Hai bài phú của Phạm Nguyễn Du trong NAM HÀNH KÍ ÐẮC TẬP ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Hai bài phú của Phạm Nguyễn Du trong NAM HÀNH KÍ ÐẮC TẬP

HAI BÀI PHÚ CỦA PHẠM NGUYỄN DU TRONG
NAM HÀNH KÍ ĐẮC TẬP
TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Đại học Văn hóa Hà Nội
Phạm Nguyễn Du nguyên tên là Vỹ Khiêm, tự Hiếu Đức, hiệu Thạch Động, hay còn hiệu nữa là Dưỡng Hiên, người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1793, mất năm 1786.
Ông là người có tiếng là hay chữ từ lúc còn trẻ, từng đậu Tỉnh nguyên được tiến triều, được trao chức Hiệu thảo Thiêm sai Tri hình phiên Văn chức; thi Tứ trọng và Ngự đề đều đỗ đầu. Năm 40 tuổi, ông đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Kỷ Hợi (vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40, tức năm 1779), ông từng làm đến Đông các Đại học sỹ, Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương. Khi chúa Trịnh đánh chiếm vùng Thuận An của chúa Nguyễn, ông được cử vào tiếp quản đạo Thuận An. Theo sách Nghệ An kí, ông sau đổi làm Đốc đồng xứ Nghệ An. Năm 1786, quân Tây Sơn kéo ra bắc, chiếm thành Phú Xuân. Phạm Nguyễn Du chạy lên vùng Thanh Chương và Nam Đàn, chiêu mộ quân sỹ để giữ Nghệ An, rồi mắc bệnh ốm và mất năm Bính Ngọ (1786). Nhưng theo lời ghi của Nguyễn Văn Tú trong Nam hành kí đắc tập, “ông (Phạm Nguyễn Du) khi giao chiến với quân Tây Sơn, do quân yếu nên đã tuẫn tiết trong hang đá, theo sách sử, quân Tây Sơn bắc tiến từ năm Đinh Mùi thì ông phải mất vào năm Đinh Mão tức (1787) mới đúng”.
Được đánh giá là một danh sỹ đương thời, Phạm Nguyễn Du để lại một số lượng trước tác không nhỏ. Tác phẩm gồm:
- Đoạn trường lục A.2826
- Độc sử si tưởng VHv.1793; bản in A.1455
- Nam hành kí đắc tập A.2939
- Thạch Động thi tập VHv.1567
- Chu huấn toản yếu
- Thạch Động thi văn sao
- Luận ngữ ngu án.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập đến tác phẩm Nam hành kí đắc tập. Tác phẩm gồm sáng tác của Phạm Nguyễn Du và các nhà thơ Đàng trong mà ông sưu tầm được trong thời gian làm quan tại Thuận Hóa. Đây là tập có giá trị hơn cả, trong tập này ghi chép những kiến văn của ông trong suốt chuyến đi công cán. Toàn bộ tác phẩm gồm hai phần: phần sưu tầm và phần sáng tác. Phần sưu tầm ông giới thiệu những sáng tác của Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Trần Thụy, Hồ Tôn Diên, Mạc Thiên Tích v.v... Phần sáng tác ghi lại những tâm sự và trăn trở của ông trước hoàn cảnh xã hội xứ Thuận Hóa, vạch trần những cảnh bất công trong xã hội Đàng trong dưới thời chúa Nguyễn, bày tỏ sự cảm thương trước cảnh dân tình đói khổ thời binh lửa. Ngôn ngữ thơ hàm súc, sử dụng nhiều điển cố, thể hiện học vấn uyên bác. Qua tập thơ, ông hiện lên với tư cách con người chức năng, nhà nho hành đạo cứu đời, muốn đem đạo thánh hiền Nghiêu Thuấn đến cai quản vùng biên viễn xa xôi của đất nước thời bấy giờ.
Dưới đây, chúng tôi dịch 2 bài phú về thành Phú Xuân. Văn bản chúng tôi sử dụng Nam hành kí đắc tập kí hiệu A.2939 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Bài thứ nhất
Phiên âm:
NGUYỄN THỊ DI CUNG PHÚ
Lai Phú Xuân chi cố thành
Nhận Nguyễn thị chi di cung
Kiến kì thập lạc nhi nhất tồn
Nhiên do tráng lệ dĩ cùng sùng
Bỉ vi Giáng Hương hề thử vi Ngọc Khánh
Nhĩ tuấn nhĩ điêu hề dân cao sở khắc
Bỉ vi Triêu Dương hề thử vi Kim Hoa
Nhĩ đan nhĩ thứ hề dân cốt sở tùng
Kim bích hoàng hoàng hề nhĩ dân tắc không
Ngân châu xán lạn hề nhĩ dân tắc cùng
Dân không dân cùng hề nhĩ an nhĩ ốc
Dĩ vi sướng nhĩ tâm hề khoái nhĩ mục
Nguy nguy nhĩ các hề nhĩ viết bất mĩ
Súc súc nhĩ lâu hề nhĩ viết vị túc
Phương đốc xảo tượng hề chiêu dâm công
Phương la dị thạch hề trí quái mộc
Tự xứ đường chi tương hu
Vong vọng môn chi hữu khốc
Ta bỉ giảo đồng hề nhĩ hôn bất tri!
Duy viết: thiên vận hề phi nhân hạt vi
Nhĩ hữu họa đống vô hiền hề đống nạo
Nhĩ hữu chuyên chỉ bất thiện hề chỉ phá di
Ư thị đăng cựu đình hề duyệt cổ kim
Đối tà dương hề bình thịnh suy
Điếu bách niên chi hí trường
Tiếu thiên tải chi dịch kì
Hách hách thượng đế hề nhật giám hạ dân
Tác dân tư mục hề như hà phất ti (tư)
Hà phúc phi thủy hề hà hiểu phi nham
Phủ ngã ngược ngã hề hậu thù dĩ chi
Hậu hựu phủ hề thù hựu ngược
Nghiêu Thuấn Kiệt Trụ hề dân hà ti (tư)
Ngô vương Nghiêu Thuấn hề bình mông vũ trụ
Vị nhĩ thất đạo hề ngô mẫn kiềm thủ
Nhĩ dân nịch hề ngô kiển kì thường
Nhĩ dân hãn hề ngô bái kì vũ
Ha ha nhĩ cung hề ngô thị chi phù vân triêu lộ
Dịch nghĩa:
PHÚ DI CUNG NHÀ NGUYỄN
Đến thành cũ Phú Xuân
Nhìn di cung họ Nguyễn
Thấy mười phần đã đổ chỉ còn một
Nhưng vẫn còn tráng lệ sừng sững
Kia là Giáng Hương a đây Ngọc Khánh
Ngươi cao ngươi chạm trổ a ấy vét mỡ dân
Kia Triêu Dương a đây Kim Hoa
Kìa thêu kia vẽ a ấy cướp xương dân
Vàng biếc rực rỡ a dân ngươi trắng tay
Châu báu chói lói a dân ngươi khốn cùng
Dân khốn dân cùng a ngươi an ngươi ổn
Để sướng mắt ngươi a thỏa lòng ngươi
Gác cao chót vót a ngươi rằng chưa đẹp
Lầu dựng vòi vọi a ngươi rằng chưa đủ
Còn đốc thợ khéo a thúc thợ giỏi
Còn dùng đá lạ a dùng gỗ hiếm
Cùng nhau vui vẻ trong cung điện
Quên mất tiếng khóc vọng từ ngoài cửa
Ôi đứa trẻ ranh kia a ngươi tăm tối không biết
Chỉ rằng: thiên vận a không người sao làm được
Ngươi có cột đẹp, không hiền a cột sẽ đổ
Ngươi có nền gạch, bất thiện a nền sẽ sụp
Ta bèn:
Lên đình cũ a xem cổ kim
Ngắm tà dương a bình thịnh suy
Thương trăm năm cuộc hí trường
Cười thiên thu một ván cờ
Thượng đế rực rỡ a ánh trời xuống dân
Ban dân quan tư mục a sao không suy nghĩ
Nước nào không lật thuyền a núi nào không hiểm
Vỗ về ta, ngược đãi ta a ta yêu ta ghét
Thương yêu kẻ vỗ về a ghét bỏ thù bạo ngược
Nghiêu Thuấn Kiệt Trụ a dân có thiên tư ai đâu
Vua ta như Nghiêu Thuấn a bao trùm vũ trụ
Rằng:
Ngươi mất đạo a ta thương dân đen
Dân ngươi đang chết đuối a ta vén xiêm ra cứu
Dân ngươi khô khát a ta tưới mưa cho
Ha ha, cung ngươi a ta coi như mây nổi, sương sớm
Chú thích:
1. Giảo đồng: thằng nhỏ, thằng ranh. Kinh Thi phần Trịnh phong bài Sơn hữu phù tô viết: bất kiến tử sung, nãi kiến giảo đồng (không gặp được chàng trai tử tế, chỉ gặp thằng nhỏ gian xảo này). Bài Giảo đồng viết: bỉ giảo đồng hề bất dữ ngã ngôn hề (thằng bé gian xảo kia ôi, đã đoạn tuyệt ta không nói chuyện). Ở đây chỉ người chỉ có cái vẻ bề ngoài không có nội dung bên trong.
2. Hí trường: sân khấu biểu diễn kịch. Chỉ sự thay đổi của cuộc đời. Lục Du thời Tống có câu: vân yên cổ thụ văn tăng phạn, yên hỏatrường kiều kiến hí trường (chù trong mây khói nghe tụng kinh, cầu dài lửa khói ngắm cuộc hí trường).
3. Phúc chu: lật thuyền: Hàn Phi Tử thiên An nguy viết: bôn xa chi thượng vô Trọng Ni, phúc chu chi hạ vô Bá Di (không có Trọng Ni trên xe đang chạy, không có Bá Di dưới thuyền lật). Khổng Tử gia ngữ thiên Ngũ nghi viết:phù quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã, thủy sở dĩ tái chu, diệc sở dĩ phúc chu (vua là thuyền, dân là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền). Nguyễn Trãi trong bài Quan hải cũng viết: phúc chu thủy tín dân do thủy (lật thuyền rồi mới tin rằng dân như nước).
4. Nghiêu Thuấn: hai vị vua thánh hiền thời cổ
5. Kiệt Trụ: hai tên vua bạo tàn thời cổ.
6. Khiên thường: xắn quần lội sông. Kinh Thi phần Trịnh Phong bài Khiên thường viết: tử huệ tư ngã, khiên thường thiệp Trăn (chàng đoái thương thiếp, thì thiếp sẽ vén xiêm lội sông Trăn để theo chàng).
7. Phù vân: mây nổi, ví với việc không quan trọng. Luận ngữ thiên Thuật nhi viết bất nghĩa nhi phú thả quý, ngã như phù vân (bất nghĩa mà giàu sang, với ta như mây nổi)
8. Triêu lộ: sương sớm, ví với việc tồn tại ngắn ngủi. Sử kí phần Thương Quân truyện có câu: "quân chi nguy nhược triêu lộ" (thế của ông nguy ngập như sương sớm sắp rơi). Tào Tháo trong Đoản ca hành có câu: "đối tửu đương ca, nhân sinh kỉ hà, tỉ như triêu lộ, khứ nhật khổ đa" (trước rượu nên hát, đời người mấy chốc, giống như sương sớm, ngày đi khổ nhiều).
Bài thứ hai
Phiên âm:
XUÂN THÀNH ĐÔNG VŨ PHÚ
Ê thập nhất nguỵêt hề dương sinh địa trung
Thôi xuất trùng âm hề kì hàn nãi long
Cố vũ hề thường đa ư đông
Ô chi Phú Xuân hề vũ độc khổ
Nhất vũ di tuần hề tất hiếu vô độ
Hy tình quang dĩ sảng lãng
Mỗi tích lịch nhi hối phổ
Ngạ lưu tinh hề thành thị
Bệnh tập xú hề đạo lộ
Nhân hàm thê hề tương thị
Vật đằng dũng hề thất hữu
Cái địa khí chi sở quan
Thái dữ bĩ hề tương tuần hoàn
Thử địa cực thịnh hề kỉ nhị bách niên
Thịnh cực nhi suy hề cán toàn thực nan
Thiên nhân nhất vận hệ vân thùy năng vi
Binh cách chi hậu hề tích lệ trùng nan
Khỉ hung hoang hề chưng vi tật dịch
U trí uất trấn hề bất khả phục vi
Đạt biến thông quyền hề xả nguy tựu an
Ngô hữu tư hề vị cảm thỉnh
Vũ lí ủng lư hề phần hương chử mính
Sách cổ kim vu trú tịch
Trù tiêu trưởng vu dạ vĩnh
An năng thành Dư Cái chi Điếu Ngư
Trạch Mạnh Đức chi Hứa Xương
Dụng điện bát hề ngã phòng nhung
Dụng dịch chí hề ngã khứu lương
Hồi tạo hóa chi bình hòa
Hưởng thiên địa chi cát khang
Quốc trung nhân phong hề ngã phiến
Thánh nhân đức ba hề ngã dương
Tấu vô dâm ư Thành Chu
Ca bất phá ư đế Hoàng
Nhĩ nãi
Ngoạn quang thiên
Du hóa nhật
Truyền Trùng Hoa nam diện chi thần
Phiếm bát nguyệt Đông Pha chi tuất
Đề đại bút hề tả cao ngâm
Khiêu thanh ti hề điệu ngã luật
Đông bất tập hề cương trường
Nhi bất tẩm hề trạm thất.
Dịch nghĩa:
BÀI PHÚ MƯA ĐÔNG TRÊN THÀNH PHÚ XUÂN
Tháng mười một a khí dương sinh từ lòng đất
Xuyên qua đất tối a khí đông còn rất lạnh
Vốn mưa a thường rất nhiều vào đông
Ôi mưa Phú Xuân a riêng dầm dề
Một trận mấy tuần liền a không chịu tạnh
Hiếm thấy ánh mặt trời sáng sủa
Luôn ào ào và bóng tối trùm khắp
Xác người chết đói bốc mùi tanh a khắp thành thị
Người ốm thêm thối a trên đường phố
Người người đau thương a cùng trông nhau
Vật vật nhảy nhót a mất số mệnh
Đại khái có liên quan đến địa khí vậy
Thái với bĩ cùng nhau tuần hoàn
Đất này cực thịnh a hai trăm năm
Thịnh cực rồi suy a lo khôi phục thực là khó
Trời người một vận a rằng: ai dám trái
Sau chiến tranh a khí ác, oan khiên chất chồng
Há hung tàn hoang ác a đều là bệnh tật của xã hội
Thế lực đen tối đang trấn áp a hắc ám tràn lan
Đại vận đã qua a không thể khôi phục lại
Thông đạt quyền biến a bỏ chỗ nguy tới chỗ an
Lòng ta nghĩ suy a chưa dám xin
Trong cơn mưa ôm lò sưởi a đốt hương nấu trà
Đọc cổ kim a trong ngày vắng
Lo được mất a giữa đêm dài
Sao có thể dựng thành Điếu Ngư như Dư Cái
Sao có thể chọn Hứa Xương như Mạnh Đức
Dùng thì tiện cho việc phòng thủ của quân ta
Dùng thì dễ dàng cho việc quân lương
Làm cho tạo hóa trở lại bình hòa
Hưởng phúc lành của đất trời
Phong tục nhân nghĩa a ta thổi
Cái đức thánh nhân a ta mở rộng
Tấu nhạc “vô dâm” thời Thành Chu
Ca bài “bất phá” thời Đế Hoàng
Người hãy
Xem ánh trời
Rong chơi trong ngày ấm áp
Khi đế Nghiêu truyền ngôi cho Trùng Hoa
Vào ngày tuất tháng 8 Đông Pha chơi thuyền
Đem bút lớn a viết thơ ngâm dài
Gẩy tơ xanh a lên điệu nhạc nhã
Đông lạnh ta không còn thấy a, lòng cứng cỏi
Mưa đã lọt a, căn nhà vui vẻ./.
Chú thích:
1. Trùng âm: nơi u ám tăm tối dưới mặt đất. Trương Hoành trong Tư huyền phú có câu: kinh trùng âm hồ tịch mịch hề, mẫn phầndương chi tiềm thâm (qua đất tối tăm tịch mịch a, thương phần dương thăm thẳm).
2. Tất: sao Tất.
3. Đằng dũng: nhảy nhót. Hoài Nam tử thiên Nguyên đạo có câu: "Vạn vật chi trí đằng dũng hào loạn, nhi bất thất kì số" (vạn vật nhảy nhót loạn xạ nhưng không làm mất đi cái số vốn đã định từ trước của nó)
4. Cán: tức cán sự, quản lí, điều hành, coi trị. Kinh Dịch quẻ Kiền có đoạn: "lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự" (làm lợi cho vật đủ để hòa hài hợp nghĩa, kiên cường đủ để lo liệu công việc), chỉ giải quyết công việc một cách mỹ mãn, sau còn dùng để chỉ năng lực quản lí, coi trị công việc. Cán toàn: làm cho mọi việc trở lại bình thường.
5. Dư Cái (1159-1253): đại thần thời Nam Tống, người Kì Châu (nay ở phía nam huyện Kì Xuân, tỉnh Hồ Bắc), tự là Nghĩa Phu. Xuất thân hàn sĩ, mới đầu nhập vào mạc phủ Triệu Quỳ chế trị sứ ở Hoài Đông, đánh đuổi quân Mông Cổ. Thuần Hựu thứ nhất (1241) nhậm chức Chế trí phó sứ Hoài Đông. Năm sau, ông được Lý Tông triệu kiến, ra sức khuyên vua không nên coi thường võ tướng, mong gánh vác việc chiếm lại đất Thục, được nhậm chức An phủ sứ trí sử ở Tứ Xuyên. Mở phủ Trùng Khánh, chỉnh đốn phép cai trị của quan lại, giảm nhẹ sưu dịch; đặt quan chiêu hiền, dùng kế của anh em Nhiễm Tiến, Nhiễm Phác xây dựng các thành Điếu Ngư, Hợp Châu, tăng cường công tác phòng vệ. Cảnh Hựu thứ 12 (1252), ông đánh lui quân Mông Cổ ở Gia Định. Năm sau, vì nắm giữ quyền lớn lâu nên bị nghi kị, bị triệu về đến Lâm An, chịu mệnh chết.
6. Tào Tháo (155-220) tức Ngụy Văn Đế, chính trị gia thời Tam Quốc. Ông tự là Mạnh Đức, tiểu danh là A Man, người huyện Tiều tỉnh Bái Quốc (nay là Hào Châu tỉnh An Huy).
7. Hứa Xương: tên quận. Thời Chu là nước Hứa, đời Tần đặt là huyện, đời Hán đặt là huyện Dĩnh Âm đều thuộc tỉnh Dĩnh Xuyên. Kiến An thứ nhất, Tào Tháo đón Hiến Đế về đóng đô ở đất Hứa, năm Hoàng Sơ thứ 2 (nước Ngụy đời Tam Quốc) đổi tên thành Hứa Xương, nay là thành phố Hứa Xương tỉnh Hà Nam.
8. Hóa nhật: ngày xuân ấm áp, khí hài hòa, chỉ đời thái bình thịnh trị.
9. Trùng Hoa: vua Thuấn. Kinh Thư thiên Thuấn điển viết: viết nhược kê cổ đế Thuấn viết Trùng Hoa hiệp vu đế(xét xưa đế Thuấn tên là Trùng Hoa hợp với đế Nghiêu).
10. Vô dâm: không phóng túng. Dương Hùng trong Pháp ngôn thiên Quân tử viết: quân tử ngôn dã tắc trách thính dã vô dâm (quân tử nói năng phải cân nhắc chọn lựa, nghe những điều thích đáng).
11. Đông Pha (1036-1101): tức Tô Thức, người Mi Sơn, Mi Châu nhà Tống, Tử Chiêm. Con thứ của Tô Tuân, đỗ Tiến sĩ năm Gia Hựu thứ 2.
12. Bát nguyệt: nguyên trong Tiền Xích Bích phú của Đông Pha.
13. Thanh ti: ví với tóc xanh đen. Lý Bạch trong Tương tiến tửu có câu: quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ti mộ thành tuyết (anh không thấy nhà cao gương sáng buồn tóc trắng sớm như tơ xanh chiều thành tuyết).
14. Trạm: vui vẻ ấm áp. Kinh Thi phần Tiểu Nhã bài Lộc Minh viết: cổ sắt cổ cầm, hòa lạc thả trạm (đánh đàn cầm đánh đàn sắt, vui vẻ hòa nhã với nhau).
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Giáp (chủ biên), Lược truyện tác gia Việt Nam, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1971.
2. Từ điển văn học. Nxb. KHXH, H. 1984.
3. Nguyễn Thị Từ Tâm:Đoạn trường lục - Phạm Nguyễn Du - Khảo cứu và phiên dịch (luận văn tốt nghiệp), H. 1997.
4. Phạm Nguyễn DuNam hành kí đắc tập, kí hiệu A.2939 Thư việnViện Nghiên cứu Hán Nôm./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.143-153)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ