VĂN BIA CHÙA HÒA QUANG
Đồng Dưỡng
Trong quá trình sưu tầm tư liệu hán nôm Phật Giáo tại huyện Duy Xuyên, chúng tôi có dịp viếng thăm các ngôi chùa trong huyện. Hầu như các chùa đều được trùng tu theo phong cách hiện đại, không có ngôi chùa nào giữ được nét cổ kính. Cấu trúc các chùa được bê tông hóa, có nhiều chùa xây cất theo kiều tầng lầu, trông rất hiện đại. Truy tìm lịch sử, chúng tôi nhận thấy có một số chùa xưa thuộc quyền quản lý của làng xã như chùa Xuyên Tây, chùa Ba Phong, chùa Hòa Quang, chùa Trà Kiệu, chùa Long Phước, chùa Hưng Phước…Sau năm 1954, các chùa làng chịu chung cái nạn không người săn sóc, nên dần dần xuống cấp, nhiều chùa đã bị sụp đổ. Khi hội Phật học phát triển trở lại, nhiều khuôn hội Phật Giáo ra đời trên nền tảng của một số ngôi chùa làng.
Chùa Hòa Quang thuộc địa phận thôn Phú Nham đông, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chùa mới trùng tu vào năm 2006 do cố ni sư Hạnh Đạo tái thiết. Theo các vị cao niên thì làng được lập khá lâu. Chúng tôi tìm trong sách Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục thì không thấy ghi tên làng thuộc tổng, huyện nào. Tra đến Đồng Khánh dư địa chí thì làng Phú Nham được chia làm hai là Phú Nham Đông, Phú Nham Tây đều thuộc tổng Mậu Hòa trung, huyện Duy Xuyên. Chùa còn giữ được hai bảo vật có giá trị là một tấm văn bia và một tiểu chuông báo chúng.
Bia được làm bằng chất liệu đá sa thạch, màu đỏ nâu, có kích thước 80x115cm, xung quanh có đường viềng không trang trí họa tiết hoa văn. Phía mặt trước được mài phẳng khắc chữ, mặt sau để ghồ ghề, có thể mặt này được gắn vào thân tường. Lòng bia có 10 dòng chữ hán, khắc chân phương, chữ rõ. Dòng đầu tiên đề năm cùng duyên khởi lập bia thì được viết đài lên. Dòng thứ 2, thứ 4 thì sụt xuống khá nhiều, mất đi tính cân xứng trong số dòng.
Theo hàng đầu tiên cho biết: “Đại Việt, Minh Mệnh nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ tam nguyệt sơ nhất nhật, bản xã trùng tu phật tự truy tư chư cổ tiền hiền, hậu hiền liệt vị, hàm lai cảm cách.
大越明命二年歲次辛巳三月初十日本社重脩佛寺追思諸古前賢後賢列位咸來感格
Tạm dịch: Ngày mồng 10 tháng 3 năm Tân Tỵ Minh Mệnh thứ 2 nước Đại Việt, bổn xã trùng tu phật tự niệm ơn các vị tiền hiền hậu hiền đều đến chứng giám.
Đây là một hàng có giá trị nhất trong văn bia. Xác định được năm trùng tu chùa là năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) và nhân đó, truy tiến kỳ siêu cho các vị Tiền hiền, hậu hiền của làng. Qua đây, cho thấy mối quan hệ của chùa Làng với việc thờ cúng Tiền Hiền, hậu hiền.
Các dòng tiếp theo kể danh sách các vị tộc Phạm, tộc Ngô, tộc Võ, tộc Lưu…Trong đó dòng họ Phạm chiếm số đông, rồi mới đến tộc Nguyễn, Ngô. Dòng thứ ba ghi: “Phạm tộc đạo hiệu Sùng Quang 范族道號崇光”. Tức vị này có hiệu là Sùng Quang, người họ Phạm. Theo gia phả tộc Phạm tại làng Phú Nham Đông thì vị tộc Phạm có đạo hiệu là Sùng Quang chính là ngài thủy tổ của bổn tộc. Ông nguyên quán xã Bình Đông, huyện Nam Sách, đạo Hải Dương, húy danh Ông Tiết. Ông kết duyên với bà họ Trần hiệu Giác Ngộ sinh hạ được 5 người con, sau thành 5 phái trong tộc. Văn bia có ghi tên ông Phạm Hưng Nhượng (tứ lang) thì theo gia phả ông này chính là con trai thứ tư của ông Sùng Quang, chính là tổ của phái tư. Các ngài khác trong văn bia lại không thấy gia phả chép. Hiện tộc Phạm đã truyền đến đời thứ 13 và theo chúng tôi có thể tộc Phạm tiền hiền làng Phú Nham có thể kiến lập xã hiệu hơn trễ đối với các xã khác nên không thấy Phủ Biên Tạp lục ghi chép. Như thế có thể văn bia ghi chép các vị tiền hiền, hậu hiền của làng để đời đời con cháu trong làng biết đích xác. Bởi thế cho nên văn bia được toàn xã bái đề san khắc. Sau đây là phần phiên âm, dịch nghĩa.
Phiên âm:
Đại Việt, Minh Mệnh nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ tam nguyệt sơ nhất nhật, bản xã trùng tu phật tự truy tư chư cổ tiền hiền, hậu hiền liệt vị, hàm lai cảm cách.
Phạm văn sĩ Tam lang, Phạm Văn Du, Phạm văn Khánh, Phạm Văn Duyệt, Phạm Văn Tuyển.
Phạm tộc đạo hiệu Sùng Quang.
Phạm Hưng Nhượng tứ lang, Phạm Hưng Luận, Pham Hưng Trực, Phạm Hưng Thật, Phạm Hưng Thừa, Phạm Hưng Phú, Phạm Hưng Tri, Phạm Hưng Lộc.
Nguyễn tộc: Nguyễn Văn Dạng, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hầu.
Ngô tộc Giảng Vũ 0 Ngô Quý Công, Ngô Văn Tự, Ngô Cảnh Học, Ngô Cảnh Thắng, Ngô Cảnh Toàn, Ngô Viết Chính.
Phạm tộc: Phạm Khắc Nhũ, Phạm Khắc Du, Phạm Văn Đô, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Trận, Phạm Văn Đường, Phạm Văn Dung, Phạm Văn Tồn.
Võ Văn Trí, Lưu Văn Tiền.
Toàn xã bái đề san khắc.
Dịch nghĩa:
Ngày mồng 10 tháng 3 năm Tân Tỵ minh mệnh thứ 2 nước Đại Việt. Bản xã trùng tu phật tử niệm ân các vị tiền hiền hậu hiền đều đến chứng giám.
Phạm văn Sĩ (thứ 3), Phạm Văn Du, Phạm văn Khánh, Phạm Văn Duyệt, Phạm Văn Tuyển.
Tộc phạm đạo hiệu Sùng Quang.
Phạm Hưng Nhượng (thứ 4) Phạm Hưng Luận, Pham Hưng Trực, Phạm Hưng Thật, Phạm Hưng Thừa, Phạm Hưng Phú, Phạm Hưng Tri, Phạm Hưng Lộc.
Tộc nguyễn: Nguyễn Văn Dạng, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hầu.
Ngô tộc: Giảng Vũ 0, Ngô Quý Công, Ngô Văn Tự, Ngô Cảnh Học, Ngô Cảnh Thắng, Ngô Cảnh Toàn, Ngô Viết Chính.
Tộc phạm: Phạm Khắc Nhũ, Phạm Khắc Du, Phạm Văn Đô, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Trận, Phạm Văn Đường, Phạm Văn Dung, Phạm Văn Tồn. Võ văn Trí, Lưu Văn Tiền.
Toàn xã bái đề khắc in.
Tài liệu tham khảo:
1. Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú của Dương Văn An, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.
2. Phủ biên tạp lục, tập 1, trong Lê Quí Đôn toàn tập của Lê Quí Đôn, bản dịch của Viện sử học, Nxb KHXH, H. 1977.
3. Gia phả tộc Phạm, làng Phú Nham Đông, xã Duy Sơn.
4. Đồng Khánh dư địa chí, bản chép tay, Viện nghiên cứu hán nôm.
5. Văn bia chùa Hòa Quang, thác bản của tủ sách Pháp Đăng.
Nguồn tin: Thiền Tịnh viện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét