Đức hạnh và tài năng của Hoàng Thái hậu Từ Dũ ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Đức hạnh và tài năng của Hoàng Thái hậu Từ Dũ

(Phunutoday) - Trong lịch sử các triều vua thời Nguyễn, Hoàng Thái hậu Từ Dũ là vị Hoàng Thái hậu duy nhất chứng kiến sự hưng thịnh và suy tàn của triều Nguyễn qua 8 đời vua. Bà là Hoàng Thái hậu được nhân dân yêu mến nhất bởi sự khiêm tốn, giản dị và lòng yêu dân vô hạn của một bậc mẫu nghi thiên hạ. Khi bà mất, nhân dân kinh thành Huế đã làm một bài thơ dài 700 câu, ca ngợi tấm lòng nhân đức của bà. Bài thơ đó vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Hoàng quý phi được vua Thiệu Trị sủng ái nhất
Hoàng Thái hậu Từ Dũ là con gái đầu lòng của Quốc công Phạm Đăng Hưng, một danh thần dưới thời vua Gia Long, cùng với Thượng thư Lê Văn Duyệt là một trong hai người được Gia Long hết lòng tin dùng. Khi vua Gia Long băng hà đã phụng thảo di chiếu giao cho Quốc công Phạm Đăng Hưng và Thượng thư Lê Văn Duyệt tôn phò vua mới.
Theo gia phả họ Phạm Đăng, thì Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, tự Nguyệt. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ, tức ngày 20/6/1810 tại Giồng Sơn Quy (gò Rùa), xứ Gò Công, huyện Tân Hòa, phủ Gia Định (nay thuộc Tiền Giang). Tương truyền rằng, bà Phạm Thị Vị (thân sinh ra Từ Dũ Thái hậu) đã hạ sinh con gái vào một đêm trăng sáng nhất trong năm của xứ Gò Công, vì thế, Quốc Công Phạm Đăng Hưng đã đặt tên con gái là Phạm Thị Hằng và thường gọi là Nguyệt.
Từ nhỏ, ái nữ Phạm Thị Hằng của Quốc Công Phạm Đăng Hưng đã tỏ ra thông tuệ hơn người. Phạm Thị Hằng được cha cho đọc sách Thánh hiền, được mẹ dạy Tam Tòng, Tứ Đức ngay từ thuở thiếu thời nên đã sớm thông làu kinh sử, am hiểu cả chính trị và văn thơ, lại rất mực hiền lành, đoan chính, cư xử dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ.
Sau này, Phạm Thị Hằng theo cha mẹ ra sinh sống ở kinh thành Huế. Danh tiếng về cô con gái vừa thông tuệ, vừa đoan chính, đức hạnh của quan Đại thần Phạm Đăng Hưng đã đến tai Thuận Thiên Hoàng Thái hậu (là quý phi của vua Gia Long và là mẫu hậu của vua Minh Mạng). Khi Phạm Thị Hằng 14 tuổi, Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu đã cho người đi tìm hiểu thực hư những lời đồn về trưởng nữ quan Đại thần Phạm Đăng Hưng, thấy người báo về nói lời đồn không hề bịa đặt, Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu đã gọi Phạm Thị Hằng vào cung để hầu hạ cho hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, trưởng nam của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này) sinh ngày 16/6/1807 tại nhà ông ngoại là Hồ Văn Bôi ở ấp Xuân Lộc bên bờ sông đào Đông Ba. Khi sinh, hoàng tử Miên Tông được 13 ngày thì bà Hồ Thị Hoa bị hậu sản qua đời. Bà nội của hoàng tử Miên Tông là Thuận Thiên Hoàng Thái hậu vì thương xót đứa cháu ruột mới chào đời đã mồ côi nên đã đem vào cung trực tiếp nuôi dưỡng.
Tương truyền là sau ngày bà Hồ Thị Hoa mất, hoàng tử Miên Tông khóc ròng 1 tháng trời không nghỉ. Cả Thuận Thiên Hoàng hậu và vua Minh Mạng đều nói rằng: “Trẻ con mới sinh ra mà đã biết thương khóc mẹ, sau này thế nào cũng giữ trọn đạo hiếu”.
Thuận Thiên Hoàng Thái hậu nuôi dưỡng Hoàng tử Miên Tông từ lúc lọt lòng nên rất yêu quý cháu nội. Khi Hoàng tử Miên Tông đến tuổi dựng vợ gả chồng, bà đã nhìn khắp các gia đình quý tộc trong kinh thành để chọn cho hoàng tử Miên Tông một người vợ tài đức và rốt cuộc đã chọn Phạm Thị Hằng – ái nữ của quan đại thần Phạm Đăng Hưng.
Quả nhiên sau này đã chứng tỏ rằng sự lựa chọn của bà Thuận Thiên Hoàng Thái hậu là sự lựa chọn không thể sáng suốt hơn. Cũng phải nói thêm rằng, chính vì sự ảnh hưởng của Thuận Thiên Hoàng Thái hậu mà vua Minh Mạng mới quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Miên Tông, vì trước đó vua Minh Mạng có ý định truyền ngôi cho một hoàng tử khác là con trai bà Hiền phi Ngô Thị Chính – vị cung phi được nhà vua sủng ái nhất.
Bà Phạm Thị Hằng vào cung năm 14 tuổi và trở thành vợ của hoàng tử Miên Tông. Năm 1841, khi hoàng tử Miên Tông lên ngôi, lấy hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng trở thành cung tần và đặc biệt được vua Thiệu Trị yêu mến. Vua Thiệu Trị giao cho bà làm Thượng Nghi, coi sóc Lục Thượng, tức là 6 công việc hầu hạ vua trong cung: Thượng quan (mão), Thượng y (áo), Thượng thự (ăn), Thượng mộc (tắm), Thượng tịch (chiếu), Thượng thư (sách). Đây là một vinh dự lớn với một cung tần, vì phải được vua sủng ái và tin cậy lắm mới được giao công việc quan trọng này.
Vua Thiệu trị trị vì từ năm 1841 đến 1847 thì băng hà. Trong 7 năm đó, vua Thiệu Trị đã dần phong cho bà Phạm Thị Hằng là Thần phi, Giai phi rồi Đệ nhất Giai phi, tức phi tần có vị trí quan trọng nhất trong hậu cung (triều Nguyễn có tục không lập hoàng hậu).
Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng thừa hưởng một nền giáo dục hoàn hảo của cha mẹ là quan Đại thần Phạm Đăng Hưng và phu nhân Phạm Thị Vị, nên khi vào cung, những phẩm chất của bà ngày càng được tỏa sáng. Giữa các cung tần, mỹ nữ trong cung, bà là người dịu dàng, đức hạnh, thông minh và hiểu biết hơn cả.
Không chỉ gần gũi với bà Phạm Thị Hằng nhất, vua Thiệu Trị còn đặc biệt tin tưởng vào sự nhạy bén chính trị của bà. Bà là người vợ duy nhất được Thiệu Trị tin tưởng cùng bàn bạc chuyện chính trị, chuyện quan quân. Khi thiết triều ở điện Khâm Văn, nghe các quan văn võ trong triều bàn chuyện chính sự, vua Thiệu Trị thường cho bà Phạm Thị Hằng ngồi sau rèm che để nghe các quan tâu việc và nghe vua phán.
Sau mỗi buổi thiết triều, bao giờ vua cũng có ý hỏi bà Phạm Thị Hằng về từng việc mà vua đã giải quyết trong ngày. Có những việc ý vua Thiệu Trị muốn một đằng, nhưng sau khi nghe lời khuyên của bà Phạm Thị Hằng, vua thấy phải lập tức thay đổi quyết định. Những năm cuối đời, khi vua Thiệu Trị đau yếu, mọi việc trong triều đều do chính bà Phạm Thị Hằng một tay đảm trách.
Ủy thác việc cai trị cả một đất nước cho một người phụ nữ, đó không phải là chuyện thường gặp trong các triều đại phong kiến, nhưng quãng thời gian ngắn trước khi băng hà, vua Thiệu Trị đã rất an tâm khi có bà Phạm Thị Hằng thay vua lo việc nước.
Vua Thiệu Trị có 31 người vợ và 64 người con (trong đó 29 hoàng nữ, 35 hoàng tử). Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng sinh cho vua 3 người con (người con út là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – tức vua Tự Đức sau này). Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng luôn là người được vua yêu thương, sủng ái nhất trong tất cả các bà vợ chốn hậu cung.
Hậu cung của vua Thiệu trị có 31 người vợ và còn nhiều cung tần mỹ nữ khác. Có những người cả năm không có được vinh hạnh hầu hạ vua, cũng chẳng được vua hạ giá tới thăm, nhưng riêng đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng thì được vua Thiệu Trị đối xử theo một cung cách hoàn toàn khác. Trừ những lúc quá bận còn thì hầu như ngày nào, vua Thiệu Trị cũng cho gọi đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng lên trò chuyện.
Có hôm tâm trạng vui vẻ, thoải mái, vua Thiệu Trị còn đích thân đến cung của đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng, cùng làm thơ, đàm đạo chuyện thơ văn và bàn về những điều Cổ nhân từng dạy.
Sở dĩ vua Thiệu Trị sủng ái bà Phạm Thị Hằng như thế là bởi dù với vua hay với các cung tần, mĩ nữ trong cung và cả kẻ hầu người hạ ở dưới, bà Phạm Thị Hằng đều cư xử không chê vào đâu được, khiến tất cả mọi người đều yêu mến. Có những đêm vua Thiệu Trị rảnh việc, ngồi đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, bà Phạm Thị Hằng vẫn thức hầu Thượng thư, không hề tỏ ra mệt mỏi.
Mỗi lần được vua ân huệ ban thưởng, bà đều chia đều cho các cung phi trong cung, chứ không giữ làm của riêng. Cung phi nào phạm lỗi bị vua phạt, bà hết lời bào chữa thay họ. Bà thông minh nên dù đọc sách hay đọc văn thơ đều chỉ cần đọc một lần là nhớ, không phải mở sách ra thêm lần nữa. Có lần vua Thiệu Trị đem sử sách ra đọc, bà ngồi hầu Thượng thư và góp ý với vua:
“Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh để không sa vào chỗ tà. Như sách xưa có câu: Nhân bất học bất tri đạo (người chẳng học chẳng biết đạo lý)”. Một lần, vua đọc một đoạn sách dạy: “Kim nhân tam giang kỳ khẩu bối minh: Cổ chi thận ngôn chi dã (tức là: Người bằng vàng niêm miệng 3 lớp. Ở sau lưng chạm chữ: đó là người cẩn thận lời nói”. Bà góp ý thêm: “Một lời nói ra phải cẩn trọng, một lời phát ra, người ta nhờ phước mà người ta thọ hại.
Những điều ân oán, thành bại đều do từ cái miệng mà ra. Cho nên sách xưa có nói ngọc có tỳ vết còn mài được, lời nói có tỳ vết không biết làm sao cho hết”. Vua Thiệu Trị nghe xong vô cùng tâm đắc và càng yêu mến Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng.
(Phunutoday) - Nhân cách của Từ Dũ Thái hậu: Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, truyền ngôi cho Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – con trai bà Phạm Thị Hằng. Hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi, lấy hiệu là Tự Đức. Vua Tự Đức đã phong cho mẹ là Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu.
Sở dĩ vua Thiệu Trị quyết định truyền ngôi cho Tự Đức cũng vì sự sủng ái của vua với Đệ nhất giai phi Phạm Thị Hằng . Vua Thiệu Trị tin rằng một người đức hạnh, đoan chính, thông làu kinh sử, trọn vẹn đạo lý hẳn sẽ dạy con có những phẩm chất đó, nên Thiệu Trị đã truyền ngôi cho hoàng tử Hồng Nhậm chứ không truyền ngôi cho các hoàng tử khác, dù hoàng tử Hồng Nhậm không phải trưởng nam.
Từ lúc vào cung làm vợ hoàng tử Miên Tông rồi sau này trở thành hoàng quý phi của vua Thiệu Trị hay lúc là Từ Dũ Thái hậu, bà Từ Dũ vẫn luôn là người sống giản dị, khiêm tốn, kính trên nhường dưới. Được vua sủng ái, cuộc sống đầy đủ, nhưng Từ Dũ Thái hậu sống rất giản dị. Nếu có điều gì khiến bà bất bình nhất thì chính là sự xa hoa, tiêu xài phung phí.
Bà vẫn thường dạy các cung phi trong hậu cung: “Tất cả những gì chúng ta được hưởng đều là mồ hôi của dân. Nếu lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc, sao bằng lưu lại để triều đình dùng cho việc nước”. Nói là làm, tất cả những gấm vóc, châu ngọc, lụa là được ban tặng, bà đều giao nộp vào kho, tuyệt nhiên không dùng đến. Bà chỉ có vài bộ xiêm y để thay đi thay lại. Có lần vua Tự Đức đến thăm, thấy xiêm áo mẹ mặc vải đã sờn, liền ngỏ ý may cho bà áo mới, nhưng bà kiên quyết chối từ.
Hoàng Thái hậu Từ Dũ tiết kiệm đến nỗi chính các cung nữ hầu cận bà cũng phải kinh ngạc. Bà quan niệm hạt gạo là hạt ngọc trời ban nên không bao giờ được phép lãng phí. Có lần thấy cung nữ ở cung Gia Thọ đổ cơm nguội xuống dưới rãnh nước, bà bắt nhặt lên, đem rửa thật sạch rồi đem hấp lại và đích thân ăn chỗ cơm đó.
Thời vua Thiệu Trị còn sống, có lần vào cung thăm bà, vua thấy bà dùng chiếc quạt nan tre đã sờn rách, chiếc bát ăn cơm bà dùng cũng có vết rạn, vua bèn sai người đổi cái khác nhưng Giai phi Phạm Thị Hằng không cho. Bà nói: “Đổi cái mới để lâu nó cũng cũ đi, vậy thì cứ để lại cái cũ”.
Ngay cả những cây nến trong hậu cung cháy hết, còn lại mẩu thừa, cung nữ thường vứt đi, Từ Dũ Thái hậu cũng bắt gom lại để dành, dồn vào nấu thành cây nến khác. Bà thường nói với các cung nữ: “Ta tự thấy không làm gì có ích cho nước nhà, sao lại cậy thế là mẹ vua để ăn tiêu xa xỉ. Một sợi tơ, một hạt hạo đều là máu mỡ của dân, tuyệt không được coi thường mà hoang phí?”.
Là người yêu nước thương dân, có năm mùa màng thất bát, nhân dân đói kém, Từ Dũ Thái hậu đã đứng ra xin vua miễn thuế cho dân. Nhân dân biết ơn đã làm một bài vè dài 700 câu để ca ngợi tấm lòng nhân đức của Từ Dũ Thái hậu.
Sinh thời, làm việc gì, tiêu đồng tiền gì dù là nhỏ nhất, Từ Dũ Thái hậu cũng nghĩ đến dân. Dịp lễ mừng thọ bà, bà thường lấy lý do nhân dân còn nghèo, thiên tai mất mùa, đói ăn mà từ chối lời đề nghị tổ chức mừng thọ của vua. Khi mới lên ngôi, Tự Đức liền nghĩ ngay đến việc phong cho bà làm Hoàng Thái hậu, nhưng bà từ chối và nói:
“Tăng thêm hư danh cho đẹp đẽ trong tình cảnh đất nước như bây giờ (lúc bấy giờ thực dân Pháp đang lăm le gây chiến tranh cướp nước ta), thì cũng bằng làm tăng cái thất đức mà thôi”. Mãi sau này, khi được vua hết lời van xin, bà mới đồng ý nhận tấn phong trong dịp bà tròn 60 tuổi, nhưng bà kiên quyết không cho tổ chức lễ lạt tốn kém.
Cái nhân đức của Từ Dũ Thái hậu thể hiện qua từng việc nhỏ khiến lòng dân nể phục, ca ngợi bà là bậc mẫu nghi thiên hạ, là Hoàng Thái hậu có tấm lòng yêu thương dân vĩ đại nhất trong tất cả các Hoàng Thái hậu triều Nguyễn.
Chuyện bà Từ Dũ dạy con làm vua
Khi đã lên làm vua, Tự Đức vẫn thường xuyên bị Từ Dũ Thái hậu phạt mỗi khi mắc lỗi. Là bậc mẫu nghi thiên hạ, muốn gì được nấy, nhưng bà không vì thế mà nâng đỡ dòng họ mình. Có lần có người họ Phạm quê bà từ Gia Định ra gặp vua Tự Đức xin chức tước, được vua Tự Đức hỏi ý kiến, bà đáp:
“Người trong họ ta không có công lao thì không được ban tước lộc. Nếu có ai làm điều sai thì càng phải nghiêm trị theo phép nước để răn đe người đời”. Có lần, vua Tự Đức mải đi săn mà về muộn ngày giỗ kị, Từ Dũ Thái hậu rất giận. Biết tội, Tự Đức vừa về đã vào cung, quỳ xuống trước mặt Từ Dũ Thái hậu, hai tay cung kính dâng cái roi mây sẵn sàng xin chịu đánh. Từ Dũ Thái hậu vì niệm tình vua mới tha không chịu tội lần đó.
Có lần, một viên quan trong triều là Phạm Phú Thứ thấy vua mải mê đàn hát mà quên việc triều chính đã làm sớ khuyên can vua. Tự Đức đọc xong vô cùng giận dữ liền giáng viên quan này xuống làm lính canh. Từ Dũ Thái hậu biết được, bèn cho vời vua đến: “Ông Phạm dâng sớ trách cái tính lười biếng của con, thì ông ấy được lời gì?”.
Tự Đức nói: “Không được lời gì, nhưng bề tôi sao dám trách vua nặng nề như thế”. Từ Dũ Thái hậu lại nói: “Khi thương người ta mới giận. Mà giận thì hay quá lời. Ông ấy là trung thần mới dám nói ra những lời thật như thế”. Vua Tự Đức nghe ra bèn phục hồi chức Hàn lâm viện điển tích cho Phạm Phú Thứ. Càng sau này, Phạm Phú Thứ càng là đại thần của vua, được vua đặc biệt tin dùng.
Tối tối, bà Từ Dũ thường cùng ngồi đọc sách với vua Tự Đức và giảng giải cho vua Tự Đức những điều mà sách Thánh hiền dạy. Bà cũng thường kể lại chuyện trị nước của bậc Tiên đế, để vua Tự Đức lấy đó làm bài học trị nước. Sau mỗi đoạn đọc, Từ Dũ Thái hậu thường phân tích các sự kiện, các nhân vật để rút ra bài học, qua đó gợi cho vua Tự Đức cách xử lý và điều hành việc nước.
Từ Dũ Thái hậu rất quan tâm đến tình hình quốc gia. Tuy ở cung Gia Thọ cả đời chẳng đi ra ngoài, nhưng việc triều chính có biến động, có sự vụ gì, bà đều hay biết. Bà thường nhận xét những ưu điểm và nhược điểm của từng viên quan. Chính vì thế, vua Tự Đức rất tôn kính mẹ. Tất cả những câu Từ Dũ Thái hậu ban cho vua, hay những điều Từ Dũ Thái hậu dạy bảo, vua Tự Đức đều ghi vào một quyển sổ gọi là “Từ Huấn Lục”.
Vua Tự Đức rất mê săn bắn. Có lần vua đi săn về, mang mấy con chim vào cung Gia Thọ biếu Từ Dũ Thái hậu. Thấy vậy, Đức Từ Dũ không nói không rằng, bà chọn những con bị thương chưa chết đem đắp thuốc nuôi cho lành rồi thả ra. Bà nhắc vua: “Vật cũng như con người. Bắn chết con trống thì con mái lẻ bầy thương nhớ. Bắn chết chim non thì chim mẹ thảm buồn. Từ  nay con không nên sát sinh”. Lời Từ Dũ Thái hậu dạy không bao giờ sai, nên Tự Đức càng tôn kính mẹ, cứ cách ngày lại vào vấn an và hầu chuyện  bà.
Có lần Từ Dũ Thái hậu nghe rằng, vua Tự Đức không bao giờ biết cười khi thiết triều. Ngay cả khi có đội nhã nhạc hay đôi kịch diễn cho vua xem, có những tiết mục hài khiến ai cũng phải cười chảy nước mắt, vua cũng không cười. Từ Dũ Thái hậu nghe thế bèn gọi một tay Hề Mồi trong cung, vốn rất giỏi chọc cười đến ra lệnh: “Mi phải mần răng để hoàng đế cười được một lần thì ta trọng thưởng. Làm không được việc, ta phạt một trăm trượng”.
Nghe lời Từ Dũ Thái hậu, đêm hôm đó, khi Tự Đức đang đi đi lại lại trong sân ngự, Hề Mồi rón rén đến sau lưng Tự Đức và “quát”: “E hèm! Mi cho tau xin chút lửa hút điếu thuốc”. Lần đầu tiên có kẻ dám thất kính với mình, thấy sự lạ, Tự Đức cười chảy nước mắt, nhưng cười xong thì tóm cổ Hề Mồi và gọi quân lính đến chém tên Hề Mồi vì tội khi quân phạm thượng. Khi biết đó là lệnh của Từ Dũ Thái hậu, vua Tự Đức liền vào hỏi mẹ thì Từ Dũ Thái hậu đáp:
“Con là vua của một nước. Đối với quần thần, con làm họ khiếp sợ thì làm sao dám đề đạt nguyện vọng. Vậy con mần răng mà gần gũi, chỉ bảo được xã tắc”.
Từ Dũ Thái hậu đã chứng kiến những ngày hưng thịnh rồi đến suy tàn của triều đại nhà Nguyễn. Bà đã sống đến 93 tuổi, với 80 năm trong cung vua, trải qua 8 đời vua Nguyễn. Tuy vậy, ngay cả khi triều Nguyễn hưng thịnh hay suy vong, bà vẫn là bậc mẫu nghi thiên hạ, là Hoàng Thái hậu triều Nguyễn được nhân dân yêu mến nhất.
Khi mất, bà được thờ cạnh vua Thiệu Trị. Để tỏ lòng biết ơn bà, người ta đã lấy tên bà đặt cho Bệnh viện Phụ sản lớn nhất ở thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.
  • Hương Thảo Nguyên

Nguồn tin: PhunuToday

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ