Làng Tiến sĩ Kim Đôi ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Làng Tiến sĩ Kim Đôi

(BNP) - Làng Kim Đôi nằm bên bờ nam sông Cầu thuộc huyện Quế Võ – tỉnh Bắc Ninh, cách Thành phố Bắc Ninh vài cây số. Hàng năm, đặc biệt dịp lễ hội các đoàn văn hóa trong, ngoài nước đã về đây tham quan khảo cứu truyền thống lịch sử địa phương và những dòng họ khoa bảng nổi tiếng.


Các bia đá của họ Nguyễn
ao thế kỷ đã trôi qua, nhưng hiếm làng nào đạt kỷ lục cao về số Tiến sĩ như Kim Đôi. Đương thời vua Lê Thánh Tông từng nói với thị thần rằng: “Gia thế Kim Đôi chu tử triều mãn” (dòng họ Kim Đôi áo đỏ, áo tím đầy triều). Còn dân gian vùng Kinh Bắc lưu truyền câu ca với niềm tự hào thành kính:
 
“Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh,
Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng”
 
Hội làng (26/2 – 28/2 âm lịch) hàng năm cũng là hội của hai dòng họ lớn Phạm, Nguyễn, tưởng niệm các bậc tiên hiền và những tiến sĩ đã cống hiến tài đức phụng sự quốc gia và xây dựng nền văn hóa Việt Nam ở triều đại Lê, Nguyễn.
 
Số tiến sĩ Kim Đôi được ghi chép trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Phong thổ Kinh Bắc thời Lê” và gần đây là cuốn “Chế độ khoa bảng Việt Nam”. Hiềm nỗi các sách đó còn thiếu tên tuổi hoặc nhầm lẫn tiểu sử một vài vị.
 
Căn cứ vào gia phả, bia đá, sắc phong và đối chiếu trên các nguồn tư liệu, xin đưa ra danh sách tiến sĩ của làng để bổ sung.
 
Trong 25 tiến sĩ, họ Phạm có 7 vị và họ Nguyễn có 18 vị. 7 vị tiến sĩ họ Phạm như sau:
 
Phạm Thiệu: Hiệu Quế Nham, đỗ đệ nhị giáp tiến si khoa Quý Sửu (niên hiệu Mạc Cảnh Lịch 1527 – 1592), làm lễ bộ thượng thư, đi sứ rồi trí sĩ. Tước Châu Khê hầu.
 
Phạm Đình Châu: Đỗ tiến sĩ năm Ất Sửu (1685) lúc 39 tuổi, làm quan Ngự Sử.
 
Phạm Tiến: (còn có tên là Phạm Nguyễn Đạt) tự Khoa Chương, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757) lúc 29 tuổi, làm quan Hàn lâm thị độc quyền chức tham chánh Sơn Tây, rồi được thăng Đông Các Đại học sĩ. Mùa xuân Giáp Thìn (1784) được cử đi sứ triều Thanh, gặp vua Càn Long ở Nhiệt Hà.
 
Khi về được thăng Thừa chánh sứ, tước Kim Vân Bá. Năm Chiêu Thống, Đinh Mùi, được tiến hàng Tả thị lang Bộ binh. Sau nhà Lê mất, ông không ra làm quan.
 
Phạm Đình Dư: em ruột Phạm Tiến, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), lúc 34 tuổi. Ban đầu là quan Hàn lâm thị thư. Năm 1786 (Bính Ngọ), được thăng đốc trấn Lạng Sơn. Năm Ất Mùi (1787) thăng Thanh tri chính sự, Thiêm độ ngự sử tước Quỳnh Hà bá. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh nổi loạn, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông không chịu làm quan. Đến giai đoạn Lê Chiêu Thống về nước, ông được tiến chức Đồng bình Chương sự, Thượng thư Bộ lại, tri quốc tử giám, tước Quỳnh Hà hầu. Nhà Lê mất, ông ẩn dật tại quê nhà và chết.
 
Phạm Bá Thiều (còn gọi Phạm Thuật Trai) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn, giữ chức Trung nghị đại phu, Thái bộc tự khanh, xung Sứ quán toàn tu chí sĩ. Ông mất năm 1856, thọ 64 tuổi.
 
Phạm Hòa Phát: Tạo sĩ (ngành võ) khoa Quý Mùi.
 
Phạm Quĩ (còn gọi Phạm Văn Lĩnh), em con chú của Phạm Bá Thiều. Ông giữ chức Tổng đốc Bình Định, sau tham gia chống Pháp ở Sài Gòn rồi hy sinh, thi hài đem về quê an táng. Vua Thiệu Trị (1841 – 1846) rất thương tiếc phong vào hàng nhất phẩm triều đình.
 
Họ Nguyễn Kim Đôi 18 vị như sau:
 
Nguyễn Nhân Bị: đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) có chân trong Hội Tao Đàn nhị thập bát tú, chức Thượng thư Bộ binh, đi sứ một lần.
 
Nguyễn Nhân Phùng húy Bồng (còn có tên Nguyễn Trọng Ý, Nguyễn Xung Xác) đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469), có chân trong Hội Tao Đàn, sáng tác các tập thơ họa tập “Quỳnh uyển cửa ca” và “Cổ tấm bách vịnh”. Chức Hàn Lâm thị độc chưởng Viên sự, kiêm dạy học ở Cục Tri Lâm và được thăng Thượng thư Bộ Lễ.
 
Nguyễn Nhân Thiếp tự Trúc Hợp, đỗ tiến sĩ năm 1466 và khoa Hoành tử, ban đầu chức Tam giang nghi, sau làm tri huyện Đông Đô (Thăng Long) rồi thăng Thượng thư Bộ Lại.
 
Nguyễn Nhân Dư: Đỗ tiến sĩ năm 1472 chức Hiến sát sứ.
 
Nguyễn Nhân Đạc: Đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi 1475. Chức Hàn lâm kiểm thảo, Hàn lâm hiệu lý.
 
Nguyễn Tất Thông: Đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu 1481. Chức Tri huyện Lập Thạch.
 
Nguyễn Củng Thuận: Đỗ tiến sĩ năm 1496. Chức Thượng thư Bộ lại, Trung Khánh bá, Thái Bảo, quan viên phụ.
 
Nguyễn Dũng Nghĩa: Đỗ tiến sĩ năm 1493 chức giám sát ngự sử, rồi thăng Thượng thư Bộ Công.
 
Nguyễn Bá Tuân (con cụ Nguyễn Nhân Trù), đỗ tiến sĩ năm 1499, chức Hiến sát sứ tỉnh Thái Nguyên.
 
Nguyễn Đạo Diễn: Đỗ tiến sĩ năm 1496. Chức Hiến sát sứ.
 
Nguyễn Hoành Khoan: Đỗ tiến sĩ năm 1490 khi 20 tuổi.
 
Nguyễn Nhân Huân: Đỗ bảng nhãn năm 1496 khi 21 tuổi.
 
Nguyễn Nhân Kính: Đỗ tiến sĩ năm 1496 khi 18 tuổi. Chức Thượng thư Bộ Hình, đi sứ 2 lần.
 
Nguyễn Bá Tuân: (tựu Bá Truyền) đỗ tiến sĩ năm 1499. Chức Hiến sát sứ, Thượng thư tặng hàm Thiếu Bảo.
 
Nguyễn Nhân Quang (Lý Quang) đỗ năm 1508 đỗ tiến sĩ năm 1562 làm quan trung nghĩa với nhà Lê tử tiết khi chống Mạc.
 
Nguyễn Năng Nhượng: Đỗ tiến sĩ năm 1562. Chức Hữu Thị lang Bộ lại kiêm Đông Các đại học sĩ, tước Đạo Hà bá, từng làm chánh sứ sang triều Minh. Khi về làm quan Thượng thư, tước Hầu rồi mất.
 
Nguyễn Nhân Lương: Đỗ tiến sĩ năm 1556. Chức Thượng thư bộ Lại.
 
Nguyễn Quốc Quang: Đỗ tiến sĩ năm 1700. Chức Tham chánh sứ Nghệ An.
 
Hai dòng họ Phạm, Nguyễn đã tạo nên những kỳ tích cho làng Kim Đôi trên lĩnh vực thi cử. Hai dòng họ này “thông gia” với nhau thật xứng đáng. Phải chăng đó cũng là nhân tố sinh thành các thế hệ thông minh, học vấn?
 
Đáng kể là họ Nguyễn Kim Đôi: Ngay từ buổi đầu đã lừng danh 5 anh em ruột đỗ tiến sĩ và cùng làm quan một triều, giữ những trọng trách quốc gia (Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Phùng, Nguyễn Nhân Đạc, Nguyễn Nhân Dư), trong các họ ở Việt Nam không có họ nào được vẻ vang đến thế. Sự kiện trên khiến nhiều người liên hệ tới họ Đậu Yên Sơn (Trung Quốc) cũng có 5 anh em ruột đỗ tiến sĩ. Đây là trường hợp thứ hai kỳ lạ trên thế giới.
 
Nguyễn Kim Đôi là dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa khi còn trẻ tuổi. Nguyễn Nhân Thiếp đỗ tiến sĩ lúc 15 tuổi. Nguyễn Nhan Dư đỗ tiến sĩ 17 tuổi. Còn tiến sĩ tuổi 18 – 20 – 21 có hơn chục vị.
 
Nguyễn Kim Đôi cũng là họ duy nhất 13 đời liên tiếp đỗ đại khoa trong đó có 9 anh em, chú cháu cùng làm quan đại thần một triều.
 
Ngoài ra còn có hai tiến sĩ được phong Thượng đẳng thần thờ chung với thành hoàng làng và 2 người là hội viên Tao đàn (khắc vào bia Văn Miếu Thăng Long).
 
Xưa kia dân gian cho rằng: Kim Đôi khoa bảng rực rỡ bởi: “long mạch vượng”. Hai họ Phạm, Nguyễn đều dựng đền thờ hướng Tây, phía trước trông xa hơn là ngọn Tam Thai giống văn bút chấm mực xuống sông Cầu. Cổng đền họ Phạm đề “Tiến sĩ Thượng thư từ” cổng đền họ Nguyễn ghi “Khoa bảng môn” và hai câu đối:
 
“Kim Bảng thạch bi truyền vọng tộc
Hiền xa tứ mã xứng cao môn”
(Bảng vàng bia đá được lưu truyền về sau
Kiệu xe tứ mã được xứng cửa cao này)
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến công thành danh toại của các tiến sĩ là truyền thống giáo dục của gia đình, dòng họ. Điều đó có thể thấy trên tấm bia (hình trang sách hai mặt) đặt ở mộ cụ Nguyễn Lung, người sinh 5 con trai đỗ tiến sĩ, mở đầu dòng khoa bảng Nguyễn Kim Đôi. Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã khắc bia nói về sự quan tâm của các bậc phụ huynh: “Con đi học xa, áo chưa rách đã bảo người nhà may sẵn cho, sợ bị cảm lạnh mà tổn hại đến việc học. Thức ăn chưa hết đã bảo người nhà mang đến sợ bị đói mà tổn hại đến việc học. Các con cảm động vì tình nghĩa giáo huấn của cha mẹ mà dốc lòng tu chí về nghiệp học mà thành danh”.
 
Tục lệ làng xã động viên người thi cử cả về vật chất lẫn tinh thần: Kim Đôi có ruộng khuyến học giành cho người từ tiến sĩ trở lên Văn chỉ hàng huyện có quy định: Của tế và người dự tế phải có chức danh học vị. Nếu không dù quan chức gì cũng không được về đây tế:
                       
“Trúng trường quan chi đích tử
Triều quí quan chi đích tôn!”
 
Truyền thống hiếu học còn biểu hiện ở sự tôn sư trọng đạo. Làng có lệ “tết thầy” vào mồng 5/5, rằm tháng 8 và mồng 10/10 âm lịch.
 
Kim Đôi đang trên đường đổi mới. Con cháu của các tiến sĩ họ Phạm, Nguyễn vẫn nhớ nguồn gốc tổ tiên (Họ Nguyễn vốn quê Dược Sơn – Chí Linh – Hải Dương là dòng dõi Trần Hưng Đạo. Họ Phạm nguyên là họ Chúc ở Kinh Chủ Kinh Môn – Hiệp Sơn – Hải Hưng. Họ Phạm Kim Đôi là chi của cụ Liệu Khê húy Ngộ người đã đi sứ nhà Nguyễn cùng Mạc Đĩnh Chi và tham tán quân vụ cho Trần Hưng Đạo suốt 10 năm. Vì cụ Phạm Ngộ có công trong trận Bạch Đằng được vua Trần Nhân Tông phong 89 mẫu ruộng thế tộc ở Đông Lâu (Yên Phong). Không hổ thẹn với cha ông, các thế hệ đem khả năng xây dựng quê hương đất nước ở mọi lĩnh vực, trở thành giáo sư, bác sĩ, nhà hoạt động văn hóa – văn nghệ và tướng – tá trong quân đội… Đời sống làng xã ngày càng được nâng cao. Kim Đôi thực sự là một làng quê văn hiến.


Tổng hợp: ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ