Về một bài khảo cứu địa lí học lịch sử của Vũ Phạm Khải ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Về một bài khảo cứu địa lí học lịch sử của Vũ Phạm Khải

VỀ MỘT BÀI KHẢO CỨU ĐỊA LÝ HỌC LỊCH SỬ CỦA
VŨ PHẠM KHẢI (1)
NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Từ trước đến nay, vấn đề tìm hiểu các biên chép, khảo cứu về địa chí đã từng được đề cập đến, một số tác phẩm về địa chí đã được dịch công bố, với một số bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Một trong số những người sớm bước vào khảo cứu về địa lý học lịch sử là GS. Đào Duy Anh với công trình biên khảo rất có giá trị là Đất nước Việt Nam qua các đời. Qua lời dẫn của tác phẩm, chúng ta nhận thấy vấn đề nghiên cứu và quan tâm đến địa lý học lịch sử ở nước ta thực sự bắt đầu được các sử gia quan tâm sâu sắc từ đời nhà Nguyễn. Theo đó GS. Đào Duy Anh có nhắc đến một bài "Nghiên cứu về địa lý học lịch sử" được chép trong Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông(2) đời Tự Đức. Đó là "bức thư của Vũ Phạm Khải gửi cho Tô Trân(3) và Phạm Hữu Nghi(4) là hai sử thần ở Quốc sử quán bấy giờ để bàn về sách Dư địa chí, thư ấy Nguyễn Thông phụ chép ở tác phẩm trên, thì rõ ràng là một bài nghiên cứu về địa lý học lịch sử". Tuy vậy, bên dưới tác giả có một lời chú thích: "Bản in của sách Việt sử cương giám khảo lược hiện có ở Thư viện Viện Sử học lại không có bức thư ấy, chúng tôi đã được đọc bức thư ấy trong một bản ở Thư viện Huế trước Cách mạng tháng Tám". Theo những thông tin mà GS. Đào Duy Anh nhắc đến, chúng tôi đã tìm lại nguyên bản Hán văn bài khảo cứu của Vũ Phạm Khải trong văn bản Dưỡng Trai văn tập, A.429. Bài khảo cứu này, đã được sưu tầm trong công trình Vũ Phạm Khải - Đông Dương văn tuyển, với tiêu đề là Thư bàn về viết sử - Trả lời Tô Trân và Phạm Hữu Nghi. Qua bài viết này, những vấn đề mà Vũ Phạm Khải bàn luận thực không chỉ là bàn về phép soạn sử mà thực chất là bàn về những nghi vấn của ông về vấn đề địa lý học lịch sử và phương pháp biên soạn sách địa chí. Chúng tôi xin được đối chiếu và tham khảo bản dịch của công trình trên để giới thiệu bài viết này cũng như nhận xét về từng vần đề mà ông đã nêu mang tính chất khảo cứu địa lý học. Vũ Phạm Khải đặt ra 10 vấn đề như sau:
1. Vị trí của Tượng Quận(5): Vũ Phạm Khải cho rằng đời Tần nước ta vẫn chưa lệ thuộc hết vào Trung Quốc. Tượng Quận do nhà Tần đặt không hẳn là bao gồm cả nước Việt ta. Theo ông dẫn chứng, thì nhà Tần đặt 3 quận là Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải, các sách sau chú rằng Quế Lâm nay là Quảng Tây; Nam Hải nay là Quảng Đông còn Tượng Quận bao gồm 1 phần Quảng Đông, 1 phần Quảng Tây và cả nước An Nam. Ông dẫn chứng:
- "Năm đó, nước ta thuộc đời vua Thục An Dương Vương năm thứ 44 (214 TCN). Đất nước ta có vua đứng đầu, nước chia làm 15 bộ. Vậy lẽ nào nhà Tần đặt quận trên đất nước ta! Đó là một điểm ngờ"(6)
- Con sông mà quân Tần cho đào để vận chuyển quân lương, theo sách Hoàn vũ ký thì chỉ đào từ Linh Lăng đến Quế Lâm. "Vậy thì quân sĩ của Đồ Thư(7) sao có thể vượt Quế Lâm mà tiến về phía Nam được ? Đó là điều ngờ thứ hai".
- "Tượng Quận là vùng đất Việt trong Bách Việt, không phải là đất Việt thuộc nước Việt ta. Giả sử quân Tần có vào tới bờ cõi nước ta, chẳng qua cũng chỉ tới một, hai nơi đại loại như vùng đất Lục Châu, Chiêu Tần ở Hưng Hóa mà thôi. Nhưng từ sau khi người Việt đánh giết Đồ Thư, vùng đất này lại thuộc nước ta. Gọi là quận của Tần chẳng qua cũng chỉ chép khống tên gọi, chứ không thể có thực vùng đất Việt ta". "Nay nên chép các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, thuộc đất 15 bộ của Hùng Vương, sau thời Bắc thuộc là 3 quận đời Hán. Không phải nhất nhất lệ thuộc vào các quận đời Tần".
2. Về việc chép phân dã trong các sách địa chí: Theo ông việc phân chia cương vực theo tinh dã, thuộc phận sao gì sao gì, thực còn rất mơ hồ. Như theo "Tiền Hán thư thì nước ta thuộc Dương Việt, Ngưu, Nữ. Theo Đường chí lại thuộc Thuần Vĩ, Dực, Chẩn. Theo Gia Định thành thông chí thì sáu tỉnh Nam Kỳ cũng thuộc địa phận Ngưu, Nữ. Theo Vân Đài loại ngữ của Lê Quế Đường nói nước ta chịu sự phân dã phối hợp của Dực, Chẩn, Tỉnh, Quỷ, Ngưu, Nữ. Như vậy không biết khảo chứng như thế nào ? Nếu căn cứ vào thuyết lấy sông làm phân giới của Nhất Hành(8) đời Đường mà suy thì có người cho rằng từ Tiền Giang trở về đông đến Bắc Kỳ thì lệ thuộc vào sao Thuần Vĩ. Từ Tiền Giang thuộc về tây thuộc sao Thuần Thủ. Không biết có đúng hay không? Quan Thái sử đời xưa vốn là quan chiêm tinh, cho nên phép tính lịch theo các vì sao trình bày rất tinh tường. Ngày nay, người viết sử về tinh văn cung độ rất mơ hồ, không lĩnh hội nổi. Thế mà đưa những sách mà người đời nay chưa đọc, lấy những điều bàn luận chưa dứt khoát của người xưa để mà cao đàm khoát luận, mơ màng mờ mịt thì làm sao có thể tin được?".
Tuy vậy mục phân dã trong địa dư chí là không thể thiếu, ông cho rằng tạm cứ theo Đại Thanh nhất thống chí làm chuẩn. Vùng nào giáp với Trung Quốc thì cứ chép theo sao của vùng đó. "Những nơi tiếp giáp vùng Lưỡng Quảng thì theo phân dã vùng Lưỡng Quảng. Những nơi tiếp giáp vùng Vân Quý thì theo phân dã vùng Vân Quý, sau đó là những vùng lân cận, để cho người ta khỏi cười là cái hũ tương là được"(9). Lại đề cao vai trò của người viết sử trong việc soạn địa chí, quan niệm sử - địa tương thông.
3. Hoài nghi về chuyện cột đồng của Mã Viện: Vũ Phạm Khải cho rằng việc Mã Viện có dựng cột đồng ở nước ta, các chính sử đời Hán đều không ghi, là điều nên để khuyết nghi chưa hẳn đã có. Mà các sách chép về việc này thì không thống nhất nhau. Vì "Căn cứ vào sử sách, nếu đúng Mã Viện lập cột đồng thì đó là vấn đề lớn về đường biên giới. Chính sử lẽ nào không ghi chép. Trong Mã Viện bản truyện, phàm tất cả những sự việc Nam chinh như trống đồng, ngựa đồng đều được ghi lại đầy đủ, chỉ riêng có cột đồng lại không ghi(10). Điều này không thể lý giải được."Thuyết bàn về cột đồng khởi từ sách Quảng Châu ký, nhưng không nói nơi dựng. Rồi ra nhiều lời bàn, lấy ngoa truyền ngoa, ghi chép điều quái lạ, không thể tin được". "Sách sử, sách truyện đã không ghi chép thì cứ để khuyết cũng được. Lý giải khiên cưỡng sẽ là xuyên tạc". Bên cạnh đó ông còn cho rằng, quân của Mã Viện đánh nhau với quân Hai Bà Trưng ở Cấm Khê, Sơn Tây chứ không phải ở Diễn Châu, Nghệ An như một số thuyết.
4. Về xác định địa danh núi Hoành Sơn(11): Vũ Phạm Khải đã chỉ ra rằng Hoành Sơn được nhắc đến đầu tiên trong Tấn sử. Còn việc Ninh Quốc công của họ Trịnh(12) có dựng lũy trên núi ấy thì là sai. Sách Địa chí của Lê Quang Định ghi là có, tại bởi vì sau nhân có Phạm Quý Thích(13)khi đi qua đây, làm thơ có nhắc đến lũy của Ninh Quốc công: "Ninh Quốc danh tồn cố lũy hoang - Ninh Quốc công danh tiếng còn truyền mà lũy cũ đã hoang tàn" ấy là chưa khảo cứu kỹ, lưu truyền nhầm lẫn mà ra. Còn thuyết cũ cho rằng là lũy của người Lâm ấp xây, thì ông theo lời thơ của Bùi Tồn Trai(14) cho là có sự thực: "Thạch thành Lâm Ấp trúc, Sơn lộ Tử Bình khai - Thành bằng đá do người Lâm Ấp dựng; Đường trên núi do Tử Bình mở(15)". Còn như vị trí của Hoành Sơn có hai thuyết. "Một cho là ở vị trí ngày nay; Một cho là ở phía bắc huyện Bố Trạch 200 dặm, còn có tên khác là Lễ Đễ. Đầu đời bản triều có nguyên soái Tôn Thất Hiệp thường tiến quân theo đường này, thấy còn có tên khác là núi Ma Cô. Dẫn Việt sử, năm 1043, vua Lý Thái Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành đã đến núi Ma Cô. Lê Quế Đường soạn sách Tạp lục, cho rằng Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến Hoành Sơn là núi này chứ không phải Hoành Sơn ngày nay. Không biết thuyết nào đúng ? Xin để cả hai làm tồn nghi".
5. Bàn về đất Nhật Nam(16): Thì ông theo quan điểm là người nước Chiêm Thành tức là nước Lâm ấp xưa thực là một huyện thuộc quận Nhật Nam đời Hán. Sau người trong huyện nổi dậy đánh đuổi quan cai trị mà lập ra nước Lâm ấp. "Hiểu rõ sự việc như thế, thì coi nước Chiêm Thành là miền đất cũ của Nhật Nam ta. Người họ tự cướp lấy mà xưng làm nước. Không thuộc Nhật Nam thì làm gì có đất mà gọi là Chiêm Thành, làm gì có đất mà gọi là Lâm ấp ? Trải các thánh triều ta kinh lý, thì cũng chỉ là khôi phục đất cũ ta do nhà Hán chiếm giữ đặt làm quận huyện, lấy lại bờ cõi cũ của nước nhà, không phải thôn tính đất Chiêm để tự mở mang bờ cõi cho rộng rãi. Sử Trung Quốc chép nước ta thôn tính Chiêm Thành, sử cũ của ta cũng theo đó. Thế là chưa nghiên cứu kỹ sự tích từ đầu đến cuối về Chiêm Thành, sai lầm quá lắm. Tôi trước đây ở Sử quán, cũng đã soạn cuốn Chiêm Thành chí. Nếu có chỗ nào không đầy đủ, mong tiếp tục làm cho rõ, để giúp các nhà chức trách có thêm tài liệu khảo cứu phần nào".
6. Bàn về đất Thủy Chân Lạp: ở đây ông phân biệt cho mọi người thấy sự khác biệt giữa Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp (chỉ vùng đất thuộc các tỉnh Nam Kỳ). Thủy Chân Lạp là do các vua triều ta vất vả khai thác chứ không phải chiếm đất của nước Chân Lạp. "Nguyên ban đầu vùng đất này thuộc nước Phù Nam xưa" sau bị Chân Lạp thôn tính. Ông dẫn Đường thư "Chân Lạp vốn là nước phụ thuộc của Phù Nam. Năm đầu niên hiệu Trinh Quán (627), Chân Lạp thôn tính Phù Nam. Sau năm Thần Long (705), nước này chia làm hai, nửa phía bắc nhiều núi gọi là Lục Chân Lạp chu vi khoảng 700 dặm. Nửa phía nam giáp biển gọi là Thủy Chân Lạp chu vi khoảng 800 dặm"; "Căn cứ vào hiện tại thì vùng Cao Miên ngày nay tức là thành Trấn Tây, là Lục Chân Lạp. Các tỉnh Nam Kỳ ngày nay là Thủy Chân Lạp. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa, vùng đất này thuộc nước ta đã từ nhiều năm, nhiều đời rồi. Các tỉnh Định Biên, Long Tường, An Giang nhân có hàng tướng nhà Minh là bọn Trần Thượng Xuyên(17) từ xa khâm phục uy đức của thánh triều, khai khẩn đất hoang, cùng với biên thần của ta nhiều lần sắp đặt. Còn vùng Hà Tiên bây giờ, cha con Mạc Cửu khai phá, thêm vào nữa là các vùng đất do Lục Chân Lạp đến dâng cống. Đó đều là vùng đất Thủy Chân Lạp, mà Thuỷ Chân Lạp lại là đất Phù Nam xưa, đối với vùng đất Lục Chân Lạp nguyên không có liên can gì. Nếu thiển kiến thì cho rằng ta chiếm đất của Chân Lạp mà không biện luận cho rõ đâu là Thủy Chân Lạp đâu là Lục Chân Lạp, và không rõ ngọn nguồn từ đâu thì thực sai lầm quá lắm. Bờ cõi biên cương trong ngoài là công việc to lớn của nước nhà, không thể không thận trọng được. Khoảng đời Thiệu Trị (1841-1847), vùng biên phía Tây nước ta có chuyện rắc rối. Trong việc xác định sự thay đổi trước sau như thế này, tôi đã hai ba lần hỏi han cho sáng tỏ. Sự trù liệu sâu sa của triều đình thực là rõ ràng. Bản tường trình của tôi trước đây chưa được đầy đủ, rõ rệt, cần được bổ sung đính chính chỗ nào, xin các vị cứ thêm ý".
7. Bàn về các nước láng giềng: Phần này Vũ Phạm Khải tỏ ra là người có cách nhìn nhận rất thận trọng trong các vấn đề biên giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao. Cần tìm hiểu kỹ các sự kiện trong lịch sử, cũng như tình hình ngoại giao với các nước lân cận.
- Đối với nước Thanh: "Bờ cõi nước ta tiếp giáp với nước Thanh. Phàm tất cả đường thuỷ đường bộ giữa hai miền Nam Bắc, tên gọi các cửa ải xưa nay cùng với các vùng đất của nước Nam bị cắt cho Trung Quốc thì cứ qua các quốc thư trao đổi giải quyết về việc này ắt rõ đầu cuối mọi sự mà ghi chép lại được rõ ràng. Như 59 thôn ở Cổ Lâu thuộc Châu Lộc ở Lạng Sơn, cuối đời Trần, Hồ Quý Li đã cắt dâng cho nhà Minh. Đời Lê năm Nguyên Hoà 8 (1540) họ Mạc lại dâng 4 động Cổ Lâm, Tư Lẫm, Liễu Cát, Kim Lặc thuộc châu Vĩnh Yên của Quảng Yên để xin nội thuộc nhà Minh. Đầu đời Lê Trung hưng, Mạc Kính Khoan đã cắt 3 động Phố Viên, Hồ Điệp, Ngưu Dương thuộc Vị Xuyên, Tuyên Quang dâng cho nhà Thanh. Thời Cảnh Hưng (1740-1786), bọn thổ tù Đèo Ngọc, Hoàng Công Toản đã cắt dâng 6 động Mãnh Lại, Mãnh Thích, Mãnh Đinh, Mãnh Tuấn, Mãnh Bạn, Mãnh Lộng thuộc châu Chiêu Tấn, Hưng Hóa. Những nơi này đều là những nơi địa đầu quan trọng của bờ cõi".
- Đối với nước Tiêm La, là nước luôn gây cạnh tranh giành ảnh hưởng với ta đối với các nước Chân Lạp, Vạn Tượng. Vũ Phạm Khải phân tích: "Tiêm La là nước Xích Thổ xưa, sau này chia làm 2, là nước Tiêm và nước La Cầu. Đến đầu đời Nguyên thì La Cầu thôn tính nước Tiêm, lấy tên nước là Tiêm La. Đất các nước Vạn Tượng, Chân Lạp đều có quan hệ lệ thuộc với nước ta, là phên dậu của ta nhưng lại gần cận với đất Tiêm, bị người Tiêm khuất phục. Đầu mối các cuộc binh đao nổ ra từ trước tới nay đều do người Tiêm gây hấn. Cho nên việc người Tiêm can thiệp vào đất ta, không thể không biết rõ".
- Với nước Miến Điện: "Nước này có thù địch truyền đời với người Tiêm La, nhưng họ lại thường có ý đi lại tặng quà cho ta. Đầu đời Gia Long đã hai lần sai sứ sang thông hiếu nhưng không đạt. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), lại sai sứ đem quốc thư, tặng phẩm sang biếu đề nghị ta tuyệt giao với Tiêm, nhưng triều đình chỉ tặng quà hậu hĩ rồi cho về. Năm Thiệu Trị 4 (1843) họ lại sai sứ sang thông hiếu, theo đường Sơn Tây vào, vua giao cho đình thần bàn định, mỗi người một ý. Ta lại phái người sang thành An Hoà nước họ để thăm hỏi tình hình. Đại để ta và Miến Điện không có ơn huệ, cũng không có oán cừu nhưng không thể không để ý. Họ cũng như hai nước Nam Chưởng và Vạn Tượng, nên khảo cứu đính chính cho rõ, xếp vào truyện ngoại giao để tiện tra cứu".
8. Khảo xét về sông núi: Ông nêu bật lên những núi sông đặc trưng của mỗi vùng trong cả nước đáng để tra kê khảo đính. "Địa thế nước Việt Nam ta, trên những nét lớn, các ngọn từ Cao Lạng đến Quảng Yên làm thành đường biên giới lớn giữa ta với nước Thanh. Quãng giữa có Tam Điệp làm đường ngăn giữa Thanh Hóa và Ninh Bình; Dải Na Sơn chia Thanh Hoá với Nghệ An; Dải Hồng Lĩnh là gianh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh; Hoành Sơn là bức trường thành chia hai miền Nam Bắc. Dải Hải Vân sơn hiểm trở của chốn thần kinh. Còn như Thạch Tân của Nam Ngãi, Cù Mông của Bình Phú, Đại Lĩnh của Thuận Khánh và các ngọn núi ở Bình Thuận là cửa ngõ của đất Biên Hòa trở vào Nam. Đều là những huyết mạch lớn, nhánh vận hành lớn của đất nước. Ngoài ra sông cao núi lớn, các tỉnh đâu đâu cũng thấy".
Nhấn mạnh những nét còn thiếu sót của sách vở ta về các sông núi của cả nước, hoặc thảng có thì lại không đầy đủ. "Khảo cứu sách vở thì thấy nêu được cái nhỏ lại bỏ sót cái lớn, hoặc được cái này để mất cái kia". "Như đầu đời nhà Minh, Minh Thái Tổ lập đàn Giao, đã sai quan đến nước ta xem xét khảo cứu 21 ngọn núi lớn, 12 con sông to, sắp xếp tên gọi theo trình tự, vẽ bản đồ đem về; sau đó sai quan tế lễ và đưa vào điển thờ ở Đàn Giao cùng với các ngọn núi con sông ở Trung Quốc. Sự việc này được ghi chép đầy đủ trong Minh sử, mục Lễ chí... Thế mà sử cũ của nước Việt ta lại không nhắc đến... Than ôi ! Núi sông đất nước ta được thơ cúng ở Bắc triều là một nghi lễ rất lớn, sử sách Trung Quốc đã ghi, thế mà sử nước ta há lại lược bỏ đi ư ? Nên dựa theo tên gọi mà Minh Sử ghi chép, điều tra lại tất cả các nơi đó, rồi theo sự thực mà ghi lại, đặng bổ cứu những chỗ thiếu sót".
9. Bàn về mục Nhân vật chí trong việc biên soạn địa dư chí, ông cho rằng đây là một mục không thể thiếu. Các nhà biên soạn nên tra cứu cho thật đầy đủ, những nhân vật thuộc nước Nam ta có công tích rạng rỡ chớ nên bỏ sót, nếu chưa khảo được thì hãy để tồn nghi, như trường hợp của Tô Hiến Thành. Có ý thức tự hào dân tộc khi nhắc đến những người từng làm quan cho Trung Quốc như Khương Công Phụ, Lý Ông Trọng. Đặc biệt ông thể hiện cách nhìn nhận đánh giá nhân vật lịch sử rất khách quan và công bằng. Như "Thái sư Trịnh Kiểm là bậc công thần đời Lê Trung hưng. Nếu vì con cháu ông cưỡng bức tiếm quyền, mắc tội với nhà Lê mà bỏ không ghi chép công lao của ông, theo nghĩa chữ Trung e rằng không ổn. Bởi vì họ Trịnh đối với nhà Lê cũng như họ Quý đối với vua Lỗ. Trịnh Kiểm đối với vua Lê Trang Tông, Anh Tông cũng như Quý Hữu(18) đối với Lỗ Trang Công, Mẫn Công. Sách Xuân Thu không vì con cháu họ Quý tiếm quyền mà không ghi chép hiền tài của Quý Hữu. Vậy thì sử sách nước ta há vì tội trạng của con cháu họ Trịnh tiếm quyền mà vứt bỏ công lao phù Lê của Thái sư được ư ? Như thế thì không thể biện minh được. Nghĩ rằng ở phần nhân vật chí của Thanh Hóa phải có tên Thái sư Trịnh Kiểm, nhưng ở dưới chú rõ sự trạng tiếm quyền từ Trịnh Tùng trở về sau cho đến Trịnh Sâm. Danh phận từng người phải rõ ràng nghiêm túc, như hòn ngọc mang vết thì không thể che giấu được. Lại như các bề tôi theo vua Lê Chiêu Thống chạy trốn như các ông Lê Quýnh, Nguyễn Giản(19), tuy sự nghiệp chưa khảo rõ ràng nhưng lòng tiết nghĩa của các ông không thể mai một đi được. Hãy nên ghi rõ quê quán, đặng tránh được sự trách cứ của quỷ thần".
10. Phần về hình thắng núi sông, ông phê phán việc coi trọng ghi chép về đồng bằng phì nhiêu mà quên miền núi rừng hiểm trở. Cho rằng dân ta cũng như Trung Quốc, đều từ miền rừng núi mà dần tiến xuống đồng bằng. Đồng bằng ngày một phát triển rộng rãi ra mà miền rừng núi thì ngày một thưa thớt, đó là cái thế phát triển của tự nhiên. Các sách vở chép về Thượng du thì ít mà sơ lược, chép về Hạ du thì nhiều mà rõ ràng. Nếu mà cứ như thế chẳng hóa dần mai một hết mà không biết gì đến chỗ hiểm yếu của núi sông hay sao? Nay xét thấy miền thượng du nước ta, chưa nói đến tài nguyên giàu có mà chỉ về việc "các bậc danh thần tướng văn tướng võ, các bậc đế vương bao đời đã áo vải cờ đào, cơm khe nước vắt muôn nghìn gian khổ tạo dựng cơ đồ như vùng Hoa Lư thời Đinh, Lam Sơn thời Lê, Ai Lao thời Hậu Lê đều là đất dụng võ khởi binh đánh giặc. Những nơi khác như Tây Nhai với họ Hồ, Tuyên Quang với họ Vũ, Cao Bằng với họ Mạc, Trấn Ninh với Lê Duy Mật(20) đều là dựa vào chỗ hiểm trở mà củng cố thế lực". "Việc soạn sách này chủ yếu là bổ sung những điều tai nghe mắt thấy. Nếu chỉ ghi chép chỗ cận gần, không khảo cứu những nơi xa xôi thì người ta sẽ tìm được điều gì trong đó. Huống chi tạo thế hiểm cho một quốc gia, không gì ngoài núi và biển. Nay sao cho các nhân sĩ trung châu được dùng thì ở nơi biển cả không ngại sóng to, được dùng ở rừng núi thì không ngại lam chướng, chân không tới thì mắt phải tới được. Muốn vậy chỉ có nhờ vào sách mà thôi. Sách không ghi chép đầy đủ thì lấy gì để khảo cứu. Bỗng có việc gì xảy ra, dựa vào đâu để xử lý. Cho nên trộm nghĩ rằng các tỉnh miền thượng du cần được điều tra khảo cứu tường tận. Phàm tất cả những chỗ núi non hiểm trở, đường xá xa gần, đất đai rộng hẹp dân cư nhiều ít, cùng những địa điểm mà các tướng văn tướng võ lập công từ trước tới nay, đều phải ghi chép đầy đủ. Như thế há chẳng khiến cho Tiêu Hà chỉ cần mở sách còn hơn Phục Ba tích chứa thóc gạo đó sao(21)".
Bài viết trên chứng tỏ Vũ Phạm Khải là người hiểu biết rất sâu rộng và tường tận về địa lý lịch sử. Có thái độ nghêm túc, đặt vấn đề khảo sát thật chi tiết kỹ càng. Những vấn đề ông đặt ra đều là những vấn đề quan trọng, thiết yếu. Tuy không tránh khỏi hạn chế của quan điểm tư tưởng phong kiến trong việc biện giải cho công cuộc khai phá của nước ta về phương Nam. Lý giải về việc lũy cũ của Ninh Quốc công trên Hoành Sơn còn chưa thuyết phục. Song ông đã nêu ra được các trọng điểm cần lưu tâm khi biên soạn địa dư chí, thể hiện tinh thần tiến bộ khoa học, vì sự phát triển của nước Đại Nam. Đó là:
- Một là ý thức cần khảo cứu thật kỹ về các địa danh lịch sử, như Tượng Quận, Nhật Nam, Đồng Trụ, Hoành Sơn.
- Hai là coi trọng những nơi rừng núi hiểm trở thưa thớt của miền thượng du, coi đó như là nơi trọng yếu không thể bỏ của nhà nước nhằm giữ thế hiểm cho nước nhà. Biên soạn sách phải thật đầy đủ kỹ càng, không bỏ sót một tấc đất của ông cha. Mục đích là lưu truyền tri thức và hữu ích khi có chuyện lớn xảy ra. Điều này, thực tế đã chứng minh giá trị qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, đều phải dựa vào núi rừng hiểm trở để góp phần làm nên chiến thắng.
- Ba là có thái độ nghiêm túc cẩn trọng khi xem xét về các vấn đề ngoại giao liên quan đến biên cương lãnh thổ. Nhất là các sự kiện cắt đất của ta cho nhà Minh, Thanh trong lịch sử. Đề cao công tác đối ngoại.
- Bốn là tư tưởng tự hào về núi sông đất nước, sánh ngang với các núi sông của Trung Quốc. Có ý thức dân tộc trong đánh giá các nhân vật lịch sử, nhất là cách nhìn nhận rất khánh quan và tiến bộ đánh giá công lao của nhân vật lịch sử đời trước. Không vì lỗi lầm sự thất bại của cá nhân hay dòng họ mà phủ nhận toàn bộ công lao cũng như khí tiết của kẻ sĩ, như đối với Trịnh Kiểm, Lê Quýnh, Nguyễn Giản.
Bài viết này của Vũ Phạm Khải thực sự không chỉ có ý nghĩa về mặt khảo cứu địa lý lịch sử thông thường mà nó còn đặt ra vấn đề phương pháp luận và ý thức trong biên soạn địa dư chí, ý thức trách nhiệm của một kẻ sĩ có đạo.
Chú thích:
(1) Vũ Phạm Khải (1807 - 1872), là văn thần triều Nguyễn hiệu là Đông Dương, quê ở Yên Mô, Ninh Bình, đậu Cử nhân 1831, chức Lễ khoa cấp sự trung, Hồng lô tự khanh, sau vì mâu thuẫn với quyền thần nên bị cách. Năm 1850 bổ chức Thái Nguyên Bố chính, mất khi tại chức, để lại nhiều trước tác văn học có giá trị.
(2) Nguyễn Thông (1827 - 1884), danh sĩ thời Tự Đức, người phủ Tân An, Gia Định, đỗ Cử nhân 1849, chức Huấn đạo sau thăng Hàn lâm biên tu, có tác phẩm là Việt sử cương giám khảo lược khảo các điểm ngờ trongKhâm định Việt sử thông giám cương mục.
(3) Tô Trân (1791 - ?), xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm 1826, chức Tuần phủ, sau thăng Toản tu quốc sử quán.
(4) Phạm Hữu Nghi (? - ?) hiệu Đạm Trai, nguyên quán Nghệ An di cư vào Quảng Nam, đỗ Cử nhân năm 1821, từng đi sứ nhà Thanh, chức Hàn lâm điển bạ, có thi tập còn lưu lại.
(5) Tượng Quận: Tấn quận thời nhà Tần đặt. Nhiều thư tịch cổ công nhận nước ta thời Tần thuộc Tượng Quận. Vũ Phạm Khải không cho là như vậy.
(6) Vũ Phạm Khải: Đông Dương thi văn tuyển, Nxb. KHXH, H. 1991 (Sđd). Những đoạn trong ngoặc kép là trích dịch từ nguyên văn chữ Hán bài khảo cứu của Vũ Phạm Khải.
(7) Đồ Thư: Tướng nhà Tần sai di đánh các tộc người Bách Việt. Sai người đào sông để vận lương vào sâu đất Lĩnh Nam năm 214 TCN.
(8) Nhất Hành: một thiền sư thời nhà Đường rất giỏi thiên văn và chiêm tinh.
(9) Ý chê là dốt nát, như hũ tương.
(10) Mã Viện bản truyện trong Hậu Hán thư chỉ thấy chép việc Viện thu trống đồng để đúc ngựa đồng dâng lên vua Hán, vua sai để dưới điện. Mã Viện là người rất giỏi về tướng ngựa, không thấy chép việc lập cột đồng.
(11) Dãy núi xuất phát từ Trường Sơn chạy ra biển, giáp giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nổi tiếng với câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Tức là vùng núi Đèo Ngang.
(12) Ninh Quận công Trịnh Toàn con Trịnh Tráng, đóng quân ở Bố Chính chống với tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến. Sau bị nghi có lòng khác, gọi về triều xử tội chết.
(13) Phạm Quí Thích, Tiến sĩ triều Lê, là người có học thức và đức độ, nhà Nguyễn nhiều lần trọng dụng ông đều cố gắng thoái thác.
(14) Bùi Tồn Trai tức Bùi Huy Bích hiệu là Tồn Trai, Tiến sĩ thời Lê, có nhiều thơ văn còn lưu truyền, cũng là một danh sĩ có tiếng.
(15) Tử Bình là tướng thời Duệ Tông nhà Trần, từng đi đánh Chiêm Thành.
(16) Nhật Nam: tên quận đời Hán, thực là chỉ vùng đất miền Trung nước ta, thuộc nước Chiêm Thành. Một số sách còn chú là Tượng Quận đời Tần tức Nhật Nam đời Hán, tức là nước ta. Từ cuối thế kỷ XIX thuyết này bị phê phán là không đúng. Nhà Hán chia nước ta thành 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vũ Phạm Khải cho rằng Nhật Nam vốn là đất nước ta, người Chiêm Thành tự cướp mà lập nước ở đấy.
(17) Trần Thượng Xuyên là tướng của nhà Minh, nhà Minh bị Mãn Thanh diệt, nhiều dòng họ, đại thần nhà Minh bỏ sang nước ta lánh nạn.
(18) Quí Hữu: một trong các học trò của Khổng tử, là một người tài. Thuộc dòng Quí thị, quyền thần của nước Lỗ, là dòng họ lớn chuyên quyền lấn cả vua.
(19) Lê Quýnh, Nguyễn Giản là những cựu thần tòng vong theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc. Biểu hiện lòng trung thành của bề tôi.
(20) Đều là những vùng đất căn bản của các dòng họ và dựng nghiệp của các thủ lĩnh quân khởi nghĩa
(21) Tiêu Hà tướng đời Hán Cao Tổ, khi đem quân vào Quan Trung, các tướng sĩ tranh nhau của cải thì Tiêu Hà đi thu gom các văn tịch đồ thư của nhà Tần còn sót lại. Phục Ba là Mã Viện đời Hán Quang Vũ, tích gom thóc gạo để dùng khi việc quân, đều là 2 tướng giỏi. Phân tích lợi hại, đề cao vai trò của thư tịch địa chí.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 2002.
2. Vũ Phạm Khải: Đông Dương thi văn tuyển, Nxb. KHXH, H. 1991.
3. Trúc Khê: Vũ Phạm Khải một vị văn học danh thần triều NguyễnTri tân (198-205). H. 1945.
4. Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, 1992.
5. Đại Nam thực lục, Viện Sử học, H. 1964.
6. Đại Việt sử ký toàn thưNgoại kỷ. Nxb. KHXH, H. 1993.
7. Lập Trai tiên sinh hành trạng lục. S. 1964.
8. . 1953.
9. 輿. A.67/1-3; VHv.176/1-3; VHv.2555. VNCHN.
10. . A.429. VNCHN./.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.594-608)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ