TP - Đền Mây thờ danh tướng Phạm Bạch Hổ tại thị xã Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) trước nay được nhiều người biết đến. Nhưng có một đền Vua Mây khác có giá trị không nhỏ về lịch sử - văn hóa, cũng thờ vị tướng tài này tại huyện Vụ Bản (Nam Định) lại có nguy cơ mai một dần nếu không được phục dựng.
Đền Vua Mây. |
Đền Vua Mây (thuộc thôn Đại Đê, xã Đại An, Vụ Bản, Nam Định) nằm trong quần thể di tích gần với danh thắng Tràng An-Ninh Bình, chùa Bái Đính, Phủ Giầy thuộc trục đường 38B. Đền thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át), một vị tướng đặc biệt trong lịch sử khi phục vụ 3 triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê.
Lúc sinh thời, tướng Phạm Bạch Hổ phò tá Ngô Quyền giành độc lập cho đất nước; sau lại giúp con của vị vua này lật đổ Dương Tam Kha để lập ra nhà Hậu Ngô. Khi hậu Ngô Vương mất gây nên loạn 12 xứ quân, Phạm Bạch Hổ đã đem quân ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn.
Khi vua Đinh bị giết hại và ngôi báu được nhường cho Lê Hoàn để chống giặc Tống, lúc đó mặc dù tuổi cao nhưng lão tướng Phạm Bạch Hổ vẫn xin ra trận lập công.
Sau khi tướng Phạm Bạch Hổ mất (năm 983), ông được vua Lê phong tước Đằng Vương đền thờ ông được lập ở một vài nơi, trong đó có đền Vua Mây tại làng Đại Đê.
Kim phả bằng đồng. |
Năm 1649, được phép của triều đình Hậu Lê, Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đã sửa và kết hợp xây mới khiến đền Vua Mây trở nên quy mô.
Đền có 3 tòa, tòa chính thờ mẹ và vợ chồng tướng quân Phạm Bạch Hổ, hai bên thờ các quận công họ Vũ (họ Vũ có 3 đời quận công nối tiếp nhau).
Tòa đệ nhị, đệ tam là các gian giải vũ và nhà để bia. Đền được bao quanh bằng hào lũy tre xanh, trước có cổng tam quan và hồ bán nguyệt. Đến năm 1946, thực dân Pháp đã phá dỡ một phần Đền Vua Mây để lập bốt tại đây.
Tuy bị giặc tàn phá, nhưng đến nay di tích đền Vua Mây vẫn giữ được một kiệu cổ, một ngai thờ cổ, hồ bán nguyệt, các mảnh bia đá bị vỡ, đá tảng, móng cũ của đền, móng cũ của cổng tam quan.
Đặc biệt tấm bia “Đền thờ Khai thiên trấn quốc huyền hoàng đại vương” khắc năm 1649 vẫn còn giữ được nguyên vẹn tại đền Vua Mây đã được Viện Khảo cổ học đánh giá là một phát hiện của ngành khảo cổ năm 1998.
Bên cạnh đó, khi Đền bị phá, người dân Đại Đê cũng giữ được tấm kim phả bằng đồng ghi lại những điều dặn dò của quận công Vũ Văn Thiêm trước khi mất và 14 đạo sắc phong nguyên bản của 3 quận công họ Vũ.
Năm 2000, người dân địa phương đã dựng lên 3 gian đền thờ, đồng thời sửa lại hồ bán nguyệt tại đền Vua Mây để tiếp tục lưu giữ tín ngưỡng tại đền.
Bản thần sắc được dòng họ Vũ tại làng Đại Đê lưu giữ. |
Một văn bản quan trọng khác cũng nói lên giá trị lịch sử-văn hóa của đền Vua Mây ở tầm quốc gia mà đến nay nhà nước vẫn còn lưu giữ lại được. Đó là 2 bản thần tích (thể hiện công trạng, thành tích) và 6 bản thần sắc (sắc phong) của tướng Phạm Bạch Hổ bằng chữ Hán hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm; bản thần tích, thần sắc bằng chữ quốc ngữ của các cụ quận công họ Vũ cũng được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội.
Đền Vua Mây gần đây đã giành được sự quan tâm của các nhà sử học danh tiếng. Năm 2011, khi về xã Đại An tham dự hội thảo về đền Vua Mây, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét: “Những hiện vật cách đây đã 4 thế kỷ mà đến nay địa phương vẫn giữ được bản gốc thì đó là những giá trị vô giá”.
Tháng 5-2012, GS sử học Đinh Xuân Lâm trong lần về dự hội thảo tại đây đã nói: “Tướng Phạm Bạch Hổ là nhân vật gắn liền với sự nghiệp của đất nước. Đền Vua Mây xứng đáng được công nhận di tích cấp nhà nước”.
Tuy nhiên, để đền Vua Mây xứng tầm giá trị lịch sử - văn hóa vốn có cũng như xứng với những hiện vật vẫn còn lưu giữ lại được, cần được phục dựng lại ngôi đền này. Để làm được việc đó, không phải địa phương cố gắng là được, mà cần có sự vào cuộc của tỉnh Nam Định và nhà nước.
Kiến Nghĩa
Theo Tiền Phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét