TÌM HIỂU VỀ CÔI TRÌ ĐINH BẠ (1722)
ĐINH VĂN VIỄN
Trường THPT Kim Sơn - Ninh Bình
Côi Trì là một làng được thành lập sau công cuộc khai hoang theo “phép chiếm xạ” thời Lê sơ, gắn liền với sự ra đời của con đẻ Hồng Đức (1472). Hiện nay, Côi Trì thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
Vừa qua trong dịp khảo sát thực tế tại Côi Trì, chúng tôi thu thập được nhiều tư liệu quý trong đó có Côi Trì đinh bạ (các năm 1669,1722)…. Ở đây xin giới thiệu về Côi Trì đinh bạ (năm Nhâm Dần -1722, niên hiệu Bảo Thái thứ 3).
Côi Trì đinh bạ (1722) được chép trong cuốn Ninh Thị khảo đính của Ninh Tốn (Cuốn sách này chưa thấy nhắc đến trong các nghiên cứu trước đây về Ninh Tốn. Hiện nay cuốn sách được lưu giữ ở nhà cụ Ninh Văn Yết, xóm Bút Thị xã Yên Mỹ. Xin giới thiệu trong một dịp khác). Ninh thị khảo đính được viết bằng chữ Hán, dày trên 100 tờ, khổ 18 x 27cm. Mỗi tờ được viết trên một mặt giấy. Mỗi mặt giấy có 8 hàng viết tay. Trừ một số tờ đầu bị mất góc và một số tờ cuối bị mất hiện nay sách còn khá đầy đủ, giấy tốt, chữ viết rõ ràng.
Riêng phần Côi Trì đinh bạ (1722) được chép trong 9 tờ, chữ viết còn rõ ràng. Mỗi tên người được đánh dấu bằng khuyên tròn mực đỏ. Căn cứ vào những dòng đầu và cuối thì thấy Côi Trì đinh bạ (1722) được lập vào ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Dần, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 3 (tức năm 1722 thời Lê Dụ Tông).
Tìm hiểu về Côi Trì đinh bạ (1722) chúng tôi xin đề cập một vài vấn đề sau:
Thứ nhất: Côi Trì Đinh bạ (1722) cho ta biết nhiều thông tin về Côi Trì ở năm 1722, một vấn đề được nhiều người quan tâm về tình hình Côi Trì từ sau khi thành lập làng (thế kỷ XV). Điều rõ nhất mà Côi Trì đinh bạ (1722) cho biết đó là làng này đã được đổi tên từ Côi Đàm trước đây thì bây giờ mang tên là Côi Trì. Năm 1722, làng Côi Trì là một xã thuộc huyện Yên Mô phủ Trường Yên. Số lượng đinh của làng này ở năm 1722 là 166 (tăng gần 2 lần so với thời kỳ lập làng, cuối thế kỷ XV).
Thứ hai: Qua Côi Trì đinh bạ (1722) cho chúng ta biết họ tên, trình độ, số tuổi của các đinh nam trong làng trong đó có các xã trưởng ở Côi Trì vào thời điểm này: Xã chính - Ngô Hữu Thành (Sinh đồ), Xã sử - Trần Ngưỡng (41 tuổi), Xã tư- Tạ Tâm Xưng (39 tuổi). Đối chiếu với quy định của thời Lê - Trịnh cho thấy Côi Trì bấy giờ là một xã vừa. Các Xã trưởng đều trên 30 tuổi. Riêng xã chính Ngô Hữu Thành đã đỗ Sinh đồ. Điều này rất phù hợp với quy định của chính quyền Lê - Trịnh về tiêu chuẩn của Xã trưởng.
Thứ ba: Nét nổi bật dễ nhận thấy trong cơ cấu dân cư của Côi Trì qua Côi Trì đinh bạ (1722) đó là những người có bằng cấp chiếm số lượng khá lớn: 32/166 người (tức chiếm 48,48%). Cùng với một số tư liệu khác chứng tở Côi Trì là một làng có nền giáo dục, khoa cử khá phát triển.
Mặt khác những lãnh binh chiếm số lượng không nhỏ: 35/166 (tức chiếm 21,08 %). Điều này cho thấy số lượng khá lớn người dân phải thực hiện nghĩa vụ binh dịch cho Nhà nước.
Thứ tư: Qua Côi Trì đinh bạ (1722) cũng cho thấy việc quản lý dân cư của Nhà nước phong kiến Lê - Trịnh khá chặt chẽ. Dân cư được phân hạng, thống kê rõ ràng cả về họ tên, chức tước, tuổi tác… Việc kê khai số đinh được quy định chặt chẽ về trách nhiệm pháp lý: “Nếu có ẩn lậu” tức thì những người đứng đầu làng, xã, chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc kê khai đinh sẽ bị “trọng tội, ruộng đất, tài sản phải nộp cho quan trên, không chối cãi”.
Sau đây xin giới thiệu bản dịch Côi Trì đinh bạ (1722):
BẢO THÁI - NHÂM DẦN ĐINH BẠ (CÔI TRÌ)
(Án thị niên) Định hàng năm mỗi đinh tiền làng là 1 quan, 2 mạch, 4 bát gạo. Sinh đồ, lão hạng, hoàng đinh 2 xuất chuẩn là 1 đinh. (Từ 17-19 tuổi gọi là Hoàng đinh; Từ 20 tuổi trở lên gọi là Chính đinh; Từ 55 tuổi trở lên goi là Lão hạng; Từ 60 tuổi trở lên gọi là Lão nhiêu).
Trường Yên phủ, Yên Mô huyện, Côi Trì xã, Sắc mục Phạm Tuấn Dụng, Vũ Đăng Sĩ, Vũ Quỳnh, Xã trưởng Ngô Hữu Thành, Trần Ngưỡng. Những người này coi giữ hộ tịch, chiếu số người trong xã nếu lúc ấy có quan viên, sắc mục, lãnh binh, lão nhiêu và tất cả các hạng trong làng ghi rõ họ tên, chức sắc, bằng sắc. Bản xã quan viên, sắc mục, binh dân các hạng có 166 người.
- Quan viên: 03 người:
Ninh Tốn (Hàn lâm Thị độc), Phạm Dương (Tri châu, 57 tuổi), Ninh Dật 57 tuổi.
- Giám sinh: 01 người: Ninh Nhạ, 33 tuổi
- Sinh đồ: 27 người:
Vũ Duy (45 tuổi), Vũ Sĩ (39 tuổi), Vũ Quỳnh (49 tuổi), Phạm Dám (40 tuổi), Ninh Tích (29 tuổi), Lê Toàn (31 tuổi), Phạm Mai (31 tuổi), Trần Doãn (31 tuổi), Phạm Hiển (43 tuổi), Phạm Cơ (33 tuổi), Vũ Thiện (26 tuổi), Ngô Tương (22 tuổi), Nguyễn Hưng (56 tuổi), Nguyễn Ngạn (60 tuổi), Nguyễn Minh (60 tuổi), Trần Lại (61 tuổi), Phạm Giáo (60 tuổi), Nguyễn Hán (66 tuổi), Vũ Tiên (67 tuổi), Tạ Văn (70 tuổi), Phạm ? (72 tuổi), Nguyễn Trang (74 tuổi).
- Xã trưởng: 03 người:
Ngô Hữu Thành (Sinh đồ, Xã chính), Trần Ngưỡng (Xã sử, 41 tuổi), Tạ Tâm Xưng (Xã tư, 39 tuổi).
- Lãnh binh: 35 người:
Vũ Dung (41 tuổi), Nguyễn Quan (40 tuổi), Phạm Tích (37 tuổi), Tạ Nhượng (37 tuổi), Nguyễn Trụ (42 tuổi), Nguyễn Hiệu (42 tuổi), Vũ Hảo (36 tuổi), Vũ Kích (39 tuổi), Ngô Dung (34 tuổi), Trần Cư (38 tuổi), Hoàng ? (38 tuổi), Vũ Truyền (35 tuổi), Phạm Luận (32 tuổi), Phạm Nhậm (30 tuổi), Nguyễn Luân (21 tuổi), Phạm Xuân (35 tuổi), Nguyễn Thiện (40 tuổi), Vũ Cung (35 tuổi), Bùi Thiện (34 tuổi), Nguyễn Tốt (37 tuổi), Lê Giai (32 tuổi), Nguyễn Hữu (39 tuổi), Nguyễn Thái (38 tuổi), Nguyễn Nhu (37 tuổi), Tạ Gia (33 tuổi), Ngô Vinh (28 tuổi), Tạ Minh (44 tuổi), Phạm Tập (29 tuổi), Vũ Hiệp (26 tuổi), Trần Luân (29 tuổi), Tạ Uyên (29 tuổi), Tạ Xuân (27 tuổi), Trần Dược (24 tuổi), Phạm Trực (22 tuổi), Phạm Thư (43 tuổi).
- Người tùy hành: 06 người:
Lê Ức (28 tuổi), Nguyễn Dự (30 tuổi), Tạ Bình (33 tuổi), Trần Lân (37 tuổi), Phạm Minh (37 tuổi), Lê Phú (42 tuổi).
- Hoàng đinh: 34 người:
Nguyễn Luân (24 tuổi), Lê Tuấn (25 tuổi), Trần Tạp (36 tuổi), Bùi Du (38 tuổi), Tạ Mưu (28 tuổi), Vũ Thanh (28 tuổi), Phạm Tịnh (31 tuổi), Nguyễn Huyên (31 tuổi), Vũ Phùng (22 tuổi), Phạm Vọng (31 tuổi), Nguyễn Giáo (32 tuổi), Vũ Lộc (33 tuổi), Ngô Phụng (33 tuổi), Tạ Dụng (33 tuổi), Vũ Loan (33 tuổi), Nguyễn Thập (35 tuổi), Nguyễn Đài (25 tuổi), Hoàng Quí (27 tuổi), Nguyễn Dụng (27 tuổi), Nguyễn Xưng (27 tuổi), Nguyễn Thản (28 tuổi), Ngô Thưởng (39 tuổi), Vũ Tuân (39 tuổi), Trần Sầm (43 tuổi), Nguyễn Minh (45 tuổi), Nguyễn Viện (46 tuổi), Nguyễn Gia (47 tuổi), Nguyễn Phú (47 tuổi), Tạ Long (47 tuổi), Bùi Nho (47 tuổi), Vũ Lương (47 tuổi), Nguyễn Huân (47 tuổi), Vũ Diệu (41 tuổi), Vũ Công (43 tuổi).
- Lão hạng: 17 người:
Nguyễn Bình (55 tuổi), Lê Chí (55 tuổi), Vũ Hiền (55 tuổi), Vũ Minh (55 tuổi), Vũ Chiêm (55 tuổi), Nguyễn Ức (55 tuổi), Ninh Tài (55 tuổi), Nguyễn Công (55 tuổi), Nguyễn Chí (56 tuổi), Lê Tương (56 tuổi), Phạm Vị (56 tuổi), Nguyễn Vị (56 tuổi), Vũ Ngạn (56 tuổi), Phạm Liêu (57 tuổi), Vũ Đức (58 tuổi), Tạ ? (58 tuổi), Vũ Hựu (59 tuổi).
- Lão nhiêu: 29 người:
Nguyễn Dự (60 tuổi), Phạm Vinh (60 tuổi), Nguyễn Hữu Điền (60 tuổi), Vũ Tài (60 tuổi), Phạm Phương (60 tuổi), Trần Mậu (62 tuổi), Phạm Phú (62 tuổi), Vũ Chí (62 tuổi), Trần Tiến (62 tuổi), Nguyễn Tương (63 tuổi), Phạm Nho (63 tuổi), Vũ Thanh (63 tuổi), Phạm Liên (64 tuổi), Phạm Hội (64 tuổi), Vũ Tài (65 tuổi), Tạ Hoa (65 tuổi), Nguyễn Lĩnh (65 tuổi), Trần Bảng (65 tuổi), Vũ Nam (66 tuổi), Nguyễn Tài (67 tuổi), Tạ Quý (67 tuổi), Phạm Vân (69 tuổi), Tạ Ánh (69 tuổi), Vũ Triều (70 tuổi), Nguyễn Tài (70 tuổi), Phạm Tuấn (73 tuổi), Hoàng Lượng (73 tuổi), Bùi Học (67 tuổi).
- Người tàn tật: 02 người:
Vũ Hiền (mù hai mắt, 37 tuổi), Trần Quảng (mù hai mắt, 40 tuổi).
- Người thân thể không đầy đủ: 03 người:
Tạ Lộc (gãy hai chân, 66 tuổi), Tạ Hiển (gãy 1 tay, 59 tuổi), Hoàng Tửu (gãy hai chân, 59 tuổi).
- Vào thêm:
+ Chính đinh: 02 người (Nguyễn Lăng, Nguyễn Chấn)
+ Lão hạng: 02 người (Vũ Sĩ, Trần Tuyển)
+ Trẻ nhỏ: 01 người (Phạm Huyền).
Từ đây trở lên số người trong xã là đúng thực. Nếu có ẩn lậu, (tức thì) bản xã Xã chính Ngô Hữu Thành, Xã sử Trần Ngưỡng sẽ chịu trọng tội, ruộng đất, tài sản phải nộp cho quan trên, không chối cãi.
Ngày 10 tháng 3 năm Bảo Thái thứ 3 (1722).
Xã chính Ngô Hữu Thành./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.1065-1070)
Đinh Văn Viễn
Nguồn tin: Viện Hán Nôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét