Văn bia Tiên Lãng, Hải Phòng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Văn bia Tiên Lãng, Hải Phòng

VĂN BIA TIÊN LÃNG - HẢI PHÒNG
ĐỖ THỊ HẢO
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tiên Lãng là một vùng đất “đầu sóng ngọn gió”. Nằm ở phía nam thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng được hai con sông Văn Úc và Thái Bình từ ngàn vạn năm đã bồi đắp nên tầng tầng lớp lớp phù sa màu mỡ. Phía trước mặt là biển cả mênh mông, dẫu có dữ dằn song cũng tạo cho Tiên Lãng một vị thế và một tiềm năng về nhiều mặt mà không phải nơi nào cũng có được. Và cũng chính trên mảnh đất này người dân Tiên Lãng với chất hào sảng của sông nước biển cả lại thêm cái đức thuần phác đôn hậu cần cù của “nhà nông” đã đổ mồ hôi xương máu để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Căn cứ vào những thành tựu nghiên cứu về sử học, khảo cổ học thì từ xa xưa con người đã tụ cư ở vùng đất này. Họ khai dân lập ấp, quai đê lấn biển, gieo lúa trồng mầu, bắt tôm đánh cá để tồn tại và phát triển. Người dân nơi đây đã gắn bó mật thiết với nhau trên tinh thần cộng đồng, cộng cảm để chống lại thiên tai, bão lũ, và đặc biệt là chống giặc ngoại xâm.
Lịch sử còn lưu lại chiến công của Ngô Lý Tín đã dấy quân dẹp tan bọn hải tặc ở Quán Trang (sông Văn Úc) thời nhà Lý. Và người dân Tiên Lãng cũng đã góp phần không nhỏ trong trận đánh chìm hàng trăm chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông, tại cửa Đại Bàng năm 1288 đời Trần. Phát huy truyền thống của cha ông trong cuộc kháng chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Tiên Lãng luôn kiên cường, dốc hết sức người sức của chiến đấu bảo vệ quê hương. Vì lẽ đó huyện Tiên Lãng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang.
Huyện Tiên Lãng hiện nay có 1 thị trấn và 22 xã. Trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc về tên gọi và địa giới hành chính huyện Tiên Lãng đã trải qua nhiều diên cách, thay đổi. Căn cứ vào thư tịch cổ thì huyện Thiên Lãng xưa có tên là Bình Hà. Năm 1469 đặt tên là huyện Tân Minh. Đến niên hiệu Hoằng Định đời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) vì kiêng tên húy vua là Duy Tân nên đổi Tân thành Tiên, tức Tân Minh thành Tiên Minh. Đến đời Nguyễn cũng vì kỵ húy tên vua Hàm Nghi là Minh nên Tiên Minh thành Tiên Lãng như hiện nay. Cũng có giai đoạn huyện Tiên Lãng đặt tại làng Mè (làng An Mỗ nay là thôn Hòa Bình, xã Tự Cường) nên dân gian còn gọi là huyện Mè.
Có thể nói Tiên Lãng là một vùng đất cổ còn lưu giữ được rất nhiều những di tích đền, chùa, miếu mạo, cầu, quán chợ, văn chỉ... Tiêu biểu phải kể đến là “ngũ linh từ” (5 ngôi đền thiêng), đó là: Đền Hà Đới (xã Tiên Thanh) thờ Trần Quốc Thành thời nhà Trần. Đền Gắm (thôn Cầm Khê xã Toàn Thắng) thờ Ngô Lý Tín một bậc trung thần nhà Lý dưới triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông...
Hoặc như đền thôn Dương Áo (xã Hùng Thắng) thờ thần Hà Bạc có công dạy dân nghề sông nước, thần Mộc Uy Thiên Vương dạy dân bốc thuốc chữa bệnh cứu người, thần Hới Cống đầm Đại Vương dạy dân học chữ và làm nghề trồng cấy. Ở mỗi di tích trên đều có bia, mà văn bia đều là những chứng tích phản ánh những cuộc “bể dâu”, cùng với tình cảm thiết tha của con người muốn bảo tồn những điều thiêng liêng của cha ông để truyền lại cho muôn đời mai sau. Chính văn bia đã giúp chúng ta nhận biết được những nét cơ bản về sự hình thành và phát triển của Tiên Lãng, về “thói người nết đất”, cũng như đời sống kinh tế chính trị văn hóa xã hội của vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này. Vì vậy có thể nói văn bia là “kho sử bằng đá” kể cũng không ngoa. Sách Thượng thư có chép rằng: “Ôi! Núi là du khí của đất, nó đứng cao sừng sững để giúp nước được bền vững dài lâu. Bia là cái lưu lại của núi, nó tỏa sáng rực rỡ ở làng xóm và truyền lại mãi muôn đời”.
1.Số lượng văn bia Tiên Lãng - Hải Phòng
Căn cứ vào danh mục mà Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) sưu tầm và in dập thành những thác bản văn bia vào những năm đầu thế kỷ XX. Và trong nhiều năm trở lại đây Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đã thực hiện dự án sưu tầm văn bia trên cả nước, trong đó có huyện Tiên Lãng - Hải Phòng, thì tổng số bia của Tiên Lãng hiện có là 234 tấm (với gần 400 thác bản văn bia, vì mỗi bia có thể có từ 1 - 4 mặt).
Thử nêu một vài ví dụ theo số liệu của Viện Viễn Đông bác cổ:
- Cẩm Thê (nay là xã Toàn Thắng): 7 bia (gồm 6 bia và 1 cột hương)
- Làng Rỗ (thuộc xã Tiên Tiến): 10 bia
- Cổ Duy (thuộc xã Quyết Tiến): 5 bia
- Lật Dương (thuộc xã Quang Phục): 2 bia
- Xa Vĩ (thuộc xã Tiên Minh): 9 bia
- Xuân Cát (thuộc xã Đại Thắng): 6 bia
- Xuân Lai (thuộc xã Bạch Đằng): 8 bia
- Xuân Úc (thuộc xã Bắc Hưng): 2 bia
-...
Qua quá trình khảo sát văn bia của 22 xã và thị trấn huyện Tiên Lãng, thực tế cho thấy bia bị mai một khá nhiều. Ví như xã Đại Công (nay là Đại Thắng) có 8 bia, xã Kim Lương (nay là Cấp Tiến) có 8 bia... tất cả đều đã mất. Lại có trường hợp như xã Phú Kê (nay là thị trấn Tiên Lãng) có 29 bia nay chỉ còn 11. Xã Giang Khẩu (nay là Đại Thắng) có 12 bia nay còn 6. Xã Tử Đôi (nay là Đoàn Lập) có 7 bia nay chỉ còn 1... Sở dĩ dẫn đến tình trạng như trên là do nhiều nguyên nhân, mưa gió thời gian, chiến tranh tàn phá, đặc biệt là ý thức gìn giữ di sản văn hóa do cha ông để lại của mỗi người còn nhiều hạn chế.
2.Vấn đề niên đại.
Nói về văn bia Tiên Lãng tấm bia có niên đại sớm nhất còn đến nay là bia dựng ở chùa Đốt Sơn (chùa Đót) xã Kim Lương, huyện Tân Minh nay là xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng. Bia dựng đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 22 (1491). Tiếp đến là bia Hoang đồ củng cố ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm N08731. Bia ở đê xứ Quảng Đức bên tả sông Cẩm La tổng Kinh Khê, huyện Tiên Minh nay thuộc xã Tự Cường huyện Tiên Lãng. Bia dựng tháng 12 niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511). Rất tiếc tấm bia này bị mòn hết chữ, phía trên bia đếm được 8 dòng đại ý ghi việc đắp đê biển làm lợi cho dân, khiến nước mặn không tràn vào làm hại hoa màu. Phần dưới bia ghi tên khoảng 200 người công đức để đắp đê. Đặc biệt là Tiên Lãng có khá nhiều bia đời Mạc. Trong khi Hà Nội có 5, Quảng Ninh 5, Tuyên Quang 1, Thái Bình 6... thì Tiên Lãng có 8 trong số 23 bia thời Mạc của Hải Phòng. Chính nội dung văn bia đời Mạc đã cho chúng ta biết huyện Tân Minh xưa có 12 đơn vị hành chính cấp tổng. Cũng qua văn bia đời Mạc, các đình đền chùa quán đã được tu tạo và xây dựng với quy mô hoành tráng hơn trước, nó trở thành cơ sở để hoàn thiện hơn về quy mô kiến trúc của một số ngôi chùa lớn ở thế kỷ sau.
Trong số 234 tấm bia ở Tiên Lãng ngoài 1 bia ở đình Cựu Đôi (nay thuộc thị trấn huyện) dựng niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) thì có tới 192 bia đời Lê. Đây cũng là hiện tượng ít thấy so với các nơi kể cả Hà Nội, kinh đô của cả nước, nơi đế đô của muôn đời. Bia có niên đại muộn nhất ở Tiên Lãng hiện nay là Hậu thần bi ký ở đình thôn Rỗ (xã Tiên Tiến) dựng niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937).
3.Nội dung văn bia Tiên Lãng - Hải Phòng
Văn bia Tiên Lãng không chỉ phong phú về số lượng mà đa dạng về nội dung. Nó phản ánh khá cụ thể đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Tiên Lãng trong suốt tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc. Với chức năng lưu giữ và ghi lại sự kiện, hầu hết các tấm bia đều gắn với những di tích văn hóa lịch sử cụ thể.
Đầu tiên là văn bia chùa Đót ở Kinh Lương (xã Cấp Tiến) nói về việc tô tượng Phật A Di Đà và tu bổ chùa. Nội dung văn bia cho biết chùa có từ đời nhà Lương (505 - 543) trải qua các đời Lý, Trần con vị Quản Lão ở bản xã tên là Lãng, Nhàn, Du, cùng vị sư trụ trì chùa đứng ra hưng công sửa sang mở rộng quy mô chùa to hơn, lộng lẫy hơn. Đây là tấm bia có niên đại sớm nhất ở Tiên Lãng (1491), qua đây có thể biết chùa Đốt Sơn muộn nhất cũng được xây dựng vào thế kỷ XV. Tại chùa Hà Lâu xã Đông Minh (Hùng Thắng) Thái hoàng Thái hậu họ Vũ, Hoàng Thái hậu họ Bùi, Phụ chính vương họ Mạc... đã công đức tiền và ruộng để sửa sang cho chùa. Bia dựng niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời Mạc Hậu Hợp. Sự tranh giành quyền lực giữa hai thế lực phong kiến Lê - Mạc đã dẫn đến những biến động lớn trong xã hội. Không chỉ những người dòng dõi Hoàng tộc, những người quyền thế mà ngay cả người dân cũng bị khủng hoảng. Họ tìm đến một chỗ dựa tinh thần để cầu sự bình an, đây là một trong nhiều lí do khiến nhiều chùa quán đình đền được xây mới, hoặc trùng tu vào giai đoạn cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Tiên Lãng là một vùng sông nước, vì vậy ở đây có rất nhiều cầu, điều này được phản ánh rất rõ qua nội dung văn bia. Bia Trùng tu Thiên Phúc kiều bi ở xã Xuân Lai (nay là Bạch Đằng) ghi lại việc cầu cũ bị đổ, gây khó khăn cho dân đi lại. Dân xã đã quyên góp để xây cầu mới 31 gian theo kiểu “Thượng gia hạ kiều”, quy mô hoành tráng thật hiếm thấy [Bia dựng năm Chính Hòa thứ 8 (1687)]. Bia Trùng tu Dạng kiều bi ký đặt ở đê xứ Bến Dạng xã Giang Khẩu nay là Đại Thắng ghi tên 300 người đóng góp tiền của xây dựng cầu [niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719)]. Ở Tiên Lãng không chỉ có cầu gỗ mà còn có cả cây cầu bằng đá. Bia Thạch kiều bi ký dựng tại chùa thôn Minh Thị xã Cẩm Khê (nay là Toàn Thắng) cho biết cầu cũ bằng gỗ phá đi thay bằng cầu đá. Người đi chợ buôn bán hoặc qua lại tựa như đến “cõi thọ đài xuân”. Bia dựng niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Cũng phải nói thêm rằng Minh Thị là khu thương cảng nổi tiếng ở Tiên Lãng. Vào thế kỷ XVII việc giao thương buôn bán ở đây còn sầm uất hơn cả thương cảng Vân Đồn, vì thế dân gian đã có câu: Tiền An Hỗ, Cỗ Phú Kê (thương cảng cũ ở làng An Hỗ). Điều này cũng phù hợp với tài liệu lưu trữ của các công ty Đông Ấn, Hà Lan. Trong cuốn Du hành và khám phá năm 1688, Wiliam Dampier đã viết: Những tàu buôn Hà Lan hàng năm đến đây buôn bán bao giờ cũng đậu trên sông trước thị trấn ấy” (thị trấn huyện)... “Người Hà Lan đã dạy dân địa phương cách làm vườn và nhờ đó họ có rất nhiều rau để làm món trộn”... “Hầu hết các tàu thuyền châu Âu đến Đàng Ngoài đều đi theo con sông Domea vì nó rất sâu”.
Vì là nơi buôn bán sầm uất “trên bến dưới thuyền” cho nên hệ thống chợ ở Tiên Lãng dày đặc với quy mô rộng rãi, khang trang. Bia Nhất hưng công Đàm thị quán cổ tích bi ký ghi việc các Hội chủ hưng công sửa sang và xây thêm 3 gian 2 trái tại quán chợ Đầm xã Phác Xuyên (nay là Bạch Đằng). Hầu hết mọi người trong huyện đều tham gia đóng góp, gạo từ 3 đến 40 đấu, tiền từ 5 mạch cho đến 7 quan, tùy theo hằng sản hằng tâm. Trong bia có ghi tên một số người quê ở Đình Bảng - một làng buôn nổi tiếng xứ Kinh Bắc cúng phát tâm công đức xây dựng chợ để có đường đi lối về. [dựng năm Chính Hòa thứ 26 (1705)].
Một nội dung khá lớn cần đề cập đó là văn bia đã phản ánh khá đầy đủ và rõ nét về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Tiên Lãng xưa.
Chiến tranh liên miên, đê ngăn bị vỡ, nước mặn tràn vào ruộng ở ven sông. Quan trên có lệnh sức bắt dân nộp tiền đắp đê. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy Văn Thọ Nam Nguyễn Khang Vị cùng vợ là Nguyễn Thị Lịch đã bỏ ra 80 quan tiền và 5 mẫu ruộng để chi dùng vào việc công. Dân cảm ơn đức đã tôn ông làm Hậu thần [bia xã Giang Khẩu nay là Đại Thắng], dựng năm Dương Hòa thứ 6 (1640). Cũng do chiến tranh dân làng phiêu bạt khắp nơi, ruộng đồng hoang hóa. Khi trở về đời sống cực kỳ khó khăn không có phương tiện để trồng cấy. Ông Đào Đình Xuân và vợ ở thôn Cổ Duy xã Thọ Hợp (nay là Quyết Tiến) đã giúp 75 quan tiền để dân mua trâu bò (5 quan/1 con trâu, bò). Nhớ ơn dân xã đã làm đoan ước khắc vào bia cho ông bà được hưởng thờ cúng muôn đời...
Nói chung nông thôn Việt Nam xưa quan dịch, thuế má, tuyển lính... luôn là mối họa đè nặng lên dân, Tiên Lãng cũng không là ngoại lệ.
Thôn Vọng xã Xuân Lai (nay là Bạch Đằng) bị khai khống số ruộng, tiền thuế hàng năm phải nộp tăng lên khá nhiều. Dân thôn cùng nhau làm đơn xin quan trên về đo đạc lại, song nhu phí cho quan tốn kém nhiều, dân đành phải bán xuất hậu để lấy tiền chi phí (bia dựng năm Bảo Thái - 1729).
Cuộc sống luôn diễn ra dưới muôn hình vạn trạng trong mỗi cộng đồng thôn xóm, làng xã, tổng huyện... Nó ràng buộc con người bởi những thiết chế, những mối quan hệ, không thể thoát ra được. Bia đình Chử Khê xã Đông Minh (nay là Hùng Thắng) ghi việc hai xã Lao Chử và Vũ Khê bị xã Dương Úc không cho đánh cá trên sông. Niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836) dân hai xã họp bàn góp tiền đi kiện xã Dương Úc. Hai bên xô sát tranh chấp kéo dài tới 7 năm tới năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) quan trên mới phán xét cho cả hai bên bờ Bắc và bờ Nam đều được quyền đánh bắt trên sông. 20 người đứng đầu các nhóm và những người bị chết trong vụ tranh kiện đều được khắc tên vào bia và thờ phụng mãi mãi.
Ở xã Phú Kê (nay là thị trấn huyện Tiên Lãng) có một tấm bia ghi lại sự việc hiếm khi được khắc trên bia. Đó là việc cha đạo tên là Bắc đã chết được 3, 4 năm, xứ đạo cùng bản huyện đã cáo lên quan trên. Song quan vẫn về tróc nã cha Bắc bắt nộp phạt. Anh em họ tộc của cha Bắc lại nghèo khó, vì vậy xã bị nộp phạt thay với số tiền 800 quan. Để có đủ số tiền trên toàn thể trên dưới lớn nhỏ trong xã họp để bán số quan điền 50 mẫu lấy 500 quan (10 quan một mẫu ruộng). Số tiền trên vẫn không đủ, xã đành phải bán chức sắc trong làng cho 39 người được 195 quan. Những người này cứ đến 56 tuổi thì được miễn quan dịch. Các ngày giỗ chạp tế thần được mời ăn uống tại đình, khi trăm tuổi được hưởng cúng lễ. Về sau bản xã lại bán thêm một suất Hậu thần với giá 100 quan để đủ tiền nộp phạt [Bia dựng năm Cảnh Trị (1663)].
Dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, chiến tranh liên miên từ Bắc xuống Nam, dân tình khổ sở vì nạn bắt lính. Bia Trùng tu Kim Long tự ở xã Kinh Khê (nay là Tiên Tiến) ghi việc triều đình có chỉ dụ phải tuyển lính để giữ yên bờ cõi. Xã nghèo, ít ruộng không đủ để cấp phát nuôi vợ con lính, nên đã kêu gọi người có hằng sản hằng tâm công đức ruộng tư để giải quyết khó khăn cho xã. Đáp lại họ sẽ được dân xã nhớ ơn và thờ phụng [dựng năm Dương Đức (1672 - 1673)].
Trong số hơn 200 văn bia của Tiên Lãng có rất nhiều bia Từ chỉ. Điều này đã phần nào nói lên Tiên Lãng từ xưa đã là đất học và có truyền thống hiếu học. Trước hết phải nói đến từ chỉ huyện Tân Minh (tức Tiên Lãng ngày nay). Từ chỉ được xây dựng tại đường Rồng thôn Ninh Duy (nay là xã Khởi Nghĩa), niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574) nhà Mạc. Xây dựng Từ chỉ là công lao của Hội Tư văn 12 tổng trong huyện như: Xuân Cát, Đông Hàm, An Cương, Kim Đới, Vân Thị, Lật Khê, Kinh Thanh, An Tử Hạ, Cẩm Khê, Xuân Úc v.v... Các vị được thờ trong Từ chỉ gồm:
- Tư Văn Trưởng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bảo Địch Công Thượng trụ quốc Mạc Tuấn.
- Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Dương kinh Thái bộc Thiếu khanh Văn Nghĩa tử Phạm Bằng Lai.
- Hưng Lễ Vương phủ Chưởng sử Chu Lương Bật.
- Khang Thọ hầu, Nha Giảng dụ Bùi Như Trâm...
Đến niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686) các Hội viên Tư văn lại quy định quyên góp tiền của theo thứ bậc để sửa sang văn chỉ khiến cho Đạo học luôn được nêu cao con cháu văn chiếm bảng rồng, võ chiếm bảng hổ.
Một văn chỉ nữa được xây ở xã Phú Kê (nay thuộc thị trấn Tiên Lãng). Nội dung văn bia cho biết: Quan huyện, Giải nguyên Nguyễn Tiên Sinh người phường Yên Thái Hà Nội. Trong lúc đi kinh lý thấy đây là nơi đất cổ đã chọn để xây văn chỉ. Khởi công năm Tân Dậu nhưng vì gặp cảnh binh đao nên phải tạm dừng. Mãi đến năm Giáp Tý công việc mới hoàn tất. Số tiền quyên góp để xây văn chỉ lên tới 1500 quan. Bia ghi tên những người công đức và những người đỗ đạt được thờ.
- Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Giám sát Ngự sử Đỗ tướng công tự Đình Hoán.
- Tiến sĩ, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Nguyễn tướng công tự Huy Cẩm...
Trong quá trình tìm hiểu về văn bia Tiên Lãng, tại thôn Nam Tử 1 xã Kiến Thiết trên nền nhà cũ của Thượng thư Nhữ Văn Lan - ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi tìm thấy một tấm bia 4 mặt. Mặt trước bia có nhiều vết đạn bắn lỗ chỗ khiến các chữ bị nát không đọc được. Ba mặt còn lại chữ mất và mờ nhiều, song nội dung tấm bia đã ghi lại sự việc các học trò của cụ Nhữ Văn Lan cùng nhau xây từ chỉ để thờ cụ. Trong bia ghi thể lệ giỗ chạp và danh sách học trò cụ đều là những chức sắc đương thời.
Nhìn chung 234 tấm bia Tiên Lãng, mỗi bia ghi một sự kiện, song tất cả đều gắn với mảnh đất Tiên Lãng, với con người Tiên Lãng. Người xưa có nói “Thường nhất phiến tri toàn đỉnh” (nếm một miếng biết mùi vị cả nồi). Hy vọng qua nội dung ít ỏi nêu trên, người đọc sẽ có một cái nhìn tổng thể về văn bia Tiên Lãng và những giá trị độc đáo, phong phú của nó./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.381-390)

Đỗ Thị Hảo
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ