TÌM HIỂU THÊM VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA TIẾN SĨ ĐỖ TÚC KHANG QUA CUỐN ĐỖ TỘC GIA PHẢ (1)
PHẠM HƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Dòng họ Đỗ ở xã Hà Vỹ huyện Đông Ngàn xứ Kinh Bắc xưa (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng là một dòng họ khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt làm quan. Trải từ triều Trần sang thời Lê đặc biệt vào cuối thời vua Lê Thánh Tông, một người con của dòng họ Đỗ là ông Đỗ Túc Khang đỗ tiến sĩ thời Lê. Con trai của Đỗ Túc Khang là Đỗ Túc Đô giữ chức Lang trung ở ty Tham hình bộ Hình. Đỗ Văn Túy là cháu năm đời của Đỗ Túc Khang đỗ Sinh đồ làm Tri phủ phủ Tiên Hưng
Các sách Đỉnh khiết Đại Việt đăng khoa lục, kí hiệu A.2752, Đại Việt lịch đại đăng khoa lục, kí hiệu A.2040, Thiên Nam liệt truyện đăng khoa bị khảo, kí hiệu A. 845 cho biết khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496) đời vua Lê Thánh Tông triều đình lấy đỗ:
- Đệ nhất giáp Tiến sĩ: 3 người
Nguyễn Viện người xứ Kinh Bắc đỗ Trạng nguyên.
Nguyễn Hoàn người xứ Kinh Bắc đỗ Bảng nhãn.
Đặng Lưu người xứ Hải Dương đỗ Thám hoa.
- Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) có 8 người:
Đinh Cương người xứ Hải Dương
Nguyễn Thanh người xứ Hải Dương.
Nguyễn Miễn Cung người xứ Hải Dương
Lê Quýnh người xứ Sơn Nam (nay thuộc Thái Bình)
Nguyễn Khiết Tú người xứ Kinh Bắc
Triệu Nghi Phù người xứ Sơn Tây
Phạm Cảnh Lương người xứ Hải Dương
Phạm Giới người xứ Sơn Tây.
- Đệ tam giáp Tiến sĩ 19 người
Đỗ Túc Khang xếp hạng thứ 11/19.
Về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Đỗ Túc Khang, các sách trên cũng chỉ ghi vắn tắt như: Đỗ Túc Khang người xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn, làm quan đến Thừa chính sứ.
Sách Đại Việt lịch đại đăng khoa lục cho biết thêm, khoa này Trạng nguyên Nguyễn Viện lúc ghi tên đi thi là Nguyễn Viên sau thi đỗ rồi, vua Lê Thánh Tông ban cho tên là Nguyễn Viện. Thế nhưng sách không ghi rằng Đỗ Túc Khang cũng được vua Lê Thánh Tông ban cho tên gọi như thế.
Vào tháng 10 năm 2009 chúng tôi có may mắn được xem cuốn gia phả họ Đỗ dày chừng 50 trang, chữ viết chân phương dễ đọc, lời văn trong sáng dễ xem. Ngay từ trang đầu của quyển gia phả có đề dòng chữĐỗ tộc gia phả. Cuốn phả ghi chép lại thế thứ từng đời, đặc biệt có ghi rất kĩ về thân thế sự nghiệp của cụ Đỗ Vĩnh Khang (sau này đi thi đỗ Tiến sĩ được vua ngự bút cho đổi thành Đỗ Túc Khang). Chúng tôi thấy đây là một nguồn tư liệu quý xin được trích dịch giới thiệu giúp bạn đọc tiện tham khảo. Phần trích dịch này được trích từ trang số 5 đến trang số 10 theo bản gia phả giấy dó của dòng họ Đỗ.
Cha của Tiến sĩ Đỗ Túc Khang là cụ Đỗ Hoan sinh năm Đinh Mão, cụ là người tinh thông địa lý am tường thiên văn. Vào năm Canh Dần thì cụ sinh Đỗ Vĩnh Khang. Năm 23 tuổi Đỗ Vĩnh Khang đi thi Hương trúng tam trường, năm 26 tuổi ông lại đi thi Hương trúng Tứ trường, năm 27 tuổi niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496) ở khoa thi Bính Thìn ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân và được vua ngự bút cho đổi tên là Đỗ Túc Khang.
Năm đầu thời Cảnh Thống (1498) ông được ban chức Tri huyện huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn, ba năm sau được thăng làm Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương. Năm năm sau được thăng làm Đoán sự vệ Kim Ngô. Vào dịp tết Nguyên đán năm thứ 2 đời Đoan Khánh do không biết nên tên Chưởng quan vệ để ngựa chạy sổng mất nên vì việc này mà bị giáng chức.
Mấy năm sau được xá tội cho phục chức làm Đoán sự vệ Cẩm Y. Năm năm lại được thăng làm Hiến sát sứ đạo Hưng Hoá. Sáu năm được thăng làm Hiến sát sứ đạo Sơn Nam. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) được thăng làm Lưu tướng quân Đoán sự vệ Kim Ngô. Bắt đầu ấm phong cho cha là Đỗ Hoan làm Minh Thời tướng quân Đồng tổng tri, mẹ là bà họ Phạm làm Thạc phu nhân có hiệu là Đoan Trang, vợ là bà Ngô quý thị làm Lệnh phu nhân có tên thụy là Từ Nhân. Năm Hồng Thuận thứ 4 (1512) được thăng làm Thừa tham hộ đạo Hải Dương, năm Hồng Thuận thứ 5 (1513) được cử giữ chức Tham chính đạo Sơn Tây, năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) tháng Giêng cha mẹ mất nên phải về chịu tang. Đến tháng 10 năm đó vâng theo mật sắc đem quân đến vùng Kinh Bắc đánh giặc. Đến tháng 12 lại vâng mệnh giữ chức Thừa ti Tham chính đạo Sơn Tây đến vùng Kinh Bắc đóng doanh trại.
Đầu năm Quang Thiệu lại vâng mệnh sắc chỉ đi đánh giặc lại lập được công trạng và được ban thưởng cho ở lại doanh trại đó. Hàng ngày các quan Thừa chính nhị ti cùng các quan lại ở các phủ huyện đều đến báo cáo công việc. Sau hai năm dẹp xong giặc ông được phong chức Tán trị Thừa chính sứ ti các xứ Kinh Bắc. Ông đã dẹp yên được bọn Nguyễn Công Độ, Nguyễn Thông, Nguyễn Nùng ở các vùng vì thế được thăng làm Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu, kiêm chức Tán trị Thừa chính sứ ti các xứ Thái Nguyên.
Tháng 12 năm thứ hai niên hiệu Thống Nguyên vua lại sai làm tướng đem quân đi đánh giặc ở vùng Thái Nguyên, nhân lúc về qua nhà vào ngày mùng 6 tháng 2 thì ông mất, đặt tên thuỵ là Dao Chiền phủ quân.
Qua gia phả họ Đỗ làng Hà Vĩ chúng ta có thể biết năm 1496 ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ lúc 27 tuổi, tức là ông sinh năm 1470.
Đến ngày mùng 6 tháng 2 năm Thống Nguyên thứ 2 (1523) ông mất khi đi đánh giặc ở Thái Nguyên về nghỉ thăm nhà thì mất, ông hưởng thọ 53 tuổi.
Gia phả cho biết các chức vụ ông đảm nhiệm từ Tri huyện đến Giám sát Ngự sử, rồi Thừa chính sứ. Các tư liệu trong gia phả họ Đỗ trên cho phép chúng ta suy thêm về hành trạng của Tiến sĩ Đỗ Túc Khang là:
1.Năm sinh 1470 và năm mất là 1523, thọ 53 tuổi.
2.Ông cũng được vua Lê Thánh Tông ban cho tên là Đỗ Túc Khang. Khoa thi năm Bính Thìn này, vua Lê Thánh Tông ban tên cho người một là Trạng nguyên Nguyễn Viện, hai là Đệ tam giáp Tiến sĩ Đỗ Túc Khang.
3.Về sự nghiệp của Đỗ Túc Khang chúng tôi ghi theo trình tự thời gian như sau:
4.Năm 1495 đỗ Hương cống.
5.Năm 1496 đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ.
6.Năm 1498 làm Tri huyện huyện Thủy Đường.
7.Năm 1501 làm Giám sát ngự sử đài đạo Hải Dương.
8.Năm 1505 làm Đoán sự vệ Kim Ngô.
9.Năm 1506 bị cách chức do liên đới để mất ngựa, ít lâu sau được phục chức làm Hiến sát sứ đạo Hưng Hóa, Hiến sát sứ đạo Sơn Nam.
10.Năm 1511 làm Đoán sự vệ Kim Ngô.
Lúc này cha ông là Đỗ Hoan được ấm phong làm Minh Thời tướng quân Đồng tổng tri.
Mẹ ông được ấm phong là Thạc phu nhân.
Vợ ông được ấm phong là Lệnh phu nhân.
11.Năm 1512 làm Tham hộ đạo Hải Dương.
12.Năm 1513 làm Tham chính đạo Sơn Tây.
13.Tháng 1 năm 1515 về nhà chịu tang.
14.Tháng 11 năm 1515 đem quân đi đánh giặc ở Kinh Bắc.
15.Tháng 12 năm 1515 làm Thừa chính sứ ti Hải Dương.
16.Năm 1520 làm Thừa chính sứ Kinh Bắc, đem quân đi dẹp giặc thắng lợi trở về. Được làm Thừa chính sứ Thái Nguyên.
17.Năm 1523 ông mất.
Chú thích:
(1) Tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Nguyễn Tá Nhí người đã giúp đỡ tôi hoàn thành bài viết và anh Đỗ Văn Mạnh người đã cung cấp bản gia phả họ Đỗ ở xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn (nay là xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội) cho tôi./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.565-569)
Phạm Hương Lan
Nguồn tin: Viện Hán Nôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét