Lai lịch Quận công Đinh Văn Tả ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Lai lịch Quận công Đinh Văn Tả

Lai lịch Quận công Đinh Văn Tả
Họ Đinh ở thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên là một dòng họ lớn, sinh sống hàng trăm năm nay ở đây. Giữa thế kỷ 15, Thánh Địa lý Tả Ao Vũ Đức Huyền sống tại đất Nam Trì đã cắm đất, đặt mộ phần cho họ Đinh tại gò đất quí, hình thế Tam Thai tại cánh xứ Vườn Bông ở phía Nam của làng để con cháu họ Đinh phát về khoa cử, võ tướng. Đến năm Quảng Hoà thứ 4 thời Mạc Phúc Hải (Triều Mạc) con cháu họ Đinh ở Nam Trì là Đinh Tú đỗ Tiến sĩ, tên tuổi được ghi ở Văn Miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên). Triều đình nhà Mạc đã bổ nhiệm làm quan, chức Hiến sát xứ Hải Dương. Khi mất, Tiến sĩ Đinh Tú được phong tước Phù Nham bá.


Tiến sĩ Đinh Tú được bổ nhiệm làm quan Hiến sát xứ Hải Dương và được nhà Mạc ban bổng lộc bằng ruộng đất (hình thức trả lương thời phong kiến) tại khu vực TP Hải Dương và huyện Kinh Môn ngày nay (có thể nay thuộc khu vực thôn Xạ Sơn xã Quang Trung huyện Kinh Môn). Gia đình Tiến sĩ Đinh Tú đã định cư tại đây và một số con cháu trong họ ngoài làng cũng theo ra vùng này sinh sống (ngày nay vần còn nhiều gia đình gốc, họ hàng với Nam Trì ở đây). Do vậy, một nhánh họ Đinh của Nam Trì do Tiến sĩ Đinh Tú là thủy tổ đã khởi nguồn ở đây. Rồi con, cháuTiến sĩ Đinh Tú tiếp tục làm quan cho nhà Mạc.
Đến thời Lê Trung hưng (Lê Kính Tông, Lê Thần Tông), vua Lê - chúa Trịnh truy bức những người làm quan cho nhà Mạc, cháu chắt của Tiến sĩ Đinh Tú đã phải bỏ nơi định cư (huyện Kinh Môn) về lại quê hương Nam Trì hoặc vùng lân cận. Hai mẹ con Đinh Văn Tả đã về làng Hàn Giang (Hàm Giang) thuộc ngã ba sông Kẻ Sặt, sông Thái Bình - vùng TP Hải Dương ngày nay định cư sinh sống. Đây là vùng đất rộng lớn mà Quận công Đinh Văn Tả được triều đình nhà Lê ban cấp sau này. Nhân dân địa phương gọi vùng này là Đất của quan Hàn, Đất Hàn, tổng Hàn Giang (đầu thế kỷ XX, tổng Hàn Giang vẫn bao gồm các xã Dịch Hòa, Đồng Niên, Hàn Thượng, Kim Chi, Đàm Lộc, Bình Lâu, Phượng Cáo, Thanh Cương, Tân Kim, Kênh Tre và Hàn Giang).


Tương truyền tại Nam Trì, em gái Quận công Đinh Văn Tả là Đinh Thị Châu có nhan sắc, hát hay, múa giỏi nên được tuyển vào làm ca múa trong triều đình. Sử sách đều không nhắc đến Tổ tiên, cha ông, anh chị em Quận công Đinh Văn Tả. Kể cả gia phả, bài vị nhà thờ Quận công Đinh Văn Tả, 2 văn bia ở lăng mộ tại phường Quang Trung, TP Hải Dương (Lưu truyền phụng tự Trọng tướng bi minh - thờ phụng, ca ngợi công đức của Đinh Văn Tả cùng chính thất Nguyễn Thị Thân và thứ thất Nguyễn Thị Ngọc Huống, ghi ruộng… được chuyển về Bảo tàng Hải Dương năm 1990 và Công thần điền tư thổ bi minh lưu truyền) cũng không nhắc đến Tổ tiên, cha ông củaQuận công Đinh Văn Tả. Đây là điều không không giống với các vị tướng, quan thời phong kiến trong khi Quận công Đinh Văn Tả lại là vị tướng lừng danh, công đầu của triều đình, được sinh phong, đám tang được vua Lê - chúa Trịnh tổ chức quốc tang như bậc đế vương.


Sách Nam Hải dị nhân (Phan Kế Bính), sách Tang thương ngẫu lục (Lê như Hổ, Nguyễn Án) cũng như sử cũ đều chép: Quận công Đinh Văn Tả từ nhỏ đã cầm đầu đám bạn bè lêu lổng, bị quản thúc tại thành Thăng Long, có tài bắn súng, là tướng tài… được phong Hàn Lâm viện Đại học sĩ, làm Đề điệu khoa thi Hội mùa Đông năm Quý Hợi (1683)... Những vấn đề này chứng tỏ ông không thể là dân võ biền hay con dân thường được. Ông phải là con cháu nhà dòng dõi, được học hành sách vở, võ nghệ kiếm cung. Nếu gia thế như vậy, tại sao gia phả lại không ghi tiên tổ, ngay cả đời ông cha mình. Điều này, chỉ có thể lý giải là ông đã che dấu gốc tích của mình (như đã nêu ở trên).


Ở Nam trì đến ngày nay còn nhiều truyền thuyết về lịch sử họ Đinh, lịch sử họ Vũ, về mâu thuẫn giữa họ Đinh và họ Vũ; trong đó có câu ngạn ngữ: họ Vũ làm đình, họ Đinh làm đền nói về nguồn tích họ Vũ và họ Đinh tu tạo, lập dựng đền - đình Nam trì thờ 3 vị Thượng đẳng Phúc Thần: Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, Tướng quốc Cao Biền và Thánh Địa lý Tả Ao - Vũ Đức Huyền. Đồng thời, cũng nói về mối bất hòa truyền đời giữa họ Vũ và họ Đinh ở Nam Trì.


Sự việc được lý giải như sau: thời Thánh Địa lý Tả Ao cư ngụ ở làng Nam Trì - một làng rất giầu có, nhiều địa chủ và họ Vũ chiếm đa phần. 17 năm ở Nam Trì, ông đã chọn đất, cắm hướng cho các dòng họ chuyển nhà từ xứ Đa Quán (phía Tây Bắc) về phía Đông Nam - làng Nam Trì ngày nay. Làng Nam Trì vốn có thế đất rất quý mà trong phong thủy gọi là Phượng Hoàng Hàm thư, Vĩ Qui Long đỗ, là nơi hồ ao, gò đống, tam giang giao hội, thuỷ tụ khê lưu, chảy vòng cửu khúc. Làng mới được 3 con sông bao bọc, như 2 câu đối của Thánh địa lý Tả Ao treo tại đền cổ Nam Trì mô tả: Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền (phía tây của làng có đường đi và dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc có gò Kim tinh - phía đông làng có sông nước tụ, làng nhìn về hướng đông nam có gò Mộc tinh) và Thiên Nam Trì thuỷ sơn hà đới - Địa Bảo Tàng hương bích Ngọc Khê (Thiên nhiên Nam Trì, Bảo Tàng, Ngọc Khê sông núi bao quanh; Đất đai như ngọc quí từ cổ xưa, cây cối xanh biếc tốt tươi).


Ngụ tại Nam Trì, Thánh Địa lý Tả Ao được họ Đinh đã cung phụng và nhờ ông tầm long điểm mạch để đặt mộ cha ông. Thánh Địa lý Tả Ao đã tìm thấy gò đất quí ở cánh xứ Vườn Bông cuối làng, hình thế Tam Thai cho họ Đinh đặt mộ để cho con cháu phát danh khoa cử, khanh tướng. Để tăng thêm phúc phần cho con cháu, họ Đinh đã bỏ tiền, bỏ của ra làm công đức lập dựng đền Nam trì mới ở phía Nam làng, trước đền là một cái hồ hình bán nguyệt(nay còn Ao đình, do Thánh Địa lý Tả Ao chọn đất, cắm hướng). Khi ông mất, nhớ công ơn chuyển làng, cắm đất làm đền, chùa, mồ mả nên họ Đinh cùng các họ khác thờ Thánh Địa lý Tả Ao làm Thành Hoàng làng trong hậu cung đền thờ 3 vị Thượng đẳng Phúc Thần.

Họ Vũ ở Nam Trì là một họ lớn, lâu đời, giầu có, đồ Nho, chữ nghĩa, có thế lực, nhiều đời làm chức sắc trong làng, ngoài tổng. Đến cuối thể kỷ 19, 20 vẫn truyền đời dạy học, có người nổi tiếng cả trấn Sơn Nam, Thái Nguyên. Việc bất hòa, mâu thuẫn giữa họ Đinh và họ Vũ khởi nguồn từ khi Thánh Địa lý Tả Ao đã giúp họ Đinh tìm long mạch, đặt mộ phần giúp họ Đinh, lạp dựng đền Nam trì mới, dỡ bỏ đền cũ của do họ Vũ công đức tu tạo. Sau đó, họ Đinh nối đời phát công hầu, khanh tướng, ly hương làm quan thiên hạ; họ Vũ bất ly hương, nối đời làm đồ Nho, chức sắc trong làng, ngoài tổng.


Mối bất hòa đến đỉnh điểm khi họ Vũ triệt hạ long mạch ngôi mộ phần của họ Đinh (do Thánh Địa lý Tả Ao đã tìm đất, đặt mộ), không cho họ Đinh phát công hầu, khanh tướng nữa. Họ Vũ đã đã khơi cừ (mương nước) nhằm làm đứt long mạch mộ phần của họ Đinh. Nhưng họ Đinh vẫn không lụn bại nên họ Vũ phải đào hẳn cái ao rộng, quyết chí triệt long mạch mộ phần họ Đinh đến cùng. Khi đào cái ao này, long mạch bị đứt, máu rồng chảy ra nước váng đỏ quanh năm (gọi là ao Phe, bị lấp vào những năm đầu thế kỷ 21). Họ Vũ cho rằng đã triệt được long mạch, họ Đinh bắt đầu lụn bại (thực tế cho thấy Quận công Đinh Văn Tả được phong tước Quận công và cho truyền 18 đời nhưng được 6 đời đã hết, có thể liên quan chăng).


Con cháu họ Vũ sau này vẫn tiếp tục bất hòa, mâu thuẫn với họ Vũ. Khi Quận công Đinh Văn Tả về quê, họ Vũ đã không tổ chức đón rước long trọng. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc Quận công Đinh Văn Tả đóng đinh thuyền cột đền và thề nguyền đoạn tuyệt quê hương bản quán. Thông lệ, khi một người đỗ đạt về làng vinh qui bái tổ, hoặc làm quan từ xa về làng thì dân làng Nam Trì thường tổ chức đón rước từ cột Đá Mốc (ranh giới vớilàng Thổ trên quốc lộ 38 hiện nay) nhưng khi Quận công Đinh Văn Tả về làng, dân làng Nam Trì chỉ tổ chức đón rước ngay tại Chợ Đìa (đầu làng). Quận công Đinh Văn Tả cho rằng dân Nam Trì trọng văn, khinh võ nên ông đã đóng đinh thuyền giữa nền đình và có lời nguyền: đứa nào ở làng này làm quan sẽ phải chết. Lý do sâu xa của việc này là mối bất hòa, mâu thuẫn giữa họ Vũ và họ Đinh. Họ Vũ với chức sắc trong làng, ngoài tổng đã cố tình phá thông lệ này. Họ Vũ đỗ đạt làm quan văn, họ Đinh làm tướng (quan võ); đón quan văn (họ Vũ) tại cột Đá Mốc, đón quan võ (họ Đinh) chỉ tại đầu làng. Họ Vũ luôn coi mình là dòng họ Nho gia, họ Đinh chỉ là võ biền, ít chữ.


Mối bất hòa, mâu thuẫn này kéo dài đến khi 2 họ không còn phát đạt như Tổ tiên nữa (giữa thế kỷ 20) mới kết thúc. Điều này lý giải việc cha ông của Quận công Đinh Văn Tả trở lại Nam Trì sinh sống và ông cũng có thể đã sinh ra và từng sống tại Nam Trì. Đây là những nguyên nhân dẫn đến mối bất hòa truyền đời giữa 2 họ Vũ, Đinh và cũng là nguyên nhân đoạn tuyệt quê hương bản quán của Quận công Đinh Văn Tả.


Việc họ Đinh lập dựng đền mới do Thánh Địa lý Tả Ao chọn đất, cắm hướng mà trước đền có cái ao lớn hình cái dậm(hồ hình bán nguyệt) nên cả làng Nam Trì phải quanh năm dầm mình đánh dậm để kiếm sống, toét mắt truyền đời mà họ Vũ cho là tội của Thánh Địa lý Tả Ao và họ Đinh.


Do mối bất hòa, mâu thuẫn giữa họ Đinh, họ Vũ nên khi họ Vũ nắm giữ chức sắc trong làng, ngoài tổng đã không cho Thánh Địa lý Tả Ao cư ngụ tại Nam Trì nữa. Con cháu họ Vũ sau này vẫn lờ đi, không đứng đơn xin Triều đình sắc phong cho Thánh Địa lý Tả Ao, không coi Thánh Địa lý Tả Ao là Thành Hoàng làng (hoặc có thể sắc phong bị hủy hoại hoặc thất lạc).


Có một truyền thuyết nữa liên quan đến họ Đinh với nguồn gốc địa danh cánh xứ Voi Phục tại Nam Trì. Con cháu họ Đinh tại Nam Trì vẫn cho rằng sở dĩ có cái địa danh Voi Phục là vì xưa kia đây là bãi giữ voi của triều đình khi tổ chức tang lễ cho Tiến sĩ Đinh Tú hoặc Quận công Đinh Văn Tả tại Nam Trì (nơi an táng hoặc nơi tế lễ). Xét về quyền lực thì Tiến sĩ Đinh Tú chỉ giữ chức Hiến sát xứ Hải Dương triều Mạc nên không thể có một đám tang do Vua chúa trực tiếp tổ chức hay một buổi tế lễ với nghi thức đế vương như vậy (có voi). Chỉ có thể là đám tang, lễ tế củaQuận công Đinh Văn Tả, một người có công rất lớn với vua Lê, chúa Trịnh, được phong Thần từ lúc sống (sinh phong), được vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn tới viếng, ban thụy hiệu là Vũ Dũng và sai Bộ Lễ về quê quán (!) hộ tang (nguyên quán là Nam Trì, quê quán là Hàm Giang!), tổ chức lễ tang với nghi thức đế vương.
Thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức phong 3 vị Thượng đẳng Phúc Thần Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, Tướng quốc Cao Biền và Thánh Địa lý Tả Ao làm Thành Hoàng làng thì đền Nam Trì gọi là đình và được làm lại to nhất vùng. Năm 1953 đình - đền Nam Trì bị bom Pháp làm hỏng, rồi bị phá bỏ nên con cháu cả 2 họ Đinh, Vũ không còn phát như ngày xưa nữa.
Lăng mộ, Từ đường họ Đinh tại Nam Trì

- Trước kia, Từ đường họ Đinh ở Nam Trì là ngôi nhà cổ 5 gian to rộng, đầy đủ hoành phi, câu đối sơn son, thết vàng to nhất khu vực thờ 2 sắc phong, 2 bài vị, 2 thanh kiếm, 2 thanh đao, 2 đôi hia và gia phả dòng họ Đinh nhiều đời. Trước nhà thờ còn xây cả miếu thờ. Những năm giảm tô - cải cách giữa thế kỷ 20, phòng Văn hóa huyện Ân Thi kiểm tra nhà thờ họ, miếu thờ họ Đinh đã thu giữ những đồ thờ tự này, sau nộp cho bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Khi sát nhập 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng thì những đồ vật trên được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Hưng và nay là Bảo tàng Hải Dương..
- Trước kia, cánh xứ Mã Phát (nơi phát tích) nay gọi là Mả Phát ở cửa chùa, phía Nam làng Nam Trì là nơi Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia kết nghĩa anh em, lập nhà Hội đồng, doanh trại sau là đền thờ ThầnLang Công, Bảo Công. Thế kỷ thứ 9, Thánh địa lý Tướng quốc Cao Biền sang Giao Châu tiễu trừ giặc Nam Chiếu cứu nhân dân Giao Châu dưới ách thống trị của nước Nam Chiếu, qua Nam Trì đóng đồn tại đền Nam Trì, cầu nguyện 2 vị Thần Lang Công, Bảo Công âm phù thắng giặc. Sau đó dựng hành cung Ngọc Khê nơi đất quý để nghỉ ngơi. Sau lại cưới hai phu nhân Lữ Lương, Lự Lương ở Ngọc Khê (Nam Trì cũ) cho ngự tại Hành cung. Giặc tan, ônglàm lễ kết nghĩa đào nguyên với 2 vị Thần Lang Công, Bảo Công, ban cho dân làng ngân quỹ thờ phụng, lập đền, chùa mới ở khu Vườn Soi, cánh Bến và đền cũ thành Vọng cung để tế Thần. Vọng cung, lúc đầu để tế 3 vị Thượng đẳng Phúc Thần anh em Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia; sau tế cả Thánh địa lý Tướng quốcCao Biền (Cao Vương).
Sau này (1853), vua Tự Đức triều Nguyễn phong Lang Công, Bảo Công, Cao Vương và Thánh Địa lý Tả Ao làm Thành Hoàng 3 làng Nam Trì, Đới Khê, Bảo Tàng thì đây là nơi tế Thành Hoàng của 3 làng nên gọi là đình Ba xã. Cạnh đình Ba xã là lăng mộ Phù Nham bá - Tiến sĩ Đinh Tú. Sau này, con cháu họ Đinh tại Nam Trì gắn thêm biaThượng đẳng Đại vương - Quận công Đinh Văn Tả hậu duệ.
Người phát đạt, giàu có nhất cuối cùng của họ Đinh tại Nam Trì là anh em ông Chánh Cổn, ông Cửu Trị, sống vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông Chánh Cổn, tên húy Cổn làm Chánh tổng tổng Thổ Hoàng. Ông Cửu Trị, tênhúy là Trị - một nhà thầu giầu có, được ban chức quan Cửu phẩm. Mặc dù, ông Cửu Trị có chức quan Cửu phẩmnhưng ông không được vào ban tế Thần của làng mỗi khi cúng tế, lễ hội nên mối bất hòa, mâu thuẫn giữa họ Đinh, họ Vũ vẫn không thay đổi. Nguyên nhân ông Cửu Trị không được tham gia ban Tế thần của làng có thể vẫn từ họ Vũ, dòng họ có thế lực, chức sắc trong làng, ngoài tổng kiên quyết không cho ông tham gia với lý do nhiều tiền, ít chữ, phẩm mua, không có con trai. Ông Cửu Trị bực mình bỏ tiền xây lăng mộ lớn nhất vùng ở xứ Mả Đìa (phía Bắc làng) mà dân vẫn gọi là lăng Cửu Trị.
- Về lăng mộ Quận công Đinh Văn Tả:năm 1942, người Pháp làm đường nối quảng trường Trung tâm thành phố - Vườn hoa Bảo Đại (Tổng hợp ngày nay) với ga Hải Dương đã phát hiện khu lăng mộ gia đình Quận công Đinh Văn Tả. Kết quả khai quật cho thấy đây là khu lăng mộ hợp táng (7 ngôi mộ), gồm mộ Quận công Đinh Văn Tả,mộ 2 phu nhân Phạm Thị Ngọc Điền và Phạm Thị Ngọc Huống và mộ 4 người con trai. Các hiện vật được mang về Viện Viễn đông Bát cổ (Bảo tàng Lịch sử ngày nay). 7 di hài đã mang đi táng ở một nơi khác.
Do một sự tình cờ một số người trong đó có con cháu họ Đinh ở Nam Trì đã phát hiện ra tại đèo Mông xã Lê Ninh, huyệnKinh Môn, tỉnh Hải Dương (cổng đơn vị Quân đội) có 7 ngôi mộ và tấm một bia đá ghi bằng chữ Hán và chữ Việt nội dung: Đinh Quý công húy Văn Tả quê quán xã Nam Trì, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu. Nhiều người tại địa phương đã biết bia mộ này và có người còn nhắn với người Nam Trì về bia mộ này. Con cháu họ Đinh tại Nam Trì, người làng Nam Trì đã nhiều lần tìm đến thắp hương và tìm cách xác định tông tích của 7 ngôi mộ. Đồng thời, cũng dùng nhiều biện pháp để xác định xem đây có phải là mộ thật của Quận công Đinh Văn Tả và gia đình không.


Tháng 5/2009, con cháu họ Đinh tại Nam Trì lại đến đèo Mông để thắp hương nhưng đáng tiếc là tháng 4/2009,Công ty Xăng dầu Quân đội xây dựng Cửa hàng Xăng dầu (cây xăng) trước cổng doanh trại Quân đội và đã chuyển 7 ngôi mộ lên trên núi cạnh cửa hàng. Nhân dân khu vực này và ông Cửa hàng trưởng cho biết đơn vị bộ đội đãchuyển 7 ngôi mộ lên trên núi và cho biết, đêm trước khi đoàn con cháu họ Đinh đến đèo Mông, ông ta nằm mơ thấy có ông già tướng mạo, râu tóc bạc phơ dựng giường đậy và nói: ngày mai ta có đoàn con cháu ở quê đến tìm mộ ta. Ông già tướng mạo, râu tóc bạc phơ chắc là Quận công Đinh Văn Tả (vì ông mất lúc đã hơn 80 tuổi).
Qua tâm linh, qua các nhà Ngoại cảm,qua việc thỉnh giáo Thánh Địa lý Tả Ao, ông cho biết việc ông tìm đất đặt mộ phần cho họ Đinh, con cháu phát danh khoa bảng, tướng tài; ân huệ đối của họ Đinh với ông đúng như truyền thuyết nêu trên. Quận công Đinh Văn Tả có gốc tích ở Nam Trì và là cháu gọi Tiến sĩ Đinh Tú là cụ. Hiện, Quận công Đinh Văn Tả vẫn ân huệ và thân thiết với ông... Thánh Địa lý Tả Ao chỉ rằng Quận công phải dấu gốc tích với nhà Lê (cha ông làm quan cho nhà Mạc), lăng mộ tại phường Quang Trung, TP Hải Dương, cạnh nhà thờ Quận công Đinh Văn Tả chỉ là lăng mộ tưởng niệm, 7 ngôi mộ thật do đơn vịbộ đội chuyển lên trên núi mới là mộ thật (nhưng không chuyển bia đá, hiện bia đá còn nằm dưới sân bê tông của Cửa hàng Xăng dầu); tuy nhiên sắp xếp sai, mộ 3 ông bà thì ở bên dưới, mộ 4 con trai lại ở trên.


Qua tìm hiểu một số dân đối diện 7 ngôi mộ cũ, cổng doanh trại Quân đội được biết đơn vị bộ đội đã chuyển mộ lên trên núi để xây dựng Cửa hàng Xăng dầu. Con cháu họ Đinh Nam Trì đã lên núi tìm. 7 ngôi mộ trên được đưa lên gần đỉnh núi, phía ngoài hàng rào doanh trại Quân đội. 7 ngôi mộ trên được đặt 2 khu cách nhau khoảng gần 10m theo hướng dốc của núi. Khu bên dưới có 3 ngôi đặt thành hình tam giác có đỉnh hưởng lên đỉnh núi. Khu trên cao có 4 ngôi mộ đặt so le 2 hàng.
Lý giải về 7 ngôi mộ này như sau: Năm 1942 người Pháp làm đường, do các mộ này nằm dưới nền đường nên họ phải khai quật để di chuyển. Con cháu họ Đinh ở Hàm Giang đã nhờ thày địa lý đã tìm đất để đặt mộ và 7 ngôi mộ được chuyển về đèo Mông. Để tưởng nhớ Tổ tiên, con cháu họ Đinh ở Hàm Giang xây một ngôi mộ giả cạnh nhà thờ để tưởng niệm (thực tế ở đây chỉ có một ngôi mộ. Tại đèo Mông, 7 ngôi mộ được chia làm 2 khu trước sau (1 khu 3 mộ, 1 khu 4 mộ). Khi đơn vị bộ đội chuyển nguyên trạng lên trên núi. Tuy nhiên theo nguyên tắc 4 ngôi mộ của con sẽ ở đằng trước phải chuyển trước nên khi lên trên núi lại ở phía đằng sau 3 ngôi cha mẹ (phía trên đỉnh). Chính sự sai xót nhầm lẫn này mà Thánh Địa lý Tả ao phán là sắp xếp sai. Về tấm bia đá có nội dung Đinh Quý công húy Văn Tả quê quán xã Nam Trì, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu lại có chữ Việt nhỏ hơn, cùng nội dung ở bên cạnh chứng tỏ đây là tấm bia được khắc mới, khi chuyển mộ (năm 1942).


Hy vọng một ngày nào đó lịch sử sẽ khẳng định chắc chắn lai lịch một vị tướng tài ba, con cháu họ Đinh tại Hàm Giang tìm được nguồn gốc của Tổ tiên mình; họ Đinh tại Nam Trì tìm lại được một chi họ của mình.

Về các bà phu nhân của Quận công Đinh Văn Tả (Đinh Văn Bình - Hậu duệ thứ 18 Đại vương Đinh Văn Tả.)


Theo tài liệu của vi.wikipedia.org: "Đinh Văn Tả có hai bà vợ, là hai cô cháu trong một nhà họ Phạm. Bà vợ cả là con gái nhỏ của vị quan họ Phạm, bà vợ thứ là cháu gái vị đó, cả hai cô cháu cùng cưới một ngày. Bà vợ cả sinh được 3 trai 1 gái; bà vợ thứ sinh được 1 trai 1 gái. Hai người con rể ông đều làm quận công".

Theo cuốn "Sử ký thân thế và sự nghiệp Đại vương Đinh Văn Tả" của tác giả Đoàn Triển với sự cộng tác của ông Đinh Văn Lạng và ông Đinh Sỹ Hịch (Hậu duệ thứ 17 của Đại vương Đinh Văn Tả) thì: 
"Năm Mậu Thìn (1628) cụ Tả 30 tuổi, lấy vợ chính thất họ Phạm quý Thị húy Điều (Phạm Thị Điều) 19 tuổi, người thôn Đông Cục, xã An Lạc, huyện Thanh Lâm (phủ Nam Sách cũ) nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái quan lỵ Hiến họ Phạm.
Bà chính thất Phạm quý Thị húy Điều, Tứ thụy Từ Dung Đoan nhân, Quận phụ nhân, Thái phụ nhân, sinh phong công chúa, sinh hạ được 3 con trai, 1 gái: Con trưởng: Mỹ Thái Hầu húy ĐInh công Văn Mỹ (Đinh Văn Mỹ).

Con thứ hai: Phượng Tường hậu húy Đinh công Văn Thọ (Đinh Văn Thọ).
Con thứ ba: Hậu Đức hầu Đinh công Văn Hiền (Đinh Văn Hiền).
Song 3 vị nam tử này khi lớn lên theo cha đi đánh giặc đều hy sinh. 

Năm Mậu Tý (1648) cụ Văn tả 50 tuổi, vì 3 con trai đều chết trận nên cụ lấy bà Á thất Nguyễn quý Thị húy Huống (Nguyễn Thị Huống) 21 tuổi, cũng là người thôn An Cục, xã An Lạc, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái quan Thái Bảo văn Trung Hầu họ Nguyễn. 

Bà Á thất Nguyễn quý Thị húy Huống, tự Phu nhân, Tứ Thụy Từ Khoan đoan nhân, Quận phu nhân, Thái phu nhân, sinh phong công chúa, sinh hạ được 2 con:
Con trai: Hiền Quận công húy Đinh công Văn Vỹ (Đinh Văn Vỹ), Tứ Thụy Minh Nhã, Tả đô đốc Thái Bảo Thượng trụ Quốc Trật tặng Thái phó Trung Đẳng Đại vương.
Con gái: Đinh Thị Ngọc Phương, lấy chồng là Đô tướng người họ Trịnh."

Nhận xét: Như vậy, theo cuốn Sử ký Thân thế và sự nghiệp của Đại vương Đinh Văn Tả được lưu truyền trong dòng họ Đinh Văn Hàn Giang, Hải Dương (cuốn sách này được tổng hợp trên cơ sở các tài liệu đã được bàn luận tại cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Đại vương Đinh Văn Tả tại Hà Nội) và cuốn "Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội thì chỉ thấy nói đến hai cụ bà chính thất và á thất của Đại vương là hai cô cháu của quan Trạng họ Phạm người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm chứ không thấy nói đến cưới cùng một ngày như tài liệu đã đăng của vi.wikipedia.org. Vì "Nhà vua đặc biệt sủng ái đối với cụ [Đinh Văn Tả] nên đã đích thân đứng ra làm chủ hôn, lấy vợ cho cụ ở nhà quan Bình chương Trạng nguyên họ Phạm người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm" (Sách Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương, trang 22). Thực tế thì chưa thấy có trường hợp nào cưới 2 vợ lại cưới cùng một ngày nhất là trong thời kỳ phong kiến, lại được vua đứng ra làm chủ hôn. Theo tôi được biết thì Đại vương Đinh Văn tả vì cả 3 con trai cụ bị chết trận nên nhà vua cho phép cụ được lấy vợ hai khi cụ đã 50 tuổi. Như thế hợp lý hơn vì Đại vương Đinh Văn Tả là danh tướng triều Lê, có tài quân sự kiệt xuất, lập nhiều chiến công lừng lẫy, được vua Lê Hy Tông sắc phong 'SINH PHONG THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI VƯƠNG".
Nguồn tin: Hoàng Bồ
Theo blog yahoo 360 Nam Trì

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ