Thêm một bài văn chữ Hán của Phạm Quý Thích mới được phát hiện ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Thêm một bài văn chữ Hán của Phạm Quý Thích mới được phát hiện

THÊM MỘT BÀI VĂN CHỮ HÁN
CỦA PHẠM QUÝ THÍCH MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN
PHẠM HƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đó là bài tán viết trong gia phả họ Trần. Họ Trần là một dòng họ nhiều đời làm nghề y và sản sinh cho đất nước rất nhiều lương y giỏi để cứu đời. Đây là cuốn gia phả hết sức bình thường như gia phả của các dòng họ khác được viết ở các làng quê Việt Nam, thế nhưng có một điều đáng chú ý là, bài Tán của gia phả lại do chính cụ Phạm Quý Thích, một danh sĩ của nước ta thời Lê mạt viết.
Phạm Quý Thích tự là Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, còn có biệt hiệu là Thảo Đường cư sĩ. Ông người xã Hoa Đường (Lương Đường), huyện Đường An, phủ Thượng Hồng trấn Hải Dương (nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Sau ông chuyển lên ở phường Báo Thiên (thôn Tự Tháp), huyện Thọ Xuân, phủ Phụng Thiên (sau đổi là phủ Hoài Đức) (nay là phường Hàng Vải, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cha của Phạm Quý Thích là Phạm Huyền, đỗ Hương cống khoa Canh Ngọ (1750), làm quan đến chức Tham nghị. Mẹ ông là bà họ Vũ. Ông sinh ngày 19 tháng 11 năm Canh Thìn (1760) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 nhà Lê, mất ngày 29 tháng 3 năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825).
Lúc nhỏ, ông theo học mấy vị thầy nổi tiếng như Vũ Tông Diễm (đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Dần - 1772, làm quan đến Hiến sát sứ Sơn Nam) và Nguyễn Huy Oánh (Thám hoa Đình nguyên khoa Mậu Thìn - 1748, làm đến Thượng thư). Năm 18 tuổi, Phạm Quý Thích đi thi Hương, đỗ thứ hai (khoa Đinh Dậu (1777). Đến năm Kỷ Hợi (1779), ông đỗ Tiến sĩ cùng với Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du.
Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo kiêm Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), được thăng chức Hàn lâm viện Hiệu lý kiêm Tri công phiên. Trong vụ kiêu binh Thanh Nghệ làm loạn, ông có công vỗ về và góp sức làm dịu tình hình. Bùi Huy Bích đề cử ông làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc, nhưng không được phê duyệt, được nghỉ tạm dưỡng bệnh. Năm Bính Ngọ (1786) Tây Sơn ra Bắc, Phạm Quý Thích sau khi phò chúa bất thành, bèn chạy về làng Cổ Linh với cha mẹ. Lê Chiêu Thống lên ngôi vời ông ra, ông từ chối. Trịnh Bồng mời ra ở chức cũ, ông cũng làm khải từ chối. Sau, ông có ra làm chức Đông các Hiệu thư kiêm Thiêm sự. Rồi lại được điều lên làm Hiệp trấn Kinh Bắc, nhưng thường bỏ nhiệm sở về nơi trọ ở Cổ Linh. Tây Sơn ra Bắc lần hai, Phạm Quý Thích không chịu kí vào hai tờ biểu “hàng phụ” và “khuyến tiến” nên bị giam lỏng. Khi Lê Chiêu Thống đưa Tôn Sĩ Nghị sang, ông được người gác tha cho. Tây Sơn ra đánh quân Thanh, ông không theo được vua Lê bèn trốn chạy lên tận Yên Thế, rồi cuối cùng ngụ trong nhà họ Trần ở Yên Phong. Ở đó, ông giả làm thày dạy dỗ học trò, và có lần mưu chống Tây Sơn nhưng việc không thành.
Đầu triều Nguyễn (1802), Phạm Quý Thích được gọi ra làm Thị trung Học sĩ. Ông thoái thác nhưng không được, cuối cùng vẫn phải làm việc, có công đề cử nhiều kẻ sĩ triều Lê cũ.
Phạm Quý Thích là người có nhiều đóng góp to lớn về giáo dục, văn học, những mảng này được coi là thành công lớn nhất trong cuộc đời ông, đặc biệt là về mảng thơ chữ Hán như:
Thảo Đường thi nguyên tập
- Lập Trai văn tập
- Tân truyền kỳ lục.
Qua tìm hiểu được biết, Phạm Quý Thích viết bài Tán này khi đang dạy học ở nhà họ Trần. Nội dung bài tán không dài chủ yếu là ca ngợi đức độ cứu người của lương y họ Trần. Sau đây chúng tôi xin được phiên âm và dịch nghĩa bài tán này để mọi người cùng tham khảo. (Bên trong từ đường có treo tấm biển khắc một bài tán với nội dung như sau):
Phiên âm: Tán viết:

Thế y chi gia,
Thị sinh lương y.
Cố quan tại viện,
Hữu danh vu kì.
Thân kì khang cường,
Niên ngộ cổ hy,
Chiêm bỉ xuân sơn.
Hồng tử giao huy,
Kì vi thử đồ.
Tắc niên phương kì,
Ban bạch kì phát.
Thanh cù kì tư,
Phục vô tân chế,
Cư hữu thường nghi.
Tả thủ chấp phiến,
Xuân phong tại huy.
Hữu thủ chấp thư,
Nhược hữu sở tư.
Hi nhất phiến tâm.
Thùy năng trạng chi,
Như kì tinh thần,
Khả tưởng nhi tri.
Hạnh lâm uất uất.
Vân biển y y,
Ô hô niệm tai.
Niệm tư tại tư.
(Tiền Lê Tiến sĩ Phạm
Lập Trai tiên sinh soạn)
Dịch nghĩa:
Nhiều đời làm nghề y,
Sinh được lương y
Làm quan trong Y viện,
Nức tiếng khắp kinh kì.
Thân thể rất khỏe mạnh,
Tuổi đã xưa nay hiếm.
Nhìn rặng núi mùa xuân
Màu hồng màu tía rực rỡ,
Giống như một bức tranh
Tuổi thực đã già,
Tóc thực đã bạc,
Dáng người nho nhã,
Mặc trang phục đã cũ,
Ở nơi bình thường.
Tay trái cầm quạt
Gió như từ trong đó.
Tay phải cầm sách,
Mọi suy nghĩ đều ở đó.
Chỉ có một tấm lòng,
Ai có thể hình dung được.
(Tiến sĩ triều Lê Phạm Lập Trai (Phạm Quý Thích) soạn)

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.523-526

Phạm Hương Lan
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ