Về một số người họ Khúc trong văn bia họ Phạm: Hậu thần nhị vị bia ký ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Về một số người họ Khúc trong văn bia họ Phạm: Hậu thần nhị vị bia ký

VỀ MỘT SỐ NGƯỜI HỌ KHÚC
TRONG VĂN BIA HỌ PHẠM - HẬU THẦN NHỊ VỊ BI KÝ
ĐỖ DANH HUẤN
Viện Sử học
Họ Khúc quê ở Cúc Bồ, Hồng Châu (nay thuộc Ninh Giang, Hải Dương). Sự kiện năm 905, họ Khúc dựng nghiệp trong lịch sử dân tộc, cho tới ngày nay đã hơn 11 thế kỷ. Trong điều kiện thực tế, tư liệu giúp chúng ta nghiên cứu những sự kiện diễn ra trong lịch sử như trường hợp họ Khúc ở thế kỷ 10 là rất hiếm. Mặc dù vậy, khả năng bảo lưu của tư liệu địa phương - dân gian vẫn có thể cung cấp một nguồn thông tin mới cho nhà nghiên cứu. Quá trình khảo sát thực địa khu vực huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, chúng tôi đã phát hiện được một văn bia lưu tại từ đường họ Phạm ở thôn Bồ Dương (tên Nôm là làng Bò), xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang. Trong thông báo này, chúng tôi bước đầu giới thiệu khái quát về văn bia trên, đặc biệt nhấn mạnh hơn những tư liệu về họ Khúc được lưu trong văn bia và góp phần lý giải sự có mặt của những người họ Khúc ở khu vực này - nơi được coi là quê hương của họ Khúc, nhưng tới nay không còn ai.
Văn bia lưu trong từ đường họ Phạm có hai mặt (kích thước cao 120cm x rộng 80cm x dày 15cm), mặt trước có tên Hậu thần nhị vị bi ký (Văn bia khắc ghi hậu thần hai vị), niên đại tạo dựng là Hoàng triều Chính Hòa nhị niên, tức năm Tân Dậu (1681). Mặt sau có tên Phụng sự hậu thần từ vũ bi ký (Văn bia ghi việc phụng thờ hậu thần trong từ vũ), niên đại cũng thuộc triều vua Chính Hòa năm thứ ba (1682). Hiện trạng văn bia rất tốt, chữ khắc in rõ ràng, đẹp, trên trán bia có hoa văn trang trí rồng chầu mặt trời. Hai bên diềm bia, mặt trước cũng được chạm rồng, mặt sau chạm nhiều mô típ hoa văn trang trí như hoa cách điệu và hình kẻ ô. Trên hai mặt bia, có khoảng 2.749 chữ.
Trong văn bia, có nhiều đoạn khắc ghi tên tuổi của hai vợ chồng (chính thất - vợ cả là Nguyễn Quý thị) Phạm Tướng công làm Tri phủ phủ Thái Bình - là người trong Phạm tộc đã gửi hậu vào đình làng, cụ thể như sau:
 […] ,.
 […]西.
 […] .
Phiên âm - dịch nghĩa:
- Hậu thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thái Bình phủ, tri phủ […] Phạm Tướng công, tự Đức Uy, ích đông dương đẳng thần, tinh chính thất phu nhân Nguyễn Quý thị, hiệu Từ Hiền. Tạm dịch: Phạm Tướng công tự là Đức Uy là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, làm quan Tri phủ […] thuộc phủ Thái Bìnhcùng vợ cả là Nguyễn Quý thị đã hậu thần (vào đình làng).
- Nhất hậu thần Phạm Tướng công, nguyên hứa […] Bồ Dương xã, An Cúc Đồng Trạch đẳng xã, Đông Tây nhị đình cộng tiền hai trăm năm mươi quán. Hậu thần Nguyễn Quý thị biệt hứa Bồ Đông đình, tiền năm mươi quán. Tạm dịch: Người hậu thần là Phạm Tướng công […], cùng các xã Bồ Dương, An Cúc, Đồng Trạch cúng tiền, ruộng vào đình Đông và đình Tây số tiền là 250 quanBà Nguyễn Quý thị cúng tiền vào đình Đông thôn Bồ là 50 quan.
- Nhất hậu thần Phạm Tướng công, Nguyễn Quý thị lưu […] Bồ Đông đình các giáp điền trì, cộng hai mẫu, năm sào, năm xích. Tạm dịch: Phạm Tướng công và Nguyễn Quý thị (tức hai vợ chồng - TG) đã cùng các giáp cúng ruộng, ao vào đình Đông thôn Bồ là 2 mẫu, 5 sào, 5 thước.
Họ Phạm cũng như Phạm Tướng công là một danh gia có thế lực ở làng Bồ Dương xưa, việc vợ chồng Phạm Tướng công gửi hậu vào đình làng là điều thường gặp trong xã hội cổ truyền Việt Nam(1). Cùng với vợ chồng Phạm Tướng công, ngoài nội dung khắc ghi tên tuổi các vị hưng công tiền, ruộng vào hai đình Đông và Tây, văn bia còn lưu những thông tin quý giá về một số người họ Khúc.
Mặt bia thứ nhất, Hậu thần nhị vị bi ký, có khắc ghi bà vợ thứ - trắc thất của Phạm Tướng công là Khúc Thị Cừu:
,.
Phiên âm: Trắc thất Khúc Thị Cừu, nguyên tiền tổ quán tại bản huyện, Hoài Cái xã, thân phụ dĩ nhập tịch Bồ Dương xã. Sinh đắc tam nam viết: Tiến Bảng, Tiến Triều, Tiến Học.
Dịch nghĩa: Bà vợ thứ (vợ thứ hai của Phạm Tướng công) là Khúc Thị Cừu, vốn quê ở bản huyện, xã Hoài Cái. Cha của bà Cừu đã nhập tịch vào xã Bồ Dương, và bà Cừu sinh được ba người con trai tên là: (Phạm) Tiến Bảng, Tiến Triều, Tiến Học.
Quê gốc của bà Khúc Thị Cừu ở đâu? Trở lại trong chính sử(2), các tư liệu đều chép họ Khúc quê gốc ở Hồng Châu(3) (ngày nay thuộc thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Vậy, có thể nói thôn Cúc Bồ là nơi phát tích của họ Khúc. Thôn Bồ Dương, nơi có văn bia Hậu thần nhị vị bi ký chúng tôi đang giới thiệu chỉ cách thôn Cúc Bồ khoảng 1,5km về phía Đông Bắc. Trong văn bia đã ghi bà Khúc Thị Cừu người bản huyện (tức huyện Vĩnh Lại)(4), xã Hoài Cái mà không phải thuộc thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc ngày nay. Xem trong sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX(5), chúng tôi không thấy xã Hoài Cái, chỉ có xãQuán Khái thuộc tổng An Lạc (tổng An Lạc có 7 xã), huyện Vĩnh Lại. Cũng theo sách này, thôn Bồ Dương, xã Bồ Dương thuộc thuộc tổng Bồ Dương (tổng này có 10 xã), huyện Vĩnh Lại. Còn thôn Cúc Bồ thuộc tổng Can Trì (tổng này có 7 xã), huyên Tứ Kỳ. Về tên gọi Hoài Cái và Quán Khái có nhiều điểm giống nhau, chữ hoài () và chữ quán () về tự dạng có những nét chung, song chữ cái () có hai âm đọc là: cái và khái. Vậy trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng xã Hoài Cái, quê hương của bà Khúc Thị Cừu cũng có thể đọc là xãQuán Khái. Nếu đồng ý với suy luận trên, chúng ta có kết luận là quê của bà Khúc Thị Cừu thuộc xã Quán Khái, tổng An Lạc, huyện Vĩnh Lại (trong văn bia có khắc ghi địa giới hành chính của thôn Bồ Dương lệ vào Hạ Hồng phủ, Vĩnh Lại huyện). Ngày nay, tại huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng cũng có làng Quán Khái (gần với Quán Khái là thôn Từ Lâm, huyện Vĩnh Bảo có một nhánh họ Khúc khá lớn đang sinh sống và còn lưu được gia phả về nguồn gốc phát tích). Trong nghiên cứu của tác giả Khúc Thừa Đại về Bước đầu tìm hiểu về họ Khúc ở Việt Nam có nêu: “Trên đất Hạ Hồng xưa, nay là Ninh Giang, Vĩnh Bảo còn một số nơi có họ Khúc như họ Khúc ở thôn Kim Chuế (Ninh Giang), thôn Quán Khái, xã Vĩnh Long, Vĩnh Bảo...”(6). Như vậy, Hoài Cái/Quán Khái là quê hương của bà Khúc Thị Cừu - vợ thứ của Phạm Tướng công, một trong số đó đã gửi tiền, ruộng để hậu thần. Song điều chúng tôi cũng muốn tìm hiểu thêm ở đây là sau khi lấy Phạm Tướng công, bố bà Khúc Thị Cừu lại nhập tịch vào thôn Bồ Dương.
Trong mặt bia thứ hai, Phụng sự hậu thần từ vũ bi ký, cùng với nhiều người thuộc các dòng họ như: Vũ, Nguyễn, Phạm, Lê, Bùi, Trần, Đỗ, Đặng (trong số đó có cả ba người con trai của bà Khúc Thị Cừu vừa nêu trên là: Phạm Tiến Bảng, Phạm Tiến Triều và Phạm Tiến Học)... cúng tiền, ruộng vào hậu thần. Bên cạnh những vị thuộc các dòng họ nêu trên, còn có tên tuổi của 3 người họ Khúc là: Khúc Văn Khoa (曲文科), Khúc Văn Hưu (曲文休) và Khúc Văn Bản (曲文本), văn bia chỉ nêu tên mà không nói cụ thể là đóng góp bao nhiêu và càng không có thêm những thông tin cá nhân khác. Trong một nghiên cứu của tác giả Tăng Bá Hoành có đề cập tới văn bia nêu trên, tác giả không những nêu thiếu thông tin về bà Khúc Thị Cừu mà khi nói tới những người họ Khúc công đức trong một văn bia ở thôn Bồ Dương, tác giả viết chỉ có hai người: “Trong hai tấm bia khắc dựng vào thế kỷ 17 tại làng Bồ Dương cách Cúc Bồ 3km, trong số những người công đức, có hai người mang tên họ Khúc”(7). Hai tấm văn bia hay hai người họ Khúc cũng là những đính chính tư liệu cần được thảo luận, nhưng thông tin quan trọng hơn trong mặt bia này chúng tôi muốn quan tâm là sự hiện diện của ba cụ họ Khúc đã nêu trên tham gia vào việc gửi hậu tại Bồ Dương. Các cụ họ Khúc này có phải là anh em với bà Khúc Thị Cừu không, họ đã nhập tịch vào Bồ Dương hay là từ Quán Khái, từ Cúc Bồ lên để tham gia vào việc hậu thần? Muộn hơn niên đại lập văn bia Hậu thần nhị vị bi ký, chúng tôi đã khảo sát trên hai văn bia hiện lưu tại làng Cúc Bồ là: Thạch quán bi (niên đại tạo dựng là 1820) và Kim liên thiền tự (niên đại tạo dựng là 1855) cũng không thấy một ai là người họ Khúc trong hai văn bia đó. Cuối thế kỷ 17, tại thôn Bồ Dương đã có những người họ Khúc sinh sống và qua lại. Vậy, vấn đề cần bàn thêm là giữa họ có biết và có mối quan hệ như thế nào đối với nơi phát tích của họ Khúc là Cúc Bồ?
Văn bia lưu tại từ đường họ Phạm thôn Bồ Dương là một văn bia có giá trị về mặt tư liệu, thông tin về Phạm Tướng công và nội dung văn bia cần được khai thác triệt để phục vụ nghiên cứu. Những thông tin về các cụ họ Khúc được khắc ghi trong đó là nguồn tư liệu tốt giúp chúng ta nghiên cứu về họ Khúc ở Cúc Bồ. Cụ Khúc Thị Cừu có quê ở Quán Khái - Vĩnh Bảo - Hải Phòng đã khẳng định thêm Hồng Châu - Hạ Hồng - Vĩnh Lại - Ninh Giang là quê gốc/vùng ‘cát cứ’ của họ Khúc xa xưa. Công việc tiếp theo của chúng ta là làm rõ sự hiện diện của các cụ Khúc Văn Khoa, Khúc Văn Hưu và Khúc Văn Bản, đồng thời kết nối thêm nhiều nguồn tư liệu khác để lý giải sự vắng bóng của họ Khúc ở Cúc Bồ cho tới ngày nay và những mối liên hệ của các họ Khúc khu vực này với làng Cúc Bồ./.
Chú thích:
(1) Trong thông báo này, chúng tôi tập trung vào giới thiệu tư liệu về những người họ Khúc có ghi trong văn bia. Nội dung cụ thể của văn bia, chúng tôi sẽ giới thiệu đầy đủ hơn vào dịp khác.
(2) Các sách như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, chép họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở đất Hồng Châu. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, một mặt chép tương truyền Khúc tiên chúa quê ở Lỗ Xá, huyện Cẩm Giàng, song phía dưới sách lại chua thêm: Khúc tiên chúa - tức Khúc Thừa Dụ người Hồng Châu, địa phận Bình Giang, Ninh Giang, Hải Dương bây giờ. Và một số sách sử gần đây cũng khẳng định Khúc Thừa Dụ quê ở Cúc Bồ, Ninh Giang, Hải Dương.
(3) Đất Hồng Châu (hay Hồng Lộ) theo sử sách chép có từ thời Lý - Trần, đến thời Lê là hai phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng. Đến thời Nguyễn, phủ Thượng Hồng đổi thành phủ Bình Giang và phủ Hạ Hồng đổi thành phủ Ninh Giang.
(4) Huyện Vĩnh Lại ngày xưa bao gồm một phần huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng và huyện Ninh Giang - Hải Dương ngày nay.
(5). Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Nxb. KHXH, H. 1981, tr.28.
(6) Khúc Thừa Đại. Bước đầu tìm hiểu về họ Khúc ở Việt Nam, trong Khúc Thừa Dụ và họ Khúc trong lịch sử dân tộc. Bảo tàng Hải Dương, 1999, tr.101.
(7) Xem Tăng Bá Hoành. Di tích về Khúc Thừa Dụ và họ Khúc ở Việt Nam, trong sách Khúc Thừa Dụ và họ Khúc trong lịch sử dân tộc, Bảo tàng Hải Dương xuất bản năm 1999, tr.51./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.417-423

Đỗ Danh Huấn
Nguồn tin: Viện Hán Nôm 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ