Về hai tấm bia khai hoang và lập làng mới ở Kiến Thụy - Hải Phòng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Về hai tấm bia khai hoang và lập làng mới ở Kiến Thụy - Hải Phòng

VỀ HAI TẤM BIA KHAI HOANG
VÀ LẬP LÀNG MỚI Ở KIẾN THỤY HẢI PHÒNG
NGUYỄN THỊ KIM HOA
Đại học Hải Phòng
Nhà Nguyễn từ khi lập nước rất coi trọng khai khẩn đất hoang. Các triều Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức liên tục đặt ra chính sách ban thưởng cho những người lập công khai hoang, lập ấp đặc biệt là khai hoang vùng ven biển. Các vị danh thần có công lập ấp như Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn lập ra các huyện Kim Sơn, Tiền Hải đã được triều đình ân thưởng và nhân dân ca tụng, nhớ ơn.
Hải Phòng ngày nay là vùng đất ven biển phía đông bắc của đất nước có lịch sử trải mấy ngàn năm, trước đây cũng được các triều đại của nhà nước phong kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề khai hoang lấn biển, phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo thành vùng đất “phên dậu” vững chắc cho vùng châu thổ sông Hồng nói chung và kinh thành Thăng Long nói riêng. Theo kết quả điều tra điền dã cho thấy Cổ Am (Vĩnh Bảo) thờ Tô Hiến Thành là thành hoàng làng vì ông đã về đây đôn đốc, khuyến khích việc khai hoang, đắp đê biển, được vua Lý phong lập thái ấp nơi đây. Nhân dân thờ ông còn để nhớ ơn ông đã trị thủy giúp dân. Ngoài ra còn rất nhiều nơi trên địa bàn Hải Phòng ngày nay lưu lại dấu vết của những công trình liên quan đến việc ngăn mặn khai hoang lấn biển, phát triển sản xuất nông nghiệp như đê cổ Chân Kim, đê Thiên Lôi ở An Dương do Phạm Tử Nghi đắp, đê nhà Mạc ở Thủy Nguyên, An Lão...
Cũng trong lĩnh vực khai hoang lập ấp của đất Hải Phòng xưa chúng tôi đã phát hiện ra hai thác bản bia mang kí hiệu N029991 và N029992 của xã Hợp Lễ tổng Tư Thủy huyện Nghi Dương phủ Kiến Thuỵ nay là thôn Hợp Lễ, xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy, hai văn bản văn bia này phản ánh rất cụ thể và sinh động công cuộc lấn biển gian lao của người dân nơi đây. Kiến Thụy là một địa danh mà vừa có vùng đất cổ đã từng là Dương Kinh của nhà Mạc và vừa có vùng đất vừa mới khai hoang vào cuối triều Nguyễn. Hai tấm bia trên lập vàođầu thế kỷ XX, nói về việc khai hoang lấn biển của người dân nơi đây. Bia N029991 một mặt, kích thước 0,87 x 1,35m, có hoa văn rồng, mặt trời, bút, nghiên, quạt, nậm rượu. Bia có 26 dòng, mỗi dòng có khoảng từ 20 đến 34 chữ, không có chữ kị huý. Bia không ghi người soạn, người khắc. Niên đại được khắc trên tên bia “Bảo Đại thập nhất niên tạo” (1936). Bia N029992 gồm một mặt, kích thước 0,85 x 1,39m có hoa văn chim phượng, hoa lá, hoạ tiết. Bia có 26 dòng, mỗi dòng có từ 1 đến 52 chữ. Bia chữ mờ nhiều, không có chữ kị húy. Niên đại trên bia khắc vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Cử nhân Hàn lâm viện Kiểm tịch Nguyễn Hữu Thụy người Phú Kê, Tiên Lãng, Kiến An soạn văn bia. Lý đình kinh thí tam trường Vũ Văn Tiêm người Diễn Châu, Nghệ An viết chữ. Như vậy hai tấm bia này cùng được dựng trong một năm Bảo Đại thứ 11 (1936).
Nội dung của hai tấm bia có sự kế tiếp về sự kiện. Bia N029991 nội dung là biểu dương việc thiện, ca ngợi Nhiêu nam Đỗ công, huý Đãng, thụy [] Danh, nguyên người ở xã Vọng Hải, tổng Tiểu Trà, giữ chức Chánh tổng, bổ thụ Cửu phẩm Bá hộ. Vào năm Thành Thái thứ 18 (1906) vâng theo sức chỉ triều đình đến đây khai khẩn, chiêu tập nhân dân, lập ra tên xã. Một vùng ven biển dưới sự nỗ lực của ông và những người theo ông khẩn hoang sau một thời gian vất vả đã trở thành làng xóm. Công sức bỏ ra để khai hoang lấn biển là vô cùng khó nhọc thế nhưng vào năm thiên tai công sức đó lại bị thiên nhiên khắc nghiệt phá hủy nặng nề. Ông họ Đỗ lại bỏ tiền của xây dựng nhà cửa, kêu gọi dân trở về lại làng xóm và dần dần nơi đây trở nên trù phú, đông đúc. Nhân dân nơi đây “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công lớn với vùng đất đã khắc bia ghi lại sự kiện này để con cháu đời sau không quên. Cuối bia còn ghi tên tuổi và quê quán những người tham gia vào công cuộc khai hoang lấn biển cùng khẩn chủ Đỗ công.
Trong bài kí của bia N029992 đã tiếp tục ghi lại những sự kiện quan trọng của một làng mới Hợp Lễ do vị khẩn chủ họ Đỗ lập ở vùng ven biển. Năm Duy Tân thứ 7 (1913) làm đình, thiết lập thần hiệu, năm Khải Định thứ nhất (1916) bắt đầu thu thuế ruộng và ghi rõ thu bao nhiêu mẫu, năm Khải Định thứ hai (1917) quan trên về đo đạc ruộng đất trong toàn xã, năm Khải Định thứ 5 (1920) triều đình cử người về phân chia ruộng đất sau đó ghi chép gửi lên Khâm mệnh Bắc kỳ Thống sứ đại thần hội đồng nghị định để duyệt và phê chuẩn, năm Khải Định thứ 10 (1925) việc phân ruộng công tư đã xong, năm Bảo Đại thứ nhất (1926) dân xã bầu các chức trong xã, trang hoàng lại đình và tính từ năm Thành Thái thứ 18 (1906)đến năm Bảo Đại nguyên niên (1926) vào khoảng 20 năm dân số trong xã tất cả nam phụ lão ấu được hơn một trăm người, bắt đầu từ đây dân chúng an cư lạc nghiệp xây dựng một vùng ven biển trở nên phồn thịnh. Trong bài kí còn nhắc đến một sự kiện năm Bảo Đại thứ 8 (1933) thì người có công lớn với vùng đất và dân cư nơi đây là vị khẩn chủ họ Đỗ đã tạ thế và có ghi rõ khẩn chủ đã di chúc dùng ruộng đất của mình để trợ giúp những hoạt động chung của dân xã.
Qua nội dung của tấm bia đã cho ta thấy đây là một tư liệu quý cho địa phương đồng thời ghi lại rất cụ thể hoạt động của một làng mới được lập ở vùng ven biển. Tư liệu của tấm văn bia cho ta thấy:
Về lịch sử vùng đất.
- Vùng địa bàn Hải Phòng với những ưu thế của mình trong thời kỳ nhà Nguyễn đã chuyển mình phát triển thành đầu mối giao thông cảng biển nhưng vẫn được khuyến khích về khai hoang phát triển nông nghiệp. Triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc khai hoang lấn biển, có chính sách rất rõ ràng về vấn đề này đồng thời quản lí rất chặt chẽ đất đai mới được khai hoang.
- Địa bàn Hải Phòng là vùng duyên hải có lịch sử nhiều biến động về đất đai khai thác cho sản suất nông nghiệp, và có bề dày về công cuộc lấn đất ra biển phục vụ cho đời sống con người.
- Nội dung bia cho ta thấy diện mạo của công cuộc chinh phục thiên nhiên đầy cam go, thử thách của những người đi khai hoang lấn biển, lập làng trên vùng đất này. Đó là hành trình gian lao để cải biến vùng đất có lợi thế thành lợi ích cho con người.
- Hoạt động các mặt của một làng nông nghiệp trong thời kỳ đầu mới thành lập như : lập đình, thu thuế ruộng, đo cụ thể đất đai của làng, phân chia đất cho dân làng, vẽ bản đồ đất đai đã phân chia gửi lên cho nhà nước quản lý, thống kê nhân khẩu, …
Về con người và cộng đồng cư dân.
- Qua tên tuổi những vị được nêu trong văn bia ta thấy những người đến khai hoang lập ấp nơi đây là từ nhiều nơi hội tụ về như Đồng Xá, Vọng Hải, Hàng Kênh, Vân Quan, Phong Cầu, Trà Khê… Đó là sự đồng lòng chung sức của nhưng con người ở nhiều miền quê nhưng cùng chung một ý chí sắt đá chinh phục thiên nhiên đem đến cuộc sống ấm no cho con người. Từ đó cũng cho ta thấy công lao kỳ tích của cha ông ta đối với từng tấc đất ở vùng ven biển miền đông bắc Tổ quốc.
- Tinh thần kiên cường khắc phục thiên nhiên đã tạo nên tính cách của con người nơi đây mạnh bạo, sẵn sàng đối đầu với mọi điều khó khăn gian khổ. Kiên quyết không đầu hàng thiên nhiên khắc nghiệt, giành lấy đất đai để tạo lập cuộc sống.
- Khẩn chủ là người có công rất lớn vùng đất, là người “khởi đầu nan”, nhiều tâm huyết, làm chỗ dựa vững chắc cho mọi người đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn. Khẩn chủ cũng đóng góp tiền của cho dân làng trong những ngày đầu gian lao cho nên khẩn chủ là người được cộng đồng dân cư sùng bái, tôn thờ mãi mãi đồng thời cũng được triều đình phong kiến được đánh giá công lao một cách xứng đáng.
- Những người có công trong việc khai hoang đều được hưởng thành quả mà cụ thể ở đây là được chia ruộng đất. Việc chia ruộng đất này được người dân tham gia khai hoang tự phân bổ sau đó triều đình xem xét, đánh giá và chấp thuận. Như vậy là thành quả của công cuộc khai hoang được sử dụng có sự thống nhất giữa người dân và triều đình.
Về đời sống tín ngưỡng, tinh thần.
- Đời sống tâm linh rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư nông nghiệp của nước ta cho nên khi dân cư tụ họp, lập làng ở đâu thì ở đó xuất hiện đình làng cũng như rước thần về thờ. Đình làng là nơi không thể thiếu trong sinh hoạt chung của cộng đồng làng xã đồng thời cũng là nơi thờ thành hoàng của làng. Đình làng là chỗ dựa về mặt tâm linh chung cho cộng đồng dân cư luôn phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng biển đầy sóng gió, với cuộc sống mới được tạo dựng trên vùng đất còn nhiều khó khăn, gian khổ.
- Đình làng còn là nơi phối thờ những người có công lao với vùng đất. Đây cũng là việc nhớ ơn những người đi trước của cộng đồng dân cư. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã tạo nên sức mạnh của làng xã Việt Nam từ xưa tới nay và ở những làng mới lập cộng đồng dân cư có thiếu thốn đủ bề cũng không bao giờ sao nhãng truyền thống này. Không những việc làm đó là nhớ ơn các bậc tiền bối mà còn là tấm gương cho những người đang sống và nhiều thế hệ về sau. Người có công với làng xã thì tiếng thơm muôn đời, vinh dự để lại cho con cháu mãi mãi.
Nhận thấy đây là hai tấm bia có giá trị trong việc nghiên cứu chính sách khai hoang của triều đình nhà Nguyễn và lịch sử lấn biển mở mang đất sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng, chúng tôi xin đăng nguyên bản và dịch nghĩa toàn bộ hai bài văn bia:
Bia ký hiệu: N029991
 ... (tổng cộng 21 người) 
 (1915) 
 ,  , ,  , 
西 1920  []  , 。俵 , ,  ,  , 使許。
 [][][][][][] 西 [][][][][][][]  ... (mất mấy dòng).
 1925  (mê 7 ch÷)  []  [] 
 []  , , []  ,
 []  []  ,  . 
 [] 
 [] 
 ,  [] 
次。
 []  :  (mê 4 ch÷)
Dịch nghĩa:
Tạo năm Bảo Đại thứ 10 (1935)
Chức sắc, kỳ hào, lý dịch và toàn thể trên dưới xã Hợp Lễ tổng Tư Thủy huyện Nghi Dương phủ Kiến Thụy lập bia ghi lại việc:
Từng nghe: Uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải vun gốc. Hễ có sự nghiệp tốt đẹp là do suy nghĩ của con người, nên ghi chép để lại đời sau lưu truyền mãi mãi. Xã ta tên là Hợp Lễ, ban đầu từ Đỗ công chiêu dân lập ấp, triều đình theo công lớn mà suy tôn ân đức, đền đáp công lao, ghi vào sử sách của làng để nhớ đến. Ông là con trai của Đỗ quý công người giữ chức Thí sai cai tổng được sắc tặng Trung tín Tá hiệu úy bát phẩm Bá hộ. Cha ông đã chống lại hải tặc mà tuẫn tiết cho nên được truy phong. Tôn lệnh công vì có công đắp đê mà được gia ân thăng thưởng, một nhà tiếng thơm muôn đời. Ông đối với một tổng làm được điều tốt đẹp lớn lao chẳng phụ là một vị quan của dân, ông ấy đối với một ấp công ơn trời biển phi thường để có thể tôn làm khẩn chủ. Vào thủa ban đầu, có nghị lực, có hùng tâm lại có tài sản để làm việc có đầu có cuối. Một khu Hải Nhi được khai hoang lần đầu tiên xây dựng nhà cửa, một dải Tắc Doãn phân địa giới để vẽ thành bản đồ. Khơi dòng mương lạch, xây dựng đường xá. Bờ kia cõi nọ thửa thửa gọn gàng, sổ ruộng đất thuế khai rõ ràng rành mạch. Trong chỉ vài năm mà sông Lê Xá bị vỡ, sóng lớn như kình ngạc khiến cơ đồ của dân như chui vào bụng cá. Lại chiêu mộ và dân ấp lại xây xong nhà, xong sân, tập hợp thành… Nói chung trải một số năm gian khổ đã tạo thành ấp mới. Lại không tiếc tiền của tốn phí xây dựng nhà mới khiến cho dân có ruộng cày cấy làm tam nông an ủi, thần thánh có nơi thờ cúng trăm phúc đều đến. Từ nay về sau cuộc sống phồn thịnh trở thành làng nổi tiếng, trở thành ấp lớn đều do ông Đỗ công để lại. Người ở làng này, lên đình này đều uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, nhớ đến bậc sáng suốt đã có dự định lâu dài xa xôi. Đá có thể ghi lại đức lớn tốt đẹp dân không thể quên được.
Cung kính suy nghĩ:
Triều Nguyễn nhiêu nam Đỗ công tên là Đãng thụy [] vốn là người xã Vọng Hải, tổng Tiểu Trà trước là Lý trưởng, là Thí sai Chánh tổng nhận được ơn trên bổ thụ thăng thưởng Chánh cửu phẩm Bá hộ được là Khẩn chủ của xã Hợp Lễ. Vốn năm Thành Thái thứ 18 nhận được sức chỉ nhà nước cho phép khai khẩn đất hoang, ông làm đơn xin nhận khai hoang một khu đất lập làm một xã, ông lại sửa đơn đệ trình lên Đại nhân Tri phủ bản phủ Bùi Hướng Thành, đã được chuyển bẩm lên nhà nước cho phép khai khẩn đất hoang được một khu là 580 mẫu được phân chia, đóng cọc gỗ, vẽ bản đồ ruộng đất công tư, có đầy đủ mốc giới đông tây nam bắc được xác nhận rõ ràng. Chiêu mộ nhân dân trong tổng đến đây xây nhà, khai hoang lập thành xã gọi tên là xã Hợp Lễ. Năm Duy Tân thứ 2 nhận được sức chỉ khai suất đinh, bầu chọn tổng lý. Hiện số dân đinh trong xã là 40 suất, chọn bầu Lê Văn Ngung quê ở thôn Trà Khê làm Lý trưởng, chọn bầu Đỗ Văn Chuẩn quê ở xã Vọng Hải làm Phó lý thừa hành công vụ, tính toán thu thuế. Một ngày tháng 3 năm Duy Tân thứ 3 sông Lê Xá vỡ, dân bỏ ruộng, số dân đinh chỉ còn hơn 10 người bèn chiêu mộ những người ở địa phương khác kế theo.
Tên tuổi, quê quán của họ liệt kê ở sau:
Nguyễn [] Hưởng quê thôn Trà Khê. Đỗ Văn Nhị quê xã Vọng Hải. Đỗ Văn Vưu quê xã Vọng Hải. Lê Văn Hiên quê An Biên Hải Phòng. Lê Xuân Kiều quê An Biên Hải Phòng. Đỗ Văn Vực quê xã Vọng Hải. Đỗ Văn Địch quê xã Vọng Hải. Lê Văn [] quê An Biên Hải Phòng. Nguyễn Đức Bội quê Hàng Kênh Hải An. Phạm Văn Càn, Phạm Văn Khảm quê Phong Cầu. Đỗ Văn [] quê xã Vọng Hải. Bùi Đức Tính quê xã Vân Quan. Phạm Đức Xuy quê xã Vân Quan. Phạm Văn Trạch quê xã Vân Quan. Ngô Văn Khai quê xã Trà Khê. Bùi Văn San quê Hi Tải An Dương. Bùi Đức Hoặc quê xã Vân Quan. Trần Văn Chiến quê xã Vọng Hải. Lê Văn Câu quê An Biên Hải Phòng. Đỗ Văn Tại quê xã Vọng Hải.

2/ Bia ký hiệu: N029992

 :  ,  , 。公。先。尊。一。其,其。溯。海[] 。通滿,築。彼,丁簿。數 [] 。再 []  [] 。蓋 .。享。今。為 . 。石
惟:阮 [] ,公,修,畫,本西,記。維簿。現,擇,擇,承退,其 [] . 
 [][]  []。杜

Dịch nghĩa:
Bia kí xã Hợp Lễ
Đỗ Văn Đãng quán Vọng Hải, Lê Văn Hành quán Trà Khê xã Phạm Văn Kinh quán Định Vũ (+ 21 người).
Năm Duy Tân thứ 7 (1913) xây dựng đình và tôn thiết thần hiệu để có chỗ thờ cúng, cho phép phụ nhập hai người Nguyễn Văn Thác quê ở Đồng Xá, Trần Văn Ưng quê ở Phục Hải vì các ông cúng cho làng 10 mẫu ruộng để thu phí tu tạo.
Năm Khải Định thứ nhất (1915) bắt đầu thu thuế ruộng gồm 500 mẫu, trong đó có 250 mẫu gồm 3 mảnh ruộng, 250 mẫu gồm 4 mảnh ruộng.
Năm Khải Định thứ 2 (1916), Thừa phái đạc điền viên đã vẽ ruộng đất của làng được 575 mẫu 3 sào 6 xích, đất hoang là 1 mẫu, đất sình lầy là 2 mẫu 2 sào, sông ngòi là 90 mẫu 8 sào, đường xá là 14 mẫu 6 sào, lập thành bản đồ giao cho dân giữ một bản.
Năm Khải Định thứ 5 (1920), nhận sức của quý quan phân đều ruộng đất công tư theo các hạng đinh và… tổng cộng là 45 suất, phân đều mỗi suất 10 mẫu làm ruộng đất riêng. Biếu khẩn chủ Đỗ Văn Đãng có công chiêu mộ dân lập thành xã 65 mẫu làm ruộng tư. Cộng lại là 515 mẫu ruộng tư còn lại 60 mẫu 3 sào phân làm ruộng công. Tổng cộng ruộng đất công tư, sông ngòi, đường xá, gò đồi bãi tha ma là 684 mẫu 9 sào 6 xích. Quan trên ghi chép, chia đều chuyển lên xin Khâm mệnh Bắc kỳ Thống sứ đại thần hội đồng nghị định xét duyệt và thông qua.
Nghị định số 2880 ngày 13 tháng 11 năm 1920 năm Khải Định thứ 5 (1920).
Năm Khải Định thứ 10 (1925) xuống lệnh lập ruộng cho dân xã… Chưởng bạ Trần Thành Kiều tập hợp dân xã chiếu theo số hiệu đất công tư đã được phân, đo đạc vẽ thành ruộng lập thành đồ bản đệ trình lên xin thẩm duyệt rồi giao cho dân xã giữ. Nay ruộng đất phân chia đã được vẽ xong trên bản đồ.
Năm Bảo Đại nguyên niên (1926) họp toàn dân xã để sắp xếp các chức vị và xuất tiền trang hoàng lại đình, đưa ra tục lệ. Nhân đó kê cứu dân trong xã từ năm Bính Ngọ Thành Thái thứ 18 đến nay hơn hai mươi năm dân số đã được hơn 100 nam phụ lão ấu và ngày một nhiều thêm. Một vùng ven biển đã trở thành làng xã trù phú, cây cối tốt tươi, nhiều người đến ở, sĩ công nông thương đều chăm chỉ làm ăn phát triển nghề nghiệp, trai tráng nộp đinh, ruộng đất nộp thuế, nguy nga miếu mạo. Trời che đất chở, muôn đời nước non, thần thánh hưng thịnh, mãi thành hương lệ.
Vào ngày 18 tháng 4 năm Quý Dậu Bảo Đại thứ 8 (1933) khẩn chủ Đỗ công húy Đãng mất, hưởng thọ 70 tuổi. Nguyên khẩn chủ sở hữu ruộng biếu 65 mẫu, chi phí cho dân khoản nào, bao nhiêu mẫu ở xứ nào, từng việc kê rõ phía sau:
Khoản: Dân xã xây đình cho phép phụ nhập hai người Nguyễn Văn Thác, Trần Văn Ưng. Cấp ruộng mười mẫu giúp đỡ chi phí cho người chạy việc giúp các quan. Khoản này xuất ra từ ruộng biếu của khẩn chủ.
Một khoản: Thừa phái đạc điền viên về đo vẽ ruộng đất chi phí quá nhiều nên dân xã bán cho Lê Văn Hiên hai mẫu ruộng tại xứ Đồng Trung thu tiền chi cho Đạc điền viên xuất ra từ ruộng biếu của khẩn chủ.
Một khoản: Dân xã nhớ đến công lao gian khổ vào buổi đầu của Lý trưởng Lê Văn Ngung cho nên biếu 3 mẫu ruộng tại xứ Đồng Ngoại, phía nam cạnh đường lớn cùng đất thổ cư của Văn Tụng. Khẩn chủ lại cho phép lấy 1 mẫu 5 sào ruộng tại xứ Đồng [] giáp Phạm Báo và đường, lại một mảnh 5 sào tại xứ Đồng Trung bán cho Bùi Đức Tính.
Khoản: Dân xã sửa sang đắp một con đường từ giáp xã Phong Cầu đến giữa làng, chi phí tốn kém. Khẩn chủ đồng ý xuất 2 mẫu ruộng giao cho Phạm Văn [] hỗ trợ chi phí sửa đường.
Khoản: Dân xã khiếu nại ruộng công, đi khai báo chi phí mất nhiều. Dân xã đã bỏ tiền nhưng vẫn còn chưa đủ, khẩn chủ đồng ý bỏ ra 7 sào 7 thước ruộng biếu bán cho Ngô Văn [] thu tiền giao cho dân chi vào khoản này.
Khoản: Đỗ Văn Vưu trước đây theo việc khai khẩn đất có công, chẳng may bất hạnh qua đời, vợ kêu cầu không có ruộng thêm. Khẩn chủ cho phép lấy 2 mẫu 5 sào ruộng biếu của khẩn chủ ở xứ Nội Đồng cấp cho người vợ, người này đã bán cho Bùi Văn Thứ.
Khoản: Trích ruộng biếu 3 mẫu ở xứ Ngoại Đồng cho dân làm ruộng thi tâm số hiệu của ruộng kê rõ phía sau: Một mảnh ruộng 1 mẫu 1 sào 10 thước ở xứ Ngoại đồng, phía đông giáp gò đất, phía nam giáp đường ngòi, số hiệu 144. Một mảnh ruộng 3 sào 2 tấc ở xứ Ngoại đồng (mờ 4 chữ), số hiệu 1300. Một mảnh liên khoảnh ruộng (mờ) 2 sào 2 thước 1 tấc, số hiệu 1313. Một mảnh ruộng liên khoảnh số hiệu 6314 rộng 8 sào 96 tấc. Một mảnh ruộng liên khoảnh số hiệu 1315 rộng 4 sào 2 thước 1 tấc.
Giữa tháng hai mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1935).
Kiến An Tiên Lãng Phú Kê Cử nhân Hàn lâm viện Kiểm tịch Nguyễn Hữu Thụy soạn văn bia. Nghệ An Diễn Châu Lý đình kinh thí tam trường Vũ Văn Tiêm viết chữ.

Chú thích:
(1) Bài viết này được hoàn thành với sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS Đinh Khắc Thuân. Nhân đây tác giả xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.
Tài liệu tham khảo
1.Địa chí Hải Phòng. Tập 1. Hội đồng sử học thành phố Hải Phòng. Nxb. Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, HP. 1990.
2.Thư mục văn bia Việt Nam. VNCHN 1986. 31 tập (đánh máy).
3.Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng. Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1998./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.417-430)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ