Gia phả họ Phạm xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Gia phả họ Phạm xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre

GIA PHẢ HỌ PHẠM, XÃ PHƯỚC LONG, 
HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE
 
Bộ gia phả nầy của dòng họ Phạm với Anh hùng lao động, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc, do Nguyễn Hữu Trịnh,  Thông Thanh Khánh và Nguyễn Ứng hợp dựng năm 2005, nay đưa ra làm mẫu.
Bộ gia phả này có mấy ưu điểm là dựng tương đối đúng theo bố cục hợp lý chung đã hướng dẫn, cách viết nghiêm túc ngắn gọn; có phát hiện vài yếu tố mới như tìm ra mối quan hệ thân tộc giữa Phan Văn Trị với họ Phạm… Mặt khác do lúc đó chưa được hướng dẫn hoặc do truy tìm chưa tới mức, như không có phần mô tả các đặc điểm chức năng dòng họ, không có ngoại phả. 
Gia phả họ Phạm có các phần:
Lời tựa - Chính phả với phả ký, phả hệ, phả đồ  và Phụ khảo. Lúc ấy, nhóm đi dựng gia phả nhập phần ngoại phả vào phụ khảo và chỉ nêu thành mục phụ khảo
Dưới đây trích một phần của bộ gia phả họ Phạm để làm mẫu cho bạn đọc tham khảo:
Lời ngỏ

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”, những câu ca dao nói lên đạo lý của con người Việt Nam chúng ta đã lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, là những điều gần như nằm trong tiềm thức của mỗi một con người Việt Nam.
Ông tổ dòng họ Phạm chúng ta đến lập nghiệp tại xã Nhơn Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre đã hơn 150 năm nay. Các bậc tiền bối họ Phạm đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cho con cháu đời sau một tiền đồ sáng lạn hơn. Đất nước trải qua nhiều binh biến, các bậc tiền nhân và con cháu họ Phạm chúng ta cũng đã sả thân vì đại nghĩa. Tất cả những điều đó là những tấm gương sáng để con cháu học tập noi gương, tiếp tục truyền thống của gia đình và dòng họ để phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho chính bản thân mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.
Trong thời kỳ chiến tranh, họ Phạm chúng ta chưa có điều kiện để dựng bộ gia phả cho dòng tộc mình nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa những người bà con ruột thịt, để có thể cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhở con cháu về truyền thống dòng họ mình, mà nó có thể là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần quí giá trong hành trang của mỗi thành viên dòng họ trên con đường lập nghiệp.
Sau ngày giải phóng, đất nước thanh bình, trong dòng họ Phạm chúng ta có ông Phạm Minh Triều (đời V) và ông Phạm Hữu Phùng (đời V) đã có những tìm tòi, ghi chép về bà con dòng họ. Tuy nhiên đó chỉ là sự nhiệt tình đáng quí chứ chưa thể đem lại cho dòng họ một bản gia phả hoàn chỉnh.
Thời gian cứ trôi qua như không hề chờ đợi một ai, một sự việc gì, ông Phạm Hữu Phùng qua đời, ông Phạm Minh Triều thì già yếu. Thiết nghĩ rằng, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cũng cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế mà ba anh em chúng tôi (Phạm Minh Triều, Phạm Khắc và Phạm Minh Bạch) với sự đồng ý của những bậc cao niên hiện còn sống, đã nhất trí quyết tâm tìm cách xây dựng hoàn chỉnh bộ gia phả họ Phạm.
Chúng tôi đã tìm đến Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM, nơi có người bạn của Phạm Khắc là ông Võ Ngọc An - trưởng nhóm - để nhờ Nhóm giúp đỡ.
Ngày 10-4-2005, Nhóm gia phả cùng những người đại diện dòng họ đã có buổi điền dã đầu tiên về xã Phước Long và xã Nhơn Thạnh để tìm hiểu, ghi chép bà con dòng họ và nhất là để tìm hiểu vị thuỷ tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều đợt điền dã ở các xã thuộc huyện Giồng Trôm, ở Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau và một số nơi tại Tp.HCM, nay gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo.
Việc xây dựng gia phả, nhất là với những họ không có phả gốc như họ Phạm chúng ta là một việc làm hết sức khó khăn. Vì thực hiện trong một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết. Công việc xây dựng gia phả lại là công việc cần được tiến hành thường xuyên và liên tục, chúng tôi mong rằng toàn thể bà con dòng họ Phạm chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục góp sức xây dựng, bổ sung để gia phả của chúng ta ngày càng hoàn chỉnh.
Cũng qua đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con họ Phạm chúng ta trong quá trình dựng phả vừa qua.
Chào thân ái,
                                                                                  Mùa thu năm Ất Dậu, 2005
                                                                                  Các cháu đời V họ Phạm:
                                                                                    PHẠM MINH TRIỀU
                                                                                               PHẠM KHẮC
                                                                                          PHẠM MINH BẠCH

Phả ký

 Tập gia phả này ghi lại cánh bà con họ Phạm là hậu duệ của ông Phạm Văn Vân, người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cánh họ Phạm ở đây có nguồn gốc từ họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm. Tuy rằng trong phần phả hệ, cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh chưa có điều kiện đề cập đến, nhưng phần phả ký, khi tìm hiểu về phát tích của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, chúng ta không thể không đề cập đến họ Phạm ở Nhơn Thạnh.

Việc xây dựng bộ gia phả của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm có gặp những khó khăn nhất định, bởi một số lý do như: dòng họ không có gia phả gốc, thời chiến tranh bà con ly tán, mộ của những bậc thuộc các đời đầu đa số là mộ đất, không có bia, có chăng cũng chỉ là sự tôn tạo của con cháu trong những năm gần đây. Vì vậy, sự hiểu biết về tổ quán cũng như tổ phụ chỉ là những truyền ngôn, không đầy đủ, chính xác.
Việc ghi chép lại phả hệ của dòng họ chủ yếu là dựa vào ký ức của bà con hiện còn sống. Tuy nhiên việc xác định tổ quán, phát tích dòng họ, việc xác lập mối quan hệ giữa các nhóm họ Phạm có quan hệ thân tộc chủ yếu hiện sinh sống trên đất Giồng Trôm thì việc dựa vào ký ức cũng có nhiều hạn chế.
Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:
-    Xác định tổ quán và vị thủy tổ.
-    Nói lên được quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.
-    Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.
I. VỊ HỌ PHẠM CAO NHẤT Ở XÃ PHƯỚC LONG - ÔNG PHẠM VĂN VÂN
Trước hết cần nói rằng họ Phạm ở xã Phước Long và họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh cùng huyện Giồng Trôm là cùng một gốc. Bà con họ Phạm ở xã Phước Long vẫn truyền miệng nhau rằng tổ tiên của mình những ngày đầu đặt chân đến Bến Tre là tại xã Nhơn Thạnh. Song để đưa ra những yếu tố chứng minh cho điều đó thì chưa ai làm được.
Vị họ Phạm cao nhất của cánh họ Phạm xã Phước Long, cả ông và bà mộ chôn tại khu mộ của dòng họ. Nhưng cho đến lúc tiến hành dựng bộ gia phả này, con cháu cũng không biết tên, năm sinh, năm mất và hành trạng của ông bà. Mộ của ông bà mới được con cháu tôn tạo vào năm 1990. Bia trên mộ của ông, bà được ghi bằng chữ Việt là: “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư” và “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”, ngoài ra không có thêm những thông tin gì khác.
Tuy nhiên, trong quá trình dựng bộ gia phả này, nhóm thực hiện đã xác định được tên của ông bà và năm sanh của ông, qua tham khảo một số tư liệu tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre như sau:
-    Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 368 có nói rằng, đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Thị Phải.
-    Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 372 có nói rằng đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Văn Dư.
Ông Phạm Văn Dư như chúng ta đã biết, đó là ông nội của ông Phạm Khắc (người đứng ra xúc tiến thực hiện dựng bộ gia phả này). Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng “cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, tức vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long như đã nói ở trên là ông Phạm Văn Vân.
Qua hai bản tương phân ruộng đất nói trên còn cho chúng ta biết ông Phạm Văn Dư còn có một người em gái, hoặc chị gái là Phạm Thị Phải. Đây là nhân vật mà chúng ta không nghe bà con dòng họ nói đến, khi đề cập về những người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long.
Trong sáu người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long thì: người thứ hai không biết tên, người thứ tư cũng không biết tên (bà Ba Vít - đời V - nói rằng theo bà biết thì đó là một người con gái). Cả hai người này cho đến nay chưa tìm thấy hậu duệ của họ. Vì vậy, cũng có thể bà Phạm Thị Phải là một trong hai người này. Đó cũng là vấn đề đặt ra để con cháu trong dòng họ nếu có điều kiện sẽ tiếp tục làm rõ thêm.
Cũng tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre, trong hồ sơ tương phân ruộng đất, tổ thực hiện gia phả lại tìm được một bản khai sanh của bà Phạm Thị Phải.
Tờ giấy khai sinh của bà Phạm Thị Ngự (Phải)

Chính xác là khai sanh của bà Phạm Thị Ngự, tên thường gọi là Phải (tiếng Pháp ghi là dite Phải) trong đó ghi tên cha là Phạm Văn Vân (trùng khớp với giấy tương phân ruộng đất số 368 nói ở trên). Trong giấy khai sanh này còn có tên mẹ là Võ Thị Đừng, trong bản khai sanh cũng khai đây là “vợ chánh”. Vậy bà chánh thất của vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long là bà Võ Thị Đừng.
Điều quan trọng hơn là qua giấy khai sanh này chúng ta tìm ra được năm sanh của ông Phạm Văn Vân. Khai sanh ghi năm sanh của bà Phạm Thị Ngự là 1892. Phần tuổi của cha (tức ông Phạm Văn Vân) ghi là 44 tuổi.
Năm 1892, ông Vân 44 tuổi, vì vậy ta có thể xác định năm sanh của ông Phạm Văn Vân là 1848.
Như vậy đối với vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long đã được xác định danh tánh, tuổi tác, cùng danh tánh của bà chánh thất. Đó là những dữ liệu quý giá để chúng ta có cơ sở cho những lý giải xa hơn về nguồn gốc của dòng họ
Điều cần nói thêm rằng, trong giai đoạn hiện nay, ở tỉnh Bến Tre đang có những vấn đề phức tạp về đất đai, ruộng vườn. Nên chủ trương chung của tỉnh là tạm thời không cho phép sao lục các giấy tờ liên quan đến đất đai ở các cơ quan quản lý lĩnh vực này. Vì vậy tổ thực hiện gia phả không thể photocopy các bản tương phân ruộng đất kể trên để làm cứ liệu.

II. ÔNG PHẠM VĂN VÂN - CON CỦA VỊ THỦY TỔ HỌ PHẠM Ở XÃ NHƠN THẠNH

Ngày 10-4-2005, tổ thực hiện gia phả họ Phạm của Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Tp.HCM đã cùng đại diện dòng họ Phạm cánh ở Phước Long (gồm có ông Phạm Khắc và ông Phạm Minh Bạch) đã có chuyến đi đến xã Nhơn Thạnh gặp bà con ở đây để tìm hiểu về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ mình.
Ở xã Nhơn Thạnh, đoàn đã gặp một số bà con họ Phạm thuộc cánh trực hệ của ông Phạm Văn Hậu (đời II). Trong đó có ông Phạm Hoàng Minh (đời VI, con của ông Phạm Trường Cửu, ông Minh gọi ông Phạm Văn Hậu là ông sơ). Ông Minh hiện nay là người chăm sóc các ngôi mộ tổ tiên họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh. Ở khu vườn trước nhà ông Minh có khá nhiều mộ, đáng chú ý nhất là 4 chiếc mộ đất. Trong đó có hai ngôi mộ ông Minh gọi bằng sơ (mộ ông bà Phạm Văn Hậu) và hai mộ ông Minh gọi là mộ tổ tiên (ông bà thân sinh của ông Phạm Văn Hậu).
Trong vai vế quan hệ thân tộc, ông Minh (đời VI) gọi ông Phạm Khắc (đời V), bằng bác. Như vậy ông cố của ông Phạm Khắc (tức ông Phạm Văn Vân - đời II) và ông sơ của ông Phạm Hoàng Minh (tức ông Phạm Văn Hậu, đời II) là quan hệ anh em. Ông Phạm Khắc là bác của ông Minh (tức cánh họ Phạm ở Phước Long là vai anh của cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh) vì vậy ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) là anh của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh).
Tuy nhiên ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu có phải là anh em ruột hay không? Điều này liên quan đến việc lý giải thuyết phục hay không rằng cha mẹ của ông Phạm Văn Hậu (mộ chôn tại Nhơn Thạnh, trước mặt nhà ông Phạm Hoàng Minh) cũng chính là cha mẹ của ông Phạm Văn Vân. Đó cũng là lời giải cho quá trình đi tìm vị thủy tổ của họ Phạm ở xã Phước Long. Chúng ta hãy xét đến hai điều cần lưu ý sau đây:
-          Thứ nhất, cả hai bên (Phước Long và Nhơn Thạnh) đều nói tổ tiên của mình từ ngoài Trung vào Bến Tre bằng phương tiện ghe bầu. Và những người ở cánh Phước Long như bà Ba Vít (đời V), ông Phạm Khắc (đời V)… đều nói rằng gốc gác của vị tổ mình là từ xã Nhơn Thạnh và trên thực tế hai cánh này vẫn nhận là có bà con với nhau, vai vế như hiện nay là do những bậc tiền bối lưu truyền lại, mà ngày nay con cháu cả hai bên không thể giải thích có ngọn ngành được.
-          Thứ hai, ông Phạm Hoàng Minh (con ông Phạm Trường Cửu), bà Phạm Thu Hà (con ông Phạm Thiên Tứ - đời V) thuộc cánh họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh nói rằng họ được cha mẹ, ông bà lúc còn sống kể rằng tổ tiên đến Nhơn Thạnh lập nghiệp với tài sản là một đôi quang gánh. Đôi quang gánh đó sau này được xem như một vật lưu niệm của vị thủy tổ dòng họ Phạm và nó được lưu lại tại nhà của một hậu duệ họ Phạm bên xã Phước Long là ông Cò Nguyện. 
Ông Phạm Minh Bạch (Chín Chiến) thuộc cánh họ Phạm ở Phước Long, hiện nay sống ở thị xã Bến Tre đã tìm hiểu và xác định rằng: ông Cò Nguyện chính là ông Phạm Văn Nguyện (cháu nội đích tôn của ông Phạm Văn Vân - vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long), ông tên Nguyện, ốm, cao và lưng cong như dáng con cò nên mọi người gọi thân mật là Cò Nguyện.
Kỷ vật này chắc chắn ông Cò Nguyện được “thừa kế” từ người ông nội Phạm Văn Vân. Và chúng ta có thể suy luận rằng, trong lúc vị thủy tổ họ Phạm ở Nhơn Thạnh đang có người con ruột là Phạm Văn Hậu với rất nhiều con cháu nối dõi tông đường, kỷ vật của ông tổ chỉ có thể trao cho ông Phạm Văn Vân ở Phước Long với điều kiện ông Phạm Văn Vân là con ruột của vị thủy tổ. Đó là lẽ thường tình phù hợp với tập tục, truyền thống của các dòng họ Việt Nam. Hơn nữa cánh họ Phạm ở Phước Long với vai vế là con trưởng của gia đình.
Như vậy chúng ta có thể kết luận ông Phạm Văn Vân là con của vị thủy tổ họ Phạm có mộ chôn tại xã Nhơn Thạnh hiện nay - người mà theo truyền ngôn của bà con dòng họ từ miền Trung vào lập nghiệp với tài sản ban đầu là một đôi quang gánh. Và như vậy, ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) cũng chính là người anh ruột của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh). 

III. PHÁT TÍCH CỦA DÒNG HỌ

Vị thuỷ tổ đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ lúc nào? Ông bà từ đâu đến? Sinh sống bằng nghề gì? Đây là những câu hỏi lớn cần được làm rõ trong mức độ có thể để hiểu thêm về vị thuỷ tổ và tổ quán của dòng họ Phạm.
Từ những tư liệu điền dã và một số tư liệu khảo cứu chúng ta có thể nói như sau:
Như phần trên đã nói, ông Phạm Văn Vân được xác định là sinh năm 1848, như vậy cha của ông Phạm Văn Vân (tức vị thủy tổ họ Phạm) sinh khoảng năm 1823 (nếu chúng ta giả định mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, lấy 1848 – 25 = 1823). Nhưng theo truyền ngôn của những người trong dòng họ, thì “ông bà” vào đây bằng phương tiện ghe bầu. Yếu tố “ông bà” cho chúng ta biết trước lúc vào đây ông đã có vợ và đi cùng với vợ. Nếu ước định tuổi lấy vợ ít nhất là 18 tuổi, và sau khi cưới vợ thì đi vào Nam, thì ông bà đặt chân đến Nhơn Thạnh sớm nhất là năm 1841 (lấy 1823 + 18 = 1841). Như vậy, theo những giả định trên thì vị thủy tổ của họ Phạm đến Bến Tre này trong khoảng thời gian của niên đại vua Thiệu Trị (1841-1847) triều nhà Nguyễn.
Như chúng ta đã biết, từ đầu thế kỷ 19, con đường Thiên lý từ Huế vào Gia Định đã được khai thông. Nhưng đường đi còn lắm hiểm trở, với nhiều thú dữ, rừng thiêng nước độc và nhất là quân cướp dọc đường. Vì vậy, những người di cư thường chọn phương án an toàn là đi đường biển bằng ghe bầu. Những người đi đường biển để đến Bến Tre thường bằng hai con đường: Con đường thứ nhất là đến Đồng Nai, Bến Nghé, Tân Bình rồi sau đó đi tiếp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Con đường thứ hai là đi thẳng vào cửa Tiểu, cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên rồi ngược dòng vào sâu trong đất liền định cư trên những giồng, gò cao. Trong những cửa sông đó thì cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên là thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.
Con cháu trong dòng họ, cả cánh ở Nhơn Thạnh  lẫn cánh ở Phước Long nói rằng tổ tiên mình đã từ ngoài Trung vào bằng ghe bầu. Điều đó phù hợp hoàn toàn với thời điểm và phương cách mà người miền Trung chuyển cư đến lập nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như lịch sử đã ghi nhận.
Ngày nay, con cháu không biết rõ ông bà quê quán ở tỉnh nào trước khi di cư vào đây. Nhưng theo Địa chí Bến Tre thì trong thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 thì “nhìn chung các đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu là dân vùng Ngũ Quảng”. Vì vậy chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng thuỷ tổ của họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh và xã Phước Long là người của vùng đất Ngũ Quảng (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi), đến đất Bến Tre theo trào lưu di dân vào nửa đầu thế kỷ 19.

IV. HỌ PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ VÀ DỰNG XÂY QUÊ HƯƠNG

1. Sự phát triển về số lượng
Ông thuỷ tổ họ Phạm đặt chân đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm làm ăn và sinh sống ở đó. Con cháu và mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây đã chứng minh điều này. Nhưng qua đời thứ II, người con là Phạm Văn Vân đã đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Gồng Trôm. Sinh con cháu nối nghiệp cho đến nay là đời thứ VII.
Ông Phạm Văn Vân, vị tổ của họ Phạm ở xã Phước Long có 6 người con như sau:
-          Thứ hai : không rõ
-          Thứ ba  : Phạm Văn Lại
-          Thứ tư  : không rõ
-          Thứ năm: Phạm Văn Mùa
-          Thứ sáu: Phạm Văn Dư
      -     Thứ bảy: Phạm Thị Giác
Đời III họ Phạm có ba người trai nối dõi đã sinh ra con cháu đông đúc. Ông ba Phạm Văn Lại có 8 người con (trong đó có 6 người là trai - một người chết nhỏ). Con cháu ông Phạm Văn Lại sống tập trung ở xã Thạnh Phú Đông.
Ông năm Phạm Văn Mùa tham gia hoạt động cách mạng, lúc bà vợ qua đời cũng là lúc phong trào cách mạng ở Bến Tre bị Pháp truy bức gắt gao. Những chiến sĩ cách mạng phải chuyển về Cà Mau hoạt động, ông dắt các con về lập nghiệp tại vùng Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nhưng lúc về già bệnh tật, ông lại quay về Phước Long ở với người cháu Phạm Văn Tường (con người em thứ sáu Phạm Văn Dư) và chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mộ ông bà hiện chôn tại xã Phước Long. Ông có 8 người con trong đó có hai người con trai. Tất cả những người con của ông đều sinh sống ở tỉnh Cà Mau, sinh con cháu và tạo nên một cánh họ Phạm đông đúc ở Cà Mau.
Ông sáu Phạm Văn Dư thì ở lại tại Phước Long, con cháu chủ yếu sống tập trung tại đây. Ở Phước Long có một khu mộ thuộc đất nhà của dòng họ tập trung khoảng hơn 20 mộ phần, trong đó có mộ ông bà Phạm Văn Vân (đời II) và mộ ông bà Phạm Văn Dư (đời III). Ông Phạm Văn Dư có mười người con, trừ người con út chết nhỏ lúc 11 tuổi, trong 9 người còn lại thì có đến 8 người là trai.
Bà Phạm Thị Giác lấy chồng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Long. Bà Giác có người cháu ngoại là Trần Thị Ngôn và bà Trần Thị Ngôn là mẹ của ông Lê Huỳnh (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre).
Đời III của họ Phạm sinh ra rất nhiều con cái, nuôi dưỡng lớn khôn và trưởng thành nên người để tạo nên một đời IV thật đông đúc, là bước phát triển về số lượng đáng kể đối với dòng họ Phạm.

2. Truyền thống cách mạng

Đời IV họ Phạm trưởng thành vào giữa đầu thế kỷ 20. Một số người đã tham gia hoạt động cách mạng giai đoạn trước khi thành lập Đảng như: ông Phạm Văn Chương tham gia hoạt động cách mạng rồi bị bắt giam tù ở Tà Lài. Ông Phạm Văn Vu bị bắt đày đi Bà Rá (1935-1938). Đặc biệt có ông Phạm Hữu Vi (Mười Vi) hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Ông bị bắt đày đi Tà Lài, rồi Bà Rá. Những năm mới thành lập Đảng ông là cán bộ xây dựng cơ sở Đảng ở xã Nhơn Thạnh - tổ quán của mình. Ông là một trong những cán bộ có nhiều đóng góp cho sự phát triển lực lượng Đảng ở Bến Tre, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bến Tre năm 1945 và là phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1948.
Với sự tham gia cách mạng từ những ngày đầu của những người thuộc đời IV, con cháu đời V họ Phạm tiếp tục đi theo lý tưởng của cha, chú, bác của mình, tiếp tục tham gia cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gần như toàn bộ họ Phạm ở Phước Long, gia đình nào cũng có người tham gia cách mạng. Điển hình là cánh ông Phạm Văn Dư, tất cả các gia đình đều có con tham gia kháng chiến. Trong cánh ông Phạm Văn Dư, điển hình nhất là gia đình ông Phạm Văn Tịnh (đời IV), ông có 8 người con, cả 8 người đều tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cả 8 người  này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có một người là liệt sĩ, một người là Anh hùng lao động.
Trong kháng chiến chống Mỹ có một số người đi du học ở nước ngoài. Trong quá khứ và hiện nay dòng họ có rất nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, có một số người giữ những trọng trách trong xã hội như ông Phạm Minh Triều (đời V) từng giữ các chức vụ: Tham tán chính trị Sứ quán Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tại Ba Lan, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre...
Ông Phạm Tấn Phước (Phạm Khắc, đời V), Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Đài Truyền hình TPHCM.
Ông Phạm Minh Quang (đời V), hiện là giám đốc bưu điện tỉnh Cà Mau v.v...

3. Đặc điểm của dòng họ

      1. Đặc điểm lớn nhất của dòng họ Phạm đó là có tinh thần cách mạng triệt để, nổi bậc nhất là hậu duệ đời IV và đời V qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần như tuyệt đại bộ phận không tham gia chính quyền Sài Gòn. Từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, những thế hệ con cháu họ Phạm tiếp tục truyền thống cha ông, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
      2. Ngày nay, do điều kiện sinh sống, con cháu họ Phạm một số sinh sống ở quê nhà huyện Giồng Trôm, nhưng cũng có một số khá lớn ở xa quê hương. Tuy vậy, tinh thần hướng về quê hương, ý thức về dòng họ, tình cảm thân thiện giữa những người cùng huyết thống rất cao. Điều đó được nhìn thấy qua những chuyến điền dã của nhóm thực hiện gia phả đến các xã Phước Long, Thạnh Phú Đông, Nhơn Thạnh, ở tỉnh Cà Mau và một số nơi tại TPHCM. Bà con hồ hởi, đối xử thân tình khi gặp nhau, nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện giúp đỡ nhóm thực hiện gia phả, với mong muốn hoàn thành thật tốt bộ gia phả và xem đó như là bảo vật của dòng họ.
3. Truyền thống cần cù lao động, học tập và ý chí vươn lên trong cuộc sống cũng là một trong những đặc điểm lớn của dòng họ Phạm. Như chúng ta đã biết, vị thủy tổ của họ Phạm là dân vùng Ngũ Quảng, đến mảnh đất Bến Tre lập nghiệp với hai bàn tay trắng, phương tiện và tài sản sinh sống ban đầu chỉ là một đôi quang gánh. Nhưng các vị tiền nhân của họ Phạm đã khắc phục những khó khăn của cuộc sống, lao động cần cù, tạo được ruộng vườn, tuy không phải là những người giàu có, địa chủ, nhưng cũng có một số đất đai kha khá làm tài sản thừa kế cho con cháu sinh sống, nuôi dạy con cái nên người. Những hậu duệ của họ Phạm là những người cách mạng đấu tranh cho lý tưởng cao cả của xã hội. Có một số người vươn lên nổi bậc trong những trào lưu cách mạng và nắm giữ những trọng trách của xã hội, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà vị thủy tổ đã chọn làm quê hương thứ hai cho mình.
4. Nhìn chung họ Phạm cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền nhân là những nông dân chất phát, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, đã rời mảnh đất miền Trung khô cằn để tìm đến miền Nam ruộng đồng phì nhiêu lập nghiệp. Cũng chính vì vậy mà các vị tiền nhân đã đồng cảm và dễ dàng đến với cách mạng, tham gia cách mạng để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và cho chính bản thân mình. Tuy trên thực tế có một số người sau này trở thành những cán bộ cao cấp, nhưng họ vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Và nhìn chung dòng họ Phạm cơ bản vẫn là một dòng họ nông dân, đa số sống với nghề ruộng vườn, cũng có một số buôn bán, kinh doanh nhưng không có ai giàu có với tài sản kếch sù hoặc trở thành những ông chủ kinh doanh lớn.
Cho đến ngày nay, nhiều thế hệ con cháu họ Phạm đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho quê hương Bến Tre nói riêng và đất nước nói chung. Thế hệ con cháu hiện nay vẫn tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước.
Việc dòng họ chủ trương dựng bộ gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.
Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ, hy vọng sẽ giúp họ vượt qua những gian nan của cuộc sống để tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.

Phả hệ
 
ĐỜI I

ÔNG BÀ TỔ HỌ PHẠM 

Hai mộ đất của ông, bà tổ họ Phạm tại xã Nhơn Thạnh

Cho đến nay, chưa ai biết ông bà tên gì, theo những khảo sát trong phần phả ký, chỉ biết rằng ông bà di cư vào xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào khoảng thời gian của triều đại Thiệu Trị nhà Nguyễn. Không biết rõ ông bà có bao nhiêu người con, nhưng có hai người con trai sinh ra hậu duệ lưu truyền đến nay đó là ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu.
Ông Phạm Văn Vân xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất thuộc xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Còn ông Phạm Văn Hậu ở lại xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, nơi mà vị Tổ họ Phạm đặt chân đến trong quá trình di cư từ miền Trung vào.
Mộ của ông bà tổ là hai chiếc mộ đất trước nhà ông Phạm Hoàng Minh thuộc cánh ông Phạm Văn Hậu hiện ở xã Nhơn Thạnh.
Năm sinh, năm mất của ông bà không ai còn nhớ, hiện nay ngày giỗ tưởng niệm ông bà Tổ được tổ chức ở Nhơn Thạnh vào 19 tháng 12 âm lịch hằng năm, đó cũng là ngày tảo mộ của họ Phạm cánh xã Nhơn Thạnh.
Như vậy ông tổ họ Phạm có hai người con sinh con cháu đông đúc tạo thành họ Phạm ở hai xã Nhơn Thạnh và Phước Long của huyện Giồng Trôm. Do điều kiện chưa cho phép, phả hệ của gia phả này chỉ đề cập đến con cháu từ đời II của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, tức hậu duệ của ông Phạm Văn Vân - một trong hai người con trai của vị tổ họ Phạm có tổ quán ở xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

ĐỜI II

ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ BÀ VÕ THỊ ĐỪNG
Mộ ông Phạm Văn Vân
Mộ bà Võ Thị Đừng
     Cho đến thời điểm tiến hành dựng bộ gia phả này (tháng 4-2005), con cháu vẫn chưa biết tên của ông bà.Mộ của ông bà hiện tọa lạc ở đồng mả của dòng họ ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, mộ được tôn tạo lại bằng xi-măng vào năm 1990. Trên bia mộ của ông chỉ ghi là “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, trên mộ bà ghi “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”.
Qua khảo cứu một số tư liệu chúng ta biết được rằng ông tên là Phạm Văn Vân, sinh năm 1848 và bà là Võ Thị Đừng (xem phần phả ký).
Cha mẹ cùng người em trai ở lại xã Nhơn Thạnh, nhưng ông lại sang sinh cơ lập nghiệp ở xã Phước Long và sinh con cháu tạo nên cánh họ Phạm đông đúc tại đây.
Giỗ ông ngày …………………, giỗ bà ngày ……………
Ông bà có 6 người con như sau:
-    Thứ hai  : chết nhỏ
-    Thứ ba    : Phạm Văn Lại
-    Thứ tư     : Phạm Thị ...
-    Thứ năm : Phạm Văn Mùa
-    Thứ sáu   : Phạm Văn Dư
-    Thứ bảy   : Phạm Thị Giác

ĐỜI III

CÁC CON CỦA ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ
BÀ VÕ THỊ ĐỪNG

2. CHẾT NHỎ


3. PHẠM VĂN LẠI
Giỗ: 15/12 âm lịch
Mộ: ấp 4 Thạnh Phú Đông
Giỗ 4/3 âm lịch
Mộ: song hồn
     
 
Mộ ông bà Phạm Văn Lại

Ông Phạm Văn Lại là con thứ ba của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ngày xưa ông bà ở tại Cây Dầu, ấp 4 xã Thạnh Phú Đông, cả hai ông bà làm vườn. Giỗ ông ngày nay do người cháu cố Phạm Văn Phết (con ông Phạm Văn Tây, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) lo liệu, còn giỗ bà do người cháu cố Phạm Văn Mi (con ông Phạm Văn Tháng, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) giỗ.
   Các con là:
-    Thứ hai      : Phạm Văn Sách
-    Thứ ba        : Phạm Văn Sử
-    Thứ tư        : Phạm Văn Chữ
-    Thứ năm    : Phạm Thị Đề
-    Thứ sáu     : Phạm Văn Ngân (chết nhỏ)
-    Thứ bảy     : Phạm Thị Nga
-    Thứ tám     : Phạm Văn Đậu
-    Thứ  chín   : Phạm Thị Sương

4. PHẠM THỊ …


Theo lời bà Ba Vít, một trong những người lớn tuổi nhất hiện nay của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, bà nói rằng người con thứ tư của ông Phạm Văn Vân là một người con gái, có chồng con, nhưng hiện nay không biết rõ con cháu.

5. PHẠM VĂN MÙA
(1859-1939)
Giỗ: 9-9 âm lịch
Mộ: xã Phước Long

ĐOÀN THỊ MÓT
(1861-1920)
Giỗ 14-3 âm lịch
Mộ: xã Phước Long



Mộ ông Phạm Văn Mùa

Mộ bà Đoàn Thị Mót
      Ông là con thứ năm của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ông sinh trưởng tại Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre. Lớn lên ông được cha mẹ phân chia cho ruộng đất để sản xuất nhưng vì vợ ông là bà Đoàn Thị Mót mất sớm để lại đàn con côi cút.
      Vào năm 1923 ông đã đưa các người con tìm xuống vùng Cà Mau vừa để tránh giặc Pháp cũng vừa tìm đất khẩn hoang ở Đầm Dơi, Cà Mau. Có thể xem ông là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá vùng đất mới này. Khi công cuộc khẩn hoang ổn định, vì tuổi già sức yếu và cũng vì nỗi nhớ cố hương trỗi dậy sau hàng chục năm xa cách nên ông quyết định quay trở về Bến Tre sinh sống tại nhà người cháu là ông Phạm Văn Tường cho đến lúc qua đời mà vẫn không gặp mặt được con cháu.
      Vì điều kiện đi lại lúc đó rất khó khăn nên những người con của ông tại Cà Mau cũng không thể nào gặp mặt được người cha thân yêu của mình trước khi nhắm mắt.
Mộ của ông và bà hiện an táng tại khu mộ gia đình ở xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre.    
Ông bà sinh được 9 người con gồm:
-    Thứ hai    : không rõ tên vì chết nhỏ.
-    Thứ ba      : Phạm Thị Son.
-    Thứ tư      : Phạm Văn Giám.
-    Thứ năm  : Phạm Thị Thắm.
-    Thứ sáu   : Phạm Thị Ẩn.
-    Thứ bảy   : Phạm Thị Diệu.
-    Thứ tám   : Phạm Thị Hoài.
-    Thứ chín  : Phạm Văn Cang.
-    Thứ mười : Phạm Văn Kinh.

                                                    
6. PHẠM VĂN DƯ
(1863-1915)
Mất: 4-4 âm lịch
Mộ: xã Phước Long
PHAN THỊ DIỀM
(1865-1951)
Mất: 2-2 âm lịch
Mộ: xã Phước Long



Bà Phan Thị Diềm

Thuở sinh thời ông bà có làm ruộng vườn, tạo được một số đất ruộng ở Cái Mít, Thạnh Phú Đông và đất vườn ở làng Phước Mỹ dọc theo sông Thủ Cửu, như một trung nông cần cù lao động.
Ông qua đời để lại cho bà 9 người con còn thơ dại, bà là cháu gái của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị
                                             (xem thêm bài Mối quan hệ thân tộc Phan Văn Trị nhìn từ gia phả họ Phạm… ở phần phụ khảo).
Phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước của tiền nhân, bà đã một mình nuôi dạy các con khôn lớn và hướng các con mình vào con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những người con của ông bà đã tham gia phong trào đấu tranh cách mạng trong đó có những người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở Đảng trong những năm 30 như ông Phạm Hữu Vi, Phạm Văn Nguyện…
Trong những ngày tản cư, năm 1951 bà qua đời tại Bình Khánh, Mỏ Cày, Bến Tre.
Ông bà có 10 người con là:
-    Thứ hai    : Phạm Văn Nguyện
-    Thứ ba      : Phạm Văn Chương
-    Thứ tư      : Phạm Thị Kiềm
-    Thứ năm : Phạm Văn Tường
-    Thứ sáu   : Phạm Văn Tỷ
-    Thứ bảy   : Phạm Văn Nguyên
-    Thứ tám   : Phạm Văn Tịnh
-    Thứ chín  : Phạm Văn Vu
-    Thứ mười: Phạm Hữu Vi
-    Thứ mười một: chết nhỏ


Mộ ông Phạm Văn Dư

Mộ bà Phan Thị Diềm


7. PHẠM THỊ GIÁC
Giỗ: 16-4 âm lịch
Mộ: Thạnh Phú Đông
LÊ VĂN HUỆ
Giỗ 12-4 âm lịch
Mộ: Thạnh Phú Đông

      Bà Phạm Thị  Giác là con út của ông Phạm Văn Vân, chồng bà là ông Lê Văn Huệ, quê ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Long, ông làm ruộng và bà nội trợ. Bà Phạm Thị Giác có người cháu ngoại là Trần Thị Ngôn - mẹ của ông Lê Huỳnh, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
      Ông bà có 5 người con là:
-    Thứ hai    : Lê Thị Hoa
-    Thứ ba      : Lê Văn Tôn (chết nhỏ)
-    Thứ tư      : Lê Văn Hưng
-    Thứ năm : Lê Thị Thêm
-    Thứ sáu   : Lê Thị Của

(Phần Phả hệ này chỉ trích dẫn đến đời III)

 Phụ khảo 

MỒ MẢ VÀ VIỆC CÚNG GIỖ
Mỗi tộc họ thông thường có một đồng mả riêng để an táng những người trong dòng họ mình, hoặc an táng tập trung trong đồng mả làng, xã... Nhưng với họ Phạm (họ Phạm thuộc cánh ông Phạm Văn Vân ở xã Phước Long), có lẽ do điều kiện khách quan mà mồ mả của dòng họ không được an táng tập trung.
Ông Phạm Văn Vân (đời II) được xem là vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long, ông có ba người con trai sinh ra nhiều hậu duệ lưu truyền cho đến ngày hôm nay là: ông ba Phạm Văn Lại, ông năm Phạm Văn Mùa và ông sáu Phạm Văn Dư.
Ngoại trừ khu mả tại ấp 6 xã Phước Long, huyện Giồng Trôm tập trung khoảng hơn 20 ngôi mộ, (mà chủ yếu là của con cháu trong cánh ông Phạm Văn Dư). Còn lại đa số mồ mả được chôn trong đất vườn nhà. Con cháu cánh ông ba Phạm Văn Lại hiện nay chủ yếu sống tại xã Thạnh Phú Đông, còn con cháu ông năm Phạm Văn Mùa sống chủ yếu tại Cà Mau. Qua những chuyến điền dã, chúng ta thấy rằng mồ mả của những người quá vãng của hai cánh này được chôn chủ yếu cũng tại đất vườn nhà. Có lẽ chính vì thế mà hằng năm không có ngày dẫy mả chung của dòng họ.
Mồ mả của những vị tổ cũng còn rất sơ sài. Mộ của ông bà tổ họ Phạm và mộ của ông bà Phạm Văn Hậu (đời II) ở xã Nhơn Thạnh, rồi mộ ông bà Phạm Văn Lại (đời III) ở xã Thạnh Phú Đông vẫn còn là những chiếc mộ đất bé nhỏ thật khiêm tốn.
Việc cúng giỗ hiện nay cũng chỉ dừng lại ở phạm vi cúng “ông bà”, cánh nào cúng riêng cánh đó, không có ngày giỗ tổ qui tụ con cháu để ôn lại lịch sử của dòng họ, để con cháu có dịp gặp và biết nhau và để thắt chặt hơn nữa tình cảm ruột thịt.
Giữa cánh họ Phạm của ông Phạm Văn Hậu (đời II) ở xã Nhơn Thạnh và cánh họ Phạm của ông Phạm Văn Vân (đời II) ở xã Phước Long trước đây thời ông Năm Tòng, Năm Bá thuộc cánh họ Phạm xã Nhơn thạnh có qua dự đám giỗ của ông Phạm Văn Dư (đời III) ở Phước Long, từ khi hai người này qua đời thì cánh Nhơn Thạnh cũng không có ai qua.
      Trong quá trình dựng phả cũng đã tìm ra được họ tên của vị họ Phạm cao nhất ở Phước Long là ông Phạm Văn Vân, sinh năm 1848, cùng với họ tên của người chánh thất là bà Võ Thị Đừng. Thiết nghĩ con cháu cũng cần sửa chữa lại mộ bia, vì hiện nay trên mộ bia của ông bà chỉ ghi là “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư” và “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”.
Việc hoàn thành bộ gia phả họ Phạm có thể xem là thành công bước đầu của dòng họ trong việc “ôn cố, tri tân”, song để có một nơi, một dịp cho con cháu về hội tụ hằng năm hoặc để con cháu ở xa viếng thăm nhằm nhớ lại gốc gác của mình mỗi lần về quê nhà, việc xây dựng nhà thờ của dòng họ và tổ chức lễ giỗ tổ hằng năm là việc làm rất thiết thực mà dòng họ cần quan tâm hơn nữa trong tương lai.

NHỮNG CÂU CHUYỆN CHƯA BIẾT VỀ ÔNG PHẠM VĂN MÙA
Vấn đề về ông Phạm Văn Mùa (bà con thường gọi là ông Năm Cà Mau), được xem là một câu chuyện lý thú sau sự kiện phát hiện ra mối liên hệ thông gia giữa họ Phạm và họ Phan, mà kết quả là cử nhân Phan Văn Trị có người cháu gái làm dâu họ Phạm.
Theo câu chuyện truyền miệng của những người lớn tuổi trong dòng họ, ông Năm Cà Mau rời bỏ quê hương về khai khẩn vùng đất mới tại Cà Mau là do yếu tố nghèo khó. Tuy  nhiên trong quá trình sưu tra các tài liệu, những chuyến điền dã để dựng phả chúng tôi đã phát hiện ra rằng sự kiện của ông Năm Cà Mau trái hẳn với những gì mà chúng ta hiểu. Chúng tôi xin chép ra những sự kiện sau đây hầu để minh định cho một con người vốn mang nặng tinh thần yêu nước, bất khuất kiên trung của người dân xứ dừa trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.
1.       Tham gia hội kín tại Phước Long
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, từ những năm khởi đầu của công cuộc chống Pháp. Ông vốn đã ảnh hưởng cái dư âm của cao trào chống Pháp mà căn cứ địa đặt ngay tại quê hương của mình như cuộc khởi nghĩa của Lãnh Binh Thăng, Tán Kế, cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm. Ông  đã tham gia vào hoạt động của Thiên Địa Hội do Lê Văn Khanh (Tư Khanh) thành lập vào tháng 02/1916. Ông là hạt nhân chính trong việc phát triển hội kín này trong các xã Châu Hoà, Bình Chánh, Phước Long, Tân Thanh, Tân Hào.
Trong cuộc nổi dậy tấn công vào làng Tân Phú Tây, tổng Minh Thiện, huyện Mõ Cày vào trước ngày Tết Nguyên đán năm 1916, do Nguyễn Văn Đáng lãnh đạo dưới sự chỉ đạo và điều phối chi viện lực lượng từ Phước Long do ông Phạm Văn Mùa lãnh đạo. Tài liệu ghi chép về hoạt động Thiên Địa Hội tại Bến Tre được lưu giữ tại chùa Minh Sư  ở Lương Hoà ghi chép rất rõ ràng về sự kiện nêu trên trong đó xác định ông Phạm Văn Mùa được sự uỷ quyền của lãnh đạo Hội đã trực tiếp chỉ đạo cho Nguyễn Văn Đáng tổ chức cuộc tấn công trên.
Một tài liệu khác viết bằng tiếng Pháp nói về cuộc nổi dậy này là tài liệu Monographie de la province de Ben Tre, 1930 đã ghi chép tên ông như là một người lãnh đạo cao cấp của hội kín Thiên Địa Hội tại Phước Long dựa vào lời khai của Nguyễn Văn Đáng. Phong trào Thiên Địa Hội hoạt động rộng khắp sau sự kiện này và đã thu hút rất nhiều nông dân tham gia hưởng ứng khiến cho bọn thực dân Pháp hết sức lo lắng.
Tại các tỉnh Nam kỳ ngoài số tuần canh địa phương, vào năm 1923, chính quyền thuộc địa phải thành lập đến hai mươi chín đội cảnh sát lưu động, mỗi đội gồm một thanh tra Pháp và nhiều tay chân người Việt. Những đội cảnh sát lưu động này lùng sục khắp nơi trong hầu hết các tỉnh. Tuy thế, chính quyền thực dân vẫn không thiết lập được sự ổn định như chúng mong muốn.
Ông Phạm Văn Mùa là một trong những người mà chính quyền thực dân tìm cách bắt bớ giam cầm. Nhưng sự kiện vợ ông mất vào năm 1920 sau những năm cư tang và trước sự đàn áp của Pháp, năm 1923, ông  đã đưa các con rời quê hương xuôi thuyền về vùng  tận cùng của đất nước là mũi Cà Mau vừa khai  khẩn đất đai vừa tìm cách trốn tránh sự tuy nã của bọn thực dân Pháp. Và cũng tại vùng đất Cà Mau này, tên ông lại được ghi chép không phải là người lãnh đạo kháng Pháp mà là người có công đầu trong việc khai khẩn vùng đất mới Đầm Dơi.
2.       Người khai khẩn vùng đất Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau
Theo địa phương chí do quan tham biện chủ tỉnh Bạc Liêu thực hiện, nhà  nghiên cứu Vũ Văn Tĩnh dẫn lại trong bài  nghiên cứu về những thay đổi về địa lý hành chính các tỉnh Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc, tạp chí nghiên cứu lịch sử số 146 - 1972 tr 28 ,40 đã cho rằng “Vùng đất Đầm Dơi vốn xưa kia dùng làm nơi căn cứ của vua Gia Long trong giai đoạn đối đầu với triều đại Tây Sơn. Khi lập tỉnh Cà Mau thì địa danh Đầm Dơi đã có từ trước. Tuy nhiên mãi cho đến năm 1924 mới có một nhóm  người từ Bến Tre tìm đến khai hoang trong đó có một người là lãnh đạo của Thiên Địa Hội có tên là Phạm Văn Mùa người dân vùng này thường gọi là Năm Mùa…”.
Từ tư liệu này đã phần nào khái quát lên rằng ông là những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất Đầm Dơi, mở đầu một công cuộc tị địa mới vừa thoát khỏi nanh vuốt ruồng bố của thực dân Pháp vừa tạo nên một đợt thiên cư lớn tìm về vùng đất cực Nam tổ quốc. Ở đây với một vùng đất mà dân gian đã gán cho rằng “xuống sông sấu cắn, lên rừng cọp tha”. Ông đã được xem như  là một trong những người có công đầu trong việc khai phá vùng đất non trẻ này. Ông đã khai phá những vùng đầm lầy tạo thành những vùng đất phì nhiêu để rồi sau đó những người con của ông đã thừa hưởng những mảnh đất mang nặng phù sa bồi tụ tạo nên những cánh đồng trù phú để bù lại cho cuộc sống tha hương.
Những năm cuối cuộc đời, với nỗi hoài vọng cố hương ông đã tìm về lại quê hương và sống với một người cháu ruột (vốn cũng là chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày) rồi trút hơi thở cuối cùng trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Ông hưởng thọ 80 tuổi, nhưng niềm ước ao duy nhất chưa thực hiện được đó là muốn gặp con cháu trong giờ phút lâm chung để đi vào cõi bất diệt. Đó cũng là nỗi niềm canh cánh đối với những người con cháu của ông ở Cà Mau hiện nay.

MỐI QUAN HỆ THÂN TỘC CỦA PHAN VĂN TRỊ NHÌN TỪ 
GIA PHẢ HỌ PHẠM Ở PHƯỚC LONG, GIỒNG TRÔM, BẾN TRE
  
Đền thờ Phan Văn Trị ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre  
Như một hệ lụy của cuộc đời những con người trong một cuộc chiến đấu kiên trung với một thế lực bán nước và cướp nước thì những di chứng mà những chiến sĩ ấy nhận được là những mất mát lớn lao bên cạnh sự tôn vinh ngợi ca của các thế hệ. Cụ sinh ra vốn đã mang một hệ luỵ như thế trong cuộc trường chinh cùng ý chí và nghị lực, thông qua ngòi bút đã lm dấy lên tinh thần kháng Pháp mạnh me, lan rộng khắp vùng Nam bộ.
Cùng thời với cụ tú tài Nguyễn Đình Chiểu trong phong trào tìm vùng đất để tị địa của hàng sĩ phu yêu nước, cụ Phan Văn Trị đã tìm về làng Nhân Ái thuộc Cái Răng, Phong Điền, Cần Thơ. Một vùng đất hoang vu kinh ngòi chằng chịt làm nơi lánh nạn. Chính tại đây cùng với việc mở trường dạy học để đào tạo các thế hệ học sĩ, tên tuổi của cụ đã được khắc ghi trong cuộc bút chiến diễn ra giữa tiếng súng chống xâm lăng đang nỗ giòn giã ở khắp xứ lục tỉnh Nam kỳ. Có thể xem cuộc bút chiến này là cuộc đấu tranh văn hoá tư tưởng quyết liệt giữa các bậc nho sĩ đương thời mà một bên là đứng về nhân dân tập hợp quần chúng để kháng Pháp, một bên chọn giải pháp hoà hiếu, trung lập, đàm phán theo quan điểm của triều đình và một bên nữa lại đứng hẳn quy thuận với bọn thực dân xâm lược. Cụ cử nhân Phan Văn Trị là người đứng về nhân dân để kêu gọi tinh thần chống Pháp một cách quyết liệt. Chính cái quyết liệt ấy đã nổ ra một cuộc bút chiến đánh Tôn Thọ Tường, một nhà nho hợp tác với thực dân Pháp và cũng là người bạn thơ trong thi xã Bạch Mai ngày nào.
Cuộc bút chiến này mặc dù bị Tôn Thọ Tường tấn công trước bằng những đòn cực kỳ xảo nguyệt, và cử nhân Phan Văn Trị ở tư thế phản công. Nhưng trong mọi cuộc giao tranh, không phải lúc nào kẻ đi tấn công cũng thắng mà nhiều lúc ngược lại. Bằng sức mạnh chính nghĩa Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn sấm sét bất ngờ, dành thế chủ động ngay từ khởi điểm. Với luận điệu quanh co lấp lửng, Tôn Thọ Tường đã phô bày sức mạnh của kẻ cướp nước để lấy đó làm mối đe doạ cho người kháng chiến thì chính tại đây ông đã bị Phan Văn Trị đanh thép cảnh cáo:
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ.
Lòng ta sắt đá há chẳng lay.
Khi Tôn Thọ Tường lên tiếng với những người kháng chiến rằng phải biết tình thế, phải biết nhìn xa trông rộng thì cũng chính lúc đó Phan VănTrị lại khăng khái chỉ vào mặt họ Tôn trả lời:

Người trí mảng lo danh chẳng chói

Đứa ngu luống đợi tuổi trông chờ.
Và cái tên Phan Văn Trị đã thực sự làm cho bọn thực dân cướp nước chú ý. Chính từ tinh thần đấu tranh kiên trung ấy mà cuộc đời ông đã gặp phải những rắc rối những thăng trầm do thời cuộc mang lại. Thân thế và sự nghiệp của ông cũng từ đó bị hạn chế bởi sự tầm nã, tiêu diệt cuả bọn thực dân và tầng lớp tay sai bán nước cầu vinh.
Từ đó dẫn đến một hệ quả rằng về sau này tất cả các cứ liệu liên quan đến cử nhân Phan Văn Trị đã hoàn toàn bị thất tán. Nhân dân và sĩ phu yêu nước tuy vẫn tôn vinh cụ cử Phan nhưng những tài liệu về cuộc đời của cụ hoàn toàn không ai ghi chép, lưu truyền, có chăng cũng chỉ là mảng sáng tác văn thơ của ông.
Cho đến nay vấn đề thân thế của nhà thơ, vị chí sĩ kiên trung của vùng đất Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất của các giới nghiên cứu. Mặc dù vào năm 1985 tỉnh Cần Thơ (cũ) đã tổ chức một cuộc hội thảo có qui mô về thân thế và sự nghiệp của cư nhân Phan Văn Trị và sau này có một vài công trình nghiên cứu có tính toàn diện về ông nhưng tất cả vẫn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn: rằng quê hương và dòng họ của ông nơi đã hun đúc tâm hồn yêu nước nồng nàn, tính cương trung của một chí sĩ có trách nhiệm với sinh mệnh đất nước trước hoạ xâm lăng cần phải xác định một cách cụ thể và tính thuyết phục cao hơn, nhằm minh xác cho những nguồn tư liệu mang nhiều sự chỉ định khác nhau.
Trong cuốn Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm hai tác giả  Nguyễn Khắc Thuần và Nguyễn Quảng Tuân đã tóm lược các ý kiến này như sau:
-          Ý kiến cho rằng Phan Văn Trị quê ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre ngày nay).
-          Ý kiến của Nhất Tâm Phan Văn Trị 1830 – 1910  lại cho rằng quê ở làng Thanh Hồng tỉnh Gia Định.
-          Ý kiến của Thuần Phong, Bảo Định Giang lại cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Hanh Thông huyện Bảo An tỉnh Gia Định.
-          Ý kiến của Nguyễn Sanh Kim cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Long Tuyền, Bình Thuỷ, Cần Thơ.
Tóm lược các ý kiến nêu trên bằng những lập luận có tính khoa học, hai nhà nghiên cứu đã phân tích một cách cụ thể những bất ổn về mặt sử liệu đã được viện dẫn, để rồi cuối cùng đã đưa ra một tài liệu có tính sử liệu cao nhằm xác định lại quê hương cũng như sinh quán của Phan Văn Trị.
Theo hai nhà nghiên cứu trên thì trong tàng bản của thư viện Long Cương được trường Viễn Đông Bác Cổ cho làm microfilm và thư viện KHXH Tp. HCM lưu giữ ở hộp số 137 đoạn vf 314 bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục. Nguyên bản Hán Nôm ghi chép về thi cử và những thí sinh thi đỗ thứ hạng cử nhân trở lên của các trường thi cả nước vào thời Nguyễn. Ở quyển thứ 3 ghi về các tân khoa trường thi Gia Định có đoạn chép “Phan Văn Trị, Vĩnh Long, Bảo An, Hưng Thạnh”. Nghĩa là Phan Văn Trị ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long. Ông thi đỗ cử nhân vào năm Kỉ Dậu (1849). Khoa này, quan bố chánh tỉnh Phú Yên là Vũ Trọng Bình làm giám khảo. Quan án sát tỉnh Quảng Nam là Quản Trọng Tự làm phó giám khảo. Đây là khoa đặc biệt, chỉ có trường Gia Định thi, còn tất cả các trường khác điều phải hoãn đến năm Canh Tuất (1850) vì cả nước bị bệnh dịch hoành hành dữ dội.
Khoa thi này trường Gia Định có tất cả 17 người đỗ cử nhân, Phan Văn Trị đỗ thứ 10. Đỗ  đầu là Vũ Thế Hoà và đỗ thứ hai là Nguyễn Thái Thông tức Nguyễn Thông. Căn cứ vào tài liệu nêu trên chúng ta biết rằng Làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long nay thuộc thôn Hưng Thạnh xã Thạnh Phú Đông huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, trong các tài liệu về Phan Văn Trị các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại xác định quê hương bản quán mà không tìm được thân tộc hay dòng họ đang còn tồn tại ở đây. Đó cũng là một vấn đề bỏ ngỏ, mà cho đến nay khi viết về ông ít ai có thể đề cập một cách hoàn chỉnh về dòng họ và vùng đất mà ông sinh ra.
Nhân dịp thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại Phước Long, huyện Giồng Trôm  cho ông Phạm Minh Triều nguyên là phó chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh Bến Tre do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả Tp.HCM thực hiện. Trong những chuyến điền dã, khảo sát về dòng họ Phạm tại xã Phước Long và xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm. Nhóm thực hiện đã phát hiện ra mối liên hệ giữa dòng họ Phạm với dòng họ Phan mà cụ thể là đã cơ bản đã tìm ra thân tộc của Phan Văn Trị bằng những cứ liệu có tính thuyết phục cao.
      Theo tài liệu ghi chép của chị Cúc Xuân giáo Viên Trường PTTH Phong Điền cho chúng tôi biết thì thân sinh của thân phụ của chị vốn là học trò của cụ Phan vào những năm cuối đời tại làng Nhân Ái. Cụ  là người biết rõ về gia thế của cụ Phan đặt biệt là quan hệ dòng họ tại Bến Tre. Cũng theo hồi ức ghi chép của cụ Lê Quang Nhật (thân phụ chị Cúc Xuân) thì cụ Phan Văn Trị có ba người em, một người định cư tại Gò Vấp một người thì sinh sống tại làng Hưng Phú và một người sống ở làng Mỹ Thạnh xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm. Theo cụ Nhật thì có lần cụ đưa người em tên là Phan Văn San tìm đến làng Nhân Ái gặp cụ Phan Văn Trị và thông qua ông San, cụ biết thêm rằng dòng họ cụ Phan vẫn còn rất nhiều con cháu. Trong đó có ba cháu gái gọi cụ Phan bằng bác ruột làm ăn rất phát đạt là: Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi.
Từ tư liệu này đã hé mở ra một thông tin rằng tại ấp Mỹ Thạnh qua gia phả dòng họ Phạm và cũng như những ghi chép văn bia tại đồng mả cách khu đồng mả của dòng họ Phạm khoảng 1 km có một ngôi mộ không ghi họ tên người mất mà chỉ để duy nhất các dòng chữ “Các con Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi đồng lập mộ”.
Từ thông tin gia phả họ Phạm chúng ta biết rằng bà Phan Thị Diềm là vợ của ông Phạm Văn Dư thuộc đời thứ III con thứ sáu của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Bà Phan Thị Diềm sinh năm 1865 mất ngày  02/02/1951 thọ 86 tuổi. Nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lao động, đạo diễn Phạm Khắc - nguyên giám đốc Đài Truyền hình Tp. HCM và ông Phạm Minh Triều nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre làcháu nội của bà Phan Thị Diềm và cũng là cháu cố của cụ Phan Văn Trị.
Cũng trong thời gian thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại xã Phước Long, nhóm thực hiện gia phả cũng đã phát hiện ra tấm bia mộ của cụ Phan Văn San được người cháu là Phan Văn Kích con của ông Phan Văn Trò gìn giữ rất cẩn thận. (Ông Phan Văn Trò là người con thứ hai của cụ Phan Văn San).
Từ những cứ liệu nêu trên chúng ta có thể thấy rằng mối lên hệ về dòng họ của cử nhân Phan Văn Trị về mặt cơ bản vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Từ dòng chảy hữu thức hay vô thức sự nối tiếp kế thừa một truyền thống dòng họ luôn được phát huy một cách tối đa. Và cũng từ bộ gia phả này cũng  mở ra cho chúng ta - những nhà nghiên cứu - nhìn về các nhân vật mà vai trò xã hội của họ đã gắn chặt vào sự hình thành và phát triển của vùng văn hoá Nam bộ như cử nhân Phan Văn Trị đã khép lại những tồn nghi và những tranh cãi diễn ra kéo dài từ hàng thập niên nay.
Điều đó cũng có thể khẳng định rằng vùng đất Phước Long, Giồng Trôm là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra những nhà văn hoá, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, mà nền tảng của nó là yếu tính cơ bản của dòng họ. Từ tinh thần Phan Văn Trị, một chiến sĩ sử dụng ngòi bút trong mặt trận đấu tranh văn hoá tư tưởng, đứng trước sự xâm lăng của thực dân và tính nhu nhược của chế độ phong kiến đương thời, đã làm nên một hiện tượng mang đầy hào khí Nam bộ theo đúng tin thần mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng đinh “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đăm mấy thằng Tây bút chẳng tà” của cha ông chúng ta trước di hoạ xâm lăng của bọn thực dân cướp nước.

                                   THÔNG THANH KHÁNH


CÁC MẪU PHẢ ĐỒ






Mẫu phả đồ nằm ngang


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ