Đầu năm học 2012, chúng tôi về thăm làng Xạ Sơn xã Quang Trung huyện Kinh Môn. Người con của quê hương Xạ Sơn, ông Nguyễn Tất Khoái, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kinh Môn, ông Nguyễn Duy Quân, cán bộ văn hóa xã Quang Trung, trưởng phó thôn, trưởng ban khánh tiết thôn giới thiệu và đưa khách thăm quan di tích văn chỉ của làng.
Bia cổ đặt trong ban thờ.
Văn chỉ tọa lạc bên cạnh đường làng, cách đình làng, di tích LSVH cấp quốc gia không xa. Trên đường đến văn chỉ, ông Khoái kể: theo các cụ truyền lại, trước đây từ văn (văn chỉ) Xạ Sơn có tòa tiền bái và tòa hậu cung, nay chỉ còn hậu cung, trong đó có văn bia khắc thờ 18 vị Tiến sỹ thuộc Hội Tư văn của làng. Các cụ nói vậy nhưng danh sách Tiến sỹ Nho học ở Văn miếu Mao Điền chỉ có 1 ông người làng là cụ Nguyễn Thái. Từ văn được xã giao cho địa phương (làng Xạ Sơn) quản lý. Bà Nguyễn Thị Xinh, người trông coi, hương khói ở từ văn cho biết, việc trông coi từ văn xuất phát từ lòng thiện nguyện, không có chế độ. Làng có con em đi thi hoặc thi đỗ đều đến từ văn lễ. Ông Nguyễn Duy Biển 87 tuổi, nhà ở gần di tích và là người thông thạo chữ Hán Nôm của làng cho biết: làng Xạ Sơn coi đây là vọng từ văn, đình làng là chính từ văn, ngày trước có 2 kỳ tế lễ Xuân -Thu. Trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập hàng năm của Hội khuyến học thôn được tổ chức nghi lễ ở đình làng. Chúng tôi nêu câu hỏi về trao học bổng là 1 hoạt động tôn vinh đạo học ngày trước, được tổ chức ở văn chỉ làng do Hội Tư văn thực hiện dưới sự quản lý và ủng hộ tích cực của chính quyền. Sao thôn nhà không sử dụng mà lại tổ chức ở đình làng, nơi có chức năng thờ thần, thờ thánh. Trưởng thôn và Trưởng Ban khánh tiết thôn, ông Nguyễn Hữu Loan nói như giãi bày: mỗi năm Xạ Sơn có số cháu đỗ đại học khoảng 20 cháu, số đỗ vào các trường cao đẳng trung học chuyên nghiệp, số có thành tích học tập ở các cấp học tổng cộng lại gấp 4 đến 5 lần số cháu đỗ đại học. Với số lượng lớn như vậy mà từ văn làng tuy còn hình hài, còn đồ thờ, còn tấm bia quý nhưng chưa đủ điều kiện có thể nói là tối thiểu để thực hiện nghi lễ tôn nghiêm và trang trọng về đạo trồng người ở làng quê từng có người đỗ đại khoa, nhất là đỗ trung khoa thuộc diện có tiếng trong huyện. Ngày trước, Xạ Sơn còn có nhiều người là thầy giáo. Điều chưa thuận nữa là sử dụng, phát huy tính năng của từ văn chưa có quy định của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, văn hóa cấp trên cũng không có hướng dẫn.
Khu từ văn có tường bao, tạo cổng đắp hoành phi, câu đối chữ Hán Nôm bên trên cổng và hai cột tường cổng. Cạnh từ văn là trường mầm non của thôn. Đi qua sân trường mầm non mới vào từ văn. Khu đất của từ văn xưa rộng chừng 3 sào Bắc bộ (1.080m2) nhưng diện tích hiện nay còn 109m2 , trong đó diện tích nhà từ văn rộng 40 m2. Trưởng thôn Vũ Tuấn Câu cho biết, số diện tích ngoài tường bao (khoảng 980 m2) thuộc đất công, địa phương đang sử dụng làm khu trường mầm non.
Bức hòanh phi đắp ở trên tường cổng ghi dòng chữ: điện tiên hiền (殿 先 賢 ), tạm dịch: điện thờ bậc tiên hiền. Câu đối hai cột tường ca ngợi người luyện ý chí, đỗ đạt: Chí khí thanh hương lưu kim cổ/Thành tài Tiến sỹ quốc gia phong (志 氣 青 香 流 今 古 /城 才 進 士 國 家 封). Tạm dịch: Mục đích và nghị lực (chí khí) thanh cao, thơm tho được lưu truyền cả xưa và nay/ Rèn đắp nên tài năng đến bậc học vị Tiến sỹ được nhà nước phong tặng. Câu đối này có chữ thanh hương 青 香 viết như vậy thật khó dịch bởi trong các sách từ điển, tự điển Hán Việt đều dùng chữ thanh hương 清 香là trong trẻo thơm tho; chữ thành 城 ở đây mang nghĩa là: đắp nên tường thành hoặc chỉ cái thành trong cụm từ: thành quách (ở trong gọi là thành, ở ngoài gọi là quách) chứ không dùng chữ thành 成 mang nghĩa: trở thành, hoàn thành.
Qua cổng vào là sân nhà từ văn và ngôi nhà xây chắc chắn 3 gian, mái lợp ngói ta. Sân mé trái, giáp tường dựng 3 văn bia ghi những người từng giữ chức Hội trưởng tư văn, những người góp tiền của cho Hội tư văn làng Xạ Sơn qua các thời kỳ. Tường nhà phía trước có 2 cột đá sát cửa chính khắc câu đối đề cao đạo học: Cổ vãng kim lai giai ngưỡng chỉ/Kim thanh ngọc chấn túc vi văn. Tạm dịch: từ xưa đến nay, đến đây đều dừng lại chiên ngưỡng /Tiếng vàng tiếng ngọc đó là biểu hiện của văn chương (古 往 今 來 皆 仰 止 /金 声 玉 振 足 為 文 ). Ngắm chữ ở câu đối, chúng tôi hình dung người viết thuộc hàng thủ bút, nét chữ tinh tế, hình chữ cân đối tao nhã, uyển chuyển. Chữ giai 皆được viết theo lối riêng. Cái hay của câu đối này còn là hai chữ cuối: văn và chỉ tạo thành từ văn chỉ, ngày xưa là 1 thiết chế văn hoá về giáo dục, nơi tôn vinh đạo học của cấp xã cấp huyện, cấp phủ. Hai cột giáp ban thờ treo câu đối đề cao đạo học, đề cao giá trị của văn chương: Thánh hiền văn chương đại hoa giáp/Danh tôn tại quốc hiển văn từ (聖賢文章大華甲 /名尊在國顯文祠 ). Tạm dịch: Văn chương của bậc thánh hiền song hành cùng thời gian/Danh tiếng các vị đỗ đạt được quốc gia tôn vinh và hiển linh ở văn từ làng.
Mở cửa vào thăm ngôi nhà, chúng tôi được chiêm ngưỡng đồ thờ cổ kính đặt ở gian giữa. Đặc biệt vị trí trung tâm thờ tự, nơi thường đặt bài vị là tấm bia đá. Bia được đặt trong khám thờ. Văn bia là tấm đá hình chữ nhật tạo vòm liền khối, có chiều cao 68 cm tạo màu đỏ ở phần thân bia mặt chính và hai cạnh. Hoa văn trên vòm bia khắc hình vân tản quanh biểu tượng âm dương, hoa văn bên rèm bia là hình hoa lá. Hai mặt hình chữ nhật có kích cỡ 37x52cm. Cạnh bia dày 14,5cm. Mặt hướng ra phía trước, khắc in 10 dòng chữ Hán Nôm, mặt sau không thấy dấu vết chữ viết. Lòng bia (mặt trước và mặt sau) rộng 42x25cm. Trán bia khắc in dòng chữ: văn tại tư (文 在 茲 ), tạm dịch: văn tại đó. Chữ Hán Nôm được khắc ở mặt có chữ “văn tại tư” và hai cạnh bia.
Nội dung ở 3 mặt bia khắc chữ ghi chức quan, tước vị các bậc tiên sư, tiên hiền (những người là thầy giáo dạy chữ, những người hiền ở địa phương) đỗ đại khoa, trung khoa (Hương cống, Cử nhân) đã qua đời ở Xạ Sơn. Văn bia do hội Tư văn Xạ Sơn thực hiện.
Văn bia tạo ngày 3 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2 (1849), cách ngày nay 163 năm, theo Luật Di sản văn hóa, văn bia là cổ vật.
Ở mặt: Văn tại tư khắc 10 dòng, gồm 135 chữ. Tuy số lương chữ ít nhưng cho ta biết thông tin quan trọng về học vị, chức tước của 15 người được thờ ở văn chỉ làng Xạ Sơn. Chúng tôi ghi (biên dịch) thứ tự người được thờ theo: học vị, chức tước rồi đến họ và tên, sau đó dùng ngoặc đơn để ghi phiên âm nguyên văn chữ Hán Nôm.
1-Tả tướng, Trần Tự Hiện (Tả tướng tự Tự Hiện Trần tướng công).
2- Trung xá Nguyễn Nhã (Trung xá tự Nhã Nguyễn tiên sinh).
3- Tiến sỹ Nguyễn Thái (Tiến sỹ tự Thái Nguyễn tướng công).
4- Trung xá Lương Diễn (Trung xá tự Diễn Lương tiên sinh).
5- Tiến sỹ, Đài các Nguyễn Trung Hiếu (Tiến sỹ đài các tự Trung Hiếu Nguyễn tướng công).
6- Trung xá Trần Thuận (Trung xá tự Thuận Trần tiên sinh).
7- Hoàng giáp, Tự khanh Phạm Hoành Thôn (Hoàng giáp Tự khanh tự Hoành Thôn Phạm tướng công).
8- Mưu dụ Lương Quang Huy (Mưu dụ tự Quang Huy Lương tiên sinh).
9- Tả bộc xạ, Trung xá Phạm Hoành Vĩ (Tả bộc xạ tiên sinh, Trung xá tự Hoành Vĩ Phạm tiên sinh).
10- Trung xá Nguyễn Hữu Phi (Trung xá tự Hữu Phi Nguyễn tiên sinh).
11- Tri châu Phạm Ngạc (Tri châu tự Ngạc Phạm tiên sinh).
12- Trung xá Phạm Hoành Tráng (Trung xá tự Hoành Tráng Phạm tiên sinh).
13- Giám sinh Nguyễn Đình Ban (Giám sinh tự Đình Ban Nguyễn tiên sinh).
14- Trung xá Hoàng Hoài Quang (Trung xá tự Hoài Quang Hoàng tiên sinh).
15- Tức trung Nguyễn Công (Tức trung tự Công Nguyễn tiên sinh).
Những người ghi trong văn bia gồm các dòng họ: Trần, Nguyễn, Phạm, Hoàng, Lương; trong đó họ Nguyễn chiếm tỷ lệ 6/15, họ Phạm chiếm tỷ lệ 4/15.
Trong số 15 người có 6 người là Trung xá (chưa rõ là chức vụ hay tước vị), 1 người là Tả tướng, 4 người là tướng công, 11 người là tiên sinh. Những từ: tướng công, tiên sinh, có lẽ là danh hiệu tôn vinh. 3 người có học vị Tiến sỹ, chúng tôi mới tìm được Tiến sỹ Nguyễn Thái ghi trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam và sách Tiến sỹ Nho học Hải Dương. Nguyễn Thái (1440-?), người xã Xạ Sơn (nay là thôn Xạ Sơn xã Quang Trung huyện Kinh Môn). 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng đức 3 (1472). Làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự.
Những người được vinh danh trong từ văn thôn Xạ Sơn có người đỗ đại khoa, người đỗ trung khoa và cả người mới học đến giám sinh, người không ghi học vị nhưng có chức vụ chính quyền như Tả tướng, người ghi rõ học vị đại khoa và chức vụ chính quyền như: Tiến sỹ, Hoàng giáp, Tự khanh, Đài các, Tri châu. Qua đó ta thấy cách tôn vinh đạo học nói chung, công tác khuyến học nói riêng ở Xạ Sơn gồm nhiều thành phần, nhưng nổi bật là lớp người học hành thành đạt, giữ chức vụ trong chính quyền, người hằng tâm, người hằng sản, người thầy dạy chữ (tiên hiền, tiên sư).
Phát huy truyền thống giáo dục, hiện nay, Xạ sơn có 2 người đỗ Tiến sỹ, là 2 anh em ruột Hoàng Lê Chiến, Hoàng Lê Vượng. Số đỗ đại học bình quân hàng năm 20 người.
Liên hệ đến công tác khuyến học ngày nay thì người xưa có cách làm khá phong phú, tạo được sự giúp đỡ, cổ động việc học ở nhiều thành phần của địa phương. Việc dành quỹ đất, dựng nhà cửa, dựng văn bia, ghi danh người có đóng góp tiền của trí tuệ, tổ chức tôn vinh qua 2 nghi lễ tế Xuân- Thu ở nơi thuộc thiết chế văn hoá về giáo dục của làng xã. Thiết nghĩ cách làm đó cần được kế thừa và phát huy trong công tác giáo dục, khuyến học hiện nay.
Trước đây các xã (nay là làng) trong tỉnh hầu như có văn chỉ hoặc từ chỉ với mục đích tôn vinh đạo học. Qua biến động của thời cuộc đã gần như mục nát hoặc giải hạ phục vụ việc khác. Theo điều tra di tích, điều tra cổ vật của Bảo tàng tỉnh, số văn chỉ, từ văn hoặc từ chỉ ở Hải Dương chỉ còn lượng “đếm trên đầu ngón tay”. Có lẽ ở Xạ Sơn là duy nhất còn nguyên vẹn hơn cả.
Ở đây còn cả Từ võ với kiến trúc, đồ thờ, văn bia, diện tích đất cũng thuộc diện của hiếm còn lại.
Đặng Văn Lộc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét