Bài dẫn trong sách Quốc văn tùng ký của Nguyễn Văn San ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Bài dẫn trong sách Quốc văn tùng ký của Nguyễn Văn San

BÀI DẪN TRONG SÁCH QUỐC VĂN TÙNG KÝ CỦA NGUYỄN VĂN SAN
TRƯƠNG ĐỨC QUẢ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Quốc văn tùng ký là cuốn sách do Hải Châu tử biên tập, (trang 2 cuối dòng 2 đề rõ như vậy). Bản hiện còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là bản chép tay có độ dày 224 tờ (448 trang) ký hiệu AB.383, nội dung giới thiệu văn thơ quốc văn viết bằng chữ Nôm của khoảng 35 tác gia từ thời Lý, Trần, Lê đến Nguyễn và một số bài văn thơ Nôm khuyết danh, thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Quốc văn tùng ký, được biên tập với chủ ý (như trong phần cuối bài dẫn trình bày) nhằm giới thiệu cái hay vẻ đẹp của tiếng Việt, của “quốc văn” thông qua các sáng tác văn thơ nổi tiếng của nhiều tác giả trong lịch sử, qua đó đề cao tính dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hải Châu tử là tên tự của Nguyễn Văn San, ông sinh năm 1808 và mất năm 1883, quê ở thôn Đa Ngưu, tổng Đa Ngưu huyện Văn Giang (nay là thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông còn có biệt hiệu là Văn Đa cư sĩ, là Văn Sơn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ một số tác phẩm chính của ông như: Đại Nam quốc ngữQuốc văn tùng kýQuan châm tiệp lục và Độc thư cách ngôn.
Quốc văn tùng ký là một công trình gần như một tổng tập văn học viết bằng chữ Nôm có giá trị. Trong bài dẫn cuốn sách này, Nguyễn Văn San đã giới thiệu tổng quan về văn học, tác gia Nôm từ thời Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Đây là một bài viết có giá trị tham khảo tốt cho bạn đọc muốn tìm hiểu về nền văn học viết bằng chữ Nôm của Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi phiên âm giới thiệu toàn bộ bài dẫn của sách Quốc văn tùng quý hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói trên để độc giả tham khảo.

Bài dẫn
Muốn cứu xét lối văn chương nước ta được tinh tường thì trước hết bắt đầu là lối văn Hàn luật. Khởi thủy từ đời nhà Trần, đời vua Nhân Tôn (Tây lịch 1255) có ông Nguyễn Thuyên làm bài văn tế cá sấu ở sông Phú Lương (tức sông Nhị, Hà Nội bây giờ). Sau vua Nhân Tôn lấy việc ấy giống việc Hàn Dũ đời Đường bên Tàu, cho ông Nguyễn Thuyên theo họ Hàn nên đổi ra họ Hàn. Ấy là lối Hàn luật bắt đầu từ đấy.
Tiếp sau đời ông Hàn Thuyên lại có ông Nguyễn Sĩ Cố cũng khởi xướng ra lối văn quốc văn mà ông Hàn Thuyên là tỵ tổ. Xem như câu ca dao của bà Trưng Trắc khởi quân đánh Tô Định nghe cảm khái biết là bao nhiêu. Ví dụ như hai câu này:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thời thương nhau cùng.
Lại xem như câu:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang.
Trăm ngàn cây cỏ lai hàng là tôi.
Tương truyền câu ấy làm của bà Lê Hoàng hậu vợ vua Lý Thánh Tôn người làng Thổ Lỗi huyện Văn Giang. Lúc hàn vi đi cắt cỏ gặp vua đón về, gọi là Ỷ Lan phu nhân. Sau lập làm Hoàng hậu. Bà lại có câu rằng:
Người xinh thời tiếng vẫn thanh
Chuông kêu đánh ở góc đình cũng kêu
Nhưng lại có người bảo câu ấy của bà chúa Xuân Tảo phủ Hoài Đức hay là bà chúa Mía ở Sơn Tây. Song, xét tập Hải Dương địa chí truyền là của Nguyễn Thị Dung người làng An Điềm huyện Cẩm Giàng sau lấy chúa Trịnh, mười năm không sinh con, mà trong tập địa chí chép cả mấy câu sau này:
Ta cầm bán nguyệt xênh xang.
Trăm cây ngàn cỏ lai hàng tận tay.
Giang sơn một gánh chất đầy,
Đường Ngu thảo mộc tới ngay đến nhà.
Kể đến đời nhà Trần thì có ông Trần Khánh Dư là tông thất nhà Trần phải cách chức ra huyện Chí Linh bán than kiếm ăn, thường có bài thơ tỷ mình(1) (xem ở phía sau).
Sau vua Trần Nhân Tông phục chức, cho giữ ải Vân Đồn đánh phá quân Nguyên, cướp được thuyền lương Trương Văn Hổ. Cùng là Trần Quốc Tuấn phong Hưng Đạo Đại Vương làm ra quyển sách: Vạn kiếp binh gia yếu lược, hịch đánh quân Nguyên. Cùng là thơ: “Hoành sáo” của ông Phạm Ngũ Lão.
Ấy đại khái văn chương đời Trần chỉ có thế.
Từ đời Trần, Lý giở về trước không kể xiết được. Còn về đời Lê, còn có kẻ biết được, như bài ca: Vợ khuyên chồngTình cảnh nông phu.
Như vậy thì đời Lê không những chuộng về đường khoa cử mà lại chăm chỉ về việc nông tang. Sau đời Trần Mạt sang đời Lê Sơ có cụ Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai tiên sinh, người làng Nhị Khê tỉnh Hà Nội, theo vua Lê Thái Tổ làm Quân trung từ mệnh, làm lắm câu ca dao rất có ích. Như câu ca cha khuyên con ở cho phải có nhân nghĩa thơm danh, vả lại làm bia miệng người. Như câu vợ khuyên chồng:
Thiếp khuyên chàng chớ ham dâm,
Những nơi cờ bạc chớ lăm làm gì.
Như câu thầy khuyên trò:
Ở cho hy thánh, hy hiền(2)
Việc gì chẳng biết, phải phiền lụy ai.
Tục truyền rằng lúc cụ đi chầu về gặp người con gái bán chiếu là Nguyễn Thị Lộ, cụ có hỏi nỡm một câu rằng:
Người ở đâu bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi,
Đã có chồng chưa được mấy con?
Nguyễn Thị Lộ ứng khẩu đáp rằng:
Người ở Tây Hồ bán chiếu gon.
Cớ sao ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu nay mới trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có hỏi chi con?
Xem thế này toàn là những tay hiếu sự phụ họa thêm vào, ta chưa tưởng là thực.
Sau cụ Nguyễn Trãi có vua Lê Thánh Tông (Tây lịch 1465 - 1497) văn chương cực thịnh. Nào lập ra Tao Đàn Nguyên soái, Quỳnh uyển cửu ca. Cả lúc rỗi rãi làm thơ chép thành bộ: Thiên Nam dư hạ tập.
Xem thế thì đời Lê có cụ Nguyễn Trãi vua Lê Thánh Tôn, trong 40 năm (Tây lịch 1428 - 1470) biết bao nhiêu là lối văn hay.
Kế sau vua Lê Thánh Tôn có cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ sinh năm Lê Hồng Đức (1491), đỗ năm Mạc Đại Chính (1536) hiệu là Bạch Vân tiên sinh, tinh thông lý học, có ra làm Bạch Vân thi tập (xem phần sau) thì rõ văn chương của cụ. Đến đời nhà Mạc, trong năm Quang Bảo (1554) có ông Trạng nguyên Phạm Trấn, ông Bảng nhãn Đỗ Uông(3), lúc hai ông về vinh quy đi qua cầu Cốc làng Đài Loan ở đấy có cô Loan bán hàng nước, nên hai ông mới đố nhau làm bài thơ: Cô Loan bán hàng cầu Cốc, hạn mỗi câu phải có một tên giống cầm. Ông Phạm Trấn làm xong trước:
Quai diệc đôi bên, bên cánh phượng
Phong dở dang bán chác tựa đồ công.
Xanh le mở khép  (*) hồng mới,
Bạc ác phũ phàng rượu vẹt nồng.
Xem vậy thì đời lúc bấy giờ văn chương đã tinh xảo chẳng khác gì khắc triện điêu trùng(4) của Hán văn.
Ông Lê Quý Đôn quê ở làng Diên Hà tỉnh Thái Bình con cụ Trung Hiếu công mới lên năm sáu tuổi đã biết làm thơ, tính hay đùa nghịch, bố mắng rắn mày, rắn mặt. Nhân mới lấy làm đầu bài ra cho, mà hạn cho mỗi câu phải có một giống rắn. Ông ứng khẩu đọc ngay rằng:
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,
Rắn mày rắn mặt có ai tha.
Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rức cổ cha.
Ráo mép chỉ quên tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra.
Từ nay chân lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang là tiếng thế gia.
Đến năm 18 tuổi ông đỗ Bảng nhãn. Đời Lê Cảnh Hưng năm thứ 13 (1752) ông có làm nhiều sách bằng chữ Hán như: Thánh mô hiền phạmLục kim kinh lụcVân Đài loại ngữKiến văn tiểu lụcThái ất ngoại vận,Lục nhâm hội thôngKim cương kinh chú giảiQuần thư khảo biện.
Còn về phần quốc văn ông có làm bài “kinh nghĩa: Vãng chi nữ gia tất kính tất giớiMẫu vi phu tử khấn; bài phú: Mẹ ơi con muốn lấy chồng, lại bài văn sách
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
Sau ông Lê Quý Đôn, đời Tây Sơn tàn phá, vua Lê không còn quyền bính gì nữa, nên ông Phạm Thấu(5) lúc đi qua ngũ môn thấy con rồng đá nên vịnh rằng:
Chợt qua năm cửa động lòng thơ,
Rồng đá sao mà gọi tiếng thưa?
Nền nếp vẫn còn nền nếp cũ,
Lễ văn sao khác lễ văn xưa.
Ấy nên thiên tử thôi chầu sớm,
Hay bởi đình thần thức dậy trưa?
Nào kẻ mây mưa duyên kiếp trước,
Tôn Chu(6) nghĩa cả khéo thờ ơ.
Xem như thế thì triều Lê đã mất mà triều Lê quý cũng lắm văn nhân, như đời Vĩnh Khánh(7) (1731) có ông Nguyễn Bá Lân người làng Cổ Đô tỉnh Sơn Tây làm bài phú: Trương Lưu hầu. Đời Long Đức(8) (1732) có ông Thái học sinh Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục tỉnh Hà Nội làm bài Chinh phụ ngâm mà bà Nguyễn Thị Điểm diễn ra quốc âm.
Đời Lê Cảnh Hưng (1769) có ông Nguyễn Đình Tố người làng Bình Dân tỉnh Hải Dương có làm bài “tán” ông Tiến sĩ (xem phần sau). Ông Nguyễn Hữu Chỉnh làm ra thơ Cung oán, phú Quách tử Nghi (xem phần sau).
Ông Ôn Như hầu làm văn Cung oán, kể biết bao nhiêu là tay văn chương đời Lê không kể biết hết được.
Đến đời Nguyễn Sơ có ông Hoàng Quang hiện là Sái Dương huyện Hương Trà phủ Thừa Thiên làm bàiHoài nam ca. Kể từ đời đức Gia Dụ(9) khai thác gian nan đến đời đức Hiếu Vũ. Sau đến cuối đời 18 thế kỷ, đầu 19 thế kỷ có ông Nguyễn Văn Thành làm bài Tế trận vong tướng sĩ nghe rất là ai cảm (xem ở phần sau).
Đương khi ấy có nhiều tay hay chữ như ông Đào Duy Từ diễn bài Ngọa Long Cương (xem phần sau). Ông Nguyễn Cư Trinh làm bài thơ “Sãi vãi” (xem sau). Quan Hộ bộ Tham tri Nguyễn Du làm ra Truyện Kim Vân Kiều. Ông Nguyễn Huy Trứ làm ra Truyện hoa tiên sửa lại cho hay hơn là ông Nguyễn Thiệu. Xem ra ông Nguyễn Du người làng Tiên Điền làm ra Truyện Kim Vân Kiều và Ông Nguyễn Thiệu(10) làm ra Truyện hoa tiên xong không rõ truyện nào xuất bản trước.
Đến năm Minh Mệnh Tân Sửu 1823 có cụ Vũ Đãi Vấn sửa lại Truyện hoa tiên từ hồi 20 trở xuống. Đến năm Quý Mão đời Thiệu Trị (1825) có ông Cao Chu Thần(11) phê Truyện hoa tiên là “cảnh thế ngữ”(12) thực là xác đáng, phê truyện Kim Vân Kiều là “Thiện thế ngữ”(13) thực là xác đáng.
Nay xét trong Truyện Kim Vân Kiều có câu rằng:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Là lúc Kim Trọng từ biệt Thúy Kiều. Mà trong Truyện hoa tiên lúc Lương Sinh từ biệt Dương dặn rằng:
Sớm khuya gác gấm buồng thêu
Một mình thì phải nâng niu lấy mình.
Thì rõ câu nào cổ hơn câu nào. Trong Truyện Kim Vân Kiều có câu rằng:
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay chết xuống làm ma không chồng.
Đức Dực Tôn(14) có đổi lại là:
Sống thời tình chẳng riêng ai,
Đến khi thác xuống là người tình chung.
Xem ra chưa đồng nghĩa bằng câu trước. Tập Kiều vịnh hoa thủy tiên của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, như sau này:
Than ôi! Sắc nước hương trời,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Đào nguyên lạc lối sao mà đến đây?
Xem ông Dương Quy Sơn(15) có nói rằng “tự lòng san hậu cánh vô thi” có nghĩa là từ khi đức Khổng Tử soạn lại Kinh Thi thì sau này không ai sửa nổi. Mà Truyện Kiều của ông Nguyễn Du không ai làm hay được như thế nữa. Mới biết Truyện Kim Vân Kiều là một tuyệt tác văn chương.
Đến đời vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, có cụ Lý Văn Phức, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, lại có ông Ngô Cát(16) người huyện Chương Đức diễn tích bà Triệu Ẩu như sau này:
Vú dài ba thước thắt lưng,
Cười voi đánh trống trong rừng kéo ra.
Cũng toan gánh vác sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.
Đức Dực Tôn có phê rằng: “như thế thì đàn ông nước ta hèn lắm” nhưng cũng cho một tấm lụa mấy hai đồng tiền. Ông ứng khẩu đọc rằng:
Vua khen thằng Cát có tài
Thưởng cho tấm lụa (có chỗ nói là cho một cái khố)
Mấy hai đồng tiền.
Sau ông Đặng Huy Trứ lại làm như sau này:
Cửu Chân có ả Triệu Kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang(17).
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà
Dầu khi chiến tử còn là hiển linh.
Đến đời Nguyễn sơ có ông Nguyễn Văn Thành làm bài: Điểm mê khúc cho dân. Dân lại làm bài Tố khuất nói các quan tham nhũng, nhưng tiếc đời nay không còn. Sau như ông Đặng Trần Thường người huyện Chương Đức tỉnh Hà Nội đỗ Sinh đồ thời Lê quý và ông Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, hai ông này giúp Tây Sơn. Ông Đặng giúp Nguyễn San ông Thì Nhậm ông Văn Sở ra thú. Ông Đặng Trần Thường có hỏi nỡm một câu rằng:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.
Ông Ngô Thì Nhậm đối:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu(18), gặp thời thế thế thời phải thế.
Ông Thì Nhậm đối xong, ông Trần Thường sai đánh ông Thì đến chết. Nghĩ lấy văn chương mà hại nhau lạ thay!
Lại nói về ông Chiêu Hổ người làng Đan Loan phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương con quan Tiến sĩ đời cố Lê có tiếng hay chữ. Đời Minh Mệnh có soạn ra bộ Vũ trung tùy bút và hay xướng họa mấy cô Xuân Hương. Một hôm cô Xuân Hương gửi cho cụ một câu đối thất cách thập can(19) rằng:
“Mặc áo dải cài chữ đinh mậu kỷ canh, khoe mình rằng quí”
Cụ đáp lại lấy cách bát quái(20) rằng:
“Làm chị càn tai đeo hạt khảm cũng ly đoài, khéo nói rằng khôn”.
Cụ Lý Văn Phức hiệu là Lân Chi người làng Hồ Khẩu huyện Vĩnh Thuận tỉnh Hà Nội, đỗ Cử Nhân thứ hai năm Gia Long thứ 18 (1819) làm quan đến Tham tri. Bị cách chức năm Minh Mệnh Nhâm Dần (1830). Sang sứ nước Tây(21) được phong hàm Quang lộc tự khanh. Năm Ất Mùi (1835) được phụng mệnh cùng ông Trần Tú Dĩnh người huyện Kim Động và ông Đỗ Giám Hồ người huyện Văn Giang sang sứ nước Tàu có làm ra tập Sứ trình tiện lãm. Cụ tài văn quốc âm lắm. Nhiều bài như bài Tây hải bằng trình...
Cụ lại có diễn ca Nhị thập tứ hiếu. Câu mở đầu rằng:
Người tai mắt đứng trong thiên địa,
Ai mà không bác mẹ sinh thành?
Gương treo đất nghĩa, trời kinh
Ở sao cho bằng chút tình làm con
Và bài “phụ châm” rằng:
Đặt quyển sách vắt tay nằm nghĩ
Hễ làm người dạy kỹ thì nên.
Phấn son dầu chẳng bút nghiên
Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào?
Cụ lại có làm bài Thiên tự văn diễn âm, soạn những chữ thường dùng, đặt thành ca lục bát cho người học dễ nhớ.
Xét về đàn bà nước ta thì bà Nguyễn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, cô Hồ Xuân Hương. Mà bà Huyện Thanh Quan(22) không rõ tên chỉ biết là người làng Nghi Tàm chồng là Lưu Huân làm quan Tri huyện triều Minh Mệnh. Bà có làm bộ Nhàn Khanh thi tập (xem phần sau), sau vua Tự Đức triệu vào kinh dạy các cung nga.
Cô Hồ Xuân Hương có tiếng hay Nôm, đời Minh Mệnh có tập thơ Hồ Xuân Hương (xem phần sau). Bà Nguyễn Thị Điểm phần nhiều là câu đối chữ Nho nên sao chép được ít lắm. Như là bà soi gương, anh là ông Nguyễn Luân ra rằng:
“Kính họa mi rất điểm, phản thành lưỡng điểm”(23)
Bà đối rằng:
“Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”(24)
Như câu quan Tàu cho ra rằng:
“An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỳ nhân canh”(25)
Bà đối rằng:
“Bắc quốc đại trượng phu đa do thử đồ xuất”(26)
Như câu đi một mình rằng:
“Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu
Truy tùy tả hữu cổ quang thần”(27)
Đến đời Tự Đức năm thứ 24 (1871) có cụ Nguyễn Khuyến người làng Yên Đổ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu nên gọi là Tam Nguyên, có nhiều thơ Nôm lắm, vậy chép riêng một bộ Yên đổ thi tập (xem phần sau). Rồi đến ông Trần Tế Xương người làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, đỗ Tú tài đời vua Thành Thái thứ 12 (1891) cũng hay thơ Nôm lắm, vậy chép riêng ra một bộ Tú Xương thi tập.
Ấy là lối văn chương nước ta, non sông tinh tú vẽ ra mặt biết bao nhiêu nhân tài, chứ không đâu được thế! Vậy quyển sách này chúng tôi xuyết thập(28) lấy mà biên chép ra đây xin chia ra làm thượng, hạ hai quyển như sau này: thơ, phú, văn, bát cổ, câu đối, xướng, xướng nói, văn sách, tạp văn.

Chú thích:
(1) Tỷ: ví, so sánh.
(2) Hy thành hy hiền: những bậc thánh hiền tài giỏi.
(3) Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Phạm Trấn và Đỗ Uông thi đỗ khoa thi mùa xuân năm Quang Bảo thứ 3 (1556) triều Mạc Phúc Nguyên.
(4) Khắc triện, điêu trùng: ý nói văn chương đẽo gọt trau chuốt.
(5) Phạm Thấu: chưa tra tìm được rõ lai lịch.
(6) Tôn Chu: đề cao nhà Chu vào thời kỳ cổ đại trong lịch sử Trung Quốc.
(7) Vĩnh Khánh là niên hiệu triều vua Lê Duy Phường (1729 - 1732).
(8) Long Đức là niên hiệu triều vua Lê Thần Tông (1732 - 1735).
(9) Đức Gia Dụ chưa rõ miếu hiệu của vị vua nào triều Nguyễn.
(10) Có sách ghi Nguyễn Thiện, trong văn bản ghi rõ là chữ Thiệu nên chúng tôi giữ như nguyên bản.
(11) Tức Cao Bá Quát.
(12) Cảnh thế ngữ: lời răn đời.
(13) Thiện thế ngữ: lời nỗi đời.
(14) Dực Tôn: tức vua Tự Đức (1848 - 1883).
(15) Chưa tra tìm được lai lịch.
(16) Ngô Cát, tức Lê Ngô Cát cùng Phạm Đình Toái sáng tác tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca.
(17) Bồng tang: nói chí nam nhi, nam giới.
(18) Chiến Quốc và Xuân Thu là hai thời kỳ có sự tranh giành quyền lực giữa các nước chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
(19) Thập can: cách gọi thời gian trong lịch pháp Trung Quốc, phối hợp với 12 chi để ghi thời gian.
(20) Bát quái: tám quẻ chính trong sách Kinh Dịch đó là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
(21) Từ này có lẽ do chép nhầm phải là Tàu mới đúng.
(22) Tài liệu sau này xác định tên là Nguyễn Thị Hinh.
(23) Nghĩa là: soi gương một mi mắt hóa thành hai mi.
(24) Nghĩa là: đến bên ao ngắm trăng, một bánh xe phản chiếu thành hai bánh.
(25) Nghĩa là: một tấc đất An Nam, chẳng biết mấy người canh tác.
(26) Nghĩa là: đại trượng phu nước Bắc đều từ đấy mà ra.
(27) Nghĩa là: khi đàm đạo chuyện cổ kim thì có bạn tâm phúc. Khi đi thì hai bên có bầy tôi làm tay chân.
(28) Xuyết thập: nhặt nhạnh, thu gom./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.789-801)

Trương Đức Quả
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ