Giá trị lịch sử của tấm bia đá bốn mặt ở địa phương có truyền thống khoa bảng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Giá trị lịch sử của tấm bia đá bốn mặt ở địa phương có truyền thống khoa bảng

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA TẤM BIA ĐÁ BỐN MẶT Ở ĐỊA PHƯƠNG CÓ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG
Lê Viết Nga
Bảo tàng Hà Bắc
Làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, xưa là huyện Lang Tài, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc hiện nay còn bảo tồn được một tấm bia đá có giá trị lịch sử lớn. Bia hình bốn mặt, cao cả đế đến chóp là 1,96m mỗi mặt có kích thước là (1m1 x 7,5). Bia được dựng khắc vào thời Lê (1690). Sau này - thời kỳ kháng chiến chống Pháp phải cất dấu, đến nay mới dựng đặt lại trong một nhà bia trang trọng.
Giá trị trước hết của tấm bia bốn mặt là ngoài ý nghĩa nội dung về chứng tích lịch sử quý hiếm ở một làng quê nằm trong vành đai trắng của thực dân Pháp thì tấm bia này còn là tài liệu lịch sử quan trọng góp phần tìm hiểu về truyền thống khoa cử vẻ vang của địa phương khi nghiên cứu lịch sử làng xã.
Giá trị của bia đã góp vào cùng tư liệu lịch sử Nhà nước làm sáng tỏ hơn về thân thế và sự nghiệp của các vị tiên hiền, tiên triết, quan tước, ấm phong đại phu và trúng thức ở vùng quê nơi đây nói chung và làng Lương Xá nói riêng. Đối chiếu nội dung văn bia này với các sách Đăng khoacủa Nhà nước từ xưa tới nay - cho thấy nhiều chi tiết chỉ có văn bia địa phương mới cụ thể được, thậm chí còn giúp cho việc đính chính những nhầm lẫn, thiếu chính xác của tư liệu lịch sử quốc gia (sẽ nêu ở phần sau).
Ngoài ra, bia còn cung cấp cho ta thấy về các gia tộc; Bia ghi: “Xã ta có 12 họ là họ Doãn, Đào, Vũ, Lương, Phạm, Phương, Nguyễn, Hoàng, Trần, Bùi, Đinh và họ Lâm”.
Bia còn phản ánh về lệ tục của dân thôn và nghệ thuật chạm khắc đá điêu luyện của người xưa.
- Bia bốn mặt này được tạo tác bằng đá xanh, 4 mặt đều ghi khắc chữ Hán, còn rõ nét.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin trích dẫn phần nội dung giá trị nhất (như đã nêu trên) cụ thể như sau:
VĂN BIA GHI VỀ NHỮNG VỊ TIẾN Ĩ, TIÊN HIỀN, QUAN TƯỚC, TIÊN TRIẾT, ẤM PHONG ĐẠI PHU VÀ NHỮNG VỊ TRÚNG THỨC CỦA ĐỊA PHƯƠNG
- Vũ Kính là anh của Thượng thư Vũ Cẩn, là bố của Trạng nguyên Vũ Giới. Ông (Kính) có chức là Hiển phó đạo Sơn Tây, thăng Triều liệt đại phu, thái bộc tự khanh, thọ 77 tuổi, hiệu là Nghị Trai tiên sinh.
- Thượng thư Vũ Cẩn đỗ Thám hoa, cùng với bạn là Phạm Quang Tiến thụ nghiệp (học) ở Hoàng giáp Vũ Kĩnh.
- Phạm Trình - Hiến sát phó sứ đạo An Quảng, hiệu là Thuần Trai tiên sinh.
- Thượng thư Lương Phùng Thời, Trưởng tử Thông chính điển sự kiêm Cẩm y vệ.
- Lương Hữu Nghĩa - phó Tân sự, hiệu là Nghiêm Thận tiên sinh, toàn tiết (hy sinh vì nghĩa).
- Vũ Lễ: Cha được tặng Hữu thị lang, Quảng Dụ bá. Vũ Đình Kim là Tri huyện Đường Hào, thăng Minh hình ty Viên ngoại lang, trí sĩ, tặng Hữu thị lang, Nghĩa Kính bá.
Vũ Lỗ: Chính thất tặng Trứ phu nhân, Bùi thị sinh 4 nam: Trưởng nam là Hoàng giáp Vũ Kính, thứ nam là Tri phủ Vũ Ban, con trai thứ 3 là Thiếu khanh Vũ Du, con trai thứ 4 là Thượng thư Vũ Cẩn; một con gái là Vũ Thị Hoàng lấy chồng là Đoàn Hữu Quảng. Trạng nguyên Vũ Giới là cháu đích tôn của ông Vũ Lỗ.
Đoàn Hữu Quảng thọ 71 tuổi, hiệu là Mai Hiên tiên sinh, khoa Ất Sửu, Đoan Khánh nguyên niên (1505) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khi đó mới 36 tuổi, làm quan đến chức Chính tân sự, hiệu là Vĩnh An tiên sinh. Kế đến Trạng nguyên Vũ Giới, (ông Quảng) là người đầu tiên đỗ nhị giáp.
- Vũ Ban anh của Thượng Tư Vũ Cẩn, chú của Thượng thư Vũ Giới - chức Mậu lâm lang, Tri phủ Thượng Hồng, hiệu là Mặc Trai tiên sinh.
- Đào Phùng Thái, sinh một con gái là Đào Thị Quý - là phu nhân của quan Thượng thư bộ Lễ, Sùng Lộc hầu, Tiến sĩ Nguyễn Thu (người Lai Xá).
- Nguyễn Thu đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Hồng Thuận thứ 3, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan tới chức Quản thí huyện Quảng Đức.
- Trần Danh Tân: đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2, năm 28 tuổi, 18 tuổi đã đỗ thi Hương. Sau được đổi tên là Trần Trọng Đống.
- Đoàn Văn Thông: quê ở Quảng Đức nay là phường Đồng Xuân, Hà Nội. Làm quan đến chức Tham nghị xứ Nghệ An, hiệu là Chính Tâm tiên sinh. Khoa thi năm Giáp Thìn đỗ Hoàng giáp, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, năm 26 tuổi trúng thi Hội, thi Đình trúng thứ nhất, làm quan đến chức Tả thị lang Bộ lễ, kiêm Hàn lâm viện Tham nghị, Đào Xuyên bá, khi mất được tặng Đào Xuyên hầu.
- Vũ Kính: là anh của Thượng thư Vũ Cẩn, là cha của Trạng nguyên Vũ Giới, hiệu là Nghị Trai tiên sinh; là ông của Nghĩa Mai, là thày dạy của Trạng nguyên Vũ Giới, tri phủ huyện Đằng Thủy Trần Văn Bảo, tri huyện Chí Linh Phan Duy Ương; Thám hoa Đông các bản xã Phạm Quang Tiến, Tiến sĩ xã Lý Lâm Vũ Văn Giai, Tiến sĩ xã Duệ Đông Nguyễn Quang Bình (những vị này đều xuất thân từ đây - tức đều học ông Vũ Kính), Con rể là Tả thị lang bộ Hình Nguyễn Đình Tú (còn gọi là Lê Đình Tú). Cháu gái làm nội phi được phong làng Lục cung công chúa, quê ở Trình Khê. Nguyễn Đình Tú đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu; mộ táng tại Lương Xá. Khoa Quý Mão, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, năm ây ông 33 tuổi, đi xứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư 2 bộ. Khi mất được tặng Thượng thư bộ Lại.
- Lương Phùng Thời: Chức Thiếu bảo, Lương Khê hầu thượng trụ quốc, chí sĩ, tự là Ngô An, thụy là Nhự Túc tiên sinh, thọ 67 tuổi. Khi mất được tặng Thị lang tước bá Chư đệ, bác hộ Văn Xuyên bá, Thiên úy vệ trung úy, tri huyện Thanh Xuyên.
Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn năm 31 tuổi; đi sứ phương Bắc, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ; Đô ngự sử, nhập thị Kinh diên, Xuân Hà hầu.
- Vũ Cẩn: Là em của Hoàng giáp Vũ Kính, là chú của Trạng nguyên Vũ Giới, hiệu là Tiết Trai tiên sinh, thọ 67 tuổi, tặng Thị Lang bá, tước từ, đỗ Nho sinh trúng thức kỳ thi sĩ vọng, là cháu quan viên Tôn Vũ Thái, quan viên Tôn Vũ Cử và Tri huyện Vũ Phiên.
Ông Cẩn đỗ Thám hoa, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh tại khoa Ất Sửu, năm 39 tuổi (tái trúng).
- Vũ Giới: Đỗ Trạng nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh khoa thi Đinh Sửu, năm 37 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang bộ Hộ, kiêm Hàn lâm thị giảng, Tham ty hàn lâm viện sự, là con của Hoàng giáp Vũ Kính, là cháu gọi Thượng thư Vũ Cẩn bằng chú, là cháu ngoại Thượng thư Lương Lộc hầu Nguyễn Thu, là con rể của Thượng thư Lạng Kiều hầu Hoàng Sĩ Khải, thọ 53 tuổi, hiệu là Hòa An tiên sinh, đạo học tôn sư.
Những danh nho sau đây: Tiến sĩ Tri huyện huyện Chí Linh Nguyễn Ưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thế Mễ, Nguyễn Hậu, Tiến sĩ Vũ Miễn người xã Ngọc Trì của bản huyện; tiến sĩ Nguyễn Khuê Xá ở An Tráng, Tiến sĩ Hoàng Kiều Lương... đều xuất thân từ trường học của cụ (học cụ Vũ Giới).
Thượng thư Vũ Cẩn là trưởng tự, Trung chính đại phu Nho sinh trúng thức, Hội thí đăng trường sĩ vọng.. có cái tên là Chấn Hội thụ nghiệp ở Đường Khắc.
Thượng thư Lương Phùng Thời là con thứ của Huệ Trung đại phu Nho sinh trúng thức Lương Tiến Giảng, hiệu là Văn Nho tiên sinh.
- Vũ Nghiệp: là học trò của Trạng nguyên Vũ Giới: là Đức Bộ, hiệu là Văn Tràng tiên sinh, thọ 78 tuổi. Con là Tri huyện Vũ Phiên. Vũ Nghiệp là con của Thượng thư Vũ Cẩn, Chiêu liệt đại phu, Nho sinh trúng thức.
- Vũ Hạnh: tự Thông Chính, hiệu Nghi Đức tiên sinh thọ 81 tuổi, thủ xướng hưng công đình cũ.
- Phạm Quang Tiến: Đông các, làm quan đến đại học sĩ, hiệu là Tán Dung tiên sinh. Chức Tả thị Lang, trước khi đi thi Giám sinh, đi sứ, tái trung Đông các đệ nhất (kỳ thi tuyển chọn sau khi đã ra làm quan rồi).
Xã ta có 12 họ là: họ Đào, Đoàn, Vũ, Lương, Phạm, Phương, Nguyễn, Hoàng, Trần, Bùi, Đinh và họ Lâm.
Thông qua nội dung văn bia nói chung và phần trích trên nói riêng chúng ta thấy được địa phương nơi đây có truyền thống khoa bảng rất vẻ vang - với 10 vị đậu đại khoa, trung khoa, tú tài; mà học vị cao nhất là Trạng nguyên - Trạng nguyên Vũ Giới (còn gọi là Trạng Lường, vì quê ở làng Lương Xá). Trong bia này còn ghi khắc về một số vị Tiến sĩ người quê nơi khác (sẽ nêu ở phần sau) nhưng có mối quan hệ gia tộc, điều kiện cư trú, học hành ở làng Lương Xá.
Theo nội dung văn bia thì người đỗ Tiến sĩ đầu tiên ở vùng quê nơi đây là Hoàng giáp Đào Phùng Thái - đậu năm Ất Sửu - 1505. Cũng qua nội dung bia này ta biết được mối quan hệ giữa Hoàng giáp Đào Phùng Thái với Tiến sĩ Nguyễn Thu - người làng Lai Xá, đỗ khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3. Ông lại là anh họ Tiến sĩ Phương Kính Trung (quê Lương Xá). Bia ghi rõ Nguyễn Thu lấy con gái của Đào Phùng Thái, tên là Đào Thị Quý. Chính vì thế mà ông Nguyễn Thu cũng có tên trong bia đá này.
- Người đỗ Tiến sĩ thứ 2 của làng Lương Xá là Phương Kính Trung - đậu năm Giáp Tuất (1514). Đối chiếu văn bia với các tư liệu Nhà nước thấy rằng nhiều sách ghi chính xác về họ và về quê của Tiến sĩ Phương Kính Trung: Sách Các nhà Khoa bảng Việt Nam và Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều ghi nhầm là Phạm Kính Trung, và quê ở Lai Xá chứ không phải là Lương Xá.
- Hoàng giáp Đình nguyên Vũ Kính là người đỗ đại khoa thứ 3 của làng Lương Xá. Qua nội dung bia ta mới biết rõ hơn về thân thế sự nghiệp khoa danh của ông: Trước hết là biết về gia đình, gia tộc của Vũ Kính - có truyền thống khoa bảng - với 3 vị đại khoa (đều có đề cập ở trong bài viết này). Đối chiếu văn bia này với các sách khoa bảng của Nhà nước ta thấy được nhiều sách ghi nhầm tên ông là Vũ Cảnh, như sách Lịch triều hiến chương loại chí. Bia đá còn cho ta biết rõ Vũ Kính có người con rể là Tiến sĩ Nguyễn Đình Tú, quê ở Trình Khê, đậu khoa Ất Sửu (1565) - cùng khoa với Tiến sĩ Phạm Quang Tiến làng Lương Xá. Cũng vì thế mà Nguyễn Đình Tú mới có tên trong bia này. Qua bia này ta còn thấy được công lao to lớn của Hoàng giáp Vũ Kính, trong việc dạy học đào tạo nhân tài: ông đã dạy con trai mình thì đậu Trạng nguyên - đó là Vũ Giới đỗ Trạng nguyên năm 1577, dạy Phạm Quang Tiến sau đậu Thám hoa (năm 1565); Vũ Văn Gian người xã Lý Lâm, Nguyễn Quang Đình người xã Duệ Đông sau đều đỗ đại khoa cả. Còn o­ng Trần Văn Bảo, Tri phủ huyện Đằng Thủy, Phan Duy Ương - Tri phủ Chí Linh cũng đều là học trò của ông Vũ Kính. Qua bia này ta còn biết Vũ Kính có một cháu gái (họ ngoại) bà là con Lê Đình Tú làm nội phi, sau được triều đình phong là Lục Cung công chúa.
- Về Tiến sĩ Thượng thư Lương Phùng Thời - đỗ năm Quý Sửu (1553) - vị đại khoa thứ 4 của làng Lương Xá, qua bia đá này ta hiểu rõ về thành phần đoàn đi sứ của ông (năm 1580) có tới 3 nhân vật quan hệ gia đình về quê hương với Lương Phùng Thời. Đó là Tiến sĩ Vũ Cẩn (sẽ trình bày phần sau) và Lê Đình Tú (như đã nêu ở phần trước), là Thượng thư Hoàng Sĩ Khải vừa là người cùng quê vừa là bố vợcủa ông, đi đón phái đoàn đi sứ trở về. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong bia hiện nay còn lưu giữ ở thôn Lương Xá có ghi khác rất rõ về ông Lương Phùng Thời như sau:
“Lương Phùng Thời: Chức Thiếu bảo, trước Lương Khê hầu, Thượng trụ quốc, tự là Ngô An, thụy là Nhụ Túc tiên sinh, khi mất được tặng Thị Lang bá tước Chư đệ, bá hộ Văn Xuyên bá, Thiên uy vệ Trung úy, Tri huyện Thanh Xuyên. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn năm 32 tuổi, đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Xuân Hà hầu”.
“Thượng thư Lương Phùng Thời, tước tử, Thông chính điển sự kiêm Cẩm y vệ. Lương Hữu Nghĩa - phó tân sự, hiệu là Nghiêm Thận tiên sinh, toàn tiết”.
- Thám hoa Phạm Quang Tiến, đậu năm 1565 qua bia đá này ta biết được ông là học trò của Hoàng giáp Vũ Kính, bạn học với Tiến sĩ Vũ Cẩn. Bia ghi “Thượng thư Vũ Cẩn đỗ Thám hoa, cùng với bạn bè Phạm Quang Tiến thụ nghiệp Hoàng giáp Vũ Kính”. Cũng qua bia này ta biết được khoa thi đó cùng đỗ với Phạm Quang Tiến còn có Nguyễn Đình Tú - người làng Trình Khê (làng cùng huyện Gia Lương), trú tại làng Lương Xá, lấy con gái ông Vũ Kính. Vì thế mà mộ ông mai táng ở làng Lương Xá và tên tuổi ông được ghi khắc trong bia này.
Người đỗ thứ 5 trong làng Lương Xá là Tiến sĩ Vũ Cẩn. Ngoài tư liệu Nhà nước, qua văn bia này ta biết rõ hơn về ông: “Thượng thư Vũ Cẩn là Trưởng tự. Trung chính đại phu, Nho sinh trúng thức, Hội thí đăng trường sĩ vọng, có cải tên là Chấn Hội, thụ nghiệp ở Đường Khắc”.
Cũng trong bia hiện còn ở làng Lương Xá có ghi khắc về Tiến sĩ Vũ Cẩn như sau:
“Vũ Cẩn: là em của Hoàng giáp Vũ Kính, là chú của Trạng nguyên Vũ Giới và Tiết Trai tiên sinh, là cháu quan viên Tôn Vũ Thái, quan viên Tôn Vũ Cử và Tri huyện Vũ Phiên. Vũ Cấp có một người con trai tên là Vũ Nghiệp (Hiệu là Văn Tràng tiên sinh, Chiêu Liệt đại phu), Nho sinh trúng thức, kiêm bản huyện, tri đức chính Văn Tráng vệ đích vị. Ông này lại là học trò của ông bác). Ông đỗ Thám hoa, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh tại khoa thi năm Ất Sửu (1565) khi đó ông 39 tuổi tái trúng, (thi lần nữa).
Năm Đinh Hợi (1587), quan Thượng thư Vũ Cẩn qua đời, thọ 67 tuổi, được tặng Thị Lang bá, tước Tử, thụy là Tổ Văn.
- Danh nhân khoa bảng đỗ cao nhất, người thứ 7 của làng Lương Xá được ghi khắc trong bia này - là Trạng nguyên Vũ Giới. Ngoài những tư liệu ta biết được về ông qua chính sử từ xưa đến nay, bia đá làng Lương Xá còn cho mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời và khoa danh của vị quan trọng này. Cụ thể như sau:
Về việc riêng: Quan Thượng thư bộ Lại Vũ Giới Trạng nguyên, như trên đã nêu, ông là con của Hoàng giáp Vũ Kính, cháu ông Vũ Cẩn (gọi bằng chú). Khi xây dựng gia đình, Vũ tiên sinh đã kết duyên cùng tiểu thư con viên quan Hoàng Sĩ Khải, chức Thượng thư, tước Lạng Kiều hầu. Trong bia đá hiện ở làng Lương Xá có ghi khắc rõ điều này.
“Vũ Giới: đỗ Trạng nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh, khoa thi Đinh Sửu, năm 37 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang bộ Hộ, kiêm Hàn lâm thị giảng, Tham tri Hàn lâm viện sự, là con của Hoàng giáp Vũ Kính là cháu gọi Thượng thư Vũ Cẩn bằng chú ruột, là cháu ngoại thượng thư Lương Lộc hầu Nguyễn Thu, là con rể của Thượng thư Lạng Kiều hầu Hoàng Sĩ Khải, thọ 53 tuổi, hiệu là Hòa An tiên sinh, đạo học tôn sư”.
- Nhân vật thứ 8 đậu đại khoa được ghi khắc tên tuổi và khoa danh ở bia đá làng Lương Xá này là Tiến sĩ Trần Danh Tân - đỗ khoa Vĩnh Hựu thứ 2 - 1736. Thông qua văn bia và văn cúng của gia tộc tại làng Lương Xá chúng ta càng hiểu thêm câu phương ngôn phản ánh về truyền thống khoa bảng và các vị quan chức làng quê nơi đây:
Lục bộ Thượng thư, Lang Tài ngũ bán
Chẳng là Trần Danh Tân quê nội vốn ở xã Bồng Trì (nay là thôn Địa Tiên, xã Bình Dương cùng huyện). Trần Danh Tân là cháu xa đời của Trần Danh Biểu, thuộc gia tộc có truyền thống khoa bảng ở đất Lang Tài - Gia Bình. Bố ông lấy vợ người làng Lương Xá. Sau khi bố mất, Trần Danh Tân theo mẹ về Lương Xá ở và sinh cơ lập nghiệp ở đây. Cho đến nay các hậu duệ của ông vẫn định cư ở làng Lương Xá rất đông. Đồng thời vì thế mà tên tuổi ông được ghi khắc ở bia đá làng này, cụ thể như sau: “Trần Danh Tân: đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2, năm 28 tuổi, 18 tuổi đã đỗ thi Hương. Sau được đổi tên là Trần Trọng Đống. Đến nay, nếu nghiên cứu tìm hiểu về Tiến sĩ Trần Danh Tân, tại địa phương, chúng ta chỉ có thể về làng Lương Xá và căn cứ vào văn bia này với tư liệu của các hậu duệ của ông tại đây mới thấy phong phú hơn tại quê nội của ông ở xã Bồng Trì.
- Bia đá làng Lương Xá còn ghi khắc tên tuổi và khoa danh của 2 vị Tiến sĩ nữa nhưng quê không phải là ở làng này. Đó là: Nguyễn Thu quê ở làng Lai Xá cùng huyện và Đoàn Văn Thông quê ở Quảng Đức nay là phường Đồng Xuân, Hà Nội (như trên, bài này đã trích văn bia ghi về các ông).
Nội dung văn bia ở làng Lương Xá trên đây có giá trị góp phần vào ko tàng tư liệu Hán Nôm và giúp cho việc nghiên cứu biên soạn các tài liệu lịch sử về địa phương, về các danh nhân khoa bảng của đất nước mà quê hương ở vùng đất văn hiến Gia Bình, Lang Tài, Kinh Bắc.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.285-296 )
Lê Viết Nga

Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ