Danh tướng Phạm Bạch Hổ và di tích đền Mây ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Danh tướng Phạm Bạch Hổ và di tích đền Mây


Phạm Bạch Hổ tự là Phạm Phòng Át sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Ông xuất thân trong gia đình nông dân, quê ở Đằng Châu, xã Ngọc Đường, nay thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.
Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có sức khoẻ hơn người, tính tình cương trực thẳng thắn. Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên đã đặt tên ông là Bạch Hổ.
Phạm Bạch Hổ từng làm Hào trưởng đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ. Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu và sau đó đánh bại Trần Bảo do Lưu Nghiễm là tướng nhà Nam Hán cử sang cứu viện. Dương Đình Nghệ xưng tiết độ sứ, dùng Phạm Bạch Hổ làm nha tướng.
Năm Đinh Dậu (937), Phạm Bạch Hổ đã đem 1.000 quân đến hợp binh với Ngô Quyền tại thành Gia Viễn, ông được Ngô Quyền tin yêu, giao nắm binh quyền. Chính ông đã có công lớn trong việc bảo vệ vương triều Ngô Quyền. Khi Kiều Công Tiễn, kẻ phản bội giết Dương Đình Nghệ là bố vợ của Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ đã đem 5.000 quân về thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn một kẻ phản phúc định âm mưu cầu cứu quân Nam Hán đang lâm le xâm lược nước ta.
Phạm Bạch Hổ đã góp công lớn cùng chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm Mậu Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. Phạm Bạch Hổ luôn trung thành với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
Khi vua Ngô Quyền mất (năm Giáp Thìn 944), Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) cướp ngôi. Ông đã giúp Ngô Xương Văn (con trai thứ của Ngô Quyền) đoạt lại ngôi vua, xưng là Hậu Ngô Vương. Khi triều Ngô mất, ông đã đón Ngô Xương Văn về dinh luỹ của mình tại đất Đằng Châu, tiếp tục sự nghiệp của Ngô Quyền.
Năm 965, khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt cả nước cùng nổi lên cát cứ, Phạm Bạch Hổ đã trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, cửa ngõ quan trọng vào thành Đại La, cai quản một vùng đất đai rộng lớn, giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, đất bồi để sản xuất nông nghiệp. Phạm Bạch Hổ là thủ lĩnh 1 trong 12 xứ quân cát cứ vùng Đằng Châu lúc bấy giờ.
Khi Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, mang quân đánh dẹp "Loạn 12 sứ quân". Đầu năm 966, Phạm Bạch Hổ mang quân về Hoa Lư theo hàng Đinh Bộ Lĩnh, được phong là Thân vệ Đại tướng quân, ông đã góp sức củng cố triều đại mới.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn, lên ngôi, tức là vua Đinh Tiên Hoàng.
Khi vua Đinh bị hại, thiếu đế nhà Đinh còn nhỏ tuổi, nhà Tống lại lăm le xâm lược nước ta, tướng sĩ đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Thân vệ đại tướng quân Phạm Bạch Hổ lúc bấy giờ tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn tâu với vua xin được cáng đáng việc trù liệu quân lương. 
Vua Lê Hoàn lo ông tuổi cao, Phạm Bạch Hổ đã khẳng khái đáp: “Thần lúc tráng niên theo tiền Ngô Vương đánh giặc Nam Hán có chút công lao, nay tuy tuổi cao, nhưng mỗi bữa còn ăn hết vài đấu gạo, rong ruổi trên mình ngựa cả ngày không mệt, gân cốt còn mạnh há sợ gì quân Bắc Tống”. Vua khen ông là người dũng khí, phong làm Bình Tống đô liệu lương quan, mang quân bản bộ ra đóng ở vùng Thiên Bản trù liệu quân lương.
Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Vua Lê Hoàn đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại phong kiến đều phong tặng ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”.
Phạm Bạch Hổ được nhân dân ngưỡng mộ lập đền, thờ phụng ông ở nhiều nơi, nhưng lớn hơn cả là đền Mây thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nơi đã sinh ra ông.
 Cung cấm Đền Mây thờ 3 pho tượng: Phạm Bạch Hổ (bên phải), Phu nhân (bên trái) và Thánh mẫu (ở giữa)
Đền Mây được xây dựng cạnh bến Lảnh, cũng gọi là bến đò Mây và gần chợ Vạn Cổ. Trước cửa đền là cây đa cổ thụ, trồng từ lần đầu xây dựng Đền, nay đã gần 1.000 năm tuổi. Vì phong cảnh ở đây rất nên thơ, trữ tình nên đã đi vào câu ca dao: “Trăm cảnh ngàn cảnh không bằng bến Lảnh Đền Mây”.
Ngày nay, kiến trúc đền Mây vẫn mang nhiều đặc trưng đan xen giữa hình thức triều Lê với đường nét triều Nguyễn, chứng tỏ trải qua các triều đại đều có trùng tu. Mặt trước nhìn ra hướng Đông Nam. Toàn bộ phần cửa làm kiểu bức bàn kiên cố. Phần trên cửa được tạo con tiện hình cây trúc nên trong nhà rất thoáng và đẹp. Các bộ vì của mái làm kiểu con chồng đấu xen, xây dựng cao, đồ sộ, hoành tráng.
Các mảng cuốn, con chồng, con đấu, đầu dư, đều được trạm trổ rồng, phượng, hoa lá mềm mại, cầu kỳ. Tuy trải qua nhiều đợt trùng tu ở các thời đại khác nhau, nhưng vẫn tạo được sự hài hòa và cân đối giữa các lớp trước sau. Khi xây thêm cung Tiền tế, nền nhà Trung từ đã được tôn thêm và đưa thêm các tảng đá cao vào các chân cột, làm tăng phần uy nghi cho Đền.
Toà tiền tế với 3 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Kết cấu các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng con nhị, nâng đỡ mái là hệ thống các hàng cột, chân được kê lên tảng đá vuông. Các con rường được chạm hình hoa xoắn và kê lên đấu vuông thót đáy. Đầu dư chạm thành đầu rồng mềm mại, uyển chuyển. Các bức cốn chạm chủ đề tứ linh, tứ quý.
Ngăn giữa hiên và tiền tế là hệ thống cửa bức bàn (thượng song hạ bản). Chính nhờ hệ thống cửa này đã tạo ra hai khoảng không gian tách biệt giữa trong và ngoài. Tiền tế được trang trí bằng hệ thống cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối. Ngoài ra còn có bức trâm viết bằng chữ Hán do tiến sỹ Chu Mạnh Trinh (quan Án sát tỉnh Hưng Yên) đề năm Mậu Tuất (1888) ca ngợi cảnh đẹp của Đằng Châu và công lao của Phạm Bạch Hổ.
Nối với tiền tế là 5 gian trung từ được làm song song nhưng nền nhà cao hơn. Trung từ có kết cấu kiểu vì giá chiêng, với hệ thống cột gỗ lim vững chắc kê trên chân tảng đá lớn hình quả bồng để nâng đỡ mái. Các bộ vì gian bên trang trí hoạ tiết hoa văn đơn giản, riêng hai bộ vì gian giữa được chạm khắc cầu kỳ hơn. Đầu dư, đầu bẩy, con rường chạm hình đao lửa, hoa lá. Hai bên cột treo đôi câu đối ca ngợi công lao của tướng quân.
"Bá chủ hùng đồ thập nhị sơn hà dư cổ luỹ
Thần cao linh khí bán phân tinh vũ thử tiền giang".
Tạm dịch là:
"Anh hùng bá chủ một vùng, non nước phân chia 12 sứ quân
Linh thiêng hiển hiện của thần, khúc sông này nửa phân mưa nắng".
Hậu cung gồm 3 gian, kết cấu vì chồng rường đơn giản, không chạm trổ hoa văn. Trong đền còn lưu giữ 27 pho tượng, hầu hết được tạo tác từ thời Lê, hai cỗ kiệu bát cống và một lư hương đồng rất quý.
Hiện vật trong Đền Mây còn lưu giữ lại được khá phong phú gồm: 27 pho tượng cổ; 6 bia đá (cả thời Lê xen lẫn thời Nguyễn); 10 bức đại tự; 7 cửa võng; 4 bức trám; 11 lịch chỉ khảm trai; 2 cỗ kiệu bát cống; 1 lư đồng. Trên các xà giữa, các cửa võng, y môn có các bức đại tự (hoành phi lớn): Thái Bình Vương Phủ, Phúc Dẫn Đằng Lưu, Anh Phi Châu Quận, Bán Giang Linh Tích, ... với những tấm khảm trai, lung linh và thanh tú... ca ngợi cảnh đẹp Đền Mây và công đức tướng quân Bạch Hổ.

Theo sách “Việt điện u linh” khi nói đến thần thổ địa ở Đằng Châu - Hưng Yên có chép: “Xưa Vua Lê Ngoạ Triều (tức Lê Long Đĩnh) khi chưa lên ngôi, có thực ấp ở Đằng Châu, thường bơi thuyền dạo chơi. Một hôm thuyền đang trên sông bỗng mây kéo đến tối sầm, gió thổi rất mạnh, mưa to sắp đổ xuống, Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông có đền, mới hỏi người làng: “Đền thờ thần gì”, người làng thưa: “Đây là đền thờ thần thổ địa”, Vương hỏi “Có thiêng không?” thưa rằng “Đây là chỗ dựa của một châu, lễ cầu mưa, cầu tạnh đều rất ứng”. Vương bèn nói to lên rằng: "Nếu thần khiến được mưa gió thì nay thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa. Thế mới thật là thiêng!”. Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ mới sai tu bổ đền thờ.
Hàng năm, lễ hội Đền Mây được tổ chức ở hai thời điểm khác nhau: Tháng Giêng từ ngày mồng 8 đến ngày 16 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày sinh; từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 11 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Phạm Bạch Hổ. Những năm gần đây, khi thành phố Hưng Yên khôi phục lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến thì lễ hội đền Mây còn được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, trong chuỗi lễ hội dân gian Phố Hiến.
Trong lễ hội ngoài phần tế lễ đặc sắc, thì phần hội có nhiều trò chơi truyền thống mang đậm nét văn hoá của cư dân Bắc Bộ như: đấu vật, múa lân, hát trống quân, múa rối nước, đánh cờ. Đền Mây  đã được Bộ Văn hoá thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật từ năm 1992.
Hùng Xướng (sưu tập và biên soạn)
Nguồn tin: Đài Hưng Yên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ