TẬP KHOÁN ƯỚC LÀNG XÃ THỜI MẠC QUA
MỘT CUỐN SÁCH TRUYỀN GIA
NGUYỄN TIẾN ĐOÀN
Thái Bình
Trong chuyến đi điền dã gần đây ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái bình, chúng tôi có tìm được tập khoán ước làng xã thời Mạc của gia đình anh Lương Thanh xã Vân Trường. Chủ nhân cho biết cuốn sách được lưu giữ qua nhiều đời. Các cụ trong dòng họ Lương ở làng này bảo quản nó như một báu vật. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy: Đây là một tài liệu quý hiếm về kết cấu làng xã từ cuối đời Trần, Hồ đến thời Mạc ở một vùng đất mới được khai phá từ 600 năm về trước ở miền nam Thái Bình.
Trước khi giới thiệu nội dung tập khoán ước, chúng tôi xin giới thiệu mấy nét về xã Vân Trường, huyện Tiền Hải hiện nay.
Xã Vân Trường mới được đặt từ năm 1946, lấy tên một nhà văn thân yêu nước trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX. Trước tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ có Quyết định 93/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện của Thái Bình, xã Vân Trường được cắt về huyện Tiền Hải từ khi có quyết định trên.
Vân Trường là một xã có nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đặc biệt có cha con Phạm Đình Sĩ. Đình Sĩ được triều Lê Cảnh Hưng phong chức "Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tuyên lực công thần - Đề đốc thần vũ Tứ vệ quân". Ông này là một vị tướng tài hăng hái bậc nhất trong việc diệt Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Con ông là Phạm Trần Thiện là người tòng vong theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc suốt 19 năm trời. Và đến năm Gia Long thứ hai (1803) lại làm nhiệm vụ đưa hài cốt Lê Chiêu Thống về an táng ở Thanh Hoá.
Thời cận đại nổi lên có Thủ khoa Võ Nguyên Quang Hoan, ông là huấn luyện viên của nghĩa quân Viên Bổn (tức Nguyễn Hữu Bản) người làng Động Trung cùng huyện, sang giữ thành Nam Định khi giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Trong trận đánh cửa Đông tháng 3 - năm 1883, Nguyễn Hữu Bản hy sinh cùng Đề đốc Lê Văn Điếm và Án sát Hồ Bá Ôn, Nguyễn Quang Hoan trở về quê và đi theo Hoàng giáp Ngô Quang Bích lên sơn phòng Hưng Hoá chống Pháp.
Cuộc đời của vị thủ khoa võ này là một bản anh hùng ca yêu nước bất khuất tiêu biểu của người nông dân Thái Bình thời cận đại. Ông bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo 40 năm, khi ở tuổi 70 ông còn vượt biển trở về đất liền, về quê hương, đi lấy đầu Tri phủ Kiến Xương, rồi mở lò võ dạy con cháu giữ nhà, giữ nước.
Xã Vân Trường, gồm ba làng: Bác Trạch, Quân Bác và Quan Cao. Phía đông giáp xã Phương Công, phía bắc giáp xã An Ninh, An Bồi, phía tây giáp xã Quang Trung, phía nam giáp xã Bắc Hải và Tây Phong.
Tính đến năm 1994 xã có 1850 hộ với 8.350 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên 650 hecta, trong đó có 440 hecta đất canh tác. Vân Trường là một trong những xã có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, đứng hàng đầu trong các xã của huyện Tiền Hải. Năm 1993 năng suất lúa đã đạt 121,4 tạ trên một hecta. Trường phổ thông cơ sở với 23 phòng học, diện tích sử dụng là 1000m2, trong đó có 16 phòng cao tầng với 800m2 sử dụng.
Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo đều đạt tiêu chuẩn của ngành với 250m2 sử dụng, với những trang thiết bị đầy đủ. Hệ thống đường sá, thuỷ lợi, y tế đến hội hè đình đám làm cho khách tham quan lưu luyến không muốn chia tay với cảnh với người ở đây. Các cố lão còn cho biết, thời vua Lê, chúa Trịnh thường cử các quan về đây kén gái đẹp đưa vào cung vua, phủ chúa. Từ xưa, người ta đã có thơ ca ngợi vẻ đẹp của các cô gái Vân Trường:
Trầm ngư lạc nhạn chi dung
Bế nguyệt, tu hoa chi sắc!
(Sắc đẹp của các cô gái khiến cá lặn, chim sa,
Trăng phải thẹn thùng, hoa cũng xấu hổ!)
Dưới đây xin giới thiệu hai văn bản:
Văn bản 1: Diễn các tích - Tích Viên Lệnh
Văn bản 2: Khoán ước
Văn bản 1 :
DIỄN CÁC TÍCH TÍCH VIÊN LỆNH
Năm đầu Cảnh Lịch (1548) ngày mồng ba tháng hai bắt đầu chia đều ruộng cho các dòng họ, tổng cộng là 36 phái, nay đã hoàn thành, thông tri cho mọi người cùng biết.
Nay ghi lại số ruộng phụng sự điện Hiển Khánh, ruộng tế 100 mẫu. Số ruộng này đã phân chia xong, được đức vua thưởng và các quan trông coi đê điều, đường xá cấp về cho gia đình 100 mẫu để làm hương hoả phụng thờ.
Số ruộng này ở ba xã: một thửa của Vũ Đốc. Điều gọi là luật lệ đối với các công thần, số ruộng ẩn lậu của Vũ Văn, cùng với số ruộng chia cho các công thần trước nay bị chiếm đoạt. Tín chủ của nó là xã Trần Xá, An Tiêm. Đó là xứ đồng Lỗ Xỉ, cùng với số ruộng các công thần được hưởng do triều đình phong tặng lại tự động chiếm canh do người xã khác đến lấy cớ nói là ruộng cúng tế.
Nếu người nào không tin công đức sự nghiệp của Tổ mà ta có trách nhiệm phụng sự thì cũng chớ có ngạo mạn coi thường điều phúc này.
Sự nghiệp của Tổ ở hoàng triều được di ngôn lưu truyền trong chính giáo. Nay dẫn lời vấn đáp, nếu như có người nào không kính tín tổ tiên thì dẫn ngay sự lưu truyền qua chính giáo tự xưa nay cùng với sự thông tri cho toàn dân, đồng thời trình lên tất cả các quan, nhất là quan phụng sai cho được hay:
"Ông Áng(1) nhà tôi sinh thành lập nghiệp ra đất nước này. Từ ấy Hồ Vương Vĩnh Lạc(2) đường biển sóng duềnh, nhân dân chưa đến cư trú. Bỗng thấy ba ông(3) đến khai cơ lập ấp, đào giếng, đào ao, lấy sông hồ làm nghiệp. Đến đời đức Thái Tổ Thuận Thiên khai quốc nguyên niên (1428) nơi đây chưa có cầy cấy, chưa có ấn tín(4), tình hình vẫn như cũ (ý nói từ thời Hồ Hán Thương đến lúc ấy).
Đến đời ông Thiếu phó với các triều vua Thái Hoà (1443 - 1453) Diên Ninh (1454 - 1459) mới tu tạo, ghi ruộng vào sổ điền bạ, số ruộng, số người, đông tây bốn phía, định lệ tiến nạp đối với dân khai canh.
Đến đời ông Thiếu phó với các triều vua Thái Hoà (1443- 1453) Diên Ninh (1454 - 1459) mới tu tạo bờ bao cao thấp, rộng hẹp, dài ngắn, chu vi các xứ đồng ba bề bốn bên chia ra cánh cao cánh thấp, đường lớn đường nhỏ thành một thể thống nhất, dân được an cư.
Thửa ấy có bà hoàng hậu phu nhân là ruộng bà Chiêu từ(5), người ăn thuế ruộng miễn hoàn đất quan thổ. Ấy là ruộng Chiêu từ vua Quang Thuận (tức vua Lê Thánh Tông) thu. Đến năm Hồng Đức có quan Thái thú trông coi sông nước là ông Phấn. Từ đời vua Quang Thuận (1460 - 1469) Hồng Đức (1470 - 1497) chưa có đường đê, nước biển tràn vào, đồng ruộng tạm thời hoang vu, chưa hoàn thành việc cầy cấy, tâu lên triều đình, có sắc chỉ đo đạc kiểm tra ruộng quan điền, đắp đê đắp đường cho dân cầy cấy. Thửa ấy vua sai ông Thành Đông Các về thăm dân cư, quan sát ruộng đồng, thấy ruộng ẩn lậu 600 mẫu, đều tâu là ruộng của người xã khác, chiếm đoạt cầy cấy nộp thuế. Đó là điều cực kỳ oan khốc!
Đến năm Hồng Đức thứ 9 (1478) lệnh chỉ cho dân các xã, xã chánh, xã lại, tư nông, tổng chánh phải chăm chỉ, theo thời vụ đôn đốc việc sửa sang đê điều, đường xá.
Lại lưu truyền cho ông Quang chức Môn thủ(6) từ năm cảnh Thống nguyên niên (1498) triều vua Lê Hiến Tông, sự miễn thuế cho các hộ dân chưa được đúng, chỉ còn các Môn (門) và các công thần lưu canh nộp thuế. Với nhân dân việc nộp thuế lại là chuyện khác.
Đến đời ông Đạo trông coi từ đời vua Đoan Khánh (Lê Uy Mục 1505 - 1509) Hồng Thuận (Lê Tương Dực 1509 - 1516) dân chính bấy giờ mới hợp cử tâu được bằng minh thệ (ăn thề) lập án văn, việc tố tụng các ruộng đồn điền, ruộng do người khác xã lấn chiếm và ruộng dân thống nhất làm một.
Thế là ba mẫu ruộng cúng giỗ các vị tiền công mới lại lưu truyền để cho ông Quang Minh giữ. Trải qua các triều Thống Nguyên (1522 - 1527) (Lê Cung Hoàng) đến Đại Chính (1530 - 1540) (Mạc Đăng Doanh) đã có trên 12 dòng họ, số người, số ruộng, đông tây bốn bề lại cử tâu với triều đình việc đắp đường, đắp đê.
Năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Khâm sai tổng điều binh bộ cử các quan đi đôn đốc xứ Sơn Nam đắp đê, đắp đường. Công việc ấy ba năm sau mới hoàn thành, phía trên từ xã Trình Phố xứ Đồng Thánh đến xã Mỹ Lạc sông Phúc Xuyên, đê ruộng từ đấy mà nên. Nếu không thì đồng điền ngập trong nước. Anh em một khu, đồng cư, đồng canh, cùng lợi với dân làng, nào phải người khác xứ, một Tổ sinh thành. Cho nên có lời lưu truyền này, nay dùng bút mực ghi chép lại.
Văn bản 2:
KHOÁN ƯỚC
Ngày 18 tháng Giêng năm Hồng Đức nguyên niên (1470) lệnh ban cho các xã Phương Trạch, Bác Trạch, Quân Bác thuộc huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Các quan viên tứ vệ, các ty, ty quan vệ v.v... Vì việc đồng ruộng lập khoán ước sau: Thường nói: Nước có chính điều, dân có tư ước. Những điều ấy cốt để duy trì thế nước, khoán ước để cố kết nhân tâm. Nay ba xã quan viên tứ vệ các ty, có hiệu lệnh của Cẩm y vệ, có hiệu lệnh của Chỉ huy sứ ty.
- Giám sự hiệu uý: Địch Lễ bá Phạm Kiến Vĩ.
- Cẩm y vệ Phục ba hà thanh, Hiệu uý giám sự Chỉ huy sứ ty: Lộc Dương bá Trần Công Khâm.
- Chiêu Vũ vệ, Hiệu uý giám sự dẫn chỉ huy sứ, chỉ huy sứ ty, Địch Vũ ty: Phù Đô bá Nguyễn Ngọc Thông. Chiếu theo hiệu lệnh cùng vị Hiệu uý giám sự, Chỉ huy sứ: Lê Bá Tri.
- Cẩm y vệ Phục Ba hà thanh giám sự chỉ huy sứ ty: Phạm Cầu.
- Cẩm y vệ Địch Vũ ty chỉ huy sứ, giám sự hiệu, Hiệu uý: Phạm Tất.
- Cẩm y vệ Thanh lộ chỉ huy sứ ty: Đoàn Thông.
- Hiệu lực vệ sở, Bá hộ Thạch Nham bá: Nguyễn Như Long.
- Khai sơn vệ, Đồ tôn hữu ty, Trịnh Sơn bá: Phạm Doãn Thăng.
- Nam tử: Nguyễn Hữu Quang, Phạm Lương.
- Thành Lễ tử: Nguyễn Dịch Tổng.
- Tổng kỳ: Lương Đệ, Bùi Khắc Huệ, Nguyễn Tín.
- Nghĩa tử: Nguyễn Ngọc Trường.
- Phú bá: Vũ, Phạm.
- Hiệu Dương bá: Nguyễn Văn Biểu, Trần Chương, Nguyễn Đệ, Trần Trì, Đinh Bá Trường, Bùi Hữu Xạ, Nguyễn Ngọc Điểm, Lương Huynh, Nguyễn Lạt, Trần Văn Tung, Trần Thiếu Văn Sơn, Lương Tại, Trần Chư, Nguyễn Phúc Lương, Bùi Thành, Lương Xuân, Ngô Vạn, Nguyễn Thuỷ, Nguyễn Tiên, Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân Vy, Nguyễn Dưỡng, Vũ Văn Vật, Nguyễn Xuân Mai, Lương Ngọc Giám, Phạm Văn Thôn, Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Xúc, Phạm Quế, các quan viên lớn nhỏ.
Nguyên ba xã có ruộng quan điền một xứ. Xứ Đông Lan ngoại đê 100 mẫu ruộng, ranh giới ba bề bốn bên như trong điền bạ thời Nhuận triều. Những năm Hồng Đức (1470) trở lại đây, hàng năm vẫn cầy cấy cùng với dân ước hoà thuận theo lệ làng, chưa hề thấy kẻ khác đến xâm phạm. Đến ngay bề trên cũng bị bất ngờ, những người ở phủ huyện khác vô cớ sinh quỷ kế làm sắc chỉ giả, làm càn dùng lời lẽ khôn khéo để tấu cáo qua các cửa nha môn, ba bốn đời nay thường sách nhiễu dân chúng thật là thậm tệ, không còn phép tắc gì, thảy đều là việc hại dân.
Nay quan viên ba xã các ty trong Tứ vệ: Phạm Kiến Vĩ, Trần Công Quyết, Nguyễn Liễn, Lê Bá Cường, Phạm Văn Tất, Nguyễn Liểu, Nguyễn Ngọc Đường, Vũ Pháo, Nguyễn Ngọc Biểu, Lương Xuân, Ngô Vạn, Nguyễn Chủng, Nguyển Cẩn, Nguyễn Tiên. Vì chuyện đồng ruộng cùng có lời kêu lên quan trên, chúng tôi thiết lập khoán ước cùng nhân dân làm ăn sinh sống.
Từ nay hễ có việc gì quan hệ đến việc ruộng đất thì các quan viên nội trong ba xã trên dưới đồng lòng hợp sức nhất nhất như lời, hoặc có việc gì dù nhỏ trộm thấy, không được rối loạn, nếu kẻ nào càn dỡ, nội sau một ngày phải làm cho dân chúng ba xã bình an vô sự về việc sản xuất đồng ruộng, làm cho dân yên tâm cày cấy lập nghiệp. Hoặc ba xã khi khởi công đào đắp kênh mương làm thông dòng chảy không được đụng chạm đến khu thánh từ. Các xứ đồng điền cốt sao làm tốt việc cấy lúa cho phong đăng hoà cốc. Hoặc khi ba xã có việc đắp đê bao phía nam làm cho vững chãi địa phận. Hoặc khi ba xã có việc mở chợ cùng với khách buôn để họ đi lại tiện lợi trong việc mua bán làm lợi cho dân.
Riêng với ba xã cùng quy ước thống nhất như như anh em dĩ hoà vi quý, theo quy ước cũ của các tiên hiền truyền đời để lại cần phải giữ gìn lâu dài. Nếu có người nào trong ba xã có việc cần thân nhời phải có ba tấm giầu và cau đến trình với các quan viên trong ba xã họp bàn cùng nhau chuẩn y - nếu có người nào giả vờ vin theo tục cũ, do sự đố kỵ ngày trước cố ý chiêu tập khởi dũng, mày tao chi tớ hỗn hào, tranh giành cản trở nơi cỗ bàn chốn đình trung hoặc làm những việc tồi tệ xấu mặt mọi người, có lòng dạ khác, không thuận tùng ba xã. Hoặc coi thường phép nước, lệ làng trì hoãn để quá kỳ thiếu thuế thì quan viên ba xã chiểu theo khoán ước định tội. Nếu nhẹ thì phạt một con lợn, ba quan tiền, ba hũ rượu để tạ tội theo đúng phép làng. Nếu tội nặng thì quan viên ba xã đều đến nhà đó trói lại, tra vấn là phạm tội thì theo đúng khoán ước. Nếu kẻ phạm tội không chịu nhận lỗi thì quan viên ba xã loại bỏ họ tên kẻ đó, bắt giải lên thượng ty xét hỏi, trị tội.
Nay trong khoán ước có các điều khoản khác ghi riêng dưới đây:
1. Trong ba xã hễ có việc gì xẩy ra phải đồng tâm tịnh lực, nhất nhất như lời cùng thi hành nhanh chóng đến ngay nơi ruộng ao xẩy ra chuyện, lập biên bản để cho dân yên ổn làm ăn. Nếu viên nào thiếu thuế quá kỳ hạn thì ba xã sẽ phạt một con lợn, số đo vòng cổ là một thước năm tấc, rượu ba hũ.
2. Nếu kẻ nào trong ba xã dựa vào tục cũ do oán thù nhau từ trước mà chiêu tập khởi dũng, hỗn hào mày tao, làm ngáng trở mọi việc thì quan viên ba xã bắt trói như trong khoán ước.
3. Nguyên ba xã có quan đê gần nước mặn, trước kia đã đắp dài hơn 3300 trượng để muôn đời sau cho dân cầy cấy. Nếu như nứt nẻ chỗ nào, địa phận nào thì cử người đến xem xét, thông báo cho dân ba xã biết đến bồi trúc ngay để ngăn mặn không cho tràn vào làm hại mùa màng. Nếu người nào không siêng năng chăm chỉ, gắng sức sửa chữa đê điều, lại còn xâm phạm để cho nước mặn tràn vào làm hại mùa màng dân phải phiêu tán, kiểm tra thấy đúng nơi ấy, thì lập tức quan viên ba xã luận tội và phạt bắt một con trâu để tạ tội theo đúng khoán ước.
4. Quan viên ba xã khai thông thuỷ đạo các xứ đồng, từ sông Phúc Xuyên đến xứ Thánh Từ, phía dưới đến xứ Sinh Lan cho nước lên xuống theo thời để lúa tươi tốt. Nếu có người nào trong xã coi thường khoán ước chặn, phá sông ngòi không cho nước lưu thông, đồng điền khô cạn, mùa màng thất bát, dân chúng đói khát, không tuân theo khoán ước thì quan viên ba xã xoá họ tên người đó chuyển lên thượng ty tra xét, xử trí theo đúng luật lệ.
5. Đồng ruộng ba xã, nguyên lai do tổ nghiệp lưu truyền. Nếu sau này trộm thấy kẻ nào muốn cậy số đông, tụ tập đồ đảng cướp bóc tiền của, thóc lúa người trong xã, nghe thấy tiếng kêu la làng la nước, ngay tức khắc quan viên ba xã phải có vũ khí sẵn sàng đến nơi có cướp để cứu giúp gia đình nạn nhân.
Nếu quan viên nào không đến cứu nạn, dẫn đến việc hại cho dân thì lập tức quan viên ba xã theo đúng khoán ước xử lý.
Hoặc người của một trong ba xã có tài dùng sức bắt được kẻ cướp, chính người đó dẫn thủ phạm đến quan viên ba xã, bình xét công trạng sẽ được thưởng, tiền cổ 30 quan. Nếu như bắt được cướp mà tư tình với tội phạm, thả chúng ra mà quan viên bắt được tên cướp đó thì tiền và những của bị cướp, thu hoàn bao nhiêu theo đúng lệ xử lý. Ngay đó có lời ra tiếng vào đúng là gian trá đáng tội, qua công luận của quan viên, nếu nhẹ thì chuyển tống giải lên cấp trên, nếu nặng thì có thể lập án văn đem giết.
Trên đây là khoán ước của quan viên lớn nhỏ ba xã, một bản do xã quan nông trưởng Phạm Quang Quyết lưu giữ.
Ngày mồng ba tháng 10 năm Diên Thành thứ nhất (1578) (Mạc Mậu Hợp) lập khoán ước.
Ba xã nội, chánh xã Lê Công Đạo ký.
Bác Trạch xã: Lương Văn Hội ký.
Phương Trạch xã: Phạm Quang Quyết ký.
Quân Bác xã: Cẩm y vệ, Hiệu lệnh ty, Chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ, Giám sự hiệu uý Điền Lễ bá: Phạm Kiến Vĩ ký.
- Cẩm y vệ hiệu lệnh, Phục Ba hà thanh ty, Chỉ huy sứ Thiêm sự hiệu uý, Lộc Dương bá Chiêu Vũ vệ, Địch vũ ty, Chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ thiêm sự, Phù Đô bá Chiêu vũ vệ Hiệu lệnh ty, Chỉ huy sứ thiêm sự: Lê Bá Cường ký.
- Cẩm y vệ, Phục Ba hà thanh ty, Chỉ huy sứ thiêm sự Phạm Mộc ký.
- Cẩm y vệ Địch vũ ty, Chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ đồng tri phủ Phạm Văn Tất ký.
- Cẩm y vệ Thanh lộ ty, Chỉ huy sứ thiêm sự Đoàn Thông ký.
- Hiệu uý vệ lực phó sở, Bá hộ, Nham bá: Nguyễn Như Long ký.
- Khai sơn vệ, Đồ lỗ ty hữu sở Trịnh Sơn bá: Phạm Văn Thăng ký.
- Trung lương tử: Đinh Bá Tề ký.
- Thắng Dũng tử: Nguyễn Hữu Quang ký.
- Thành Lễ tử: Nguyễn Biền ký.
- Tổng kỳ: Lương Đệ ký.
- Tổng kỳ: Bùi Khắc ký.
Nguyễn Trưng ký.
Lương Huynh ký.
Nguyễn Đệ ký.
Nguyễn Ngọc Thích ký.
Trần Trì ký.
Trần Văn Tòng ký.
Đinh Bá Tường ký.
Bùi Thành ký.
Bùi Hữu Xạ ký.
Bùi Thành ký.
Nguyễn Sĩ Điểm ký.
Bắc Trạch xã
- Cẩm y vệ hiệu lệnh, Chỉ huy sứ ty. Chỉ huy sứ thiêm sự,
Phù Lai bá: Nguyễn Niểu ký.
- Cẩm y vệ, Phục Ba hà thanh ty, Chỉ huy sứ thiêm sự,
Tín Nghĩa tử: Nguyễn Ngọc Đường ký.
Trần Thiểu ký.
Trần Văn Sùng ký.
Lương Tại ký.
Trần Chư ký.
Nguyễn Xuân Mai ký.
Ngô Vạn ký.
Nguyễn Tiên ký.
Phương Trạch xã
- Cẩm y vệ, hiệu lệnh ty, chỉ huy sứ ty, chỉ huy sứ thiêm sự Trường Phú bá, Cẩm y vệ, Phục Ba hà thanh ty, chỉ huy sứ ty, chỉ huy sứ thiêm sự: Mai Bá Dương ký.
Vũ Pháo ký, Nguyễn Văn Biểu ký, Nguyễn Văn Hàn ký, Nguyễn Xuân Viên ký, Nguyễn Ngọc Bôn ký, Vũ Văn Vật ký, Nguyễn Ngọc Súc ký.
Phạm Văn (điểm chỉ)
Phạm Văn Quế (điểm chỉ)
Nguyễn Tăng Lương (điểm chỉ)
Nguyễn Xí (điểm chỉ)
* * *
Qua tư liệu trên có thể rút ra mấy nhận xét:
- Vùng đất mới khai phá màu mỡ này khi chính quyền Trung ương đã bước đầu quản lý được thì số ruộng giành cho nhà vua phục vụ việc cúng tế tương đối nhiều. Riêng ruộng cúng tế bà hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao có tới 100 mẫu. Trong khi đó ở Sáo Đền (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư) đã có đền thờ và ruộng cúng tế bà. Đồng thời vùng đất này cũng trở thành mục tiêu nhòm ngó của nhiều đối tượng, các xã khác, huyện khác, tỉnh khác đến xâm canh. (Trần Xá - An Tiêm thuộc huyện Hưng Nhân, tỉnh Hưng Yên xưa). Họ làm sắc chỉ giả để chiếm đoạt ruộng đất và nói dối quan trên là ruộng cúng tế. Ba xã này còn là nơi trú ngụ của bọn giang hồ lục lâm, đầu trộm đuôi cướp. Cho nên ba làng này cũng như những làng mới khai phá ven sông Hồng sát gần với Vân Trường như Nguyệt Lâm, Nguyệt Giám, Dương Liễu làng, Dương Liễu trại xuống đến chân sóng Tiền Hải đều có mở lò võ, thời bình để giữ nhà, khi có loạn để giữ nước. Ở Vân Trường thời trước có lò võ Phạm Trần Thiện, ông đã từng huấn luyện võ nghệ cho con cháu ông và Phan Bá Vành để sau này Vành trở thành một thủ lĩnh nông dân cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống triều đình Minh Mạng. Lò võ của Thủ khoa võ Nguyễn Quang Hoan, người đã huấn luyện võ nghệ cho đoàn nghĩa quân Nguyễn Hữu Bản (1840 - 1883) đánh Pháp năm 1883 ở thành Nam Định.
Đầu thế kỷ XX nơi đây cũng sản sinh nhiều võ sư nổi tiếng như Trần Cán, Trần Đông Dương, Nguyễn Quang Cấn, Nguyễn Hữu Bát, Nguyễn Xuân Quất v.v...
Trong khoán ước, tội thông đồng với kẻ cướp, quan viên ba xã có quyền lập án văn đem giết là một nét đặc trưng nói lên tính bất trị của bọn du thủ du thực.
Việc lập khoán ước với sự chứng kiến của các ty, các vệ của triều đình quả là một việc hệ trọng đối với dân sinh, song trước hết là để bảo vệ quyền lợi các chức sắc trong xã từ Tư nông, Xã lại đến Xã chánh. Tuy nhiên điều quan trọng nổi bật là sự nhất trí đoàn kết bảo vệ hương thôn của ba xã này xuất xứ từ vị tiên công Trần Nguyên Áng cùng các vị họ Nguyễn, họ Lương, họ Phạm khai phá vùng đất này đã ràng buộc họ với nhau suốt 6 thế kỷ nay và mãi mãi đủ thấy sức mạnh của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam quý giá biết ngần nào!
Đó là những thông tin bổ ích góp phần rất nhỏ để tìm hiểu thời Mạc, một vương triều cần được bổ sung nhiều tư liệu phong phú hơn nữa.
Chú thích:
1. Ông Áng tức Nguyễn Công Áng, người đầu tiên đến vùng đất Quan Bác, Bác Trạch, Phương Trạch, Quan Cao (nay là xã Vân Trường) từ cuối đời Trần. Theo gia phả thì Nguyễn Công Áng nguyên là Trần Nguyên Áng, quê thôn Phú Nhi, xã Viên Sơn (nay thuộc ngoại thị Sơn Tây). Gia đình ông thuộc dòng dõi quý tộc trong triều. Thân phụ ông là Trần Nguyên Uyên, do việc tranh chấp quyền lực với Hồ Quý Ly, Trần Nguyên Uyên bị Hồ Quý Ly giết năm 1401. Sau đó còn xuống chiếu chu di tam tộc dòng họ ông. Vì thế Trần Nguyên Áng cùng thân mẫu chạy dạt về đất này ở chung với dân vạn chài ở Bạch Sa cồn trắng. Hiện có đình thờ ông ở Bạch Sa cồn trắng (xã Vân Trường) nay đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá.
2. Hồ Vương ở đây chỉ Hồ Quý Ly - Vĩnh Lạc niên hiệu Minh Thành Tổ (Trung Quốc) Bấy giờ nước ta lại rơi vào tình trạng Bắc thuộc, nên trong bài dùng niên hiệu Vĩnh Lạc.
3. Ba ông là: Nguyễn Phúc Tín, Lương Công và Phạm Quang Hoạch đều là dân vạn chài lấy sông hồ làm nghiệp. Các ông này cùng với Nguyễn Công Áng mở đất Vân Trường từ đó.
4. Chỉ con dấu các cấp hành chính. Ấn tín ở đây muốn nói là ấn tín nhà vua, quyền lực triều đình chưa với tới vùng đất còn hoang sơ này.
5. Chiêu từ: tức Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Ở Vân Trường hiện nay vẫn còn tên gọi khu ruộng này.
6. Môn thủ: 門守Một chức quan triều Lê, tương tự như cán bộ hộ tịch ngày nay. Ở câu: "Chỉ còn các môn (門) và các công thần lưu canh nộp thuế". Chúng tôi chưa rõ các "môn" chỉ đơn vị "hộ" gia đình hay một tổ chức hành chính.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.139-155
Nguồn tin: Viện Hán Nôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét