Thư Trì thi tập, tập thơ đặc sắc của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Thư Trì thi tập, tập thơ đặc sắc của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm

THƯ TRÌ THI TẬP, TẬP THƠ ĐẶC SẮC
CỦA TAM NGUYÊN THÁM HOA VŨ PHẠM HÀM
PHAN VĂN CÁC
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Thư Trì là tên hiệu của Vũ Phạm Hàm. Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906) khi còn nhỏ có tên là Vũ Đăng Ngạn, tên tự là Mộng Hải và Mộng Hồ, người làng Đôn Thư, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay là làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
Vũ Phạm Hàm thi đỗ Giải nguyên năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc 1 (1884) đời vua Nguyễn Giản Tông tại trường thi Thanh Hóa và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh năm Nhâm thìn niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892). Ông từng qua các chức quan Giáo thụ phủ Kiến Thụy, Hàn lâm viện Biên tu, Hàn lâm viện Tu soạn, Đốc học Hà Nội kiêm chủ bút Đại Nam Đồng văn nhật báo, Quang lộc tự thiếu khanh, Hồng lô tự khanh, Thái thường tự khanh, án sát tỉnh Hưng Hóa, Đốc học tỉnh Ninh Bình, Đốc học tỉnh Phù Lỗ, Đốc học tỉnh Cầu Đơ (mới tách ra từ Hà Nội, sau đó ông xin đổi tên tỉnh là Hà Đông), Hàn lâm viện Trực học sĩ, Án sát tỉnh Hải Dương.
Ngày 8/7/1906 (tức 17 tháng Năm năm Bính ngọ) ông bị bệnh mất ở quê nhà, hưởng thọ 43 tuổi, được truy tặng Tham tri (quan nhị phẩm), thụy là Trang Khải.
Tác phẩm của Vũ Phạm Hàm có:
Cầu Đơ tỉnh nhân định phong tục tổng sách (A.718)
Hưng Hoá tỉnh phú (A.471, A.1055, A.1054, VHv.1392)
Kinh sử thi tập (A.133/1-2)
Mộng Hồ thi tuyển (VHv.1410)
Tập Đường thuật hoài (A.2354)
Vãn Kim Giang Nguyễn tướng công trướng văn (VHv.2162)
Có thơ văn trong các sách:
Chư đề mặc (VHv.18) [Trường Yên động mặc tích]
Danh gia bút lục (AB.325) [Thám hoa Vũ Phạm Hàm văn tập]
Danh gia sách văn tập (VHv.1607/1-8) [T.8 Thám hoa Vũ đại nhân trường]
Đăng long sách tuyển (A.115/1-2)
Đối liên thi văn tạp chí (VHv.219)
Hà Đông danh gia đối liên thi văn tập (VHv.2594)
Hán Nôm thi văn tạp lục tập (VHv.149, VNv.153)
Hiếu cổ đường thi tập (VHv.106)
Hoàng Nguyễn danh gia hạ khải (A.3073)
Long tuyển thí sách (VHv.319/1-2)
Quốc triều danh nhân thi thái (VHv.37)
Tạp văn sao (VHt.6)
Tân giang từ tập (VHv.273)
Tân giang văn tập (A.532)
Thám hoa văn tập (A.528)
Tụy phương phú tập (A.2842)
Tuyên Quang tỉnh phú (A.964, A.1054, VHv.1392)
Văn đế thực lục (AB.124)
Vi giang hiệu tần tập (VHv.216) …
Mới đây nhờ sự giúp đỡ của hậu duệ Thám hoa Vũ Phạm Hàm, tôi có may mắn được tiếp xúc với Thư Trì thi tập do người cháu họ là ông Bích Viên* sao chép, được gia đình lưu giữ.
Nhận thấy đây là một tập thơ đặc sắc của danh gia Tam nguyên Thám hoa họ Vũ, xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả. Văn bản Thư Trì thi tập (Đường điệt - Bích Viên cung lục) là một tập sách mỏng chỉ gồm 80 trang viết tay, nét bút già dặn đá thảo mà chữ viết rõ ràng dễ đọc, chép 177 bài thơ, phần lớn là ngũ ngôn, thất ngôn Đường luật (xin xem Mục lục đề bài)
* Bích Viên là tên hiệu của Phạm Vũ Phiệt, một người cháu họ của Vũ Phạm Hàm thường gọi là ông Lang Đôn Thư, một lương y ở phố Hàng Cót, Hà Nội
(Có dịch nghĩa ở sau).
Bao trùm lên ngót 180 bài thơ ấy là một đạo lí trung nghĩa kinh bang tế thế của học thuyết Nho gia và một tâm hồn nhạy cảm thiết tha với Chân Thiện Mĩ tinh tế và sâu sắc.
Điều dễ dàng nhận thấy trong Thư Trì thi tập là cũng như các thi nhân xưa, Vũ Phạm Hàm đã viết nhiều thơ “Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt”. Trực tiếp vịnh tuyết có 5 bài (dưới tiêu đề chung Vịnh tuyết tứ thủ): 119.Tuyết thần, 120. Tuyết thái (Vẻ tuyết), 121. Tuyết ảnh, 122 - 123.Tuyết điệu. Riêng bài Tuyết điệu gồm hai khổ tứ tuyệt như sau:
I
U yết linh xoang triệt để công,
Dương xuân thanh xướng nhã kiêm phong.
Do lai thử khúc trực thiên thướng
Nhất bức hàn hoa tế vũ trung.
Tạm dịch:
Giọng thiêng tí tách tuyệt vời
Dương xuân trong trẻo gồm bài Nhã Phong
Khúc này lên vút tầng không
Một giàn hoa lạnh giữa vòng mưa bay.
II
Hoa lí lâu đài cảnh tịch liêu
Thanh thanh liệt lượng toái quỳnh dao
Tòng lai bất nhập ba nhân nhĩ
Quán dẫn thi tâm thưởng Bá kiều.
Tạm dịch:
Lầu gác trong hoa cảnh tịch liêu,
Giòn tan từng tiếng vụn quỳnh dao.
Xưa nay chẳng lọt tai phàm tục,
Quen dẫn hồn thơ đến Bá kiều.
(Bá kiều: Cầu bắc qua sông Bá Thuỷ ở phía đông huyện Tràng An tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, người xưa thường tiễn biệt nhau ở đây, cho nên còn có tên là Tiêu Hồn kiều - cầu Mất hồn).
Nhưng tả tuyết, ca ngợi tuyết không phải là sở trường của Vũ Thám hoa. Vả lại, nói cho cùng, tuyết đâu phải là “của nhà” của Việt Nam, thi nhân Việt Nam nói về tuyết dẫu sao không tránh khỏi cảm giác ca mướn thương vay.
Thư Trì thi tập có đến 13 bài vịnh nguyệt, đó là các bài 53, 54, 55, 56, 57, 58, 75, 82, 83, 84, 85, 86, 136. Dưới tiêu đề chung Xuân dạ đối nguyệt (Đêm xuân nhìn trăng) có liền 6 bài từ 53 đến 58.
Kì nhất
Kỉ phiên phong vũ ngại thi tình,
Kim dạ song tiền kiến nguyệt minh.
Giai hứng bất nhân ki lữ phế,
Cấp di tiểu kỉ toạ song đình.
Tạm dịch:
Bài 1
Bao phen mưa gió trở ngăn thơ,
Trăng sáng đêm nay toả ánh ngà.
Thi hứng tha hương không hề giảm,
Trước sân ghế nhỏ xách ngay ra.

*
**
Kì nhị
Băng luân tài thướng bích vân biên,
Nhất đoá phù hương quế phách viên.
Độc lập tiền thiềm nhân đối ảnh,
Dục tương trung khúc ngứ thuyền quyên.
Tạm dịch:
Bài 2
Vầng băng mây biếc mới nhô lên,
Một đóa sắc hương đẹp vẹn tuyền.
Đứng lẻ trước thềm người ngắm bóng,
Nỗi lòng muốn ngỏ với thuyền quyên.

*
**
Kì tam
Vân tận trường không lộ bán quy,
Mãn đình hoa thảo đối xuân huy.
Trung thiên nhất kính hà sơn ảnh,
Khước tiếu lưu huỳnh sổ điểm phi.
Tạm dịch:
Bài 3
Lộ nửa vòm trời, tan hết mây,
Xuân tươi hoa cỏ một sân đầy.
Gương trời sông núi đều soi bóng,
Cười mấy chấm huỳnh le lói bay.

*
**
Kì tứ
Tinh chuyển hà biên ảnh động dao,
Nùng sơn nhất vọng trở phân yêu.
Ngọc câu thảng hoá thiên câu nỗ,
Xạ tận âm mai lạc cửu tiêu.
Tạm dịch:
Bài 4
Bờ Ngân sao chuyển, bóng lung lay,
Ngóng tới non Nùng, yêu khí dày.
Câu ngọc ví thành ngàn lẫy nỏ,
Bắn cho rụng hết chín tầng mây.

*
**
Kì ngũ
Nhãn tiền tang hải phó trầm phù,
Nga ảnh quyên quyên bán tự thu.
Khước ức Tây hồ cựu du lữ,
Thương mang yên thuỷ nhất thi chu.
Tạm dịch:
Bài 5
Trước mắt nổi chìm mặc bể dâu,
Bóng Nga vằng vặc nửa như thu.
Tây hồ nhớ bạn chơi năm trước,
Một lá thuyền thơ khói sóng mù.

*
**
Kì lục
Phong quyển sơ liêm thụ dục qua,
Ngâm song mộng tỉnh dạ như hà.
Quảng Hàn cung điện vô quan toả,
Phân phó thi nhân quản Tố Nga.
Tạm dịch:
Bài 6
Gió cuốn rèm thưa cây muốn qua,
Song thơ mộng tỉnh bóng đêm nhoà.
Quảng Hàn cung điện không then khoá,
Nhắn nhủ nhà thơ quản Tố Nga.
Nhưng xúc cảm của nhà thơ dành nhiều hơn cho hoa. Đó là các bài 13, 52, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118 đề vịnh các loài hoa quen thuộc như lan, mai, sen trắng và nhiều nhất là các bài vịnh cúc: Cúc tái sinh trên núi Dục Thúy (bài 13), Cúc mùa xuân (bài 52), Bóng cúc trắng (bài 116), Với cúc (bài 117) và cả Cúc chưa nở (bài 118). Với thủy tiên, nhà thơ không chỉ có Cảm tác trước hoa thủy tiên (bài 112),Làm lúc hoa thủy tiên nở đêm giao thừa (hai bài 109, 110) mà còn có cả Lá thủy tiên (bài 111).
Thử xem hai bài hoa thủy tiên.
Kì nhất
Giao thừa thủy tiên hoa ngẫu đắc
Thử thân Hải Đảo dữ Bồng Lai,
Hà sự li tiền mạo tuyết khai?
Hoặc giải hàn gia vô giáp lịch,
Cố tương phương tín báo xuân hồi.
Tạm dịch:
Bài 1
Làm lúc hoa thủy tiên nở đêm giao thừa
Bồng Lai, Hải Đảo một thân ni,
Đội tuyết bên rào nở cớ chi?
Hay biết nhà nghèo không có lịch,
Đem tin thơm đến báo xuân về?
Kì nhị
Phong tao cốt cách xuất trần ai,
Thanh tự hàn sương đạm tự mai.
Tình chướng khước liên do vị thoát,
Nhất niên nhất độ há Dương Đài.
Tạm dịch:
Bài 2
Phong tao cốt cách vượt trần ai,
Thanh tựa sương đêm, đạm tựa mai.
Tình chướng thương thay chưa thể thoát,
Mỗi năm một độ xuống Dương Đài.
Nếu như ở bài 1, nhà thơ coi việc hoa thủy tiên nở vào đêm giao thừa là hành động vì người nghèo, thương họ không có tiền mua lịch nên đã đem “tin thơm” đến với họ, báo rằng mùa xuân đã về, thì ở bài 2 ông lại thương cho thủy tiên với cốt cách phong tao hơn đời, thanh đạm rất mực nhưng vẫn không thoát khỏi vòng tình chướng nên mỗi năm một lần phải rời tiên cảnh Bồng Lai để xuống Dương Đài. Dương Đài vốn là tên một ngọn núi nay thuộc địa phận huyện Vu Sơn tỉnh Tứ Xuyên (có thuyết cho là thuộc huyện Hán Xuyên tỉnh Hồ Bắc) được Tống Ngọc người nước Sở thời Tiên Tần nhắc đến trong lời tựa bài Cao Đường phú, về sau được dùng để chỉ nơi trai gái hoan hợp mây mưa, hoặc gọi là Dương Đài, hoặc gọi là Vu Sơn, hoặc gọi là Cao Đường.
Với Lá thủy tiên (Thủy tiên diệp, bài 111), nhà thơ lại thấy đó là:
Kiều dung phảng phát sơ linh ngoại,
Nghi thị vân hoàn hiểu kính trang.
Tạm dịch:
Dáng kiều tha thướt bên mành,
Ngỡ ai búi tóc soi mình gương mai.

*
**
Tuy nhiên, phải nói cảm hứng chủ đạo của Thư Trì thi tập là dành cho chủ đề lịch sử và đất nước. Đất nước hiện lên sinh động và cụ thể trong các bài tức cảnh trước thời tiết xuân: Tân tuế tác (Làm lúc năm mới, bài 44, 45), Nguyên đán yết miếu ngộ vũ (Ngày đầu năm lên miếu gặp mưa, bài 46) và các bài 47, 48, 49, 50, 51, 59;
Hạ: các bài Hạ nhật thủy khởi (Ngày hè ngủ dậy, bài 61), Hạ nhật ngẫu thành (Ngày hè ngẫu nhiên thành thơ, bài 63), Hạ dạ (Đêm hè, bài 65), Hạ nhật ngọa bệnh (Ngày hè ốm nằm, bài 66, 67, 68);
Thu: các bài Thu (bài 69), Thất tịch vô vũ (Đêm mồng bảy không mưa, bài 70), Thu nhật ngẫu thành(Ngày thu ngẫu nhiên thành thơ, bài 71), Thu tứ nhị thủ (Ý thu hai bài 72, 73) và các bài 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 89, 103, 104, 154, 156;
Đông: các bài 105, 107, 108, 109, 110, 162.
Chủ đề đất nước càng thể hiện đậm nét hơn trong những bài thơ viết về các danh lam thắng cảnh và sơn thủy hữu tình mà tác giả đã đặt chân tới. Có tới 45 bài thuộc loại này. Đó là các bài chiếm tới một phần tư thi tập:
Hộ thành sơn (bài 1, Núi Hộ thành), Đề Hộ Thành sơn, cung hoạ Thiệu Trị thánh chế thi nguyên vận (bài 2, Đề núi Hộ Thành, cung họa nguyên vần bài của vua Thiệu Trị), Hồi Hạc sơn (bài 3, Núi Hạc quay về), Diên sí sơn (bài 4, Núi Cánh diều), Mã yên sơn (bài 5, Núi Yên ngựa), Trạng Nguyên phong (bài 7, Đỉnh Trạng Nguyên), Bàn Long động (bài 8, Động Rồng cuộn), Giai chư sinh du Nham sơn động thừa dạ phiếm chú tác(bài 9, Cùng các học trò đi chơi động Nham sơn, nhân đêm thả thuyền), Giai chư sinh đăng Nham sơn động nhị thủ (bài 10, 11, Cùng các học trò đi lên động Nham sơn, hai bài), Kiểm cổ sơn (bài 12, núi Kẽm Trống),Đăng Dục Thúy sơn (bài 14, Lên núi Dục Thúy), Đăng Đội sơn (bài 15, lên núi Đọi), Đăng Độc tôn sơn (bài 16, lên núi Độc tôn), Tây hồ cảm tác (bài 17, Cảm tác ở hồ Tây), Ức Tây hồ (bài 18, nhớ hồ Tây), Du Hoàn Kiếm hồ tam thủ (bài 19, 20, 21, Chơi hồ Hoàn Kiếm, ba bài), Thao giang (bài 22, sông Thao), Du Hương Tích lâm hành ngẫu chiếm (bài 23, Chơi Hương Tích, chợt làm lúc sắp đi), Đáo Thiên Trù tự (bài 24, đến chùa Thiên Trù), Đề Thiên Trù tự (bài 25, Đề chùa Thiên Trù), Đề Hương Sơn tự (bài 26, Đề chùa Hương Sơn), Lưu biệt động chủ (bài 27, Để lại thơ từ biệt động chủ), Du Hương Sơn (bài 28, Chơi Hương Sơn), Đăng hồ lâu hữu hoài Hoàng trúc am (bài 29, Lên lầu trên hồ nhớ am Hoàng Trúc), Du Hưng Phúc tự (bài 37, Chơi chùa Hưng Phúc), Thiền am đề bích (bài 38, Đề vách am Thiền), Thiền am tái phỏng (bài 39, Lần thứ hai thăm am Thiền),Trùng tu Chân Vũ quán (bài 40, Trùng tu quán Chân Vũ), Phú Xuyên Thịnh Đức xã thần từ nhị hoành biển(bài 41, Hai bức hoành đền thờ thần xã Thịnh Đức - Phú Xuyên), Vũ Thạch tự lưu đề, thứ Nguyễn quân Thượng Hiền nguyên vận (bài 42, Đề chùa Vũ Thạch, hoạ nguyên vần ông Nguyễn Thượng Hiền), Đề Trung Liệt miếu, thứ Vân Lộc tiên sinh nguyên vận (bài 43, Đề miếu Trung Liệt, họa nguyên vần ông Vân Lộc*), Học đường ngẫu đắc (bài 160, Chợt làm ở trường học), Chu trung tức cảnh (bài 164, Trong thuyền tức cảnh), Mĩ nhân trạo chu (bài 165, Người đẹp chèo thuyền), Chu trung khán sơn (bài 166, Trong thuyền trông núi),Thanh Quyết giang dạ độ (bài 167, Đêm qua sông Thanh Quyết), Quá Ninh Bình tỉnh thành (bài 168, Qua tỉnh thành Ninh Bình), Ninh Bình trạm tảo hành (bài 169, Trạm Ninh Bình đi sớm).
* Vân Lộc: tên hiệu của Nguyễn Tư Giản (1822 - 1890). Ông có tên tự Tuân Thúc, tên hiệu khác là Thạch Nông, đỗ Cử nhân năm 1843, đỗ Hoàng Giáp năm 1844, đứng về phe chủ chiến, từng cùng Bùi Văn Dị cầm quân chống Pháp.
Quá Tống Giang kiều (bài 170, Qua cầu Tống Giang), Quá Tam Điệp sơn (bài 171, Qua núi Tam Điệp),Đỗ trung ngộ vũ (bài 172, Giữa đường gặp mưa), Lữ dạ đắc cú (bài 173, Làm trong đêm đi xa), Giang đình trệ vũ (bài 174, Giang Đình mưa lâu), Quá Đại Hoàng giang (bài 177, Qua sông Đại Hoàng)…
Trong đó có không ít câu đẹp tứ hay, như bài Tây Hồ cảm tác:
Hoang lâu cổ sái tịch dương tà,
Tiêu sắt hàn phong lạc diệp đa.
Triên mộ dương ba thu sắc lão,
Cánh vô nhân xướng Thái lăng ca.
Tạm dịch:
Cảm tác ở Hồ Tây
Chùa cổ lầu hoang bóng xế tà,
Hắt huy gió lạnh lá vàng sa.
Dâng sóng sớm chiều thu sắc cỗi,
Chẳng còn ai hát Thái lăng ca.
Thái lăng ca (khúc hát hái ấu) là một điệu cổ Nhạc phủ nói về cuộc gặp gỡ của một chàng trai với hai thần nữ được hai nàng cởi ngọc bội đeo bên mình tặng cho.
Đặc biệt là cảm hứng lịch sử khi nhà thơ đến thăm các di tích. Hãy xem bài Liên hoa động Phạm Nghĩa Trai tiên sinh cố cư (Nhà cũ của ông Phạm Nghĩa Trai ở động Liên Hoa):
Hoa Lư thành ngoại Liên Hoa động,
Hoa tự nhân hương, động cánh u.
Đại cục vị thành năng nhất chiến,
Danh sơn tự chủ túc thiên thu.
Thời gian tử đệ tập nhung mã,
Sự khứ giang hồ lão điếu chu.
Kim nhật dĩ vô ẩn quân tử,
Thạch bàn thư giá thủy không lưu.
Tạm dịch:
Liên Hoa động ở cổ thành ngoài,
Động vắng, hoa thơm ngát tựa người.
Đại cục chưa thành, từng một trận,
Danh sơn tự chủ, đủ ngàn đời.
Thời gay con trẻ rèn binh trận,
Việc hỏng, giang hồ lão thả chài.
Nay chẳng còn người quân tử ẩn,
Thạch bàn giá sách nước trôi xuôi.
Nghĩa Trai là tên hiệu của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người xã Tam Đăng, huyện Đại An tỉnh Nam Định. Khi Pháp đánh Đà Nẵng (1858) ông đã 53 tuổi vẫn chiêu mộ quân nghĩa dũng gồm 400 người đích thân dẫn đầu xin triều đình cho đi đánh giặc, cứu nước. Nhưng khi vào đến Huế thì được tin quân Pháp đã rút lui. Triều đình giao cho ông chức Đốc học Nam Định, lệnh cho đưa quân nghĩa dũng về phòng thủ tỉnh nhà. Khi quân Pháp đánh các tỉnh Bắc Kì, ông lại cùng đội nghĩa dũng tổ chức căn cứ kháng chiến ở vùng núi Ninh Bình. Năm 1873, thành Nam Định thất thủ, triều đình kí hiệp ước nhượng bộ với Pháp. Phạm Văn Nghị thuộc phái chủ chiến, bị triều đình thu hết quan tước. Ông lui về ẩn cư ở động Liên Hoa (trong khu động Hoa Lư ở Ninh Bình) tự xưng là Liên Hoa động chủ nhân, sau qua đời tại đó, thọ 76 tuổi. Nhà thơ Vũ Phạm Hàm đến thăm nơi ở cũ của Phạm Văn Nghị đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ bậc chí sĩ yêu nước tiền bối, đồng thời gửi gắm tâm sự đồng cảm của mình trước thời vận gian nan của đất nước. Ông ngưỡng mộ Phạm Nghĩa Trai dẫu đại cục cứu nước chưa thành nhưng đã từng được chiến đấu một trận với quân thù, và dẫu phải lui về ẩn trong núi vắng nhưng tinh thần yêu nước sống mãi ngàn đời.
Các bài Miếu vua Đinh Tiên HoàngMiếu vua Lê Đại HànhĐền Trưng VươngĐền Trương Độn Tẩu(Trương Hán Siêu), Đền Bạch Vân tiên sinh (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đề chùa Vũ Thạch (họa thơ Nguyễn Thượng Hiền), Đề miếu Trung Liệt (họa thơ Vân Lộc tiên sinh Nguyễn Tư Giản) đều chung một tình cảm như vậy đối với các danh nhân lịch sử.
Thư Trì thi tập nhiều lần nhắc đến “Thời gian” (thời buổi gian nan). Quả vậy Vũ Phạm Hàm là một trí thức khoa bảng lớn sống vào một thời buổi thật gian nan: đất nước suy bại dần trước cuộc xâm lược của đế quốc phương Tây. Hai năm trước khi cậu bé Vũ Phạm Hàm ra đời, Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kì, và khi cậu lên ba thì cả Nam Kì đã thuộc Pháp. Tuổi thiếu niên và thanh niên của Vũ Phạm Hàm chứng kiến hai lần Pháp đánh Bắc kì rồi chiếm toàn cõi Việt Nam. Theo nếp nhà, Vũ Phạm Hàm đi học và đi thi nhưng năm ông 21 tuổi đỗ Giải nguyên Kiến Phúc nguyên niên (1884) cũng là năm triều đình Huế buộc phải kí Hiệp ước Patenôtre, thực chất là chính thức đầu hàng trước thực dân xâm lược Pháp và từ đó cả nước rơi vào thân phận vong quốc nô.
Những nhà Nho, nhà khoa bảng chân chính, những trí thức tinh hoa của dân tộc như Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1830 - 1890), Đình nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Phan Đình Phùng (1844 - 1895) và bao nhiêu người khác đã anh dũng khởi nghĩa chống Pháp ngay từ đầu. Cùng khoa với Vũ Phạm Hàm có Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) năm 1907 đã bỏ quan, tìm đường xuất dương, tham gia phong trào Đông du và Việt Nam Quang phục hội…
Vũ Phạm Hàm vì những lí do nào đó không bước lên được con đường cứu nước chống Pháp nhưng ông ý thức được nỗi nhục vong quốc và ở nhiều bài trong Thư Trì thi tập đã gửi gắm tâm sự u hoài trước thời cuộc.
Ở bài Thí viện tức sự (bài 128) ông viết:
Thu phong nhạn độ Hoàng giang chử,
Hiểu sắc yên xâm Vị trấn thành.
Đạo tại sĩ do đôn tố nghiệp,
Thời gian nhân vị yếm hư danh.
Tạm dịch:
Gió thu nhạn vượt Hoàng giang chử
Buổi sớm mây giăng Vị Trấn thành.
Còn đạo, sĩ còn chăm cử nghiệp,
Thời gay, người chửa chán hư danh.

*
**
Tóm lại, Thư Trì thi tập là tập thơ đặc sắc của một nhà trí thức lớn, vị Thám hoa Vũ Phạm Hàm ba lần đỗ đầu thi Hương, thi Hội, thi Đình, chứa đựng những suy tư trăn trở và những rung động tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ với bao gửi gắm tâm sự cho đương thời và hậu thế.
Trong khi chờ đợi một bản dịch chú đầy đủ của tập thơ, xin chia sẻ với quý độc giả những cảm thụ bước đầu của một kẻ hậu học khi được tiếp xúc Thư Trì thi tập, mong sẽ có dịp đi sâu hơn./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.148-162)

Phan Văn Các
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ