Phát hiện một bản DỰC ĐỚI NHƯỢNG SẮC thời loạn kiêu binh ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Phát hiện một bản DỰC ĐỚI NHƯỢNG SẮC thời loạn kiêu binh

PHÁT HIỆN MỘT BẢN DỰC ĐỚI NHƯỢNG SẮC
THỜI LOẠN KIÊU BINH

NGÔ ĐĂNG LỢI
Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng
Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng có chép việc năm Cảnh Hưng 43 (1781) kiêu binh nổi loạn ở Kinh đô Thăng Long khiến “trăm quan đều im hơi lặng tiếng không dám xúc phạm”. Chúa mới Trịnh Tông và Thái phi Dương Ngọc Hoan theo kế của đình thần “bàn xét công lao, phong thưởng để họ đều được mãn nguyện, rồi sau sẽ cho họ vào khuôn phép”. Vì vậy, Bằng Vũ được phong Suy trung dực vận công thần, bọn Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hoàng cùng bọn Nguyễn Khiêm, tên Gia, tên Dư đều được phong Tuyên lực công thần... “Lại phát sẵn cho mỗi người (kiêu binh) một tờ sắc lệnh thưởng công để trống trong lòng giấy (có đóng dấu ấn vào mặt giấy), cho phép họ được nhượng lại cho người khác để lấy tiền, gọi là Dực đới nhượng sắc. Chúa lại dụ bảo ai nấy đều phải tuân theo pháp luật, cùng hưởng thái bình. Kiêu binh do đó mới dẹp xuống chút ít.
Vừa qua, gia đình họ Phạm, một họ lớn, ở thôn Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có nhờ tôi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích một bản sắc phong của dòng họ. Bẳn sắc phong tuy có vài chỗ bị thủng nhưng chữ còn đọc được đầy đủ rõ ràng. Nhận thấy văn bản này là chứng tích cụ thể của một thời nhiễu nhương, chúng tôi xin phiên âm, dịch nghĩa, chú thích theo trình độ hiểu biết hạn hẹp của mình và xin đính kèm bản chụp lại tờ sắc tham khảo
Bản sắc phong của vua Lê Hiển Tông ban cho cụ Phạm Đình Diệp, hiện bảo quản tại nhà thờ họ Phạm thôn Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Ninh tỉnh Thái Bình.
Phiên âm:
Sắc chỉ Thanh Lan huyện, Vị Khê xã, nhiêu nam Phạm Đình Diệp vị phụng tự vương sơ chính chuẩn chư quân dực đới công, nhĩ dĩ Thị hậu Nghiêm nhất đội thuộc viên Lê Đình Quản dự phụng thăng chức nhị thứ, tư khất nhượng điển, nhĩ kinh chỉ chuẩn hứa y khất ứng huyện thừa chức khả vi Tiến công thứ lang, Trung sơn huyện Huyện thừa, hạ chế, cố sắc.
Cảnh Hưng tứ thập lục niên tam nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc viên nhiêu nam(1) Phạm Đình Diệp ở xã Vị Khê(2) huyện Thanh Lan(3), vì có công giúp Tự Vương(4) khi mới chấp chính, chuẩn thưởng cho các quân lính đã lập công. Vì vậy các thuộc viên đội Nghiêm nhất(5), ngạch lính Thị hậu của Lê Đình Quản đã cho thăng chức hai bậc. Nay lại xin hưởng nhượng điển(6), cũng đã chuẩn y, cho làm chức Huyện thừa(7), ngạch Tiến công thứ lang(8), lĩnh chức Huyện thừa huyện Trung Sơn(9), hạ chế(10). Vì thế ban sắc.
Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785) tháng ba ngày 25.
Chú thích:
(1) Nhiêu nam: Thời phong kiến có chế độ ưu đãi con cái các quan, con quan to từ Tứ phẩm trở lên được phong ấm, con quan nhỏ được một suất nhiêu, tức là được miễn lao dịch.
(2) Xã Vị Khê thời Pháp thuộc đổi là xã Vị Thủy.
(3) Huyện Thanh Lan thời Lê đến thời Nguyễn Gia Long đổi gọi là huyện Thanh Quan, thời Pháp thuộc đổi là Thái Ninh.
(4) Tự vương: Chỉ Trịnh Tông, con lớn chúa Trịnh Sâm và Dương Ngọc Hoan, do vụ mật án năm Canh Tý (1780) bị phế làm con thứ và bị giam. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm chết, quân Tam phủ nổi loạn, phế Trịnh Cán con Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ, phù Trịnh Tông lên ngôi Chúa.
(5) Đội Nghiêm nhất là một đội quân hầu cận (thị hậu) ở phủ Chúa. Theo quy định chế lộc năm Bảo Thái thứ 3 (1722), viên quản binh đội này được hưởng lộc 6 xã. Thuộc loại cao so với các đội bộ binh hầu cận khác.
(6) Nhượng điển: do yêu sách của quân Tam phủ, chúa Trịnh Tông phải khen thưởng những người là Biện lại, Thập trưởng, Ngũ trưởng các đội bộ binh, thủy binh trong kinh và các trấn, không kể chức cao hay thấp tiền bạc tùy theo công lao. Lại xin vua Lê cấp cho họ mỗi người một tờ sắc lệnh thưởng công để trống tên, cho phép họ được nhường lại cho người khác, gọi là “Dực đới nhượng sắc”.
(7) Huyện thừa là một chức quan văn, ngang chức Tri châu ở miền núi.
(8) Tiến công thứ lang là một huân cấp ban cho người có công đã có phẩm hàm Tòng bát phẩm.
(9) Huyện Trung Sơn là một huyện miền núi ở Nghệ An, năm 1836 đổi gọi là huyện Quế Phong.
(10) Hạ chế: thời phong kiến đặt lệ “thông tư” tức là xét tư cách người để tuyển chọn, thăng chức, hạ chức. Thí dụ quan được phong Quốc công xếp vào ngạch Thượng trật, 24 tư; được phong Chánh nhị phẩm xếp vào ngạch Trung trật, 15 tư; được phong Chánh lục phẩm xếp vào ngạch Hạ trật, 8 tư; được phong Tòng bát phẩm xếp vào ngạch Hạ chế v.v…
Như vậy, cụ Phạm Đình Diệp vốn là con quan được hưởng nhiêu, bản thân có công được phong chức Huyện thừa, huân cấp Tướng công thứ lang, hàm Tòng bát phẩm./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.328-330)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ