Bia miếu Mậu Hòa làng Tu Hoàng (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Bia miếu Mậu Hòa làng Tu Hoàng (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội)

BÚT TÍCH CỦA CỬ NHÂN LÀNG TU HOÀNG
ĐỖ BÍCH TUYỂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ông Cử làng Tu Hoàng, đó là danh hiệu cao quý mà dân làng Mậu Hòa huyện Hoài Đức thường nói về ông. Ông tên thật là Đàm Xuân Hướng, người làng Tu Hoàng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây.
Sách Quốc triều Hương khoa lục chép, Đàm Xuân Hướng năm 37 tuổi thi đỗ Cử nhân khoa thi năm Kỷ Dậu (1909) niên hiệu Duy Tân tại trường Hà Nam. Tư liệu này cho phéo chúng ta đoán định ông sinh vào năm Quý Dậu (1873) niên hiệu Tự Đức triều Nguyễn. Thế hệ ông có thể coi là lớp nhà Nho cuói cùng của chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam.
Thời bấy giờ nhiều người thi đỗ khoa trường, song chán ngán thế cuộc đảo điên nên thường lui về quê mở trường dạy học, như Cử nhân Hoàng Thúc Hội người làng Hạ Yên Quyết huyện Từ Liêm Hà Nội; Cử nhân Nguyễn Tất Tái, người làng Hành Thiện huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định; Cử nhân Đàm Xuân Hướng cũng là một trong những người như vậy.
Sinh thời ông là bậc hàn Nho. Sau ba chục năm chuyên cần đọc sách, lận đận lều chõng đi thi ông mới đỗ Cử nhân. Hoạn lộ thênh thang song cũng rất khắt khe với kẻ sĩ. Suốt cuộc đời ông chẳng giữ một trọng trách nào, ông chỉ được nhận một chức tản quan ở Hàn lâm viện - một viên kiểm tịch. Hoạn lộ như vậy chẳng thể coi là hanh thông, mà cái hanh thông lớn nhất đối với ông là sự tin yêu quí trọng của người dân bình dị ở làng quê, của những người đã đặt niềm tin trọn vẹn ở ông khi mời ông về dạy dỗ cho con em mình.
Sinh ra và lớn lên ở làng Tu Hoàng nhưng làng Mậu Hòa ở gần đó lại là đất để ông “dụng võ”. Theo tập tục xưa, những người thầy giỏi có tiếng tăm trong thiên hạ thường được dân làng mời về dạy dỗ cho con em. Với người dân Mậu Hòa, ông Cử Đàm Xuân Hướng là một trường hợp như vậy. Ngày nay, đến thăm Mậu Hòa, chúng ta vẫn được dân làng kể lại nhiều câu chuyện cảm động về ông giáo trường làng thuở ấy, họ gọi ông với cái tên vừa kính trọng vừa gần gũi: Ông Cử làng Tu Hoàng. Ấn tượng về một ông thầy trường làng miệt mài chăm chỉ, tận tâm tận lực giúp dân còn in đậm nét trong kí ức của người dân địa phương.
Làng Mậu Hòa còn gọi là Mậu trang, nằm bên tả sông Hát, bên kia là đỉnh núi Sài Sơn, sơn xanh thuỷ tú, phong cảnh thật hữu tình. Ấp thôn trù phú, dân làng chung sống có qui cổ lễ nghĩa, đặc biệt là tình cảm nồng hậu đối với con người, do vậy có không ít người dân quanh vùng đã đến sinh cư lập nghiệp ở đây. Như cụ Cử họ Vũ ở Hải Hậu, Nam Định…
Đền đáp lại thịnh thình ấy của dân làng Mậu Hòa, Cử nhân Đàm Xuân Hướng đã tự coi mình là người dân trong làng, nên mọi công việc của làng ông đều tích cực tham gia. Những đóng góp về mặt trí tuệ của ông không chỉ dừng ở những bài giảng ở trường làng, mà còn là những hàng câu đối ở nhà thờ họ Phí, họ Đỗ, họ Hoàng, là những văn bia ở quán Mậu, tháp chùa v.v…
Hiện any trong các di tích ở làng Mậu Hòa như quán mậu và một số nhà thờ họ lớn còn lưu lại khá nhiều bút tích của ông. Quán Mậu là đền thờ tướng quân họ Phạm, công thần triều Đinh. Trong quán hiện còn lưu giữ một tấm bia đá do ông viết vào năm Bảo Đaịi 5 (1930). Nội dung ghi việc xây dựng lại quán Mậu theo ý của tiền nhân. Tất cả những việc ghi trong văn bia đều là sự thực. Sự thực hiển nhiên được ghi lại rất sống động, giúp cho người dân Mậu Hòa có đủ tư liệu để xem lại chính mình, xem lại các tập tục truyền thống của tiền nhân. Thiết nghĩ đây cũng là tư liệu đáng quý, có thể giúp thêm cứ liệu cần thiết để tìm hiểu xã hội nông thôn Việt Nam thời xưa. Do vậy chúng tôi xin giới thiệu toàn văn.
BIA MIẾU MẬU HOÀ
Nước Nam ta đền miếu khắp thôn ấp, nhưng sự linh thiêng phần nhiều tìm thấy ở nơi sơn thanh thuỷ tú. Ấp ta xưa là ấp Mậu trang. Vào triều Đinh, Phạm đại vương đi du lãm, mến đất này bèn cho lập từ đường ở đó theo thế Càn sơn Tốn hướng. Ngọc tỉnh là nội minh đường, Hát giang là ngoại minh đường. Sau có sao Bắc đẩu dẫn mạch; Trước có Sài Sơn làm án. Đó chẳng phải là sơn thuỷ nghênh đón đình hay sao? Hương hỏa nhân duyên rất là linh ứng. Thần khí của ngài ở khắp trong thiên hạ, nhưng trong kí ức của người dân vẫn phảng phất thủa bình sinh ngài xa giá đến đây, lên xuống hai bên tả hữu, linh quang rực rỡ độ trì, dân thôn được ban phúc lớn. Giữa chừng lại sửa đổi hướng đình, nên rất sai với ý thờ phụng ban đầu.
Năm Khải Định thứ 10 (1925), các bậc kỳ lão huynh trưởng trong ấp cùng hội họp, chiếu theo hướng ghi trong bản ngọc phả cũ, bàn bạc với dân trong ấp, tất cả đều nhất trí: Cần phải quyên góp tiền của, mời thợ và mời quan huyện cũ là Vũ đại nhân (người xã Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định) đứng ra đặt la bàn xin với thần linh. Trải qua vài tháng mà miếu mạo lại được như xưa, thuỷ quang sơn sắc như cũ. Tuy rằng trải qua mấy độ vật đổi sao dời mà thu này lại thấy cảnh gò xưa. Ngày làm xong, thắp hương kính chúc ngài: Đại vương ta linh thiêng dường như cũng được an ủi, trên dưới ngàn năm, người còn lưu truyền, đất còn lưu truyền và sự việc này còn lưu truyền mãi mãi.
Nếu như vượng khí chung đúc, xóm làng khởi sắc hẳn sẽ không nhận ra quang cảnh xưa thế nào, bèn mượn bút ghi vào bia đá để ghi nhớ.
Ngày mồng 4 tháng 5 năm Bảo Đại 5 (1930) lập bia.
Thế Càn sơn Tốn hướng như ghi trong phả; Vũ đại nhân xin với thần linh, mượn lời thủ từ chỉ rõ phải lây phương Tý Ngọ làm chính mới hợp với tiền án Sài Sơn.
Cử nhân Đàm Xuân Hướng, người làng Tu Hoàng thuộc bản huyện, giữ chức Kiểm tịch ở Viện Hàn lâm, kính soạn.
Sau đó hai năm, năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), họ Phí làng Mậu Hòa tổ chức xây dựng nhà thờ họ để thờ phụng cụ tổ Phí Đăng Nhậm - Tiến sĩ triều Lê, ông có bài văn bia Mậu Hòa Phí tộc cung kỷ phả ký soạn năm Bảo Đại 8 (1933) và tặng một câu đối:
Vọng ấp phỏng văn khoa, Phí công hậu, Nguyễn công tiền tương huy Phật lục;
Danh khu chung vượng khí, Mậu chi sâm, Liễu chi trường, đồng diện đức căn.
(Hoàng triều Bảo Đại Nhâm Thân, Hàn lâm Kiểm tịch Đàm Xuân Hướng phụng soạn).
Tạm dịch là:
Tìm hiểu bản văn khoa ở vọng ấp, thời sau ông Phí, thời trước ông Nguyễn cùng rạng danh trong đăng khoa lục;
Chung đúc vượng khí tại xóm làng lừng danh, cành Mậu tốt, cành Liễu dài đều làm cho cội đức thêm bền vững.
(Năm Nhâm Thân (1932) triều Bảo Đại, Kiểm tịch Viện hàn lâm Đàm Xuân Hướng phụng soạn).
Tuy là câu đối viết cho họ Phí làng Mậu Hòa, song Đàm Xuân Hướng đã đề cập đến cả một vùng đất văn hiến Mậu Hòa và Dương Liễu. Ở Mậu Hòa có Phí Đăng Nhậm đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ triều Lê, làm quan đến Đô cấp sự trung Công khoa. Ở Dương Liễu có Nguyễn Danh Dự thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ năm 1685. Phải nói ông hiểu biết rất tường tận về quê hương Mậu Hòa, về mảnh đất linh thiêng và con người tài giỏi ở đây.
Thăm lại từ đường họ Đỗ, một vọng tộc lớn trong làng chúng tôi gặp được di bút của ông trên tấm bia Đại Đỗ tộc bi soạn năm Bảo Đại 9 (1934) và đôi câu đối lưu truyền đến ngày nay:
Tá Hoa động dĩ khai cơ, nhất thống sơn hà giai nghị lực,
Du Mậu lâm nhi phỏng cổ, ngữ châu phong hội thử sùng từ.
(Hương thục Tu Hoàng Cử nhân Hàn lâm Kiểm tịch Đàm Xuân Hướng bái tiến. Hoàng triều Bảo Đại Bính Tý niên).
Tạm dịch là:
Phò chúa động Hoa Lư gây dựng cơ đồ, thống nhất non sông đều nhờ nghị lực.
Thăm rừng quê làng Mậu kiếm tìm dấu cũ, năm châu vận hội lưu tại đền thiêng.
(Cử nhân Đàm Xuân Hướng người làng Tu Hoàng, giữ chức Hàn lâm Kiểm tịch bái tiến. Năm Bảo Đại Bính Tý (1936).
Không những ở làng Mậu Hòa mà ở những vùng gần đó, bút tích của ông còn lưu lại khá nhiều. Ở từ đường họ Hoàng ở xã Minh Khai huyện Hoài Đức hiện còn lưu giữ tấm bia Hoàng tộc bi ký do ông soạn vào năm Bảo Đại 14 (1939), và chúng tôi tin rằng sẽ còn nhiều bút tích của ông nữa mà chúng ta chưa được biết.
Năm 1936, Cử nhân Đàm Xuân Hướng còn có mặt ở làng Mậu Hòa. Kể từ năm ông thi đỗ Cử nhân (1909) đến đây đã ngót nghét 30 năm, có thể nói ông là một nhà giáo suốt đời tận tụy với việc đào tạo lớp người hậu kế, đồng thời cũng là một tác gia Hán Nôm có tâm huyết với đời. Tiếc rằng những tác phẩm của ông vẫn còn tiềm tàng trong dân gian, ít người biết tới.
Nhân một số bút tích của cụ Cử Đàm Xuân Hướng mới phát hiện trong chuyến đi thực địa sưu tầm tư liệu ở một huyện đồng bằng rất gần Hà Nội, chúng tôi nghĩ rằng có thể còn nhiều tác gia Hán Nôm có những tác phẩm bổ ích cho đời vẫn lặng lẽ nơi hang cùng ngõ hẻm. Mong rằng các cấp lãnh đạo sẽ có những phương hướng sưu tầm bổ sung để giới thiệu được rộng rãi cho mọi người.
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.454-460)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ