Họ Phạm dân tộc Thái ở Thanh Hóa ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Họ Phạm dân tộc Thái ở Thanh Hóa

(GDVN) - Kể từ khi được phát hiện đến nay, Hang Ma vẫn như một lời thách đố các cơ quan chức năng và nhà khoa học trong quá trình đi tìm lời giải.
Hàng trăm quan tài bằng gỗ của người xưa được "treo" trên các hang núi nằm cheo leo sát bờ sông Mã, sông Luồng tại di tích Hang Ma (xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã gây ra sự tò mò và chú ý rất nhiều người. Kể từ khi được phát hiện đến nay, Hang Ma vẫn như một lời thách đố các cơ quan chức năng và nhà khoa học trong quá trình đi tìm lời giải. 

Những câu hỏi được đặt ra như di tích Hang Ma người xưa dùng với mục đích gì? Nó có tự bao giờ? Chủ nhân của nó là ai? Làm thế nào để người xưa có thể đưa những chiếc quan tài bằng gỗ lên vách đá thẳng đứng? Và xung quanh vấn đề này đã có nhiều giả thiết được đưa nhưng cho đến nay vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng. 

Để đi tìm lời giải cho hiện tượng bí ẩn Hang Ma, chúng tôi đã cố gắng đi sâu tìm hiểu và thu thập tư liệu, chứng cớ, cũng như khảo sát thực tế trong nhiều dịp công tác tại huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa. Kết quả là đã thu thập được một số thông tin mang tính phát hiện, xin được chia sẻ cùng độc giả trong bài viết này.

Dấu tích còn sót lại của tục “động táng”?

Ngay sau khi di tích Hang Ma được phát lộ, một trong những câu hỏi đặt ra là nó dùng với mục đích gì? Rất nhiều giả thiết được đưa ra để trả lời cho câu hỏi này. Có thể là dấu tích còn sót lại có liên quan đến một nghi thức tôn giáo nào đấy hoặc có thể đơn giản chỉ là nơi an táng người chết; và cũng có thể là nơi cư trú của một tộc người cổ xưa nào đó ở trong hang đá, mà những vật bằng gỗ được phát hiện có hình dáng như chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản không phải là dùng để an táng người chết mà đơn giản là nó được dùng làm… giường nằm cho người sống  và giả thiết này không phải không có cơ sở khi mà trong số hàng trăm cỗ quan tài cùng những hiện vật được tìm thấy tại Hang Ma tuyệt nhiên không tìm thấy có một mảnh xương người nào!…

Khu vực phát hiện di tích Hang Ma (xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rất cheo leo, hiểm trở và rất khó đi lại.
Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát chi tiết và đặt trong mối liên hệ đối sánh với các tộc người, các phong tục cổ xưa trong văn hóa của các dân tộc khác ở khu vực cũng như trên thế giới thì dường như giả thiết Hang Ma là nơi lưu lại dấu tích của một phong tục cổ xưa - tục “động táng” người chết có vẻ hợp lý hơn.

Giả thiết này có tính thuyết phục vì dựa trên những cơ sở của nghiên cứu khoa học. Tập tục an táng người chết bằng cách đặt quan tài trong hang núi là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới, nhưng chủ yếu ở các vùng núi đá cao thuộc khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam) và châu Mỹ (của người Anh Điêng da đỏ, nhưng cũng có nguồn gốc tổ tiên từ Châu Á).

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối – thuộc Viện Khảo cổ học và nhiều nhà nghiên cứu khác đã từng đến khảo sát Hang Ma thì khu động táng này ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới tận thế kỷ XV. Tục động táng, đưa quan tài người chết vào những hang động trên vách núi cao tương đối phổ biến của nhiều tộc người ở vùng Đông Nam Á.

“Động táng” là một trong những tập tục an táng người chết cổ xưa nhất trong lịch sử loài người, đó là hình thức an táng người chết ở trong các hang đá (có thể cho vào quan tài hoặc không). Ngoài hình thức “động táng” ra còn có các hình thức an táng cổ xưa khác như “thủy táng” (ném xuống sông, biển cho cá ăn – đối với các tộc người sinh sống ở các vùng gần sông, biển), “hỏa táng” (hỏa thiêu xác chết, có thể giữ lại hoặc không giữ lại tro xương), “thiên táng” (hay “điểu táng” – tập tục này có thể tìm thấy ở tộc người ở Tây Tạng – treo xác chết lên cây hoặc phơi ở bãi để cho chim và sói ăn thịt), “thổ táng” (chôn người chết dưới đất, tập tục này rất phổ biến và còn tồn tại cho đến tận ngày nay). 

Theo các nhà nghiên cứu về tục “động táng” có thể thấy cội nguồn của nó có liên quan tới symbol – tính biểu tượng của hang. Khởi thủy của người tiền sử sống trong các hang đá, ven các vách núi nên hang động được xem là “ngôi nhà” đầu tiên của loài người. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy một biến thể khác của tục “động táng” là việc chôn người chết trong các ngôi mộ xếp đá ở quanh (còn thấy ở người Mông) và các khu mộ có chôn cột đá (còn thấy ở vùng người Mường ở Hòa Bình)...

Nhìn chung, tục “động táng” khá phổ biến đối với nhiều tộc người, nhất là những vùng có nhiều núi non và đến nay còn tìm thấy dấu tích ở nhiều nơi như dấu tích “động táng” ở Trung Quốc (các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở 13 tỉnh và khu tự trị các hang động có chứa quan tài an táng người chết; có nơi như thành phố Thượng Lộ thuộc tỉnh Thiểm Tây, các nhà khảo cổ học đã tìm ra 680 di chỉ với 4.220 hang mộ); “động táng” ở Indonesia (hiện nay vẫn còn được bảo lưu ở một số nhóm tộc người Toraja, đảo Sulawesi); “động táng” ở Thái Lan (tại hang Ongbah, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 90 quan tài gỗ hình thuyền có niên đại năm 403 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên); “động táng” ở Lào (dấu tích “Cánh đồng Chum” với hơn 3.000 chiếc chum lớn nhỏ bằng đá đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn),...

Những chiếc quan tài “bay” trên vách đá

Trong khi đó, hệ thống Hang Ma ở Quan Hóa (Thanh Hóa) được phân làm 2 khu: Khu phía dưới nằm ven dòng suối Khó, dưới chân ngọn núi Pha Cáng, người dân địa phương gọi là hang Phi (“phi” trong tiếng Thái nghĩa là “ma”), thuộc địa phận xã Nam Xuân; khu phía trên nằm giữa lưng chừng ngọn Pha Cáng, được gọi là hang Hòm, vì trên này có hang động chứa rất nhiều cỗ quan tài, thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân.
Hầu hết những hang động này đều nằm cheo leo trên các vách đá, có những hang nằm ở vị trí vách đá thẳng đứng so với các sông suối xung quanh. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bằng cách nào mà từ hàng trăm năm trước, người xưa đã có thể đưa những cỗ quan tài lên được vách núi cao như vậy?

Hàng trăm chiếc quan tài bằng gỗ được treo lên vách đá thẳng đứng khiến cho rất nhiều người thắc mắc về nguồn gốc cũng như cách thức di chuyển những chiếc quan tài này của người xưa vào những hang động như vậy.
Có người cho rằng các hang mộ trên trước kia vốn thấp, trải qua thời gian do biến đổi địa lý nên chúng mới được “tôn” lên độ cao như ngày nay. Một số khác nữa đưa ra giả thuyết người xưa tạo ra hang mộ trên vách núi cao để không bị thú rừng, kẻ xấu phá phách, làm “kinh động” đến người đã khuất. Và để đưa được những chiếc quan tài ấy lên hang núi, họ đã dựng lên một hệ thống giàn giáo bằng tre, gỗ và dùng ròng rọc để kéo các quan tài lên,… 

Tuy nhiên, cho đến nay trong tất cả các giả thuyết trên thì vẫn chưa có cách lý giải nào được xem là thỏa đáng và công nhận. Bằng cách nào để người xưa đưa được những chiếc quan tài lên các hang động ở vách đá cheo leo hiểm trở như vậy vẫn là một điều bí ẩn.

Ông Hà Văn Tuyên – Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: “Trên ngọn núi Pha Cáng chúng tôi đã phát hiện thêm một hang động nữa. Bên trong hang động này có khoảng 30 chiếc hòm cổ có kích thước và chất liệu như bên hang Hòm. Bên cạnh khu động táng trên núi Pha Cáng, bên kia sông Luồng cũng tồn tại hệ thống khu động táng hang Pha Ké và hang Đầu Lâu. Ở khu vực này, trước kia có khoảng 60 bộ quan tài, đến nay vẫn còn hơn 20 bộ trong động”.

Được bao bọc bởi núi cao và sông sâu, khu di tích Hang Ma được gắn liền với những truyền thuyết nhuốm đầy yếu tố ly kỳ, bí ẩn và vẫn chưa có lời giải.
Theo ông Lương Văn Tướng, 50 tuổi, người dân tộc Thái ở Bản Khó (xã Hồi Xuân, Quan Hóa) thì việc đưa những chiếc quan tài lên những hang đá trên vách núi cheo leo như chúng ta thấy như hiện nay đối với người xưa không khó, bởi vị trí mà các quan tài được đưa lên khi ấy vẫn có lối đi và địa thế dốc thoai thoải, trải qua thời gian kéo dài cùng với tác động của các yếu tối biến đổi địa lý, lũ lụt, xói mòn mới thành ra cheo leo hiểm trở như hiện nay.

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Tướng đã đưa chúng tôi đến một địa điểm cách Hang Ma chừng 3 km ở phía thượng lưu sông Luồng và chỉ cho chúng tôi thấy một ngọn núi có thành vách thẳng đứng ngay sát bờ sông. Ông Tướng cho biết: “Ngày trước vị trí vách núi không dựng thẳng đứng như thế này, phía sát bờ sông có một dải đồi đất thoai thoải nằm xen kẽ với núi đá, có lối đi dẫn lên núi. Sau những đợt lũ ống và lũ quét thì đất bị xói mòn và sạt lở xuống dưới sông, đến nay thì sông chảy ăn sâu vào sát vách núi, lối đi đã biến mất. Mới mấy chục năm thôi mà đã thế, huống chi cả mấy trăm, mấy nghìn năm trước”.

Theo quan sát của chúng tôi, Hang Ma cũng như hệ thống các hang động có chứa quan tài cổ ở khu vực huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đều có vị trí nằm ở vách núi sát bờ sông (thuộc sông Luồng và sông Mã), từ đó cho thấy ý kiến trên của ông Tướng không phải là không có cơ sở. 

Thiết nghĩ, trải qua một thời gian hàng mấy trăm năm, với bao biến động của tự nhiên và của chính con người, những vết tích xưa ở vùng đất này theo đó cũng đổi thay và có cái đã không còn nữa. Có lẽ do sự tác động thường xuyên và kéo dài đó đã khiến cho vị trí “động táng” của Hang Ma nói riêng và hệ thống hang động chứa quan tài cổ ở Quan Hóa nói chung trở nên hiểm trở cheo leo nhưng cũng không kém phần độc đáo như hiện nay(!?).

(GDVN) - Khi giả thuyết về cách thức đưa những cỗ quan tài “treo” trên vách đá phần nào được hé mở thì một câu hỏi nữa được đặt ra là chủ nhân của nó là ai?

Chủ nhân của những chiếc quan tài “bay” là ai?

Khi đi tìm câu trả lời này thì chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng đây là cách an táng cổ xưa của người Thái cổ còn sót lại cho đến ngày nay. Số khác thì lại cho rằng đây là hang mộ dành cho tầng lớp quý tộc người Thái. Đặc biệt có người còn đặt ra giả thiết có thể những hang động này là nơi an táng những người thuộc thân tộc của Thượng tướng quân Khằm Ban – người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. 

Được bao bọc bởi núi cao và sông sâu, khu di tích Hang Ma được gắn liền với những truyền thuyết nhuốm đầy yếu tố ly kỳ, bí ẩn và vẫn chưa có lời giải.
Về niên đại của những chiếc quan tài cổ này, theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) và nhiều nhà nghiên cứu khác đã từng đến khu hang động này để khảo sát nghiên cứu thì khu động táng này ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV (trùng với mốc thời gian của giả thiết cho rằng đây là mộ táng của những quý tộc người Thái thời Thượng tướng Khằm Ban). Còn theo ông Hà Văn Tuyên – Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa thì có thể trước kia nơi đây là khu động táng lớn của người Thái cổ.

Tuy nhiên, nếu đồng ý với giả thiết này thì một câu hỏi khác được đặt ra là cách thức mai táng khá kỳ lạ ở Việt Nam này đã xuất phát từ quan niệm nào và tại sao đến giờ không còn lưu truyền, dù chỉ là truyền miệng? Mặt khác, người Thái có thực sự là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa? Hay trước đó rất nhiều thế kỷ, vùng đất này thuộc về một tộc người khác, một nền văn hóa khác, và do những nguyên nhân nào đấy, tộc người đó đã dời đi và để lại dấu tích của nền văn hóa “tiền Thái” còn sót lại đến ngày nay?

Có lẽ những gì còn sót lại ở Hang Ma (cũng như nhiều hang động tương tự khác) vẫn chưa đủ sức để “giải mã” những bí ẩn này. Để “giải mã” những bí ẩn Hang Ma cần có thời gian lẫn một sự khảo sát nghiên cứu tổng thể rộng hơn để hiểu rõ hơn lịch sử văn hóa của vùng đất này.


Tìm dấu tích trong lịch sử vùng đất cổ


Những sử sách, tư liệu còn lại đến ngày nay đều cho biết: Vùng đất Hồi Xuân (và huyện Quan Hóa nói chung) trước kia có tên gọi là Mường Ca Da. Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi phía Tây xứ Thanh.  Trong khi đó, “Ca da” trong tiếng Thái có nghĩa là “quạ chữa thuốc”. Đến nay, trong các bản người Thái ở huyện Quan Hóa vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết khá phổ biến về xuất xứ tên gọi (hay nguồn gốc ra đời) của Mường Ca Da.  



Hàng trăm cỗ quan tài cùng những hiện vật được tìm thấy tại Hang Ma tuyệt nhiên không có một mảnh xương người nào nên nguồn gốc cũng như chủ nhân của những chiếc quan tài này vẫn còn là điều bí ẩn.
Trong sử sách mà người Thái ở Quan Hóa còn ghi chép lại công lao của tướng quân Khằm Ban – vị thủ lĩnh hiển hách nhất và là người lập ra Mường Ca Da (vào khoảng thế kỷ XV). Theo sử sách, tướng quân Khằm Ban là người văn võ song toàn, gia nhập cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và lập nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và được vua Lê phong làm Thượng tướng quân, thống lĩnh toàn quân miền núi Tây Bắc, từ Nghệ An – Thanh Hóa cho đến Lào Cai bây giờ. 

Sau khi đất nước bình yên, vua Lê đã cho ông được tự chọn vùng đất đóng quân và lập thái ấp. Vùng đất đó rất rộng, kéo dài từ huyện Yên Định hiện nay cho đến tận Hồi Xuân – Quan Hóa; điểm mốc ranh giới thuộc huyện Yên Định nay vẫn còn lưu lại dấu tích với tên gọi là Quán Lào (nay là thị trấn của huyện Yên Định). 

Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông đã phát hiện đất Hồi Xuân có phong cảnh sơn thủy hữu tình, có thể xây dựng cơ nghiệp lâu dài, liền chọn để dựng bản, lập Mường và đặt tên là Mường Ca Da. Về sau, dân ở các nơi kéo về đất Mường Ca Da ngày một đông, họ cùng làm ăn, sinh sống đoàn kết bên nhau. Tìm trong tư liệu chính sử chép về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng có nhắc đến việc Lê Lợi đã “vỗ về yên ủi các bộ lạc, khen thưởng các tù trưởng” (Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, tr.252).

Với vị trí địa lý khá đặc biệt nên khu di tích hang ma vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Ông Phạm Văn Thúy – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quan Hóa cho biết: “Thượng tướng quân Khằm Ban có tên gọi theo tiếng Thái là Chu Kha Lai, tiếng Kinh là Phạm Hiếu, ông là con rể của vua nước Ai Lao (tức Lào) nên có tên gọi là Khằm Ban. Khằm Ban là tiếng Lào: “khằm” có nghĩa là vàng, “ban” có nghĩa là bạc. Dấu tích về tướng quân Khằm Ban hiện nay vẫn còn lưu giữ ở vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa với tên gọi của hai bản là Bản Khằm và Bản Ban và một tấm bia đá lớn ghi dấu công ơn của ông” (hay còn gọi là làng Khằm, làng Ban, sát ngay với thị trấn Hồi Xuân – TG).

Ông Thúy cũng cho biết thêm, lần theo gia phả họ Phạm ở Quan Hóa (hiện nay vẫn còn lưu lại – do ông Phạm Hồng Nêu sưu tầm và cất giữ) những người Thái mang họ Phạm ở Quan Hóa đều thuộc dòng dõi con cháu của tướng Phạm Hiếu (tức Khằm Ban), bản thân ông Thúy cũng ở trong số đó. Hiện nay, di tích đền thờ Khằm Ban đã được công nhận di tích cấp tỉnh. 

Tạm bỏ qua những yếu tố kỳ ảo của truyền thuyết vì không có cơ sở khoa học, chỉ dựa vào những tư liệu quý giá được ghi chép lại trong sử sách về tướng quân Khằm Ban và vùng đất Mường Ca Da, có thể nhận thấy rằng: Người Thái di cư đến và định cư ở vùng đất Hồi Xuân – Quan Hóa khá muộn (khoảng thế kỷ XIV – XV).

Trong khi đó, theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì khu động táng ở Hang Ma ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV. Điều đó có nghĩa những chiếc quan tài theo tục “động táng” trong Hang Ma có thời gian tồn tại lâu hơn (từ thế kỷ XV trở về trước), trước cả khi người Thái đến định cư ở vùng đất này. Chính vì vậy, giả thiết chủ nhân của Hang Ma có thể là người Thái cổ sẽ vẫn còn là một sự hoài nghi. 

Trở lại vấn đề Hang Ma ở Hồi Xuân – Quan Hóa, như trên đã nói, người Thái đến định cư ở vùng đất này khá muộn, vậy thì nền văn hóa của tộc người nào đã từng tồn tại và phát triển trước cả người Thái? Câu trả lời không hề dễ dàng, nó cần một sự khảo sát nghiên cứu cả tổng thể lẫn chi tiết, và nhất là đòi hỏi phải có thời gian.

Để làm sáng tỏ những câu hỏi trên cần phải có thời gian cũng như một sự nghiên cứu khảo sát thật tỉ mỉ, công việc này đòi hỏi tốn không ít công sức. Dẫu thế nhưng đây vẫn là một công việc có ý nghĩa to lớn và nên làm. Với những phát hiện trên, chúng tôi chưa thể đi đến một kết luận cuối cùng cho vấn đề này, nhưng hi vọng nó sẽ hé mở ra một hướng tư duy khác, một hướng tiếp cận nghiên cứu khác đối với vấn đề “giải mã” những bí ẩn của di tích Hang Ma nói riêng cũng như lịch sử văn hóa vùng đất cổ Mường Ca Da nói chung.
Nguồn tin: GDVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ