Tú Xương - Nhà thơ trào phúng (1870-1907) ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Tú Xương - Nhà thơ trào phúng (1870-1907)


         Trần Tế Xương sinh tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông đi học sớm và nổi tiếng thông minh. Thân sinh của Trần Tế Xương là nhà nho Trần Duy Nhuận. Ông Nhuận có 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.
          Ngày nay chúng ta không có ảnh Tú Xương, chân dung ông được đồng môn Lương Ngọc Tùng tả:
“Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.”

          Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, những lần thi cử nhân sau ông đều trượt. Thời ấy, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ nên Trần Kế Xương (chữ xương với nghĩa "thịnh vượng" sống trong cảnh, vợ thì:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”

          Mỗi khi Tết đến:
“Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chẩy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.. .”

          Trần Lê Văn nói Tú Xương: "Khi cười khi khóc khi than thở". Tú Xương là nhà thơ trào phúng Việt Nam, sống cuộc đời nghệ sĩ:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.

 Không biết hỏi ai, ông Hỏi ông trời :
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì:
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu
Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi .

          Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái. Bà Tú tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình, bà đã đi vào thi phẩm của ông chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
                       (Bài Thương vợ)

          Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ như một sự tri ân. Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao của người vợ buôn bán lẻ ven sông (Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ)
          Thời kỳ Tú Xương sống là thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu đặt nền móng thống trị ở miền Bắc Việt Nam. Với giọng văn châm biếm sâu cay, ông đã đả kích bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc trong buổi giao thời:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, * quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
            (Bài Vịnh khoa thi Hương)

** ÔNG NGHÈ ÔNG THÁM VÔ MÂY KHÓI
ĐỨNG LẠI VĂN CHƯƠNG MỘT TÚ TÀI

          Tú Xương sống trong lúc giao thời. Nho học tàn lụi, lối sống mới hình thành:
          Nào có ra gì cái chữ nho!
          Ông nghè ông cống cũng nằm co.
          Chi bằng đi học làm ông phán
          Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!
                      (Bài Chữ nho)

          Thơ Tú Xương là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Ở Tú Xương, ta chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
          - Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ.
          - Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau bốn thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm.
          - Tản Đà khi còn sống phục nhất Tú Xương" (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình "mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ vèo trong bài thơ Cảm thu.
          - Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam

LƯƠNG VĂN HỒNG

......................
Chú thích:
* Vợ chồng toàn quyền Doumer và công sứ đến dự .
** lời Xuân Diệu .


© Tác giả giữ bản quyền .
. Cập nhật trên Newvietart.com ngày 31.03.2012 theo bản gởi của tác giả từ Sài Gòn.

Nguồn: Newvietart.com http://newvietart.com/index822.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ