Về nguồn tài liệu Đăng khoa lục Võ cử ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Về nguồn tài liệu Đăng khoa lục Võ cử


VỀ NGUỒN TÀI LIỆU ĐĂNG KHOA LỤC VÕ CỬ
Nguyễn Thúy Nga
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong khi nghiên cứu mảng tài liệu đăng khoa lục, chúng tôi thấy trong kho tàng di sản Hán Nôm còn có một số văn bản cũng mang tên đăng khoa lục nhưng không phải ghi họ tên những người đỗ Tiến sĩ ngạch văn như chúng ta đã biết. Loại sách đăng khoa lục này có tên là Tạo sĩ đăng khoa lục, nó cung cấp cho chúng ta tư liệu rất quý để tìm hiểu tiểu sử của những nhân vật xuất thân võ cử. Họ là những người thường được giữ chức vụ cao trong quân đội của triều đình, tham gia những sự kiện quân sự quan trọng của mỗi thời kỳ lịch sủ. Có lẽ vì số lượng loại tài liệu này không nhiều cho nên chưa được giới nghiên cứu quan tâm. Có chăng chỉ là một tài liệu khoa lục võ cử được nhà thư tịch học Trần Văn Giáp ghi tên trong bộ Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(1). Qua tìm hiểu bước đầu, chúng tôi còn phát hiện một số văn bản có giá trị khác. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu chung tình hình văn bản, nội dung khái quát của loại tài liệu quý hiếm này.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ 3 văn bản(2).
Tạo sĩ đăng khoa lục, A.1176. Sách chép tay, dày 15 tờ, khổ 25x15cm, chữ viết chân trên loại giấy bản cũ đã mủn nát, mất tờ đầu và một số chữ.
Tạo sĩ đăng khoa lục, A.627. Sách chép tay, dày 21 tờ, khổ lớn: 31x21cm, chữ viết chân trên loại giấy bản mỏng còn tương đối mới.
Hai tài liệu trên đều không ghi tên tác giả và năm tháng biên soạn.
Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục, VHv.1311. Sách chép tay, dày 33 tờ, khổ 28x16cm, chữ viết chân trên loại giấy bản dầy, thô còn rất mới. Tờ đầu sách có dòng ghi niên đại: “Thiệu Trị Nhâm Dần nhị niên thập nguyệt thư” (Chép vào tháng Mười năm Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 [1842]) và mấy dòng khái quát lịch sử thi võ ở nước ta cùng tổng kê số người thi đỗ.
Ngoài phần nội dung khoa lục như các bản trên, bản này còn có thêm phần phụ “Võ cử quy trình”(3).
Ngoài 3 văn bản chính đã kể trên, trong sách Nam thiên trung nghĩa bảo lục (VHv.1370) do Phạm Phi Kiến(4) biên tập năm Vĩnh Tộ 5 (1623)(5), sau phần tiểu sử những người trung nghĩa dưới các triều đại như Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê là phần ghi chép toàn bộ văn bản Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục.
Tìm hiểu các yếu tố nội chứng như địa danh, chữ húy v.v.. Chúng tôi thấy A.1176 là bản xuất hiện sớm hơn cả, có thể bản này được biên soạn vào cuối đời Lê. Tất cả các chữ thuộc diện kiêng húy đầu triều Nguyễn hiện diện trong văn bản như: Chủng, Hoa, Tông đều được viết nguyên dạng (chữ Chủng trong tên người Nguyễn Địch Chủng ở tờ 2b, Ngô Phúc Chủng ở tờ 13b; các chữ Hoa trong tên huyện Kỳ Hoa, Kim Hoa ở tờ 2b, 3b, 4a v.v... các chữ Tông trong chữ “Tông thất” ở các tờ 5b, 6b v.v...).
Bản VHv.1311, qua khảo sát, chúng tôi thấy những vấn đề sau:
- Các chữ húy mà văn bản thể hiện không đầy đủ và không đúng quy cách viết kiêng húy triều Nguyễn. Chữ Chủng thuộc diện trọng húy, cấm dùng, vậy mà 2 chữ Chủng trong văn bản được viết 2 cách: chữ thứ nhất (tên người ở tờ 4a) viết (+chữ thứ hai (tên người ở tờ 18a) viết đảo bộ theo cách viết kiêng húy đời Lê (+). Điều này là không hợp định lệ kiêng húy triều Nguyễn.
Trong khi các chữ “Tông” viết kiêng húy rất triệt để: tên người thì viết bớt nét (tờ 3a), chữ “Tông” trong từ “Tông thất” đổi theo định lệ là “Tôn thất” (các tờ 6b, 9a v.v...) thì chữ Hoa cũng thuộc diện trọng húy lại không một lần viết kiêng (ở các tờ 9a, 11a v.v...).
- Hơn nữa, ở mục Võ cử quy trình có chép cả quy chế thi võ đời Tự Đức.
- Chất giấy và chữ chép còn rất mới.
Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng bản VHv.1311 là bản được chép rất muộn về sau. Vì muốn văn bản có niên đại sớm nên người chép đã cố gắng thể hiện các chữ kiêng húy đời Thiệu Trị như dòng niên đại đã ghi ở đầu sách.
Chúng tôi đối chiếu phần nội dung khoa lục của bản này với 2 bản còn lại là A.627 và VHv.1730 thì thấy hầu như chúng trùng khít nhau, nhưng có sai khác một số chữ so với A.1176. Ví dụ: Nguyễn Đống chép thành Hoàng Công Phái chép thành Hoàng Công Hậu v.v... Có thể một trong ba bản này đã được chép lại từ A.1176, sau đó 2 bản kia lần lượt được chép lại trên cơ sở bản sao nên chuyển chép cả những chỗ vốn bị chép sai. Từ những cơ sở trên, chúng tôi cho rằng A.1176 là bản sớm nhất trong nhóm văn bản đăng khoa lục võ cử.
Tạo sĩ đăng khoa lục là sách ghi tên những người thi đỗ trong các khoa thi võ triều Lê, từ khoa đầu tiên năm Giáp Thìn Bảo Thái 5 (1724)(5) đến khoa cuối cùng năm Ất Tị Cảnh Hưng 46 (1785), gồm 19 khoa, lấy đỗ 199 người. Các khoa thi và số người đỗ trong từng khoa kê như sau:
1. Giáp Thìn Bảo Thái 5 (1724) lấy đỗ 11 người: 5 Tạo sĩ, 6 Đồng tạo sĩ xuất thân.
2. Đinh Mùi Bảo Thái 8 (1727) lấy đỗ 5 người: 3 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
3. Tân Hợi Vĩnh Khánh 3 (1731) lấy đỗ 10 người: 2 Tạo sĩ, 8 Đồng taạosĩ.
4. Quý Sửu Vĩnh Khánh 5 (1733)(6) lấy đỗ 11 người: 4 Tạo sĩ, 7 Đồng tạo sĩ.
5. Bính Thìn Vĩnh Hựu 2 (1736) lấy đỗ 3 người: 1 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
6. Ất Mùi Vĩnh Hựu 5 (1739) lấy đỗ 5 người: 2 Tạo sĩ, 3 Đồng tạo sĩ.
7. Quý Hợi Cảnh Hưng 4 (1743) lấy đỗ 5 người: 3 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
8. Nhâm Thân Cảnh Hưng 13 (1752) lấy đỗ 7 người: 4 Tạo sĩ, 3 Đồng tạo sĩ.
9. Giáp Tuất Cảnh Hưng 15 (1754) lấy đỗ 6 người: 2 Tạo sĩ, 4 Đồng tạo sĩ.
10. Đinh Sửu Cảnh Hưng 18 (1757) lấy đỗ 16 người: 8 Tạo sĩ, 8 Đồng tạo sĩ.
11. Canh Thìn Cảnh Hưng 21 (1760) lấy đỗ 8 người: 1 Tạo sĩ, 7 Đồng tạo sĩ.
12. Quý Mùi Cảnh Hưng 24 (1763) lấy đỗ 11 người; 5 Tạo sĩ, 6 Đồng tạo sĩ.
13. Bính Tuất Cảnh Hưng 27 (1766) lấy đỗ 7 người: 3 Tạo sĩ, 4 Đồng tạo sĩ.
14. Kỷ Sửu Cảnh Hưng 30 (1769) lấy đỗ 11 người: 3 Tạo sĩ, 8 Đồng tạo sĩ.
15. Nhâm Thìn Cảnh Hưng 33 (1772) lấy đỗ 23 người: 4 Tạo sĩ, 19 Đồng tạo sĩ,
16. Bính Tuất Cảnh Hưng 37 (1776) lấy đỗ 21 người: 6 Tạo sĩ, 15 Đồng tạo sĩ.
17. Kỷ Hợi Cảnh Hưng 40 (1779) lấy đỗ 5 người: 1 Tạo sĩ, 5 Đồng tạo sĩ.
18. Tân Sửu Cảnh Hưng 42 (1781) lấy đỗ 7 người: 2 Tạo sĩ, 5 Đồng tạo sĩ.
19. Ất Tỵ Cảnh Hưng 46 (1785) lấy đỗ 28 người: 1 Tạo sĩ, 20 Đồng tạo sĩ.
Sách ghi tên khoa thi, tổng số người đỗ trong từng khoa, sau đó là họ tên, quê quán, chức quan của từng vị Tạo sĩ. Những trường hợp cha con, anh em, bác cháu, chú cháu ruột cùng đỗ cũng được ghi “Thế khoa”, “Phụ tử đăng khoa” hoặc “Huynh đệ đăng khoa” v.v... Chúng tôi có nhận xét là người biên soạn sách đăng khoa lục võ cử đã căn cứ theo cách thức biên soạn sách đăng khoa lục Tiến sĩ để soạn ra Tạo sĩ đăng khoa lục.
Về danh hiệu được bạn tặng, sách ghi là Tạo sĩ và Đồng tạo sĩ xuất thân. Ví dụ tờ đầu tiên ghi khoa thi năm Bảo Thái 5: “Dụ Tông Bảo Thái ngũ niên, tứ Giáp Thìn khoa Tạo sĩ ngũ danh, Đồng tạo sĩ xuất thân lục danh, cai thập nhất danh” (Bảo Thái năm thứ 5 đời vua Dụ Tông (1724), ban khoa Giáp Thìn lấy đỗ 5 Tạo sĩ và 6 Đồng tạo sĩ, tổng số 11 người) v.v...
Nội dung văn bản chỉ cho chúng ta những thông tin hết sức ngắn gọn. Vậy danh sách các Tạo sĩ được ghi trong Tạo sĩ đăng khoa lục đã đủ hay chưa? Danh hiệu Tạo sĩ là gì? Đồng Tạo sĩ là gì?
Tìm hiểu trong sử sách, chúng tôi thấy Đại Việt sử ký tục biên ghi khá chi tiết về việc này: tháng Mười, mùa đông năm Quý Mão, Bảo Thái năm thứ 4 (1723) “Bắt đầu đặt khao thi võ. Lấy những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Sở cử; những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Bác cử; cả hai đều 3 năm thi một lần [...]. Thi Sở cử: tỉ thí võ nghệ, người nào trúng cách được làm Sinh viên; Quan viên tử, Quan viên tôn [trúng cách] được làm Biền sinh. Đợt thi văn sách mà hợp cách thì được làm Học sinh; Quan viên tử, Quan viên tôn mà hợp cách thì được làm Biền sinh hợp thức. Thi Bác cử; đến kỳ cuối cùng mà hợp cách thì được làm Tạo sĩ”(7).
Cùng nội dung, nhà sử học Phan Huy Chú ghi cụ thể: “Dụ Tông, Bảo Thái năm thứ 5, chuẩn định phép thi võ, những người dự trúng kỳ thi Sở cử đến năm sau đều được vào thi Bác cử. Thi Bác cử có 3 kỳ, trúng cách thì gọi là trúng đệ tam trường, cho vào thi Đình ở sân phủ chúa. Hợp cách thì được đỗ Tạo sĩ, cho được bổ dụng ngang với Tiến sĩ”(8).
Sách Đại Nam thực lục giải thích rõ danh hiệu Tạo sĩ như sau: “Khoảng năm Vĩnh Khánh đời cố Lê có đặt phép thi Bác cử, hễ ai trúng cả 3 kỳ, gọi là Tạo sĩ”(9).
Những ghi chép trên cho biết các thông tin sau: từ năm Bảo Thái 4 (1723) mới bắt đầu đặt khoa thi võ; thi Sở cử tương đương khoa thi Hương ngạch văn, thi Bác cử tương đương thi Hội ngạch văn. Vì vậy danh hiệu được ban trong các kỳ thi võ cử có thể suy tương đương như sau: Sinh viên tương đương Sinh đồ, Biền sinh tương đương Nho sinh, Học sinh tương đương Hương cống, Biền sinh hợp thức tương đương Nho sinh trúng thức, Tạo sĩ tương đương Tiến sĩ, Đồng tạo sĩ xuất thân tương đương Đồng tiến sĩ xuất thân.
Trong các sách, đặc biệt nguồn gia phả, có khi chúng ta gặp điều ghi trong tiểu sử một nhân vật nào đó là “thi đỗ Bác cử”, tức là người này theo nghề võ, thi đỗ Tiến sĩ võ. Lấy ví dụ sáchHàm Giang danh tướng liệt truyện(10), có bốn người thuộc dòng họ Đinh ở xã Hàm Giang: Đinh Cống, Đinh Bái, Đinh Phức và Đinh Giai đều ghi: “thi đỗ Bác cử”(11) là có nghĩa như vậy. Gia phả họ Đặng ở xã Lương Xá huyện Chương Đức tỉnh Hà Đông, gia phả họ Ngô ở xã Trảo Nha huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh v.v... đều có thể cung caap họ tên những người từng đỗ Tiến sĩ ngạch võ.
Sang đến triều Nguyễn, ngay từ những năm đầu, các vua Nguyễn không những chú trọng khoa cử Nho học mà cũng quan tâm đặt các khoa thi võ để kén chọn nhân tài. Qua Đại Nam thực lục chính biên chúng ta có thể biết năm 1846 vua Thiệu Trị mở trường thi võ ở kinh sư, lấy đỗ 51 người. Nhưng phải đến năm 1865, vua Tự Đức mới chính thức cho mở Võ khoa Tiến sĩ. Cũng theo lệ 3 năm mở một khoa, phép thi cũng giống đời Lê nhưng danh hiệu thì khác. Sách Đại Nam thực lục chép: “Nay những người thi Đình về bên võ được dự lấy đỗ, đổi gọi là Võ tiến sĩ cho có thanh nhã và phân biệt”(12). Cũng theo cách thức của ngạch văn, vua Tự Đức lại cho lấy thêm những người đỗ ở bảng thấp hơn, gọi là Võ phó bảng. Khoa này lấy đỗ 1 Đệ nhị giáp võ tiến sĩ xuất thân (Vũ Văn Đức), 1 Đệ tam giáp đồng võ tiến sĩ xuất thân (Vũ Văn Lương) và 6 Võ phó bảng. Như vậy về triều Nguyễn, Tạo sĩ đổi gọi là Võ tiến sĩ và có thêm danh hiệu Võ phó bảng. Cũng trong năm nay, bắt đầu mở trường thi võ hương ở Thanh Hóa, những người đỗ được gọi là Võ cử. Năm sau, vị vua chuộng hiền tài, giỏi văn học này lại mở thêm Ân khoa thi võ, lấy đỗ 3 Võ tiến sĩ và 22 Võ phó bảng.
Từ đó, các vua nhà Nguyễn vẫn chú ý tổ chức các khoa thi và định lại cách thức thi để tuyển dụng võ quan. Đến khi Pháp phản đối, các trường thi võ hương ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định bị bãi bỏ thì trên thực tế việc võ cử cũng đã chấm dứt.
Cũng như Tiến sĩ, số lượng Võ tiến sĩ được lấy trong mỗi khoa thi ở triều Nguyễn thường rất ít, mỗi khoa chỉ lấy vài ba người, như khoa đầu tiên năm Tự Đức 18 (1865) lấy đỗ 2 người; năm Tự Đức 21 (1868) lấy đỗ 5 người v.v... Số lượng Võ phó bảng được lấy nhiều hơn: năm Tự Đức 18 lấy 6 người, năm Tự Đức 21 lấy 20 người v.v... Tuy mỗi khoa lấy đỗ rất ít nhưng tổng số Võ tiến sĩ và Võ phó bảng triều Nguyễn được tuyển chọn cũng lên tới con số hàng trăm. Rất tiếc hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào chép riêng về các võ cử như đời Lê. Vì vậy bộ Đại Namthực lục là tài liệu duy nhất cung cấp cho chúng ta thông tin về họ tên những vị đỗ đạt ngạch võ của triều Nguyễn.
Nói tóm lại, các văn bản đăng khoa lục võ cử tuy không còn nhiều, nhưng là một nguồn tư liệu lịch sử rất có giá trị. Hy vọng rằng các sách địa phương chí, gia phả các dòng họ, các bản sắc phong v.v... sẽ giúp chúng ta bổ sung để có thể lập được một sanh sách và tiểu sử về các nhân vật quân sự xuất thân võ cử của nước ta.
Chú thích:
1. Xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, T.1. Nxb. Văn hóa, H.1984, tr.306.
2. Theo Di sản Hán Nôm, thư mục đề yếu do GS Trần Nghĩa và Prof.Frascois Gros đồng chủ biên: tại Thư viện Paris cũng có một bản, ký hiệu SA.HM.2516.
3. Văn bản này chính là văn bản đã được cụ Trần Văn Giáp giới thiệu.
4. Phạm Phi Kiến: Người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng - nay là thôn Dương Hòa xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623), làm quan đến chức Binh khoa đô cấp sự trung, tước nam.
5. Sách đã được người đời sau sao chép và bổ sung, vì phần ghi về những người trung nghĩa còn có cả những nhân vật đời Hậu Lê.
6. Đại Việt sử kỳ tục biên ghi khoa này tổ chức vào năm Quý Mão Bảo Thái (1723). Xem bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1991, tr.93.
7. Văn bản ghi năm Vĩnh Khánh 5, thực tế niên hiệu này thuộc đời vua Lê Duy Phường và chỉ có 3 năm. Năm 1733 đã là niên hiệu Long Đức 2 của vua Lê Thuần Tông Duy Tường.
8. Đại Việt sử ký tục biên, Bd, Sđd, tr.93-94.
9. Lịch triều hiến chương loại chí, Quan chế chí. Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, 1992, T.3, tr.49.
10. Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H.1974, T.30, tr.222.
11. Xem trong sách Đinh tộc thế phả, VHv.1346. Sách do Đinh Gia Nghi, đỗ Cử nhân khoa Bính Tý năm Tự Đức 29 (1876) viết bài Tựa, Đinh Huy Tụ sao lại.
12. Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên, tài liệu chưa xuất bản.
13. Đại Nam thực lục chính biên. Sđd, T.30, tr.222
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.275-284)

Nguyễn Thúy Nga

Nguồn tin: Viện Hán Nôm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ