Về tấm bia liên quan tới nhà sử học Phan Phu Tiên ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Về tấm bia liên quan tới nhà sử học Phan Phu Tiên

VỀ TẤM BIA LIÊN QUAN TỚI NHÀ SỬ HỌC PHAN PHU TIÊN

VŨ DUY MỀN

Tiến sĩ. Viện Sử học

Gần đây trong chuyến khảo sát làng Đông Ngạc - xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nguồn di văn Hán Nôm khá phong phú ở đây. Trong số đó, trước hết chúng tôi muốn giới thiệu tấm bia: "Đông Hương khai khoa Phan Phu Tiên công", vì đây là tấm bia liên quan đến nhà sử học Phan Phu Tiên. Ông sống vào thời kỳ cuối nhà Trần, đầu thời kỳ Lê sơ - cuối thế kỷ XIV - thế kỷ XV.
Tấm bia đá này dựng ở tả mạc đình làng Đông Ngạc. Bia 2 mặt, dựng trên bệ xây, cao 1,15m, rộng 0,75m.
Mặt trước, trán bia được trạm đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm bia trang trí rồng cuốn, hoa lá.
Toàn bộ mặt trước bia khắc chữ Hán Nôm to, chân phương. Bên phải bia khắc tiêu đề: "Đông Hương khai khoa Phan Phu Tiên công". Bia gồm 14 dòng (10 dòng chữ to, 4 dòng chữ nhỏ hơn); dòng nhiều nhất 24 chữ, dòng ít nhất 6 chữ; tổng cộng 265 chữ.
Phía bên trái bia ghi dòng lạc khoản: "Bảo Đại Giáp Thân thập cửu niên mạnh đông nguyệt cốc đán" - Ngày tốt tháng 10 năm Bảo Đại Giáp Thân thứ 19 (1944).
Bài văn bia được phiên âm như sau:
"Đông Hương khai khoa Phan Phu Tiên công.
Phan Phu Tiên công tự Tín Thần, dĩ Trần Thuận Tôn Quang Thái Bính Tý cửu niên đệ Thái học sinh. Tam thập tam niên hậu tức Lê Thái Tổ Thuận Thiên Kỷ Dậu nhị niên, đệ Hoành từ khoa, vị ngã Đông hương giáp khoa chi thuỷ. Ngật kim ngũ bách, tứ thập dư niên. Chí nhược công vĩ Vu Hoan thần phụng nghênh Cửu Roi miếu thượng đẳng thần hồi hương phụng sự, vi bản xã thành hoàng, hữu lư sử. Tại cư tu sử viện thần kỷ thư tự Trần Thái Tôn chí Minh Nhân hoàn quốc, dữ phu biên tập Việt âm thi tập; thánh triều cố lão dã, hữu quốc sở tại.
Hựu chí Minh Mệnh Ất Mùi thập lục niên, bản hương Phan Thất tộc hợp tế công vi tiên hiền tắc hữu thất tộc phổ di. Hựu tại y phu công chi trưng danh vĩ nghiệp thần minh giám chi; sở thừa thư chi, quốc nhân văn chi nhi khởi cẩn. Nhất hương nhất tộc chi tư bi; kỷ chi vu dĩ biểu ngã ấp nhân cảnh ngưỡng tiên triết chi phiến, khổn thành vân nhĩ.
Bảo Đại Giáp Thân thập cửu niên mạnh đông nguyệt cốc đán.
Tuần phủ trí sĩ Tổng đốc vinh hàm, Cử nhân Hoàng Huân Trung phụng thảo.
Hậu học Thái tử thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ, Tổng đốc trí sĩ, triều quan, Tú tài Phạm Gia Thụy.
Quang lộc tự khanh, Giáo thụ trí sự, Cử nhân Phạm Trung Hiến phụng duyệt".
Mặt sau bia, trán bia được trang trí đôi rồng chầu mặt nguyệt cách điệu, hai bên diềm bia trạm hình hoa dây, khắc chữ Quốc ngữ (dịch bài văn bia Hán Nôm mặt trước ra tiếng Việt).
Dưới đây là nguyên văn mặt sau của bia:
"Cụ Phan Phu Tiên tên tự là Tín Thần, đỗ Thái học sinh khoa Bính Tý niên hiệu Quang Thái thứ 9 đời Trần Thuận Tôn (1396). Cách 33 năm sau lại đỗ Hoành từ khoa Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 đời Lê Thái Tổ (1429). Vậy cụ đỗ đại khoa trước nhất trong làng Đông Ngạc, đến nay hơn 540 năm. Đến như khi cụ làm quan ở Hoan Châu dước đức thượng đẳng thần ở miếu Cửa Roi về thờ làm thành hoàng làng ta, chép ở lư sử. Khi ở lư sử viện biên chép từ đời Trần Thái Tôn cho đến người nhà Minh về nước và biên tập bộ Việt âm thi tập. Cụ là bậc cố lão triều nhà Lê chép ở quốc sử.
Lại đến năm Minh Mệnh Ất Tỵ thứ 16 (1835) Phan thất tộc làng ta hợp tự, cụ làm tiên hiền, còn chép ở bản thất tộc phả! Ôi công nghiệp và danh tiếng cụ thần minh soi xét, sử sách chép ghi, quốc dân đều được biết cả, có phải chỉ riêng một làng, một họ mà thôi. Dựng tấm bia này để tỏ lòng làng ta kính mến bậc tiên triết vậy.
Novembre 1944
Hậu học
Tuần phủ trí sĩ, Tổng đốc vinh hàm, Cử nhân Hoàng Huân Trung(1) phụng thảo.
Thái tử thiếu bảo hiệp tá Đại học sĩ, Tổng đốc trí sĩ, triều quan, Tú tài Phạm Gia Thụy(2).
Quang lộc tự khanh, Giáo thụ trí sự, Cử nhân Phạm Trung Hiến phụng duyệt".
Có thể khẳng định rằng: "Đông Hương khai khoa Phan Phu Tiên công", là một tấm bia quý, có giá trị về nhiều mặt. Nhờ đó giúp chúng ta biết thêm chút ít tư liệu về Phan Phu Tiên - người làng Đông Ngạc - nhà sử học - nhà văn hoá nổi tiếng thời Lê thế kỷ XV. Ngoài những điều sử đã chép, văn bia cho biết Phan Phu Tiên từng làm quan ở Hoan Châu. Khi đó ông đã rước thần (theo tài liệu lưu ở làng Đông Ngạc thì đức thượng đẳng thần đó là Lê Khôi) ở miếu Cửa Roi về thờ làm thần thành hoàng làng Đông Ngạc. Ông là người khai khoa của làng Đông Ngạc, mở ra con đường Nho học cho các bậc hậu học. Sau này Đông Ngạc đã trở thành một làng văn hiến, khoa bảng đứng hàng đầu đất kinh kỳ Thăng Long.
Theo Phạm Tộc phả - làng Đông Ngạc: Hoàng Huân Trung đỗ Cử nhân đứng thứ 32, khoa Quý Mão 1903, Thành Thái thứ 15. Cụ làm quan tới chức Tri phủ, Án sát, Tuần phủ. Cụ là người đề xuất việc khắc bia kỷ niệm cụ Phan Phu Tiên ở đình làng.
Chú thích:
1. Theo Phạm tộc phả - làng Đông Ngạc: Hoàng Huân Trung đỗ Cử nhân đứng thứ 32, khoa Quý Mão 1903, Thành Thái thứ 15. Cụ làm quan tới chức Tri phủ, Án sát, Tuần phủ. Cụ là người đề xuất việc khắc bia kỷ niệm cụ Phan Phu Tiên ở đình làng.
2. Theo Dĩ thuỷ Phạm Văn Thuyết trong Đông Ngạc tập biên - Sài Gòn 1963, tr.165.
Phạm Gia Thụy : Cụ sinh năm 1885, thi đỗ Tú tài khoa Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái thứ 12. Sau vào học trường Hậu bổ Hà Nội, thi ra năm 1903 và làm Tri huyện năm 1907, rồi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Sau thăng làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương, hàm Thái tử thiếu bảo, hiệp tá Đại học sĩ. Rồi về vọng triều quan ở làng. Cụ mất năm 1962.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.344-348
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ