- Một quần thể tượng voi đá, ngựa đá, tượng những người lính bằng đá xếp thành hai hàng dọc trong ngôi đền thờ ở giữa tỉnh lúa Thái Bình là một điều kỳ lạ ít người biết đến.
Bởi lẽ, Thái Bình là tỉnh duy nhất không có núi đá nên sự có mặt của những pho tượng đá khổng lồ nặng hàng tấn đã tồn tại tại đây hàng trăm năm; cách thức đục đẽo, lối chạm khắc khéo léo, tinh vi… của những pho tượng này có thể so sánh với hàng tượng đá tại lăng vua Minh Mạng trong Đại nội Huế…
Hơn cả, xung quanh quần thể tượng voi đá, ngựa đá này là những huyền thoại đầy bí ẩn!
Quần thể tượng voi đá, ngựa đá bí ẩn
Quần thể tượng voi đá, ngựa đá, lính hầu bằng đá khổng lồ tồn tại duy nhất tại xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hàng trăm năm nay tọa lạc trong sân thờ của ngôi đền thờ và lăng mộ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh.
Ông là một vị quan có công lớn dưới thời vua Lê – chúa Trịnh khoảng thế kỷ 18, cuối đời, khi ông mất đã được vua Lê – chúa Trịnh gia ân về quê xây phần lặng mộ và khu thờ.
Hàng trăm năm qua, dòng họ Phạm Huy của xã Chương Dương, hậu duệ của ông sau bao đời đã truyền nhau thờ tự.
Quần thế tượng đá này bao gồm một đôi voi đá, một đôi ngựa đá nằm phủ phục, xen kẽ là ba cặp tượng quân hầu bằng đá mang theo gươm, đao… đứng hầu. Ngay phía ngoài cổng của ngôi đền là một cặp tượng đá sắp hai bên; phía ngay ngoài đường bên kia chiếc hồ hình chữ nhật là một cặp tượng quân hầu bằng đá khác gác cổng. Lối bài trí, sắp đặt hệt như quần thể tượng đá tại lăng vua Minh Mạng trong Đại nội Huế.
Quần thể tượng voi, ngựa, người đá xếp thành hai hàng trong sân đền Từ Vũ tại xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung |
Tổng số tượng đá cả người, cả ngựa, voi đá… là 14 pho tượng khổng lồ, có kích cỡ to hơn người thường. Mỗi pho tượng là một khối đá liền khối, loại đá xanh chỉ có ở vùng núi đá Thanh Hóa – nơi nhà Hồ đã lấy để xây thành.
Ngoài ra, hai khối bia hình trụ có chân kê, có nắp đậy cũng bằng đá… là hai tấm bia hình trụ duy nhất Việt Nam: một tấm bia khắc bản tự do nhà bác học Lê Quý Đôn viết; một tấm bia khắc bản tự do cụ Nguyễn Nghiễm – thân sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du viết.
Tượng hai người lính bằng đá chầu ngoài cổng đền. Ảnh: Kiên Trung |
Tất cả đều có nội dung ghi lại lịch sử, xuất thân, cuộc đời nhiều công đức của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh cùng những thông tin về việc vua Lê – chúa Trịnh vinh hiển cho dòng họ Phạm Huy điền thổ, ngân khố… xây dựng đền thờ Thiều quận công.
Từ Vũ gần 3 thế kỷ tồn tại!
Trong dự thảo “Phục hưng phường Báo ân sinh từ Thiều quận công” của dòng họ Phạm Huy có viết: Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh quê xã Cao Mỗ, tổng Cao Mỗ, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, nay là làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Ông sinh giờ Tuất ngày 12/5 năm Bính Ngọ (năm 1726) mất giờ Thìn ngày 18/11 năm Ất Mùi (1775). Thời gian sống và công hiến của ông khoảng giữa thế kỷ 18, đó là thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam duy trì thể chế vua Lê – chúa Trịnh.
Đây là quần thể tượng đá duy nhất ỏ miền Bắc có niên đại hàng trăm năm... |
Từ nhỏ, Phạm Huy Đĩnh là người hiếu động, tính khí khác người. Ông là người quý tướng, sớm rèn luyện văn chương, võ nghệ theo nếp người xưa. Ông đỗ cử nhân rồi xuất thân, ban đầu là Thị nội ở phủ Tĩnh Vương, mọi việc đều đúng theo ý Chúa.
Phàm việc nghị án, tuần sát… đều rất mực trung thành với phủ liêu, sau được bổ nhiệm làm Tể tướng. Khi mất , ông được phong chính trực huân du Đại vương.
Tại sinh từ hiện nay còn hai tấm bia do Tiến sỹ Thượng thư Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du – tác giả cua Truyện Kiều bất hủ) và Bảng nhãn Thượng thư Lê Quý Đôn viết, đều ca ngợi ông, coi ông là bậc đại trí, đại cường, là cây đại thụ ở đời (theo Đất và người Thái Bình, Trung tâm Unesco – Thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, xuất bản năm 2003).
Sân nhà thờ phủ rêu xanh cổ kính. |
Sinh từ được nhân dân địa phương tân tạo vào năm Cảnh Hưng 33 (1772) và là Từ Vũ của huyện Thần Khê, đến nay đã gần 240 năm.
Bút lục trên hai tấm bia có ghi: “Ngài tiếp nối chí hướng của vị Tiên công, luôn nghĩ đến việc an dân, bảo vệ dân, hưng điều lợi, trừ điều hại, giúp đỡ khẩn cấp, gỡ bao mối rối trong triều ngoài quận. Cả nước đều chịu ơn ban tứ của ngài, kiêm cái uy vọng ngài vốn là bậc tài giỏi, nhanh nhẹn, nơi nơi vui mừng như đền đài xuân.
Dân yêu kính ngài như cha mẹ, coi ngài như ngôi tuế tinh, nhờ vào bóng mát của cay cao bóng cả ai nấy ôm ấp trong lòng sự báo đền có rác với ngài mà chưa thực hiện được”.
Bởi vậy, nhân dân địa phương hiệp lực lo toan xây dựng sinh từ. “Đây là mảnh đất yên ổn, hàm chứa từ lâu ánh sáng linh thiêng lại kiêm sự vừa vặn của quy mô đất đai mà làm đền ba gian, bái đường 5 gian, phía ngoài làm nghi môn, chung quanh là tường bao. Tổng diện tích của khu thờ tự là một mẫu tám sào sáu thước, một ao bán nguyệt ba sào một thước hai tấc theo đúng nghi lễ thờ phụng muôn đời”.
Được tin này ông cũng không muốn như thế. Để thuận lòng dân, ông đã bỏ 2.000 quan tiền chi phí việc điêu khắc trang trí, hơn 20 mẫu ruộng tốt làm nhu phí cho việc tần tảo nguyên vật liệu.
Từ Vũ được xây dựng xong, định ra điều ước hàng năm để làm thọ. Đây là nơi hành lễ cầu chúc trăm tuổi, nơi ngưng đọng tình thần của một đời người.
Ông Phạm Huy Bộc – cán bộ văn hoá xã, hậu duệ của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh của dọng họ Phạm 7 phái bên cạnh một pho tượng đá có chiều cao hơn 2 mét. |
Ông lại cho phường Báo ân tiền cổ 500 quan và 17 mẫu ruộng để lấy tiền thuế chi phí vào việc hành lễ hàng năm; bổ cho tám thôn trong tổng mỗi thôn 300 quan tiền cổ, ruông từ 3 đến 5 mẫu; lượng thuế đồng niên mỗi mẫu là 03 quan tiền cổ, cộng với tiền lãi để lo làm lễ.
Có hai lễ được tổ chức trong một năm: ngày 12/5 (ngày sinh) và ngày 18/11 (ngày kỵ). Mỗi lễ một con lợn, một mâm xôi, một vò rượu, cùng trầu cau, vàng mã.
Đúng ngày dân lễ lên đền Từ Vũ, tế xong, sản vật được đem ra chia đều cho dân thường trong thôn cùng ăn uống. Các xã, các thôn có lễ vật kính tế, người nội tộc Phạm Huy không được yêu sách kính biếu.
Riêng thôn Cao Mỗ, hàng năm phải làm thêm hai giỗ bậc thân sinh ra Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh.
Tại sinh từ, một hệ thống tượng (người, voi, ngựa) và bia đá bài trí ở sân chính đường, theo hình đồ vuông, đối xứng từng cặp, tổng số có 16 tiêu bản.
Trong đó gồm có 10 tượng người tả thực, mỗi người một vẻ sinh động; hai tượng voi, hai tượng ngựa đá.
Đặc biệt nhất là hai bia hình trụ tròn, có đỉnh và đế cao 2,05 mét; đỉnh bia là khối đá dật ba cấp hình vành khăn, theo hình tháp. Thân bia cao 1,1m; chu vi 2,2 mét. Mặt bia chạm văn tự chữ Hán cổ gần như phủ kín.
Theo nghiên cứu của các nhà sử học và mỹ thuật, đây là hai tấm bia cổ điêu khắc đá quý hiếm duy nhất từ trước đến nay.
Toàn bộ đền thờ Từ Vũ nhìn từ phía bên ngoài chiếc hồ bán nguyệt. |
Phía sau sinh từ là một lăng mộ thời hậu Lê, quách mộ bằng đá ong hình hộp có diện tích 4,0m x 1,7m x 1,5m. Nguyên liệu gắn kết các viên đá ong đến nay vẫn chưa biết rõ, nhưng các mạch đá khít nhau và thẳng như sợi chỉ đặt.
Tương truyền, những viên đá ong có thể chuyển từ vùng Bất Bạt, Sơn Tây về - quê hương của cụ Tổ họ Phạm 7 phái.
Vì sao và cách nào có thể vận chuyển được những pho tượng khổng lồ nặng hàng tấn từ vùng đồng rừng xa xôi hiểm trở về đất Thái Bình? Những bí ẩn của những pho tượng này cũng trở thành điểm ngắm của những kẻ đào trộm trộm, săn cổ vật… “viếng thăm”…
- Vì sao và cách nào có thể vận chuyển được những pho tượng khổng lồ nặng hàng tấn từ vùng đồng rừng xa xôi hiểm trở về đất Thái Bình? Những bí ẩn của những pho tượng này cũng trở thành điểm ngắm của những kẻ đào trộm trộm, săn cổ vật… “viếng thăm”…
Cuộc vận chuyển kỳ lạ quần thể tượng đá khổng lồ về đất lúa
Điều kỳ lạ và là ẩn số khó lý giải đối với chính những người trong dòng họ Phạm Huy – hậu duệ của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh là cách thức vận chuyển số tượng đá khổng lồ từ một vùng miền xa xôi về mãi đất lúa Thái Bình, trong khi đó, thời điểm cách đây hơn 200 năm có lẽ, phương tiện vận chuyển thô sơ và chủ yếu dựa vào sức người.
Ngai thờ bằng đá và cửa thông với khu lăng được xây dựng bằng đá ong gần 3 thế kỷ. |
Ông Phạm Huy Bộc, cán bộ văn hóa xã Chương Dương, hậu duệ của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh trầm ngâm bên dãy tượng người, voi, ngựa đá trong khoảng sân trước đền thờ cụ tổ của dòng họ nhà mình.
Những câu chuyện gắn với quần thể tượng đặc biệt này, đối với ông Bộc là những chuyện ly kỳ.
Ông Bộc cho biết: theo các cụ kể lại, theo gia phả của dòng họ Phạm Huy tại xã Chương Dương, Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh nguyên là quan văn, sau đó, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, ông được vua Lê, chúa Trịnh cắt cử đi dẹp loạn ở đất Đồng Mỏ, Lạng Sơn.
Địa danh Đồng Mỏ, Lạng Sơn cũng chính là do Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh đặt ra, vì nó liên quan với địa danh Cao Mỗ nơi thân sinh ra cụ Phạm Huy Đĩnh.
Thời điểm hòa bình lập lại những năm 1980, ông Bộc đi bộ đội về làng, được các cụ trong dòng họ kể lại có thông tin nói rằng trên đất Đồng Mỏ, Lạng Sơn cũng có một khu đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh, cũng có một quần thể người, voi, ngựa bằng đá như thế.
Nhiều em học sinh tìm đến địa danh “voi đá ngựa đá” để tham quan. |
Cả dòng họ góp tiền lên tận nơi tìm kiếm, nhưng trải hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và chống Mỹ, khu đền thờ đó không còn, cũng như dấu tích của quần thể tượng đá cũng mất dấu như bóng chim tăm cá.
Ông Bộc kể lại: thuở ấy, Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh lập công lớn, được vua Lê – chúa Trịnh rất trọng vọng. Khi đó, vua Lê – chúa Trịnh sai thợ đá Thanh Hóa tạc đẽo quần thể người, ngựa, voi đá… này để dựng trong sân nội điện, nhưng nhiều người trong triều dèm pha chưa đạt đến mức độ thẩm mĩ, Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh mới xin Chúa được xin lại đám tượng đá này mang về quê bày trong khu thờ tự. Được phê chuẩn, Thiều quận công cho người vận chuyển những khối đá khổng lồ trải qua ngàn dặm về quê lúa – nơi mình sinh ra và lớn lên.
Vẫn lời ông Phạm Huy Bộc: “Phương tiện vận chuyển chính thuở ấy là vận chuyển bằng thuyền. Qua hệ thống sông ngòi cổ xưa, các cụ đã kết bè đặt tượng đá lên, xuôi theo đường thủy đưa về quê trải ròng rã nhiều tháng trời. Về gần tới tổng Cao Mỗ (nơi dựng đền bây giờ tại xã Chương Dương), một chiếc bè chở đôi hổ đá bị đắm, không cách nào vớt lên được. Thiều quận công cho người đắp một đôi hổ đá khác bằng gạch, hình dáng bệ vệ y như thế, đặt ở ngay trước chiếc ao bán nguyệt đằng trước đền thờ. Sau này, bờ ao bị lở, đôi hổ đắp bị rơi xuống ao, và không ai vớt lên được”.
Tượng người đá, voi đá và tấm bia hình trụ duy nhất Việt Nam. |
Từ chỗ bến sông mà đám bè chở tượng voi đá, ngựa đá cập tại xã Chương Dương, hàng ngàn trai đinh, phu phen trong tổng được huy động.
Người ta dùng con lăn để di chuyển những khối đá nặng hàng chục tấn này lên bờ. Độ ấy đang vào vụ đông, dân địa phương trồng ngô, trồng đỗ đang kỳ kết hoa. Dọc đường con lăn vận chuyển những khối tượng này đi qua, hoa màu bị dập nát, dân tình có ý kiến, Thiều quận công xuất tiền bạc ra bồi thường cho người dân.
Kể từ đó đến nay, hơn 200 năm đã trôi qua, con cháu dòng họ Phạm Huy của xã Chương Dương không mảy may dám động đến khu tượng đá, các cụ xếp đặt như thế nào vẫn giữ nguyên như thế, dù nhiều pho tượng bệ kê bằng đá đã bị chìm xuống nền đất, hay bị mưa nắng làm cho nghiêng ngả.
Cũng có tin đồn, khu lăng mộ xây đá ong hình hộp có quàn một thi hài kèm theo nhiều của cải tống táng. Thiều quận công tính lo xa cũng cho chôn giấu một số tài sản cách khu đền thờ chừng 2km, nay là địa điểm đặt bệnh xá 207 (tỉnh đội Thái Bình quản lý bây giờ).
Quãng những năm 1980, người ta tiến hành khai quật tại bệnh xá 207 thấy thi hài một người con gái được tẩm ướp, vẫn còn nguyên mái tóc dài. Thi hài đó sau đấy được mang đi đâu, chính ông Bộc cũng không hay biết.
Về hai tấm bia ghi khắc công trạng của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh do chính bác học Lê Quý Đôn (cũng người Thái Bình) và cụ Nguyễn Nghiêm (thân sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du) đề bút, ông Bộc tự hào: “Nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Hán Nôm dã về đây nghiên cứu".
Cuộc viếng thăm kỳ lạ của tên trộm cổ vật đất Cảng
Ông Bộc cho biết: quần thể voi đá, ngựa đá, tượng đá… kỳ lạ giữa đất lúa đã trở thành điểm ngắm của nhiều kẻ đào trộm vàng. Chúng cho rằng trong đó có chứa kho báu hay chí ít là cũng có nhiều cổ vật quý hiếm… Thế nên, những vị “khách không mời” này đã nhiều lần tìm về…
Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một nhóm gồm 4 người lạ mặt từ Hải Phòng tìm đến khu voi đá ngựa đá của đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh. Một đêm mưa gió, chúng dùng xà beng nạy tấm bia hình trụ có bút tích do cụ Lê Quý Đôn viết vì cho rằng trong đó có vàng.
Sáng hôm sau, khi người dân phát hiện, dòng họ Phạm Huy đã huy động mấy chục trai tráng dựng lại như cũ.
“Đến khi ấy, chúng tôi mới ngã ngửa, hóa ra tấm bia hình trụ là rỗng ruột. Quả là kỳ tài, vì thời ấy, một khối đá liền khối như thế, các cụ dùng cách nào mà làm rỗng ruột được, không để lại bất cứ một vết nứt hay dấu vết nào xung quanh tấm bia…”.
Quần thể tượng đá được xếp dưới gốc cây duối khổng lồ gần 300 tuổi. |
Năm 1996, khi đó ông Bộc đã tham gia công tác ở xã, cùng dòng họ Phạm Huy tập hợp tài liệu, xây dựng hồ sơ kiến nghị lên UBND tỉnh Thái Bình để Sở VHTT Thái Bình cấp giấy chứng nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cho khu đền Thiều quốc công Phạm Huy Đĩnh.
Năm 2002, UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cho đền Từ Vũ, công nhận quần thể voi đá, ngựa đá độc nhất vô nhị này.
Tọa lạc trong sân đền, ngay cạnh khu vực đặt tượng người, voi, ngựa đá… của đền thờ Từ Vũ là cây duối khổng lồ hai người ôm không xuể.
Ông Bộc tự hào: “Cây duối này có tuổi đời trên dưới 200 năm. Ngay từ khi dựng đền thờ các cụ đã trồng hai cây duối. Còn một cây duối cổ thụ khác ở phía bên kia hồ bán nguyệt bị chết gần chục năm trước vì người ta dựng một cái lò rèn ở dưới gốc. Chắc vì lửa lò nóng quá nên cây chết mất. Tiếc lắm!”.
Trải bao năm tháng dâu bể, quần thể voi đá, ngựa đá đã cũ kỹ theo thời gian. Hầu hết các pho tượng ngựa đá, người đá gần như còn lành lặn. Duy nhất, đôi voi đá bày hàng đầu tiên trong sân đền thờ đã bị sứt mẻ.
Một “ông voi” bên phải bị cụt mất vòi và gãy mất ngà, một bên thân voi xuất hiện vết nứt khá rộng. “Ông” voi bên trái còn nguyên vòi, ngà, đầu nhưng một bên mình voi bị bong mất một lớp đá khá dày.
“Khi tôi đi bộ đội về, các cụ kể chuyện, thời kỳ kháng Pháp, quân Pháp cho rằng trong đó có vàng nên đã dùng bộc phá ốp vỡ một bên. Họ không biết đấy là khối đá liền khối, đặc ruột chứ làm gì có vàng bạc, châu báu gì bên trong…” – ông Bộc nuối tiếc.
Khu đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh liền kề với trường PTCS xã Chương Dương, nằm gần đường quốc lộ 39 nối Thái Bình với Hưng Yên, Hải Dương. Chiếc hồ bán nguyệt ngay trước cổng đền tạo kiến trúc phong thủy cho cả khu đền, rất đẹp mắt.
Gần đây, chính quyền địa phương cho xây dựng Đài tưởng niệm các anh hung liệt sỹ xã ở mé phải ao, chếch với cổng đền. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thành nhưng công trình này đã gần như án ngữ một nửa khu mặt tiền của đền Từ Vũ, thật là một điều đáng tiếc.
Khu lăng mộ được xây dựng bằng đá ong có nguồn gốc từ Bất Bạt, Sơn Tây. |
Phía sau của đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh là một lăng mộ xây dựng bằng đá ong, có bậc tam cấp dẫn lên, dài chừng 4 mét, rộng 3 mét, cao 2 mét. Thời gian, mưa nắng đã bào mòn lớp đá ong xây mộ, và rêu phong cổ kính trờm lên những khe kết nối những viên đá ong có nguồn gốc từ vùng Bất Bạt, Sơn Tây.
Đi sâu vào mé trong khu điện thờ, ông Bộc chỉ dẫn: “Nắp khu lăng mộ được các cụ đặt thông với điện thờ. Nhiều người trong dòng họ tò mò đã có lần bảo cạy nắp vào xem bên trong khu lăng mộ có gì kỳ bí, nhưng các cụ không cho vì sợ phạm húy. Một bộ ngai thờ bằng đá liền khối, bát hương bằng đá chạm cũng là những bảo vật của dòng họ Phạm Huy. Tôi đồ rằng, nó cũng được mang về cùng thời với đám voi đá, ngựa đá bày ngoài sân thờ…”.
Tấm bia hình trụ có bản tự do nhà bác học Lê Quý Đôn chấp bút. |
Đến thời điểm hiện tại, dòng họ Phạm Huy đã ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm Giáp Thìn 1904 thời vua Thành Thái, khi đó năm gian bái đường bị rõ bỏ, chỉ còn lại một hậu cung và ba gian thờ.
Lần thứ hai vào năm Bảo Đại 19 (Giáp Thân – 1944). Để đỡ mái hậu cung, các cụ trong dòng họ Phạm Huy xây một vòm cuốn có chạm đôi câu đối: Phú quý đương quy thịnh sự truyền Lê Cảnh Hưng chu tam đạo/ Lâu đài địa khởi trùng tu đương hoàng Bảo Đại thập cửu niên. Lần thứ vào năm 2002, từ đường xuống cấp hoang phế, quỹ Việt Nam – Thụy Điển tài trợ 45 triệu đồng, dòng họ huy động tiền công đức tôn tạo, tu sửa khang trang như hiện nay.
Khu quần thể tượng người, voi, ngựa đá cùng hai tấm bia hình trụ là quần thể tượng đá quý giá. Tượng đặt ngoài trời, trên nền sân đất ẩm thấp rêu phong, dưới bóng cây duối cổ thụ trùm phủ… tạo thành một không gian linh thiêng làm nao lòng du khách…
- Kiên Trung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét