Người Bình Định trong Ban Võ nhà Tây Sơn ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Người Bình Định trong Ban Võ nhà Tây Sơn

*  Đại Tư đồ Võ Văn Dũng (?- 1835).
Võ Văn Dũng, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, nay là thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn. Thuở nhỏ nhà giàu, cha mẹ mời thầy về nhà dạy học. Ông học võ rất giỏi. Năm 20 tuổi vào Phú Yên, xin học với đại sư họ Lương (dòng dõi Lương Văn Chánh được Nguyễn Hoàng bổ làm tri huyện Tuy Viễn). Võ Văn Dũng được sư mến tài truyền cho môn trường kiếm và môn đoản đao. Sử dụng cả kiếm và đao để đánh trên ngựa, trên đất... Dũng đều thông thạo và chuyên tâm tập luyện. Nhớ lời thầy dặn: "Học võ là học để phòng thân, dẹp loạn, cứu người, không phải là để khoe tài, tranh tiếng". Võ Văn Dũng kín đáo, giữ nghề nên ít người biết ông thuộc hàng  cao thủ. Lúc Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Văn Dũng tham gia từ đầu và được các thủ lĩnh Tây Sơn quý mến. Ông cùng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu được anh em Tây Sơn coi như cật ruột.2
Thời trẻ, Võ Văn Dũng nổi tiếng là người dũng cảm và mưu lược
Võ Văn Dũng tham gia chỉ huy nhiều trận đánh Nguyễn, đánh Trịnh trong Nam, ngoài Bắc, được phong làm Đô đốc, tước Chiêu vũ hầu. Võ Văn Dũng cũng là tướng chỉ huy đánh quân Thanh ở đồn Khương Thượng góp phần làm nên chiến thắng vang dội đầu xuân Kỷ Dậu (1789).
Tháng 4 năm Nhâm Tý (1792), Võ Văn Dũng cũng tham gia sứ đoàn với Nguyễn Quang Thuỳ, Phan Huy Ích cùng Phạm Công Trị (người giả vua Quang Trung) sang Trung Quốc chúc thọ Càn Long nhân dịp tròn 80 tuổi. Cũng trong năm này, ông được phong làm Đại tư khấu, trấn thủ Bắc Hà. Năm 1794, ông được triệu về Kinh. Qua năm 1795, khi mà sự lộng hành của Bùi Đắc Tuyên đã trở nên quá nhức nhối trong đám công thần thời Quang Trung, thì Trần Văn Kỷ tìm đến, bàn với ông hiệp lực cùng Nguyễn Văn Huấn đem quân vây chùa Thiền Lâm (nơi ở của Bùi Đắc Tuyên) để bắt ông ta. Nhưng hôm đó, Bùi Đắc Tuyên lại ở trong cung, vì thế họ đưa quân đến bao vây cung, buộc Cảnh Thịnh phải bắt Bùi Đắc Tuyên giao cho Võ Văn Dũng (BT). Tuyên bị giam vào ngục rồi bị dìm chết.1
Võ Văn Dũng được phong làm Đại tư đồ cùng Thiếu phó Trần Quang Diệu, Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, Đại tư mã Nguyễn Văn Danh là tứ trụ đại thần của triều Cảnh Thịnh. Vì có người dèm pha nên sau đó Võ Văn Dũng bị Cảnh Thịnh thâu tóm binh quyền.
Năm 1799, Nguyễn Ánh đem đại binh đánh thành Quy Nhơn, Võ Văn Dũng mới được giao trọng trách việc quân, cùng Trần Quang Diệu vào cứu nguy. Nhưng viện binh Tây Sơn của Võ Văn Dũng bị chặn đánh, thành Quy Nhơn bị chiếm.
Năm 1800, Võ Văn Dũng chỉ huy 2 đại thuyền mua của phương Tây và hơn 100 thuyền chiến vây và án ngữ cửa biển Thị Nại, đặt đồn bảo và đại bác chiến đấu ở núi Tam Toà và Bãi Nhạn (nay thuộc thành phố Quy Nhơn), phối hợp với quân bộ của Trần Quang Diệu vây Võ Tánh và Ngô Tòng Chu ở thành Quy Nhơn khiến cho quân Nguyễn bị cô lập hoàn toàn.
Năm 1801, Nguyễn Ánh cho đại binh phá thế phòng thủ ở cửa Thị Nại để cứu quân Nguyễn ở thành Quy Nhơn. Trận đánh ngày 28 tháng 2 năm 1801, Lê Văn Duyệt đã phá thủng phòng tuyến quân thuỷ của Võ Văn Dũng ở cửa Thị Nại nhưng không tiến được lên đất liền đành rút ra Quảng Nam, Phú Xuân. Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu chiếm lại thành Quy Nhơn. Tháng 4 năm 1802, quân Nguyễn từ Phú Xuân vào đánh Quy Nhơn, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đưa quân theo đường Thượng đạo tiến ra Nghệ An rồi bị bắt. Ngày 2.11.1802, Võ Văn Dũng bị xử cực hình tại Huế.2
Lại có tài liệu cho biết ông đã trốn được về quê, mai danh ẩn tích ở vùng Tây Sơn Thượng được dân tộc Bana che chở và đổi tên là Võ Văn Độ. Ông đã mất vào năm 1835, tức ngày 23.3 năm Ất Mùi lúc đã ngoài 80 tuổi.1 Khi làm quan ở Huế, ông có bà vợ tên là Lê Thị Vi- người làng La Chữ, huyện Hương Trà. Võ Văn Dũng và vợ có tặng cho làngquả chuông, nay vẫn còn nhưng niên hiệu bị đục xoá.
Đô đốc Bùi Thị Xuân (?- 1802)
Bùi Thị Xuân người thôn Xuân Hoà (cạnh Phú Phong - quê hương của Võ Văn Dũng), nay là thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn. Bà là con của ông Bùi Đắc Chí. Bà gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú và là vợ của danh tướng Trần Quang Diệu.
Lúc thiếu thời, bà giỏi võ nghệ lại xinh đẹp. Năm 12 tuổi Bùi Thị Xuân được một lão bà dạy võ. Bùi Thị Xuân kiên trì học tập trong 3 năm với các món kiếm, quyền, nhảy cao, nhảy xa... Lúc Bùi Thị Xuân thành đạt, võ nghệ điêu luyện thì sư bà qua đời.2
Bùi Thị Xuân mở trường dạy võ ở nhà, người theo học rất đông. Trong số học trò của Bà nhiều người đã thành tài. Bà có một con ngựa trắng và luyện tập thành một chiến mã. Sau này bà và ngựa đều ra phò giúp Tây Sơn.3
Tham gia Tây Sơn ngay từ đầu, bà được phân cơng trông coi cơ sở hậu cần ở vùng Tây Sơn Thượng. Ngoài công việc trên, bà còn là một Đô đốc- danh tướng luyện voi và sử dụng tượng binh đánh giặc. Bà còn chế loại lương khô làm bằng bánh tráng và thịt bò ninh để cho quân Tây Sơn đánh giặc. Hình ảnh Đô đốc Bùi Thị Xuân được khắc hoạ như một nữ kiệt anh hùng khi bà chỉ huy một đạo quân đánh vào luỹ Trấn Ninh vào đầu năm 1802 nhằm khôi phục lại Kinh thành Phú Xuân. Dưới sự chỉ huy của Bùi Thị Xuân, luỹ Trấn Ninh rung chuyển trước sức tấn công vũ bão của quân đội Tây Sơn làm quân Nguyễn vô cùng khiếp sợ. Đó là hình ảnh anh hùng còn lại ghi trong trang sử oanh liệt cuối cùng của thời đại Tây Sơn.
Tháng 4 năm 1802, Nguyễn Ánh cho quân phản công, Bùi Thị Xuân cùng chồng bị bắt ở Nghệ An. Ngày 30.11.1802, Gia Long làm lễ hiến phù các thủ lĩnh Tây Sơn, các tướng lĩnh cao cấp trong đó có gia đình Bùi Thị Xuân. Sau khi Thiếu phó Trần Quang Diệu bị chém, đến lượt con bà là Trần Bích Xuân rồi cuối cùng là bà bị hành hình. De la Bissachère cho biết: "Quan (Trần Quang Diệu) có một cô con gái 15 tuổi, đầy đủ vẻ đẹp của một thiếu nữ. Khi cô thấy có một con voi tiến về phía cô rồi tung cô lên trời, cô thét lên một tiếng não nuột. Cô kêu mẹ rồi nói: "Mẹ ơi! cứu con với!". Mẹ cô là vị nữ tướng trả lời rằng: "Con xin mẹ cứu làm sao, vì mẹ cũng không cứu được chính mẹ. Con nên chết đi với cha mẹ con còn hơn là sống với bọn người kia...". Nhiều người muốn cứu cô và họ quay mặt đi chỗ khác, trong lúc voi tung cô lên trời hai lần rồi lấy vòi đỡ cô. Đến lượt bà Thiếu phó, bà hiên ngang tiến đến mặt voi để khiêu khích. Khi bà đến gần, người ta kêu lên bảo bà quỳ xuống cho voi dễ cuốn nhưng bà không nghe cứ đi thẳng đến trước voi. Người ta kể rằng, mặc dầu voi đã bị kích thích cũng còn phải thúc dục lắm nó mới tung bà lên, dường như nó còn nhận được bà chủ cũ của nó.
Trước khi bị gia hình, người đàn bà can đảm này đã bảo mang đến cho bà nhiều tấm lụa. Bà lấy lụa quấn chặt ống chân cho đến trên bụng ở bên trong quần áo. Bà có ý làm thế để tránh bị trần truồng như các bà chịu tử hình theo cách đó thường bị.
Người ta kể lại rằng vì muốn được can đảm như bà, bọn lý hình lấy tim, gan, phổi cùng cánh tay mập của bà mà ăn. Bà đã làm cho binh sĩ và tướng lĩnh của họ phải khiếp sợ khi bà vượt luỹ Trấn Ninh nên người ta để các bộ phận bà cho bọn đó ăn. Ở Bắc Hà, thịt người được ăn sống với rượu (nhưng người ta chỉ ăn trong những dịp thế này thôi).
Người ta nói rằng chỉ có vị liệt nữ này cùng chồng bà và em vua Tây Sơn là không đổi sắc mặt khi giờ chết đến".1
Thiếu phó Trần Quang Diệu (? - 1802)
Trần Quang Diệu con nhà giàu nhưng mồ côi cha từ nhỏ nên phải sống tự lập, nuôi ý chí học tập, rèn luyện văn võ để mong có dịp giúp đời2. Một hôm vào rừng Kim Sơn săn thú, gặp ông lão đang nằm giỡn với con cọp vằn to lớn. Thấy có người lạ, cọp nhảy đến vồ. Trần Quang Diệu tránh được. Dịp ny, Trần Quang Diệu lm quen vi võ sư Diệp Đình Tòng - người Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Viễn. Thuở thanh niên là một võ sĩ cao cường đã đánh chết viên tri huyện Tuy Viễn, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Bị truy nã, ông đưa gia đình vào núi Kim Sơn ẩn trốn. Không chịu nổi cảnh sơn lam chướng khí, vợ con ông lần lượt qua đời, còn mình ông ở với hùm beo làm bạn. Khi biết sở nguyện và hoàn cảnh Trần Quang Diệu, ông lão rất quý mến và truyền nghề cho Diệu trong 5 năm ở chốn rừng sâu. Một hôm, ông lão trao thanh Huỳnh Long bảo đao - rèn từ thời Trần cho Trần Quang Diệu và dặn: "Thầy đã gần trăm tuổi. Bấy lâu còn phải sống vì đạo pháp của thầy chưa có người kế tập. Nay thầy đã truyền thụ cho con rồi thì thầy chết cũng được vui vẻ".1
Sau khi chôn cất, theo lời dặn của Thầy, Trần Quang Diệu xuống núi đi vào hướng Tây Sơn tìm bậc hào kiệt để cùng bàn mưu giúp dân cứu nước. Một hôm, Trần Quang Diệu đến Thuận Ninh thì gặp cọp. Vì không mang theo vũ khí nên chỉ dùng tay không đánh cọp từ sáng cho đến trưa rồi bị đuối sức và bị thương. Thật may, vừa lúc Bùi Thị Xuân bắt gặp và ứng cứu. Từ đó, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu trở nên thân tín, tâm giao. Bùi Thị Xuân đưa Trần Quang Diệu về Kiên Thành ra mắt Nguyễn Nhạc. Trần Quang Diệu tham gia khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đó. Nguyễn Nhạc làm chủ hôn cho hai vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và trở thành cật ruột của nhà Tây Sơn. Cùng với Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu hết lòng phò tá sự nghiệp Tây Sơn. Dưới sự chỉ đạo thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, cùng với các đồng sự, trong các trận đánh Nam dẹp Bắc đều có mặt ông là tướng chỉ huy đã làm nên những chiến thắng vang lừng chống Trịnh, Nguyễn và quân xâm lược Xiêm, Thanh.
Năm  1790, Trần Quang Diệu làm trấn thủ Nghệ An, được giao phụ trách bảo hộ Ai Lao và xây dựng Phượng Hoàng Trung đô.2
Tháng 9 năm 1792, trước khi chết, vua Quang Trung cho gọi Trần Quang Diệu từ Nghệ An về kinh để chuẩn bị dời đô ra Nghệ An, phó thác triều đình cho Trần Quang Diệu. Vua Quang Trung dặn dò Trần Quang Diệu rằng: "Ta mở mang cương giới, khai thác đất đai có trùm cõi Nam phục, nay bệnh ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có mối cừu thù ở Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tuổi già ham dật lạc, tạm yên không lo hậu loạn. Sau khi ta mất rồi phải trong một tháng lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Bọn người phải phò thái tử sớm dời đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Không như thế khi quân Gia Định kéo ra, bọn người không có chỗ chôn đấy".1 Không hiểu vì lý do gì, Trần Quang Diệu không thuyết phục được triều thần để dời đô ra Nghệ An, lại không phải mình mà chính là Bùi Đắc Tuyên làm nhiếp chính cho vua trẻ Cảnh Thịnh nên triều đình Tây Sơn từ đó sinh biến. Rồi sau đó, đúng như lời tiên đoán của vua Quang Trung, sự nghiệp Tây Sơn đã bị thất bại một cách bi thương. Trần Quang Diệu, gia đình, các đại thần và các thủ lĩnh và những người có liên quan đều bị quân Nguyễn tàn sát một cách dã man. Họ chết mà "không có chỗ chôn"!
Sau khi Vua Quang Trung  mất, Trần Quang Diệu giữ chức Thiếu phó. Mặc dù bị quyền thần Bùi Đắc Tuyên lộng hành, kéo bè kết cánh, nhưng Trần Quang Diệu một mực phò tá nhà Tây Sơn, giúp Quang Toản. Ông cùng Võ Văn Dũng là hai vị tướng nổi bật nhất ở chiến trường đánh quân Nguyễn Ánh ở phủ Quy Nhơn; chặn đứng quân Nguyễn Ánh ở cửa Thị Nại và vây thành Quy Nhơn, bức hàng Võ Tánh và Ngô Tòng Chu, chiếm lại thành Quy Nhơn và cho khâm liệm Võ Tánh với nghi thức nhà tướng là một nghĩa cử  cao đẹp của Trần Quang Diệu được mọi người kính phục. Tháng 4 năm 1802, ông dẫn đại binh từ Quy Nhơn ra Bắc cùng Quang Toản chiến đấu nhằm khôi phục vương triều Tây Sơn. Ông đến Thanh Chương (Nghệ An) bị quân Nguyễn bắt cùng vợ ông là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ngày 30.11.1802, ông và gia đình bị Nguyễn Ánh xử hết sức man rợ tại Huế, Trần Quang Diệu bị Nguyễn Ánh hành hình. Trước khi chấp nhận cái chết thảm khốc trước mặt vợ là Bùi Thị Xuân và con gái là Trần Bích Xuân, Trần Quang Diệu có một nguyện vọng xin được tha cho mẹ già trên 80 tuổi khỏi xử chết. Nguyễn Ánh đồng ý.
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân... gia đình của ông gắn bó với gia đình Tây Sơn từ đầu cho đến chung cuộc. Một cuộc đời, một sự nghiệp anh hùng, một ý chí với khí phách và nghĩa cử cao đẹp. Gia đình Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân là một đặc sắc trong lịch sử nước ta, là cặp tinh tú sáng rực trên bầu trời nước Việt thời Tây Sơn.
Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết (? - 1802)
Nguyễn Văn Tuyết quê ở Nhơn Ân, huyện Tuy Phước2. Thuở trai tráng, Tuyết có sức mạnh, giỏi võ nghệ, tụ tập đồ đảng hoành hành các chợ. Giới giang hồ mãi võ đến hoạt động ở chợ Gò Chàm phải ra mắt Tuyết, được Tuyết cho phép mới được hành nghề.
Một hôm, có ông già trên 70 tuổi, râu rồng, tóc bạc, khuôn mặt rạng rỡ, quắc thước cùng 2 cô gái tuổi chừng 13 xinh đẹp đến chợ mãi võ. Hai cô múa kiếm vun vút, tài tình, mọi người khâm phục, cả chợ xúm lại xem, tiếng đồn khắp nơi.
Nguyễn Văn Tuyết hay tin, bèn dẫn hơn 10 thủ hạ đến trước mặt ông già quát nạt, vấn tội. Ông già không thèm trả lời. Tuyết tức giận xông vào đánh, ông không thèm đỡ. Tuyết thấy nhục nhã, kinh sợ bỏ về, tìm cách rửa hận.
Sau mới biết, ơng già đó là Trần Kim Hùng, 2 cô gái là cháu nội, quê ở thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Do con trai là Trần Kim Báu chết sớm, ông đi đó đây tìm đệ tử để truyền nghề. Khi Tuyết biết hối cải, tỏ ra rất thông minh, ông già hài lòng truyền hết các môn và gả cháu gái tên Trần Thị Lan cho Tuyết. 5 năm thành tài, Tuyết trở lại quê, bọn đồ đảng rất mừng. Tuyết tìm cách thuyết phục chúng làm ăn lương thiện. Một hôm, nghe tin Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đi tuần, đến phủ Quy Nhơn.
Nguyễn Văn Tuyết nói với vợ rằng: "Bá Hộ tiêu diệt nhà Tần thì tôi không làm được. Còn một ngọn trùy ở Bác Lãng1 thì may ra tôi có thể làm được. Tôi không còn nhẫn nhịn được nữa".
          Xa giá của chúa đến phủ thành Quy Nhơn. Đang đêm, Nguyễn Văn Tuyết lén vào hành cung, thấy quân lính canh gác rất nghiêm nên không dám đến gần để bắt chúa đền tội. Tuyết rẽ vào vườn sau, nghe tiếng ngựa hý khác thường biết đây là giống ngựa chiến mã tuyệt luân mà Tuyết đã từng nghe tiếng, liền lẻn vào trộm ngựa. Đêm đó, Nguyễn Văn Tuyết lên ngựa phi như bay đến vùng Tây Sơn Thượng mà trời vẫn chưa sáng tỏ. Đây quả là con ngựa Xích kỳ tuyệt vời - cống phẩm của vua Cao Miên  đã tặng cho chúa.
          Đến Quy Nhơn bị mất ngựa quý, chúa Nguyễn Phúc Khoát truyền lệnh truy nã khắp nơi, quan tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên xin chịu tội. Nhờ có Trương Phúc Loan xin, Tuyên mới thoát tội chết. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát về Phú Xuân, trong dinh tuần phủ Quy Nhơn thấy có hàng chữ lớn: "Kẻ trộm ngựa chính là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn" khiến cho Nguyễn Khắc Tuyên và mọi người đều kinh hãi".2
Từ đó, Nguyễn Văn Tuyết theo Nguyễn Huệ dựng cờ nghĩa Tây Sơn, cùng với quân đội Tây Sơn lập nhiều chiến công hiển hách.
Năm 1788, Nguyễn Văn Tuyết được Nguyễn Huệ giao trấn giữ Bắc Hà cùng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm. Khi quân Thanh sang biên giới, chuẩn bị tiến vào Thăng Long, ngày 21.12.1788, sau 4 ngày phi ngựa, Nguyễn Văn Tuyết từ Thăng Long về Phú Xuân báo tin cho Nguyễn Huệ để có phương lược phản công. Ngày hôm sau (22.12.1788), Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế ở núi Bân và lễ xuất quân ra Bắc đánh quân Thanh. Nguyễn Văn Tuyết được vua Quang Trung giao cho chỉ huy cánh quân đánh vu hồi nhằm tiêu diệt quân Thanh khi chúng rút khỏi Thăng Long tháo chạy về nước. Đội quân vu hồi do Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy đã góp phần đánh bại quân Thanh trên chiến trường Thăng Long vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789.
Năm 1802, Nguyễn Văn Tuyết và vợ là nữ tướng Trần Thị Lan phò giá vua Quang Toản ra Bắc bị tướng Lê Chất của Nguyễn Ánh bắn chết, Trần Thị Lan bị bắt. Bà đã dùng gươm tự sát.
Đô đốc Nguyễn Văn Lộc
Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Võ Đình Tú, Lê Văn Hưng được anh em Tây Sơn coi như chân tay.
Nguyễn Văn Lộc là người Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn, nay là xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ông là con nhà nghèo. Thuở nhỏ ông phải đi ở chăn trâu cho nhà giàu. Lộc khoẻ mạnh, lanh lợi được dị nhân bí mật truyền dạy các môn võ nên không ai biết tài năng của Lộc. Một hôm đi chơi về khuya, Lộc bị quân canh bắt trói vào cột đình. Thừa lúc bọn lính canh uống rượu say, Nguyễn Văn Lộc lấy mảnh sành lén cắt dây trói, chạy trốn. Quân canh đuổi theo đều bị Lộc đánh ngã, không gượng dậy nổi. Lộc chạy băng qua cánh đồng lúa chín, bị hô hoán là kẻ ăn cắp lúa. Mọi người xúm lại đánh, Lộc đều đánh ngã nhiều lớp trai tráng vây đánh mình rồi tháo chạy. Từ đó, người Tuy Viễn mới biết Nguyễn Văn Lộc có võ nghệ cao cường.
Nghe tin Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Văn Lộc tìm đến để xin gia nhập. Cũng chính từ đây, Nguyễn Văn Lộc trở thành cận tướng của nhà Tây Sơn với nhiều chiến công hiển hách.
Năm 1776, Nguyễn Văn Lộc chỉ huy đánh bại đạo quân Ngũ Sinh của Tống Phúc Hạp ở phía nam. Ông cũng đã nhiều lần cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ  đánh quân Nguyễn ở Gia Định.
Năm 1786, ông theo Nguyễn Huệ đánh bại quân Trịnh ở Phú Xuân do Phạm Ngô Cầu chỉ huy. Sau ông được cử làm Trấn tướng ở Thanh Hoá.
Trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1789, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được vua Quang Trung cử cầm đầu một đội quân thuỷ, tiến ra cửa Thái Bình rồi đổ bộ cho quân chặn viện và truy diệt quân Thanh từ Thăng Long thất bại trốn về nước. Đô đốc Nguyễn Văn Lộc đã phát hiện trong số tàn binh chạy trốn có Tôn Sĩ Nghị. Nghị biết quân Tây Sơn đang truy đuổi liền vội vàng lên ngựa tẩu thoát. Đô đốc Lộc đã bỏ mất cơ hội bắt sống tên chủ tướng của giặc Thanh.
Năm 1800, Nguyễn Văn Lộc chỉ huy 8000 quân đánh bại quân Nguyễn tại Kỳ Sơn (Tuy Viễn) do Võ Tánh chỉ huy. Nguyễn Văn Lộc còn mở thêm 20 trận phục binh để đánh quân Nguyễn. Với những chiến công đó, Nguyễn Văn Lộc được ca tụng là danh tướng hàng đầu của triều Tây Sơn.
* Đại tư mã Ngô Văn Sở  (? - 1795)
Trong các nhân vật Tây Sơn, Ngô Văn Sở là công thần bậc nhất, tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ đầu nhưng lại là nhân vật có nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Ví dụ như: quê quán, công nghiệp, cái chết, mồ mả, gia thế và hậu duệ. Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu về Đại tư mã Ngô Văn Sở trong điều kiện tư liệu hiện nay có được.
Các đợt khảo sát ở thôn Bình Thạnh (chợ Dinh), phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn trong các năm 1996, 1997, chúng tôi xác nhận: đây là quê quán của Đại tư mã Ngô Văn Sở thời Tây Sơn.1
Theo bản tiểu sử nhà họ Ngô2, ông Ngô Văn Diễn và bà Nguyễn Thị Mỹ sinh ra Ngô Văn Sở, Ngô Thị Nghé, Ngô Văn Tri, Ngô Thị Điệt, Ngô Văn Ngữ, Ngô Văn Dần.
Ngô Văn Sở có các bà vợ: Nguyễn Thị Quý, Đặng Thị Vây, Trương Thị Trà, Trần Thị Ngoạn, Lê Thị Yên, Huỳnh Thị Lan. Ngô Văn Sở sinh hạ được Ngô Văn Chương, Ngô Văn Kỳ.
Đại tư mã Ngô Văn Sở phò vua Quang Trung, trấn ở Thanh Hoá. Sau khi Ngô Văn Sở bị giết thảm hại, gia đình vợ con còn lại ở Bắc Ninh (miền Bắc). Từ đó không liên lạc được với bà con họ Ngô ở Bình Định .
Quách Tấn cũng xác nhận Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh (Tuy Phước). Ông là người khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ, thông binh pháp đã cùng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng kết bạn thân.1
Theo Nguyễn Bá Huân, Ngô Văn Sở kết nghĩa với Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu trước khi tham gia khởi nghĩa Tây Sơn. Thân phụ Bùi Thị Xuân hứa gả cháu của mình là Băng Tâm cho Ngô Văn Sở.2 Sau đó cả ba người đều theo Tây Sơn và trở thành danh tướng của cuộc khởi nghĩa. Tư liệu này cho phép chúng ta xác nhận quê quán của Ngô Văn Sở là ở phủ Quy Nhơn.
Từ ngày tham gia phong trào Tây Sơn, Ngô Văn Sở thành vị tướng lĩnh tài ba đánh quân Nguyễn ở phía nam, quân Trịnh ở phía bắc. Là một thuộc tướng của Võ Văn Nhậm, sau Nhậm làm phản bị Nguyễn Huệ giết (5.1788), Ngô Văn Sở được Nguyễn Huệ giao trọng trách trông coi 11 trấn Bắc Hà. Trong dịp này từ Thăng Long, các quan chức và tướng lĩnh được giao cai quản Bắc Hà như: Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thời Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long. Nguyễn Huệ nói rằng: "Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và Quốc chính của 11 trấn Bắc Hà uỷ thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa cách nhau. Đó là điều mong mỏi của ta vậy".3
Cuối năm 1788, vua Càn Long nhà Thanh cử 29 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo sang xâm lược nước ta. Trước binh lực hùng hậu của giặc Thanh, Ngô Văn Sở cho đánh cầm chân địch rồi rút quân về giữ phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình), cử Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã đánh giá rất cao "nước cờ Tam Điệp" của Sở. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, Ngô Văn Sở được vua Quang Trung cử làm tướng tiên phong đã góp phần vào thắng lợi huy hoàng chống Thanh xâm lược vào năm 1789.
Năm 1790, Ngô Văn Sở được vua Quang Trung giao cầm đầu đoàn  sứ gồm có Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn, Võ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công đưa Phạm Công Trị (người giả làm vua Quang Trung) sang Yên Kinh mừng thọ vua Càn Long nhân dịp 80 tuổi. Vua Thanh đón tiếp hết sức nồng hậu cũng là một thành công của Ngô Văn Sở. Về nước, Ngô Văn Sở tiếp tục được giao nhiệm vụ phụ trách 11 trấn Bắc Thành cho đến thời Cảnh Thịnh.
Năm 1795, vụ biến ở Kinh đô Phú Xuân do phe phái Võ Văn Dũng buộc vua Cảnh Thịnh bắt nộp Bùi Đắc Tuyên. Sau khi nhấn chìm Bùi Đắc Tuyên chết, Võ Văn Dũng làm giả chiếu lệnh của Tiết chế Nguyễn Quang Thuỳ cho người bắt Ngô Văn Sở  cho là phe phái của Bùi Đắc Tuyên, đóng cùm đưa về Kinh, lại sai Nguyễn Văn Huấn đem binh vào Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ - con của Bùi Đắc Tuyên giải về khép vào tội phản nghịch đều cho dìm xuống nước mà chết1.
Đó là cái chết oan nghiệt, thê thảm của Đại tư mã Ngô Văn Sở do phe cánh thanh trừng lẫn nhau dưới  thời Cảnh Thịnh. Còn Ngô Văn Sở trước sau vẫn là một tướng lĩnh tài ba phục vụ hết mình vì sự nghiệp Tây Sơn.2
* Nội hầu Phan Văn Lân
Phan Văn Lân cũng theo học với Giáo Hiến, giỏi võ nghệ. Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong chức  cho ông  làm Nội hầu.
Trong đợt ra đánh Phú Xuân rồi Thăng Long năm 1786, Phan Văn Lân là một trợ tướng của Nguyễn Huệ, được Nguyễn Huệ tin dùng. Năm 1787, khi giao Bắc Hà cho Võ Văn Nhậm cai quản, Nguyễn Huệ đã dặn với Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân rằng: "Nhậm trong chuyến đi này cầm trọng binh chuyên coi sóc việc một nước lớn (nhà Lê) thì việc biến không thể nào liệu dò được. Điều ta lo không  phải ở Bắc Hà mà chỉ ở Nhậm thôi. Bọn  người phải xem xét hắn, cũng như lửa vậy, dập tắt lúc mới nhen nhóm thì sức dễ làm".3
Sau khi giết Võ Văn Nhậm, giao Bắc Hà lại cho Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, Nguyễn Huệ nói với các tướng lãnh rằng: "Sở và Lân là nanh vuốt của ta".
Tháng 11.1788, quân Thanh ào ạt sang xâm lược nước ta, Bộ chỉ huy quân Tây Sơn ở Bắc Hà tìm phương kế đánh giặc. Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm đề nghị cho lui quân, Phan Văn Lân nói rằng: "Binh không cần đông, nước không cần lớn. Nay cầm binh ở ngoài, địch đến mình lại không đánh, lại bị lời đồn đãi trống không đe doạ đã vội rút lui như thế thì lấy gì làm tướng được".1
Phan Văn Lân tự mình chỉ huy một cánh quân tiến lên miệt sông Nguyệt Đức, đang đêm giá rét vượt sông để đánh quân Thanh đang đóng ở núi Tam Tầng. Quân Tây Sơn một số bị chết rét, chết chìm, số vượt qua được sông bị quân Thanh giết, Phan Văn Lân vội vã thu quân về.
Khi vua Quang Trung ra Tam Điệp, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân phủ phục xin chịu tội. Vua Quang Trung tha và giao cho Đại tư mã Ngô Văn Sở và Nội hầu Phan Văn Lân làm tướng tiên phong chỉ huy đội Tiền Quân đánh quân Thanh và góp phần tích cực đưa đến thắng lợi trong cuộc chiến Thăng Long đầu năm 1789. Quân Thanh sợ Phan Văn Lân nên thường gọi ông là "Phi tướng quân" (tướng trời bay xuống).
Phan Văn Lân trí dũng, đánh giỏi được Vua ban thưởng vật gì thì đem khao quân. Ra trận, Nội hầu Phan Văn Lân hiệu binh rất nghiêm, cùng tướng sĩ đồng cam cộng khổ, gặp địch thì xông ra trận trước, thắng trận thì quy công cho kẻ dưới. Vì vậy, người người mến mộ xin vui lòng phục vụ, danh tiếng lẫy lừng gần xa.2
* Đô đốc Lý Văn Mưu
           Lý Văn Mưu còn có tên là Lý Văn Bưu, người thôn Đan Khoang, huyện Phù Ly (nay là Phù Cát, tỉnh Bình Định). Thuở trẻ, Lý Văn Mưu nổi tiếng phóng lao, bắn cung, đặc biệt là phi ngựa nên ông còn có biệt danh là "phi vân báo" (con báo bay trong mây). Ông có tài luyện tập ngựa chiến nên Bùi Thị Xuân thường đến ông học võ rồi thân quen. Được Bùi Thị Xuân giới thiệu, Lý Văn Mưu tham gia khởi nghĩa Tây Sơn và được giao nhiệm vụ chăn nuôi, sản xuất hậu cần và luyện tập đoàn chiến mã và kỵ binh ở vùng Tây Sơn Hạ.
Đô đốc Lý Văn Mưu tham gia nhiều trận đánh quân Nguyễn và quân Trịnh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, Đô đốc Mưu chỉ huy Hữu quân, phụ trách đội tượng binh và kỵ binh. Đô đốc Mưu cho quân bọc lên phía tây qua ngả Chương Đức rồi tiến thẳng đến Nhơn Mục, huyện Thanh Trì, phối hợp với đội quân của Đô đốc Đông, Đô đốc Long đánh vào sở chỉ huy của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng. Đô đốc Mưu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần đánh bại quân Thanh xâm lược vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789).
* Tiết chế Võ Văn Nhậm (?- 1788)
Võ Văn Nhậm quê ở Quảng Nam, võ giỏi, có sức khoẻ, tính phóng khoáng, ngang tàng. Nhậm được sung quân ở dinh Quảng Nam, thăng đến chức Nha tướng. Nhậm coi thường kẻ bất tài dù là cấp trên, kiêu căng, hay uống rượu nên bị thải hồi. Nhậm buồn bực đi vào phủ Quy Nhơn để tìm lối thoát. Đi được một đoạn đường gặp tên thổ hào ác bá đang cưỡng hiếp con gái chưa chồng, Nhậm tung gươm chém chết, định ra chịu tội ở cửa quan. Không ngờ gặp Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu đưa Nhậm đến gặp Nguyễn Nhạc. Nhậm tỉnh ngộ, hoàn lương, phát huy mọi tài lực phò giúp Tây Sơn. Nhậm được Nguyễn Nhạc yêu quý gả con gái và phong chức Tả quân Đô đốc. Nhậm rất giỏi võ và bắn cung.1
Trong trận đánh Phú Xuân - Thuận Hoá năm 1786, Tả quân Đô đốc Võ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ giao chỉ huy đội quân Thuỷ tiến thẳng ra sông Gianh, đổ bộ lên đất Quảng Bình tiêu diệt các căn cứ quân sự của quân Trịnh. Sau đó được Nguyễn Huệ tiếp tục cử ra Thăng Long đánh quân Trịnh (1786).
Năm 1787, Võ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ cử quân ra Thăng Long giết Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống bỏ trốn khỏi Kinh thành. 11 trấn Bắc Hà, Tây Sơn giao cho Võ Văn Nhậm trấn trị với chức Tiết chế. Do có biểu hiện lộng quyền, làm phản, tháng 5 năm 1788, Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long giết chết Nhậm, giao Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân... Nguyễn Huệ về Phú Xuân chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Thanh.
* Đô đốc Đặng Văn Long
Đặng Văn Long người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, lúc nhỏ học võ, thông minh, thông thạo môn ngạnh quyền (võ cứng). Sau xin theo học với Trương Văn Hiến môn miên quyền (quyền mềm dẻo như bông). Học 5 năm thành tài, Đặng Văn Long thành thạo 2 môn quyền cứng và mềm trở thành vô địch trong thiên hạ. Giới võ lâm gọi Long là Đặng Vô Địch. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Thanh, để có một chiến thắng ngoạn mục, Đặng Văn Long ra trận mặc áo trắng, tay cầm kích, lưng đeo cung và hét to xông vào cản phá quân địch. Quân Thanh kinh hồn bỏ chạy. Sau chiến thắng này, Đặng Văn Long được tuyên dương là Bạch y tướng quân (tướng quân áo trắng), Nguyễn Huệ ban cho 2 con ngựa chiến và 40 xấp lụa.
Dưới thời Cảnh Thịnh, Đặng Văn Long giúp Ngô Văn Sở trấn giữ Bắc Thành, có chiến công trấn áp các cuộc chống phá của phe phái nhà Lê cũ. Ông được phong chức Tả Võ lâm quân đại tướng quân. Lúc chết, Đặng Văn Long được ban  thụy hiệu là Trung Tráng.1
Tham tri Võ Đình Tú (? - 1799)
Võ Đình Tú quê ở Phú Phong, cùng thời và cùng quê với Võ Văn Dũng. Ông là con nhà giàu, có tính can đảm, hào phóng và thông minh, được một nhà sư truyền nghề hơn 10 năm. 25 tuổi thành tài, trở về nhà xem sách, chỉ có giao du với Võ Văn Dũng. Được Võ Văn Dũng giới thiệu với các thủ lĩnh Tây Sơn. Do có võ nghệ giỏi lại có binh pháp tuyệt hảo nên Võ Đình Tú được Nguyễn Huệ quý mến, thường bàn chuyện binh với Tú.
Nguyễn Huệ nói với các tướng: "Đình Tú có tài văn, võ; ngày sau sẽ là bầy tôi rường cột". 
Bùi Thị Xuân cho thêm 4 chữ vàng "Thiết côn vô địch" trên lá cờ của Võ Đình Tú để chỉ rõ tài năng sử dụng côn sắt của Tú. Tham gia triều Tây Sơn, Võ Đình Tú giao làm Chủ sự bộ Binh. Thời Cảnh Thịnh được thăng chức Tham tri bộ Binh phụ trách hai phủ Quy Nhơn, Phú Yên. Khi quân Nguyễn đánh Quy Nhơn (1799), Võ Đình Tú cầm quân chỉ huy bị trúng tên chết trước sự thương tiếc của tướng sĩ.2
* Đại tư mã Nguyễn Văn Danh, Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn
Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Văn Huấn là 2 anh em, người gốc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tổ tiên bị quân Nguyễn bắt vào khai phá vùng hòn Chân Lớn, xã Đại Phong (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Nhà nghèo, có chí lớn, vào An Thái, học với thầy Trương Văn Hiến, là bạn đồng môn với anh em Tây Sơn.3
Do có công lao trong thời Quang Trung nên khi Quang Toản lên ngôi, Thiếu bảo Nguyễn Văn Danh cùng Đại tư mã Ngô Văn Sở được giao trấn thủ Bắc Thành, hộ giá Nguyễn Văn Huấn cùng Trần Quang Diệu trấn thủ Nghệ An.
Sau khi dẹp xong quyền thần Bùi Đắc Tuyên (1795), vua Cảnh Thịnh lập tứ trụ đại thần có 4 vị là Thiếu phó Trần Quang Diệu, Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, Đại tư đồ Võ Văn Dũng và Đại tư mã Nguyễn Văn Danh.1 Sau thấy Trần Quang Diệu có nhiều uy quyền sợ sinh biến, Cảnh Thịnh tước hết binh lực của Trần Quang Diệu nên thực lực của triều đình Cảnh Thịnh thuộc về Võ Văn Dũng  và 2 anh em Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh.
Năm 1801, vua Cảnh Thịnh và triều thần bị Nguyễn Ánh đánh bật ra khỏi Kinh đô Phú Xuân. Đại tư mã Nguyễn Văn Danh hộ tống Cảnh Thịnh và triều thần vượt sông Gianh chạy ra Bắc. Nguyễn Văn Danh đã chiến đấu, trung thành đến cuối đời với sự nghiệp Tây Sơn.
* Tướng quân Lê Văn Hưng
Lê văn Hưng người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Giỏi võ, có ngọn roi tuyệt diệu. Tuy xuất thn l tướng cướp nhưng không phá phách của dân, tính tình khoan hậu nên được nhiều người quý mến. Hưng ra tham gia phong trào Tây Sơn đánh giữ vùng Diên Khánh, 3 năm cầm chân quân Nguyễn. Hưng có trí dũng, đánh giỏi. Nguyễn Ánh nghe tên Hưng  rất hoảng sợ, coi Hưng là kẻ vô địch.
Lê Văn Hưng là một trọng thần thời Cảnh Thịnh, quyền thế rất uy, hiệu lệnh triều Tây Sơn do Hưng ban bố.
 Do nghi ngờ chuyên quyền, Hưng bị dèm pha nên Cảnh Thịnh ra lệnh giết.2
Nguyễn Thung, Huyền Khê
Nguyễn Thung và Huyền Khê là hai nhân vật chủ chốt tham gia khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đầu.
Sau khi lực lượng Tây Sơn phát triển xuống Hạ đạo lấy Kiên Thành làm sở chỉ huy. Nguyễn Nhạc xưng đệ nhất trại chủ, Nguyễn Thung làm đệ nhị trại chủ cai quản huyện Tuy Viễn.
Nguyễn Thung xuất thân từ phú nông, kinh sử thông thuộc, tính cách nhân hậu, hào phóng nên được lòng mọi người.
Huyền Khê là một thương gia ở Thị Nại làm đệ tam trại chủ, coi việc binh lương. Đó là Bộ chỉ huy Tây Sơn năm 1773 lãnh đạo nghĩa quân làm nên chiến thắng đánh chiếm phủ Quy Nhơn.1
 * Nhưng Huy, Tứ Linh
Nhưng Huy và Tứ Linh là hai biệt hiệu, cũng không rõ quê quán. Họ sống bằng nghề lục lâm; sào huyệt đóng ở nguồn An Tượng, thủ hạ có vài ba chục người, chuyên hoạt động ở vùng Tuy Viễn đến phủ Phú Yên. Năm 1773, Nhưng Huy và Tứ Linh theo Tây Sơn cùng Nguyễn Thung dẫn một cánh quân đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Nhưng Huy và Tứ Linh về sau bị Nguyễn Nhạc giết.
* BoK Kiơm
Bok Kiơm là thủ lĩnh của dân tộc Xê Đăng (Xà Đàng) ở miền Tây An Khê. Ông là con của Bilibơrơn; tương truyền là con của vị thần Yàng gửi xuống nhân thế.
Bok Kiơm khôi ngô, thông minh, tự nhận mình là dòng nhà trời, cai quản các dân tộc Xê Đăng, Bana. Ông là người  có uy tín và quyền lực rất lớn đối với các dân tộc ở miền Tây phủ Quy Nhơn. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, các bộ tộc đều theo Nguyễn Nhạc. Riêng Bok Kiơm không theo vì cho rằng Nguyễn Nhạc chỉ là người trần mắt thịt. Nguyễn Nhạc dùng mẹo nên đã thu phục được đàn ngựa rừng mà Bok Kiơm cho là ngựa thần không khuất phục nổi. Qua sự việc này, Bok Kiơm tin Nguyễn Nhạc và đi theo Tây Sơn. Bok Kiơm giúp Tây Sơn thu phục các dân tộc, tổ chức 2 đội quân người Thượng. Trong trận đánh phủ thành Quy Nhơn năm 1773, Bok Kiơm chỉ huy cánh quân Thiểu số mai phục ở hào thành. Nửa đêm có pháo lệnh, Bok Kiơm hô hào binh sĩ xông lên phá cửa đoạt thành.
Quý trọng tài năng, Nguyễn Nhạc thưởng cho Bok Kiơm một con ngựa chiến, một roi mây bịt vàng, ngọn giáo bằng bạc và giao cho trấn giữ vùng An Khê. Hàng năm, được Nguyễn Nhạc cung cấp muối và cá khô để Bok Kiơm ban phát cho các dân tộc ở miền núi Tây Nguyên.
Ngày nay, người Gia Rai, người Bana đều tự nhận mình là thân thuộc của Bok Kiơm.2
* Thái phó Đặng Xuân Phong
Đặng Xuân Phong, quê ở huyện Tuy Viễn, là người có khí tiết, mưu lược, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, lúc ra trận thường cưỡi ngựa màu đen, tay cầm cây côn bằng đồng.
Sau chiến thắng quân Trịnh, ông được Nguyễn Huệ giao chức vụ Kinh lược An phủ sứ Thuận Hoá.
Dưới thời vua Cảnh Thịnh, Đặng Xuân Phong làm Tả quân đô đốc, rồi Tuyên phủ sứ Quy Nhơn kiêm chức Chiêu thảo sứ Phú Yên và Diên Khánh.
  Năm 1795, Đặng Xuân Phong được phong chức Thái phó, tước Huyện công. Đặng Xuân Phong lấy em gái Bùi Đắc Tuyên nhưng không vì thế mà ông bợ đỡ kẻ quyền gian, cùng quân sĩ chiến đấu đồng cam cộng khổ. Nhiều lần lập được chiến công. Trong quân gọi ông là '' Huy tiệp tướng quân'' (tướng quân thắng trận). Quân Nguyễn sợ ông gọi ông là Trại Kính Đức.1
* Tướng quân Lê Văn Trung
Lê Văn Trung, người huyện Phù Ly (nay là Phù Mỹ), người khoẻ mạnh, trung nghĩa. Ra trận, ông thường cầm cây thương bạc để chiến đấu, lập được nhiều chiến công lớn. Dưới thời Cảnh Thịnh, ông được phong chức Phòng ngự sứ.
Quân Nguyễn bắt vợ con ông, sai sứ giả gọi ông đầu hàng, ông chém sứ giả để giữ khí tiết. Ông tổ chức phản công đánh quân Nguyễn thắng nhiều trận, uy thế Tây Sơn dần khôi phục. Về sau, nghe lời nịnh thần, Cảnh Thịnh sai giết Lê Văn Trung ở Thuận Hoá.2
* Tướng quân Phạm Cần Chính
Phạm Cần Chính người huyện Phù Ly (nay là Phù Cát), là người có khí tiết, thông minh, có trí nhớ tốt, ưa đọc binh thư Tôn, Ngô. Ông là người có sức mạnh như thần, chưa tới 20 tuổi đã kéo cung nặng 300 cân, kéo nỏ nặng 6 thạch, sử dụng giỏi giáo sắt, quân đội gọi ông là Phạm Thiết Sóc. Ông có nhiều công lao trận mạc, vua Quang Trung ban cho họ Nguyễn, trông coi binh quyền ở phủ Quảng Ngãi. Thời Cảnh Thịnh, khi Phú Xuân rồi Thăng Long thất thủ, ông chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Ánh nhiều lần dụ hàng, ông không chịu, tiếp tục điều quân mở nhiều trận phản công. Quân Nguyễn gọi ông là người kỳ lạ trong thiên hạ.3
* Tướng Đặng Xuân Bảo: là người mưu trí, trung liệt, luôn tiên phong trong những trận đánh và lập được nhiều chiến công. Ông đã chiến đấu đến cùng cho đến khi quân Nguyễn ra Bắc, ông bị bắt. Ông không chịu khuất phục và đã nhịn ăn 5 ngày rồi chết.
* Ngũ Phụng Thư  (5 nữ tướng Tây Sơn)
Ngũ phụng thư gồm 5 nữ tướng Tây Sơn đứng đầu là Đô đốc Bùi Thị Xuân, 4 nữ  tướng còn lại do Đô đốc Bùi Thị Xuân đào tạo, trở thành các Phó tướng là Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.
Bùi Thị Nhạn: là con út của Bùi Đắc Lương - em của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bùi Đắc Chí (thân phụ Bùi Thị Xuân) là anh Bùi Đắc Tuyên quê ở thôn Xuân Hoà, huyện Tuy Viễn. Bùi Thị Nhạn là cô của Bùi Thị Xuân nhưng lại ít tuổi hơn1.
- Trần Thị Lan là em ruột bà Trần Thị Huệ (vợ của Nguyễn Nhạc), con của Trần Kim Báu, cháu của võ sư Trần Kim Hùng - người thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Trần Thị Lan được ông nội cho học võ nghệ và rất giỏi về kiếm thuật, luyện người uyển chuyển như chim én nên được ông yêu quý. Sau khi gặp Nguyễn Văn Tuyết ở chợ Gò Chàm, võ sư Trần Kim Hùng cùng Tuyết lên đường truyền nghiệp võ công để hai cháu gái ở với bà nội.2 Trần Thị Lan về sau là vợ của Nguyễn Văn Tuyết.
Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc quê ở Quảng Ngãi. Cả hai đều giỏi về kiếm thuật, nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến mở trường dạy võ ở An Thái, hai bà xin thụ giáo nhưng Giáo Hiến không nhận nữ  làm đồ đệ nên giới thiệu lên Xuân Hoà học với bà Bùi Thị Xuân.
Bốn bà Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc đều trẻ, xinh đẹp, võ nghệ cao cường, tôn Bùi Thị Xuân làm thầy và xem nhau như ruột thịt. Người đương thời tôn làm "ngũ phụng thư".3
Ngũ phụng thư là những nữ tướng chỉ huy đội đoàn nữ binh trên 2000 người và tổ chức, huấn luyện, điều khiển đội tượng binh gồm 100 thớt voi đã lập nên nhiều chiến công làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam thời Tây Sơn.4
Các võ tướng người Bình Định tham gia sự nghiệp Tây Sơn  còn có hai cha con Vũ Đình Huấn và Vũ Thị Đức - người quê Phù Cát theo Tây Sơn từ đầu, góp phần làm nên chiến thắng quân Thanh vào đầu năm 1789. Vũ Đình Huấn cũng là một vị tướng đã tích cực tham gia trong cuộc chiến chống Thanh. Nữ tướng Vũ Thị Đức chỉ huy đội quân thám báo Tây Sơn đã bí mật, mưu trí diệt gọn đồn Gián Khẩu của quân Thanh tại Ninh Bình vào đêm 30 Tết xuân Kỷ Dậu mở đầu cho chiến dịch đại thắng quân Thanh vào ngày mồng 5 tết.

VỀ BAN VĂN
* Trương Văn Hiến (? - 1773)
Trương Văn Hiến là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông là Thầy giáo -  người đã  gieo mầm cho cuộc khởi nghĩa và đã công phu đào tạo nên các tướng lĩnh và thủ lĩnh Tây Sơn ở hai phủ Quy Nhơn - Quảng Ngãi.
Trương Văn Hiến là thân thuộc của Nội hữu Trương Văn Hạnh (anh em thúc bá) - một đại thần tứ trụ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Đương thời, Nguyễn Phúc Khoát cử Trương Văn Hạnh làm thầy riêng để dạy cho Nguyễn Phúc Luân1 - Hoàng tử  thứ hai; do anh cả là Chương bị chết  nên Luân chuẩn bị nối ngôi. Nguyễn Phúc Luân 12 tuổi, quyền thần Trương Phúc Loan lợi dụng Phúc Luân còn trẻ tuổi đã âm mưu cùng Thái giám Chữ  Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông đổi di mệnh rồi lập Nguyễn Phúc Thuần - con thứ 10 của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi lúc 11 tuổi. Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan bắt giam. Nội hữu Trương Văn Hạnh, Thị giảng Lê Cao Kỷ bị Loan giết.2 Trương Văn Hiến bị truy nã nên trốn vào Quy Nhơn lập trường dạy văn và võ ở An Thái, mong chờ ở thế hệ tôn sinh làm nên nghiệp cả, quét sạch bọn quyền thần Trương Phúc Loan để cứu dân và rửa hận nhà. Trong số học trò xuất sắc của Giáo Hiến có 3 anh em Tây Sơn; 2 anh em  Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh. Trong đó, Nguyễn Huệ là người được thầy tận tâm rèn dạy cả võ công lẫn binh pháp nên đã nhanh chóng thành tài.
Theo Tây Sơn tiềm long lục, sau khi giết Trương Văn Hạnh, Trương Phúc Loan truyền lệnh bắt Trương Văn Hiến để trừ căn gốc phục thù. Trương Văn Hiến gặp sư Trí Viễn xin ý kiến. Sư khuyên Hiến vào miền Tây Sơn - nơi có đất khởi nghiệp đế vương để tìm cơ hội rửa hờn cho dn.
Đến phủ Quy Nhơn, nhân vụ cướp thuyền buôn của phú thương họ Phan, Bọn cướp đã giết võ sư Đặng Quan (người hộ tống thuyền buôn) để cướp của. Trương Văn Hiến ra tay dùng sào đánh chết bọn cướp, cứu được thương lái, bảo vệ tài sản. Nhà họ Phan rất vui mừng mời Trương Văn Hiến về nhà báo đáp công ơn. Trương Văn Hiến chỉ xin dựng cho một nhà tranh ở Tuy Viễn làm trường dạy học. Nghe tiếng Giáo Hiến, học sinh khắp nơi đến xin thụ giáo. Ba anh em Tây Sơn cũng được ông Hồ Phi Phúc cho đến học với Giáo Hiến. Giáo Hiến đã rất vui mừng tiếp nhận những học trò này":
Vui lòng, vừa ý gật đầu
Ba em  phúc lộc cao sâu ai tày
Khôi ngô vạm vỡ chân tay
Nghề văn nghiệp võ phải hay hơn người".
Ba anh em Tây Sơn chuyên chú luyện tập. Giáo Hiến khuyên anh em Tây Sơn đổi họ Hồ ra họ Nguyễn để  ứng cu sấm" phụ Nguyên trì thống", đợi ngày lập công. Hồ Thơm đã đổi thành Nguyễn Huệ.
Giã từ Thầy, 3 anh em Tây Sơn lên vùng Thượng đạo chiêu binh khởi nghĩa. Giáo Hiến nói:
Thượng du lắm kẻ anh hùng
Các em về đó vẫy vùng tốt hơn
Nghĩa kỳ dựng tại Tây Sơn
Tận trung báo quốc rửa hờn cho dân.
Sau này rạng rỡ đai cân
Phải dùng đức trị mười phân vẹn mười
Khi phong trào phát triển, Giáo Hiến được Nguyễn Nhạc mời lên căn cứ xem binh mã và để nghe lời Thầy căn dặn. Trương Văn Hiến khuyên phát triển lực lượng về đồng bằng. Giáo Hiến làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa đánh vào huyện lị Tuy Viễn và giành được thắng lợi. Đang lúc quân Tây Sơn chuẩn bị đánh phủ thành Quy Nhơn, Trương Văn Hiến đột nhiên bị bệnh, chết đột ngột.
Tuy chưa thấy được thành quả của cuộc khởi nghĩa, nhưng trước khi chết, Trương Văn Hiến mãn nguyện vì đã đào tạo được đội ngũ học trò tài đức, trong đó có anh em nhà Tây Sơn - người sẽ thực hiện hoài bão của nhân dân Đàng Trong, của Thầy giáo Trương Văn Hiến.
Tương truyền phò mã Trương Văn Đa của vua Thái Đức là con của Trương Văn Hiến.
* Thượng thư Lê Công Miễn (1740 - 1800)
Lê Công Miễn sinh ngày 19.5.1740, người quê thôn Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn nay là thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.
Lê Công Miễn thuộc dòng dõi Lê Công Triều quê ở huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh), theo chúa Nguyễn vào Thuận Quảng từ thế kỷ XVI. Lê Công Miễn cha là Lê Công An, mẹ họ Đỗ.1 Năm 16 tuổi, ông ra Phú Xuân học với thầy Trịnh Quang, sau ông xin ngụ tại nhà viên thái giám Liêu thẩm hầu Nguyễn Quang Vinh, trong nhà có nhiều thư sách và rất chuộng văn chương. Sẵn sáng ý, thông minh nên chẳng bao lâu Lê Công Miễn trở thành người có sức học, sức hiểu biết xuất chúng ở đất đô thành. Gia phả họ Lê ghi rằng: ''Sức học và văn chương khó người địch nổi, kinh điển lại càng uyên bác''.
Năm 1775, quân Trịnh chiếm Phú Xuân, ông lánh về Tiên Tĩnh (Dương Xuân) mở trường dạy học. Nghe tiếng ông, chính quyền Lê - Trịnh cho người mời ông ra làm quan nhưng ông đã từ chối, trốn về quê nhà.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế lập kinh đô ở thành Đồ Bàn, cho sứ giả mang lễ vật đến mời ông ra tham chính. Năm 1784, Lê Công Miễn đến thành Hoàng Đế ra mắt vua Thái Đức.
Lê Công Miễn được vua Thái Đức giao làm Hàn lâm viện Thị độc rồi Thị lang bộ Lễ và được giao nhiệm vụ ''mật trực thụ thư''. Nghĩa là hàng ngày vào trong mật thất giảng sách cho nhà vua học. Ngoài việc giảng kinh sách cho nhà vua, ơng còn giúp vua sửa sang việc triều chính với tư cách là quân sư cho Hoàng đế.
Năm 1795, vua Cảnh Thịnh mời ông ra kinh đô Phú Xuân, bổ làm Đô ngự sử, phụ trách viện Đô sát và là thầy dạy học của nhà vua ở Viện Kinh Diên. Năm 1796, Lê Công Miễn được bổ làm Thượng thư bộ Hình.
Vâng mệnh nhà vua, ông tham khảo bộ luật Hồng Đức nhà Lê và luật nhà Thanh (Trung Quốc) để soạn bộ Hình Thư của triều Tây Sơn. Bộ luật Hình Thư soạn xong, chưa kịp thi hành thì ông bị bệnh chết (1800) và sau đó triều Tây Sơn sụp đổ nên hiện nay bị thất truyền.2
Lê Công Miễn là người học rộng, trung nghĩa, làm quân sư, thầy học cho hai hoàng đế Thái Đức và Cảnh Thịnh, Thượng thư bộ Hình thời Tây Sơn. Ông mất ngày 19 tháng 11 năm Canh Thân (24-12-1800) trọn một vòng niên giáp 60 năm. Mộ táng ở Tiên Tĩnh (Dương Xuân- Huế), sau cải táng đưa về quê. Lê Công Miễn được vua Cảnh Thịnh ban tên thuỵ là Cung Giản.3
* Đinh Văn Nhưng
Ông tổ họ Đinh ở thôn Bàng Châu (Đập Đá) là Đinh Văn Hòe, đi lính cho chúa Nguyễn, lấy vợ ở đây sinh ra 3 người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm. Lúc nhỏ nhà nghèo, ông Nhưng phải có cuộc sống tự lập, tính ngang bướng, không chịu luồn cúi ai, nhưng nhờ giỏi võ nghệ, có tầm nhìn nên ông đã tổ chức khai hoang ở Thanh Liêm, Đa Tài,... chẳng bao lâu ông trở nên giàu có, trong nhà có nhiều người giúp việc, ông lại là một võ sư, một quân sư nổi tiếng trong vùng.
Nghe tiếng ông, trước lúc khởi nghĩa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đến ông xin cho học võ. Ông nhận 2 anh em Nhạc và Huệ làm con nuôi, được ông chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Lúc Tây Sơn khởi nghĩa, ông Đinh Văn Nhưng đưa thóc, gạo, bắp, mè... cho ngựa chở lên căn cứ  Tây Sơn ủng hộ nghĩa quân...
Sau khi lên ngôi (1778), vua Thái Đức phong cho ông làm tước Sanh Sơn Bá và cấp sắc phong cho ông.
Được mời vào triều, vẫn tính ngang tàng, là bậc phụ mẫu của Hoàng đế nên ông coi thường việc triều chính. Về nhà, dân xúm lại chúc tụng, hỏi ông về việc nhậm chức, ông trả lời:
                     Bồng bềnh chi tướng
                     Uýnh chướng chi quan
                     Bộn bàng chi chức
                     Chảng chảng ngang thiên.
  Vì thế nên ông còn có tên là Chảng. Ngày nay  gặp người ngang tàng, dân trong vùng thường gọi '' Chảng ngang thiên'', hay" ngang quá ông Chảng".1
  Mỗi lần vào kinh đô hầu triều, ông ngồi trên một cái ghế thang có 4 người khiêng, có vài chục người theo hầu cầm cào cỏ, cuốc chĩa, cuốc... xuổng, thang, vũ khí. Có 2 cây dù du thay 2 cái lọng che hai bên. Khi ra vào Kinh thành, đám người dùng miệng làm kèn, trống tưng bừng rộn rịp... mọi người trông ngộ nghĩnh ra xem như ngày hội.2
Khi quân Nguyễn thắng thế, sợ trả thù con cháu, ông đổi từ họ Đinh sang họ Đào và tản mát làm ăn khắp nơi để lánh nạn. Mộ của ông cũng lập 6,7 mộ giả vì sợ khai quật trả thù nên ngày nay con cháu vẫn không biết đích xác mộ của ông ở đâu, ngày kỵ ông là ngày 15 tháng 5 âm lịch. Bản gia phả do ông Đào Văn Hỷ (sinh năm 1920) - đời thứ 9 soạn kể từ  đời thứ 3 là Đào Văn Quý... đến nay đều lấy họ Đào. Nếu khẳng định truyền thuyết "sinh Đào tử  Đinh" (lúc sinh lấy họ Đào, lúc chết lấy họ Đinh) vì sợ trả thù con cháu ơng Đinh Văn Nhưng là có cơ sở.
* Theo Tây Sơn Văn thần liệt truyện của Nguyễn Bá Huân (1848-1899), Đinh Văn Tuấn và Nguyễn Thế Triết sưu tầm và dịch, Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1979, có các nhân vật sau đây quê ở Bình Định:
* Võ Xuân Hoài
"Quê ở Bình Khê, ông là người thông minh, học rộng. Đầu triều Quang Trung làm Quốc tử giám tư nghiệp, đổi làm Hàn lâm học sĩ. Đầu triều Cảnh Thịnh, dạy vua học, tổng tu tác phẩm Lê triều thực lục. Sách viết xong, vì bị bệnh xin về. Chuyên cần việc giảng học. Bốn phương đến xin học đến mấy ngàn người. Chết, được ban tên thụy là Văn Chính. Xuân Hoài có lời bình tổng quát về các sách Dịch, Thư, Xuân Thu, Lễ ký. Ông có viết hai thiên Cơ học, và Học Thống".
* Lê Văn Huân
''Người đời Tây Sơn, ở An Nhơn, tự là Nghĩa Tiên, giỏi văn, lại sở trường về thư, từ và thể văn tứ lục. Năm Quang Trung thứ 4 (1791), phụng chiếu soạn ''Trần triều thông sử cương mục'', đúng ý vua. Làm quan tri huyện Tuy Viễn. Lúc làm quan thanh liêm. Người ta cho rằng ông ưa phong tiết, nhiều phong lực, giàu phong nhã nên gọi là ''Tam phong thái thú''. Ở nhà, ai cầu thơ văn của ông thì đem hoa và cây đến làm tiền nhuận bút. Do đó, gọi vườn của ông là rừng trồng chữ.''
 * Đinh Sĩ An
''Ông quê ở Bình Khê. Thơ văn thanh nhã khoáng đạt, lại giỏi viết và vẽ. Cùng Ngô Diên Diệu, Phan Bỉnh Vân, Huỳnh Chiếu được đời xưng là bốn tài tử thời Tây Sơn. Cuối đời Quang Trung thi đỗ, vào kinh đô làm Hàn lâm viện đãi chiếu. Người đời gọi ông là Đinh Đãi Chiếu. Về hưu, chết năm 90 tuổi, được ban tên thụy là Trinh Hiếu tiên sinh''.
* Trần Trọng Vĩ
''Ông quê ở Hoài Ân. Cuối đời Quang Trung làm quan Thị lang bộ Lễ. Đời Cảnh Thịnh bị Bùi Đắc Tuyên ghét bỏ, sau được phong chức Tư không, Phòng ngự Quy Nhơn. Lúc về với chức Tham tri ở Bồng Sơn cùng Đinh Sĩ An, Đặng Mộng Kỳ… thành lập Thi xã Lưỡng Hoài. Người đời cho đó là một chuyện tốt đẹp. Chết năm 82 tuổi, được ban tên thụy là Trung Liệt. Trọng Vĩ làm quan hai triều Quang Trung, Cảnh Thịnh gần 20 năm, tiếng tăm vang lừng trong triều ngoài nội, đương thời gọi là "bề tôi hiền''.
* Phan Văn Thọ
''Người đời Tây Sơn, ở Hoài Nhơn. Triều Quang Trung làm chức Biên tu. Triều Cảnh Thịnh đổi làm Ngự sử, rồi ra làm quan tri huyện ở Tuy Viễn, điều đi coi thành Quy Nhơn. Quân Nam (quân Nguyễn Ánh) đánh ra Bắc, khi địch sắp đến thành, Văn Thọ vừa đi ra coi việc lương, vợ là Lâm Thị Bạch giữ  thành cố thủ, đâm ngón tay lấy máu, viết thư xin cứu viện với tổng binh trấn Quảng Ngãi là Nguyễn Văn Lộc. Quân viện đến và giải vây được. Do đó, tiếng tăm vợ chồng Văn Thọ vang dội.
Văn Thọ thăng chức An phủ ở Phú Yên. Chết, được ban tên thụy là Văn Túc.
* Triệu Đình Tiệp
''Người thời Tây Sơn, ở An Nhơn. Thời vua Quang Trung làm quan tri huyện ở Tuy Viễn: trong sạch, nghiêm nghị, có thành tích cai trị. Quang Trung chết, phụng sứ sang nhà Thanh, nói với vua Thanh tuyệt giao với nhà Nguyễn, hoà cùng Tây Sơn, đổi làm trung giám quân. Sau khi Ngô Văn Sở chết, được phong làm Tế ninh hầu, ra coi Quy Nhơn. Thưởng phạt sáng suốt, quyết đoán, giỏi vỗ về quân sĩ. Đến lúc chết, gia đình vẫn cảnh thanh bạch, đạm bạc".
* Cao Tắc Tựu
 “Cao Tắc Tựu quê ở Phù Mỹ. Thông minh, có kiến thức, lại càng tinh thông phép dùng binh. Mặt mày khơi ngơ, tuấn tú. Người đương thời gọi là Ngọc Nhân (người bằng ngọc), lại nói, thấy Tắc Tựu như đứng gần núi ngọc được phản ánh vẻ đẹp vậy.
Đời Quang Trung ông làm Lại bộ Thị lang. Đến thời Cảnh Thịnh  phong chức Trung thư lệnh, giữ trọng trách việc triều chính. Chết, được ban tên thụy là Văn Định.''
          La Xuân Kiều
  "Tổ của ông vốn người ở Phúc Kiến. Cuối đời Minh đến Quy Nhơn, rồi định cư ở Phù Cát. Giỏi viết chữ, tinh thông cưỡi ngựa, bắn cung. Đầu thời Tây Sơn làm quan Thủ bị, theo Nguyễn Huệ đánh Phú Xuân, chiếm Thanh Hoá, Sơn Nam các xứ. Tiếng tăm quân Tây Sơn vì vậy vang dội. Thời Cảnh Thịnh làm tổng quản ở Thanh Hóa, vì bệnh  nên về nghỉ.
Khi Nguyễn Ánh đem quân đánh, Xuân Kiều được mời ra làm Tham tướng ở Quy Nhơn. Ông bị trúng tên chết, được ban tên thụy là Dũng Ngạn”.
* Trương Mỹ Ngọc
 "Quê ở Tuy Viễn. Làm quan đến chức Lại bộ Thị lang, văn học đứng đầu một thời. Đời Quang Trung làm Chưởng viện cơ mật, được vua rất coi trọng.
  Khi quân Nguyễn Ánh đánh ra, quân Tây Sơn liên tiếp thua trận. Mỹ Ngọc dâng biểu trần tình, khuyên Cảnh Thịnh xa lánh tiểu nhân, thân cận quân tử, giữ lòng trong sạch, ít ham muốn... Bị Bùi Đắc Tuyên ghét và tước thu quan chức ".
* Dương Định Quốc
"Dương Định Quốc quê ở Phú Cát, 8 tuổi đã thuộc văn chương rồi thông hiểu sách học của Trình, Chu (những triết gia đời Tống). Định Quốc năm 23 tuổi thi đỗ khoa Minh Kinh, từng làm tri huyện Tuy Viễn. Nhà Tây Sơn mất, ông cạo đầu đi tu, đổi tên là Tuệ Khả. Ông viết sách có nhiều cảm xúc về chủng tộc. Đối với triều Nguyễn, có nhiều lời chê bai".
* Phạm Văn Tung
"Ông quê ở Phù Mỹ. Lúc nhỏ ưa thích thi thư, luyện tập cung ngựa (bắn cung, cưỡi ngựa). Thi đỗ khoa Minh Kinh. Đời Quang Trung giữ Diên Khánh, có công phá Nguyễn Văn Thành, làm Hiệp trấn Phú Yên. Ông là người khiêm tốn, dùng lễ đãi kẻ sĩ, hào kiệt tranh nhau theo giúp".
* Mã Vĩnh Thắng
          "Ông quê ở Tuy Viễn. Giỏi làm thơ, vốn nuôi chí lớn. Theo Nguyễn Huệ khởi nghĩa, được phong tước An Thịnh Hầu. Sau bị Bùi Đắc Tuyên áp bức, từ bỏ quan chức về làm ruộng. Thơ và từ của Vĩnh Thắng cao siêu, khoáng đạt,  người đời gọi là tay thánh trên đàn thơ".
          Bình Định dưới thời Tây Sơn là một cống hiến quan trọng trong lịch sử dân tộc, phản ánh nét đặc sắc của xã hội Việt Nam chống cường quyền áp bức, bóc lột dưới thời phong kiến. Các thủ lĩnh Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ trở thành anh hùng kiệt xuất của nông dân Việt Nam, một nhà chiến lược thiên tài, một anh hùng dân tộc rạng rỡ, có nhiều cống hiến xuất sắc trong công cuộc chống ngoại xâm và lập lại nền thống nhất đất nước vào thế kỷ XVIII. Các tướng lĩnh và văn thần Bình Định theo Tây Sơn từ đầu lập nên những chiến công hiển hách, nhân dân Bình Định đóng góp hơn 30 năm cho sự nghiệp Tây Sơn đã đi vào lịch sử và trở thành bất tử. Đất Bình Định, người Bình Định quan hệ với sinh mệnh cả dân tộc và nhiều vùng đất khác trên cả nước.
           Thời đại Tây Sơn tồn tại chỉ hơn 30 năm (1771-1802) nhưng trở thành dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc và ký ức của nhân dân, là một điểm nhấn tôn vinh của quê hương Bình Định và niềm tự hào chính đáng của mỗi chúng ta.



1 Quách Tấn... sđđ, tr. 41-42.
2 Thư của Jumilla, BSEI, tập 15, 1940, tr. 74.
1 Theo Quách Tấn: Cờ Tây Sơn hình vuông, nền đỏ, chữ vàng, thêu 3 chữ Tây Sơn Vương, viền ngoài và có tua xanh. Quân kỳ nhỏ hơn, thêu chỉ vàng họ và chức vụ của cấp chỉ huy (sđd, tr. 41).
2 Quách Tấn, sđd, tr. 49-50.
1 ĐNCBLT, Q.30 sđd, tr. 187. ĐNTL, tập II, Sử học, 1963, tr. 214.
2 Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Thuận Hoá, 2000, tr. 1138-1139. Hài cốt ông được đưa về nguyên quán: Thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, nhưng nay vẫn chưa xác định được mộ táng.
1 Ở chùa Phước Sơn (thuộc Tây Sơn) - ngôi chùa được Võ Văn Dũng cúng tiền để trùng tu có bài vị Võ Văn Dũng ghi: "Phước Sơn tự chủ tự tính, tự huý Độ, tín hữu công đức chư  vong linh thần vị".
2 Sư bà quê ở thôn An Vinh, nơi có một trường võ nổi tiếng của Bình Định xưa.
3 Nay còn di tích Vườn dinh, đình Đô đốc Bùi Thị Xuân, gồm nhà thờ chính phái họ Bùi. Di tích Gò Đình tương truyền - nơi bà luyện voi, Di tích Trường võ là nơi tập võ của nữ nghĩa quân gần cầu Đồng Sim (cạnh Quốc lộ 19).
1 Maybon, Charles, La relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr De la Bissachere (1807), Champion, Paris, 1920, tr. 116-117.
2 Hiện nay có 2 ý kiến khác nhau về quê quán của Trần Quang Diệu là ở Ân Tín-Hoài Ân-Bình Định và ở Tú Sơn - Đức Lân - Quảng Ngãi.
1 Quách Tấn, sđd, tr. 56-57.
2 Tương truyền Trần Quang Diệu là người sửa sang, xây dựng con đường Thượng đạo từ Nam ra Bắc dưới thời Tây Sơn nên còn gọi là đường Trần Quang Diệu.
1 ĐNCBLT, Q.30, sđd, tr. 173.
2 Có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn Tuyết là cháu gọi Quang Trung bằng cậu (Lam Giang, sđd, tr. 7).
1 Kinh Kha đánh gãy xa của Tần Thuỷ Hoàng ở Bác Lãng.
2 Nguyễn Trọng Trì, Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Ty Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình, 1979, tr. 32-35 - Quách Tấn, sđd,  tr. 59-60.
1 Theo ông Ngô Văn Cường (chợ Dinh), dòng họ Ngô ở đây có chừng 40 gia đình.
2 Bản do ông Hoàng Ngọc Du (ngoại tôn) truy lục, căn cứ trên gia phả và soạn, do ông Ngô Văn Cường giữ. Theo bản tiểu sử của họ Ngô, Ngô Văn Sở có người em là Ngô Văn Ngữ theo Nguyễn Ánh giữ chức Hậu quân. Ngữ Luận Hầu chết năm Nhâm Thìn (1832) có người chị (em) làm  thứ phi vua Gia Long, có con, chết được đưa về quê chôn ở Gò Lăng gọi là Bà Vua, nay còn bia mộ. Căn cứ vào Văn khắc trên bia cho biết: Bà chết ngày 21 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Bia mộ do Ngô Văn Ngữ lập năm Minh Mạng  thứ 6 (1825), triều đình Huế cấp đất cho bà là tự điền. Bà lập dinh gọi là Dinh Bà; lập chợ gọi là chợ Dinh. Tên chợ Dinh ra đời từ đó. Trong số anh chị em với Ngô Văn Sở, Ngô Văn Ngữ có hai bà chị (em) Ngô Thị Nghé và Ngô Thị Điệt. Bà Vua là một trong hai bà nói trên.
1 Quách Tấn, sđd, tr. 69.
2 Nguyễn Bá Huân, Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện, sđd, tr. 63-65-66.
3 ĐNCBLT, Q.30, sđd, tr. 119.
1 ĐNCBLT, Q.30, sđd, tr. 187.
 - ĐNTL, tập II, Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 214-215.
 - Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Viện Sử học, Hà Nội, 1984, tập II, tr. 221.
2 Gần đây, dựa vào tài liệu Đại Nam chánh biên liệt truyện, Q.20, về một nhân vật Ngô Văn Sở thời Nguyễn; có tác giả cho rằng: Đại tư mã Ngô Văn Sở thời Tây Sơn sau ra hàng với Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn và làm quan triều Gia Long là không đúng. Nhân vật Ngô Văn Sở này khác quê quán, chức vụ thời Tây Sơn và kể cả gia thế. Đại Nam chánh biên liệt truyện chép như sau: "Ngô Văn Sở tổ tiên là người huyện Đăng Xương, phủ Thừa Thiên sau đến ngụ ở Gia Định. Trước theo Nguỵ làm Đô uý, sau đầu hàng, theo quân đi đánh giặc có chiến công thăng đến Hùng nhuệ vệ uý... Khoảng năm Gia Long thăng Khâm sai Chưởng cơ lĩnh chức quân đạo Thanh Hoa, có tội phải cách chức rồi chết. Minh Mạng năm thứ 3 (1822) truy phục Chưởng cơ, lại hậu ban cho người nhà, con là Thắng làm quan đến cai đội (ĐNCBLT, tập 2, Thuận Hoá,  1994, tr. 436).
3 Quách Tấn, sđd, tr. 63.
1 ĐNCBLT, Q.30, sđd, tr. 129.
2 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 44.
1 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 38-40.
1 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 47-48.
2 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 66-67.
  Quách Tấn, sđd, tr. 61-62.
3 - Quách Tấn, sđd, tr. 69-70.
  - ĐNCBLT. Q.30: cho là có họ hàng với anh em Tây Sơn  (tr. 181).
1 ĐNCBLT, Q.30, sđd, tr. 191.
2 - Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 60.
- Quách Tấn, sđd, tr. 63.
  Không rõ Lê Văn Hưng ở đây có quan hệ gì với Thái uý Phạm Công Hưng hoặc Nguyễn Văn Hưng (ĐNLT, Q.30, sđd, tr. 189, ĐNTL, tập II, tr. 214-215) hoặc Lê Công Hưng (ĐNLT, Q.30, sđd. tr. 219) đều là danh thần thời Cảnh Thịnh.
1 Nguyễn Thung về sau bị Nguyễn Nhạc giết, còn Huyền  Khê về sau không được rõ công tích.
2 Lam Giang, sđd, tr. 27
 - Quách Tấn, sđd, tr. 36-38, 89.
1 Kính Đức là danh tướng đời Đường, ra trận cưỡi ngựa đen (Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 74-75).
2 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 62.
3 Nguyễn Trọng Trì, sđd, tr. 64.
1 Bùi Thị Nhạn sau này là vợ của Nguyễn Huệ (theo Quách Tấn, sđd, tr. 72;  Nguyễn Xuân Nhân, sđd, tr. 105).
2 Cha là Trần Kim Báu chết khi Trần Thị Lan mới 12 tuổi.
3 Quách Tấn, sđd, tr. 70-71.
4 Quách Tấn, sđd, tr. 70-71.
1 Là thân phụ của Nguyễn Ánh.
2 ĐNTLTB, Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 230-231.
1 Phan Huy Lê, Có một bộ luật thời Tây Sơn, trong sách Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn-Nguyễn Huệ, Ty Văn hoá Nghĩa Bình, 1983, tr. 186.
2 Bộ luật Hình Thư có 3 quyển, đóng bìa giấy bồi, bị thất thoát trong chiến tranh (Phan Huy Lê, sđd, tr. 188).
3 Ông còn có tên là Lê Khôn Ngũ (Lộc Xuyên, Đặng Quý Dịch, Nhân vật Bình Định, xuất bản 1971, tr. 23-24, bản tặng của tác giả, xin chân thành cảm ơn.
1 Nguyễn Quang Ngọc trong tập Tư liệu về Tây Sơn -Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình, sđd, tr. 51-52.
2 Quách Tấn, sđd, tr. 90.
Theo trang Bình Định

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ