Văn bia ở Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội do Phạm Công Trứ soạn ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Văn bia ở Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội do Phạm Công Trứ soạn

THÊM MỘT GIA PHẢ KHẮC TRÊN ĐÁ
HOÀNG LÊ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Gia phả là báu vật của dòng họ, là cuốn sử ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, đức độ của tổ tiên. Bất kể dòng họ lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo hầu như xa gần, biết được mồ mả và ngày giỗ kỵ của những người thân thuộc, biết được cội nguồn xa xưa, ôn lại được lịch sử vẻ vang của người đã khuất… Từ đó mà biết giữ gìn và phát huy truyền thống giáo dục gia đình và của dòng họ, làm cho những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác không bị phai mờ, lãng quên, gia phong không bị suy thoái, đạo lý xã hội không bị xuống cấp nhanh. Nói ngắn gọn Gia phả là tài liệu giáo dục quan tọng nhất của dòng họ.
Từ những năm 1945 trở về trước Gia phả thường được viết bằng hai thứ chữ Hán và Nôm, rất ít có Gia phả viết bằng chữ Quốc ngữ. Chất liệu dùng để chuyển tải nội dung Gia phả hầu như và phổ biến là giấy bản, vải lụa… Vì những thứ đó dễ kiếm tìm bất cứ nơi đâu, dễ bảo quản, di chuyển gọn nhẹ lại ít tốn kém mặc dù tiền nhân cũng biết rằng với chất liệu ấy thì tuổi thọ của văn bản chẳng được nhiều. Đó là chưa nói đến các biến cố bất thường xảy ra như hỏa hoạn, lụt bảo, mối mọt v.v.. Để có được tính bền vững lâu dài, đã có dòng họ khắc Gia phả lên gỗ, lên đồng và lên đá… dĩ nhiên là tốn kém gấp trăm ngàn lần so với vải lụa hay giấy bản. Vì vậy mà càng quý hiếm.
Trong nhiều năm chúng tôi nghiên cứu về văn khắc Hán Nôm nói chung và về Gia phả học nói riêng, chúng tôi mới phát hiện được một Gia phả khắc trên đồng (không kể đến Thần phả) như Gia phả họ Huỳnh (gốc Mạc) ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quang Nam (sẽ giới thiệu vào dịp sau); Còn Gia phả khắc trên đá thì nhiều hơn một chút so với khắc trên đồng. Vì như các văn bản sau:
Từ Mẫn Nguyễn công ký thất Hoàng thị chi mộ chí ở Kim Chân, Quế Võ, Bắc Giang tạo năm Hồng Đức – Giáp Thìn (1484) đến nay cũng đã 515 năm rồi.
Khôn nguyên chí đức chi bi ở Phú Lâm, Quảng Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa, tạo năm Cảnh Thống 1 (1498).
Phạm tướng công gia phả ở Thọ Bình, Đông Yên, Hưng Yên, tạo năm Cảnh Trị 8 (1670).
Lê Thị phả hệ bi ký huân nghiệp ở Phu Huệ, Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa, tạo năm Chính Hòa 15 (1697).
Dã Hiên tiên sinh mộ biểu ở Côi Trì, Yên Mô, Ninh Bình, tạo năm Cảnh Hưng 42 (1781).
Gần đây trong một chuyến đi điền dã ở Vân Hà Đông Anh, Hà Nội (xưa là Vân Điềm, Hà Lỗ, Đông Ngàn, Bắc Ninh) chúng tôi phát hiện thêm được một bia 4 mặt, khổ 0,50 x 0,90m tạo năm Đức Nguyên (1675) triều vua Lê Gia Tông; tính đến nay vừa tròn 325 năm, ai bảo là “Trăm năm bia đá thì mòn”. Bia này do Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) đặc tiến kim từ vinh lộc đại phu, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Quốc lão tham dự triều chính Chưởng lục bộ sự, tước Thái Bảo Yến Quận Công Hồng Hòa Xuyên Phạm Công Trứ soạn. Nhan đề là: HẠ NGUYỄN HẦU TỰ ĐẠO - NGUYỄN NHO GIA THẾ KHOA THẾ LỘC VINH THỊNH KHẮC THẠCH BI. Văn bia gồm 3500 chữ, nói về tiểu sử Nguyễn hầu tự Đạo Nguyễn nhưng đề cập tới bốn đời trước ông, về cả bên nội và bên ngoại, nói cả vợ và các con ông, các em ông một cách chi tiết. Vì quá dài nên chúng tôi xin phép không đưa phần phiên âm mà chỉ xin giới thiệu phần dịch nghĩa để các nhà nghiên cứu về Gia phả học hoặc những ai quan tâm đến tham khảo. Nguyên văn như sau:
BIA ĐÁ KHẮC MỪNG ÔNG NGUYỄN HẦU TỰ ĐẠO NGUYÊN NHIỀU ĐỜI ĐỖ ĐẠT LÀM QUAN VINH HIỂN VÀ THỊNH VƯỢNG
Mừng nay.
Vua giữ nghiệp xưa sáng suốt, bề toi cũ có công giúp. Triều đình có đạo lý như mùa xuân xanh tốt.
Cửa quan vô tư công bằng nên ngày tháng nhàn rỗi. Bỗng có năm, sáu ông sang trọng đên chỗ tôi làm việc vái chào mà thưa rằng: “Chúng tôi kính thấy thầy chúng tôi là Xuân Phong Tử họ Nguyễn Hầu, húy Sũng tự Đạo Nguyên người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc; chức Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, công khoa Đô cấp sự trung. Sinh giờ Bính Thìn, ngày Mậu Thân tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân. Cả hai bên nội ngoại đêu là nhà có quyền thế. Ông – cha, con – cháu cùng vinh hiển, Cha con cùng triều, Anh cùng bảng. Nay chúng tôi đến xin văn bi để chúc mừng”.
Tôi bèn nói với họ: “Tôi tuổi già về nghỉ, được vua vời lại. Vả lại tuổi già biếng việc văn chương, lâu ngày xa nghiên bút, làm sao mà đáp ứng được ý muốn của các ông?”. Nhưng các ông vẫn khép nép nài xin nên tôi không vì học ít và vụng về mà chối từ, bèn lần lượt hỏi các việc thì biết rằng: Ông Nguyễn là kẻ sĩ có danh vọng của nước Việt Nam, thuộc dòng họ có danh giá của miền Kinh Bắc.
Trước kia.
Cụ tổ năm đời: Họ Nguyễn, húy Đình Vỹ tự Vân Khê. Tuổi Giáp Dần, tặng phong Diên Phúc Hầu(1). Say mê Thánh giáo(2), gây dựng duyên lành. Cụ bà họ Nguyễn, húy Hương, hiệu Từ Tại, được tặng phong chánh phu nhân(3), đã chở bè Từ(4) mà vun trồng quả Phúc, Cụ là người xã Lan Độ. Thực là phúc tích nhiều từ đời trước nên ơn để mãi cho đời sau:
Cụ tổ bốn đời: họ Nguyễn, húy Bồn, tự Đoan Trực. Tuổi Ất Dậu, được tặng phong Giáo Nghĩa Hầu. Cụ bà họ Trương, húy Quế, hiệu Từ Nhân, tuổi Nhâm Thìn, được tặng phong Chánh phu nhân. Đời trước mở lối nên đời sau mới thịnh vượng. Đức sáng đó có từ lâu nên mới sinh ra được người học thức như vậy.
Cụ tổ ba đời: là Tướng công họ Nguyễn, húy Thực tự Phác Phủ. Tuổi Ất Mão (1555). Làm quan đên chức Dực Vận Tán trị công thần, Hộ bộ Thượng thư, kiêm Hàn Lâm viện Thị độc, Chưởng hàn lâm viện sự, Kiêm Đông các Đại học sĩ. Quốc lão, tham dự triều chính, Thái phó Lan Quận Công. Về hưu, thọ 83 tuổi, mất năm Đinh Sửu (1637), được tặng Thái tể, Thụy Trung Thuần, Tướng công là người học rộng cổ kim, tài giỏi trong triều đình. May gặp buổi nhà Lê trung hưng, nhờ có đức Thánh Tổ Triết Vương (Trịnh Tùng) đem tài dẹp giặc loạn, thỏa chí yên dân, diệt trừ nhà Mạc, khôi phục cơ đồ. Khoa thi Hội năm Ất Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ 18 (1595).
Tướng công 41 tuổi đỗ Đệ nhị giáp, đệ nhất danh, Tiến sĩ xuất thân, bảng vàng treo cao. Ban đầu vào tòa Hàn lâm, ra làm Hiến sứ rồi vào bộ Hộ. Trong một năm thuyên chuyển khi vào trong, khi ra ngoài, thăng chức Tự Khanh, giúp việc Phủ Chúa. Các việc phức tạp đều được giúp sửa sang. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) đi sứ phương Bắc; mọi việc thành công. Thụ chức Lễ Tào Tả Hữu. Dạy con thì đăng khoa đỗ đạt. Phẩm trật được thăng Hình bộ Thượng thư. Khi hầu ở tòa Kinh Diên được hun đúc Đức Vương, khi giữ chức ở Hàn lâm viện thì phô diễn lời Chúa.
Một ngày tháng 06 năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), trong nhà xảy ra biến cố, vận nước gặp buổi gian truân, thực nhờ có đức. Văn Tổ Nghị Vương (Trịnh Trạng) có tư chất nhân hậu, chí khí anh hùng, giúp vua cha cứu xã tắc, dốc lòng hiếu trung, phò xe vua về Thanh Hóa lại mưu khôi phục.
Tướng công tuy gặp buổi hoạn ly càng gan bền dạ sắt. Từ ông cha đến cháu theo đòi cả nhà vì Nước, đem mưu trí mà phó tá giúp Vua. Đức đủ giúp đời, nuôi dân. Tài thừa ngăn thù chống giặc. Khi tiến phát vâng lệnh đôn đốc năm cơ tiên phong, tướng nguy ở trận Chu Kiều bị bắt, thừa thắng bao phen, kéo gấp quan quân mà họp lại, quân Mạc ở làng Thổ Khối vỡ tan. Lấy lại kinh thành. Phụng xét kẻ bầy tôi có công lao cao thấp mà phong Dực vận tán trị, ban đất chia ấn. Vào bộ Lễ thăng tiển đầu nạp ngôn, vẻ vang ngang hàng tước Công. Kiêm chức Đông các, đáp ứng văn thư đứng đầu hàng Quốc lão, tham dự triều chính. Quyền Tri cống cử, đề bạt người anh tuấn để nhà nước có sẵn người sử dụng. Trách nhiệm giữ đạo thày dạy bảo bọn hậu học nên phần nhiều người khoa cử từ cửa ấy mà ra. Tiêu biểu cho triều đình, là bậc tông thần(5) của một thời đại là “thi-quy”(6) cho vạn thế, là bậc nguyên lão của ba triều vua(7). Huống chi một dạ yêu lo cho nước cho dân, làm quan hay về nghỉ tùy thời. Sánh với Bùi Công là tướng đời Đường trước kia(8)vui vậy hoa trúc, để lại Sử kinh ruộng tốt(9) cho đời sau, dạy bảo cháu con. Bà nội họ Đàm, húyThành, hiệu Từ Thục. Tuổi Quý Hợi, được ấm phong Quân Phu nhân. Hưởng thọ 77 tuổi. Mất năm Kỷ Mão. Là người xã Ông Mặc.
Phu nhân là người thuần hòa, rộng rãi, mềm mỏng dịu hiền, hết mực thờ chồng. Tốt tươi thay cây cù mộc(10), phúc lộc dồi dào, của nhà hòa thuận. Vui vẻ thay thơ Chung tư(11), điềm lành báo ứng, con cháu đông nhiều.
* Cha là Nguyễn tướng công, húy Nghị, tự Hoà Thiện. Tuổi Mậu Tý làm quan đến chức Dực Vạn Tán trị công thần, Lại bộ Thượng thư, Tri Kinh diên sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu Phó Dương Quận Công. Thọ 70 tuổi. Mất năm Đinh Dậu, được tặng Thái Phó, tên thụy là Cung Ý. Tướng công là bậc tài ba rường cột, tuấn kiệt hơn người. Học hiểu sâu rộng tận nguồn Thù - Tứ(12) thấu triệt các kinh và lối văn sáng sủa mượt mà của Hàn Âu(13) nên tiếng lừng lẫy đương thời. Vào niên hiệu Hoằng Định thứ 20 năm Kỳ Mùi (1619) Tướng công mới 32 tuổi, khoa thi Hội đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, bảng Rồng Hổ ghi tên. Mừng vui tuổi trẻ đăng khoa, thềm rợp bóng Xuân huyên(14) an ủi song thân càng thọ.
Vào túc trực Hàn lâm giữ chức quan trọng yếu mà lương bổng ít. Bổng quốc sự thay đổi, gặp buổi loạn ly, tướng công thuận theo nghĩa, hết lòng giúp đỡ khi nguy cấp. Thờ vua cha tròn trung hiếu, tiết tháo sáng như mặt trời, như ngôi sao. Vua thương kẻ bầy tôi có công nên thăng chức Cấp đô, tước Tử, tước Bá. Cử đi sứ phương Bắc, làm vẹn toàn mệnh nước, uy tín quốc gia được đề cao. Dự ở phủ chúa thì phải quyết mọi việc mưu lo chính sự. Từ chức Phó đô Ngự sử qua chức Đô đài, phong độ uy nghiêm, cả triều đình nể, đứng đầu bộ Lễ cầm ngọc hoàn khuê. Ơn được bao trùm. Giảng bài nơi Kinh Diên (nhà học của vua) thì vua học tấn tới, kiêm chức Tế tửu thì người trong nước tuân theo. Ở Đông các, viết bài ngoại giao thì nước bạn tin thân. Ở bộ Lại cầm cân nẩy mực, chọn tài trao việc. Có khi làm Tri cống cử ở khoa thi Hội, vườn quỳnh dự ban hoa bạc; có lúc tới đợi mệnh ở cửa Nam quan nhà Minh phong tặng ấn vàng. Giữ gìn công luận nơi triều đình, xếp đặt khuôn phép nơi đài các. Hốt cài, Đai rủ, mấy triều bền vững tri an.
Đỉnh khắc, chuông ghi, ngàn thủa sáng ngời sự nghiệp.
Mẹ là bà họ Nguyễn, húy Quyên Du, hiệu Chiêu Huy. Tuổi Tân Mão. Được ấn phong Quận Phu nhân. Thọ 73 tuổi. Mất năm Quý Mão. Bà vốn tính kiên trinh, phong cách trung hậu, kiệm cần, giữ đạo tam tòng, trị nhà theo nếp Chu Phi(15) cùng ban lục quý(16). Ơn nước ấm phong Mệnh phụ. Phúc lành chăm chỉ tích tụ, công hầu nối tiếp sinh ra.
* Con trưởng Nguyễn hầu kế thừa phúc ấm trong nhà, lộc hưởng cùng nước. Năm Quý Hợi, tuổi mới 16 cùng ông nội vững lòng theo đòi phá trận lập công, vinh phong Tán trị công thần Xuân Phong Tử.
Lấy người xã hà Lỗ họ Dương, húy Nhị Cẩn, hiệu Nhu Hạnh. Sinh giờ Ất Tỵ ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Tý, là con gái yêu của ông Tri huyện trước đây họ Dương, húy Án, hiệu Lỗ Am và bà chánh thất họ Nguyễn, húy Sáng, hiệu Từ Huệ.
Nguyễn hầu gặp hội gió mây, sử sách ghi công mà phỉ nguyền sánh phượng. Vợ ông thì mộc mạc duyên ưa, lân hùng(17) ứng mộng mà đẹp duyên cưỡi rồng. Huống chi ông y bát(18) gia truyền, nghiên cứu sách Thượng thư (sách cổ), đức hạnh ôn hòa thuần thục như mặt trời sáng, như đám mây hòa. Văn chương hùng hồn tươi đẹp như sao Đẩu, như sông Hán. Nhiều đời lừng lẫy danh tiếng, bao khoa đỗ cao nơi cức viện(19). Do chức Tư Vụ thăng Viên ngoại lang, cỗ xe Phó Sứ Hiến Sát đã sắp sửa… Dời chức cũ về ở nhà riêng, vui mừng cho ngành học ở Hà Phần(20)đã mở mang. Khi dạy họ thì giảng Kinh Dịch, Kinh Lễ, học theo Trình, Chu mà tới thể dụng bao gồm hết, khi học nhập môn thì có phán đoán, mưu trí, thẳng thắn, trí tuệ để trở thành bậc Tam công Tướng phụ. Có nhiều hiền tài thì chọn mè rui về sau, giàu đạo đức hãy hãy thu rường cột trước. Vâng lệnh chúa vời đến dạy bảo cho Vuơng tử, trước hết dạy Trung Hiếu khiến cho có đủ đức thẳng thắn, khoan dung. Từ chứcc Ngự Sử thăng lên Đô Khoa, tiến cử vào triều cũng như các nhà khoa mục để sử dụng. Từ đấy, đài sảnh liền ban, cả nhà hưởng lộc.
- Người con giai cả là Nguyễn Tân vì là con trưởng mà được ấm phong Hiển Cung, thờ phụng tổ tiên để tỏ làng hiếu kính. Lấy vợ là Nguyễn Thị Hoàng người xã Nguyễn Xá huyện Yên Phong hợp duyên kim cải, sân rợp quế hòe(21), con cháu đầy đàn được lâu đời vậy.
- Con giai thứ hai là Nguyễn Trại học sâu rộng như sông biển, danh quý như ngọc ngà - người này hẳn kế tục đỗ khoa tướng tướng(22) mà sự nghiệp hẳn nối gót hai người ông vậy.
- Con giai thứ 3 là Nguyễn Khuê.
- Con giai thứ 4 là Nguyễn Sĩ.
Học cùng thầy ngồi da hổ(23), danh cùng nêu bảng Rồng. Anh được cất lên ngôi Cấp Sự làm cận thần Phủ Chúa. Em giữ chức Ngự Sử Đô đài làm vương triều nội tán. Hai ông đều là công cụ quan trọng của miếu đường và công lao sự nghiệp ắt hơn người vậy.
- Con giai thứ 6 là Nguyễn Toàn nhờ sự tích lũy của nền thiện trong nhà, đội ơn lộc nước sâu xa.
- Con giai thứ 7 là Nguyễn Thuyên là một nhà nho như “ngọc lành đợi giá” trên chỗ ngồi, tay những hẹn “vin cành nguyệt quế”. Người này tất sẽ nối được sự nghiệp đỗ đạt của nhà nho. Vợ họ Nguyễn người xã Thanh Dương, huyện Quảng Xương.
- Con gái thứ 6 là Nguyễn Thị Đào. Người đẹp ngọc lành sánh giá, quân tử tốt đôi(24) trao tơ gặp ông Nguyễn Ngô Chung là nho sinh trúng thức, người xã Cẩm Chương, thuộc dòng dõi nhà nho cao sang, văn chương mẫu mực. Người này ắt hẳn sẽ tiến lên con đường ngay thẳng của khoa mục vậy.
Ôi! Con cháu Nguyễn Hầu đông đúc. Họ hàng Nguyễn Hầu hiển vinh. Chú ruột làm chức Tổng binh đồng tri, huý Phú; thím là bà họ Ngô, huý Chân.
- Các em trai Nguyễn Hầu là ông Nguyễn, huý Hoành làm Tham nghị tỉnh Hải Dương; ôngNguyễn huý Thầm làm tả mịch tỉnh Sơn Nam. Họ đều là con cháu bậc công thần, đều được vẻ vang tước lộc, có vận khí lâu dài, được ứng thọ lộc. Đến các cháu của Nguyễn Hầu tước Hoằng Trí hầu cũng là bậc tướng tài trong cửa tướng, và cả tới những người cháu khác… cũng là bậc danh nho của nhà nho. Nghiệp cơ đầu(25) không hổ, ơn thi thư còn dài.
Vả lại Nguyễn Hầu, cha con cùng triều. Vua – tôi gặp gỡ.
Tháng 6 năm Nhâm Tý (1672) vâng lệnh đại nguyên soái Chưởng quốc Chính Thượng sự Thái phụ Đức công Nhân Uy Minh Thánh Tây Vương (Trịnh Tạc). Phò xa giá nhà vua, đem đại quân vào Nam đánh tỉnh Thuận Hóa, Quảng Nam chuyên giao cho Nguyên soái Điển quốc chính Định Nam Vương (Trịnh Căn) nắm giữ quân quyền sai phái các tướng. Khi ấy Nguyễn Hầu vâng lệnh làm chức Đốc thị cùng với quan đốc xuất dẫn đến các thuộc Cơ đến đóng ở châu Bố Chính. Lại vâng lệnh tuyển thêm hương binh để bổ sung cho đội ngũ, chia ra đi tuần các đường thủy, bộ. Tiếp lại vâng lời chỉ dụ phải bảo vệ chuyên chở các quân nhân ốm yếu nên những người còn sống được đắc thọ. Lại đôn đốc trông coi Châu sở tại thiêu đốt những quân nhân ốm chết nên những người đã chết được siêu thăng. Trên để mở rộng cái lượng cao cả của cửu trùng, dưới để biểu dương âm đức ở nơi âm phủ. Công đức phổ biến thực xa vậy! Cho nên công nghiệp huy hoàng đến đời cháu chắt cũng không dứt. Bởi có Ông như thế, Cha như thế, Con như thế, kế tiếp nhau tiến trên đường khoa danh, lại gặp lúc Vua có thể làm, Tôi có thể làm, rõ ràng thực hành được học thuật.
Nay xem những môn sinh này Đàn hạnh(26) học hành trướng hồng(26) gần gũi. Kẻ vào nhà thì hái sắc hun hương, người lên thềm(27) thì tìm châu chọn ngọc.
Có người làm chức Thừa Ty, Hiến sát; có người được lên Ngự Sử, Cấp Đô. Có người đỗ khoa thi Hội huy chỉ đỗ tam trường, có người đỗ khoa Hương là do từ nhà học quán. Ơn dạy dỗ như cá nhảy diều bay(28), lòng phấn khởi như phượng múa bằng bay. Những muốn cắp bầu rượu bó rau để tỏ niềm vui thấm nhuần đạo văn chương. Khách trình bầy hết việc tốt đẹp, ta nhân đấy mà gửi lời ngợi khen.
Ôi! Danh phận là dòng dõi nhà quan mà biết dè chừng điều kiêu xa, đó là đáng khen. Nhược bằng đem trách nhiệm đạo làm thầy mà duy trì giáo hóa cho đương thế, lại càng đáng kính.
Nguyễn Hầu chí hết lòng trung thờ Vua, dạy con tận nghĩa. Người biết rằng: dựng nên đạo phải cho Dân ấy là ông thầy, vậy thì thầy phải bắt chước thánh hiền làm ơn cho dân, khiến cho dân được sung sướng như lên đài gió xuân. Người biết rằng: người mở ra hội thanh bình cho đời cũng là thầy; vậy thì phải thể hiện cái lòng lo cho đời của thánh hiền, làm cho đời lên cõi nhân thọ. Như thế thì trời kia sẽ xét công và ông Nam Tào sẽ tăng cho tuổi thọ. Khi đã cáo lão về hưu, nơi bệ ngọc vẫn nghe nhạc Thiều văng vẳng, xum xuê cành quế, thơm tho khoa danh; nối tiếp như đồng tươi tốt. Kiêm Ngũ phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh. Đạt cả tam tôn: Tước, Xỉ, Đức. Tên thầy trò nêu trong sử sách, lưu truyền vĩnh viễn. Đạo văn nay còn mãi trong trời đất chiêm ngưỡng không ngừng.
Tốt đẹp vậy thay! Như thế thì Nguyễn Hầu không những không thẹn với sự nghiệp làm tướng của ông cha mà cũng có thể gót với sự nghiệp làm tướng của ta vậy.
Lời rằng:
Gia đình học giảng Thi Thư Lễ.
Tướng tướng khoa đăng Tổ Phụ Tôn.
Câu nói ấy chính là để mừng Nguyễn Hầu cũng là để mừng các môn sinh đang kế tiếp tiến bước và cũng là để mừng cho cả thiên hạ. Mừng lắm! Mừng lắm!
Khách phục lời nói đó; bèn đem khắc vào bia đá để mong cho tấm bia truyền được lâu dài.
Nay là ngày tốt tháng giêng năm Ất Mão.
Của muôn muôn năm niên hiệu Đức Nguyên Triều Lê (1675).
* Các người có tên ghi bảng vàng:
- Lê Thức xã Tam Lộng, huyện Lôi Dương.
- Đỗ Công Liêm xã Cổ Đôi, huyện Nông Cống.
- Nguyễn Đăng Tuân xã Hoài Bão huyện Tiên Du.
- Hoàng Đức Đon xã Mậu Thôn huyện Phú Vinh.
Phủ Triệu Phong - Tả Tam Chính.
Các Giám Sinh:
- Bạch Đăng Thông xã Nội Duệ Huấn đạo.
- Nguyễn Viết Tuấn xã Nội Duệ huyện Tiên Du Huấn đạo.
- Nguyễn Xuân Khanh xã Phù Đổng huyện Tiên Du Tri huyện.
(Lược bớt 52 người)
Các Sinh Đồ:
- Nguyễn Hữu Phỉ xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn.
- Nghiêm Đăng Dung xã Thiết Bính huyện Đông Ngàn.
- Nguyễn Danh Huyên xã Xuân Lôi huyện Yên Phong.
(Lược bớt 26 người)
Các nho sĩ:
- Vũ Văn Đỉnh xã Chu Tảo huyện Tiên Phúc.
- Ngô Quang Minh xã Bình Lâm huyện Yên Phong.
- Nguyễn Trường Xuân xã Phù Khê huyện Đông Ngàn.
(Lược bớt 18 người).
 Ảnh minh họa

Chú thích:
1. Chế độ phong kiến Việt Nam có quy định về tước trật có 5 là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, Tước công (Quốc công, Quận công) là Thượng trật, thứ hai là Hầu…
2. Chỉ nho giáo của Khổng Mạnh.
3. Theo phẩm trật của chồng mà xưng hô vợ, Phu nhân thì chồng là nhất phẩm, cung nhân thì chồng là Tam phẩm, rồi Nghi nhân, An nhân, Thục nhân…
4. Thuật ngữ nhà Phật, bè từ thiện chở người qua bể khổ trầm luân.
5. Tông thần: Người bề tôi giỏi mà thời đại trông ngóng.
6. Thi – Quy: Cơ thi, mai rùa là hai thứ ngày xưa thường dùng để xem bói xem lành hay dữ trước khi làm một việc gì.
7. Ba đời vua: Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông.
8. Tức Bùi Độ tự Trung Lập giữ chức Trung thư thị lang đời Đường Hiến Tông, dẹp xong giặc Hoài Thái được phong Tấn Quốc Công, sau vì ghét hoạn quan chuyên quyền, ông cáo quan về nghỉ.
9. Ví sử kinh như những ruộng tốt có thể đem ấm no cho mọi người.
10. Cù Mộc: Thơ cù mộc trong Kinh Thi. Bài thơ ca ngợi đức hạnh bà Hậu phi của Văn Vương được đời mến phục như cây cao bóng cả chở che bỉm sĩm.
11. Chung tư: tên bài thơ trong Kinh Thi nói về con cháu đông đúc.
12. Thù, Tứ: tên hai con sông nơi Khổng Tử dạy học – ý chỉ đạo Khổng.
13.Hần, Âu: Hàn Dũ người đời Đường. Làm quan Lại bộ Thị Lang. Thẳng thắn hay bị biếm truất. Uyên thâm bách gia chư tử. Âu Dương Tu Tiến sĩ đương Tống làm quan Tham tri chính sự về trí sĩ – văn chương nổi tiếng.
14. Chỉ cha mẹ như cây Xuân sống lâu, cây Huyên là người ta bớt lo phiền.
15. Chỉ bà hậu phi vợ vua Văn Lang nhà Chu (xem chú thích Cù Mộc)
16. Lục quý: 6 cung của Hoàng hậu ở.
17. Lân Hùng: Như Bi hùng chỉ điềm mộng báo sinh con giai.
18. Y, bát: Áo cà sa và bát để khất thực, 2 vật được trao truyền của nhà tu hành Phật Giáo - Mượn ý nói truyền thừa học thống.
18.Cứu viện: Nơi thi cử xưa thường rấp gai ở xung quanh để bảo vệ.
19. Hà Phần: Nơi nhà đại nho Tích Huyền Thông cuối đời Đường đã mở trường dạy học, đào tạo được nhiều nhân tài.
20. Quế hòe: Chỉ con cháu đông đúc, đều học giỏi, có công danh phú quý.
21. Tên khoa thi đào tạo cả tướng văn tướng võ.
22. Ngồi da hổ: Trương Tái đời Tống ngồi trên tấm da hổ để giảng Kinh Dịch. Đời sau gọi chiếu ngồi dạy học của người thầy là đan da hổ.
23. Thơ Quan Thư trong Kinh Thi ý nói đẹp đôi trai tài gái sắc.
24. Chữ trong Kinh lễ: ý nói nối nghiệp cha.
25. Đàn hạnh: Nơi Khổng Tử dạy học. Nền cũ nay còn ở Khúc Phụ, Sơn Đông.
26. Trướng hồng: Mã Dung đời Hậu Hán ngồi dạy học thường chăng màn đỏ đàng trước dạy học trò, đàng sau có bộ nữ nhạc. Về sau gọi chỗ ngồi dạy học là trường hồng.
27. Chỉ trình độ học thức của học trò có khác nhau.
28. Ý nói mọi vật được sống thoải mái trong trời đất – Theo ý câu Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên” trongKinh Thi.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.232-245
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ