PHÁT HIỆN DI TÍCH THỜ
TƯỚNG QUÂN PHẠM CỰ LẠNG Ở HUYỆN PHÚ BÌNH
VÀ PHỔ YÊN (THÁI NGUYÊN)
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên
Qua cuộc khảo sát và nghiên cứu gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện 4 di tích lịch sử văn hóa thờ danh nhân Phạm Cự Lạng. Đó là các di tích: đình Đoài thuộc xóm Ngói, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, đình Hoàng Đàm, xóm Hoàng Đàm, xã Nam Tiến, đình Thượng Giã, xã Thuận Thành, nghè thôn Nam Đô, làng Đông Cao, huyện Phổ Yên. Thực tế, trải qua 2 cuộc chiến tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các di tích bị tàn phá, song vẫn còn lưu giữ được tư liệu Hán Nôm quý. Đây là những di tích lịch sử văn hóa đã được nhân dân lập nên từ xưa để thờ cúng và truyền lại cho thế hệ sau. Trong số 4 di tích nói trên đều có thần tích và sắc phong. Đặc biệt như đình Đoài còn tới 17 sắc phong, 1 thần tích, đình Thượng Giã có tới 31 đạo sắc phong, 1 thần tích, đình Hoàng Đàm có 5 sắc phong, 1 thần tích và nghè Nam Đô có 8 sắc phong, 1 thần tích.
Theo cuốn Thư mục thần sắc, thần tích do Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam - Hà Nội (1995) đang lưu trữ có chép:
“số 11962, Đoài (thôn), làng Hà Châu, tổng Hà Châu, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên - Thái Nguyên, 1938 - 4 tr, 62 trang chữ Hán, 5 đạo sắc phong, 5 danh mục đạo sắc phong, 1 thần tích.
7 nhân thần: Thiều Dung, Cô Xuân, Đức Ông Cột, Cao Sơn, Diên Bình, Quý Minh, Khuông Quốc”.
Q4/0 18/XV, 6.
“số 11926, Thượng Giã (làng), tổng Thượng Giã, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - Thái Nguyên, 1938 - 7 tr., 69 tr: 31 đạo sắc phong 1 thần tích.
6 nhân thần: Cao Sơn, Hoành Dũng Kháng Quốc, Hồng Thánh, Tam Giang, Lan Nhi, Lã Sậu.
1 thiên thần: Tả Phụ Minh Thiên.
Q 4/0 18/XV, 24.
“số 11913, Hoàng Đàm (làng), tổng Hoàng Đàm phủ Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên -1938 - 6 trang, 39 tr, 39 tr. chữ Hán;
6 nhân thần: Trương Hống, Trương Hát, Quý Minh, Từ Nhân, Phạm Cự Lạng, Chu Đại Liệu.
Q 4/0 18/XV, 3.
“số 11942, thôn Nam Đô (thôn), làng Đông Cao, tổng Tiểu Lễ, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - Thái Nguyên, 1938 - 3 trang, 71 tr chữ Hán, 2 thần tích.
3 nhân thần: Quý Minh, Tam Giang, Duyên Bình.
Q 4/0 18/XV, 11
Qua nghiên cứu bản thần tích của Nghè Nam Đô, chúng tôi phát hiện ra trong nội dung bản thần tích này cho thấy ở di tích còn thờ các vị thần là: Cao Sơn, Phạm Cự Lạng và Dương Tự Minh nữa.
Khảo sát di tích, nghiên cứu các thần tích và sắc phong của đình Đoài (xã Hà Châu), trong số 17 đạo sắc phong còn khá nguyên vẹn được các cụ cất giữ rất cẩn thận trong ống quyển, đã qua trên một thế kỷ nhưng giấy vẫn còn tốt, chữ sắc nét, rõ ràng, có 1 đạo sắc phong cổ nhất có nội dung bản như sau:
“Sắc Bắc Ninh tỉnh Hợp Hòa huyện Hà Châu xã tòng tiền phụng sự: An nghĩa, Chiêu linh, Hiển liệt, Chiêu trung, Nhu tiết, Trác vĩ, Tam Giang, Khước địch, Thượng đẳng thần, hiệu Đôn tĩnh, Hùng tuấn, Trác vĩ, Cao Sơn, Thượng đẳng thần.
Thanh lãng cao diệu địch cát tuấn tĩnh, Quý Minh thượng đẳng thần.
Cương kiên Trung kiêu Địch quả Trang vũ Quang ý Khuông quốc, Trung đẳng thần.
Tiết kinh ban cấp: sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chính trực trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển, khâm tai !
Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật”.
Dịch nghĩa: Sắc ban cho xã Hà Châu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Ninh từ trước tới nay phụng thờ các vị thần:
- An nghĩa, chiêu linh, hiển liệt, nhu tiết, trác vĩ.
Các vị thần là: Tam Giang, Khước địch, Thượng đẳng thần
- Đôn tĩnh, hùng tuấn, trác vĩ, Cao Sơn, Thượng đẳng thần
- Thanh lãng, Cao diệu, Địch cát, Tuấn tĩnh, Quý Minh Thượng đẳng thần.
- Cương kiên Trung kiêu Địch quả Trang vũ Quang ý Khuông quốc, Trung đẳng thần (1).
Từng được các triều ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1878) đúng dịp đại lễ mừng thọ trẫm ở tuổi 50, đã ban chiếu quý mở rộng ân điển, trong lễ có thăng thêm cấp bậc, đặc biệt chuẩn cho thờ phụng như trước đây, để ghi nhớ ngày đại lễ của quốc gia và nối tiếp điển thờ. Hãy kính theo.
Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức năm thứ 33 (1881)(2).
Tham gia phiên âm, dịch nghĩa bản sắc phong này là các cụ Trần Văn Đật (86 tuổi), cụ Tạ Đình Phúc (73 tuổi), cụ Phạm Bá Đông (68 tuổi) ở địa phương.
Bản thần tích, thần sắc của đình Đoài được chép trên giấy dó kích thước 16 x 23cm, cuốn sách bị rách ở góc phải nhưng vẫn còn đọc được, chữ viết theo thể “chữ chân”. Cuốn sách này không ghi niên đại nhưng dựa vào nét chữ khi đối chiếu với nét chữ trong 2 cuốn văn tế của đình Đoài thì được biết có thể chúng được soạn vào năm Khải Định thứ 2 (1918). Nội dung chia làm 2 phần: phần đầu chép tóm tắt sự tích các vị thần được thờ tại đình trong đó có Phạm Cự Lạng (thế kỷ X) và Dương Tự Minh (thế kỷ XII), phần cuối của sách chép lại các bản sắc phong.
Cũng cần nói thêm đình Đoài còn có tên gọi là đình Nam Định. Tên này có ý nghĩa như thế nào cũng còn là dấu hỏi với các nhà nghiên cứu? Trong bản sắc phong được dịch nghĩa nói trên gọi tướng quân Phạm Cự Lạng là Khuông Quốc (tên hiệu). Chúng tôi đã dựa vào nội dung các bản thần tích, thần sắc của các di tích mà biết được tên hiệu của Phạm Cự Lạng là Khuông qQuốc, Hồng thánh, ví dụ như: bản TTTS làng Hoàng Đàm, tổng Hoàng Đàm, thôn Nam Đô, làng Đông Cao, tổng Tiểu Lễ, phủ Phổ Yên gọi tên thần là Phạm Cự Lạng, còn bản thần tích, thần sắc (TTTS) làng Thượng Giã, (Phổ Yên) gọi tên thần là Hồng Thánh, trong khi bản TTTS đình Đoài, xã Hà Châu, phủ Phú Bình lại gọi là Khuông Quốc.
Thần tích viết về Phạm Cự Lạng như sau:
Phạm Cự Lạng sinh ngày 20 tháng 11 năm 944, người làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình võ quan. Ông nội là Phạm Chiêm, giữ chức Đông Giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm Tham chính Đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương (Xương Văn), mẹ là Trần Thị Hồng. Ông bà có 8 người con, 5 trai, 3 gái đều hiển đạt.
Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lạng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Ông thường cùng anh cả là Phạm Hạp đem tiền của chiêu dụ mọi người, mua ngựa luyện quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lạng cùng Phạm Hạp đem hơn 2000 người, ngựa từ quê đến Hoa Lư phò giúp Đinh Bộ Lĩnh. Phạm Cự Lạng được phong chức Phòng Ngự sứ tiên phong Tướng quân ra giữ biên ải Đại Ác.
Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Phạm Cự Lạng được phong Tâm phúc tướng quân, coi việc Thị vệ - Quan thân cận của nhà vua.
Năm 979, vua Đinh và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi được lập lên ngôi vua. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp (anh trai Phạm Cự Lạng) thấy uy quyền của Phó vương Lê Hoàn quá lớn bèn khởi binh chống Lê Hoàn nhưng đã bị Lê Hoàn dẹp tan. Phạm Hạp bị Lê Hoàn xử tử. Tuy vậy, Phạm Cự Lạng vẫn được Lê Hoàn tin dùng làm tướng dưới quyền.
Năm sau, nhà Tống nhân lúc nước Đại Cồ Việt rối ren, liền nảy ý đồ đánh chiếm, liền sai quan trấn thủ Ung Châu là Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Triệu Phụng Huân đem quân theo hai đường thuỷ bộ vào xâm lược. Tình thế vô cùng nguy cấp. Tháng 7 năm ấy, Thái hậu Dương Vân Nga phong Phạm Cự Lạng làm Đại tướng tiên phong đem quân đi chống giặc. Trước lúc tiến quân, Phạm Cự Lạng hội quân sỹ ở cửa Đào Lâm (chưa rõ nay thuộc địa phận tỉnh nào), nói rằng: “Bây giờ quân giặc sắp vào bờ cõi mà chúa thượng hãy còn nhỏ tuổi, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta… chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên ngôi thiên tử đã, rồi sau sẽ xuất quân”. Quân sỹ nghe nói đều hô vang vạn tuế.
Sau chiến thắng chống quân Tống, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thiên Phúc (Canh Thìn - 980), Phạm Cự Lạng được phong làm Thái úy.
Cuối mùa xuân năm Tân Tỵ (981), nhà Tống lại đem quân sang xâm lược, mọi mũi tiến quân của giặc đều bị quân Đại Cồ Việt phá tan, tướng giặc là Hầu Nhân Bảo chết trận, quá nửa quân Tống bị tiêu diệt, buộc vua Tống xuống chiếu lui quân.
Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lạng phụng mệnh vua đi đánh Chiêm Thành để rửa hận việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt, trận này quân ta đại thắng.
Mùa thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lạng được vua tin dùng trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa (tức từ Đan Nê, huyện Yên Định đến Đồng Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thuỷ bộ. Cũng trong năm này, Phạm Cự Lạng còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay).
Ngày12 tháng 9 năm Giáp Thân (984), Phạm Cự Lạng mắc bệnh sốt rét rồi mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang nhậm chức. Nhà vua thương tiếc sai người đem di hài Phạm Cự Lạng về kinh đô Thăng Long, an táng tại phía nam Bồ Sơn. Hưởng thọ 41 tuổi.
Ghi nhớ công ơn của Phạm Cự Lạng ở Đồng Cổ và Đa Cái nhân dân lập đền thờ ông (hiện nay vẫn còn). Tại kinh thành Thăng Long, đời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) giao cho Bộ Lễ soạn sắc, sắc phong cho Phạm Cự Lạng làm: “Hoành Thánh Đại vương” chuyên xét việc hình ngục, thờ tại đền Ngự sử (nay là đình Lương Sử thuộc phường Văn miếu - Quốc tử giám - Hà Nội). Tại xã Hưng Lộc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cũng có đền thờ Phạm Cự Lạng ghi lại sự tích tương tự như đình thờ Lương Sử.
Qua nghiên cứu các sắc phong và thần tích(4) còn lưu giữ được ở đình Đoài, xã Hà Châu (Phú Bình), đình Hoàng Đàm và đình Thượng Giã (Phổ Yên) thì trong các bản thần tích đều gọi tên ông là Phạm Cự Lạng, tỏ ý tôn trọng (không gọi tên tục của ông) và trong sắc phong gọi một cách trân trọng là Hồng thánh Khuông quốc Trung vũ Tá trị Đại vương, tên hiệu này được truyền từ thời Lý Thái Tông cho tới ngày nay.
Ngoài các di tích thuộc địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội và Nam Định (không biết ở Hải Dương quê ông có đền thờ ông không?) thì tỉnh Thái Nguyên có 4 di tích thờ Phạm Cự Lạng đã được nói ở trên. Trong số đó di tích tiêu biểu là đình Đoài còn lưu giữ được sắc phong, thần tích và bài vị thờ ông. Bản Sắc phong ở đình Đoài được vua Tự Đức năm thứ 33 (1881) ban phong, nguyên văn sắc phong: “Cương kiên, Trung kiêu, Địch quả, Trang vũ, Quang ý, Khuông quốc, Trung đẳng thần”. Như vậy, ông là một trong những nhân thần thuộc hàng Trung đẳng thần được nhân dân thờ phụng.
Qua việc phát hiện các tài liệu Hán Nôm tại các di tích nói trên cho biết thêm về 4 nơi thờ Phạm Cự Lạng. Những tư liệu Hán Nôm mới phát hiện này là những tư liệu bổ sung vào kho tàng các tư liệu viết về Phạm Cự Lạng một nhân vật lịch sử lớn, người đã có công với dân, với nước ở thế kỷ thứ X.
Chú thích:
(1) Tức Phạm Cự Lượng.
(2) Tham gia phiên âm, dịch nghĩa bản sắc phong này là các cụ Trần Văn Đật (86 tuổi), cụ Tạ Đình Phúc (73 tuổi), cụ Phạm Bá Đông (68 tuổi) ở địa phương.
(3) Thư mục thần sắc, thần tích tỉnh Thái Nguyên tr.1178, mục 11913, 11926 ( Hoàng Đàm tổng và Thượng Giã làng, phủ Phổ Yên), tr.1183, mục 11962 (Đoài thôn, làng Hà Châu, phủ Phú Bình) Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, H. 1995.
Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ nhà Đinh, kỷ nhà Lý), tập I, Nxb. KHXH, H. 1998.
(4) Xem thêm: thần tích 2 xã Hoàng Đàm và Thượng Dã, phủ Phổ Yên, bản viết chữ Hán xen Nôm, trong đó có chép lại những sắc phong cho Phạm Cự Lượng. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ký hiệu AE.A18/1 và AE.A18/3.
Sưu tập 17 sắc phong đình Đoài, xóm Ngói, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.455-460
Nguyễn Đình Hưng
Nguồn tin: Viện Hán Nôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét