Giới thiệu bản thần tích Phạm Cự Lượng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Giới thiệu bản thần tích Phạm Cự Lượng

GIỚI THIỆU BẢN THẦN TÍCH PHẠM CỰ LƯỢNG

NGUYỄN HOÀNG YẾN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có biết bao người anh hùng lập chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, tên tuổi của học, những chiến công của họ sẽ mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam nhắc đến, song có một danh tướng với chiến công hiển hách ở hai triều Đinh - Tiền Lê thì còn được ít người biết đến. Đó là danh tướng Phạm Cự Lượng (Lạng).
Nhân một chuyến đi công tác về Hải Hưng, chúng tôi đã được đọc cuốn thần tích của hương Hưng Lộc viết về vị danh tướng này. Cuốn thần tích có kích thước 21x12.5 gồm 18 trang, chữ viết tay, loại chữ chân, giấy bản đã cũ.
Bản thần tích này của hương Hưng Lộc quê hương của ông Nguyễn Huy Oánh viết vào ngày 15 tháng 11 niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 12 (1751). Nguyễn Huy Oánh tự Thư Hiên, hiệu Thạc Đình, người làng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1722, mất năm 1789, năm Kỷ Dậu, Chiêu Thống thứ 3. Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), ông đậu Thám hoa, làm Đông các đại học sĩ, được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc về thăng đến Hộ bộ thượng thư và có nhiều tác phẩm để lại cho đời trong đó có bản thần tích này. Trong bản thần tích, ông đã giới thiệu khá tỉ mỉ, chi tiết về thân thế cũng như sự nghiệp của Phạm Cự Lượng chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin về ông để có thể hiểu thêm về vị danh tướng này.
Phạm Cự Lượng, người ở Khúc Giang, Nam Sách (1). Cha là Phạm Mạn, mẹ là Trần Thị Hồng sinh được năm trai, ba gái, ai cũng hiển đạt, nhưng chỉ có con thứ là Cự Lượng đáng kể nhất. Ông sinh ngày 20 tháng 11 năm Giáp Thìn (944), từ nhỏ tư chất thông minh, văn võ đều thấu hiểu cả, có chí lớn. Ông cùng anh trai là Phạm Hạp theo giúp Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp xong 12 sứ quân năm Mậu Thìn (968) vua Đinh tự lập là Đại Thắng Minh hoàng đế, ông Phạm được phong là Tâm phúc tướng quân, coi quân Thị vệ (2).
Năm Canh Thìn (980), vua nhà Tống cho quan trấn thủ Ung châu Hầu Nhân Bảo chức Giao châu thuỷ lục chuyển vận sứ cùng Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực theo hai đường Lạng Sơn, sông Bạch Đằng vào xâm chiếm nước ta. Tháng 7 năm ấy Thái hậu phong ông Lượng làm Tiên phong đại tướng, ông đã phò lập Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Thiên tử. Đế liền phong ông là Thái uý Tham tán nhung vụ, cuối mùa xuân năm Tân Tị (981) tướng Tống là Hầu Nhân Bảo chết trận, mọi tướng quân của giặc đều dẹp xong cả.
Năm Nhâm Ngọ (982), ông Phạm phụng sự vua đánh Chiêm Thành đại thắng tại Đồng Dương (3). Mùa thu năm Quý Mùi, ông vâng mệnh khơi sông mới từ Đồng Cổ (4) đến Bà Hoà (5) trên đắp thành đường lớn, dưới khơi thành sông lớn để lưu thông thuỷ bộ. Tại đây, ông bị bệnh sốt rét, ngày lại tiếp ngày không khỏi, đến năm sau tức năm Giáp Thân (984) thì mất ở nơi hành tại Đồng Cổ. Vua cho người đem linh cữu về kinh, táng tại phía nam núi Bồ.
Dân sở tại Đồng Cổ nhớ ơn ông lúc bình sinh, có công đức cứu dân nghèo khốn, dạy người thật thà bèn lập đền thờ, viết thần hiệu là “Lê triều Tiên phong đại tướng quân Thái uý Đồng Cổ sơn thần”, bốn mùa hương khói không bao giờ dứt.
Đến thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) hình phạt xử án rối nát, quan Sĩ sư nhiều khi không quyết được. Vua bèn nghĩ mẹo lập một ngôi đền thờ thần, khi có kẻ gian tà thì kéo nhau đến đó mà trình lễ cầu đảo, song chưa chọn được vị nhân thần nào. Tới đêm vua mơ thấy vị sứ giả mặc áo hồng tới phong cho Thái uý Phạm Cự Lượng thời vua Lê là chủ việc thề bồi, xét việc hình phạt tù đày. Tỉnh lại vua hỏi quần thần, có người biết nói rằng: Cự Lượng vốn là tướng quân dưới triều vua Đinh, sau phò Lê Hoàn lên ngôi vua được phong chức Thái uý, ông nội là Phạm Chiêm làm châu mục Vũ An thời Ngô tiên chủ, cha là Phạm Mạn là Tham chính đô hộ thời Nam Tần vương, anh là Phạm Hạp làm quan Đô thống thời Lê, ba đời đều hiển đạt nổi tiếng cả thiên hạ đều biết cả. Vua mừng rỡ liền sai quan bộ Lễ viết sắc phong cho thần là “Hoằng chính đại vương”. Tới hôm sau vua Lý lại mơ thấy có người tới xưng tên là Phạm Cự Lượng quỳ ở dưới điện lạy tạ, nhân thế vua bèn cho mở rộng thêm đền thờ khắc văn bia ghi lại sự việc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu một số sách viết về nhân vật lịch sử này như sau:
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết: "Ông vốn là danh tướng của nhà Đinh. Năm Tân Tị 981, nhà Tống (Trung Quốc) sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng và Lưu Trường đem quân thuỷ bộ sang xâm lược nước ta, ông được vua Đinh cử làm Đại tướng đem binh chống giữ. Trước lúc ra quân, ông họp binh sĩ lại đề nghị suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để đủ quyền hành cầm vận mạng dân nước, binh sĩ đều tán thành. Sau đó, ông cùng Lê Hoàn dẹp tan quân Tống, giết Hầu Nhân Bảo tại ải Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn).
Trước kia, anh ông là Phạm Hạp cùng với Đinh Điền, Nguyễn Bặc chống đối Lê Hoàn, đều bị Lê Hoàn giết chết cả. Nhưng ông lại là người giúp Lê Hoàn đắc lực trong việc dứt nhà Đinh, đuổi quân Tống, dẹp Chiêm Thành, ổn định tình hình, dựng nên nhà Tiền Lê hùng cường một thời trong lịch sử nước ta" (6).
Còn theo Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: "Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh và phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn". Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế". "Dựng đền thờ Hoằng Thánh Đại vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan Sĩ sư không xét đoán được, muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên đế. Đêm ấy vua chiêm bao thấy sứ giả mặc áo đỏ bưng sắc chỉ của thượng đế ban cho Phạm Cự Lạng làm chức Đô hộ phủ ngục tụng minh chủ. Vua hỏi sứ trời rằng: "Người ấy là ai? Hiện đang giữ chức gì của ta?" Sứ giả nói: "Người ấy làm Thái uý triều Lê Đại Hành? Nói xong thì biến mất. Vua tỉnh dậy, gọi các quan vào hỏi việc ấy, phong cho [Cự Lạng] trước vương, sai Hữu ti dựng đền ở phía tây cửa nam thành, tuế thời cúng tế" (7).
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu về bản thần tích Phạm Cự Lượng và một số thông tin về ông, hiện nay đền thờ Phạm Cự Lượng vẫn còn và nằm ở ngay gần Văn Miếu Hà Nội theo sách Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam thì ngôi đền này được xây dựng năm Đinh Sửu niên hiệu Thông Thụy thứ 4 (1037) đời vua Lý Thái Tông và trong đền còn lưu giữ được một đôi câu đối đã khái quát được sự nghiệp của ông:
Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải
Bình Tống anh thanh quán cổ kim
(Phò Lê công lớn còn mãi với sông núi
Dẹp Tống tiếng lừng vang khắp xưa nay).
Qua các tư liệu Hán Nôm trên đây, chúng ta có thể hiểu thêm về một nhân vật lịch sử có công với đất nước từ buổi đầu của thời kỳ độc lập. Những công lao của ông đối với dân tộc mãi mãi sẽ còn được người dân Việt Nam nhớ tới. Hiện nay, đền thờ Phạm Cự Lượng nằm ở phố Quốc Tử Giám là một trong những ngôi đền có lịch sử sớm nhất của Hà Nội và ngôi đền này vẫn được nhân dân địa phương tôn tạo, thờ cúng.
Chú thích:
1. Nay thuộc Hải Dương.
2. Thị vệ: chỉ chức quan thân cận của vua làm nhiệm vụ bảo vệ hoàng cung.
3. Tức Indơrapura kinh đô Chiêm Thành.
4. Núi Đồng Cổ: ở xã Đan Nê, huyện An Định, tỉnh Thanh Hoá.
5. Sông Bà Hoà: ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Bây giờ là sông xã Đồng Hoà.
6. Trích trang 712 - 713 Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, NXB KHXH, 1991.
7. Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Đức Thọ dịch và chú giải - NXB KHXH, Hà Nội 1993 tờ 25a Bản kỷ 2, Kỷ nhà Lý.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.726-732.
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ