Lăng Đá Hiến Linh ở Lại Yên ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Lăng Đá Hiến Linh ở Lại Yên

Lăng Hiển Linh từ ở thôn Lại Yên, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức nên thường gọi là lăng đá Lại Yên 2, truyền là thờ cụ Phạm Đôn Nghị. Lăng vốn xưa ở ngoài đồng trên cồn đất rộng gần làng, nhưng do nay sự phát triển nông thôn đã lọt vào giữa làng.
Cửa lăng hướng Tây Nam. Lăng gồm hai phần: vòng ngoài chỉ giữ được phía trước là khu vườn rộng, cửa chính là hai cột đá cao, từ đấy đến cửa vòng trong dài 38m, bên phải còn cổng phụ “Hiển Linh môn” xây đá ong, gần sát vòng trong có hai bồn đá tròn và hai bể đá ô van, phía trước nó vốn có nhà Đại bái bị dỡ trong chiến tranh. Khu vực chính của lăng là vòng trong được xây tường đá ong trên móng đá xanh, rộng 9,70m và chạy sâu vào 18,9m, có tường ngăn đôi làm hai nửa. Tường dày 0,70m cao 1,70m có mũi tường tạo sự cách biệt trong ngoài.
Cổng vào lăng trong có khung bằng đá xanh nhưng mái đá cong, lòng cao 1,46m rộng 0,5m, ra vào phải hơi cúi. Ngay trước cổng lăng có tượng chó đá ngồi tạc rất thực, cổ đeo chuông nhạc, cao 0,80m. Chó, các nhà bia và điêu khắc đá bên trong đền bằng đá xanh. Sân lăng vòng trong lát đá xanh, cấu trúc hai bên đăng đối. Mở đầu là nhóm tượng mã phu dắt ngựa, người đứng ngang với ngựa ở phía trong. Ngựa đứng thẳng, bốn chân cao 1,80m (ở lưng 1,19m) dài 1,45m đầu và mông có phù hiệu tròn, thắng yên cương đầy đủ, phần dưới bụng giữa các chân để đặc. Người đứng thẳng, cao 1,45m, đội mũ trụ, mặc áo giáp dài, tay ngoài để ngang bụng, tay trong cầm gậy dựng đứng, mặt xương, áo ít trang trí. Lùi vào một chút là hai nhà bia nhìn sang nhau, kích thước xấp xỉ nhau (nhà bên trái cao 2,43m, rộng ở mái cũng 2,43m x 2,07m, nhà bên phải cao 2,30m, rộng ở mái 2,30m x 2,00m), kiểu nhà 4 mái, đầu vỉ ruồi chạm chữ vạn, phía dưới có lan can thấp. Trong nhà bia bên phải có tấm bia “Phạm Công Gia Phổ bi ký”, còn nhà bia bên trái có tấm bia khắc tên ở hai mặt là “Hiển Linh từ hậu Trần bi ký - nhất xã thộ hậu phật sự liệt”, cả hai bia đều dựng năm Long Đức 3 tức 1734.
Trước mỗi nhà bia nhưng dịch ra phía ngoài có một hương án đặt dọc cao 0,79m, mặt rộng 1,13m x 0,44m, làm theo khối đặc, viền mặt chạm hồi văn chữ T xuôi ngược đan xen. Cuối thần đạc là một hương án chắn ngang kể cả phần đế và thân cao 1,35m, mặt rộng 0,95m x 0,46m, bốn góc có lan can làm tai cao thêm 0,20m, giữa mặt có bát hương, đều chạm hoa sen, mây và chữ thọ trong mặt trời. Sau hương án trên một khoảng hẹp là cung thờ dáng gần như nhà bia cao 2,90m, mái rộng 3,45m x 2,88m, mặt trước để trống hai góc trên gắn đầu dư đặc chạm rồng. Một trong tường hồi bên trái khắc bài văn cho biết vào năm Cảnh Hưng 15 (1754) xây dựng bổ sung, đối diện lại ở hồi bên phải khắc bài thơ “Ngự long bút thi tự” thể thất ngôn bát cú. Tường hậu trổ một vòng tròn nhỏ làm cửa sổ nhìn sang phần mộ như chỗ đi lại của linh hồn, hai bên có đôi lân múa giữa những sóng nước dưới đám mây ở trên gợi ra một thế giới chỉnh thể. Từ cung thờ này kéo sang hai bên là tường ngăn với nửa sau đặt phần mộ. Nấm mồ sau phẳng trên đặt khối đá to có chữ “Tướng Công mộ”. Giữa tường hậu là bức hình phong chạm đôi nghê chầu mặt trời.
Theo bài văn bia “Phạm Công Gia Phổ bi ký” do cụ Nguyễn Trọng Dung soạn năm 1734, thì các đời trước vốn họ Nguyễn, ông bố từng làm Tham trị thừa chính sứ ty Thái Nguyên kiêm Tham ngự ân trung tử, mẹ họ Phạm. Ông người bản xã sinh năm Nhâm Tuất (1682), sinh ra liền đổi theo họ mẹ. Năm 33 tuổi hầu Thái phi, được làm Nội trù tiểu thủy đẳng, độ 37 tuổi thăng hữu đề điểm làm chức Lệnh sử theo bầu nội lực sĩ, năm 38 tuổi cúng tiền vào việc nước được tăng 5 bậc, giữ chức Tả thiếu giám, chưa được một năm kiêm chức Lệnh sử nhất thiên và thăng Thị nội giám, rồi Giám sự, 41 tuổi thăng Thị hầu nhất trông coi các đội thuyền, tiếp lại bỏ gia tư được thăng Thái giám, Đô thái giám rồi tổng Thái giám kiêm chức Thị nội tư thả hình phiên, 47 tuổi là Tuyên lực công thần quận công, thăng Tham đốc, rồi Phó chi thị nội thừa tả Hộ phiên kiêm Thị hậu vệ, phụng sự làm Đốc lãnh đạo Hải Dương, thăng Hữu hiệu điểm, lại làm Trưởng đốc đạo Sơn Tây, 49 tuổi cúng tiền được thăng Đô đốc kiêm sự, 59 tuổi kiêm Đô hiệu điểm, rồi Thiếu bảo cai quản các thuyền ưu nhất, ưu tả và ưu hữu, 51 tuổi làm Chi thị nội thư tả hình phiên, lại coi tả tượng làm đốc lãnh đạo Đông Bắc, làm Thống đốc đạo An Sơn, 52 tuổi Thăng thiếu phó, làm trấn thủ sứ Sơn Tây. Đây cũng là năm dựng bia. Ông đã cúng cho thôn xã nhiều tiền của và ruộng, được cả bàn hậu thần và hậu Phật.
Tương truyền ông là cháu gọi Phạm Mậu Trực bằng cậu, từ nhỏ đã được theo cậu. Lăng Hiển Linh từ cũng là đền thờ, dân địa phương gọi là văn chỉ, hàng năm cúng vào ngày mồng 6 tháng giêng sau cậu một ngày.
Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1999

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ