Dòng họ Phạm của tướng quân Phạm Văn Xảo ở Tiền Hải, Thái Bình ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Dòng họ Phạm của tướng quân Phạm Văn Xảo ở Tiền Hải, Thái Bình

TÌM LẠI DẤU XƯA: MỘT DANH NHÂN LỊCH SỬ

PHẠM ĐỨC DUẬT
Sở VHTT Thái Bình

Năm 1997, sau hai lần họp mặt thông tin về các chi phái họ Phạm ở Thái Bình chúng tôi đã phát hiện được nhiều vấn đề đáng lưu tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương. Đặc biệt các bản thông báo của chi phái họ Phạm làng Thư Điền xã Tây Giang và làng Phương Trạch xã Phương Công đã khiến chúng tôi chú ý. Theo các thông báo trên, tại hai nơi này còn lưu giữ được văn bia, sắc phong, thơ, câu đối, cốt chủ viết chữ Hán, thơ Nôm và nhiều địa danh liên quan đến một danh nhân lịch sử có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15. Đó là Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo. Với tinh thần khoa học của người sử dụng tư liệu Hán Nôm để nghiên cứu lịch sử địa phương, chúng tôi đã dành nhiều thời gian về khảo sát ở hai làng trên.

Tại từ đường Phương Trạch, có cốt chủ thờ thân mẫu Lê Nguyên Long, tức Lê Thái Tông (1434-1442), ông vua nối ngôi Lê Thái Tổ. Hai bản thông báo trên còn cho biết, cụ tổ ở Thư Điền là anh ruột cụ tổ Phương Trạch.

Từ những thông tin ban đầu ấy, chúng tôi đã về từ đường họ Phạm làng Phương Trạch. Cuốn gia phả chữ Hán do cụ tộc trưởng Phạm Kháng sao lại ngày 24 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), vì lý do nào đó, 8 đời trước không truy cứu được, cho nên tôn đời thứ bảy lên làm đời thứ nhất. Một trong hai đôi câu đối tại từ đường hiện nay cũng nói điều đó.

Thất đại di lưu đồng tộc phả
Nhất thù ấm tý ngũ chi phương.

Cụ thuỷ tổ được ghi tên tự là Tất Hiếu, huý là Liên, thuỵ là Trung Chính. Chi họ này đến nay còn ghi chép được 21 đời, trải trên 60 năm.

Về ngôi từ đường, tuy hậu cung bị bom đạn giặc phá hoại trong kháng chiến chống Pháp, song vẫn còn giữ được nhiều đồ thờ quý. Trong ba bức đại tự treo ở ba gian bằng gỗ sơn son thiếp vàng, đáng chú ý là bức đại tự treo ở gian giữa chạm nổi bốn chữ HỘI THỐNG TÔN NGUYÊN. Theo các cụ, bốn chữ trên được dùng ẩn ý trong câu thơ từ xưa truyền lại: “Tứ tự cao minh ân hoàng thượng”, có nghĩa là: có được bốn chữ đại tự treo trên là nhờ ơn vua ban cho. Những di vật đặc biệt quý, đó là 29 cốt chủ, xin dẫn ra mấy cốt chủ quan trọng.

Cốt chủ thứ nhất, đề: Hương tiền cố mẫu kiêm thập lý, sinh Nguyên Long, biểu trưởng văn thư Phạm Công lưu tế, thứ tiền, nhị thiện, hiệu viết. Từ Mẫn hàng tam thần chủ. Sinh ư Bính dần niên (1386), cửu nguyệt thập lục nhật, Bính Tý thời. Tốt ư Nhâm Tuất niên (1442), nhị nguyệt, sơ tam nhật, Tỵ thời.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mẹ vua (Lê Thái Tông) là Cung từ Hoàng thái hậu Phạm thị, huý là Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, xứ Thanh Hóa. Vào năm Thái Tổ khởi nghĩa thứ 6 (1423), mùa đông tháng 11, ngày 20 sinh ra Vua.

Cốt chủ thứ hai, đề: Hiển cao tổ khảo Phạm công, tự Tri Vận, thụy Liêm Trực phủ quân thần vị.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trang 295 tập 2 (Nxb. KHXH, 1985) thì Phạm Tri Vận tham gia nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi. Cuộc khởi nghĩa toàn thắng, Lê Lợi lên ngôi vua, Phạm Tri Vận được ban quốc tính. Lê Lợi lấy Lê Tri Vận làm Tri tả hữu ban, phong liệt hầu, sau được phong nguyên cữu quan nội hầu. Cùng sách trên còn ghi “Đô tri tả hữu ban á hầu Lê Vận, chết được truy tặng “Trưng thư lệnh tư hiệu hầu”. Phạm Tri Vận là anh trai của Cung từ Hoàng thái hậu sinh ra Nguyên Long. Một số cốt chủ khác đề tên huý, tên hiệu, tên thuỵ và chức vụ cùng năm sinh, năm mất của một số nhân vật thời Lê có chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như Phạm Phổ làm Chỉ huy sứ, đỗ Tiến sĩ khoa Quí Mùi (1463) ba lần dâng sớ nguyện sung làm chức quan võ. Vua khen Phổ có chí, có thể làm nên việc, cho nên bổ ngay không qua chức phó.

Chúng tôi sang từ đường họ Phạm làng Thư Điền, bốn câu thơ chữ Hán còn truyền lại đã là điều đáng chú ý:

Sơn hà Nam quốc xuân cẩm tú
Phạm tộc Thư Điền đức lưu quang.
Tứ tự cao minh ân hoàng thượng
Tư nguyên hà ẩm khai Quế hương.

Câu thứ ba “Tứ tự cao minh ân hoàng thượng” đã chứng tỏ cả hai ngôi từ đường đều treo bức đại tự HỘI THỐNG TÔN NGUYÊN. Bốn chữ này còn được lặp lại trong đôi câu đối trước cửa của từ đường họ Phạm Thư Điền:

“Tả chiêu hữu mục đại Đường tổ cách dĩ lai Hội thống tôn nguyên triệu Tống đức yêm tri hậu”.

Câu thứ tư của bài thơ trên: “Tư nguyên hà ẩm khai Quế hương” khiến chúng ta liên hệ đến điều mà sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã chép: “Năm thứ 6 (1433), tháng 9, ngày mồng 8 lên ngôi, (Lê Thái Tông) lấy năm sau làm năm Thiệu Bình thứ nhất. Đại xã thiên hạ, lấy ngày sinh làm Kế thiên thánh tiết, sau đổi làm Vạn thọ thánh tiết, lấy tên hiệu là Quế Lâm động chủ. Bấy giờ vua mới 11 tuổi, nhưng không phải nhờ mẫu hậu buông rèm coi việc nước, mà mọi việc thiên hạ đều tự mình quyết định cả”.

Tra cứu sử sách về Phạm Thị Trần, chúng ta biết bà có hai người anh trai là Phạm Văn Xảo, Phạm Tri Vận và người em trai là Phạm Liên. Gia đình họ Phạm này quê gốc ở vùng kinh lộ Thăng Long nay là Hà Nội. Vì lánh nạn phải chuyển cư vào Thanh Hóa và hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Phạm Văn Xảo là một trong bốn vị tướng chỉ huy cao cấp nhất và lập công lớn nhất trong trận quyết chiến chiến lược Tốt Động – Chúc Động. Sau khi đánh đuổi được quân Minh, tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Phạm Văn Xảo được ban quốc tính, được thăng hàm Thái bảo. Năm sau tên ông được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các khai quốc công thần, thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu. Phạm Văn Xảo có người em gái là Phạm Thị Trần làm thứ nhất của Lê Lợi. Bà sinh ra Lê Nguyên Long, sau nối ngôi vua là Thái Tông hoàng đế. Nhưng vinh vừa đến thì họa kèm theo, Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn bị bọn gian thần dèm pha, rồi bị giết hại. Lâu nay không mấy ai biết về tung tích con cháu của Phạm Văn Xảo ẩn cư ở đâu.

Người xưa từng nói:
Giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh
Phi điểu tận, lương cung tàng.
Địch quốc phá, mưu thần vong.

Lịch sử đã từng chứng kiến biết bao cảnh oan trái, vì lòng đố kỵ của bọn gian thần mà nhiều người trung nghĩa hiền tài bị oan khuất. Vì vậy mà con cháu Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo đã phải mai danh ẩn tích, chọn một nơi ven biển ở vùng Nam Châu này để ẩn cư. Đến nỗi trong văn khấn, tên huý của ông cũng phải cải là Dũng để tránh hậu họa. Con cháu kể lại rằng chuyển hài cốt ông về bằng đường thuỷ. Bến ấy ngày sau dân gọi là Bến Dũng. Tại định Nam làng Diêm Điền, sau gọi là Thư Điền hãy còn tấm bia chữ Hán đề LINH TỪ BI KỸ, dựng ngày tháng 3 năm Tự Đức thứ 31 (1878). Nội dung tấm bia có đoạn, xin trích dịch như sau: “…Đình Nam nghìn thu vang vọng, lời đẹp từ xưa còn truyền thờ bậc thuỷ đức tôn thần, tôn xưng là Quảng Lợi đại vương, xưa đã có sắc phong của nhà Lê. Đến bản triều (nhà Nguyễn) sắc tặng lại có chỗ khác trước là muốn làm sáng tỏ vị được thờ phụng thuở ban đầu ở ngôi đình này, sao lại chỉ tin vào dòng chữ thể hiện trên mộc bài…”

Đoạn văn trên cho ta rõ một điều, trên mộc bài đề thờ Quảng Lợi đại vương chỉ là mạo danh, mà thực chất là thờ một vị khác có công với nước.

Đoạn cuối bài văn bia cho ta biết rõ hơn: “Nay quan lãm nơi ở của ấp Diêm ta về phía đông nam hạ du, gần nơi trú binh cửa Ba Lạt, khống chế cửa Trà mà dẫn đến cửa Lân. Thuở xưa ở đất Diêm này, khi bọn giặc kéo đến cách cửa bể mười dặm đã bị phát hiện. Đình Nam là nơi thờ phụng vị thần tối linh có công phù nhà Lê là bởi lẽ ấy”.

Vậy vị thần có công phù nhà Lê ở đây là ai? Đạo sắc các năm có niên hiệu Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, đều nói: “…đại huệ hoàn danh cao tiết cung thánh lược trí dũng anh hùng hào kiệt… đạt ân cơ chuẩn nghiệp khai trị đại vương”. Và như thế, người khai quốc công thần đứng hàng tam công bị oan trái được hoàn danh, không ai khác chính là Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo được thờ tại đình Nam làng Thư Điền. Cũng đoạn cuối bài văn bia, nói tiếp: “… Xưa trong sách Đường thiên bảo tôn vị thần ở Nam Hải làm Quảng Lợi đại vương. Nay tôn sùng danh hiệu tốt đẹp như thế là để nói về vị thần có công đó. Vì thế thứ bậc của các vị thần, không chỉ dừng ở việc xem xét chung chung mà thôi. Đình Nam to đẹp thay, mà duệ hiệu có những mỹ tự ấy là bởi lòng người tôn kính vậy”.

Một điều nữa mà văn bia cho chúng ta biết, đình Nam được xây dựng từ khi làng này còn là ấp Diêm ở Nam Châu, tức là trước năm 1469. Vì năm Kỷ Dậu (1469) đời Lê Thánh Tông mới thống thuộc các huyện vào thừa tuyên (trấn), khi đó vùng Nam Châu mới thuộc trấn Sơn Nam.

Bài văn bia này do Cử nhân Vũ Đăng Thực, người làng Vân Đình, huyện Thanh Oai cung kính soạn.

Mùa thu năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại thứ hai (1927), ông Phạm Văn Năm chi họ Phạm Thư Điền cung tiến đôi câu đối hiện còn treo ở đình Nam như sau:

Tích hiển đông phong, phượng chiếu lịch triều long tự điển
Nê lưu xuân trảo, hồng viên tuỳ xứ ngưỡng phương huy.

Tạm dịch:
Dấu cũ sắc vua ban, còn mãi sáng ngời trong lịch sử;
Vết xưa chim hồng đậu, vẫn lưu rạng rỡ với danh thơm.

Về Cung Từ hoàng thái hậu Phạm Thị Trần, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, phần nói Thái tổ Phạm Hoàng hậu, có đoạn chép: “Tháng 6 năm đầu (1434) kể từ khi Thái Tông lên ngôi, truy tôn Hoàng thái hậu làm Cung Từ quốc thái mẫu. Sai viên nguyên cựu Tri tả hữu ban Lê Vận (tức Phạm Tri Vạn) và Trung thư thị lang Trần Thuấn Du đem thần chủ mới vào thờ phụ ở nhà Thái miếu, và mang sách vàng mang tôn hiệu”.

Cũng sự kiện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư lại chép: “Thần chủ cũ của Quốc Thái mẫu ở Lam Kinh, vua sai cậu là Hữu ban Lê Liên và Trung thư thị lang Trần Thuấn Du rước thần chủ mới, và kim sách đến miếu làm lễ truy tôn”.

Như vậy, một sách thì chép là cụ vận, một sách chép là cụ Liên, người là anh trai, người là em đều được con cháu thờ tại hai từ đường, Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo được thờ tại đình Nam, khiến chúng ta có lý do tin rằng am thờ Quế Thị phu nhân còn sắc phong tại khu chùa làng Thư Điền hiện nay chính là thờ Cung Từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Trần.

Hiện nay con cháu còn được truyền lại bài văn khấu bằng chữ Hán khá dài, có đoạn: “Cung thỉnh đức thần tổ: Phạm Quốc công huý Dũng, Lê triều khai quốc công thần cận công hầu đại tướng quân; Cung thỉnh Trung thư lệnh tự Phạm công tự Vận; Cung thỉnh Quang Mục Cung Từ Hoàng thái hậu Phạm thị, huý Trần; Cung thỉnh Quốc cữu Phạm công, huý Liên”.

Do những biến cố lịch sử, nhiều di vật đã bị huỷ hoại, nhưng con cháu có người còn nhớ được một bài thơ Nôm của cha ông truyền lại rất quan trọng. Bài thơ cho chúng ta biết rõ hơn: Đức thuỷ tổ chi họ này vốn quê ở Trường An, tức vùng Thăng Long cũ, được người chú nuôi nấng ở làng Cổ Lôi. Gặp cảnh loạn lạc, đến năm Trần Trùng Quang mất (1414), bốn anh em họ Phạm đã lánh nạn vào xứ Thanh. Bốn năm sau họ theo Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn, lập được nhiều chiến công lớn. Khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, đức tổ đứng hàng tam công. Nhưng sau đó, cụ bị tai họa, rồi được hoàn danh, pho tiểu đồng đặt hài cốt của cụ còn được an táng ở phía bên phải từ đường.

Nguyên văn bài thơ Nôm ấy như sau:
Đức tổ xưa Trường An quê ngụ
Cổ Lôi nơi thúc phụ cưu mang
Cảnh binh đao loạn lạc tan hoang
Trùng Quang mất, gia đình ly tán
Bốn anh em trong cơn hoạn nạn
Đất xứ Thanh lánh tạm yên thân
Bốn năm sau trời đất chuyển vần
Cùng Lê chủ phất cờ dầy nghĩa
Làm mật xứ xây căn cứ địa
Chốn quê hương thoả chí vẫy vùng
Lúc khải hoàn xứng bậc tam công
Sau oan trái vẫn lòng tiết nghĩa
Ơn thánh tổ gia ân đại huệ
Hoàn danh thơm tôn tử phụng thờ
Nơi từ đường lưu mấy vần thơ
Ghi tạc lại chuyển giao hậu thế
Nối tiếp nhau cháu con gìn để
Biết cội nguồn gốc rễ tổ tông
Hữu minh đường dĩ táng tiểu đồng.
Ngày nay, một vùng mấy xã An Ninh, Tây Giang, Phương Công còn nhiều địa danh rất đáng chú ý như: Thiên Long, Long Hầu ở Tây Giang; Cổ Rồng ở Phương Công; Long Cương ở An Ninh; cầu Thập Đạo, Cầu Nàng, Bến Dũng, Đình Quế, Đình Nam, cánh đồng Đại Hiếu ở Tây Giang; cánh đồng Đông Trạch ở Phương Công, v.v.. cho chúng ta thấy dấu tích của một vùng có nhiều danh nhân lịch sử.

(Nhân đây cũng xin được nói thêm: Thần tích xã An Trạch, tổng Thuỵ Lũng, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình còn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho chúng ta rõ, người trực tiếp chém đầu Liễu Thăng là ba anh em Thanh Kiền, Bạch Thuộc, Tống Thánh, hiện còn đền thờ ở xã An Bình, huyện Kiến Xương).

Những tư liệu trình bày ở trên, bước đầu cho chúng tôi rút ra mấy điều quan trọng sau đây:

1- Bốn anh em Phạm Văn Xảo, Phạm Tri Vận, Phạm Thị Trần, Phạm Liên quê gốc ở vùng kinh lộ Thăng Long được người chú nuôi dạy ở làng Cổ Lôi. Khi Trần Trùng Quang mất (1414), họ vào xứ Thanh lánh nạn và bốn năm sau hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.

2- Sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Phạm Văn Xảo là bề tôi có nhiều công trạng, nhưng bị nghi oan và bị bức tử. Để tránh hậu hoạn, con cháu gia đình họ Phạm này đã về ẩn cư ở vùng Nam Châu khoảng từ cuối năm 1429 (năm Phạm Văn Xảo bị bức tử) đến đầu năm 1469 (năm đặt tên trấn Sơn Nam).

3- Hậu duệ của các cụ nay là hai chi họ Phạm ở Thư Điền xã Tây Giang ở Phương Trạch xã Phương Công huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ngoài hai từ đường họ Phạm, Đình Nam thờ Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo, am thờ Quế Thị phu nhân cũng chính là thờ Cung Từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Trần.

Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.86-95)

Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ