Dòng họ Phạm ở quê tôi cũng như nhiều dòng họ khác trên khắp mọi miền của đất nước đều mang trong nó những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trên cùng mảnh đất này, có nhiều dòng họ khác cùng sinh sống nhưng nhìn từ một góc độ nào đó dòng họ tôi là một trong những dòng họ đến định cư ở đây lâu nhất. Qua mười đời, dòng họ tôi đã cùng các dòng họ khác xây dựng một nét riêng có cho làng quê mình để đi đâu ai cùng nhớ về nó như một cái gì đó vừa thiêng liêng vừa gần gũi.
Theo các văn bản cổ để lại, họ Phạm đến đây đã có hơn 2 thế kỷ. Tức là nếu tính theo năm định cư thì họ Phạm xuất hiện ở đây vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1762 – 1780) cùng thời với Phạm Quí Thích, Phạm Đình Hổ…, tức là vào đầu triều Tây Sơn. Lúc này tình hình trong nước xảy ra nhiều biến động lớn. Về chính trị , bên trong là mẫu thuẫn không thể điều hoà giữa các tập đoàn phong kiếnn thống trị ở hai miền. Miền Bắc, các chúa Trịnh không ngừng bành trướng thế lực của mình. Miền Nam, các chúa Nguyễn ra sức xây dựng đền đài, lăng tẩm. Vua Lê trong triều chỉ là bù nhìn, phần lớn quyền lực tập trung ở phủ chúa. Bên ngoài thực dân Pháp đang nhòm ngó đất nước. Về kinh tế, chiến tranh liên miên đã làm cho nền kinh tế rơi vào trạng thái khủng hoảng, sản xuất trong nước thấp kém tụt hậu nhiều so với các nước xung quanh. Về văn hoá, các ấn phẩm liên quan đến việc vui chơi được quan tâm đến nhiều hơn các loại sách học.
Trong thời điểm như vậy, các vị tổ đầu tiên của dòng họ đã đến mảnh đất xứ Ngõ cầu này làm ăn sinh sống. Ban đầu, vốn có truyền thống với nghề thuốc Nam, các tổ đã giúp đỡ nhân dân trong vùng yên tâm an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới và để lại cho hậu thế những trang sử được viết thành văn, dòng họ Phạm chính thức xuất hiện ở mảnh đất như vậy đó.
Quá trình tìm hiểu về nguồn gốc họ Phạm căn cứ vào các văn bản để lại chủ yếu thông qua cuốn Phạm Tộc Gia Phả Tự Thuyết của cụ tổ thứ 6 trong họ viết bằng bản chữ Hán và cụ tổ thứ 8 viết lại bằng bản tiếng Việt.(Trong tài liệu này trình bày cả bản gốc tiếng Hán để người đọc có thể tham khảo, đối chiếu về câu chữ cho phù hợp với cách hiểu của mình). Sau đây tôi xin trình bày bản phiên âm và bản dịch nghĩa của lời tựa cuốn Phả trên.
Phiên âm: “ Cái văn gia chi hữu phả do quốc chi hữu sử. Sử sở dĩ ký sự chính tức phả diệc dĩ ký tính danh hà khả khuyết, tai sóc. Ngã tộc hệ xuất Phạm gia cao cao thuỷ tổ dĩ hạ cung cần giá sắt đôn hậu, vô cáo quĩ chi ta. Nhị thế tổ dĩ hạ dung dược liệu nhàn cử thế hâm tôn chi khốn. Do thử nhi qua điệp miên miên, cửu tư khấp khấp.
Tử tôn sở dĩ phồn điền thịnh đại vi nhất ấp chi vọng tộc. Tổ tông tích luỹ cơ cần chi sở chí dạ tự phục giả khả bất đoạn thuyết chi hồ. Đệ ngũ thế ư Tự Đức tam thập tứ niên xã nội tế cửu phủ nha cấp bằng vi thị xã Lý trưởng bảo đắc mãn lệ lục niên tinh vô ngộ cữu diệc lưu nhất chi phương danh.
Đệ lục thế sĩ nhân Thành Thái tam niên. Thôi phó Thái Nguyên tỉnh tư vị Bát lưu thư lại chí Thành Thái tứ niên thừa kinh lược đại nhà cấp bằng hoán phó nãi lệnh doãn tỉnh Vũ Nhai huyện nha lại mục do. Ư thử khả bằng tiên âm nhân đức kiêm năng sở đắc phong thổ di lai thừa nhi tả tả thế tiến nhật tắc quang huy minh đức kỳ lai giả dã thảng bất minh ký kỳ sự tích hiểu chủ kỳ danh hiểu tắc nhật hạ dung mệnh danh hoán hiện chi trùng trùng như mộng nhận thứ tự thả chí minh minh yên nhĩ từng giả huyền tôn mĩ thương bình tổ tông chi di thích hạnh dự thánh hiền chi trác ma trùng niệm tổ công tông đức bách thế chi bất thiên chức đoạn sự thừa nạn đại chi như kiến. Do thử cung vi nhất gia chi phả vĩnh thiệu ngã tộc chi công. Thứ sử cung đường chi tôn tổ hoàng hoàng xuân thu tại hưởng. Đào lý chi môn đình dịch tế sư khổng minh quả lũ kỳ như tổ tông huý hiệu thế thứ phần mộ táng toạ hướng xứ tinh liệt vu phả hưởng nhật hạ thư tư trần tích tuỳ tức cánh thư thứ hồ bất cảm gia lữ như hoặc dục chất chính do sĩ hậu chi năng giả lữ như hoặc dục chất chính do sĩ hậu chi năng giả thứ vi tự.”
Dịch nghĩa: “Thường nghe nhà có phả cũng như nước có sử. Sử thì ghi chuyện chính sự còn phả ghi tên tuổi, nguồn gốc. Họ Phạm ta từ đời ông thuỷ tổ chuyên cần trồng trọt. Đời ông tổ thứ 2 về sau chữa bệnh cứu người, giúp đỡ người ta lúc khốn khó. Do đó, con cháu đầy nhà. Vì vậy, thành một vọng tộc lớn trong ấp. Tổ tiên ta thường xuyên tích đức tu nhân nên đến đời thứ 5 thuộc năm Tự Đức thứ 34 đã được làm Lý trưởng. Ông đã làm 6 năm, không để xảy ra khiếm khuyết gì, lưu tiếng thơm trong xã. Đến đời thứ 6 là người có học, vào năm Thành Thái thứ 3 được làm thư lại của tỉnh đường Thái Nguyên cho tới năm Thành Thái thứ 4 thì quan kinh lược cho lại thư lại huyện Vũ Nhai. Có thể thấy (tổ tiên ta) tích âm đức cũng nhiều cho nên đời sau càng ngày càng rực rỡ. (Tuy nhiên) nếu con cháu về sau có chỗ không minh bạch hoặc giả không hiểu về sự tích hoặc có việc thay đổi danh hiệu, trung lặp nhau, khó có thể biết được công đức trăm năm không dứt của tổ tiên. Để đời sau còn như thấy được cha ông, nên soạn cuốn gia phả này để truyền vĩnh viễn công đức của tổ tiên nhà ta. Để làm rạng rỡ miếu đường dòng họ ta, (để tổ tiên) đời đời hưởng cảnh con cháu đến cúng tế (nên) những việc như huý hiệu của các đời tổ tiên, nơi táng phần mộ đều chép vào cuốn phả này đồng thời phân biệt dòng chính, dòng thứ rõ ràng nên gọi là Tự ”.
CÁC ĐỜI CỦA DÒNG HỌ
Sau 10 đời, họ Phạm đã để lại những dấu tích không thể xoá nhoà trong lịch sử làng và mãi về sau con cháu luôn hướng về đó, hướng về những vị liệt tổ liệt tông mà cố gắng xây dựng làng, xã giàu mạnh hơn. Sau đây là tên tuổi và những sự kiện liên quan đến các vị tổ qua các đời.
ĐỜI THỨ NHẤT:
TỔ: Phạm Quý Công Tự Phúc Hằng Huý Viết Tâm Phủ Quân Lập Tiền
TỶ: Phạm Môn Chính Thất Ngô Quí Thị Hiệu Từ Liên Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Vị tổ đầu tiên trong lịch sử dòng họ, người có công khởi thuỷ cho sự tồn tại của họ Phạm ở làng là Phạm Viết Tâm, tự Phúc Hằng. Cụ có 2 người con, một nam và một nữ. Nam tên là Phạm Viết ***. Nữ viết hiệu Diệu Bính. Cụ mất vào ngày 30 tháng 8 âm lịch hưởng thọ 70 tuổi. Mộ an táng tại thôn Mai Xá. Theo Gia phả để lại cụ làm nghề nông.
Vợ cả của cụ Phạm Viết Tâm, bà họ Ngô tên hiệu Từ Liên. Chữ Từ Liên theo ý mà hiểu là dùng để chỉ sự hiền thảo “Từ” của bông sen “Liên”. Qua chữ phản ánh đức tính của cụ rất hiền từ. Có thể phải có sự nhân từ, sự cảm thông chia mà vợ chồng mới có thể cùng nhau lập nghiệp ở mảng đất mới này. Cũng căn cứ theo câu “Hà hồi huyện đức trạch xã hoà lương thôn ” mà xét có lẽ cụ là người ở vùng huyện Hà Hồi, xã Đức Trạch, thôn Hoà Lương đến đây lập nghiệp, làm ăn cùng chồng. Cụ mất ngày mồng 4 tháng 7 âm lịch. Mộ cụ ở Ngõ Cầu.
ĐỜI THỨ HAI:
TỔ: Phạm Quý Công Tự Xuân Huy Hiệu Phúc Dương Phủ Quân Lập Tiền
TỶ: Phạm Môn chính thất Phùng Nhị Nương Hiệu Diệu Phả Nhụ nhân lập tiền
Dịch nghĩa: Cụ có tên là Phạm Viết ***(chưa tìm được tên – theo suy luận có thể cụ tên Viết Tử vì căn cứ theo cách đặt tên con là Viết Tôn), tự Xuân Huy, hiệu là Phúc Dương. Ngưòi xưa có quan niệm về cái Phúc. Khi sinh sống lập nghiệp ở mảnh đất mới có thể vì muốn hy vọng nâng cao y đức, mở mang dòng họ mà Nhị tổ đã được người đời đặt hiệu là “Phúc Dương” chỉ sự cường thịnh tăng dần. Nó cũng nói lên Nhị tổ làm nghề y và muốn cho cây phúc của gia đình được sinh sôi. Về phần mình, cụ đặt cho mình tên Xuân Huy cho thấy cụ là một người sống phóng khoáng, luôn tin tưởng khả năng của mình sẽ cứu sống, giúp đỡ mọi người. Cụ có 3 con trai và 4 người con gái. Con trai cả là Viết Tôn, con thứ hiệu là Đăng Thục, tiếp theo hiệu là Duy Phiên. Con gái tên tự là Thị Lập, Thị Điển, Thị Vy và Thị Cửu. Nhị tổ mất ngày 25 tháng 2 âm lịch thọ 80 tuổi . Mộ tại Ngõ cầu, rộng 9 miếng.
Nhị tỷ tên là Phùng Nhị Nương, theo ý hiểu có thể là bà là con gái thứ hai của nhà họ Phùng.Tên hiệu của bà là Diệu Phả, có thể hiểu theo ý sự giúp đỡ, che chở những khó khăn của mọi người. Nếu nhìn từ thực tế người là nghề y mà xét, khi thấy mọi người đau đớn vật vã với cơn bệnh thì sự giúp đỡ, chở che của mọi người là điều nên làm. Nhị tỷ mất ngày 16 tháng 3 âm lịch . Mộ táng tại cuối ngõ, phía gần Mả Tre
ĐỜI THỨ BA:
TỔ: Phạm Quý Công Tự Duy Từ Hiệu Phúc Hải Huý Viết Tôn Phủ Quân LậpTiền
TỶ: Phạm Môn chính thất Trần Quí Thị Hiệu Diệu Nguyên Huý Thưởng Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Vị tổ thứ tư tên là Phạm Viết Tôn, tự Duy Từ, hiệu là Phúc Hảo, Huý viết Tôn có thể ở đây ý nói đến sự tôn quí người trên, nhịn nhường kẻ dưới. Chữ”Tôn” cũng có nghĩa là sự tôn sư trọng đạo, tôn trọng y đức vì cụ là người sẽ được nhị tổ truyền cho kinh nghiệm làm thuốc và cụ cũng là người phát huy truyền thống của nghề làm thuốc cổ truyền của dòng họ. Dân trong vùng đặt hiệu cho cụ là Phúc Hảo để nói lên đức độ và tài danh của cụ trong việc chữa bệnh cứu người. Còn về cụ, cụ tự đặt cho mình tên tự Duy Từ có nghĩa là một sự nhân từ, bao dung với tất cả mọi người. Điều này góp phần thể hiện nét tính cách hiện hoà, tâm thiện từ bi của cụ. Cụ mất ngày 26 tháng 5 âm lịch. Hưởng thọ 60 tuổi. Mộ táng tại Ngõ Cầu rộng 5 miếng đất. Tam tổ sinh hạ được 5 người con trong đó có 3 con trai và 2 con gái. Nam viết Tảo Siêu, thứ nam Đình Am, thứ thứ Phúc Khán. Nữ viết tự Thị Tường, Thứ nữ Thị Luỹ.
Vợ cả của tam tổ là cụ Trần Thị Thưởng, hiệu Diệu Nguyên. Theo ý hiểu có thể là một sự cảm ơn, một tình cảm xuất phát từ cái tình , cái y đức của Tam tổ. Có thể Tam tổ đã từng cứu một người thân của nhà họ Trần, cảm vì ơn đó, họ Trần gả con gái cho tam tổ. Bà mất ngày 26 tháng 11 âm lịch thọ 60 tuổi. Mộ táng tại Vườn Giá, Bình Điền.
ĐỜI THỨ TƯ:
TỔ: Phạm Nhất Lang Tự Tảo Siêu Huý Viết Võ Phủ Quân Lập Tiền
TỶ: Phạm Môn chính thất Đặng quí thị Hiệu Diệu Tự Huý Sự Nhụ Nhân LậpTiền
Dịch nghĩa: Đây là con trưởng của Tam tổ, cụ vẫn tiếp tục theo cha làm nghề y để cứu người. Cụ tên Phạm Viết Võ, tự Tảo Siêu, chữ Võ hay Vũ. Theo ý hiểu ở đây tức là sự dũng mãnh, chống được tất cả những điều khó khăn trước mắt, tìm được các bài thuốc chữa bệnh, cứu giúp mọi người. Như cơn mưa gột rửa tất cả những bệnh tật của nười bệnh. Chữ Tảo Siêu nếu xét theo nghĩa thì là quay trở lại tìm về những bí quyết gia truyền về thuốc. Có thể ở đây còn là việc dùng kiến thức người xưa và nghiên cứu bản thân phát triển nên để cứu người. Tứ tổ sinh một con trai và hai con gái. Nam viết Quan Thư, nữ viết Thị Chất, Thị Văn. Cụ Quan Thư là con út. Cụ mất ngày 10 tháng 7 âm lịch hưởng thọ 40 tuổi. Mộ táng tại thôn Mai Xá, ở Vườn cũ.
Tứ tỷ là Đặng Thị Sự, hiệu Diệu Tự. Cụ là con gái duy nhất của cụ ông Đặng Văn Chất và cụ bà Phạm Thị Sử, người cùng làng. Cụ là người kính đạo Phật hay đi lễ chùa nên cuộc đời của cụ gắn với cửa Thiền nhiều. Chữ “Sự” theo ý hiểu có nghĩa là việc đối mặt với khó khăn và giải quyết nó một cách sáng suốt là điều nên làm. Tứ tổ mất từ năm 40 tuổi, cụ một mình tiếp tục nuôi con mong cho con lớn lên trưởng thành, y theo nghiệp tổ tiên quả là điều đáng qúi. Cụ mất ngày 28 tháng 10 âm lịch hưởng thọ 75 tuổi. Mộ chôn tại Xứ Cửa Chùa.
ĐỜI THỨ NĂM:
TỔ: Phạm Qúy Công Tự Quan Thư Hiệu Phúc An Huý Viết Cưu Phủ Quân LậpTiền
TỶ: Phạm Môn Chính Thất Nguyễn Quí Thị Huý Nhượng Hiệu Diệu Từ Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Ngũ tổ có tên chữ là Phạm Viết Cưu, tự Quan Thư, hiệu Phúc An. Có lẽ do tâm hướng thiện theo người mẹ hay đến chùa mà cụ được đặt tên là Viết Cưu. Chữ “Cưu” có nghĩa là cưu mang, hướng về các đời trước cứu người, làm việc thiện. Mặt khác, do ảnh hưởng của người mẹ, cụ cũng hay đến chùa nên trong tâm sự luôn mang tinh thần từ bi, bác ái, vị tha của đạo Phật, cụ được nhân dân đặt tên hiệu là Phúc An, mong sự an lành sẽ đến. Cụ làm Lý trưởng từ năm Tự Đức thứ 34 đến năm Tự Đức thứ 40 thì nghỉ. Bản thân, cụ rất có ý thức học tập, vì vậy trong các tác phẩm của mình cụ đã lấy tên là Quan Thư, dùng để chỉ ý chí ham học, ham cống hiến, phục vụ đất nước, làm tròn trọng trách của mình trước làng xã. Cụ mất ngày 6 tháng 5 âm lịch hưởng thọ 40 tuổi. Mộ chôn tại Cửa chùa, thôn Bình Điền. Cụ sinh hạ được 2 con trai và 3 con gái. Trưởng nam Vy Mỹ, thứ nam viết tự Hữu Luân. Nữ viết Thị Nhường, Thị Hương, Thị Hinh.
Vợ Ngũ tổ là con gái họ Nguyễn , tên là Nguyễn Thị Nhượng, quê ở làng Vũ Lăng thôn Kiều Thị. Bà là con gái một gia đình gia giáo, nề nếp. Vì vậy khi bà được gả cho ngũ tổ là môn đăng hộ đối. Bà được nhân dân gọi là Diệu Từ, có nghĩa là một người con gái hiền từ, nhân hậu. Bà mất ngày 22 tháng 6 âm lịch hưởng thọ 50 tuổi. Mộ chôn tại làng Vũ Lăng.
ĐỜI THỨ SÁU:
TỔ (1867-1906): Võ Nhai Lại Mục Phạm Quí Công Tự Vy Mỹ Huý Nhân Hiệu Phúc Thân Phủ Quân Lập Tiền
TỶ (1865-1955): Phạm Môn chính thất Trần quí thị tự Sắt Hiệu Diệu Cơ Nhụ Nhân Lập Tiền
Phạm Môn thứ thất Đỗ quí thị huý Đệ Hiệu Diệu Nhị Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Cụ có tên Phạm Viết Nhân, tự Vy Mỹ, hiệu Phúc Thân. Làm chức Thư lại huyện Vũ Nhai. Chữ “Nhân” ở đây chỉ sự trị nước, tức là muốn mọi người nghe mình thì hay đặt sự nhân đức lên hàng đầu. Con người sống trên đời lấy nhân nghĩa làm trọng. Theo ý ngũ tổ thì lục tổ cần lấy nhân đức làm hàng đầu trong việc làm, có như vậy mới thu phục lòng người. Theo tâm sự của cụ trong Lời Tựa cuốn gia phả, cụ làm thư lại ở Tỉnh đường Thái Nguyên năm Thành Thái thứ 3 rồi sau đó quan kinh lược cho làm thư lại huyện Vũ Nhai vào năm Thành Thái thứ 4. Cụ sinh một nam ba nữ. Nam viết Văn Như , nữ viết Thị Chắt, Thị Vá, Thị Tuất. Cụ mất năm 39 tuổi nhằm ngày 15 tháng 4 âm lịch. Mộ táng tại Xứ Mả Tre, Bình Điền. Đất rộng 9 miếng, toạ hướng Đông, nhìn hướng Tây.
Vợ cả của lục tổ, cụ là Trần Thị Sắt, hiệu Diệu Cơ. Cụ là con của Gia Hoà tiên sinh – Trần Viết Dãnh, thầy dạy của Lục tổ. Hiện chưa rõ cụ là con của bà cả Trần Thị Chúng hay bà hai Nguyễn Thị Lợi. Tuy nhiên chỉ biết rằng khi Lục tổ học ở nhà bà, cụ đã được giữ chức Trưởng môn và lấy được con gái của thầy. Chữ Sắt có thể hiểu theo nghĩa dù có gặp nhiều khó khăn khi Lục tổ đi công tác liên tục không về nhưng tấm lòng của cụ vẫn hướng về lục tổ. Cụ mất ngày 21 tháng 4 âm lịch hưởng thọ 90 tuổi. Mộ chôn tại Mả Tre, rộng 9 miếng, hướng Tây Nam.
Vợ thứ của lục tổ tên là Đỗ Thị Đệ, hiệu Diệu Nhị. Chữ “Đệ” có nghĩa là sự nhịn nhường giữa hai cụ. Chuyện năm thê bảy thiếp là bình thường của người xưa và những người phụ nữ thường phải chấp nhận, chữ “đệ” có nghĩa là nên coi trọng tình cảm chị em cùng nâng khăn sửa túi cho lục tổ còn hơn là để ganh ghét đố kỵ nhau. Cụ mất ngày 25 tháng 12 âm lịch thọ 67 tuổi. Mộ táng tại Mả Tre rộng 9 miếng
ĐỜI THỨ BẢY:
TỔ (1900-1958): Phạm Quí Công Huý Văn Như Hiệu Phúc Thắng Phủ Quân Lập Tiền
TỶ (1898-1984): Phạm Môn chính thất Nguyễn quí thị huý Quyến Hiệu Diệu Miến Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Cụ tên là Phạm Văn Như, hiệu Phúc Thắng. Cụ làm Giám điều. Có lẽ chữ “Văn Như” là chỉ cho khả năng suy biến, khả năng về văn thơ sẽ đạt vào bậc đạo cao đức trọng của làng – đây là hy vọng của Lục tổ khi đặt tên con mình. Cụ có 5 người con 3 con trai và 2 con gái. Nam viết Văn Ý, thứ nam Văn Chí, thứ thứ Văn Uý. Nữ viết Thị Dụ, Thị Hằng. Cụ nhận một con nuôi là Thị Thìn. Cụ mất năm 58 tuổi, nhằm ngày 7 tháng 5 Mậu Tuất (tức ngày 22/6/1958). Mộ ở Mả Tre, hướng Tây Nam. Mộ rộng 9 miếng
Cụ họ Nguyễn, tên là Nguyễn Thị Quyến, hiệu Diệu Miến. Cụ là con của An Phủ Quân Nguyễn tiên sinh và bà Phùng Thị Xưa. Chữ “Quyến” theo ý hiểu có nghĩa là lưu lại, giữ lại nề nếp gia phong của tổ tiên. Chẳng thế mà cụ đã cùng con cháu xây đắp thêm cho dòng họ ngày càng tốt hơn. Cụ mất ngày 29 tháng 12 năm Quí Hợi (31/1/1984) hưởng thọ 86 tuổi. Mộ chôn tại Mả Tre., rộng 9 miếng, hướng Đông Bắc – Tây Nam
ĐỜI THỨ TÁM:
TỔ (15/11/1917- 18/10/2010): Phạm Quí Công Huý Văn Ý Phủ Quân Lập Tiền
TỶ (1913-1972): Phạm Môn chính thất Nguyễn quí thị hiệu Diệu Hồng Huý Thước Nhụ Nhân Lập Tiền
Dịch nghĩa: Cụ tên Phạm Văn Ý, sinh được 5 người con gồm 3 nam và 3 nữ. Trưởng nam Bình Thức, thứ nam Nguyên Phương, thứ thứ Nguyên Quang. Nữ viết Ngọc Châm, Thị Hải Hợp, Lệ Hà. Cụ học thời Pháp, học cả chữ Nho. Cụ có công trong việc thành lập lại họ và ấn định ngày giỗ họ vào ngày 25 tháng 2 hàng năm. Cụ là người dịch cuốn Gia Phả này ra quốc ngữ để lưu truyền hậu thế cho đời sau con cháu có thể tìm đọc và tra cứu, biết được truyền thống của dòng họ, để dòng họ Phạm mà truyền đời ở trên mảnh đất quê hương. Cụ mất ngày 11 tháng 09 năm Canh Dần (tức 18/10/2010) hưởng thọ 94 tuổi. Mộ chôn tại Mả tre, Xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Vợ Bát tổ là Nguyễn Thị Thước. Cụ sinh trong một gia đình thương nghiệp, quê ở làng Hạ Thái, huyện Thường tín, tỉnh Hà Tây. Cha là Nguyễn Duyệt, mẹ là cụ Tạ Thị Đa. Cụ mất ngày 7 tháng 4 năm Nhâm Tý (tức 9/5/1972) hưởng thọ 52 tuổi. Mộ chôn tại Mả tre, thôn Khoái Châu, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Mộ rộng 9 miếng, hướng Đông Tây.
Đệ
| Thế Tổ | Kỵ |
Thế Tỷ
| Kỵ |
Nhất
| Phạm Viết Tâm | 30/8 | Ngô Thị *** | 4/7 |
Nhị
| Phạm Viết *** | 25/2 | Phùng Nhị Nương |
16/3
|
Tam
| Phạm Viết Tôn | 26/5 | Trần Thị Thưởng |
26/11
|
Tứ
| Phạm Viết Võ | 10/7 | Đặng Thị Sự |
28/10
|
Ngũ
| Phạm Viết Cưu | 6/5 | Nguyễn Thị Nhượng |
22/6
|
Lục
| Phạm Văn Nhân | 15/4 | Trần Thị Sắt
Đỗ Thị Đệ
|
21/4
25/12
|
Thất
| Phạm Văn Như | 7/5 | Nguyễn Thị Quyến |
29/12
|
Bát
| Phạm Văn Ý | 11/9 | Nguyễn Thị Thước |
7/4
|
CÁC VỊ TỔ ĐƯỢC NHẬP TỪ ĐƯỜNG
Bên cạnh những vị đã lập gia đình bất cứ dòng họ nào cũng còn có những vị chưa lập gia đình. Bổn phận của con cháu đời sau là phải thắp hương cúng nguyện cho các vị. Dòng họ Phạm không nằm ngoài tục lệ đó. Xem lại trang gia phả tôi thấy rằng gần như đời nào họ tôi cũng có những người chưa lập gia đình đã mất, hoặc có người đã hy sinh khi vẫn còn đang tuổi thanh niên trai tráng.Thường theo ngôn ngữ dân gian thì những người chết khi chưa lập gia đình được gọi là các bà cô, ông mãnh. Còn theo gia phả thì thường ghi là “công cô”, “muội đệ” hoặc “thân nữ” với người con gái là thế hệ trên, bằng thế hệ, dưới thế hệ của người ghi gia phả. Còn với nam giới thì hay dùng từ “quí công” đi với họ tộc. Trong cuốn gia phả này, tôi là cháu đời sau của các cụ vì vậy nên mới dùng chữ công cô là thế. Để tiện theo dõi dưới đây là danh sách những các vị thứ tổ và công cô.
THỨ TỔ , CÔNG CÔ | KỴ |
ĐỆ TAM THẾ THỨ
Phạm Quí Công tự Đăng Thục hiệu Tảo Thoát
(Táng tại Ngõ Cầu)
|
4/10
|
ĐỆ TỨ THẾ THỨ
Phạm Tam Lang tự Phúc Khán huý Lãm
(Táng tại Ngõ Cầu)
|
27/9
|
ĐỆ NGŨ THẾ THỨ
Công cô Phạm Thị Văn
(Táng tại Mả Tre)
|
22/4
|
ĐỆ NGŨ THẾ THỨ
Công cô Phạm Thị Chất
(Táng tại Ngõ Cầu)
|
6/3
|
ĐỆ LỤC THẾ THỨ
Công cô Phạm Thị Hương
(Táng tại Ngõ Cầu)
|
7/3
|
ĐỆ THẤT THẾ THỨ
Công cô Phạm Thị Tuất
(Táng tại Mả Tre)
|
20/4
|
ĐỆ BÁT THẾ THỨ
Phạm Quí Công huý Văn Uý
(Táng tại nghĩa trang Trà Châu, Thanh Liên, Hà Nam)
|
19/4
|
ĐỆ CỬU THẾ THỨ
Công cô Phạm Thị Ngọc Châm
(Cụ mất khi còn nhỏ, không biết mộ ở đâu?)
|
?
|
Chú thích: Về cụ Phạm Văn Uý xin được giới thiệu thêm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, cụ đã hy sinh vào những ngày sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Ngày mất của cụ ghi theo giấy báo tử là 21/5/1954 (tức ngày 19 tháng 4 năm Giáp Ngọ)
Hậu duệ đời thứ 10
Phúc Tiến Phạm Quốc Tuấn
biên soạn lại theo Cuốn Gia Phả dòng họ
Nguồn tin: Họ Phạm Hà Nội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét