xem xét phong thuỷ hoạ phúc thế gian, là người tạo phúc, không có ý gì khác. Nay bọn ngươi gặp ta ở đây, là đức lớn của nhà các ngươi. Ta thấy trên núi Thu Tịch có thế đất rất quý, nếu an táng ở đất đó, không quá 100 ngày sau sẽ sinh ra thánh tử. Các ngươi hãy thu thập hài cốt tiên nhân, bí mật mang tới táng tại đó, chớ để lộ".
Hai ông nghe thấy thế, rất vui mừng, muốn hành lễ bái tạ thì cụ già biến mất. Hai ông trở về nhà, thu hài cốt của cha mẹ an táng tại đó. Xong việc, lập đàn hành lễ cầu đảo trời đất thần linh, xin sớm được ứng điều lành, được ban phúc, đội ơn mưa móc, trông cậy vào sự giúp đỡ của Trời, Thần. Khấn xong, đêm hôm đó ông Ban mông lung thiếp đi, bỗng thấy một tướng thần cưỡi hổ đen, hai tay ôm hai đứa trẻ từ phía ngoài đi đến chỗ ông nằm, nói: "Nhà ngươi tích thiện, trời đã thấu hiểu nên ban cho hai đứa con, sau này tất có tài giúp nước, an dân". Nói xong, thần tướng bay lên không trung. Ông Ban tỉnh giấc, biết là nằm mộng, tất có điều lành, ông trời không phụ, phúc địa hưng thịnh. Hai vợ chồng cùng nhau loan phượng yến oanh, cầm sách hoan ca. Từ đó, bà có thai 11 tháng, đến ngày 20/7 sinh ra hai người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, giống như hai đứa trẻ trong mộng, thân thể to lớn, tay chân chắc khoẻ. Người cha rất vui vì đã làm điều phúc, ông trời đã ban cho hai con nên đặt tên người anh là Sùng, em là Hiển.
Năm đó, người anh của ông Ban là Nguyễn Hạnh cũng sinh được một con trai, sắc mặt khôi ngô, tướng mạo cao lớn, Nguyễn Hạnh đặt tên là Tuấn. Ba anh em họ thể chất lẫm liệt phi thường, có khí phách anh hùng. Đến năm 12 tuổi, tìm thầy học đạo, học được vài năm văn chương thông suốt, võ lược tinh thông. Phàm trên từ thiên văn, dưới đến địa lý không gì là không biết, không vật gì là không hiểu. Người đương thời thường nói nhà đó có phúc gì mà sinh những người con văn võ kim toàn, tài giỏi như vậy?
Than ôi! Biến đổi khôn lường, hoạ vô đơn chí! Năm ba ông đến tuổi 16 thì cha mẹ đều qua đời. Ba ông gào khóc đất trời, làm lễ, chọn nơi cát địa an táng, gia đình hương khói thờ phụng ba năm, gia tài đều hết. Từ đó sớm tối sống trong cảnh thiếu thốn, kiếm củi sinh nhai, nhưng vẫn an bần lạc đạo nuôi chí lớn. Một hôm, ba ông đều than rằng: "Bần tiện như vậy, không thể sống được, sao có thể tồn tại được?". Bèn cùng nhau đi đến núi thiêng Tản Lĩnh làm con nuôi của Ma thị Cao Sơn Thần Nữ, ngày ngày được nuôi dưỡng bằng rau thái, rau tần. Sau được ban cây gậy thần của Thái Bạch Thần Tinh và sách của Long Đình Thuỷ Đế, cứu được hoạ, tạo phúc thế gian, báo đáp công ơn của mẹ nuôi. Ma thị cho là hiếu tử, bèn lập chúc thư giao ruộng đất, khe suối, kỷ vật núi rừng cho Tuấn Công. Từ đó bèn đổi hiệu là Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh chia đất cho hai em: Sùng Công ở Non Sơn, hiệu là Tả Khiên thần, Hiển Công ở Lãng Sơn, hiệu là Hữu Khiên thần.
Lại nói, cùng thời bấy giờ ở châu Thượng Hồng, xứ Hải Dương có người dùng thi thư để xử thế, lấy hiếu để trị gia, họ Phạm tên Huyên, bà vợ họ Đinh tên Lưỡng. Hai vợ chồng tích đức hành thiện, phát chẩn cứu nghèo, chưa từng làm hại đến ai, không tơ hào đến chút lo cho bản thân. Năm ngoài 40 tuổi sinh được một người con trai, văn võ kiêm toàn, học vấn uyên bác, Phạm Công đặt tên là Hoằng. Năm Hoằng 20 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Ông (Hoằng) hành lễ an táng mẹ được 3 năm. Lúc đó có người tên là Trương bụng dạ lang sói, ngày đêm tụ tập, cướp bóc, hại người. Thấy Hoằng Công là người anh tài mưu trí, muốn ông theo hầu. Hoằng Công than rằng: "Cha mẹ ta tích đức thiện hành nhân, vất vả sinh ra ta, nay ta theo bọn ngươi không phải là người có lòng trung lương, trí sáng suốt. Nếu ta theo bọn ngươi thì phúc nhà ta sẽ bị trôi sạch, còn nếu không theo thì hoạ sẽ nhanh chóng đến. Ta đi tìm đất thiện, nơi đây không thuận hoà". Nói xong, thu dọn đồ đoàn, một gánh giang sơn, bốn phương tìm phong cảnh, đi đến thôn Phúc Chân (nay đổi là xã Phúc Hoà), xã Hán Sài, huyện Tây Quan, phủ Đoan Hùng, xứ Tuyên Quang. Thấy sông núi hữu tình, trước thì nước sông bao quanh, sau thì núi đồi chầu phục, ngọn ngọn như tinh tú chầu về, bèn lập một gian nhà nhỏ ở thôn Phúc Chân làm nơi tá túc. ở được mấy tháng, nghe tin núi Tản Viên trời cao đất dựng, linh thiêng vời vợi, khí tượng vạn nghìn u mang khôn lường, trong núi có ba anh em Sơn Thánh, thần tiên biến hoá, bèn tìm đến đó. Sơn Thánh thấy Hoằng Công thông minh hơn người, đức độ nhân từ, bèn nói với Tả - Hữu Khiên thần. Hiển Công nói: "Người này là Long thần được nước, không lâu nữa sẽ giúp chúng ta, ta nên quý mến coi trọng anh ta". Hiển Công bèn mời đến nhà, mở tiệc khoản đãi rất hậu. Từ đó tương thân tương ái như anh em ruột thịt.
Lại nói, cơ đồ họ Hùng đã hết. Duệ Vương sinh được 20 người con trai, 6 người con gái đều về cõi tiên cả. Duy có 2 người con gái, người thứ nhất tên là Tiên Dung công chúa đã gả cho chử Đồng Tử, còn con gái thứ hai là Ngọc Hoa công chúa sắc nước hương trời, hoa ghen nguyệt thẹn, chưa đến kỳ đính hôn, vua bèn dựng lầu ở cửa thành Việt Trì, chiếu truyền cho nhân dân trong thiên hạ, người nào thông minh tài trí, đức độ anh hùng, có thể gả con gái và nhường ngôi cho. Ngày hôm đó, thuyền bè trên sông, trước lầu xa giá, nghe thấy chiếu thiên tử, trạng nguyên bốn biển đều đến để so tài, mà vẫn chưa tìm được người toàn tài. Khi đó, Sơn Thánh cùng ông Sùng, ông Hiển, ông Hoằng đến sau. Vua ngồi xem thi tài, thấy Sơn Thánh có nhiều tài thông thiên triệt địa, cạn sông, dời núi, là người tài bậc nhất thiên hạ, bèn gọi công chúa xuống gả cho. Sơn Thánh đón công chúa về núi Tản Viên. Các ông Sùng, ông Hiển, ông Hoằng ở lại giúp vua. Vua rất quý trọng các ông, phong Sùng Công là Đô Đài Đại Phu, Hiển Công là Đài Vàng Đại Phu, Hoằng Công là Thiếu Khanh. Từ đó, đất nước thanh bình, nhân dân ấm no, hương khói không ngừng.
Lại nói, khi đó giặc Hoa Liêu dẫn 50 vạn quân chia các đạo Tuyên Quang, Hưng Hoá tiến đánh, thư từ biên thuỳ báo cấp, 1 ngày 5 lần. Vua muốn cử ông Sùng, ông Hiển, ông Hoằng cầm quân tiến đánh. Ông Hoằng nói rằng: "Bọn giặc này ô hợp như bầy thú, thần xin mấy vạn lính hùng mạnh, không quá mười ngày sẽ đánh tan bọn giặc này, sao phải khiến bệ hạ và hai anh phải phiền lòng". Vua nghe nói mà than rằng: "Các bậc anh hùng tài giỏi đều ở nước ta, cần phải lo sợ gì". Lập tức cho Hoằng Công làm án sát các đạo Tuyên Quang, Hưng Hoá thống lãnh ba quân, đánh giặc Hoa Liêu. Hoằng Công bái tạ, dẫn binh thẳng tiến, thế hùng mạnh, đại chiến một trận, chém được mấy trăm đầu giặc, bắt được tướng giặc đem về. Vua ban thưởng cho ông, gả Hồng Hoa công chúa là chúa họ cho Hoằng Công, phong là Phò Mã.
Một hôm, Hoằng Công nhớ đến thôn Phúc Hoà, xã Hán Sài, bèn cùng với ông Hiển làm sớ tâu xin ăn lộc ở thôn Phúc Chân, xã Hán Sài. Vua ban cho xã Hán Sài được miễn phu sai tạp dịch. Nhân dân xã Hán Sài từ già đến trẻ đều vui mừng, làm lễ đón Hiển Công, Hoằng Công và Hồng Hoa công chúa về xã, lập hành cung trên đất thôn Phúc Chân để các vị ở.
Bấy giờ vua tại vị được 150 năm. Thục Vương (là dòng dõi Hùng gia chủ bộ Ai Trác) nghe tin vua đã nhiều tuổi mà 20 người con trai đã về cõi tiên, không có người kế vị, bèn phát động tinh binh trăm vạn, ngựa khoẻ 3.000 con chia làm 3 đạo tiến vào. Một đạo theo đường Thập Sách, Tối Quỳnh, Quật Sơn, một đạo theo đường biển Hoan Châu, Hội Thống, thuỷ bộ tiến, âm thanh chấn động. Duệ Vương lo lắng bèn triệu Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu rằng: "Hơn 2.000 năm đến nay, bậc vua thánh hiền nghĩa đức hậu, thấm khắp lòng người, mà nay nước giàu binh mạnh, uy đức Bệ hạ vượt ra ngoài bốn biển, bọn người Thục không tự biết mình dám cơ hội làm loạn, ý đồ đã rõ. Nay tình thế không ổn, thần nguyện hết lòng phò thánh gia cùng chọn tướng tài, thiên hạ sẽ được bình yên". Duệ Vương lấy làm vừa ý. Thế là Sơn Thánh thả hịch sai Hiển Công, Hoằng công dẫn 10 vạn binh tiến đến Hoan Châu, chặn các đường thuỷ bộ của quân giặc. Sơn Thánh cùng các tướng và 30 vạn hùng binh chia làm các đạo. Hiển Công, Hoằng Công ở cung Phúc Chân, nghe thấy hịch bèn tập hợp hơn 100 đinh tráng xã Hán Sài làm gia thần lãnh quân tướng ngay ngày hôm đó thuyền bè chỉnh tề, quân lính tinh nhuệ thuỷ bộ cùng tiến, quân ầm ầm nghìn dặm tiến thẳng đến Hoan Châu, đánh nhau với quân giặc một trận, chém được vô số quân giặc. Quân Thục thua to, chạy toán loạn. Sơn Thánh cùng các tướng hợp lực, đánh tan quân Thục đến mảnh giáp cũng không còn. Sơn Thánh truyền cho các tướng cùng hội bàn, dâng tấu báo tin vui. Vua ban chiếu triệu hồi, gia phong tướng sỹ, ban phong Sơn Thánh là Nhạc Phủ kiêm Thượng Đẳng Thần, phong Hiển Công là Đài Vàng Quý Minh Đại Vương, Hoằng Công là Phò Mã án Sát Đại Vương.
Hai ông Hiển Công và Hoằng Công bái tạ, rước sắc về cung thôn Phúc Chân hành lễ khánh giá. Ngày hôm đó nhân dân xã Hán Sài cùng hành lễ đón mừng. Từ đó, hai ông ngày tháng tiêu dao, cùng nhân dân địa phương hưởng thái bình an lạc. Một hôm, hai ông cùng Hồng Hoa công chúa ngự hành cung chính điện, xung quanh có người đứng hầu, bỗng thấy cầu vồng hồng như tấm lụa đỏ từ trên trời bay thẳng xuống trước cung. Trời đất u ám, mưa gió nổi lên. Trong chốc lát, gió mưa tan biến, trời đất sáng tỏ, nhưng không thấy Hồng Hoa công chúa đâu, chỉ thấy khăn, áo còn đó (hôm đó là ngày 19 tháng7). Hai ông viết thần hiệu của Hồng Hoa công chúa đặt bên phía hành cung để thờ.
Lại nói, một hôm khi vua Duệ Vương định nhường ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh không nhận, xin vua nhường ngôi cho Thục Vương. Vua nghe theo, triệu Thục Vương đến nhường ngôi cho. Xong việc, ngày hôm sau vua cùng Sơn Thánh bay lên trời, hoá sinh bất diệt. Khi đó, hai ông (Hiển và Hoằng) ở thôn Phúc Chân nghe tin, bèn tiếp yến tiệc, triệu nhân dân phụ lão thôn Phúc Chân đến nói: "Ta và nhân dân nơi đây có nghĩa sâu nặng, không phải một ngày, há sao có thể quên. Nay hành cung của ta ở địa phận thôn này, dân thôn hãy thờ phụng Hồng Hoa công chúa và chúng ta, trăm năm sau cũng nên thờ phụng chúng ta ở nơi này. Dân nên theo lời ta, chớ có thay đổi". Nói xong, hai ông cùng loan giá đi du ngoạn, khi đó có một số phụ lão và người trong thôn Phúc Chân tuỳ hành theo hai ông. Một hôm, hai ông đến giữa dòng núi Tản Lĩnh, bỗng gặp xe của Sơn Thánh đang bay, hai ông bái tạ. Sơn Thánh cười mà tụng rằng:
Một thời hoà mục quân thần
Hà cớ bo bo lẽ thường nhân
Nay triệu cho ngài về tiên cảnh
Trên mây vạn dặm hội quân thần.
Tụng xong, trời đất mịt mùng, giữa ban ngày mà như đêm tối, hai ông biến mất (đó là ngày 13 tháng 10). Phụ lão và mấy người thôn Phúc Chân theo hai ông đến đấy, lúc đó thấy hai ông hoá, bèn trở về đem chuyện đó nói với nhân dân. Nhân dân hành lễ viết thần hiệu lập miếu ở hành cung để thờ phụng các ông. Từ đó về sau, trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều được hưởng hương khói mãi mãi, nước đảo dân cầu đều rất linh ứng. Có nhiều đời vu phong mỹ tự, bốn mùa hương khói, vạn đời vô cùng, trường tồn cùng trời đất. Tốt đẹp thay!
Bản thôn tuân phụng Phò Mã án Sát Đại Vương, Đài Vàng Quý Minh Đại Vương, Thánh Mẫu Hồng Hoa công chúa. Hàng năm đến ngày 20, 21 tháng 7 là ngày sinh của Thần, lễ có trâu, bò, lợn, xôi, rượu, bánh mật và ca hát đại tiệc, đến ngày 19/7 là ngày hoá của Hồng Hoa công chúa, lễ dùng lợn, gà, xôi, rượu, chè, đậu, đến ngày 3/10 là ngày hoá của hai vị Đại Vương lập miếu khai sắc, lễ dùng trâu, bò, xôi, rượu đại tiệc. Còn các tháng đều chọn ngày tốt hành lễ, lễ vật tuỳ theo".
Từ lâu, miếu thờ các vị Thần trên đã được nhân dân xây dựng thành đình Phúc Hoà toạ lạc ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái và được thờ phụng thường niên.
                                                                Hoàng Việt Quân sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ