Văn bia ghi sự nghiệp Phạm Công Trứ ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Văn bia ghi sự nghiệp Phạm Công Trứ

VĂN BIA GHI SỰ NGHIỆP PHẠM CÔNG TRỨ

ĐẶNG VĂN LỘC
Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương


Di tích đền thờ Phạm Công Trứ ở thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên còn 12 văn bia. Số bia ghi về điền trạch, về việc thờ cúng tiên tổ, thờ cúng của các chi chiếm tỷ lệ 11/12. Muốn tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của vị quan thừa tướng được đánh giá là bậc “Hiền tài bậc nhất thời Lê trung hưng” cần tiếp cận với văn bia Đại Thừa tướng sự nghiệp bi (Văn bia ghi về sự nghiệp Đại Thừa tướng). Văn bia có chiều cao 123cm chiều rộng 75cm. Trán bia hình vòm điểm cao nhất 28cm. Lòng bia có kích cỡ: 75cm và 86cm, độ dầy (đoạn giữa) 17cm, chất liệu đá. Hai mặt chữ Hán, mặt trước có 19 dòng mặt sau có 20 dòng, mỗi dòng trung bình 25 chữ, tổng cộng gần 1000 chữ. Bia được dựng trong nhà bia. Nội dung văn bia có 2 phần, phần thứ nhất ghi họ và tên, quê quán, các chức vụ đã đảm nhiệm, các tước được Vua phong. Văn bia còn ghi ngày mất, tên thụy, nghi thức tang lễ, đánh giá công lao, ca ngợi tư cách của Phạm Công Trứ. Mặt sau văn bia ghi bài minh thể 4 câu, tóm tắt tiểu sử, công trạng và những ân huệ được vua ban. Ghi ngày giỗ của Phạm Công Trứ, của 2 người vợ. Ghi năm hoàn thành văn bia, người lập, người soạn, người viết văn bia. Năm Vĩnh Trị thứ 4 văn bia được lập (1679), bởi các con Phạm Công Kiêm, Phạm Công Dự, Phạm Công Vĩ. Người soạn văn bia là Tiến sỹ Nho học, Đông các học sỹ đệ nhị danh, Hồ Sỹ Dương, chức Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng, Công Bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ, tước: Duệ Quận công, hàng Trụ quốc thượng trật, quê ở Hoàn Hậu Quỳnh Lưu Nghệ An. Văn bia có giá trị trên các phương diện: sử học, dân tộc học, văn học, ngôn ngữ học. Văn bia còn là cổ vật cần được bảo vệ theo luật Di sản văn hóa.
Phiên âm:
Mặt trước văn bia: ĐẠI THỪA TƯỚNG SỰ NGHIỆP BI
Đại thừa tướng tính Phạm húy Công Trứ tạo mệnh Canh Tý Đường Hào Liêu Xuyên nhân dã Ttrung hiếu kỳ tâm chí trạch kỳ học chấp nhị hương thí nhất cử chấp lục khảo trúng Sĩ vọng, nhiệm Huấn đạo chức chấp cửu đăng Mậu Thìn khoa Đồng Tiến sĩ xuất thân phụng ứng chế trúng cách nhập Hàn lâm viện lịch nhiệm chí Hiến sứ Phủ doãn Tham chính Thị khanh đẳng chức Ất Dậu dĩ an nội công phong Phó đô Bá tước lịch thăng Phó đô ngự sử hữu dĩ gián ngôn ngưỡng mông thân hạnh dũ đốc Đinh Dậu thăng Lễ bộ Thượng thư Yến quận công, tái phụng mệnh trưởng giám tăng nhung từ vũ trấn tác văn phong Tân Sửu thăng Đông các đại học sỹ Thiếu bảo chức. Giáp Thìn thăng Lại bộ Thượng thư. Mậu Thân dĩ Tham tụng Lại Bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ quốc lão tham dự triều chính Thái bảo Yến quận công chí sĩ phụng ban đối kỳ thập nhị liên cập nghênh tiếp nhất huyện dân Quý Sửu phụng khởi phục nhập triều chưởng lục bộ sự Ất Mão niên thập bát nhật quy tiên hưởng linh thất thập hữu lục phụng tăng Thái tể tứ thụy Kinh Tế phủ quân khâm mông ban nội thảng tiền sai quan dụ tế tái phụng mệnh cấp bản quán dân vi tạo lệ tự sự kỳ sự nghiệp quang tiền chấn hậu công danh thiện thủy bảo chung chất chư cổ chi đại thần công tâm trực đạo tế tế chí thân sinh đô vinh danh chung hữu hiển hiệu kỳ hề tốn tuy nhiên Đại thừa tướng chi sự nghiệp huân danh cố như thử Đại thừa tướng chi quy mô thế trí thị như hà? thời hồ tắc sĩ thanh tĩnh ngọc đường trung diễn luân huy chế ung dung hoàng các thượng luận đạo kinh bang vi đương triều chi nguyên lão dã thời hồ tắc chỉ trung ái quyền hỹ sơ tâm chi võng thê triều đình niệm niệm tiến tích nhật chi đương quyền vi thánh thế chi dật lão dã thời nhi khởi phục biểu xuất bách quan chửng khiêm lục bộ trung hiếu vĩnh khiên nhất tiết thủy chung dư tứ thập niên trung nghĩa mãn triều đình huân danh mãn thiên hạ đãi hồ tịch cốc du tiên chi nhật dịch danh thụy điển tế sách đặc chỉ mông dị số dã điều tiền khâm ban tạo dân phụng cấp ngưỡng thù ân dã ô hô thị hà đại thừa tướng chi công thành danh toại thiếu quý lão toàn sự nghiệp kiên tương ư thiên tái chi hạ giả da dĩ thử tôn cảm mộ khái tưởng đặc lập bi ký.
Mặt sau văn bia: TIÊN NHÂN SINH NIÊN HÚY NHẬT
Hựu tác nhi minh chi minh viết
Đường Hào Cổ Liêu/ Địa hậu dân nhiêu/ Kỳ trung kiệt xuất/ Phu tử đẩu tiếu/ Khoa cao tương tương/ Vị trường thần liêu/ Đãi thân thương truyện/ Chí chủ Đường Nghiêu? Hoàng thường nang quát? Lục dã phong yêu? Phục chưởng lục bộ/ Lịch tán tam triều/ Đài quy hoàn định? Tiên cảnh tiêu diêu (dao)/ Thái tế vinh tặng/ Thế thượng kỷ phiên/ Tư dân đồng tự/ Đại ước tiểu điều/ Tứ thời bát tiết/ Ngọc quản kim tiêu/ Khanh thương sự nghiệp/ Hạt dĩ ca diêu (dao)/ Thử bi nhất lập/ Vạn cổ chiêu chiêu.
Tổng ký tiên nhân sinh niên cập húy nhật
Tiên khảo Thái tể công dĩ Canh Tý niên tam nguyệt thập thất nhật Canh Thân. Mậu Dần thời sinh ư Ất Mão niên thập nguyệt nhị thập bát nhật thọ chung hưởng linh thất thập lục an táng vu hiển tỷ phong Ám quận phu nhân Lưu quý thị hiệu Từ Nhân dĩ Giáp Thìn niên lương nguyệt nhật thời sinh ư Giáp Dần niên thập nhị nguyệt thập ngũ nhật thọ chung hưởng linh thất thập nhất táng vu tỷ phong tặng Á phu nhân Cao quý thị hiệu Huy Trang dĩ Nhâm Tý niên cửu nguyệt nhị thập nhật Thìn thời sinh ư Nhâm Thìn niên cửu nguyệt thập nhất nhật thọ chung hưởng linh tứ thập nhất an táng vu Văn Giang huyện Hoàng Đôi xã Chi Long thôn.
Hoàng triều Vĩnh Trị vạn vạn niên chi tứ xuân tiết cốc đán chúng tử Sơn Nam xứ Than chính Diễn lan nam Phạm công Khiêm Sơn Nam xứ Tham nghị Trung thuần tử Phạm Công Thiện Kinh Bắc xứ Tham nghị Phạm Công Phương Binh bộ viên ngoại tức Phạm Công Dự Hoằng tín đại phu nho sinh Phạm Công Vĩ cẩn lập.
Môn hạ phụng
Tứ Nhâm Thìn khoa Đồng Tiến sỹ xuất thân Kỷ Hợi khoa Đông các đệ nhị danh Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng Công Bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Duệ Quận công trụ quốc thượng trật Quỳnh Lưu, Hoàn Hậu Hồ Sĩ Dương huân mộc khể thủ soạn.
Tân Sửu khoa thi trúng thư toán Kinh Bắc xứ Thừa ty nha môn đề lại Thượng Phúc Nhị Khê Nguyễn Vinh thừa tả.
Ất Mão khoa thi trúng thư toán Kinh Bắc xứ thừa ty nha môn đề lại Đường Hào Phù Ủng Lê Trinh Thường thừa tả.
Dịch nghĩa:
Mặt trước:
BIA GHI SỰ NGHIỆP ĐẠI THỪA TƯỚNG (PHẠM CÔNG TRỨ)
Thừa tướng họ Phạm húy Công Trứ, sinh năm Canh Tý (1600) người thôn (xã) Liêu Xuyên, (huyện) Đường Hào. Ông là người trung thành, hiếu thảo. Luôn chú tâm nghiên cứu lý lẽ của sự vật, kết quả học tập rất rạng rỡ, công việc thuận lợi. Năm 22 tuổi, thi Hương một lần đỗ ngay đầu bảng, năm 26 tuổi khảo thí trúng Sỹ vọng được bổ nhiệm chức Huấn đạo, năm 26 tuổi, khoa thi năm Mậu Thìn (1628) đỗ Đồng Tiến sỹ xuất thân (thi) ứng chế được trúng cách, (được tuyển) vào Hàn lâm viện. Lần lượt đảm nhận các chức Hiến sứ, Phủ doãn, Tham chính, Thị khanh. Năm Ất Dậu (1645) có công dẹp yên nội loạn được thăng chức Phó đô, tước Bá rồi thăng chức Phó đô ngự sử. Làm việc can ngăn Vua, càng được vua yêu. Năm Đinh Dậu (1657) được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Yến Quận công, nhận mệnh Vua sửa sang đền miếu, chấn tác văn phong. Năm Tân Sửu (1661) được thăng chức Đông các đại học sỹ, chức Thiếu bảo. Năm Giáp Thìn (1664) được thăng Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các đại học sỹ, bậc quốc lão tham dự triều chính, được ban tặng tước Thái bảo Quận công. Nghỉ hưu (trí sỹ) được ban tặng 12 đôi câu đối thêu vào cờ và được dân 1 huyện nghênh tiếp. Năm Quý Sửu (1673) lại ra làm việc triều chính nắm giữ việc lục bộ. Ngày 28 tháng 10 năm Ất Mão (1675) Đại thừa tướng quy tiên, hưởng thọ 76 tuổi, được tặng Thái tể, ban tên thụy: Kinh Tế phủ quân, được ban tiền ngân khố (lo tang), cử quan triều đình về dự tế, cho dân bản quán làm tạo lệ thờ cúng. Sự nghiệp của Đại thừa tướng làm vẻ vang làm sáng tỏ huân nghiệp người xưa, phấn chấn đời sau (quang tiền chấn hậu). Công danh của Đại thừa tướng trước sau toàn vẹn (thiện thủy bảo chung). Đại thừa tướng mang phẩm chất của các bậc Đại thần xưa: công tâm, theo đường chính đạo, suốt đời vì sự thịnh vượng phát triển. Sinh thời được vinh danh; khi qua đời còn lưu tiếng tốt. Dẫu có thế nào thì sự nghiệp, công danh của Đại thừa tướng vẫn như vậy. Đại thừa tướng xây dựng và thực thi phép tắc ra sao? Làm quan nơi ngọc đường thanh tịnh, soạn thảo ý chỉ của Vua. Ung dung nơi hoàng các bàn đạo trị nước. Là bậc nguyên lão đương triều, được vua cho nghỉ hưu là nghỉ ngay. Luôn thể hiện lòng trung thành, yêu mến, luôn nghĩ để triều đình được thịnh vượng. Lúc được vời ra giữ chức đứng đầu lục bộ, luôn giữ đức trung hiếu, tiết tháo. Hơn 40 năm làm việc, đức trung hiếu lan khắp triều đình, tiếng thơm tỏa khắp thiên hạ. Khi qui tiên được Vua ban cho đổi tên thụy, được ghi vào sách điển tế, ban chỉ dụ cho hưởng nhiều ân huệ đặc biệt, được ban tiền tang điếu, quy định cho dân phụng thờ và nhiều đặc ân khác. Ôi, thực là Đại thừa tướng công thành danh toại, lúc trẻ thì sang quý, khi già thì toàn bích. Sự nghiệp còn ngân nga như tiếng chuông tiếng khánh mãi về sau. Cho nên con cháu cảm động, tưởng nhớ mà lập bia ký đặc biệt này.
Ngày kỵ, năm sinh của bậc tiên nhân
Còn làm một bài minh, bài minh rằng: Thôn (xã) Liêu Xuyên cổ kính ở huyện Đường Hào/ Đất đai mầu mỡ dân giầu có/ Nơi ấy xuất hiện người kiệt xuất/ Làm bậc thầy sáng như sao Bắc Đẩu/ Nhiều người đỗ khoa bảng/ Ở ngôi vị đứng đầu quan lại/ Cẩn thận khi làm sử sách/ Để chúa thượng được như vua Đường vua Nghiêu/ (thời vua thịnh trị nhất của xã hội phong kiến)/ Cất xiêm vàng vào túi buộc lại/ Về yêu mầu xanh và gió thổi nơi đồng quê/ Trở lại đứng đầu 6 bộ/ Qua 3 triều vua/ Hoàn thiện khuôn phép cho triều đình/ Về với cõi tiêu diêu cảnh tiên/ Được truy tặng Thái tể/ Sự ra đi thật kỳ diệu/ Được dân thờ cúng/ Có qui định theo đại ước tiểu điều/ Quanh năm ngân tiếng tiêu tiếng sáo, tiếng đàn sắt đàn cầm ca ngợi sự nghiệp/ Sao lại không viết bài ca/ Vì thế lập văn bia/ Muôn đời rạng rỡ.
Ghi ngày giỗ, năm sinh các bậc tiên hiền
Tiên khảo thái tể công (Phạm Công Trứ) sinh giờ Mậu Dần, ngày 17 (ngày Canh Thân), năm Canh Tý. Mất ngày 28 tháng 10 năm Ất Mão (1675). Hưởng thọ 76 tuổi. An táng ở... Hiển tỷ được phong Ấm quận phu nhân, Lưu quý thị, tên hiệu là Từ Nhân, sinh ngày tháng tốt (lương nguyệt nhật), năm Giáp Thìn. Mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Dần. Thọ 71 tuổi. Hợp táng. Tỷ được phong tặng Á phu nhân, Cao quý thị tên hiệu là Huy Trang. Sinh ngày 20 tháng 9 năm Nhâm Tý. Mất ngày 11 tháng 9 năm Nhâm Thìn, thọ 41 tuổi. An táng ở thôn Chi Long xã Hoàng Đôi huyện Văn Giang.
Mùa xuân năm Vĩnh Trị (1679), buổi sớm ngày tốt.
Các con (nam tử): Phạm Công Kiêm, chức Tham chính Diễn lan xứ Sơn Nam. Phạm Công Thiện, chức Tham nghị thuần tử xứ Sơn Nam. Phạm Công Phương chức Tham nghị xứ Kinh Bắc. Phạm Công Dự chức Viên ngoại Bộ Binh. Phạm Công Vỹ chức Hoằng tín đại phu nho sinh. Kính cẩn lập.
Môn hạ: Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1652) Đông các đệ nhị danh khoa Kỷ Hợi (1659) chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tham tụng, Công Bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ, Duệ quận công Trụ quốc thượng trật, Quỳnh Lưu, Hoàn Hậu, Hồ Sỹ Dương kính cẩn vâng lệnh soạn (huân mộc khể thủ soạn).
Nguyễn Vinh người Nhị Khê Thượng Phúc thi trúng thi toán khoa Tân Sửu chức Đề lại Thừa ty xứ Kinh Bắc và Lê Trinh Tường người Phù Ủng Đường Hào chức Đề lại nha môn Thừa ty xứ Kinh Bắc viết chữ./.

Đặng Văn Lộc
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ