Họ Phạm làng Khê Chanh (Quảng Yên) và bốn vị tướng quân thời nhà Trần ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Họ Phạm làng Khê Chanh (Quảng Yên) và bốn vị tướng quân thời nhà Trần

Đầu năm Tân Mão 2011, được sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, Phòng Văn hoá thông tin huyện và giáo sư Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), họ Phạm làng Khê Chanh (thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng) đã long trọng tổ chức đại lễ rước Sắc phong ba cụ Đô thống họ Phạm, là ba vị phó tướng của tướng Trần Khánh Dư trong trận đánh thuyền lương quân Nguyên, mở đầu cho chiến công chói lọi của quân và dân nhà Trần đập tan mộng xâm lăng Đại Việt của đế quốc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288.

alt
Sau buổi lễ, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với giáo sư Hoàng Giáp, được ông kể lại quá trình ông và bà Hoàng Thuý Ngà,  cán bộ của Viện trực tiếp sưu tầm, cùng các nhà khoa học nghiên cứu, xác định danh tính, nguyên quán và tiến tới phục chế sắc phong ba vị Đô thống họ Phạm đã hy sinh anh dũng tại Vân Đồn năm 1288. Chúng tôi đã gặp hai ông Phạm Thế Dũng, Phạm Hữu Ngọc, là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc (HĐGT) họ Phạm làng Khê Chanh. Các ông cho biết: Theo gia phả và di ngôn của các cụ cao niên trong nhiều đời, dòng họ Phạm làng Khê Chanh có nguồn gốc từ Thanh Hoá, Nghệ An di cư ra Thái Bình.
Trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử,  vào khoảng năm 1188, một lần nữa họ Phạm lại di cư từ Thái Bình ra định cư tại làng Khê Chanh, Yên Hưng, tính đến nay là đời thứ 17. Theo di ngôn và gia phả để lại thì ở đời thứ 5 (năm 1288), họ Phạm có cụ Phạm Đức Xim, huý Phạm Chấu, là con cụ Phạm Đình Khoán, quê ở Quỳnh Khê, sau này là thôn Quỳnh Lâu, thuộc làng Khê Chanh xưa, từng giữ chức Tổng vệ uý thời nhà Trần, đã cùng cụ Trần Hưng Đạo chỉ huy binh sĩ đánh thắng quân Nguyên Mông năm 1288.
Họ Phạm làng Khê Chanh là dòng họ có truyền thống yêu nước và học hành thành đạt. Tính đến nay dòng họ đã có nhiều tiến sĩ, cử nhân được ghi danh ở Văn Chỉ của làng. Nhiều người là cán bộ giảng dạy ở một số trường đại học trong và ngoài nước, là một trong những dòng họ có nhà thờ Tổ được xây dựng sớm nhất trong vùng (cách đây ngót 200 năm), với nhiều đồ thờ tự và các bài vị có từ lâu đời. Song do biến cố của lịch sử, cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thờ tổ của họ Phạm làng Chanh bị hoả hoạn, tất cả các đồ thờ tự, trong đó có cả các bài vị các cụ thuỷ tổ, các cụ tổ được thờ  tự hàng trăm năm qua, đã bị cháy rụi.
Do nhiều yếu tố, trên nửa thế kỷ qua, họ không còn nhà thờ Tổ, con cháu trong nhiều chi phái  tản mát khắp nơi trong và ngoài nước. Việc thờ phụng tiên tổ đành phải  thực hiện ở nhà riêng ông Trưởng tộc và một số chi phái ở quê hương. Là dòng họ có nề nếp bái vọng thờ tự, nên sau hoả hoạn, bài vị thờ các cụ Tổ đã được phục chế để lưu truyền cho con cháu mai sau. Năm 2007, được sự đóng góp, công đức của con cháu trong và ngoài nước, họ đã mua đất và xây dựng được nhà thờ Tổ.
Sau đó, thể theo ước nguyện của cháu con toàn dòng họ, HĐGT căn cứ vào gia phả và di ngôn của Tổ tiên, đã nhiều lần tổ chức đi tìm nơi cụ cao cao tổ Phạm Đức Xim (huý Phạm Chấu) đã hy sinh ngày 16-4 năm 1288, được Vua Trần phong tước Bát Hải Đại Vương... Căn cứ  vào những chứng cứ xác thực lịch sử để lại, có thể khẳng định, cụ Phạm Đức Xim nay được thờ tại di tích lịch sử Hang Son (Uông Bí) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều). Ngày 10 tháng giêng năm 2009, được sự giúp đỡ của Thượng toạ Thích Đạo Quang, dòng họ Phạm làng Chanh đã long trọng  rước di ảnh tượng của cụ Phạm Đức Xim từ Hang Son (Uông Bí) về Từ đường thờ phụng.
Theo tài liệu lịch sử khắc ở bia đá Hang Son, cụ Phạm Đức Xim là tướng Tổng vệ uý thời Trần đã cùng cụ Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông năm 1288. Cụ Trần Hưng đạo thống lãnh đại quân đánh giặc trên sông Bạch Đằng, cụ Phạm Đức Xim thống lãnh binh sĩ cảm tử, chặn quân Thoát Hoan trên bộ, không cho chúng tiếp ứng, cứu nguy cho Ô Mã Nhi đang bị Trần Hưng Đạo đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng. Do quân địch đông, thế còn mạnh, nên cụ Phạm Đức Xim và binh sĩ phải rút vào một hang lớn ở Uông Bí tử thủ. Dụ dỗ chiêu hàng không được, giặc đã dùng củi chất đầy cửa hang  hun khói đốt mấy ngày đêm. Cụ Phạm Đức Xim và binh sĩ đã anh dũng hy sinh trong hang vào ngày 16-4 năm 1288.
Dân làng đã lập miếu thờ cụ và các binh sĩ, đặt cho hang lớn này là Hang Son để ghi nhớ tấm lòng sắt son của cụ và binh sĩ đã xả thân vì đất nước. Cụ được vua Trần sắc phong Bát Hải Đại Vương khắc trên vách núi Hang Son, được lập đền thờ lấy tên Đức Thánh Phạm Chấu. Nay đền thờ cụ được tỉnh công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá. Hàng năm lễ hội Hang Son được tổ chức long trọng trong ba ngày, từ 14 đến 16 tháng tư. Con cháu họ Phạm khắp nơi và nhân dân về dự lễ hội rất đông...
Ông Phạm Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch HĐGT họ Phạm làng Khê Chanh, cho biết, đã từ nhiều đời họ Phạm Khê Chanh có bài vị thờ ba anh em các cụ Phạm Thuần Dụng, Phạm Công Chính, Phạm Quí Công. Sự tích các cụ được truyền ngôn lại rằng ba cụ đã tử trận từ lâu, song rất nhiều đời nay con cháu chỉ thờ cúng chứ chưa tìm được nơi các cụ tử trận. Sau khi rước di ảnh tượng cụ cao cao tổ Phạm Đức Xim về Từ đường thờ phụng, họ lại nhận được tin vui mới. Tại ba ngôi miếu ở Vân Đồn là Sao ỏn, Quan Lạn và Đông Hồ có thờ ba vị tướng quân thời Trần và tại đền thờ ở Vân Đồn, di tích lịch sử quốc gia, có bia đá ghi chép sử tích của các cụ rất trùng khớp với tên và sử tích của họ Phạm làng Chanh.
Họ đã cử người đến tận nơi tìm hiểu và sau đó liên hệ với Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện, đặc biệt là giáo sư Hoàng Giáp đã về Từ đường họ Phạm nghiên cứu các bài vị, sử tích, gia phả, lắng nghe ý kiến của các bậc cao niên trong và ngoài họ Phạm, Giáo sư còn nhiều lần ra Vân Đồn, Hang Son và một số vùng nghiên cứu... Sau hai năm tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu, giáo sư Hoàng Giáp và cộng sự đã đi tới khẳng định: Ba vị Đô thống là ba anh em họ Phạm từng là phó tướng của Trần Khánh Dư, đã được thờ tại di tích lịch sử quốc gia ở Vân Đồn có nguồn gốc chính xác ở Quảng Yên, Yên Hưng, trùng khớp với tên được ghi trong bài vị ba cụ họ Phạm được thờ tại Từ đường họ Phạm làng Chanh...
Ngày  giỗ tổ đầu xuân 17 tháng giêng Tân Mão 2011, con cháu họ Phạm làng Chanh từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng quê trong cả nước nô nức về dự đại lễ rước sắc phong ba cụ Đô thống họ Phạm  từ Văn chỉ của làng về thờ phụng tại Từ đường. Tại buổi lễ, lãnh đạo địa phương và các ban ngành, đoàn thể, họ tộc rất chú ý lắng nghe giáo sư Hoàng Giáp giới thiệu, phân tích nội dung Sắc phong ba vị Đô thống họ Phạm.
Việc các nhà nghiên cứu lịch sử ban đầu đã xác định chính xác danh tính và nguyên quán của ba vị Đô thống họ Phạm thực sự là niềm vui không những của riêng dòng họ Phạm làng Khê Chanh, bởi chiến công và sự hy sinh của các cụ gắn liền với trang sử vàng chói lọi của dân tộc, muôn đời sử sách mãi còn ghi.
Theo giáo sư Hoàng Giáp, việc họ Phạm làng Chanh dành thời gian, công sức, của cải và trí tuệ tổ chức ngày đại lễ rước sắc phong ba cụ Đô thống họ Phạm về thờ tự cùng với Tướng quân Phạm Đức Xim tại từ đường là rất đáng hoan nghênh; đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh tiên tổ và để con cháu đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giữ gìn non sông đất nước.
Theo Ngọc Khanh / Báo điện tử Quảng Ninh
Nguồn tin: QNĐT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ